Category Archives: Bussiness

Chuyện chiếc giỏ đựng than và quyền năng vô hình của thói quen đọc sách

Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người – Voltaire

Chuyện chiếc giỏ đựng than và quyền năng vô hình của thói quen đọc sách

Đọc sách – thói quen số một được những người giàu có khuyên áp dụng. Ảnh: Times Higher Education

Đã có bao giờ bạn cảm thấy dầu đã đọc thật nhiều sách nhưng dường như không tài nào nhớ nổi những nội dung hay kiến thức mình đã bắt gặp? Đừng lo lắng và cũng đừng dừng việc đọc sách, bởi vì hết thảy những kiến thức mà bạn tích lũy được vẫn ở nguyên trong trí não và chỉ chờ dịp thích hợp để bộc lộ mà thôi

Chuyện chiếc giỏ than tinh sạch

Chuyện kể rằng, có hai ông cháu sống cùng nhau. Mỗi sáng, người ông đều dậy sớm đọc sách, dù những cuốn sách đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình.

Một ngày, cậu hỏi: “Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu chúng. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên ngay. Vậy đọc sách có ích lợi gì đâu?”.

Người ông liền đứng dậy, lấy hết than đang đựng trong giỏ rồi đặt tất cả vào lò, sau đó nói: “Cháu hãy mang giỏ này ra bờ sông và mang nước về giúp ông nhé!”.

Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước đã chảy ra hết trước khi cậu kịp quay về. Người ông liền cười và nói: “Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa”. Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.

Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ vẫn trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói: “Chúng ta không thể đựng nước trong giỏ này được”, và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.

Người ông liền nói: “Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi”. Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra sông lấy nước lần nữa.

Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời nên cậu cố chạy nhanh hết sức, song, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu nói: “Ông nhìn này, thật là vô ích!”.

“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!”, người ông đáp.

gio-dung-than-va-sach-doanhnhansaigon_15

Giống như những giọt nước đã ăn sâu, cuốn trôi hết bụi bẩn trên chiếc giỏ kia một cách từ từ chậm rãi, sách cũng giúp cho bạn như vậy. Ảnh: Harry Jackson’s Blog

Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì hình ảnh một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và dơ bẩn, nó trông rất sạch sẽ.

“Đó là những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ từ từ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, giống như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy”.

Sức mạnh vô hình của việc đọc sách

Vậy mới thấy, đọc sách thường xuyên là thói quen hữu ích như thế nào. Đồng thời, qua đó, chúng ta cũng có thể phần nào hiểu được tại sao hơn 1.200 người giàu có nhất trên thế giới đều là những người đọc sách rất nhiều, theo thống kê của Steve Siebold trong cuốn sách How Rich People Think.

Đơn cử như tỷ phú Warren Buffett. Ông là người rất mê đọc sách và từng chia sẻ rằng “bản thân chỉ ngồi văn phòng và đọc suốt ngày”. Chỉ tay vào những trang sách và hàng đống giấy tờ, ông nói: “Đọc 500 trang như thế mỗi ngày là cách để tích lũy kiến thức và bồi dưỡng sự thông minh”.

Thế nhưng, chúng ta cũng không nên gói gọn việc đọc sách là chỉ đọc sách hay tài liệu trên giấy thuần túy. Với thời đại công nghệ hiện nay, sách hay tài liệu rất đa dạng: Chúng có thể là những trang sách, trang báo giấy, sách điện tử hay là những trang “sách hình” – các bộ phim khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, hoặc thậm chí cả những người bên cạnh ta cũng có thể là những “cuốn sách di động”. Đọc sách nào không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta đọc sách để tích lũy kiến thức.

Tỷ phú Jack Ma cho rằng “con người chính là một cuốn sách rất đáng để đọc, tôi thấy rằng công ty của chúng tôi có 24 ngàn nhân viên, họ chính là 24 ngàn cuốn sách với những nội dung hoàn toàn khác nhau. Trải nghiệm sống và cách giải quyết vấn đề của mỗi người trong số họ đều nằm ngoài sự suy đoán của tôi”.

