Author Archives: Hung Dao

Sách hay về cách người Đức đưa đất nước trỗi dậy thần kỳ

Cuốn sách “Cách của người Đức” mang tới cái nhìn toàn cảnh về cấu trúc chính trị, nền kinh tế của nước Đức, cho thấy tầm ảnh hưởng của quốc gia này với EU.

Trụ sở “đầy màu sắc” của Facebook tại Singapore

Trụ sở của Facebook ở Singapore đã chính thức được chuyển sang vị trí mới sau khi công ty vừa lên kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu với chi phí 1 tỷ USD tại đây. Hãy cùng xem những hình ảnh mới nhất về trụ sở Marina One.

Với diện tích khá khiêm tốn 24.000 mét vuông – bao gồm 4 cấp độ, đủ sức chứa cho khoảng 1.000 người và 3.000 trạm máy, trụ sở Marina One khá phù hợp với vị trí địa lý chật hẹp của Singapore.

Trước đó, gã khổng lồ đã khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu 11 tầng lớn nhất Châu Á tại Singapore với chi phí lên tới 1 tỷ USD. Có vẻ như Facebook đang dồn lực để phát triển khu vực Châu Á – Thái Binh Dương, bởi đây là thị trường có tới “894 triệu người trong tổng số 2 tỷ người dùng của Facebook”, trích lời Dan Neary – Phó chủ tịch Facebook khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Facebook luôn nổi tiếng là nơi làm việc lý tưởng với những thiết kế độc đáo, nhiều màu sắc, trụ sở mới Marine One ở Singapore cũng không ngoại lệ. Hãy cùng khám phá không gian thoáng đãng của Marina One bằng những hình ảnh được lấy từ Instagram:

Quầy lễ tân

Cafe 30

Một cầu thang từ quầy lễ tân sẽ dẫn mọi người lên tầng 30 – nơi có quán cafe với tên gọi Cafe 30

Đây là quán ăn tự phục vụ 3 bữa mỗi ngày dành cho tất cả nhân viên của Facebook và tất nhiên tất cả đều miễn phí.

Với sự đa dạng về ẩm thực, bạn có thể lựa chọn bất cứ đồ ăn nào ở đây, từ ẩm thực địa phương Singapore hoặc Trung Quốc, cho đến những món ăn ngon nhất của Địa Trung Hải, Ý và thậm chí là cả Ấn Độ, các món sa lát bổ dưỡng, bánh ngọt.

Không những thế quán cafe còn có khu vực “help desk” với đầy đủ máy tính để hỗ trợ nhân viên trong thời gian nghỉ ngơi.

Không gian nghệ thuật

Có 18 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong khuôn viên nhà ở được tạo ra từ chương trình “Nghệ sĩ trong nhà ở” của Facebook. Chương trình được thiết kế để truyền thêm cảm hứng và tái hiện cộng đồng tạo ra thách thức làm việc cho công ty.

Mỗi tác phẩm đều có mô tả cũng như thông tin tác giả ở cạnh bên, họ là những nghệ sĩ đến từ bất cứ nơi nào ở Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Singapore.

Nơi làm việc

Đây là một không gian với công suất tối đa có thể chứa được 3.000 trạm máy và hơn 1.000 người làm việc.

Máy bán thiết bị công nghệ có tên “Hack”

Có lẽ đây là một trong những máy bán tự động tiện nhất ở đây, “Hack” chuyên phân phối những thứ bạn cần như chuột, bộ điều hợp nguồn, bàn phím thực tế để bạn có thể tiếp tục công việc của mình mà không gặp nhiều trở ngại.

Không gian mở

Nhân viên có thể ngồi tại đây và bàn luận công việc nếu họ cảm thấy chán bàn làm việc của mình, khu vực này nằm ngay bên dưới quán Cafe 30.

