Category Archives: Bussiness

6 điều kỳ diệu nhờ đọc sách trước khi ngủ

Thật bất ngờ khi chỉ cần đọc sách trước khi ngủ bạn sẽ tạo ra 6 điều kỳ diệu cho cuộc sống, sức khỏe và thành công cho chính mình.

Khổng Tử từng nói: “Nếu bạn muốn, không có gì là quá bận đến mức không làm được. Bạn phải tìm ra thời gian để đọc sách hoặc là sẽ thất bại bởi sự thiếu hiểu biết của chính mình”.

Tác giả quyển Sự trở lại của Dapper Men Jim McCann cũng nhận ra tác dụng kỳ diệu của việc đọc sách: “Hãy chuẩn bị sẵn sàng chăn êm, nệm ấm và sách để tạo nên những giấc mơ của riêng mình. Và sau đó những điều tốt đẹp chưa đến sẽ đến”.

Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ ngạc nhiên trước những lợi ích mà việc đọc mang lại, đặc biệt là nếu bạn đọc trước khi ngủ. Nếu bạn đang duy trì thói quen đọc sách thì bạn đã thực sự biết làm thế nào để chăm sóc bản thân tốt nhất.

1. Bạn sẽ ngủ ngon hơn

Việc đọc dẫn dắt ý thức của chúng ta vào một thế giới khác trong giấc ngủ. Đó là lý do những đứa trẻ luôn háo hức với những câu chuyện cổ tích hằng đêm, vì nhờ đó chúng sẽ có một giấc mơ tuyệt vời.

Bước vào một thế giới hư cấu giúp giảm bớt sự căng thẳng ở hiện thực và giúp bạn thư giãn hơn. Đó là một trong những cách tốt nhất để có được một giấc ngủ thực sự yên tĩnh. Thật tiếc là rất nhiều người trong chúng ta mất đi thói quen này khi trưởng thành.

2. Giúp giảm căng thẳng

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Surrey (Anh) đã làm một nghiên cứu để xem nhờ vào việc đọc mà mức độ căng thẳng giảm đi như thế nào, đặc biệt là trước khi ngủ. Kết quả cho thấy mức độ căng thẳng đã giảm đến 68%. Vì vậy, nếu bạn đang căng thẳng, tại sao không chọn một cuốn sách và thưởng thức chúng trước khi đi ngủ? Nó thực sự hữu hiệu trong việc giảm stress.

3. Giúp bạn sáng tạo hơn

Những loại sách nào giúp nhà lãnh đạo cấp cao thành công? Trên thực tế, nhiều doanh nhân thành công đọc bất cứ gì và tất cả mọi thứ.

Nghiên cứu cho thấy, họ sẽ cần sáng tạo nhiều hơn và có niềm đam mê nhiều hơn để dành cho các dự án của họ. Tương tự như khi bạn nhìn thế giới qua nhiều lăng kính khác nhau, bạn bắt đầu nhìn thấy vấn đề, con người và những tình huống với nhiều khía cạnh. Nhờ đó, bạn sáng tạo và khéo léo hơn để xử lý chúng.

Rất nhiều người thường đến phòng gym luyện tập thân thể, nhưng quên mất bộ não cũng cần được rèn luyện và mài giũa để giữ được sự sáng suốt, nhạy bén. Sách sẽ giúp bạn làm điều ấy.

Đọc sách liên quan đến khả năng sáng tạo.

4. Giúp tăng khả năng tập trung

Những phương tiện truyền thông hiện đại và sự hấp dẫn của mạng xã hội vừa giúp cuộc sống tiện lợi hơn nhưng cũng vừa khiến bạn mất tập trung hơn.

Thực tế là, công nghệ chi phối bạn nhiều đến mức bạn không thực sự tập trung vào bất cứ việc gì. Tuy nhiên, đọc sách trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng này. Bởi bạn buộc bạn phải xử lý các thông tin khi không có máy tính hoặc smartphone, điều đó giúp bạn “huấn luyện” bộ não phải chú ý vào việc đọc.

5. Giúp tăng khả năng thấu cảm

Điều gì tạo cho bạn khả năng cảm thông? Đó là nhờ bạn nhìn nhận mọi việc từ quan điểm của người khác, từ đó hiểu được cảm xúc của họ.

Đọc một cuốn tiểu thuyết là cách để khám phá và hiểu được cách người khác cảm nhận và hành động. Raymond Mar, nhà tâm lý học tại Đại học York (Canada) cho rằng đọc sách có thể làm cho chúng ta đồng cảm hơn.

