Category Archives: Career Advice

Bí quyết tạo ra những nhân sự khác biệt

Trong thế giới kinh doanh, sự khác biệt là một lợi thế.

Bí quyết tạo ra những nhân sự khác biệt

Bởi ở một thị trường với hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng, nhãn hiệu, đối thủ cạnh tranh khác nhau, sự khác biệt giúp chúng ta tạo ra dấu ấn với khách hàng, đồng thời khai phá những phân khúc, thị trường mới.

Để tạo ra một sản phẩm, một thương hiệu khác biệt, doanh nghiệp cần có cho mình một đội ngũ nhân sự khác biệt, có tư duy sáng tạo, phá cách, có lối suy nghĩ độc đáo. Tuy nhiên, tuyển dụng được những nhân sự như vậy không phải là một việc dễ. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí, thời gian, không chỉ để tìm kiếm, tuyển dụng, mà còn để giúp những nhân sự đó hòa nhập được với môi trường đặc thù, văn hóa cụ thể của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một cách khác mà doanh nghiệp có thể vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, vừa tạo ra được một đội ngũ nhân sự khác biệt, sáng tạo và phù hợp cho mình, đó là tự mình tạo ra những nhân sự khác biệt.

“Suy nghĩ khác biệt, hành động khác biệt không chỉ giúp bạn tạo ra sự khác biệt, mà còn giúp bạn tối đa hóa tiềm năng của bản thân, của nhân sự. Và thật may là con người chúng ta có khả năng tạo ra được nhiều thứ, trong đó có cả sự khác biệt” – Jamil Qureshi, chuyên gia tâm lý học hành vi người Anh, nhà sáng lập Công ty Tư vấn JQED Ltd, chia sẻ.

Hãy hỏi mọi thứ

Tò mò là điểm bắt đầu hoàn hảo cho sự sáng tạo. Liên tục đặt câu hỏi, liên tục buộc nhân sự tìm kiếm câu trả lời, tìm kiếm giải pháp mới, đẩy nhân sự của mình vượt qua những giới hạn suy nghĩ thông thường, tạo ra sự đột phá trong tư duy, trong sản phẩm… là một trong những cách hữu hiệu giúp doanh nghiệp có thể tạo ra một đội ngũ khác biệt.

Cựu kỹ sư công nghệ của Apple, Guy Kawasaki, ghi nhận một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà ông học được từ Steve Jobs – huyền thoại của Apple – đó là không ngừng đặt câu hỏi, đẩy nhân viên tới giới hạn, tới những thử thách vô cùng khó khăn, từ đó khiến họ bộc lộ tất cả khả năng.

Guy Kawasaki cho biết: “Steve Jobs là một người luôn để ý đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Ông ấy luôn hỏi và luôn tạo ra thử thách không ngừng cho nhân sự. Ông ấy vừa xem đó là một bài kiểm tra, vừa là một cách để thúc đẩy nhân viên của mình. Và chính điều này giúp nhân viên rèn luyện các kỹ năng làm việc và tạo ra được những sáng kiến độc đáo.

Cũng giống như việc bạn phải phục vụ những khách hàng khó tính. Sẽ rất mệt mỏi, căng thẳng và luôn rơi vào trạng thái kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng sau khi giải quyết xong vấn đề với những khách hàng như vậy, bạn sẽ học được rất nhiều điều”.

Một cựu kỹ sư phần mềm khác của Apple, David Black, cũng nhận ra điều này, khi ông từng hóm hỉnh lý giải việc không có nhiều nhân viên của Apple có thể ngồi ăn với Steve Jobs.

“Câu chào thường trực nhất của Steve Jobs với nhân sự là “Bạn đang làm gì vậy?” (What’re you working on?). Đa số nhân sự sẽ nhanh chóng kết thúc bữa ăn của mình chỉ trong 15-20 phút, trước khi Steve Jobs xuất hiện. Luôn có những thử thách trong các câu hỏi mà ông ấy đặt ra và không phải ai cũng dám đối diện” – David Black nhớ lại.

Công bằng với mọi người, nhưng hãy tôn vinh nhà vô địch

Để tạo ra một đội ngũ nhân sự sáng tạo, khác biệt, đòi hỏi nhà quản trị cần một lộ trình, một kế hoạch đảm bảo vừa lan tỏa, vừa có chiều sâu.

Sự lan tỏa, được hình dung là mọi câu hỏi hay vấn đề cần được phổ biến, trao đổi rộng rãi, công khai với tất cả thành viên có trách nhiệm, quyền hạn liên quan đến vấn đề đó. Điều này giúp tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, huy động được chất xám cũng như rèn giũa sự sáng tạo cho nhân viên. Tránh được những vấn đề tiêu cực như đố kỵ, thiên vị… trong đội ngũ.

Còn chiều sâu, hiểu đơn giản là doanh nghiệp cần xác định một nhà vô địch, hình mẫu cá nhân, nhóm cụ thể đã hoạt động hiệu quả trong suốt một quá trình và tưởng thưởng họ một cách xứng đáng. Bởi chiến thắng của nhà vô địch sẽ trở thành một câu chuyện thành công tiêu biểu, kích thích được tinh thần làm việc của toàn bộ đội ngũ, để họ hăng say, quyết tâm hơn trong công việc.