Cũng như cậu bé dùng giỏ than xách nước, việc đọc sách không thể thấy ngay kết quả. Thậm chí, bạn còn không nhận ra những thay đổi, những kết quả đạt được, tuy nhiên, nó sẽ dần thấm sâu vào trí thức của chúng ta, giống như những giọt nước đã ăn sâu, cuốn trôi hết bụi bẩn trên chiếc giỏ kia một cách từ từ chậm rãi mà chính bản thân cậu bé cũng không thể nhận ra.

Học giả Voltaire cho rằng “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.

Và, để tối ưu hóa việc đọc sách cũng như mang đến một cái nhìn có phần cụ thể hơn về thói quen hữu ích này, tác giả của How to read a Book – Mortimer Adler đã chia quá trình đọc sách thành 4 cấp độ, bao gồm:

Sơ cấp: Đúng như tên gọi, ở cấp độ này, người đọc chỉ đọc và dõi theo dàn ý cơ bản hoặc tối thiểu của cuốn sách.

Kiểm tra: Về cơ bản, đây được xem như đọc lướt. Bạn sẽ xem xét những điểm nổi bật trong sách, đọc phần mở đầu, kết luận và cố gắng tiếp thu những nội dung cơ bản tác giả muốn truyền đạt.

Phân tích: Đây là cấp độ đòi hỏi người đọc phải đi sâu vào chủ đề và nội dung cuốn sách. Bạn đọc chậm, kỹ lưỡng, thậm chí còn đọc lại những đoạn quan trọng. Bạn ghi chú các điểm đáng chú ý, tra cứu thêm thông tin chưa rõ bằng cách tham khảo tài liệu liên quan.

Khái quát: Đây là cấp độ giống như các giáo sư, nhà văn. Đây là cấp độ bạn cùng lúc đọc và tìm hiểu nhiều quyển sách về cùng 1 chủ đề và hình thành lập luận, ý tưởng của riêng mình. Bạn cũng có thể lấy ý tưởng đó ra so sánh với chính tác giả, bởi lúc đó bạn đã là một chủ thể riêng biệt.

Những gì bạn tích cóp, bạn nghiên cứu đã là của bạn. Để đạt được cấp độ này, bạn cần là người đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, những kiến thức bạn dùng không chỉ từ một vài quyển sách bạn đang đọc, mà là những thứ được tích lũy trong đầu bạn, chỉ chờ cơ hội liên kết để bung ra.

5 “siêu năng lực” của những doanh nhân thành công

Với khả năng giải quyết nhiều vấn đề của thế giới, truyền cảm hứng để thay đổi xã hội và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, những doanh nhân xuất sắc nhất chính là những “siêu anh hùng” sở hữu những “siêu năng lực” đặc biệt.

5 “siêu năng lực” của những doanh nhân thành công

Kể từ năm 2007, Joe Floyd – nhà đầu tư mạo hiểm, tác giả cuốn Silicon Heroes – có cơ hội làm việc thường xuyên với nhiều doanh nhân và nhà đầu tư xuất sắc. Trong quá trình đó, ông đã phỏng vấn những CEO, nhà đầu tư của các startup thành công nhất để tìm ra những nét chung giúp họ thành công trong kinh doanh, nhằm truyền cảm hứng cho những thế hệ doanh nhân trẻ.

Và sau đây là 5 loại “siêu năng lực” của các doanh nhân thành công – những người được Joe Floyd ví là những “siêu anh hùng”:

1. Đam mê

Quá trình khởi nghiệp luôn mang đến nhiều thách thức mới mẻ và bất ngờ nhưng những doanh nhân giỏi luôn sở hữu một ngọn lửa đam mê giúp họ vượt qua tất cả những trở ngại này.

Niềm đam mê không chỉ là tình yêu dành cho sản phẩm, đội ngũ hoặc thị trường mà còn là sự tuân thủ các nguyên tắc làm việc và sự quyết tâm để duy trì nỗ lực trong một quãng thời gian dài. Đồng thời, niềm đam mê cũng có khả năng lây lan, là chất keo gắn kết những người xa lạ với nhau và giúp họ thành công trên con đường khởi nghiệp.