“Những câu chuyện cho chúng ta một cơ hội đặc biệt để tham gia vào nó, như chính chúng ta  khát vọng lẫn thất vọng như nhân vật, đoán biết các động cơ của họ, theo dõi cuộc gặp gỡ với bạn bè lẫn kẻ thù của họ, những người hàng xóm hay người họ yêu thương”, ông cho biết.

6. Tạo ra một ốc đảo yên bình

Cách tốt nhất để thư giãn trước khi ngủ là gì? Chắc chắn không phải với một bộ phim bạo lực, hoặc những tin tức xấu.

Bạn cần phải tạo ra một không gian yên tĩnh, nơi bạn có thể làm dịu thần kinh và giúp tâm trí của bạn được thoải mái để sẵn sàng cho giấc ngủ sâu. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình TV và máy tính gia tăng áp lực lên não.

Không có gì bình yên hơn việc đọc một cuốn sách để chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nói rằng nếu bạn đọc một cuốn sách điện tử thay vì sách giấy, tốc độ đọc của bạn có thể giảm đến 30%.

Amazon: Một điển hình công ty bền vững

Theo công bố mới đây trên website CNBC.com, khoảng 55% người tiêu dùng tại Mỹ đã và đang tìm kiếm sản phẩm để mua trực tuyến từ website Amazon.com, trong khi chỉ có 28% người dùng cho biết họ sử dụng các công tụ tìm kiếm phổ biến hiện nay, như Google, Bing, Facebook… để tìm kiếm sản phẩm.

Cũng theo khảo sát này, ngay cả khi khách hàng đã tìm thấy sản phẩm họ muốn mua trên website của một bên bán lẻ khác, thì 90% trong số đó vẫn sẽ truy cập vào Amazon.com để so sánh giá cả và tiến hành “cân đo đong đếm” các lựa chọn trước khi thực hiện mua hàng.

Kết quả của cuộc khảo sát này, cùng với việc đầu tháng 10 vừa qua tạp chí Forbes vinh danh CEO của Amazon – Jeff Bezos chính thức trở thành người giàu thứ hai ở nước Mỹ, với số tài sản ước tính 67 tỉ USD, một lần nữa khẳng định sự “màu mỡ” của thị trường thương mại điện tử trong tương lai cũng như tái khẳng định sự thành công của một trong những công ty được mệnh danh là “bền vững nhất thế giới” (nhận định của Chamath Palihapitiya, hiện là CEO của công ty đầu tư mạo hiểm Social Capital; Chamath Palihapitiya cũng tin rằng chỉ 10 năm nữa, mảng bán lẻ của Amazon sẽ đạt giá trị 1.000 tỉ USD).

Lý giải cho nhận định này của Chamath Palihapitiya, hãy cùng nhìn lại con đường thành công của Amazon:

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, rất khó tạo ra khác biệt…

Đó là vì hầu như các doanh nghiệp đều có chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng tương tự nhau. Jack Trout và Steve Rivkin từng đề cập trong quyển Khác biệt hay là chết, rằng chất lượng và định hướng vào dịch vụ khách hàng hiếm khi là những ý tưởng khác biệt. Điều này đặc biệt đúng trong những ngành kinh doanh dịch vụ như thương mại điện tử, những ngành không trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Trong một cuộc phỏng vấn tại chương trình Four Peaks TV show, Jeff Bezos từng tiết lộ, Amazon thực sự không quan tâm về việc bị các đối thủ cạnh tranh. Bởi không giống như Apple tạo ra iPhone làm thay đổi thế giới, Facebook tạo ra mạng xã hội lừng danh cùng tên, Microsoft tạo ra hệ điều hành Windows, thì trong ngành thương mại điện tử, nơi Amazon tồn tại, mọi thứ rất dễ bị các đối thủ “sao chép”.

Cụ thể, mô hình hoạt động của các đối thủ và của Amazon đều tương đối “na ná” nhau: Một website để bán hàng, khách hàng chọn lựa rồi đặt hàng qua mạng, sau đó Amazon hay bất kỳ đối thủ của họ sẽ tiến hành xác nhận đơn hàng, giao hàng, thu phí vận chuyển với những đơn hàng dưới hạn mức cụ thể.