“Sự khác biệt thường được thúc đẩy bởi cái gì đó mà một người đang tìm kiếm, mong muốn để đạt được, chứ không phải được tạo ra bởi điều gì đó mà chúng ta đang cố tránh né” – Jamil Qureshi đúc kết.

Xác định rõ mục tiêu của nhân sự

Cuối cùng, để tạo được một đội ngũ nhân sự khác biệt, nhà quản trị cần xác định rõ nguyện vọng, mục tiêu lâu dài của mỗi nhân viên trong doanh nghiệp. Bởi định hình được mục tiêu của nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp tính toán được những bước phát triển phù hợp với tương lai doanh nghiệp, đồng thời có thể hỗ trợ và tạo cơ hội cho nhân viên một cách tốt nhất.

Đơn cử, khi một nhân viên hỗ trợ khách hàng bày tỏ mong muốn làm việc trong phòng công nghệ thông tin, tức là người này đã đưa ra cho nhà quản trị một dấu hiệu về một ước mơ, mục tiêu trong tương lai. Nếu không được nhà quản trị đáp ứng mục tiêu ấy, hoặc nếu nhà quản trị không giúp nhân viên này hiểu được lý do vì sao người đó không được đổi công việc, thì việc thúc đẩy nhân viên này sáng tạo, tạo ra điều khác biệt, sẽ cực kỳ khó khăn.

“Một đội ngũ sáng tạo cần mối quan hệ chặt chẽ và một hệ thống quy tắc, điều luật linh hoạt. Bởi bạn không thể tạo ra những con gà chọi nếu bắt chúng sống trong chuồng và ăn uống theo chế độ của gà công nghiệp. Tuy nhiên, một hệ thống quy tắc linh hoạt chỉ nên được áp dụng với những cá nhân có tính chuyên nghiệp, có mục tiêu, động lực, những thứ sẽ luôn thúc đẩy họ đi lên” – Rosabeth Moss Kanter, giáo sư giảng dạy về quản trị kinh doanh thuộc Harvard Business School, kết luận.

Bài học từ cách Apple xử lý sự cố pin iPhone

Những gì Apple đã làm khi vướng phải cáo buộc làm giảm tuổi thọ pin của các dòng iPhone cũ vào tháng 12/2017 là bằng chứng rõ ràng về sức mạnh của một lời xin lỗi thông minh.

Bài học từ cách Apple xử lý sự cố pin iPhone

Cụ thể, vào ngày 20/12, đại diện phát ngôn của Apple đã chia sẻ với TechCrunch rằng có một vài khách hàng đặt ra nghi vấn Apple cố tình giảm tuổi thọ pin của các iPhone đời cũ để thúc đẩy doanh số cho các iPhone mới. Sau phát ngôn này, mối quan ngại của người tiêu dùng về các sản phẩm của Apple bắt đầu gia tăng.

Ngày 28/12, Apple chính thức đưa ra phát ngôn nhận lỗi và công bố chính sách đổi pin mới cho những chiếc iPhone cũ. Cách xử lý nhanh và hiệu quả này của Apple đã được giới truyền thông thế giới đánh giá là “một trong những lời xin lỗi tốt nhất năm 2017”.

Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Đây là chia sẻ của nữ doanh nhân Thảo Vũ – nhà sáng lập (founder) của Trung tâm tiếng Nhật Mina.

Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, Thảo đã có cơ hội biết thành thị thế nào sau khi vào đại học. Khi học đại học, Thảo thấy có rất nhiều người ban đêm đi bới rác để lượm lặt các thứ có thể bán đồng nát. Hình ảnh đó đã thôi thúc bạn làm điều gì đó để cho cuộc sống này tốt hơn. Câu trả lời là Giáo dục. Sau khi ra trường, bằng những trải nghiệm của bản thân Thảo quyết định mở một công ty về giáo dục với xuất phát ban đầu là Nhật ngữ. Thảo mong muốn mở một hệ thống trường học, sau Nhật ngữ này thành trường mầm non và tiếp tục phát triển lên.

nữ founder startup doanhnhansaigon

Thảo Vũ (ở giữa) cùng với các đối tác người Nhật.

Và dưới đây là những chia sẻ của Thảo dành cho những bạn trẻ mong muốn trở thành doanh nhân, nuôi giấc mơ khởi nghiệp.

Bài này tôi viết và gửi tặng tới các em mong muốn làm Giám đốc ở tuổi 22. Đặc biệt là gửi tới những đứa em – người vẫn luôn dõi theo hoặc đồng hành bên tôi.

Tôi chọn tuổi 22 vì đó là lúc các bạn đã tốt nghiệp Đại học. Khi tốt nghiệp Đại học, có hai hướng chính mà các bạn sinh viên chọn: 1 là đi làm ở các công ty và 2 là tự mở công ty. Ở đây tôi xin nói đến tự mở công ty.

Tự mở công ty là bạn tự tạo công ăn việc làm cho mình. Sau khi bỏ ra gần 2 triệu làm việc với 1 công ty luật, bạn sẽ nhận được giấy phép kinh doanh với chức danh Giám đốc. Đó là công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu kiêm giám đốc kiêm tất cả các vị trí. Đã xong về tên Giám đốc.

