Category Archives: Bussiness

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến chính sách của Trung Quốc tê liệt

Những ai kỳ vọng vào một cú hích như đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước có lẽ sẽ phải thất vọng. Trung Quốc có dấu hiệu trượt dài xét từ diện chính sách.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến chính sách của Trung Quốc tê liệt

Theo Bloomberg, Bộ Tài chính đang yêu cầu Ủy ban Giám sát và Quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) cho phép các ngân hàng hạ thấp hệ số rủi ro đối với trái phiếu chính quyền địa phương về mức 0%, so với mức 20% hiện nay. Theo đề xuất này, trái phiếu chính quyền địa phương sẽ được xem là an toàn như nợ trái phiếu của Bộ Tài chính. Và, khi trái phiếu của chính quyền địa phương được chào bán với lợi tức cao hơn, nó sẽ thu hút các ngân hàng mua thêm.

Kế hoạch này có thể hiểu là một biện pháp kích thích mới nếu như được thông qua. Vấn đề là nó khó có thể trở thành hiện thực, và hoàn cảnh ra đời của nó đã vô tình làm lộ ra mâu thuẫn nội bộ, cũng như sự thiếu nhất quán trong chính sách của chính phủ Trung Quốc. Goldman Sách ước tính thay đổi hệ số rủi ro của trái phiếu địa phương sẽ giải phóng tới 3 nghìn tỷ CNY (khoảng 438 tỷ USD), cho phép các ngân hàng mua thêm trái phiếu doanh nghiệp và mở rộng thêm các khoản vay.

Bộ Tài chính cần các chính quyền địa phương, hiện chịu trách nhiệm đối với 90% các dự án cơ sở hạ tầng, lấy lại khả năng chi trả. Trái phiếu địa phương trong vòng 7 tháng đầu năm phát hành tổng cộng 792 tỷ CNY, chỉ chiếm 36% hạn ngạch hàng năm của bộ. Moody’s cũng nhận định khó có khả năng xuất hiện dòng tiền mới: trong quý đầu năm, động thái của tất cả các địa phương đều là áp dụng biện pháp hoán đổi trái phiếu hoặc làm mới các khoản nợ cũ.

Ngoài ra, lỗ hổng đầu tư của các địa phương ngày càng lớn, lên đến 8 nghìn tỷ CNY vào năm ngoái. Điều này càng củng cố thêm sự ngờ vực về khả năng xuất hiện một nguồn tiền mới ở thời điểm hiện tại.

Cùng lúc này, chính phủ Trung Quốc lại bị giằng xé giữa tăng trưởng GDP và giảm gánh nặng nợ nần. Trung Quốc đang ở trong thời kỳ khó khăn, nỗ lực ngăn chặn một cơn đột quỵ của nền kinh tế. Căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng leo thang buộc Bắc Kinh phải thận trọng hơn. Rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc không vững vàng như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo The New York Times, quốc gia Đông Á này luôn được nhắc tới với khái niệm “nâng tầm tiêu dùng” (consumption upgrades), với hơn 400 triệu người ở tầng lớp trung lưu rất chịu chi. Hiện nay, nền kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc, người dân cũng ít mua sắm hơn, thị trường chứng khoán ảm đạm và đồng CNY cũng bị ảnh hưởng.

Người tiêu dùng vốn là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế thần kỳ trong những năm gần đây, giúp Trung Quốc nắm vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn cầu. Họ giúp thu hút những công ty đa quốc gia như Apple, General Motors, Volkswagen và nhiều doanh nghiệp khác. Sự chững lại của thời kỳ huy hoàng trên trợ giúp rất tốt cho Tổng thống Trump, khi ông đặt cược vào khả năng Bắc Kinh sẽ không thể chịu đựng thêm các thiệt hại kinh tế mới.

Về lý thuyết, kinh tế Trung Quốc có vẻ đang rất khỏe mạnh. Nhưng quan sát kỹ sẽ thấy những kẽ nứt bắt đầu xuất hiện. Doanh số bán lẻ năm nay tăng trưởng chậm nhất trong hơn 10 năm. Tiền lương ở khu vực tư nhân cũng chịu chung số phận kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thị trường chứng khoán suy giảm đến 1/10.

Nếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đem lại điều gì đó mới mẻ, Trung Quốc có thể vượt qua khó khăn này và giảm gánh nợ sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn đến hơn hai năm nữa, và chính quyền nước này vẫn còn nhiều vấn đề trước mắt chưa giải quyết xong.

Áp dụng AI vào kinh doanh: Chiến lược là gì?

Trước khi nghĩ tới việc xây dựng một hệ thống trọn vẹn, doanh nghiệp cần xác định vấn đề cụ thể cần giải quyết là gì.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng – CEO của Accesstrade Việt Nam, 4 áp lực hàng đầu DN luôn gặp phải trong kinh doanh là tăng doanh số nhưng phải tiết kiệm chi phí, dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng, duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững và dài hạn.

Ngày nay DN không thể đào tạo nhân lực làm dịch vụ theo cách quản trị truyền thống bởi các xu thế như chatbot (máy tính tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên) và tự động hóa (automation) là các lựa chọn mới phù hợp để hỗ trợ DN.

Những “người máy” đó lại hoạt động không ngừng nghỉ, có khả năng tùy biến theo từng nhu cầu khách hàng nên mang lại hiệu quả cao. Một chatbot trên Facebook có thể giúp kéo khách hàng từ trực tuyến (online) tới điểm bán (offline), giúp lượng khách hàng tăng nhưng chi phí rất thấp.

Ông Hưng cho biết kết quả thử nghiệm thực tế của Accesstrade tại Việt Nam: một email tiếp thị được gửi đến 16.000 địa chỉ thì tỷ lệ mở email trung bình 15%, trong khi qua chatbot lên đến 80%, hiệu quả tương tác tăng gấp 5 lần nhưng chi phí thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, máy móc công nghệ dù thông minh đến đâu vẫn chỉ là công cụ của con người. Muốn ứng dụng thành công, trước hết DN phải đầu tư thích đáng cho nhân sự, sau đó mới đến máy móc. Sự sáng tạo của con người sẽ quyết định cuộc chơi, chatbot đóng vai trò khuyến nghị các lựa chọn phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng, tối ưu chi phí và tạo ra năng lực cạnh tranh lâu dài.

Theo dữ liệu WPP và Kantar Miward Brown công bố hồi tháng 6/2018, trong 10 DN có thương hiệu giá trị nhất thế giới thì có đến 8 thương hiệu là những công ty công nghệ, như Goolge, Apple, Amazon, Microsoft, Tencent, Facebook…

Việc ứng dụng các công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tế (AR)… đã giúp họ hiểu rõ khách hàng, đưa ra những nội dung tương tác mang tính cá nhân hóa và tính trải nghiệm cao. “Robot và tự động hóa sẽ là vũ khí giúp công ty công nghệ chiến thắng công ty truyền thống và công ty nhỏ vượt qua công ty lớn”, ông Hưng nhận định.

Máy móc được sử dụng vào những công việc có tính chất lặp lại để nâng cao năng suất, còn chiến lược vẫn phải do con người đề ra. Theo ông Joe Ruelle – Giám đốc Phát triển kinh doanh Google Cloud khu vực Đông Nam Á, con người vẫn đóng vai trò quan trọng, định hướng máy móc làm việc và hiệu quả của các robot mang lại như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của con người.

Máy móc công nghệ dù thông minh đến đâu vẫn chỉ là công cụ của con người. Muốn ứng dụng thành công, trước hết DN phải đầu tư thích đáng cho nhân sự, sau đó mới đến máy móc.

Google là nhà cung cấp công nghệ và kỹ thuật quan trọng cho việc quảng bá, tiếp thị của DN nhưng theo ông Joe, trước khi nghĩ tới việc xây dựng một hệ thống trọn vẹn, DN cần xác định vấn đề cụ thể cần giải quyết là gì. Từ đó tìm ra giải pháp phù hợp, đừng vội vàng đi mua giải pháp rồi mới tìm vấn đề có thể ứng dụng giải pháp đó.

“Công nghệ và kỹ thuật của Google rất mạnh, nhưng nếu chỉ dựa trên dữ liệu mà Google có, việc tối ưu hóa sẽ không mang lại nhiều hiệu quả khi DN không biết cách chọn lọc những dữ liệu (data) trên chính hệ thống mình đang có”, ông Joe khuyến cáo.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Ngọc – đại diện InfushionSoft Việt Nam, công ty chuyên về phần mềm quản lý khách hàng, việc tiếp nhận công nghệ mới đầu tiên phải đi từ quy trình và tư duy, trong khi các chủ DN nhỏ Việt Nam thường phản ứng tức thời theo vụ việc mà chưa có được chiến lược dài hạn.