Song song đó là đẩy mạnh chương trình affiliate marketing (tiếp thị liên kết), đẩy mạnh quảng cáo, truyền thông, PR… Còn về sản phẩm thì chỉ khác nhau đôi chút về cách miêu tả sản phẩm, hình ảnh, giá…, trong đó chênh lệnh giá thường không lớn, tùy thuộc vào việc Amazon hay các đối thủ của họ thỏa thuận với nhà sản xuất.

Đây cũng chính là lý do mà theo công bố của CNBC.com, dù Amazon là trang thương mại điện tử khổng lồ, thì cứ năm người được khảo sát sẽ có một người cho biết “sản phẩm nhái và sợ bị lừa” là điều khiến họ lo lắng nhất khi mua hàng trên web này.

… Vì vậy, càng to lớn, có “đuôi dài”, Amazon càng mạnh và khó bị đánh bại

Kinh doanh trong lĩnh vực khó tạo được sự khác biệt rõ ràng như vậy, Amazon đã thực hiện xuất sắc chiến thuật “Cái đuôi dài” để biến mình thành gã khổng lồ lớn nhất, “nuốt” gần hết thị trường..

Chris Anderson, tác giả của Cái đuôi dài, một trong những quyển sách nằm trong danh mục Best seller (sách bán chạy nhất) của tờ The New York Times đồng thời nhận giải Gerald Loeb, giải thưởng dành cho quyển sách kinh doanh hay nhất năm, thì lý thuyết Cái đuôi dài, được hiểu đơn giản là thực chất, gần như mọi sản phẩm trên thị trường đều có người mua, dù sức mua chỉ là một vài lần mỗi năm. Khác với những sản phẩm “hot”, sản phẩm đại chúng, những sản phẩm “ngách” này dù có sức mua kém đều đặn như vậy, nhưng nếu tập hợp tất cả doanh thu của những sản phẩm ấy lại, thì nó có thể chiếm tới… 98% doanh thu của một doanh nghiệp.

Và đây chính là chiến thuật của Amazon, họ không ngừng mở rộng số lượng và quy mô sản phẩm của mình, tạo ra một thị trường ngách rộng lớn với hàng triệu sản phẩm khác nhau. Có thể nhìn thấy điều này qua quy mô kho hàng mà Amazon sở hữu.

Theo tiết lộ của Amazon vào cuối năm 2015, hãng đã sở hữu tổng cộng hơn 80 kho hàng khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có những kho hàng như ở Phoenix, Arizona (Mỹ) có diện tích bằng 12 sân bóng đá. Trung bình một nhân viên làm việc trong kho hàng ở Amazon phải di chuyển từ 7 dặm đến 15 dặm (khoảng 12km đến 24km) một ngày. Đi kèm với đó là một đội ngũ nhân viên khổng lồ, hơn 100.000 người cùng 10.000 robot hỗ trợ.

Ngoài ra, Amazon còn sở hữu một hệ sinh thái khổng lồ, tập hợp những con người ăn, ngủ, cũng như “thu – chi” cùng Amazon. Đó không chỉ là một lượng lớn khách hàng trung thành, thường xuyên nhận xét, đánh giá các sản phẩm trực tiếp trên website, mà còn là những freelancer (người làm việc tự do), những cộng tác viên… khi họ thường phát triển một website, một trang blog, một ứng dụng… sau đó liên kết với Amazon, bán hàng và nhận hoa hồng.

Theo Venkatash Rao, một cây bút người Mỹ, từng viết về mạng lưới này của Amazon (bài viết đã được đăng trên trang Forbes) thì: “Trong hàng thập niên qua, cuộc sống của tôi đã bị gắn chặt với Amazon. Tôi không chỉ chi hàng ngàn USD vào trang web mà còn đưa blog của mình (ribbonfarm.com) tham gia chương trình affiliate marketing của Amazon và bán sách của mình trên đó. Mười năm trước, tôi từng là một biên tập viên cho nhiều đầu sách, nhưng giống như hàng ngàn freelancer khác, hiện giờ nguồn thu nhập và mọi hoạt động chính của tôi đều chỉ xoay quanh Amazon”.

Bài học chiến thuật sales từ người… bán ớt

Những người bán ớt luôn gặp cùng một câu hỏi: “Ớt này có cay không?”. Phải trả lời thế nào đây? Nói cay thì lỡ phải người không thích ăn cay sẽ lập tức bỏ đi và không mua nữa; còn nói không cay thì lỡ phải người thích ăn cay thì sao?