Thông thường khi sản phẩm có thị trường, mọi thứ ổn định hơn thì mới đăng ký công ty và mới trở thành Giám đốc theo đúng nghĩa chứ không phải trên giấy tờ.

Hành trình làm Giám đốc bắt đầu…

doanh-nhan-lam-viec-3-doanhnha-7822-7286

Kiến thức nền tảng và ham muốn trở thành doanh nhân

Tôi vẫn nhớ, một ngày của năm 2010, tôi đã hỏi anh doanh nhân đi trước rằng “Làm thế nào để trở thành doanh nhân?”. Anh đã trả lời thế này:

“Chào em, sách có rất nhiều, có mấy vần đề trọng tâm cần biết:

1. Macro, Micro Economy

2. Project Management

3. Business Plan

4. Marketing

5. ….

Để trở thành một doanh nhân, cần làm việc 12-14h/ngày, 7 ngày/tuần trong 10 năm liên tục.

Đó là điều quan trọng nhất.

Anh gửi em cuốn sách này của Napoleon Hills, nói về sự quyết tâm. Ebook tiếng Anh em có thể tìm thấy khá nhiều trên Internet”

Trải nghiệm và thực thi hết các ý tưởng bạn nghĩ ra, càng nhiều càng tốt

– Đó là các hội thảo chuyên đề: Marketing, nhân sự, tài chính, bán hàng…

– Đó là các hoạt động tình nguyện

– Đó là các công việc làm thêm

– Đó là các cuộc thi khởi nghiệp

– Đó là các cuộc gặp gỡ những người thành công

– Đó là tự mình kiếm tiền với những ý tưởng đơn giản: bán đĩa, bán sách…

doanh-nhan-lam-viec-5-doanhnha-4734-2160

1. Bán cái gì nhỉ?

Công ty chắc chắn cần có một sản phẩm, sản phẩm bắt nguồn từ ý tưởng của bạn trong quá trình sống và chọn lọc. Phần lớn, các bạn sẽ có ý tưởng na ná nhau: Mở quán cafe, mở trung tâm ngoại ngữ, mở quán ăn, mở cửa hàng bán quần áo, mở quán photocopy, mở cửa hàng bán sách, mở siêu thị, mở cửa hàng rau sạch, mở cửa hàng bán bánh, mở công ty về công nghệ (code, thiết kế, game, outsource…). Bất kỳ cái gì hứng thú bạn, hấp dẫn bạn, hãy bắt đầu làm.

Kinh nghiệm của tôi = Trải nghiệm + nhận định thị trường

Năm 2009, Thảo bắt đầu đi học tiếng Nhật, lúc đó đi học vì thích thú tiếng Nhật, thích nước Nhật và muốn tìm hiểu tại sao nước Nhật lại phát triển nhanh như vậy sau năm 1945.

Đi học được 1, 2 tuần thì đi tập quân sự nên đành bỏ dở tiếng Nhật. Sau đó, tập quân sự xong về thì lớp tiếng Nhật đó đã tan rã, cô giáo bảo hễ em tập hợp được khoảng 10 người thì cô sẽ dạy. Thế là bắt đầu dán tờ rơi, đăng tin rao vặt, rủ rê bạn bè, chia sẻ trên các diễn đàn …

Cuối cùng cũng tập hợp được 10 bạn để học. Học liên tục trong 7 tháng thì lớp tan rã, cô giáo bảo mình chuyển sang tuyển các lớp khác cho cô dạy và cứ như vậy trong 2 năm, tôi có trải nghiệm và hiểu biết trong mảng đào tạo tiếng Nhật.

Nhận định thị trường: Các nước châu Âu đang sử dụng đồng tiền chung và tạo thành một khối thống nhất, người dân các nước Châu Âu có thể nói được hầu hết tiếng của nhau. Vậy châu Á thì sao? Chắc chắn cũng có điểm tương đồng, tiếng Anh thì quá phổ biến rồi nên chắc chắn người ta sẽ chọn học thêm 1 tiếng khác, và tiếng Nhật là sự lựa chọn sau tiếng Anh (Nhật đầu tư vào Việt Nam nhiều, người Nhật có nhiều cái tương đống với người Việt Nam, Nhật là 1 đất nước phát triển..).

Nhưng có một thực tế là rất nhiều sinh viên học ngoại ngữ không nói được thứ tiếng này? Lý do là không có môi trường thực hành và chủ động thực hành

Vì thế, thị trường có nhu cầu và tôi cần tạo ra một nơi để mọi người không ngại nói, nói tự nhiên. Tôi nghĩ đến quán cafe ngôn ngữ. Nên thành lập CLB tiếng Nhật vì thị trường vẫn còn hiếm. Tuy nhiên, vốn ở đâu? Tôi nên đi làm thuê để có tiền hay nên đi vay mượn?

Đó là những câu hỏi trong tôi, để cuối cùng tôi  chọn đi làm thuê trước nhưng không hào hứng lắm nên cuối cùng quay về vay tiền và bắt đầu dốc toàn tâm, toàn ý cho nó: Dự án Tiếng nhật của tôi bắt đầu.

Kết luận: Sản phẩm bạn chọn nên là cái bạn hiểu rõ nhất và đã từng trải nghiệm về nó.

