Category Archives: Career Advice

Mở công ty game, trở thành tỷ phú đôla tuổi 37

Cổ phiếu của công ty phát triển game có trụ sở tại Anyang đã tăng gấp đôi kể từ sau thương vụ IPO vào hồi tháng 9, giúp nhà sáng lập Kim “bỏ túi” thêm 689 triệu USD nâng tổng số tài sản anh nắm giữ lên con số 1,1 tỷ USD

Mở công ty game, trở thành tỷ phú đôla tuổi 37

Tựa game hot Black Desert Online của Pearl Abyss đã giúp nhà sáng lập Kim Dae-il trở thành tỷ phú game internet mới nhất của Hàn Quốc.

Theo Bloomberg, Kim hiện trực tiếp nắm 39% cổ phần tại công ty và anh cũng đã xác nhận khối tài sản cũng như tỷ lệ cổ phần mình nắm giữ.

“Nhìn chung ngành công nghiệp game và công nghệ thông tin cần ít vốn đầu tư hơn trong giai đoạn đầu so với các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, khi dành thời gian và nguồn lực cho nó, bạn cần phải thử đi thử lại rất nhiều lần”, Kim chia sẻ.

Mở công ty với chỉ vỏn vẹn 7 nhân viên vào năm 2010, Pearl Abyss hiện có hơn 200 người. Họ đang lên kế hoạch cho ra mắt phiên bản di động của Black Desert vào cuối tháng này. Được biết, đã có hơn 2 triệu người dùng đăng ký chơi chỉ trong 3 tuần.

“Kỳ vọng vào việc mở rộng sang lĩnh vực game di động cùng kế hoạch ra mắt các tựa game mới là động lực đẩy giá cổ phiếu công ty tăng”, theo Kim Hak-joon đến từ công ty Kiwoom Securities tại Seoul. Black Desert là tựa game được chơi ở hơn 100 quốc gia “phù hợp với khẩu vị người chơi nước ngoài cùng rất nhiều lựa chọn phong phú”.

Ra mắt vào năm 2014, Black Desert đã tạo ra doanh thu vượt 400 tỷ won (tương đương 376,6 triệu USD) với khoảng 80% trong số đó tới từ nước ngoài.

Pearl Abyss đang tìm cách mở rộng game này sang những nền tảng khác và hợp tác cùng Microsoft để ra mắt Black Desert cho thị trường game cầm tay trong năm nay. Kim nói rằng ít nhất 2 game mới đang được công ty phát triển.

Kim, 37 tuổi đã bỏ học đại học để theo đuổi giấc mơ tạo ra các tựa game. Với thành công của Black Desert, anh trở thành thành viên mới nhất trong danh sách những tỷ phú tự thân của Hàn Quốc gồm có Bang Kun-hyuk của NEtmarble và Kwon Hyuk-bin của Smilegate Holdings.

.

Điều ít biết về Telegram – ứng dụng tin nhắn bí ẩn nhất thế giới

Với số tiền gần 300 triệu USD thu được từ startup trước đó, nhà sáng lập Telegram đến nay vẫn đang duy trì ứng dụng của mình bằng tiền túi của mình.

Điều ít biết về Telegram - ứng dụng tin nhắn bí ẩn nhất thế giới

Telegram là ứng dụng nhắn tin miễn phí kết hợp được sức mạnh của Whatsapp và độ bảo mật cao của Snapchat. Ứng dụng này được biết đến khi người dùng phải tìm kiếm một nền tảng nhắn tin thay thế cho Whatsapp khi nó gặp sự cố vào năm 2014. Rất nhanh chóng, Telegram trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên iOS vào thời điểm đó, với độ bảo mật cao đến nỗi các hacker, hay an ninh Nga không thể can thiệp được.

Tháng 3/2016, Pavel Durov – nhà sáng lập ứng dụng tin nhắn Telegram đã phát biểu dõng dạc tại một hội nghị công nghệ rằng ứng dụng của họ đã thu hút 100 triệu người dùng mỗi tháng và thu hút khoảng 350.000 người theo dõi mới mỗi ngày.

Đây quả thực là một con số cực kỳ ấn tượng, tuy nhiên càng ấn tượng hơn khi biết rằng Telegram không hề kêu gọi vốn như thông thường mà nhà sáng lập muốn xây dựng theo phương thức hoạt động giống Wikipedia, nghĩa là kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền để duy trì dịch vụ.