2. Uy tín

Doanh nhân luôn có trách nhiệm phải chiêu mộ nhân tài cho đội ngũ, tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án và “săn lùng” khách hàng cho sản phẩm. Và để làm được điều đó, họ phải là người có uy tín, có khả năng khiến người khác thấu hiểu và cùng đồng hành với tầm nhìn, sứ mệnh của mình.

Ở những giai đoạn đầu của doanh nghiệp, uy tín của doanh nhân rất quan trọng đối với việc tìm kiếm những nhà đồng sáng lập, tài trợ hạt giống và những khách hàng thử nghiệm ban đầu. Ở những giai đoạn sau, doanh nhân càng cần có uy tín lớn để thực hiện các hợp đồng quan trọng, duy trì các mối quan hệ đối tác hay trình bày tầm nhìn tại nhiều hội nghị.

3. Tốc độ

Tốc độ là một trong những thế mạnh của công ty startup so với những doanh nghiệp đã được thành lập nhiều năm. Những doanh nhân giỏi luôn tận dụng thế mạnh này bằng cách tối đa hóa tốc độ thực hiện quá trình từ xây dựng mô hình kinh doanh, đo lường sự gắn kết khách hàng đến vận hành công ty, học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm từ những sai lầm.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ nữa là sự phối hợp. Doanh nhân thành công luôn đảm bảo rằng một khi quyết định đã được đưa ra, tất cả mọi người đều sẽ đồng lòng lèo lái con thuyền về cùng một hướng.

4. Tập trung

Một “siêu năng lực” nữa của các doanh nhân thành công là khả năng tập trung cao độ để sử dụng quỹ thời gian và các nguồn lực có giới hạn của mình sao cho hiệu quả nhất. Vì thế, họ không được phép mất tập trung và đầu tư lãng phí vào những thứ không cần thiết.

5. Khả năng “bay”

Những nhà sáng lập thành công nhất sở hữu một tinh thần nhạy bén giúp họ “bay” qua những khó khăn, thử thách một cách dễ dàng. Họ chủ động tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia, sự giúp đỡ từ những người trong mạng lưới quan hệ xã hội và những ý tưởng mới từ việc đọc sách.

Những nhà sáng lập xuất sắc nhất có một khát khao vô tận đối với việc học hỏi và có khả năng tổng hợp thông tin mới một cách nhanh chóng và sáng tạo để áp dụng vào công việc kinh doanh. Họ biết cách “đứng trên vai” mạng lưới của mình cho đến khi thật sự có thể “bay cao”.

CEO Microsoft tiết lộ điểm quan trọng cần có để thành công

“Bằng việc trải qua những sai lầm, bạn sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn khả năng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của người khác”, CEO Microsoft Satya Nadella nói.

CEO Microsoft tiết lộ điểm quan trọng cần có để thành công

Satya Nadella tại một sự kiện hồi năm 2016. Ảnh: Mike Blake/Reuters

Khi Satya Nadella 25 tuổi, lúc trả lời một cuộc phỏng vấn xin việc, ông đã thất bại trong việc thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy đặc điểm mà hiện tại ông nói rằng đóng vai trò quan trọng trong thành công của mình. Đó là khả năng đồng cảm.

“Khả năng đồng cảm chỉ được xây dựng thông qua trải nghiệm sống. Nó không phải là một khả năng trời phú”, Nadella nói trong chương trình Freakonomics Radio của đài WNYC, “Bằng việc trải qua những sai lầm, bạn sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn khả năng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của người khác”, ông chia sẻ.

Nadella cho rằng “sự đồng cảm có thể giúp bạn trở thành bậc cha mẹ tốt, một đồng nghiệp tốt và một đối tác tốt”.

Trước khi bắt đầu khoảng thời gian làm việc kéo dài 22 năm cho đến nay tại Microsoft (từ năm 1992), Nadella đã tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc và được hỏi “Bạn sẽ làm gì khi nhìn thấy một em bé đang khóc vì vừa bị ngã?”.

Lúc đó, Nadella cố gắng tiếp cận câu hỏi dưới góc nhìn của một kỹ sư. “Tôi nghĩ rằng đây là một trong những câu hỏi mẹo, và có lẽ nó ẩn chứa một thuật toán nào đó mà tôi không nhận ra, rồi sau đó tôi trả lời ‘Tôi sẽ gọi 911’. Vị quản lý đáp lại: ‘Đây là một đáp án tệ’”.