Không gian này được chia làm nhiều khu vực nhỏ với các thiết kế hoàn toàn khác nhau, đôi khi làm cho người khác có cảm giác như đang ở nhà mình vậy. Ví dụ như thiết kế một chiếc bàn nhỏ một vài chiếc ghế nhiều màu sắc như thế này:

Hay là một nơi dành riêng cho cuộc thảo luận giữa 2 người:

Một nơi làm việc ấm áp khác:

Thỏa sức sáng tạo

Tại Facebook có một khu vực đặc biệt gọi là Faceebook Wall – nơi bạn có thể viết bất cứ mọi thứ theo ý muốn mà không phải nghe bất cứ lời phàn nàn nào.

The Fountain

Trụ sở Mariana One cũng là nơi đặt nền móng cho các đối tác đầu tiên của Facebook ở thị trường Châu Á, tại đây có còn có một khu vực có tên the Fountain – được lấy cả hứng từ việc thả biểu tượng cảm xúc trên Facebook. Có 5 bảng tương tác The Fountain màu xanh được treo lên tường và mọi người có thể sử dụng các biểu tượng cảm xúc của Facebook bằng cách ném chúng vào bảng như ném đồng xu vào đài phun nước.

Instagram

Tất nhiên không thể thiếu khu vực dành riêng cho Instagram với những hình ảnh được đặt trong khung vuông quen thuộc.

The Spark

Tại đây bạn có thể kiếm tra được cách một bài đăng trên Facebook có thể gây ra những chuyển động hay tạo ra sự kiện nào, tất cả sẽ hiện lên chỉ bằng một nút ấn tay lên màn hình.

The Globe

Đây là một mô hình làm hoàn toàn bằng sô-cô-la thể hiên quy mô giữa các cộng đồng Facebook trên toàn thế giới.

Kiểm tra độ an toàn

Tại Globe, một tính năng được hiển thị đó là “Kiểm tra sự an toàn”, giúp mọi người kiếm tra mức độ % an toàn và kết nối với những người thân của mình trên toàn thế giới nếu như xảy ra bất cứ thảm họa hoặc diễn biến xấu nào.

Nơi có nhiều ghế sofa cho đối tác ngồi thư giãn

Đồ thị Analog Outpost

Đây là một trong 7 biểu đồ Outpost của Facebook trên toàn cầu, nó cho phép nhân viên tạo áp phích, hình dán và phù hiệu cho riêng mình.

Khu vực với thiết kế nhiều màu sắc sinh động.

Wayfinder

Đừng lo lắng nếu bạn trót lạc đường trong trụ sở Facebook, vì các bảng chỉ dẫn điện tử có tên Wayfinder được gắn quanh tòa nhà giúp bạn có thể tra cứu xem mình đang ở chỗ nào.

Jollibee tuyên bố sẽ cạnh tranh trực diện với KFC trên toàn thế giới

Jollibee Foods, công ty đồ ăn nhanh Philippines đang nhắm tới việc cạnh tranh với KFC để trở thành thương hiệu toàn cầu.

Ernesto Tanmantiong – CEO công ty nói rằng đang tìm thêm các thương vụ thâu tóm ở Mỹ và Trung Quốc đồng thời lên kế hoạch mở 25 nhà hàng tại Anh trong vòng 5 năm tới.

Ông nói rằng Jollibee sẽ tìm cách phục vụ cộng đồng dân cư gốc Philippines – dự kiến khoảng 300.000 người riêng ở Anh và thấy “cơ hội để phục vụ” những khách hàng không phải người Philippines vẫn chưa biết đến họ.

“Đó là tầm nhìn của Jollibee – để trở thành một thương hiệu toàn cầu”, ông Tanmantiong nhấn mạnh.

Công ty này hiện đạt vốn hóa thị trường 5 tỷ USD – đã mở cửa hàng đầu tiên tại châu Âu ở Milan vào tháng 3. Họ lên kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng nữa ở Ý, Guam và Tây Ban Nha vào năm 2020. Công ty hiện đã có 41 cửa hàng ở Bắc Mỹ – 1 ở Hong Kong và 1 ở Macau.