Hai anh em sáng lập là “thiên tài code”

Ngay từ giai đoạn tuổi thơ, Pavel Duvov đã có chút liên đới tới nhà chức trách. Thời còn đi học, Pavel đã sử dụng khả năng code thiên tài được trời phú của mình để hack mạng máy tính của trường. Anh đã thay đổi màn hình chào ban đầu thành: “Must Die” (Phải chết) bên cạnh một bức ảnh người giáo viên mà anh ghét nhất trường. Trường học đã trả đũa bằng việc ngừng cho anh truy cập mạng lưới nội bộ. Tuy nhiên Pavel đã luôn hack và lấy được mật khẩu mới.

Pavel nói với bạn cùng lớp của mình rằng anh muốn trở thành “biểu tượng Internet”, Nikolai Konovov nói trong cuốn sách về code mang tên The Durov Code. Nikolai chính là anh trai của Pavel – người đã giúp anh nhận ra tham vọng đó.

telegram-ung-dung-nhan-tin-bao-9490-3424

Bản thân Nikolai cũng là một thiên tài khi còn rất nhỏ tuổi. Anh đã đọc rất nhiều sách và giành hai chiến thắng liên tiếp trong 2 mùa cuộc thi lập trình quốc tế. “Anh ta là một thiên tài máy tính”, theo Anton Nossik – một doanh nhân Internet – người đã biết anh trai Durov trong nhiều năm. Trong các bài phỏng vấn, Pavel thường nhắc tới anh trai mình như hình mẫu chủ đạo và là cố vấn về lập trình.

Pavel đã sáng lập ra Vkontakte khi vừa tốt nghiệp Đại học St. Petersburg vào năm 2006, ban đầu được thiết kế như một nền tảng mạng xã hội cho sinh viên.

Nikolai ban đầu tư vấn cho em trai mình thông qua điện thoại vì khi ấy anh sống tại Đức. Tuy nhiên, khi VK giành được chỗ đứng, anh quay lại St. Petersburg và nắm giữ vị trí Giám đốc công nghệ của công ty. Đây trở thành mạng xã hội đối trọng của Facebook ở Nga và thậm chí hoạt động nhanh hơn đối thủ.

Tuy nhiên, VK sau này gặp phải một vài rắc rối với chính phủ khiến Pavel bị buộc bán hết số cổ phần, sa thải khỏi công ty và rời quê hương. Anh quyết tâm lập nên một ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật nhằm “trả đũa” chính phủ Nga. Và thế là Telegram ra đời.

Mỗi tháng tự bỏ tiền túi ra 1 triệu USD để duy trì hoạt động Telegram

Theo chia sẻ của Pavel thì anh kiếm được khoảng 260 triệu USD từ VK và với khoản tiền đó trong một ngân hàng ở Đan Mạch, Durov cùng anh trai Nikolai đã bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp. Họ mua hộ chiếu công dân đảo St. Kitts ở Caribbean sau đó, cả hai dốc sức cho công ty mới mang tên Telegram.

Dự án lấy ý tưởng từ hệ thống bảo mật mã hóa tin nhắn mà Durov và anh trai dùng để liên lạc tránh bị theo dõi. Bằng cách đóng gói mọi thứ thành một ứng dụng, Durov đã mang tới cho thế giới phương thức nhắn tin bảo mật hàng đầu. Telegram được phát hành tháng 8/2013 mà không có thông báo chính thức.

Do gặp rắc rối với nhà chức trách nước Nga nên cách chỉ đạo của Pavel có phần “lén lút” để tránh bị theo dõi. Anh dùng tới 3 số điện thoại khác nhau, nhưng rất ít khi trao đổi công việc qua điện thoại. Telegram được xây dựng tại một văn phòng nhỏ ở Berlin. Nhưng giờ, nhân viên công ty lại làm việc tại nhiều nơi khác nhau, chủ yếu họ đặt phòng qua Airbnb.com và thay đổi vị trí liên tục.