Vị quản lý sau đó nói với Nadella: “Nếu bạn thấy một em bé bị ngã, bạn nên đỡ chúng dậy và ôm chúng vào lòng”.

“Tôi đã bị dằn vặt khi nhớ lại giây phút đó, tự hỏi rằng làm thế nào mà tôi lại không nhận ra điều đó”, Nadella kể.

Chỉ vài năm sau đó, lúc 29 tuổi, Nadella nhận được một bài học khác về sự đồng cảm: Zain – đứa con đầu tiên của ông khi vừa sinh ra đã bị tổn thương não nghiêm trọng do bị ngạt trong ống nghiệm, và bị bại não. Lúc đó, trong đầu ông hiện lên những câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra với chúng tôi?”, “Điều gì đã xảy ra với tôi thế này?”…

Tuy nhiên, cuối cùng ông nhận ra rằng chẳng có điều gì thực sự xảy ra với mình cả. “Điều này chỉ thực sự xảy ra với con trai tôi. Đây là lúc để tôi bước tiếp về phía trước, nhìn cuộc sống với đôi mắt của nó và làm những điều nên làm với tư cách là một người cha”.

Sự đồng cảm không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân mà còn đóng vai trò tương tự trong kinh doanh, CEO Microsoft nhận định.

“Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự đồng cảm là một điều gì đó mà bạn chỉ áp dụng trong cuộc sống của mình, trong mối quan hệ gia đình và bạn bè, nhưng trên thực tế, nó là một ưu tiên quan trọng trong kinh doanh. Tôi nghĩ sự đồng cảm là cốt lõi của sự đổi mới và kinh nghiệm sống”, Nadella nói với Bloomberg.

TGĐ Home Credit Vietnam: Chúng tôi quyết liệt một cách thận trọng

Để hiểu rõ hơn về cách mà các công ty tài chính đang làm để giữ vị thế dẫn đầu, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Dmitry Mosolov – Tổng giám đốc của Home Credit Vietnam.

TGĐ Home Credit Vietnam: Chúng tôi quyết liệt một cách thận trọng

Ông Dmitry Mosolov – Tổng giám đốc Home Credit Vietnam

Theo các nhà chuyên môn, chính công nghệ hiện đại đang giúp thay đổi quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngành tài chính – ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết đang xúc tiến triển khai ứng dụng công nghệ vào dịch vụ.

Các công ty tài chính (CTTC) cũng không đứng ngoài cuộc, càng làm cho “cuộc rượt đuổi công nghệ” trong ngành thêm phần khốc liệt. Cuộc rượt đuổi này đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, đầy hứng thú cho khách hàng, đặc biệt là ở các nghiệp vụ như thẩm định, quản lý khoản vay, thanh toán.

Để hiểu rõ hơn về cách mà các CTTC đang làm để giữ vị thế dẫn đầu, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Dmitry Mosolov – Tổng giám đốc của Home Credit

Vietnam.

* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam?

– Theo tôi, cuộc chơi chắc chắn sẽ trở nên khốc liệt trong một vài năm tới. Thứ nhất, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đã và đang nhảy vào khai thác thị trường Việt Nam thông qua M&A.

Thứ hai, sự phát triển nhanh chóng của Fintech đã trở thành một nhân tố mới làm xáo trộn thị trường này theo cách chưa từng có trước đây.

Nói chung, tương lai của thị trường tài chính Việt Nam chính là tương tác kỹ thuật số, và chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các công ty thương mại điện tử. Cùng với đó, một mô hình dịch vụ tín dụng mới sẽ xuất hiện là các giao dịch tài chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

* Theo ông, việc cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng sẽ diễn ra như thế nào?

– Thực chất, cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng hiện nay là cuộc đua về mức độ hài lòng của khách hàng trong quá trình trải nghiệm dịch vụ, mà cụ thể là về sự tiện lợi, minh bạch mà họ nhận được.

Chẳng hạn, ở Home Credit Việt Nam, chúng tôi hướng đến việc thực hiện các quy trình với dữ liệu được thu thập tự động và giảm thiểu sự can thiệp của con người để đảm bảo yếu tố khách quan và giảm thiểu tối đa thời gian chờ cho khách hàng.