Ngoài thương hiệu đồ ăn nhanh Jollibee, công ty này còn sở hữu chuỗi đồ ăn Smashberger của Mỹ, quán cà phê Highlands và Phở 24 của Việt Nam; nhượng quyền Burger King tại Philippines và điều hành Dunkin’ Donuts ở một vài khu vực ở Trung Quốc.

Tanmantiong nói rằng “giấc mơ” của Jollibee là lặp lại thành công đạt được tại Philippines ở Việt Nam – một quốc gia có kích thước kinh tế tương tự và đang tăng trưởng ở mức 7% một năm.

Jollibee trước đó đã tuyên bố vào ngày 20/10 rằng họ sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở London nhưng đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao chính thức nói về kế hoạch mở rộng ra nước Anh.

“Nước Anh có một lượng lớn dân số là người Philippines và chúng tôi cũng nghĩ rằng các sản phẩm của Jollibee có thể ‘vượt rào’ – đáp ứng nhu cầu của cả những người dân địa phương. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn của rất nhiều cửa hiệu ở Anh”.

Jollibee nổi tiếng tại Philippines với món gà rán chickenjoy, spaghetti ngọt và burger. Hãng này cho biết đang vẽ ra bản đồ những địa điểm sẽ mở tại London và những nơi khác ở Anh nhưng chưa đưa ra thông tin chi tiết.

“Chúng tôi tin rằng mình có sản phẩm tốt hơn KFC. Chúng tôi thấy rằng KFC có rất nhiều cửa hàng tại Anh, bán cùng một loại gà rán như vậy và chúng tôi nghĩ rằng mình có cơ hội tốt để phục vụ thị trường đó”.

Ông Tanmantiong nói rằng nếu 25 cửa hàng đầu tiên thành công, “tôi chắc chắn sẽ có cơ hội lớn để phát triển tại Anh”.

Một cửa hàng Jollibee tại Việt Nam.

Jollibee hướng sự chú ý tới Anh kể từ năm 2017 khi họ tổ chức buổi thảo luận về việc mua hãng Pret A Manger của Anh. Tuy nhiên, nhà sáng lập và chủ tịch Tony Tan Caktiong nói rằng mức giá quá cao.

Ysmael Baysa – Giám đốc tài chính của Jollibee nói rằng công ty “luôn sẵn sàng cho những thương vụ thâu tóm” và trên thực tế họ đang tìm cách thâu tóm những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu bằng tiền mặt.

Ông Baysa nói dự kiến SuperFoods – công ty sở hữu Highlands Coffee và Phở 24 sẽ niêm yết tại Việt Nam vào năm 2019.

Tháng trước, công ty đã trả 12,4 triệu USD cho 47% cổ phần Tortas Frontera – một chuỗi đồ ăn của người Mexico được thành lập bởi đầu bếp Rick Bayless nhằm đẩy mạnh vào mảng bữa tối “nhanh”.

Nhiều chuyên gia thì lo ngại rằng liệu thực đơn của Jollibee khó có thể phù hợp những khách hàng nước ngoài hay không, ông Tanmantiong tự tin khẳng định với FT rằng Jollibee có thể hấp dẫn cả những khách hàng không phải người Philippines.

Vân Đàm / FT

Nhà cung cấp cho Apple muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến nhiều nhà cung cấp cho Apple cân nhắc chuyển đi để né thuế.

GoerTek (Trung Quốc) – hãng lắp ráp tai nghe AirPods đã thông báo với các nhà cung cấp về dự định chuyển sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam, Nikkei cho biết. GoerTek đã đề nghị các nhà cung cấp trong dây chuyền sản xuất AirPods trong tuần trước xác nhận có thể chuyển trực tiếp toàn bộ nguyên vật liệu và linh kiện sang Việt Nam hay không.