Lý giải cho việc này, Durov nói rằng làm như vậy sẽ giúp công ty tránh bị lôi cuốn vào chính trị hay kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Telegram cũng không phải để bán hay là nơi cho các nhà đầu tư. Durov cho biết nhiều công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng từ Thung lũng Silicon đã tiếp cận anh và đưa ra vô số lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng Pavel cho biết chỉ muốn xây dựng một nhóm cộng sự nhỏ thân thiết.

Ngoài ra theo thông tin của tờ BI thì Mỗi tháng, Telegram “ngốn” của Durov 1 triệu USD và nó chưa tạo ra bất kỳ khoản thu nhập nào cho anh, nhưng đây là khoản mà theo Pavel là “vẫn trong tầm kiểm soát”. Dĩ nhiên Pavel cho biết việc này sẽ không thể kéo dài mãi mãi.

Anh cho biết đang tìm hướng phát triển để có thể mang về thu nhập cho công ty bằng cách cho các nhà phát triển xây dựng dịch vụ trên nền tảng của Telegram rồi trích hoa hồng lợi nhuận.

Triết lý cocktail: sáng tạo kiểu Mỹ

Biết kết hợp những thứ tốt đẹp lại với nhau chính là một sự sáng tạo tuyệt vời.

Triết lý cocktail: sáng tạo kiểu Mỹ

Không có gì hoặc có tất cả

Có một câu chuyện như sau: Trong một buổi tiệc có bảy người tham gia, mỗi người mang một quốc tịch khác nhau: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc, ai cũng muốn khoe ra loại rượu ngon của quốc gia mình.

Người Trung Quốc mang rượu Mao Đài ra, vừa mở nắp hương thơm đã tỏa ra ngào ngạt, khiến những người ngồi ở đó hết lời khen ngợi. Người Nga lấy Vodka, người Pháp lấy XO, người Đức lấy bia đen, người Ý lấy rượu nho, tất cả các món đồ uống đều rất ngon.

Tới lượt người Mỹ, anh ta bèn tìm một chiếc cốc không rồi đổ vào đó mỗi loại rượu một chút, lắc đều lên rồi giơ chiếc cốc đó ra. Đó là rượu gì vậy? Đó chính là món đồ uống nổi tiếng toàn cầu mà người Mỹ gọi là “Cocktail”.

Người Mỹ trong câu chuyện trên không có gì cả, anh ta chỉ làm một việc là trộn các loại rượu của các nước khác với nhau, kết hợp chúng lại thành một thứ đồ uống tổng hợp.

Rõ ràng, tổng hợp chính là sáng tạo, biết kết hợp những thứ tốt đẹp lại với nhau chính là một sự sáng tạo tuyệt vời.

Giống như nhà thiết kế Jonathan Ive của Apple đã nói: “Quan trọng là tổ chức nội dung như thế nào”. Sự thành công của Apple đủ khiến người ta tin rằng, sự kết hợp có thể coi là lời giải đáp cho câu hỏi về nguồn gốc của sự sáng tạo. Hơn nữa những thành công to lớn mà Apple đạt được cũng đã giúp chứng minh tính khả thi của mô thức sáng tạo này.

Tianqiao Chen (Trần Thiên Kiều), nhà sáng lập đồng thời là chủ tịch, CEO tập đoàn đầu tư Trung Quốc Shanda Group cũng từng nhận xét: Tất cả kĩ thuật và phần mềm ứng dụng trong iPod, không có thứ nào mà doanh nghiệp Trung Quốc không làm được, nhưng cái mà chúng ta thiếu là năng lực sáng tạo chỉnh thể của Apple – phần cứng, phần mềm, mạng, nội dung, thiết kế công nghiệp cộng với dịch vụ.

Hạt nhân của sáng tạo

Sáng tạo là hạt nhân phát triển của một doanh nghiệp, cũng là linh hồn tiến bộ của một dân tộc, là động lực cho sự phát triển hưng thịnh không ngừng nghỉ của một quốc gia. Do sáng tạo có tầm quan trọng như vậy nên con người luôn không ngừng suy nghĩ và tìm tòi sáng tạo. Giới IT có hai định nghĩa cơ bản về sáng tạo:

(1) Sáng tạo nguyên thủy từ không đến có: Loại kĩ thuật vốn không có, bây giờ mới sáng tạo ra nó.