Thời gian chúng tôi thẩm định hồ sơ được tính bằng phút, nhờ vào hệ thống Dữ liệu lớn (Big Data). Hiện nay, 95% khách hàng của Home Credit Việt Nam đã nhận được kết quả chỉ trong vòng 9 – 10 phút.

Mỗi tổ chức tài chính đều đang cố gắng mở rộng mạng lưới đối tác liên kết để xây dựng hệ thống Big Data này, hoặc đẩy mạnh phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đồng thời bắt tay với các công ty thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ thanh toán.

Trong khoảng thời gian sắp tới, chúng ta có thể thấy các CTTC “lão làng” sẽ nỗ lực để thay đổi bản thân nhằm thích nghi với tình hình mới, còn những người chơi mới sẽ mang đến vô số điều thú vị cho thị trường.  Nếu nhìn từ góc độ người tiêu dùng Việt Nam thì đây lại là một viễn cảnh tốt đẹp, vì khách hàng sẽ có vô số giải pháp tài chính đa dạng để lựa chọn nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ.

* Home Credit có tự tin về giải pháp công nghệ được áp dụng vào dịch vụ chăm sóc khách hàng của Công ty không?

– Ứng dụng điện thoại của Home Credit từ khi ra mắt vào tháng 3 năm 2017 đã trở thành ứng dụng tài chính tiêu dùng số 1 tại Việt Nam hiện nay, theo tỷ lệ đánh giá và số lượng cài đặt. Hiện có hơn 1,5 triệu người đã cài đặt giải pháp đơn giản này của Home Credit để quản lý khoản vay của họ hoặc đăng ký vay tiền mặt.

Mọi thao tác cài đặt và sử dụng ứng dụng di động của Home Credit vô cùng dễ dàng. Thông qua ứng dụng, người dùng có thể quản lý các khoản vay, kiểm tra lịch sử và tình trạng hợp đồng của mình.

Ứng dụng cũng giúp khách hàng nhận được thông báo nhắc thanh toán và liên hệ với bộ phận Chăm sóc khách hàng một cách thuận tiện… Nếu chưa phải là khách hàng của Home Credit, họ vẫn có thể định vị được điểm giao dịch vay tiền mặt gần nhất thông qua ứng dụng.

Ngoài ra, từ tháng 9/2017, chúng tôi cũng đã giới thiệu tích hợp ChatBot trả lời tin nhắn tự động vào Fanpage của Home Credit để có thể hỗ trợ khách hàng 24/7. Trung bình mỗi ngày, Chat Bot trao đổi với khoảng 250 – 300 khách hàng với nhiều thắc mắc và yêu cầu khác nhau. Chúng tôi vẫn có nhân viên chăm sóc khách hàng túc trực để hỗ trợ trong trường hợp khách hàng muốn tương tác trực tiếp với những yêu cầu đặc thù.

* Vậy ông sẽ nói gì về kế hoạch phát hành thẻ của Home Credit?

– Sản phẩm thẻ tín dụng của chúng tôi theo sát nhu cầu của phân khúc khách hàng mục tiêu như một công cụ thanh toán hiện đại với những lợi ích hấp dẫn cho khách hàng. Khách hàng mới chưa bao giờ sử dụng dịch vụ của chúng tôi trước đây cũng có thể thực hiện giao dịch đầu tiên bằng thẻ tín dụng để trải nghiệm vay mua sản phẩm với lãi suất 0%. Điều này cho phép họ có thể trải nghiệm những dịch vụ tối ưu của Home Credit và khuyến khích họ quay trở lại.

Điểm mấu chốt nằm ở khả năng tiếp cận, với quy trình mở thẻ “đơn giản và nhanh chóng” dành cho khách hàng. Chúng tôi đang dỡ bỏ mọi rào cản nhằm giúp khách hàng tiếp cận với thẻ tín dụng dễ dàng hơn. Người tiêu dùng với khả năng tài chính dù còn hạn chế, khi đến với Home Credit vẫn có thể tận hưởng những tính năng tiên tiến của lối sống phi tiền mặt mà trước đây chỉ dành cho những đối tượng khách hàng “cao cấp”.

