Một trong những thứ mà startup cần làm nếu muốn mua thời gian và làm chậm quá trình sao chép của thị trường là phải biết tạo ra những “rào cản cạnh tranh” cho mô hình kinh doanh của mình mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “entry barriers”.
Nhà sáng lập Phở 24 – Lý Quí Trung |
Mấy năm quay lại Sài Gòn thấy nhiều thay đổi.
Đập vô mắt là các toà nhà mới, các khu căn hộ cao cấp mọc lên khắp nơi. Saigon Pearl danh giá ngày nào bây giờ chỉ là bóng mờ so với những dự án trùng trùng điệp điệp ngay kế bên.
Đặc biệt là thị trường F&B (Food & Beverage), chưa bao giờ thấy phát triển ồ ạt, dày đặc như vậy. Đi đâu cũng thấy hàng quán muôn màu muôn vẻ. Nổi bật nhất là các nhà hàng, cà phê cao cấp, đầu tư bài bản từ trong ra ngoài, có tiệm đầu tư một vài triệu USD như chơi. Nói chung trình độ nghề “làm dâu trăm họ” ở Sài Gòn bây giờ đã lên một đẳng cấp khác.
Người hưởng lợi đầu tiên phải kể đến là người tiêu dùng, chưa bao giờ mà thực khách có một sự chọn lựa phong phú và chất lượng như vậy.
Người hưởng lợi kế tiếp chắc chắn là giới chủ nhà, những người có mặt bằng cho thuê – còn gì bằng khi cung vượt cầu. Nghe nói có những mặt bằng đắc địa tiền thuê nhà có khi lên đến mấy chục ngàn USD, không thua gì các thành phố phát triển nhất nhì thế giới.
Chỉ có mấy em khởi nghiệp còn non trẻ mê ngành ẩm thực này là phải coi chừng. Vì không khéo là bước thẳng vào một đại dương đã nhuộm màu đỏ choé. Tiệm cơm, tiệm phở, tiệm mì, tiệm bún gì cũng xâu xé đúng một người khách. Cà phê cũng vậy, đủ loại, đủ hình thức nhưng cũng nhắm vô bấy nhiêu đấy khách thôi. Một vài chuỗi lên ngôi nhưng biết bao nhiêu tên tuổi nhỏ âm thầm thay bảng hiệu.
Cạnh tranh vô cùng gay gắt. Muốn tránh “đại dương đỏ” thì phải vào “đại dương xanh” nơi chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nhưng nghĩ ra một mô hình kinh doanh mới đâu phải dễ, chưa kể vừa trình làng cái mới đã bị thị trường “copy” liền tức khắc, nên xanh cũng thành đỏ trong chốc lát!
Một trong những thứ mà nhà khởi nghiệp cần làm nếu muốn mua thời gian, làm chậm trễ quá trình sao chép của thị trường là phải tạo ra những “rào cản cạnh tranh” cho mô hình kinh doanh của mình mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “entry barriers”.
Càng nhiều rào cản cạnh tranh càng tốt. Và, rào cản càng lớn, càng phức tạp thì đối thủ cạnh tranh càng khó sao chép. Mô hình “nước mía siêu sạch” trước đây là một ví dụ của mô hình kinh doanh không có rào cản cạnh tranh đáng kể, vì cơ bản ai cũng có thể đặt mua cái máy ép mía và cho nhân viên của mình đeo găng tay đàng hoàng.
Có người thắc mắc vậy chẳng hay mô hình kinh doanh của mình là độc nhất vô nhị nhưng lại quá đơn giản thì phải làm sao? Chẳng lẽ không khởi nghiệp được?
Câu trả lời là, tốt quá cứ làm, nhưng không thể làm chuỗi, làm lớn được, vì rủi ro quá lớn. Nếu muốn làm lớn thì không có cách gì khác – phải tìm cách tạo ra một vài rào cản cạnh tranh. Phải tìm cách “phức tạp hoá” những thứ đơn giản!
Hamburger thì ai cũng biết làm nhưng để làm được cái mùi hamburger của McDonald’s thì không phải dễ vì các thành phần bên trong chiếc bánh được sản xuất riêng cho McDonald’s. Và, dĩ nhiên kích thước cửa hàng, vị trí cửa hàng, vốn đầu tư vào cửa hàng và biết bao nhiêu thứ khác đã làm cho thị trường sao chép phải chùn bước. Vẫn bị copy nhưng ít, khó.
Nói về rào cản cạnh tranh thì có thể nói cả ngày. Còn rất nhiều cách thức khác mà người chủ mô hình kinh doanh có thể làm để gây khó khăn cho những ai muốn sao chép nhưng phải nói có một thứ mà tôi luôn tâm đắc, đó là thương hiệu. Thương hiệu khó sao chép nhất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhưng ngặt nỗi muốn “có thương hiệu” thì phải tồn tại và vượt qua vấn nạn sao chép trước cái đã! Khó quá!
Ngay cả khi đã có thương hiệu rồi thì còn một thứ nặng ký khác nữa phải vượt qua, đó là làm sao duy trì được phong độ một cách bền vững. Nghĩa là làm sao tiếp tục có lãi, gia tăng lợi nhuận tỷ lệ thuận với số lượng cửa hàng mở ra – chứ không phải tỷ lệ nghịch.
Vì mục tiêu cuối cùng của kinh doanh là phải có lãi. Nếu không thì tất cả sẽ trở thành vô nghĩa.