Ông Trương Công Thắng – người đã đưa Masan Consumer trở thành một đế chế về hàng tiêu dùng nhanh, đã quay trở lại tập đoàn sau gần 4 năm vắng bóng.
Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 23/6 vừa qua của Masan Consumer ( MCH ) đã thống nhất việc tăng số lượng thành viên HĐQT lên 6 và bầu bổ sung 1 thành viên vào HĐQT. Theo đó, các cổ đông của công ty đã thống nhất bổ nhiệm ông Trương Công Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Nguyễn Đăng Quang rút xuống đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT.
Ông Thắng – người rời khỏi vị trí Tổng giám đốc vào năm 2013 – vốn là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Masan Consumer, một trong những người có đóng góp lớn trong việc đưa doanh nghiệp này trở thành một “thế lực” trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Sự xuất hiện trở lại của ông Thắng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Masan Consumer có xu hướng chững lại. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên năm 2017, doanh thu hợp nhất của Masan Consumer giảm 17% từ 2.400 tỷ xuống 2.000 tỷ đồng.
Sự sụt giảm được ban lãnh đạo giải thích là do công ty tập trung tăng trưởng bán hàng đến người tiêu dùng và tối ưu hàng tồn kho tại các nhà phân phối. Thay đổi này, theo Masan Consumer sẽ gây tác động đến kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhưng cho rằng công ty sẽ có vị thế tốt hơn vào nửa cuối 2017 và đảm bảo tăng trưởng bền vững trong trung, dài hạn.
Mặc dù vậy, sự xuất hiện trở lại của ông Thắng có thể xem như nước cờ chiến lược, “chiếc đai” an toàn cho Masan Consumer khi chính vị lãnh đạo này đã đóng vai trò quan trọng gây dựng lên công ty cách đây 10 năm – thời điểm mà Masan Consumer vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh.
Với hàng chục năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia như P&G, ông Thắng trở thành một cái tên sáng giá trong đội ngũ lãnh đạo khi gia nhập Masan từ năm 2002. Sau đó 5 năm, đến ngày 25/12/2007, ông Thắng chính thức giữ vị trí Tổng giám đốc điều hành, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Masan Consumer.
Nhờ kinh nghiệm trong những năm tham gia Masan và thời kỳ làm việc tại P&G đã giúp ông Thắng nhanh chóng đưa ra chiến lược phát triển phù hợp cho Masan Consumer.
Dấu ấn của vị lãnh đạo này tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FCMG) của Masan có được ngay trong năm đầu tiên chèo lái con thuyền Masan Consumer. Năm 2008, doanh thu của công ty tăng gần gấp 3 lên 1.922 tỷ đồng so với 660 tỷ đồng của năm 2007. Lợi nhuận sau thuế gấp 4,5 lần, đạt hơn 380 tỷ đồng.
Sau giai đoạn bùng nổ…
… doanh thu và lợi nhuận của Masan Consumer đã chững lãi/suy giảm kể từ năm 2014
Mặc dù vậy, vị lãnh đạo này cho rằng, kết quả kinh doanh năm 2008 của công ty vẫn còn khiêm tốn do chưa dự báo đúng mức độ tăng trưởng quá nhanh của các ngành hàng mà công ty hướng tới trong thị trường. Theo đó, Masan Consumer đã đề ra chiến lược nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy cũng như hoàn thiện chuỗi hoạt động từ nguồn cung ứng – thu mua, kế hoạch và Logistics.
Đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vì thế mà được duy trì và tăng cao trong những năm sau đó. Chỉ sau 6 năm, đến năm 2013 doanh thu của Masan Consumer đã đạt gần 12.000 tỷ đồng với 3.270 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, biên lợi nhuận gộp duy trì trên 40% – con số giúp hàng tiêu dùng nhanh trở thành một trong những lĩnh vực mang lại tên tuổi cho Masan.
Năm 2013 cũng đánh dấu sự thành công của Masan trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động, không chỉ có mảng kinh doanh nước chấm. Mảng đồ uống đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gấp gần 10 lần từ năm 2011 đến 2013, trong khi mảng mỳ ăn liền tăng gấp đôi từ 1.477 tỷ lên 4.041 tỷ đồng vào năm 2013.
Đầu năm 2014, ông Trương Công Thắng xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc vì lý do cá nhân, Masan đã công bố bổ nhiệm ông Seokhee Won (Phó Chủ tịch cấp cao của Unilever với 22 năm công tác) vào vị trí Tổng giám đốc của Masan Consumer.
Sau sự rút lui của vị thuyền trưởng này, mặc dù Masan Consumer vẫn tiếp tục tăng trưởng về doanh thu nhưng tốc độ đã chững lại và bốc lộ nhiều yếu tố không chắc chắn. Đặc biệt trong bối cành ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG có tăng trưởng với tốc độ cao trong những năm gần đây.
Theo báo cáo của Nielsen, gia vị được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là nước mắm và nước tương nhưng các thương hiệu chính của Masan Consumer vấp phải sự cạnh tranh khá mạnh đến từ Knorr của Unilever, Maggi của Nestlé hay Aji-ngon của Ajinomoto.
Ngành gia vị/nước chấm – chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Masan Consumer, duy trì tốc độ tăng trưởng chỉ còn từ 2 – 5% mỗi năm trong 3 năm gần đây.
Thị phần nước mắm và tương ớt vẫn duy trì mức tăng nhẹ thì thị phần sản phẩm nước tương (dòng sản phẩm mang lại tên tuổi cho Masan gắn liền thương hiệu Tam Thái Tử và Chinsu) giảm từ 71,2% còn 70% toàn thị trường.
Mỳ ăn liền – đóng góp từ 30 – 40% cơ cấu doanh thu của Masan Consumer với 2 dòng sản phẩm chính là Kokomi và Omachi sau khi đạt đỉnh doanh thu vào năm 2014 với 4.187 tỷ đồng đã sụt giảm liên tục trong 2 năm sau đó. Thị phần của Masan trên thị trường cũng giảm từ mức 25,7% năm 2013 xuống 24% năm 2016 (theo báo cáo thường niên).
Còn dòng sản phẩm đồ uống, mức tăng trưởng chủ yếu nhờ chiến lược M&A do công ty thực hiện. Cuối năm 2015, Masan Consumer đã thâu tóm Nước khoáng Quảng Ninh, sau khi mua gần 66% cổ phần của doanh nghiệp này. Đây cũng là nguyên nhân giúp doanh thu Masan Beverage năm 2015 tăng gấp đôi 2014.
Kết quả sụt giảm nhìn thấy rõ nhất khi doanh thu của công ty từ năm 2013 đến 2016 tăng từ ngưỡng 12.000 tỷ lên 13.800 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm từ ngưỡng hơn 3.200 tỷ chỉ còn 2.800 tỷ đồng.
Do vậy, sự trở lại của ông Thắng với vai trò cao hơn – Chủ tịch HĐQT của Masan Consumer có thể là lời giải giúp công ty này thoát khỏi chuỗi thời gian chững lại trong những năm gần đây.