2. Bán như thế nào?

Tùy vào từng sản phẩm sẽ có cách bán khác nhau. Nhưng quan trọng, bạn cần là người hào hứng với sản phẩm của mình, bạn tự hào về giá trị của sản phẩm và không ngại chia sẻ điều tuyệt vời của sản phẩm cho những người khác. Khi chưa biết chắc chắn sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay không, bạn nên mời bạn bè, những người quen biết dùng thử và xin cảm nhận, đánh giá của họ.

Kinh nghiệm của tôi:

Bước 1: Xác định nhóm khách hàng mục tiêu

Bước 2: Tìm hiểu về nhu cầu của họ

Bước 3: Các cách để tiếp cận tới họ

Bước 4: Tiếp cận

Tôi từng bước thực hiện dự án bằng cách mở các lớp tiếng Nhật với học phí vừa phải để thu hút sự quan tâm, lấy công làm lãi, làm blog chia sẻ tại sao mình làm dự án này, chia sẻ những trải nghiệm học tiếng Nhật, nhấn mạnh vào quyết tâm học để nói và dùng tiếng Nhật.

3. Hình thành nhóm quản lý

– Nhóm quản lý đầu tiên:

Phần lớn các ý tưởng sau khi có sản phẩm sẽ vẫn gọi là một dự án. Người trưởng dự án sẽ bắt đầu đi tìm những người đồng hành để phát triển dự án, bán nhiều sản phẩm hơn ra thị trường. Lúc này, người trưởng dự án sẽ được gọi là nhà sáng lập, những người vào đồng hành tùy từng dự án sẽ gọi là nhà đồng sáng lập.

Kinh nghiệm của tôi: Tìm những người tâm huyết với ý tưởng của mình, có cùng quan điểm sống và hết mình vì nó, cùng nhau làm việc, nhất mực tin tưởng nhau.

Một mình làm thì lâu, nên đầu tiên cần tìm một nhóm nòng cốt, dự án tiếng Nhật của tôi bắt đầu tuyển các bạn tình nguyện vào làm. Sau 3 tháng, thì lứa nhân sự đầu tiên cũng hình thành, tuy nhiên vì là 1 dự án đang phát triển nên tiền công không nhiều, trách nhiệm không nhiều, dẫn đến việc tất yếu là tan rã.

Lúc này, nếu người sáng lập không theo đến cùng thì dự án sẽ chết yểu ở đây.

Bài học: Bạn – Người chủ của ý tưởng sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng cho dù những người khác có ra đi.

doanh-nhan-lam-viec-4-doanhnha-5543-9022

– Nhóm quản lý thứ hai:

Tiếp tục theo đuổi ý tưởng, bạn tuyển thêm nhóm đồng hành thứ hai, lúc này vì bài học rút ra từ nhóm thứ nhất, bạn sẽ nâng tiền công lên và trách nhiệm lên, ý tưởng phát triển thành một hệ thống hoàn thiện và bắt đầu có lãi, rồi phình to ra.

Trong khi đó, bạn lại chưa chuẩn bị tinh thần để phân chia công việc cho mọi người khi mở rộng, bạn ôm đồm nhiều thứ và bắt đầu mất kiểm soát.

Ngoài ra, khi có lãi sẽ gặp phải một bài toán về chia lợi, những người làm cùng sẽ bắt đầu phân chia: Ở lại làm cùng hay ra mở riêng một cái khác? Nếu không thỏa thuận được về chia lãi, rất có thể nhóm sẽ tách ra mở một cái khác.

Bài học: Vẫn phải tìm được người phù hợp bằng cách sàng lọc theo thời gian, chuẩn bị tinh thần cho việc lớn mạnh của hệ thống.

– Nhóm quản lý thứ ba:

Lúc này, mọi khó khăn về thị trường đã tạm ổn, bạn có một lượng khách hàng ổn định, và bắt đầu tiến hành thành lập công ty với chức danh Chủ sở hữu kiêm giám đốc.

Công ty của bạn hình thành các phòng ban, các mối quan hệ với đối tác. Bạn bắt đầu hoàn thiện hệ thống nội bộ, chăm lo cho nhân viên, cho khách hàng tốt hơn để tăng sự trung thành.

Và lúc này bạn nhận ra, bạn không thể làm tất cả mọi việc từ A – Z như khi công ty còn là một ý tưởng. Bạn đã trở thành Giám đốc, dưới bạn có các trưởng nhóm mà bạn tuyển vào. Bạn trao quyền cho họ ra sao, rồi họ lại trao quyền cho nhân viên họ ra sao để cả hệ thống có thể phát triển theo hướng mà bạn vạch ra.

Bạn suy nghĩ nhiều về hệ thống quản lý nội bộ: Tiền bạc, thuế, lương, thưởng để làm sao công ty có thể tồn tại và phát triển một cách tốt nhất…Lúc này, tuổi đời của bạn vào khoảng 25 tuổi, cái tuổi chưa đủ uy để hút những người có kinh nghiệm về làm cùng bạn, trong khi bạn cũng như một con gà con mới chập chững biết đi.

Bạn lao vào học về quản lý, điều hành công ty, bạn đi hỏi han các anh, chị khác, bạn thử hết các ý tưởng mà bạn nghĩ ra…Rồi luật lao động, thuế, quản lý tài chính, đầu tư tiền vào đâu, mục tiêu công ty năm nay là gì? Làm gì và không làm gì?… Bạn như nổ tung đầu.