Dù vậy, đây chưa phải quyết định cuối cùng, do họ cần bàn bạc thêm với Apple. Táo Khuyết đã được thông báo về kế hoạch này. GoerTek hy vọng tất cả nhà cung cấp của họ có thể đảm bảo giá và việc giao hàng như trong hợp đồng.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc ngày càng trầm trọng, đẩy Apple và các hãng cung cấp vào thế khó. Tổng thống Mỹ – Donald Trump thường xuyên thúc giục hãng này chuyển sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ là trung tâm sản xuất quan trọng nhất, mà còn là thị trường lớn của Apple, đóng góp 20% doanh thu hàng năm cho công ty này. Vì vậy, việc rời đi sẽ khiến Apple gặp rắc rối lớn.

“Apple là mục tiêu rõ ràng nhất, nếu Trung Quốc muốn trả đũa các công ty Mỹ”, James Wei – nhà phân tích tại Yuanta Investment Consulting nhận xét, “Apple và các nhà cung cấp chính của họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro chính trị khi cuộc chiến tiếp tục nóng lên”.

Tai nghe AirPods của Apple sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Apple.

AirPods, Apple Watch và HomePed của Apple ban đầu nằm trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu khi vào Mỹ từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, các sản phẩm này đã được loại ra vào phút chót. Nhiều nguồn tin trong ngành cho biết các nhà cung cấp vẫn lo sợ bị áp thuế, khi Tổng thống Mỹ – Donald Trump dọa đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Cheng Uei – hãng cung cấp sạc và cáp sạc cho iPhone cùng nhiều smartphone chạy Android cũng cho biết đang cân nhắc chuyển sản xuất về Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á, do căng thẳng Mỹ – Trung. “Chúng tôi đang nghĩ đến việc tăng sản xuất tại nhà máy ở Đài Loan. Việc này sẽ không mất nhiều thời gian đâu. Chúng tôi có thể thực hiện trong một hoặc hai tháng”, Chủ tịch công ty – T.C. Gou cho biết trên Nikkei.

Dù vậy, ông cũng thừa nhận rời Trung Quốc không dễ, do dây chuyền sản xuất ở đây đã tồn tại hàng thập kỷ. Chính quyền địa phương cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm giữ chân các công ty. Cheng Uei sẽ ra quyết định cuối cùng khi biết chắc chắn ông Trump có thực hiện lời đe dọa trên hay không.

Pegatron – hãng lắp ráp iPhone lớn nhì cho Apple, sau Foxconn cũng đang cân nhắc các địa điểm tại Đài Loan để xây nhà máy mới. Cơ sở này sẽ sản xuất các sản phẩm không thuộc Apple để bù đắp chi phí tăng do chiến tranh thương mại, Nikkei trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.

Chi hàng tỷ USD làm dự án, đại gia Việt giàu ra sao so với khu vực?

Người giàu nhất Việt Nam chỉ đứng thứ 11 tại Đông Nam Á. Tổng khối tài sản của các tỷ phú Việt nhỏ hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, kém 5-8 lần.

Gần đây các doanh nghiệp Việt được truyền thông quốc tế nhắc tới rất nhiều với những dự án tỷ USD đầy tham vọng như sản xuất xe hơi của VinFast, hàng không của Bamboo Airways hay dự án thép Dung Quất của Hòa Phát… Gây được tiếng vang lớn với quốc tế, sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD nhưng so với các tỷ phú khác trong khu vực Đông Nam Á khối tài sản của những đại gia người Việt vẫn còn rất khiêm tốn.

Người giàu nhất chưa lọt vào top 10 Đông Nam Á

Ông Phạm Nhật Vượng hiện là đại gia giàu nhất Việt Nam sở hữu khối tài sản ròng lên tới 6,4 tỷ USD, theo xếp hạng của Forbes.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khối tài sản của vị đại gia này đã tăng hơn 4 tỷ USD và là người có tốc độ gia tăng tài sản ròng nhanh nhất Đông Nam Á trong vòng một năm qua. Trong khi đó, tài sản các tỷ phú của quốc gia khác không tăng nhiều, thậm chí còn giảm mạnh so với một năm trước như trường hợp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) và Henry Sy (Philippines) cùng mất tới 3,5 tỷ USD.

