Giá dầu giảm sâu là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư các dự án lọc hóa dầu trong nước lưỡng lự trong việc triển khai thực hiện và thậm chí có thể rút khỏi các dự án đầu tư có vốn hàng tỉ đô la Mỹ.
Nhiều dự án bị ảnh hưởng
Dự án lọc hóa dầu Victory ở Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, vốn đầu tư dự kiến 22 tỉ đô la Mỹ, được chính quyền địa phương nơi đây kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương khi được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay hồ sơ của dự án vẫn chưa đến tay nhà quản lý dù trước đó chính quyền địa phương dự báo dự án này sẽ được cấp phép vào nửa đầu năm 2015.
Theo nguồn tin có thẩm quyền từ Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) sẽ phải đánh giá lại hiệu quả đầu tư của dự án trong tình hình giá dầu thế giới liên tục lao dốc thời gian qua. Thậm chí, việc dự án này sẽ được triển khai thế nào, quy mô ra sao cho đến thời điểm này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Lý do được nhà đầu tư đưa ra là vì giá dầu thô trên thế giới đã giảm quá sâu trong nửa cuối năm 2014 và cả năm 2015. Cuối tháng 12 vừa qua, giá dầu thậm chí đã xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Nhiều chuyên gia trên thế giới dự báo giá dầu sẽ khó phục hồi lại mức cao như cách đây hai năm trong thời gian dài phía trước.
Như vậy, sau bao nhiêu nỗ lực của PTT nhằm thúc đẩy tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, thuyết phục các cơ quan quản lý địa phương và trung ương để dự án được bổ sung vào quy hoạch công nghiệp dầu khí quốc gia cho đến khi dự án đã được thông qua, thì nhà đầu tư PTT và đối tác Saudi Aramco (Ảrập) vẫn chưa cho biết dự án ở quy mô thế nào và tiến độ ra sao.
Saudi Aramco là đơn vị dự kiến sẽ cung cấp dầu thô cho dự án. Theo Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, giá dầu giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư Saudi Aramco.
Trong khi đó, ở dự án Lọc hoá dầu Long Sơn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn dầu khí quốc gia Qatar – một trong bốn nhà đầu tư của dự án có tổng mức đầu tư 4,5 tỉ đô la này – cũng đã chính thức xin rút khỏi dự án do tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển của mình. Như vậy sau hơn 8 năm cấp phép và đình trệ, dự án đầu tư này sẽ tiếp tục gặp khó vì phải tìm nhà đầu tư khác thay thế Qatar – đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu cho dự án – hoặc phải tìm nhà cung cấp nguyên liệu khác nếu Qatar không duy trì việc cung cấp nguyên liệu cho dự án.
Còn đối với dự án lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi, sau hơn hai năm ký thỏa thuận khung và đàm phán, cuối cùng cuộc “hôn nhân” được kỳ vọng giữa Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn Gazprom Neft (Nga) đã không đi đến cái kết tốt đẹp. Phía Nga đã gửi văn bản đề nghị dừng đàm phán việc mua lại 49% cổ phần tại BSR.
Đề nghị này xuất phát từ việc đầu tháng 12-2015, PVN không thể đợi lâu hơn nên đã gửi văn bản cho đối tác thông báo Thỏa thuân khung đã ký giữa hai bên về thời hạn hợp tác chuyển nhượng 49% phần vốn góp tại BSR cũng đã kết thúc. Vì thế, Gazprom Neft cũng chính thức từ chối PVN.
Thực ra, đây là kết quả không mấy bất ngờ đối với những người trong cuộc vì trong suốt quá trình đàm phán kéo dài, hai bên luôn không tìm được điểm chung. Lý do được phía đối tác Nga và PVN đưa ra là nội dung đàm phán vướng mắc phần liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp và thời gian thanh toán tiền nhận chuyển nhượng vốn góp.
Song thực tế, nguồn tin của TBKTSG Online cho biết, các khoản nợ của BSR cũng là một yếu tố quan trọng khiến đối tác ngần ngừ, nhất là trong thời điểm hiện nay khi việc đầu tư vào các dự án lọc hóa dầu rất khó khăn, kém hiệu quả do giá dầu xuống thấp, càng khai thác càng thua lỗ và khó cạnh tranh với các nhà khai thác dầu khí đá phiến tại Mỹ.