Bạn tự hỏi có phải mình được sinh ra để làm cái này? Bạn hoài nghi về năng lực của mình? Hay là bán công ty đi để khỏi phải lo nghĩ nhiều? Bạn dằn vặt.

Rồi bạn ngồi một mình, nghĩ lại tại sao mình làm dự án này. Bạn bắt đầu nói chuyện với từng trưởng nhóm, chia sẻ với họ khởi nguồn của công ty, giá trị hướng tới: Vì khách hàng và vì con người thông qua giá trị tạo ra. Mọi người hiểu được mình đang làm gì và theo đuổi mục tiêu gì.

Toàn thể công ty đang chao đảo như sống lại với khởi nguồn phát triển của công ty. Và lúc này bạn nhận ra, việc quan trọng nhất của bạn bây giờ là phát triển thế hệ lãnh đạo kế cận bạn, văn hóa công ty, môi trường làm việc bền vững hơn để chuẩn bị cho những bước đi dài hơn.

* Tác giả là Nhà sáng lập chuỗi trung tâm tiếng Nhật Mina. 

5 thủ thuật để trở nên quyến rũ hơn

Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bạn bước vào một căn phòng, mọi người đã đưa ra những phán đoán về việc họ sẽ thích bạn nhiều hay ít. Và may mắn thay, chúng ta có nhiều cách để nâng cao cơ hội của mình.

5 thủ thuật để trở nên quyến rũ hơn

Với vẻ quyến rũ tự nhiên, nhân vật điệp viên James Bond (bí danh 007) có thể thoát khỏi mọi tình huống khó khăn. Nguồn: Getty Images

Có một số người dường như có “khả năng đặc biệt”. Họ bước vào một căn phòng toàn người lạ, nhưng lại rời khỏi đó với 10 người bạn mới, một cuộc hẹn ăn trưa vào ngày hôm sau, và một cơ hội kinh doanh mới nào đó. Tại sao “những người may mắn” này có vẻ như không cần cố gắng  mà vẫn có thể trở nên thu hút, trong khi nhiều người trong chúng ta phải rất vất vả mới làm được điều đó?

Đây không phải là một “nghệ thuật” như nhiều người nghĩ, ngược lại, nó hoàn toàn là một kỹ năng mà khoa học chứng minh rằng chúng ta có thể rèn luyện.

Các yếu tố cho thấy chúng ta chiếm được cảm tình của người khác, tạo được ấn tượng với họ, có thể bắt đầu thậm chí trước khi họ tiếp xúc với chúng ta. Alexander Todorov – giáo sư tâm lý tại Đại học Princeton đã chứng minh rằng, mọi người có thể đưa ra phán đoán về năng lực, độ tin cậy và sự thu hút của một ai đó sau khi nhìn vào mặt họ ít hơn một phần mười giây.

 

Phán đoán nhanh về một cái gì đó chỉ dựa vào hình thức bề ngoài có vẻ như hơi hời hợt, nhưng chúng ta luôn làm việc này dù không nhận ra. Và “cơ chế” này thực sự tạo ra tác động lớn. Chẳng hạn, nó ảnh hưởng đến cách chúng ta đưa ra một lá phiếu bầu cử. Một nghiên cứu đã chỉ ra, diện mạo gương mặt có thể được sử dụng để dự đoán kết quả những cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ. Tương tự, “cơ chế” này cũng tác động đến kết quả các cuộc bầu cử chính trị ở Bungari, Pháp, Mexico và Brazil.

Những phán đoán ta đưa ra dựa vào khuôn mặt người khác cũng gây ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của chúng ta. Trong một cuộc thử nghiệm, những người vay tiền được phán đoán là “ít đáng tin cậy” có xu hướng khó được chấp nhận khoản vay trên một website cho vay ngang hàng. Những người cho vay đã đưa ra phán đoán dựa trên diện mạo bên ngoài, bất chấp những thông tin cá nhân cụ thể của người vay như tình trạng việc làm, lịch sử tín dụng…

Sau đây là những cách để khi bước vào một căn phòng toàn những gương mặt mới, bạn có thể khiến mọi người muốn tìm hiểu về mình:

1. Bật “chế độ” gương mặt hạnh phúc

Có thể bạn không thể điều chỉnh những đặc điểm cố định trên gương mặt mình, nhưng bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh biểu cảm gương mặt và mỉm cười. Dựa vào các số liệu nghiên cứu về những đặc điểm làm tăng hoặc giảm độ tin cậy của khuôn mặt, Todorov khẳng định, một gương mặt càng hạnh phúc thì càng đáng tin cậy hơn. “Mọi người sẽ đánh giá một gương mặt tươi cười là đáng tin cậy hơn, ấm áp hơn và hòa đồng hơn”, ông giải thích.

“Mọi người sẽ đánh giá một gương mặt tươi cười là đáng tin cậy hơn, ấm áp hơn và hòa đồng hơn”.

Tuy nhiên, nếu ấn tượng đầu tiên chúng ta tạo ra không được tốt như mong đợi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục “thuyết phục” họ quên nó. “Chúng ta có thể “ghi đè” lên ấn tượng ban đầu mà mọi người đánh giá mình dựa trên vẻ bề ngoài. Khi gặp ai đó, ở khoảnh khắc có được thông tin tốt về họ, bạn sẽ lập tức thay đổi cách nhìn ban đầu”, Todorov nói.