(2) Sáng tạo chỉnh thể từ không có thứ tự tới có thứ tự: Tổng hợp các thành quả kĩ thuật đã có trong một chỉnh thể thống nhất, tối ưu hóa trong cài đặt nhằm phát huy hiệu quả lớn nhất.

Những người đã biết về Apple đều biết rằng, nếu xét về mặt sáng tạo kĩ thuật, sáng tạo nguyên thủy thì Apple không phải là dẫn đầu trong ngành. iPod thịnh hành trên toàn cầu, bản thân sản phẩm ấy không có bất kì kĩ thuật cao siêu nào, công việc của Apple chỉ là kết hợp mạng Internet với phần cứng, tạo cho khách hàng một trải nghiệm chưa từng có, đó là phương thức nghe nhạc thuận tiện, mới mẻ.

Chính mô thức sáng tạo làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng này đã đưa iPod đến với người tiêu dùng, giúp họ thu được thành công trước nay chưa từng có. Tiếp tục hướng tư duy này, về sau Apple đưa ra iPhone và iPad, hai dòng sản phẩm này cũng đều giành được thành công vang dội trên toàn cầu.

Tất cả các ứng dụng phần mềm để cài đặt cho sản phẩm của Apple bao gồm iPod, iPhone và iPad, người tiêu dùng đều có thể thông qua iTunes, Appstore và iBook Store của Apple để download. Mô thức sáng tạo kết hợp giữa phần cứng và phần mềm này đã giúp Apple thoát khỏi cục diện khó khăn, từ đó dựa vào phần cứng, sản phẩm và kĩ thuật của mình để từng bước thống lĩnh thị trường.

Không chỉ vậy, iTunes, Appstore và iBook Store còn có thể thúc đẩy lẫn nhau: Sự kết hợp của phần mềm và phần cứng có thể giúp tăng thêm lượng tiêu thụ của sản phẩm; ngược trở lại, cùng với sự tăng lên không ngừng về lượng tiêu thụ của sản phẩm thì sẽ có ngày càng nhiều người tiêu dùng quen sử dụng iTunes, Appstore và iBook Store.

Đây rõ ràng là vòng tuần hoàn tốt của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiến hành kết hợp chặt chẽ giữa phần mềm và phần cứng, nhằm thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường.

SpaceX trao cho nhân viên cơ hội thay đổi lịch sử

SpaceX ra đời với mục tiêu đưa con người đến sống ở các hành tinh khác.

SpaceX trao cho nhân viên cơ hội thay đổi lịch sử

SpaceX – Công ty chuyên sản xuất và phóng các tên lửa, tàu không gian. Kể từ khi thành lập vào 2002, SpaceX đã cải cách ngành công nghệ không gian thế giới, với mục tiêu tối thượng là cho phép nhân loại có thể định cư tại các hành tinh khác.

Mục tiêu vĩ đại là thế, nhưng theo một cuộc khảo sát mới nhất, SpaceX của Elon Musk là một trong những công ty công nghệ có mức độ stress và áp lực cao nhất (hơn cả Amazon), và điều đáng ngạc nhiên là những thử thách đó sẽ chẳng được đền bù bằng vật chất, vì SpaceX chỉ trả lương cho nhân viên ở mức trung bình tới trung bình thấp so với mặt bằng chung hiện nay.

Quy trình sàng lọc nhân tài

Khi mục tiêu của công ty là thay đổi cả lịch sử nhân loại thì quy trình tuyển chọn nhân viên của SpaceX cũng “trên trời” không kém. Elon đã đích thân nhắn nhủ với mọi nhân viên rằng SpaceX chỉ tuyển những “người giỏi nhất trong những người giỏi nhất”.

Và đây là quy trình để sàng lọc ra những nhân tài đó:

– Phòng nhân sự lọc ra những CV ấn tượng nhất trong một danh sách dài gửi đến công ty hằng ngày.

– Ứng viên sau đó phải vượt qua được 2 đến 4 cuộc phỏng vấn bằng điện thoại.

Bạn muốn đầu quân cho SpaceX? Lương thấp, stress nhiều đổi lại cơ hội thay đổi lịch sử cùng Elon Musk – Ảnh 4.

– Nếu thành công, các ứng viên được mời đến nhà máy SpaceX và dành cả ngày để phỏng vấn với “tất cả nhân viên mà ứng viên sẽ làm việc cùng.”