Được hỗ trợ bằng những mối quan hệ đối tác bền vững, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn thông qua giao dịch thẻ tại cơ sở của trên 50 đối tác khắp Việt Nam.

* Có thể thấy Home Credit đang khá thuận lợi trên đường đua với các tổ chức tín dụng hiện hữu. Thế nhưng, thị trường lại đang chứng kiến sự thâm nhập rất sâu của các công ty Fintech. Vậy trước các công ty Fintech, Home Credit còn tự tin giữ vị thế dẫn đầu?

– Tôi phải thừa nhận Việt Nam là nguồn cảm hứng trên nhiều phương diện. Với kinh nghiệm 20 năm của Tập đoàn và 9 năm tại Việt Nam, chúng tôi đã tạo dựng được nền tảng vững chắc để cân bằng giữa tăng trưởng và quản lý rủi ro, giữa đầu tư và lợi nhuận.

Chúng tôi hào hứng với công nghệ mới, với cơ hội mới nhưng đồng thời cũng rất thận trọng trong chiến lược phát triển. Có thể nói, chúng tôi quyết liệt một cách thận trọng.

Tương lai của ngành cho vay tiêu dùng đang dịch chuyển khi mà sở thích của khách hàng cũng đang dịch chuyển nhanh chóng sang tương tác kỹ thuật số. Đa số khách hàng ngày nay ưa chuộng hình thức đăng ký vay vốn trực tuyến, đặc biệt là giới trẻ, trong khi một vài phân khúc khác vẫn còn thiên về sự tương tác giữa người với người ở một vài công đoạn cụ thể trong quá trình. Nói cách khác, rất nhiều khách hàng muốn được tìm kiếm và đăng ký khoản vay trực tuyến, nhưng khi đến những giai đoạn cuối, họ muốn được trao đổi với người có đủ kiến thức để giúp họ giải tỏa băn khoăn, nếu cần thiết.

Do đó, tiếp nối việc triển khai thành công ứng dụng di động Home Credit, chiến lược của chúng tôi giờ đây hướng đến khởi đầu của quá trình chuyển hóa kỹ thuật số bằng sự thấu hiểu hành vi, sở thích và lựa chọn của người tiêu dùng. Việc này mang tính chiến lược hơn là chỉ đưa các dịch vụ lên định dạng app hoặc nền tảng web. Nó đi vào giá trị trọng tâm kinh doanh và đòi hỏi sự tiếp nhận công nghệ số.

“Phó tướng” Facebook: CEO HP đã dạy tôi bài học tuyển dụng không thể nào quên

Trước khi gia nhập Google năm 2001, Sheryl Sandberg – người phụ nữ quan trọng thứ 2 tại Facebook sau CEO Mark Zuckerberg – không có chút kinh nghiệm nào về công nghệ.

Theo Business Insider, trong một buổi nói chuyện trước các cử nhân trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford, CEO HP Meg Whitman chia sẻ triết lý tuyển dụng chung của bà khi còn ở eBay là “đi trước đường cong”, nghĩa là các vị trí sẽ được lấp đầy bởi những người có kỹ năng cao hơn yêu cầu hiện tại.

Cách thức mà các ông trùm công nghệ nuôi dưỡng nên những nhà lãnh đạo tuyệt vời này đã được Meg dạy cho giám đốc hoạt động Facebook hiện nay Sheryl Sandberg khi bà thi tuyển vào eBay.

Trước khi giúp Google xây dựng Adwords và AdSense trở thành những cột trụ chủ chốt trong đế chế cỗ máy tìm kiếm số một thế giới, Sandberg từng là người phụ trách nhân sự cho Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Đó là một vị trí ấn tượng nhưng chẳng liên quan gì đến công nghệ.

Năm 2000, khi rời khỏi địa hạt chính trị, Sandberg quyết định tìm việc mới ở Silicon Valley. Trong cuộc gặp gỡ CEO eBay lúc đó Meg Whitman (sau này là CEO HP), Meg đã dạy Sandberg một bài học tuyển dụng quan trọng mà về sau bà cũng áp dụng ở Google và Facebook.

Meg Whitman đã áp dụng triết lý tuyển dụng nhấn mạnh kỹ năng hơn kinh nghiệm để mở rộng eBay.