Vì vậy, nếu bạn có thể tạo thiện cảm với ai đó bằng những thông tin tốt, họ thường sẽ quên đi những điều họ nghĩ về bạn ở giây phút ban đầu, thậm chí khi những điều đó có chiều hướng tiêu cực.

2. Tự rèn luyện, thay đổi mình

Sự thu hút có thể mang đến nhiều lợi ích trong sự nghiệp của chúng ta. Các doanh nhân có kỹ năng xã hội tốt hơn sẽ dễ thành công hơn, những nhân viên được yêu thích sẽ có con đường sự nghiệp thuận lợi hơn. Một nghiên cứu của Đại học Massachusetts chứng minh, những kiểm toán viên nội bộ được yêu thích khi đưa ra vấn đề cần tranh luận có xu hướng dễ nhận được sự đồng tình từ nhà quản lý hơn.

GS. Suzanne de Janasz ở Đại học Seattle nói rằng, những kỹ năng tương tác, giao tiếp đang trở nên ngày càng quan trọng trong môi trường làm việc vì cấu trúc phân cấp tại các công ty ngày càng suy giảm trong những năm gần đây.

Trên tất cả, hãy rèn luyện khả năng trở nên quyến rũ, thu hút hơn. Nhà tâm lý học Jack Schafer – một đặc vụ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về hưu, tác giả cuốn sách The Like Switch (tạm dịch: Công thức để được yêu thích), đã viện dẫn trường hợp của Johnny Carson (1925 – 2005) – người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ. Carson là người chỉ thích ở một mình, nhưng lại học được cách hoàn toàn thoải mái, tự tin trước ống kính. Ông từng nói với Los Angeles Times rằng 98% thời gian sau khi quay hình, ông thường chỉ đi về nhà chứ không cùng tham gia vào cuộc vui với những người nổi tiếng khác.

“Carson là một người cực kỳ hướng nội nhưng đã tự rèn luyện mình để trở thành một người hướng ngoại. Ngay khi chương trình kết thúc, ông lập tức trở về nhà, nhưng trên tivi, ông vốn nổi tiếng là người hay pha trò và cười đùa”, Schafer mô tả.

“Carson là một người cực kỳ hướng nội nhưng đã tự rèn luyện mình để trở thành một người hướng ngoại. Ngay khi chương trình kết thúc, ông lập tức trở về nhà, nhưng trên tivi, ông vốn nổi tiếng là người hay pha trò và cười đùa”, Schafer mô tả. Nguồn: Getty Images

3. Hãy nhướng lông mày

Vậy chúng ta cần làm gì để trở nên quyến rũ hơn? Schafer nói rằng sự quyến rũ bắt đầu với một cử chỉ đơn giản của đôi lông mày. “Não của chúng ta luôn “khảo sát” môi trường để tìm ra tín hiệu của một mối quan hệ bạn bè hay thù địch. Sau đây là 3 điều quan trọng cần làm khi tiếp cận người khác để thể hiện chúng ta không phải là một mối đe dọa: một cú nhướng lông mày lên và xuống trong khoảng 1/6 giây, một cái nghiêng nhẹ đầu và một nụ cười”, Schafer gợi ý.

Chiếc chìa khóa tiếp theo để trở nên quyến rũ hơn là tương tác về người khác, nghĩa là không nói về chính mình. Schafer nói: “Quy tắc vàng của một mối quan hệ tốt là nếu bạn khiến người khác cảm thấy tốt, họ sẽ thích bạn”. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả khi bạn thể hiện sự quan tâm thực sự tới những điều họ nói.

Những nhận định bày tỏ sự đồng cảm có thể phản ánh điều mà người khác đang cảm nhận. “Có một lần tôi gặp một sinh viên ở thang máy, trông cậu ta có vẻ rất hài lòng. Tôi nói “Trông như bạn đang có một ngày rất tốt”. Cậu ấy liền kể với tôi về cách mình vừa vượt qua một bài kiểm tra sau khi dành nhiều tuần để học bài. Điều đó giúp cậu ấy cảm thấy tốt về bản thân mình”, Schafer kể.

Nếu biết nhiều hơn về người mình đang trò chuyện cùng, bạn còn có thể tạo ra hiệu quả nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, nếu biết về tuổi tác của ai đó, bạn có thể nói về một chủ đề cụ thể về họ: “Bạn mới 30 tuổi nhưng đã làm được công việc đó. Không nhiều người làm được khi còn trẻ như thế”…

Còn GS. Suzanne de Janasz thì cho biết, trong một tình huống giao tiếp lần đầu, nếu đã nghe được thông tin gì đó về người đối diện, chúng ta có thể hỏi: “Tôi nghe nói điều tuyệt vời đó đã xảy ra với bạn, tôi rất muốn được nghe về câu chuyện đó”…

4. Tìm chủ đề chung

GS. Suzanne de Janasz cũng gợi ý nên chú trọng đến chủ đề chung với người đối diện, thậm chí khi ý kiến của chúng ta đối lập với họ. Những người quyến rũ thường thông thạo kỹ năng tìm kiếm chủ đề chung với người mình đang tương tác, dù họ cũng không có quá nhiều thứ để nói.