Điều này rất khó cho việc đưa các phần mềm vào hoạt động thực tiễn. “Các chủ DN nhỏ và vừa cần tìm hiểu về kỹ thuật, học cách tư duy máy học, hiểu rõ tính năng của các công cụ thì công nghệ mới được ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả và tận dụng được các giá trị”, ông Ngọc khuyên.

 

Top 10 công ty công nghệ làm thay đổi thế giới

Thập niên 2000 vừa qua, nhiều công ty công nghệ khổng lồ đã phát triển vượt bậc, cung ứng cho người tiêu dùng những sản phẩm không ngừng đổi mới.

Ngày nay, họ tiếp tục những bước tiến vũ bão như thế và lần đầu tiên có một công ty cán mốc giá trị vốn hóa thị trường (Market Cap) 1.000 tỉ USD. Dưới đây là 10 công ty công nghệ đang làm thay đổi cả thế giới, từng ngày một, từng lĩnh vực một:

1. Apple (AAPL)

Apple

  • Đây chính là công ty vừa cán mốc 1.000 tỉ USD
  • Đồng sáng lập: Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne, ngày 1-4-1976
  • CEO: Tim Cook
  • Lực lượng lao động: 123.000 người
  • Trụ sở: Cupertino, California (Mỹ)
  • Market Cap: 1.000 tỉ USD (đang tăng lên)
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 770%
  • Sản phẩm tiêu biểu: iPhone – một trong những điện thoại thông minh thành công nhất trong lịch sử.

2. Amazon (AMXL)

Amazon

  • Sáng lập: Jeff Bezos, tháng 7-1994
  • Lực lượng lao động: 566.000 người
  • Trụ sở: Seattle, Washington (Mỹ)
  • Market Cap: 719,1 tỉ USD (đang tăng lên)
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 202%
  • Hiện Amazon là hệ thống bán lẻ trên mạng lớn nhất toàn cầu.

3. Facebook (FB)

Facebook

  • Đồng sáng lập: Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes, ngày 4-2-2004
  • CEO: Mark Zuckerberg
  • Sản phẩm: Mạng xã hội
  • Lực lượng lao động: 25.105 người
  • Trụ sở: Menlo Park, California (Mỹ)
  • Market Cap: 520 tỉ USD (đang tăng lên)
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 483%
  • Hiện là một trong những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử nhân loại.

4. Alphabet (GOOG)

Alphabet

  • Đồng sáng lập: Larry Page và Sergey Brin, ngày 2-10-2015
  • CEO: Larry Page
  • Sản phẩm: Kết hợp (Công ty mẹ Google)
  • Lực lượng lao động: 72.053 người
  • Trụ sở: Mountain View, California (Mỹ)
  • Market Cap: 784,2 tỉ USD (đang tăng lên)
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 411%

5. Microsoft (MSFT)

Microsoft

  • Đồng sáng lập: Bill Gates và Paul Allen, ngày 4-4-1975
  • CEO: Satya Nadella
  • Sản phẩm: Phần mềm, máy tính cá nhân, điện tử tiêu dùng, dịch vụ
  • Lực lượng lao động: 124.000 người
  • Trụ sở: Redmond, Washington (Mỹ)
  • Market Cap: 724,2 tỉ USD (đang tăng lên)
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 231%

6. Twitter (TWTR)

Twitter

  • Đồng sáng lập: Jack Dorsey, Noah Glass, Biz Stone và Evan Williams, ngày 21-3-2006
  • CEO: Jack Dorsey
  • Sản phẩm: Mạng xã hội
  • Lực lượng lao động: 3.583 người
  • Trụ sở: San Francisco, California (Mỹ)
  • Market Cap: 24,15 tỉ USD
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: -28%

7. Alibaba (BABA)

Alibaba

  • Đồng sáng lập: Jack Ma và Peng Lei, ngày 4-4-1999
  • CEO: Daniel Zhang
  • Sản phẩm: Internet, thương mại điện tử, công nghệ
  • Lực lượng lao động: 50.092 người
  • Trụ sở: Hàng Châu, Triết Giang (Trung Quốc)
  • Market Cap: 496 tỉ USD (đang tăng lên)
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 108%
  • Alibaba được mệnh danh là “Amazon Trung Quốc”. Jack Ma là một trong những người giàu nhất thế giới, cũng là một trong những người có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc.