Là người giàu nhất Việt Nam, nhưng chỉ tính tại Đông Nam Á, ông Vượng vẫn chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất khu vực. Với khối tài sản 6,4 tỷ USD, ông xếp thứ 11 trong danh sách tỷ phú USD Đông Nam Á, cùng vị trí với 2 người khác là ông The Hong Piow (Malaysia) và ông Wee Cho Yaw (Singapore). Đây là 2 đại gia có tiếng trong lĩnh vực tài chính không chỉ tại quốc gia họ mà trên thế giới. Trong khi ông The Hong Piow là Chủ tịch và cổ đông lớn sở hữu gần 1/4 vốn của Malaysia Public Bank thì ông Wee Cho Yaw cũng là Chủ tịch của United Overseas Bank, ngân hàng cho vay lớn thứ 3 tại Singapore hiện nay.

Xếp trên ông Vượng là hàng loạt đại gia có tiếng khác như Chủ tịch tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Thái Lan và nổi tiếng tại Việt Nam C.P Group, ông Dhanin Chearavanont với 14,5 tỷ USD tài sản; ông chủ mới của Bia Sài Gòn – tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi = với hơn 14,1 tỷ USD; hay anh em nhà Robert và Philip Ng với “đế chế” bất động sản Far East Organization nổi tiếng của Singapore…

Chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất tại Đông Nam Á, nhưng so với đầu năm ông Vượng đã tiến thêm tới 9 bậc trong danh sách các tỷ phú Đông Nam Á với khối tài sản ra tăng hơn 2,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Thậm chí, nếu so trong danh sách tỷ phú thế giới, chỉ trong chưa tới 1 năm, ông Vượng đã tiến thêm 257 bậc trên bảng xếp hạng, hiện đứng thứ 242 thế giới.

Tài sản tỷ phú Việt chỉ bằng 1/8 Thái Lan

Trong khi đó, các tỷ phú khác của Việt Nam hiện cũng xếp ở vị trí thấp trong danh sách người giàu Đông Nam Á. Đơn cử, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air (VJC), hiện sở hữu 2,8 tỷ USD và xếp thứ 812 thế giới. So với đầu năm, khối tài sản của bà đã giảm hơn 300 triệu USD. Nguyên nhân lớn nhất của việc sụt giảm này đến từ việc cổ phiếu VJC đã giảm mạnh từ mức đỉnh hồi đầu năm. Tại Đông Nam Á, bà Thảo hiện xếp thứ 33.

Khối tài sản ròng hiện tại của 4 tỷ phú USD Việt Nam.

Hai tỷ phú mới được Forbes đưa vào danh sách hồi đầu năm là ông Trần Bá Dương và Trần Đình Long đang sở hữu lần lượt 1,7 tỷ USD và 1,2 tỷ USD tài sản ròng, không thay đổi nhiều so với giai đoạn đầu năm. Hai đại gia trong lĩnh vực công nghiệp nặng của Việt Nam đứng lần lượt thứ 63 và 84 trong khu vực.

Hiện tại, trong 6 quốc gia Đông Nam Á có tỷ phú USD trong danh sách của Forbes, Việt Nam là nước có ít tỷ phú nhất với chỉ 4 cái tên. Trong khi con số bên phía Malaysia và Philippines là 13; Indonesia là 14; Singapore là 21 và Thái Lan nhiều nhất với 32 cái tên trong danh sách này.

Tổng tài sản của 4 tỷ phú Việt Nam hiện cũng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác với chỉ 12,1 tỷ USD. Số này đã tăng gần 2 tỷ USD so với đầu năm, nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực, khối tài sản này vẫn kém 5-6 lần so với Indonesia và Malaysia, thậm chí kém Singapore và Thái Lan tới 7-8 lần.

Hiện Thái Lan vẫn đứng đầu khu vực về số lượng tỷ phú cũng như tổng tài sản các tỷ phú được xếp hạng với hơn 92,6 tỷ USD. Trong khi tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á hiện nay là ông Henry Sy người Philippines với khối tài sản 16,5 tỷ USD.