– Các nhân viên tuyển dụng sau đó sẽ bắt cặp và liên tục “thử thách” ứng viên qua 7-8 cuộc phỏng vấn khác nhau, mỗi lần khoảng 1 giờ.

– Ứng viên sẽ “may mắn” có một buổi nghỉ trưa ngắn để ăn uống và tham quan nhà máy, đây là thời gian thư giãn duy nhất trong ngày.

– Và trong cả ngày dài và cam go đó, nếu chỉ một nhân viên tuyển dụng cảm thấy không hài lòng, ứng viên sẽ ngay lập tức được cho về.

Quy trình khắc nghiệt này không chỉ gây khó với ứng viên mà còn gây “thiệt hại” cho các nhân viên đang làm việc tại SpaceX khi số lượng tuyển dụng thành công cực kỳ thấp và thời gian kiếm được nhân viên mới là rất lâu.

Và bởi vì thiếu nhân lực, nhiều nhân viên SpaceX thường phàn nàn rằng họ phải làm việc tới 12 giờ mỗi ngày, và nhiều đêm phải thức trắng để theo kịp tiến độ.

Môi trường làm việc nhanh như “tên lửa”

Theo một cựu kỹ sư tại SpaceX, tại đây không có khái niệm phòng kín, mỗi người, ngay cả Elon Musk đều có một chiếc “hộp” riêng của mình. Bạn có cơ hội đi tham quan nhà máy, nhất là vào giờ nghỉ trưa để có thể thấy quy trình xây dựng một tên lửa từ đầu đến khi hoàn thiện. Elon Musk còn cho lắp đặt một hệ thống camera xung quanh khu vực chế tạo tên lửa và cho phép mọi nhân viên có thể theo dõi quá trình xây dựng.

Tùy vào mỗi phòng ban mà sẽ có những văn hóa làm việc khác nhau. Phòng ban của tôi cực kỳ thoải mái về chuyện giờ giấc đi làm, miễn sao bạn hoàn tất hết công việc là được. Một số phòng ban khác thì bị theo dõi và “chấm” thời gian đi làm. Việc trao đổi và giao tiếp tại SpaceX cực kỳ thoải mái, nếu có vấn đề liên quan thì bạn hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp với Elon Musk.

Nhưng sự thoải mái đó lại đi kèm với áp lực và stress.

Dù không có ai ép buộc cả, nhưng bạn vẫn làm việc nhiều giờ liên tục để hoàn tất phần việc của mình, và vì mọi người đều “máu lửa” như thế, bạn sẽ rất khó rời khỏi văn phòng đúng giờ. Một câu nói cửa miệng tại SpaceX là, mọi người đều trở thành nô lệ của chính mình. Mọi người tại SpaceX đều ra sức làm việc để cho ra lò những chiếc tên lửa hoàn hảo nhất bất kể ngày đêm.

Nhân tài đổ về để…làm nô lệ của chính mình

Trong một cuộc khảo sát gần đây, 86 phần trăm nhân viên tại SpaceX đánh giá việc làm của họ là “Khá stress” cho đến “Rất stress”. Chỉ số này cao hơn hẳn môi trường được mệnh danh là “địa ngục” stress – Amazon, nơi chỉ có 64% nhân viên nhận định như thế.

Và không chỉ dừng lại ở những nhân viên toàn thời gian, văn hóa áp lực tại SpaceX còn hiện diện tại các vị trí thực tập.

Những thực tập sinh có cơ hội góp một phần trực tiếp vào sứ mạng du hành sao Hỏa và được giao rất nhiều dự án đầy thách thức. Dù thường chỉ tham gia SpaceX trong 12 tuần, các thực tập sinh luôn được trao hoàn toàn trách nhiệm với nhiều dự án khác nhau.

Mỗi thực tập sinh sẽ có một hoặc hai người “thầy” hướng dẫn, nhưng trách nhiệm hoàn toàn nằm trong tay họ. Thậm chí từng có một thực tập sinh chịu trách nhiệm xây dựng công cụ hỗ trợ các tên lửa có thể kết nối với Trạm không gian ISS một cách an toàn, chức năng quan trọng và có thể quyết định thành bại của cả dự án SpaceX.