8. Netflix (NFLX)

Netflix

  • Đồng sáng lập: Reed Hastings và Marc Randolph, ngày 29-8-1997
  • CEO: Reed Hastings
  • Sản phẩm: Công nghệ streaming entertainment
  • Lực lượng lao động: 5.400 người
  • Trụ sở: Los Gatos, California (Mỹ)
  • Market Cap: 124,1 tỉ USD
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 625%

9. Paypal (PYPL)

Paypal

  • Đồng sáng lập: Ken Howery, Luke Nosek, Max Levchin, Peter Thiel và Elom Musk, tháng 12-1998
  • CEO: Daniel Schulman
  • Sản phẩm: Thanh toán online
  • Lực lượng lao động: 18.100 người
  • Trụ sở: San Jose, California (Mỹ)
  • Market Cap: 95,6 tỉ USD
  • Tỷ lệ tăng trưởng 10 năm qua: 129%

10. Tesla (TSLA)

Tesla

  • Đồng sáng lập: Martin Eberhard, Marc Tarpenning, Ian Wright, Elon Musk và JB Straubel, ngày 1-7-2003
  • CEO: Elon Musk
  • Sản phẩm: Ôtô, tích lũy năng lượng
  • Lực lượng lao động: 33.000 người
  • Trụ sở: Palo Alto, California (Mỹ)
  • Market Cap: 59,5 tỉ USD
  • Tỷ lệ tăng trưởng trong 10 năm qua: 172%

Trong 10 công ty công nghệ hàng đầu trên, 9 công ty có trụ sở tại Mỹ và 7 trong số đó đặt bản doanh tại bang California. Tính chủ đạo của nước Mỹ về mặt công nghệ là điều không thể phủ nhận.

42 năm hoạt động, Vinamilk chiếm 50% thị phần sữa Việt

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất sữa từ nguồn nguyên liệu trong nước, sau 42 hoạt động, Vinamilk chiếm hơn 1/2 thị phần sữa Việt Nam.

Cụ thể, Vinamilk chiếm 50% thị phần sữa, trong đó sữa đặc chiếm 80%, sữa tươi 53%, sữa chua các loại 80%, sữa bột 40%. Riêng sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng và doanh số bán ra trong phân khúc nhóm nhãn hiệu sữa tươi từ năm 2015 đến nay (số liệu từ Nielsen 8/2017).

Nhờ lợi thế về chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thương hiệu, doanh nghiệp còn thắng thầu nhiều hợp đồng cung cấp sữa ở nước ngoài. Sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 31 quốc gia trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Canada…

Đại diện Vinamilk chia sẻ: “Mọi nỗ lực của chúng tôi đều xuất phát từ ý chí và quyết tâm đem đến những sản phẩm dinh dưỡng tối ưu, phù hợp với người tiêu dùng”.

Trụ sở Vinamilk hiện tại.

Cũng theo đại diện hãng sữa này, vào những năm đầu thập niên 1970, ngành công nghiệp chế biến sữa của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập.

Nông trường Mộc Châu là nơi đầu tiên độc quyền sở hữu đàn bò quy mô lớn do Cuba viện trợ, với sản phẩm chủ yếu là bánh sữa. Thời điểm ấy, Sài Gòn có 2 nhà máy sữa là Trường Thọ do tư nhân người Hoa thành lập năm 1972 và Foremost hoạt động đầu những năm 1960 chủ yếu phục vụ quân đội Mỹ.

Ngày 20/8/1976, Vinamilk thành lập dựa trên cơ sở tiếp quản nhà máy sữa Thống Nhất (tiền thân là Foremost), Trường Thọ và nhà máy sữa bột Dielac (tiền thân là nhà máy sữa bột Nestlé).

Những ngày đầu thành lập khi chưa thể chủ động 100% nguyên liệu sản xuất, lãnh đạo Vinamilk nhìn nhận doanh nghiệp khó phát triển. Để giải quyết bài toán này, năm 1991 đơn vị phát động cuộc “cách mạng trắng”, hướng đến chủ động nguồn cung cấp sữa đầu vào trong nước bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa.