3 điều quan trọng cần làm khi tiếp cận người khác, nhằm thể hiện rằng chúng ta không phải là một mối đe dọa: một cú nhướng lông mày lên và xuống trong khoảng 1/6 giây, một cái nghiêng nhẹ đầu và một nụ cười.

“Khi không đồng ý, cũng hãy cố gắng thực sự lắng nghe người khác hơn là phản ứng ngay lại. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thông minh thường có xu hướng làm như vậy. Dù khi bạn hoàn toàn không tán thành ý kiến của họ, hãy tiếp tục xem xét kỹ hơn, có thể bạn vẫn đồng ý với họ vài điểm nào đó, ít nhất là về mặt nguyên tắc”, bà gợi ý. Bà cho biết thêm, “theo dòng thời sự” là một ý tưởng hay, vì đó là điểm chung của phần lớn mọi người.

Schafer cũng khuyên chúng ta nên tìm nhiều điểm chung trực tiếp hoặc gián tiếp để tương tác với người khác, chẳng hạn: “Bạn đến từ California? Tôi cũng vậy”, hoặc “Tôi hy vọng bạn sẽ ghé thăm California vào năm sau”, “Con gái tôi cũng đang làm việc cho một công ty ở Thung lũng Silicon”…

5. Lưu tâm đến ngôn ngữ cơ thể

Một chìa khóa nữa để trở nên quyến rũ là “phản chiếu” ngôn ngữ cơ thể của người khác. Khi mọi người đang trò chuyện và bắt đầu “phản chiếu” ngôn ngữ cơ thể của người khác, đó là một dấu hiệu cho thấy họ đang có một mối quan hệ tốt, theo Schafer.

“Vì vậy, bạn có thể tận dụng “thủ thuật” này, hãy “nhân bản” người đối diện để thể hiện cho họ thấy rằng bạn đang có một mối quan hệ tốt. Đây cũng là một cách tốt để kiểm tra xem cuộc trò chuyện sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào. Nếu bạn thay đổi vị trí và người khác “sao chép” hành động của bạn, đó là dấu hiệu tốt. Những người làm trong ngành sale thường tận dụng khoảnh khắc này để thuyết phục bạn mua hàng”, Schafer tiết lộ.

Một sai lầm chung mà nhiều người trong chúng ta mắc phải, đó là làm cho người mới quen có cảm giác “quá tải” bởi quá nhiều thông tin về chính chúng ta. Thay vào đó, Schafer gợi ý rằng chỉ nên tiết lộ về bản thân mình từng chút từng chút một. Những “mảnh thông tin nhỏ” như vậy sẽ khơi gợi được sự tò mò nơi người đối diện – yếu tố giúp duy trì hiệu quả một mối quan hệ.

Tuy nhiên, cũng có những tình huống mà bạn bị buộc phải kết thân với ai đó trong một khoảng thời gian ngắn. Với 20 năm làm việc tại FBI, có “chuyên môn” khiến người khác phải tiết lộ những thông tin bí mật, Schafer chia sẻ chiến thuật tạo điều kiện để đối phương trả lời những câu hỏi cá nhân. Cụ thể, những tuyên bố giả định như “Trông bạn có vẻ đang khoảng 25 – 30 tuổi” thường sẽ khiến người khác phản ứng lại bằng cách đưa ra thông tin xác nhận “Vâng, tôi 30 tuổi” hoặc thông tin đính chính “Không, tôi 35 tuổi”.

“Qua nghiên cứu cho thấy, tôi có được các câu trả lời cung cấp thông tin cá nhân càng nhanh thì mối quan hệ đó càng nhanh tiến triển. Và nếu tôi đang muốn bán thứ gì đó, tôi càng nhanh thúc đẩy mối quan hệ và khiến bạn nói ra nhiều thông tin cụ thể về cuộc sống của bạn, bạn càng nhanh xem tôi như một người bạn, và tôi có thể bán được món hàng nhanh hơn”, Schafer lý giải.

Nếu cách đó không thành công, vẫn còn một cách để thu hút người khác, đó là dành nhiều thời gian ở gần họ. Trong cuốn The Like Switch, Schafer có kể một giai thoại khi còn làm việc ở FBI, về vụ một gián điệp nước ngoài bị giam giữ tại Mỹ. Mỗi ngày, Schafer chỉ đến và ngồi trong phòng giam của người này để… đọc báo. Cho đến cuối cùng, nỗi sợ hãi đã bị thay thế bởi sự tò mò và gián điệp đó bắt đầu trò chuyện với ông.

“Lúc đầu, tôi còn giữ khoảng cách. Nhưng sau đó mỗi ngày, tôi dần nghiêng đầu về phía anh ta, tăng cường tương tác mắt một chút…”, ông kể. Phần việc đó phải mất nhiều tháng, nhưng cuối cùng, Schafer đã có được điều ông muốn.

Tự giải quyết vấn đề với quy tắc 10/10/10 của Warren Buffett

“Bạn không thể tiến bộ mà không đưa ra quyết định.” – Jim Rohn.

Tự giải quyết vấn đề với quy tắc 10/10/10 của Warren Buffett

Ra quyết định là một yếu tố trong cuộc sống của mỗi người đều phải trải qua. Cho dù hoàn cảnh có trở nên cực kỳ quan trọng và căng thẳng như thế nào đi chăng nữa, thì vẫn phải đưa ra một quyết định để có thể đi đến trạm tiếp theo trong cuộc đời.

