“Họ phải làm việc hoặc sẽ chết đói”, Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (tại vị từ năm 1987 – 2006) mô tả về cách mà các gia đình trong khu phố thời thơ ấu của mình phải vật lộn với cuộc sống lúc Đại khủng hoảng – thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940.
Người góp công lớn giúp định hình chính sách tiền tệ của nước Mỹ trong suốt 4 đời tổng thống trưởng thành trong một gia đình nghèo ở Washington Heights, thành phố New Yorrk.
Cha mẹ ly dị nên Greenspan không có nhiều cơ hội gặp cha. Ông phải trải qua một tuổi thơ gần như cô độc vì mẹ ông phải làm việc suốt ngày đêm. “Tôi gần như luôn ở một mình”, ông chia sẻ trong một buổi phỏng vấn đặc biệt của CNNMoney với chủ đề “Giấc mơ Mỹ: New York”. Theo đó, ông chính là một trong 5 công dân New York nổi bật nhất vì đã vượt qua nghịch cảnh và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Sự nghiệp, tài năng và trải nghiệm sống khác nhau nhưng cả 5 “công dân New York tiêu biểu” này đều có điểm chung là niềm đam mê duy trì và phát triển nhân tài cho các thế hệ mai sau.
Ngoài Greenspan, 4 nhân vật còn lại được CNNMoney chọn để phỏng vấn là Mickey Drexler – CEO J. Crew, Ursula Burns – Chủ tịch, cựu CEO Xerox, huyền thoại hip-hop Russell Simmons và CEO Starbucks Howard Schultz. Mỗi người trong số này đều đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công thậm chí vượt xa niềm mong đợi lớn nhất của chính mình.
Ở giai đoạn hiện tại, “giấc mơ Mỹ” dường như là một điều gì đó quá xa vời. Nhiều người Mỹ tin rằng đó là chuyện viển vông, rằng họ sẽ không bao giờ có thể chạm tới được. Và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đã khá thành công khi đưa ra quan điểm về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử của mình, rằng “giấc mơ Mỹ” đã chết và chỉ có ông mới làm cho nó sống lại. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy có một khoảng cách khá lớn giữa chính sách của Washington và những gì chính sách có thể làm được. Trong bối cảnh đó, cuộc đời của 5 nhà lãnh đạo kinh doanh tiêu biểu trên chính là một minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh bền bỉ của “giấc mơ Mỹ”.
Được phỏng vấn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, Greenspan cho biết ông vẫn rất lạc quan về “giấc mơ Mỹ”. “Trước khi băn khoăn, hãy nhớ rằng đây chính là cách mà nền kinh tế được nhìn nhận vào năm 1940. 10 năm sau đó, kinh tế Mỹ đã phát triển vượt bậc. Khi phải làm việc qua nhiều đời Tổng thống Mỹ như tôi, các bạn sẽ thấy, họ chẳng có gì đặc biệt. Họ chỉ là những người bình thường, đều có mặt tích cực và tiêu cực. Điều quan trọng là hệ thống của chúng ta làm việc rất hiệu quả”, Alan Greenspan nói.
Greenspan – người sẽ bước sang tuổi 91 vào tháng 3 tới – từng là một cậu thiếu niên học hành tốt nhưng không thích làm bài tập về nhà. Khi đó, ông dồn nhiều thời gian cho niềm đam mê âm nhạc. Sau khi hoàn thành bậc trung học, ông hoãn học đại học một năm để tham gia chơi trong một ban nhạc jazz swing. Nhưng thay vì hút cần sa mỗi khi giải lao giống như các thành viên khác trong ban nhạc, ông thích tránh đi một nơi để đọc sách hơn. Sau một năm, Alan Greenspan nhận ra mình thuộc về thư viện chứ không phải là những hộp đêm. Ông quyết định theo học Đại học New York và lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế tại đây.
Greenspan tin rằng rất nhiều thành công của ông đến từ thực tế rằng ông xuất thân từ tầng lớp có thu nhập thấp. “Càng ở dưới thấp, bạn càng có cảm giác cạnh tranh nhiều hơn. Nếu nhận được nhiều sự giúp đỡ, tôi không nghĩ rằng mình có thể gặt hái được những thành quả như vậy. Tôi luôn có một ý thức sâu sắc rằng những người được sinh ra thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội thường có ít lợi thế hơn”, ông khẳng định.
Greenspan mở công ty tư vấn các vấn đề kinh tế vào năm 1954, khi mới 26 tuổi. “Tôi nhận ra rằng việc gia nhập vào một công ty rồi thăng tiến dần dần mất quá nhiều thời gian. Vì thế, tôi tự kinh doanh riêng, rồi “thăng tiến” theo cách đó”, ông chia sẻ.
Năm 48 tuổi, Greenspan được Tổng thổng Richard Nixon chọn làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Mỹ – vị trí mà ông tiếp tục đảm nhiệm ở nhiệm kỳ sau đó của Tổng thống Gerald Ford. Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Kinh nghiệm làm việc lâu năm tại ngân hàng trung ương hàng đầu nước Mỹ giúp Greenspan có một góc nhìn thú vị về Phòng Bầu dục (Văn phòng Tổng thống, nằm ở cánh tây Nhà Trắng). Ông cho biết, vị tổng thống ông thích nhất là Gerald Ford, nhưng tin rằng Bill Clinton là tổng thống giỏi nhất.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Alan Greenspan từng sợ rằng quá khứ nghèo khó của mình sẽ bị nhiều người đánh giá, nhưng ông đã sai. “Tôi đã nghĩ sẽ không thể nào gia nhập vào hàng ngũ những “công dân cấp cao” của xã hội Mỹ, nhưng sự thật không phải như vậy. Trước năm 30 tuổi, tôi hầu như đã tham gia vào mọi câu lạc bộ đắt đỏ nhất. Tôi có cảm giác như nhiều rào cản đã được phá vỡ”, cựu Chủ tịch FED chia sẻ khi nhớ lại lần đầu tiên được tham gia Duquesne Club ở Pittsburgh (bang Pennsylvania) – một câu lạc bộ nổi tiếng với sự tham gia của nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng như Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton, Colin Powell… và có mức phí thành viên ban đầu 9.000 USD/người kèm theo phí thường niên 4.000 USD/người.
Sự chuyển động theo hướng ngày càng đi lên chính là trung tâm của “giấc mơ Mỹ”. Dựa vào khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ, Alan Greenspan tin rằng “giấc mơ” này vẫn hoàn toàn khả thi trong thời đại ngày nay: “Nếu hỏi tôi có băn khoăn về những điều ở tương lai gần hay không, thì tôi phải nói là Có. Nhưng còn về lâu dài? Câu trả lời là Không!”.