Vinamilk chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu nội địa từ sớm.

Với mong muốn phát triển đàn bò thông qua hỗ trợ nông dân về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thú y cũng như thu mua sữa với giá cao, công ty mạnh dạn giảm lãi. Khi tiến hành cổ phần hóa, Vinamilk bán cổ phần cho nông dân với giá chỉ bằng 70% mệnh giá đương thời, đồng thời đứng ra bảo lãnh cho các hộ vay vốn mua cổ phần.

Sau khoảng thời gian phát triển hệ thống trang trại trải dọc đất nước, liên kết với người dân mở rộng vùng chăn nuôi, Vinamilk đã giúp cho tổng lượng đàn bò năm 2005 tăng gấp 38 lần so với năm 1991, chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất lên đến 50%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tiên phong trang bị máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế cho các nhà máy, cho ra đời những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng hàng đầu.

Giới siêu giàu dạy con những gì để giàu đến ba đời?

Giới siêu giàu được định nghĩa là những gia đình sở hữu ít nhất 5 triệu USD tài sản ròng, không kể giá trị nơi ở chính của họ, theo tổ chức nghiên cứu quản lý tài sản Spectrem Group.

Giới siêu giàu dạy con những gì để giàu đến ba đời?

Người giàu rất quan tâm đến việc làm thế nào để tài sản gia tộc được mãi mãi trường tồn. Ảnh:Big Think

Bà Carol M. Schleif – Phó tổng giám đốc đầu tư tại Abbot Downing, đơn vị trực thuộc công ty tài chính Wells Fargo, nơi chuyên tập trung vào những gia đình sở hữu tài sản ròng từ 100 triệu USD trở lên – cho biết: Câu thành ngữ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” hay khái niệm tài sản của một gia tộc cuối cùng cũng sẽ biến mất, thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đối thoại giữa những gia đình siêu giàu.

Đương đầu với nỗi sợ đó, rất nhiều gia đình thuộc giới siêu giàu đã và đang dạy cho con cái họ cách sử dụng tiền bạc từ rất sớm để khối tài sản của gia tộc mãi mãi trường tồn. Và, những bài học này hoàn toàn thích hợp để áp dụng tất cả các gia đình chưa gia nhập giới siêu giàu.

Schleif nói: “Việc bạn có bao nhiêu số 0 trong tài khoản ngân hàng hiện tại không quan trọng. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, kết quả sau cùng mà bạn muốn con mình đạt được là gì và bạn có thể làm được gì để dạy cho chúng biết về điều đó”. Và, dưới đây là 4 điều mà giới siêu giàu thường xuyên dạy con cái họ.

Dạy con biết tiền không phải là tất cả

Trái với phần đông suy nghĩ của nhiều người, những gia đình siêu giàu thường dạy con cái họ làm giàu bằng cách gửi đi thông điệp: Tiền không phải là tất cả. Bà Judy Spalthoff – Giám đốc điều hành chi nhánh New York của ngân hàng đầu tư UBS – nói: “Số dư trong tài khoản ngân hàng không phải là tất cả khi nói về chúng tôi. Nếu mọi thứ người khác biết về gia đình chúng tôi chỉ gói gọn trong số tiền mà chúng tôi có, thì điều ấy không thực sự tốt cho lắm. Nếu người khác nghĩ chúng tôi chỉ có thế, tức là chúng tôi đang phát đi một thông điệp sai lầm”.

Để con cái của họ thực sự nhận thức được điều này, các bậc cha mẹ của những gia đình siêu giàu thường giữ kín việc họ có nhiều tiền với con cái và chờ cho đến khi mọi thứ chín muồi. Bà Schleif chia sẻ: “Các bậc cha mẹ siêu giàu không muốn những đứa trẻ đánh mất đi mục đích sống cũng như động lực làm việc. Họ muốn con mình tự định hình lối sống của riêng bản thân chúng. Họ biết để cho con tự nỗ lực và tự trải nghiệm thất bại”.

Yêu cầu con đi làm và để con thất bại

Con cái của các gia đình thành công rất cần cơ hội để được làm việc và được thất bại. Theo bà Spalthoff, thất bại đối với trẻ con không cần thiết phải là những điều gì đó quá to tát, mà hoàn toàn có thể là những việc vô cùng đơn giản. Ví dụ, nếu con quên đem theo bài tập về nhà, cha mẹ sẽ không mang nó đến trường cho chúng. Nếu đứa trẻ quên đôi giày thể thao, cha mẹ cũng sẽ không mang nó đến sân bóng giúp, dù rằng đội bóng của con có thể phải bị xử thua vì chuyện này.