Những người cực kì thành công là những người thường xuyên phải đối mặt với những quyết định khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên, những người thành công như Warren Buffett huyền thoại đã tự mình vượt qua một cách có hệ thống giữa các lựa chọn để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.

Tại sao chúng ta đưa ra những quyết định không sáng suốt?

Theo các nghiên cứu gần đây, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình ra quyết định của mỗi người. Những điều này có thể bao gồm những kinh nghiệm trong quá khứ, những thành kiến ​​về nhận thức và nhiều yếu tố khác. Các yếu tố đó xuất hiện trong các tình huống căng thẳng, và bạn có một công thức về một quyết định sai lầm dưới tiềm thức.

Vậy, làm thế nào bạn có thể tránh được những điều đó và đưa ra quyết định hợp lí hơn?

Những người thành công như Warren Buffett phải thực hiện những lựa chọn có thể ảnh hưởng đến hàng triệu đô la mỗi ngày. Thay vì để điều này ảnh hưởng đến lựa chọn của mình, ông sử dụng một phương pháp có thể dễ dàng được áp dụng cho cuộc sống của bất kỳ ai. Nó được gọi là “Quy tắc 10/10/10”.

Quy tắc này thực sự đơn giản. Bạn chỉ cần nhớ ba câu hỏi, và có thể trả lời chúng với một viễn cảnh hướng tới tương lai:

Các câu hỏi là:

1. Tôi sẽ cảm thấy thế nào về quyết định của mình trong 10 phút?

2. Tôi sẽ cảm thấy thế nào về quyết định của tôi trong 10 tháng?

3. Tôi sẽ cảm thấy thế nào về quyết định của tôi trong 10 năm?

Sẽ tốt hơn khi bạn luôn suy nghĩ và kiểm tra nó thường xuyên.

Khi tôi 22 tuổi, tôi đã chuyển đến NYC, và tôi đã cố gắng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách tham gia một cuộc phỏng vấn trên Wall Street. Tất nhiên, điều bắt buộc đối với tôi là trang phục. Với tài khoản tiết kiệm bốc hơi nhanh chóng, tôi biết rằng tôi không có khả năng chi trả cho một bộ com lê mới.

Tôi đã bị rơi vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: tôi có thể ở lại làm việc vào mỗi ngày cuối tuần và bắt đầu tiết kiệm đủ để mua bộ com-lê. Hoặc là tôi có thể mua bộ quần áo bằng thẻ tín dụng và hy vọng sẽ trả hết. Đây là cách mà phương pháp 10:10:10 đã diễn tả khi tôi nghĩ đến việc mua bằng thẻ tín dụng:

1. Tôi cảm thấy thế nào sau 10 phút sau khi mua bộ com lê bằng thẻ tín dụng?

Tôi sẽ cảm thấy tốt về bản thân mình! Tôi không muốn các ngày cuối tuần của tôi được sắp đặt bởi một lần mua, và tôi không muốn dành cả cuộc đời của mình để kiếm tiền.

2. Tôi sẽ cảm thấy thế nào sau 10 tháng sau khi mua bằng thẻ tín dụng?

Nếu tôi có một công việc vào lúc đó, tôi sẽ vui mừng vì tôi sẽ được thư giãn vào cuối tuần! Nhưng nếu ngược lại, tôi sẽ phải lo lắng khi phải trả tiền cho bộ trang phục đó (và không có thu nhập).

3. Tôi sẽ cảm thấy thế nào sau 10 năm sau khi mua bằng thẻ tín dụng?

Dù thế nào, tôi vẫn hy vọng có một công việc ngay sau đó. Nếu phải mất một thời gian để làm việc, tôi biết rằng nợ thẻ tín dụng có thể bị đội lên nhanh chóng và tôi có thể sẽ phải hối tiếc về việc trả nợ nần trong nhiều năm tới.

Vậy là đã rõ, tôi đã làm việc mỗi cuối tuần trong một thời gian và tiết kiệm để mua bộ com-lê, và tôi đã nhận được công việc khá nhanh chóng mà vẫn tránh được nợ nần trong quá trình này.

Cách áp dụng điều này đối với bạn

Bộ não của bạn bị phân tâm khi nhìn vào những lợi ích ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn vào sự hài lòng lâu dài và sự gia tăng của nó cho phép bạn đưa ra những quyết định thông minh hơn. Như Tiến sĩ Stephen Covey đã nói: “Hạnh phúc có thể được định nghĩa là hoa trái của mong muốn và khả năng hy sinh những gì chúng ta muốn bây giờ cho những gì chúng ta muốn trong tương lai”.

Phương pháp này buộc bạn suy nghĩ xa rộng hơn, suy nghĩ thông minh, và đánh giá tình huống bằng cách tự trả lời câu hỏi trên. Thực tiễn là chìa khóa thành công, và cũng tương tự với phương pháp này: Khi bạn làm nó thường xuyên hơn, não bạn sẽ thích nghi nhanh hơn. Vì vậy, lần sau khi bạn phải quyết định cái gì, hãy thử nhìn xa hơn, và bạn sẽ bắt đầu thấy sự khác biệt.