Trong kỳ tuyển dụng vào eBay, sau một loạt cuộc phỏng vấn kết thúc bằng việc người đối diện cho rằng Sandberg không có đủ kinh nghiệm cần thiết. Sandberg quyết định thay đổi một cách tiếp cận khác. Cô nói với Whitman, “Tôi không có bất kỳ kinh nghiệm liên quan nào. Tôi thừa nhận điều đó. Và tôi vẫn yêu thích được đến làm việc với chị, Whitman”, cô nhớ lại.

Theo Sandberg, Whiman đã trả lời cô là “Không ai có bất kỳ kinh nghiệm nào vì không ai đã từng làm việc này bao giờ. Tôi muốn chọn người có kỹ năng tốt. Hy vọng là cô có kỹ năng tuyệt vời”.

“Tôi sẽ ghi nhớ bài học này trong tim”, Sandberg đáp lại.

Năm 2001, khi đến với Google và được giao xây dựng nhóm phát triển một nền tảng quảng cáo quy mô lớn, Sandberg quyết định sẽ không giới hạn nguồn ứng viên trong những người có kinh nghiệm quảng cáo hay kinh doanh kỹ thuật số. Thay vào đó, bà chọn tập trung vào kỹ năng.

“Tôi sẽ chọn những người giỏi nhất và thông minh nhất”, cô nói với nhà đồng sáng lập LinkedIn và cũng là nhà đầu tư Greylock Partners Reid Hoffman trong một podcast gần đây. “Đó là những người sẽ đem lại lòng đam mê và sự tận tụy để làm việc chăm chỉ”.

Giải thích về triết lý “đi trước đường cong” đã phát biểu tại Stanford, CEO HP Whitman nói khi bà phỏng vấn ai đó, bà bảo họ miêu tả lại những lúc họ học tập trong sự nghiệp của mình và tiếp tục đi sâu vào cho đến khi bà có thể phân biệt được mình nhận ra điều gì về điểm mạnh và điểm yếu của người đó. Sau đó bà sẽ kiểm tra lại nhận thức của mình với những người tham khảo.

Whitman cho rằng “sự công nhận khuôn mẫu sẽ đạt được thông qua kinh nghiệm”, và điều này không hề mâu thuẫn với bài học bà đã dạy cho Sandberg vài năm trước buổi thuyết trình ở Standford. Khi Whitman phỏng vấn Sandberg, bà cần biết cách thức làm việc của Sandberd trong công việc cũ về chính trị. Những kinh nghiệm đó quan trọng trong ý nghĩa là chúng có thể hiện được kỹ năng quản lý cần thiết để trở thành người điều hành tại eBay hay không. Chúng không cần phải thể hiện rằng cô đã từng đảm nhận một công việc giống y như công việc cô đang dự tuyển.

Câu chuyện này đã được Sandberg kể lại trong một cuộc phỏng vấn với Hoffman để ghi âm podcast mang tên “Masters of Scale” của anh (tạm dịch: Các bậc thầy mở rộng). Trong đoạn băng, Sandberg chia sẻ cách mà bà dẫn dắt một tổ chức mở rộng quy mô gấp hai đến ba lần mỗi năm như Facebook, một chủ đề khá gai góc. Ngoài ra, Sandberg cũng tiết lộ những quan điểm chưa từng công bố trong cuốn sách mới, Option B (Lựa chọn B) và cách mà cuốn sách đầu tiên của bà – Lean In đã tạo nên một trào lưu dám ước mơ ở những người bình thường.

Lean In: Women, Work, and the Will đã được nhà xuất bản Trẻ dịch và xuất bản tại Việt Nam lần đầu vào tháng 3/2014 với tựa Dấn thân: Phụ nữ, công việc và quyết tâm Lãnh đạo. Bằng giọng văn nhẹ nhàng kiểu tự truyện, Sandberg chia sẻ về cuộc đời mình, những nỗ lực và thành công đạt được để kêu gọi và truyền cảm hứng cho phụ nữ dám dấn thân, dám ngồi vào bàn để cùng tranh luận, trao đổi và theo đuổi ước mơ cuộc đời mình.

Steve Trần