Các nhân viên SpaceX vẫn tiếp tục cống hiến dù phải nhận mức lương quá thấp so với áp lực tại đây.

Và điều đặc biệt là, dù với quy trình phỏng vấn căng thẳng bật nhất quả đất cộng với áp lực nặng nề khi làm việc, các nhân viên tại SpaceX chỉ nhận được một mức lương “trung bình”. Theo một cuộc điều tra gần đây của PayScale, các nhân viên dưới 5 năm kinh nghiệm tại SpaceX chỉ được trả từ 78.000 USD đến 82.000 USD một năm, ở mức gần “đội sổ” so với các công ty công nghệ nổi tiếng khác (mức lương cho nhân viên với kinh nghiệm tương tự tại Facebook là 116.800 USD).

Thậm chí vào giữa năm nay, SpaceX đã thua kiện và buộc phải trả cho hơn 4.100 nhân viên của mình 4 triệu USD tiền “đền bù” cho những khoản thời gian làm việc kéo dài mà không có giờ nghỉ.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là các nhân viên SpaceX vẫn tiếp tục cống hiến dù phải nhận mức lương quá thấp so với áp lực tại đây. Cùng với cuộc khảo sát về độ stress, dù hầu hết nhân viên đều cảm thấy như bị “đè bẹp” với trách nhiệm, có đến 90 phần trăm nhân viên SpaceX nghĩ rằng công việc họ đang làm sẽ viết nên lịch sử và làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Các khảo sát trên đã khẳng định một xu hướng tìm việc mới của thế hệ ngày nay: Nhân viên hiện nay quan tâm nhiều đến ý nghĩa công việc của họ và cảm giác mình sẽ “thay đổi lịch sử thế giới” cùng SpaceX đã thu hút và giữ chân biết bao nhân tài.

Và như thế “Không gian, giới hạn tối thượng của nhân loại” đã khơi dậy một niềm đam mê khám phá và chinh phục của thế hệ trẻ ngày nay, chỉ cần góp một phần nhỏ vào bước tiến của lịch sử loài người thôi cũng là ước mơ của cả triệu người, và đó chính là mấu chốt hình thành văn hóa đặc biệt của SpaceX – Stress nhiều, Lương thấp nhưng không bao giờ thiếu “máu lửa”.

Bí quyết tuyển người giỏi của CEO Amazon, Airbnb, PayPal

Cách những CEO hàng đầu đặt ra những câu hỏi giúp hiểu sâu hơn về ứng viên.

Bí quyết tuyển người giỏi của CEO Amazon, Airbnb, PayPal

Những câu hỏi phỏng vấn dễ đoán trước thường dẫn đến cách trả lời theo khuôn mẫu. Các nhà tuyển dụng khôn ngoan sẽ đi xa hơn những gì họ đã biết trong hồ sơ ứng tuyển để có thể cảm nhận rõ hơn về cách nghĩ của ứng viên, cách mà họ sẽ đối mặt với thử thách và hòa nhập (cũng như đóng góp) vào tương lai của một doanh nghiệp, tổ chức.

Hãy cùng tham khảo cách tiếp cận khi phỏng vấn ứng viên của những CEO hàng đầu – cách đặt ra những câu hỏi giúp người phỏng vấn đào sâu hơn các “sơ yếu lý lịch” hay “thư tự ứng cử”.

Brian Chesky, CEO của Airbnb muốn biết về cuộc sống của ứng viên

Nhà sáng lập và CEO của Airbnb nổi tiếng là cơ hội và thực dụng khi từng quyết định cho thuê nơi ở của mình để làm “chỗ ngủ và ăn sáng” trong thời gian diễn ra một hội nghị địa phương.

Trong các cuộc phỏng vấn tuyển nhân sự, Chesky muốn biết về các thành tựu và giải pháp, chứ không muốn nghe ứng viên kể lể về chuyện “leo từ nấc thang này đến nấc thang khác” trong cuộc đời công sở. “Tôi cũng yêu cầu mọi người tóm tắt cuộc đời của họ trong ba phút”, Chesky cho biết. “Tôi cố gắng hình dung những quyết định và trải nghiệm đã ảnh hưởng đến việc bạn là ai”.