Ngoài ra, thông qua quá trình làm việc, những đứa trẻ sẽ hiểu được việc kiếm tiền khó như thế nào, mặc dù gia đình giàu có của chúng không thực sự bận tâm đến số tiền đó. Và, bằng cách cho con cơ hội được làm việc, chúng sẽ hiểu được giá trị của sức lao động là như thế nào. Bà Spalthoff nói: “Nếu chúng ta không cho con cơ hội được làm việc từ lúc bé, thì đến khi chúng tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm thực sự, chúng sẽ chẳng có bất kỳ hành trang hay một sự chuẩn bị nào cho thời điểm đó cả”.

Những công việc đầu tiên lúc bé có thể mang đến rất nhiều bài học ý nghĩa cho con, bà Schleif chia sẻ. Ví dụ, con cái sẽ biết số tiền mà cha mẹ chúng sử dụng để trả tiền sinh hoạt cho gia đình thực sự đến từ đâu và đến như thế nào. Thế nên, đó là lý do tại sao rất nhiều gia đình giàu có yêu cầu con cái họ đi làm từ thời thiếu niên.

Dạy con hiểu chiến lược kinh doanh của gia đình

Để các thế hệ tiếp theo có thể duy trì khối tài sản của gia đình từ đời này sang đời khác thì việc hiểu rõ tại sao và làm cách nào khối tài sản ấy được tạo ra là hết sức quan trọng. Bằng cách ôn lại truyền thống của gia đình thông qua những câu chuyện, bạn có thể tìm ra một giá trị chung hoặc một chiến lược kinh doanh xuyên suốt được truyền lại qua nhiều thế hệ, bà Schleif cho biết.

Nữ doanh nhân tiếp lời: “Việc ôn lại truyền thống sẽ giúp bọn trẻ nhận ra rằng bố mẹ và bản thân chúng đều có xuất phát điểm giống nhau. Đồng thời, những câu chuyện cũng mang đến cho bọn trẻ một ví dụ thực tế về việc làm thế nào mà bố mẹ chúng đã có thể sống và xoay xở được trong hoàn cảnh như vậy. Việc dạy cho con hiểu được chiến lược kinh doanh của gia đình sẽ giúp chúng biết suy nghĩ và cẩn thận hơn với những gì mà chúng sẽ tiếp nhận và phát huy”.

Những buổi gặp gỡ và kể chuyện như thế có thể giúp mọi gia đình xác định mục tiêu của mình, dù cho họ có thuộc giới siêu giàu hay không.

Dạy con biết chia sẻ với cộng đồng

Dù nhiều người thuộc giới siêu giàu sở hữu lối sống vô cùng tằn tiện, song họ lại khá thoải mái trong việc chia sẻ tài sản của mình với cộng đồng. Các gia đình siêu giàu thường dạy cho con cái họ thói quen chia sẻ với cộng đồng bằng cách biến những công việc từ thiện trở thành một hoạt động trong gia đình, bà Schleif nói.

Ví dụ, vào các dịp lễ, họ sẽ cho phép con lựa chọn giữa việc để bố mẹ tặng quà hay sử dụng món quà đó để quyên góp từ thiện. Ngoài ra, các bậc cha mẹ giàu có còn có thể thành lập các tổ chức từ thiện hoặc các quỹ đóng góp từ những mạnh thường quân để giúp con mình thực hiện mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Nỗ lực đóng góp, chia sẻ những gì mình sở hữu đến với cộng đồng có thể giúp xây dựng nhân sinh quan của mỗi người một cách phong phú và điều này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả các gia đình, bất kể giàu nghèo, bà nói thêm.

Nữ Phó tổng giám đốc đầu tư tại Abbot Downing còn nói thêm: “Nếu chỉ duy nhất một mình bạn giỏi, thì bạn đã chẳng thể nào đạt đến vị trí như ngày hôm nay. Những gì mà bạn đóng góp cho xã hội rồi cũng sẽ quay trở lại với bạn, có khác chăng là chúng sẽ trở nên to lớn và lan tỏa hơn mà thôi”.