Có 3 loại đại diện công ty tại cảng: Loại thứ nhất thường bị thua cuộc. Loại thứ hai thua cuộc một hay hai lần trong tổng số 10 lần. Và loại thứ ba thì luôn luôn thành công. Lý do 2 loại đầu thua cuộc là bởi họ mắc phải “hội chứng vừa đủ”, cho rằng mình làm như vậy là đủ rồi, nhưng thường là thất bại…
Có rất nhiều người mắc phải “hội chứng vừa đủ”. Họ làm một lượng công việc chừng mực, và có một thời lượng giải trí vừa đủ.
Những người nỗ lực hết sức mình không bao giờ có biểu hiện của hội chứng vừa đủ này, khi làm bất cứ việc gì họ cũng không bao giờ phí phạm thời gian. Vừa đủ không tốt chút nào cho những người cố gắng hết sức mình.
“Từ khi bắt đầu kinh doanh, tôi không bao giờ chịu được kiểu “hội chứng vừa đủ” ở công nhân. Nó không mang lại cái gì cho cá nhân cũng như cho xã hội”, ông Kim Woo Choong – cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo, người được coi như huyền thoại kinh doanh tại Hàn Quốc tâm sự trong cuốn hồi ký của mình.
“Làm thế là đủ rồi” và những kẻ thất bại
Vào năm 1967, khi Daewoo mới được thành lập, hầu như mọi sản phẩm xuất khẩu vẫn còn được chuyên chở bằng tàu. Kỹ nghệ chuyên chở lúc ấy không phát triển cho lắm, đồng thời kéo theo sự cạnh tranh gay gắt để xếp được hàng lên tàu rồi chở đi.
Nếu không giành được tàu đúng lúc, Daewoo phải chờ ít nhất là một tuần mới có chuyến khác và mọi nỗ lực sản xuất căng thẳng trước đó cho kịp thời gian giao hàng đều về con số 0.
Toàn bộ tài sản của công ty phụ thuộc vào việc có giành được tàu hay không, vì vậy áp lực và trách nhiệm của các đại diện tại bến cảng vô cùng quan trọng. Thậm chí, có trường hợp hàng một công ty đã bốc lên tàu rồi và sau khi người đại diện trở về mãn nguyện thì hàng bị dỡ xuống và thay thế bởi hàng của công ty khác.
Theo quan sát của ông Kim, điều thú vị là có 3 loại đại diện công ty tại cảng.
Loại thứ nhất cảm thấy rằng đi về sau khi xác nhận là hàng công ty mình đã tới bến tàu thì cũng đủ tốt rồi.
Loại thứ hai muốn là hàng tới bến cảng và ở lại cho tới khi người ta bốc hàng.
Loại thứ ba ở lại để xác nhận là tàu đã nhổ neo đi.
Và ông nghiệm ra rằng: Loại đại diện thứ nhất thường bị thua cuộc. Loại thứ hai thua cuộc một hay hai lần trong tổng số 10 lần. Và loại thứ ba thì luôn luôn thành công.
“Hai loại đại diện đầu chỉ làm điều họ nghĩ rằng đủ tốt vào những lúc ấy, nhưng thường là thất bại. Tôi ra lệnh cho đại diện công ty ở lại bến cảng cho đến khi thực sự tàu đã vượt quá tầm chân trời. Đó mới gọi là hoàn tất xong sản phẩm. Kết quả là chúng tôi không hề bị chuyến hàng nào tắc tại bến cảng và luôn giao hàng đúng hẹn”, ông Kim kể.
Từ những trải nghiệm của bản thân, dẫu làm gì vị cựu Chủ tịch này cũng muốn làm cho hoàn hảo, và ông cho biết đó là chìa khoá dẫn tới thành công. Ông cũng đã truyền nguyên tắc làm việc tới mức hoàn hảo này cho nhân viên, yêu cầu là nguyên tắc phải áp dụng cho mọi điều chứ không phải chỉ cho sản phẩm.
“Tôi hy vọng lớp trẻ ngày nay sẽ đắm mình vào những hoạt động mang tính sáng tạo và nổi bật chứ đừng chỉ học “vừa đủ” và làm theo một số đông người khác. Hãy chọn những gì đúng cho bạn, những khả năng cơ bản và dành cho những việc đó với tất cả nỗ lực của mình”.
“Chỉ lúc đó, mồ hôi của những nỗ lực ngày hôm qua mới tiếp tục đưa lại kết quả cho ngày mai. Dù đang học hoặc đang kiếm sống thì khái niệm ‘Vừa đủ không bao giờ là vừa đủ cho bạn cả’”, huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc nay đã 81 tuổi khuyên nhủ.
Từ giấc ngủ trưa đến sự trì trệ của một nền kinh tế
Cách đây chừng 3 năm, FPT từng vấp phải sự phản đối của nhiều người khi cấm nhân viên ngủ trưa. Ông Đỗ Cao Bảo – Phó Tổng Giám đốc CTCP FPT, lúc bấy giờ là Chủ tịch HĐQT FPT IS – đã giải thích rằng: Việc cấm cán bộ nhân viên FPT ngủ trưa tại khu làm việc là vì sự nghiệp toàn cầu hóa.
“Các đối tác đã chân tình khuyên chúng ta muốn lấy được hợp đồng của họ, muốn vượt lên so với Ấn Độ và Trung Quốc thì nên bỏ thói quen ngủ trưa”, ông Bảo giãi bày.
Tư duy này khá trùng hợp với suy nghĩ của huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc – ông Kim Woo Choong, cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông chia sẻ: Mỗi khi du lịch sang Châu Âu, ông nhận thấy những miền ở Bắc nước Pháp, có nền kinh tế trù phú trong khi những miền ở phía Nam lại có nền kinh tế khá yếu kém.
“Có lẽ không có sự giải thích mang tính khoa học cho sự khác biệt này. Nhưng theo ý kiến của bản thân tôi, sự khác biệt đó có thể giải thích vì giấc ngủ trưa”, ông Kim nói.
Ở miền dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, dân thành thị và nông thôn đều có tập quán ngủ trưa trong một hay hai tiếng sau bữa cơm trưa.
“Tôi không hiểu nổi làm sao người ta có thể ngủ vào thời điểm quan trọng như thế. Mọi công nhân đều ngủ trưa, họ ra khỏi xưởng cùng giờ và phần lớn các cửa hiệu đóng cửa trước 8 giờ. Khi cả xã hội đều như vậy sẽ dẫn tới sự mất mát giờ lao động rất nghiêm trọng”.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng ngủ trong ngày là điều mà chúng ta cần phải suy xét lại”, ông Kim chia sẻ.
Và ở miền có thói quen ngủ trưa ấy, có một vẻ chậm chạp dường như ăn sâu vào trong hành động và tinh thần của những người dân nơi này. Ở một mức độ nào đấy, điều này có thể hiểu như là một đặc tính cá nhân hay của một vùng, nhưng với cựu Chủ tịch Daewoo, ông coi đó như là một “hội chứng vừa đủ”, nghĩa là làm một lượng công việc chừng mực và có một thời lượng giải trí vừa đủ.