Neil Blumenthal, CEO của Warby Parker thích đặt câu hỏi một cách ngẫu nhiên

Yêu cầu tuyển dụng nhân sự phù hợp với văn hóa công ty có thể là một gợi ý nguy hiểm vì đôi khi những định kiến – dù rõ ràng hay tiềm ẩn – có thể dẫn dắt người tuyển dụng đi lệch hướng và đánh mất các ứng viên thật sự tuyệt vời.

Vì thế, sự phù hợp với văn hóa công ty có lẽ không phải là yếu tố duy nhất quyết định một cuộc phỏng vấn; nhưng, nhà tuyển dụng vẫn cần tìm hiểu về khả năng hòa nhập vào tổ chức của ứng viên. Và đó là lý do vì sao Neil Blumenthal, CEO của Warby Parker (thương hiệu kính mắt của Mỹ được sáng lập vào năm 2010), thích “chơi trò tung bóng” bằng cách đưa ra những câu hỏi ngẫu nhiên trong các cuộc phỏng vấn.

“Bạn có thể nói cho tôi biết về bộ cánh mà bạn mới vừa diện gần đây?” là một trong những câu hỏi mà vị CEO này rất ưa thích. Dĩ nhiên, người xin việc không cần phải ăn diện thì mới vào làm cho Warby Parker được. Nhưng, nếu ứng viên phản ứng quá căng thẳng với câu hỏi này thì đây là một dấu hiệu cho thấy họ khó hòa nhập với văn hóa công ty.

Jeff Bezos tra vấn ứng viên về độ tin cậy, tinh thần trách nhiệm

Bezos không chỉ ám ảnh với việc tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng; tỉ phú giàu nhất thế giới cũng rất kiên trì tìm kiếm những nhân viên cừ khôi nhất cho Amazon.

Hầu hết ứng viên đều hào hứng nói về các thành tích trong quá khứ, nhưng Jeff Bezos lại thiết kế những câu hỏi đặt ứng viên vào “ghế nóng” nhằm tìm hiểu về độ tin cậy, khả năng chịu trách nhiệm của họ. Chẳng hạn, ông có thể hỏi ứng viên “Hãy kể cho tôi nghe về một tình huống mà khi đó bạn biết rằng việc mà bạn làm đã không thể có được kết quả tốt nhất – bạn đã phản ứng ra sao?”. Cách trả lời cho những câu hỏi yêu cầu xử lý tình huống như thế này sẽ giúp người phỏng vấn hiểu được cá tính, khả năng và kinh nghiệm của ứng viên và để biết xem liệu họ có thể thành công ở môi trường mới hay không.

CEO của Amazon muốn tìm “những người luôn tranh đấu để vượt qua những kỳ vọng dành cho họ. Với ông, người mới đến phải nâng được “mức xà cũ” lên một tầm cao mới.

Peter Thiel tìm kiếm những người thể hiện quan điểm đối lập

Nhà sáng lập của PayPal, Peter Thiel thích tìm kiếm các ứng viên sẵn sàng bảo vệ một lập trường không giống với số đông. Trong quyển Zero to One, Thiel viết về cách tiếp cận của ông trong các cuộc phỏng vấn xin việc và tầm quan trọng của việc tìm kiếm nhân sự có khả năng bác bỏ những hiểu biết theo lối mòn và mang tính khuôn mẫu.

Jay Gould của Yashi muốn ứng viên “phản biện với chính mình”

Đối với người xin việc, không có gì nhàm chán hơn là việc phải nói đi nói lại cùng một câu chuyện hoặc lặp lại cùng một câu trả lời từ cuộc phỏng vấn này sang cuộc phỏng vấn khác với “những ông chủ giống nhau”. CEO Jay Gould của Yashi (một ứng dụng quảng cáo dựa trên địa điểm và thời gian thực) giao cho cấp dưới xem xét về khả năng chuyên môn của ứng viên, còn ông sẽ tập trung vào tính cách và khả năng thích nghi với văn hóa công ty của họ.

Jay Gould thường hỏi ứng viên rằng “tại sao ông nên quyết định thuê họ”. “Nếu như họ suy nghĩ quá lâu hoặc không thể trả lời câu hỏi thì có lẽ họ đang che giấu điều gì”, Gould giải thích với tạp chí Fast Company.