Đoạn kết này sẽ khiến BSR rẽ sang một hướng khác. BSR sẽ đi đến quyết định cổ phần hóa nhà máy và bắt tay vào tìm kiếm các cổ đông chiến lược, thế chỗ cho Gazprom Neft.
BSR đã có phương án mở rộng, nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn mỗi năm, với vốn đầu tư bổ sung từ 1,5 tỉ đến 3 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, việc mở rộng nhà máy mà phía Gazprom dự định góp vốn trước đây có phương án tài chính được lập dựa trên các đề xuất về cơ chế ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế nhập khẩu. Hiện nay, BSR đang được hưởng lợi so với giá dầu nhập khẩu nhờ giá bán ra được tính như giá có thuế nhập về. Tuy nhiên, các ưu đãi này sẽ chấm dứt sau năm 2018.
Như vậy, số phận của các dự án lọc hóa dầu này vẫn còn khá bấp bênh, cho dù đây là một thực tế đã được dự báo khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm sâu. Tình hình khác hẳn với sự hứng khởi và đầy kỳ vọng của hơn 2 năm trước.
Sẽ ảnh hưởng gì?
Đến nay, cả nước đã có 8 dự án lọc, hóa dầu trải dài từ Thanh Hóa đến Cần Thơ dù theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020 (ban đầu) chỉ có ba nhà máy lọc, hóa dầu tại Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài Nhà máy Dung Quất và một nhà máy có quy mô nhỏ có tên Cát Lái ở TPHCM đang hoạt động thì còn có thêm sáu dự án khác.
Cụ thể, đó là dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với vốn đầu tư 9 tỉ đô la Mỹ, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự án tại Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,2 tỉ đô la Mỹ, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 8 tỉ đô la Mỹ, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự án đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu cho dự án Victory (Nhơn Hội, Bình Định) vốn đầu tư 22 tỉ đô la Mỹ, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỉ đô la Mỹ, công suất 2,7 triệu tấn dầu thô/năm; dự án tại Cần Thơ có vốn đầu tư 538 triệu đô la Mỹ, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm.
Thực tế tiến độ triển khai các dự án lọc dầu này được đánh giá rất ì ạch. Ngoài ra, ngoại trừ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các dự án lọc dầu còn lại đều phải trông chờ vào nguồn nguyên liệu là dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin để vận hành. Đây là bất lợi lớn vì giá các sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam phải gánh thêm chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổng công suất thiết kế của các dự án lọc, hóa dầu lên tới gần 65 triệu tấn/năm, vượt xa nguồn cung dầu thô khai thác trong nước.
Lượng khai thác dầu thô trong nước tối đa chỉ đạt khoảng 15 triệu tấn/năm. Như vậy để vận hành, Việt Nam phải nhập tới 45-50 triệu tấn dầu để sản xuất ra thành phẩm.
Vấn đề khác nữa là đầu tư các dự án này hiện lại nhận được ưu đãi khá cao của Chính phủ và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngoài ưu đãi trực tiếp, một số địa phương có dự án lọc hóa dầu còn kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng với số tiền lên đến hàng trăm hoặc hàng ngàn tỉ đồng/dự án.
Trong báo cáo đánh giá tác động của Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội, Bộ Công Thương đã thẳng thắn cho rằng với hai dự án lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn, Việt Nam đã cơ bản chủ động được nguồn cung xăng dầu, đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước, vì vậy không bắt buộc phải xây thêm các nhà máy lọc dầu mới.
Nếu các dự án nhà máy lọc dầu trong nước đang vận hành mở rộng trong giai đoạn 2020-2030, lượng xăng dầu dư thừa sẽ tăng lên và xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt giữa các dự án lọc hóa dầu trong nước.
Theo Giáo sư Mại, các nước đi trước đã phải chịu rất nhiều hậu quả do phát triển công nghiệp hóa dầu: ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính và quan trọng là sử dụng nhiều tài nguyên đất đai… Do đó, việc phát triển công nghiệp khai khoáng, lọc hóa dầu cần ở mức độ vừa phải.
Do đó giới phân tích cho rằng việc tạm ngưng hoặc dừng một số dự án đầu tư trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc cung cấp xăng dầu trong nước.
>> Việc làm dầu khí / Oil & Gas Jobs