Một ngày, tôi đứng bên cạnh một gánh bán ớt của một người phụ nữ, xem chị ta giải quyết vấn đề đầy nghịch lý này như thế nào. Nhân lúc chưa có người mua, tôi tự tỏ ra thông minh mách chị: “chị chia ớt thành hai phần, gặp phải khách thích ăn cay thì chị chỉ phần bên này, còn gặp khách không thích ăn cay thì chị chỉ phần bên kia”.

Chị bán ớt nhìn tôi cười và nói: “Không cần phải thế”.

Đúng lúc này, có một khách hàng đến hỏi mua, câu hỏi quả nhiên vẫn như cũ: “Ớt này có cay không?”. Chị bán hàng rất chắc chắn nói với họ: “quả đậm màu cay, quả nhạt màu không cay”. Người mua nghe vậy tin là thật, chọn ớt, trả tiền rồi vui vẻ rời đi.

Một lúc sau, những quả ớt nhạt màu còn lại chả là bao.

Lại có một người đến mua và vẫn câu hỏi như vậy: “Ớt này có cay không?”. Chị bán ớt nhìn gánh ớt của mình, trả lời một cách chắc chắn: “Quả dài cay, ngắn không cay”. Quả nhiên, người mua nghe theo lời phân loại của chị để chọn ớt. Và kết quả là chả mấy chốc, quả ớt dài cũng bán gần hết.

Nhìn vào gánh ớt còn lại của chị, toàn là ớt ngắn và đậm màu, tôi thầm nghĩ: “Lần này xem chị giải quyết thế nào?”.

Và khi một người mua nữa đến hỏi: “Ớt này có cay không”, chị bán hàng vẫn rất tự tin trả lời: “Quả cứng cay, mềm không cay”.

Tôi thầm bái phục chị, không phải sao khi ớt bị phơi nắng cả ngày thì rất nhiều quả bị mất nước mà mềm oặt lại.

Rồi chả mấy chốc, người phụ nữ bán ớt bán hết gánh ớt của mình, trước khi về nhà chị nói với tôi: “Cách em bảo với chị, ai bán ớt cũng biết, thế nhưng cách bán của chị thì chỉ có mình chị biết”.

Nghe vậy tôi chợt nhận ra rằng: Sự khôn ngoan trong cuộc sống có thể được viết thành sách, nhưng bạn không thể bê y nguyên sách khi áp dụng vào cuộc sống, bởi cuộc sống luôn sống động và đòi hỏi bạn phải linh hoạt và sáng tạo.

Bán hàng là cả một nghệ thuật, chủ yếu là làm thế nào để khách hàng hiểu rõ hơn và chấp nhận sản phẩm của bạn, và phải dùng phương pháp nào khiến khách hàng trong vô vàn sự lựa chọn lại chọn sản phẩm của bạn.

Trong bán hàng (sales), có thể liên tục thay đổi chiến thuật, nhưng “chiến thuật tâm lý” luôn là chiến thuật nòng cốt ẩn giấu bên trong mọi chiến thuật khác. Người bán hàng thành công luôn là người có chiến thuật kinh doanh phù hợp và đúng đắn.

Ngoài bán hàng ra, bạn còn cần bán cả những gì?

Customer doanhnhansaigon

Khách lạ mua sự lịch sự

Khách quen mua sự nhiệt tình

Khách hàng bận rộn mua sự hiệu quả

Khách hàng rảnh rỗi mua sự kiên nhẫn

Khách hàng có tiền mua sự tôn quý

Khách hàng không có tiền mua giá cả phải chăng

Khách hàng sành điệu mua sự thời trang

Khách hàng chuyên nghiệp mua sự chuyên nghiệp

Khách hàng thích hưởng thụ mua dịch vụ

Khách hàng thích hư danh mua sự vinh dự

Khách hàng hào phóng mua sự trượng nghĩa

Khách hàng keo kiệt mua lợi ích

Khách hàng kén chọn mua sự chi tiết, tỉ mỉ

Khách hàng dễ tính mua sự đồng cảm

Khách hàng hay do dự mua sự bảo đảm.

Business 4.0: Doanh nghiệp sống sao trong thời đại số

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 (World Economic Forum) Davos, Industry 4.0 (Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) được lấy làm chủ đề xuyên suốt trong 4 ngày làm việc của hội nghị (từ 20-23/1), với sự tham gia của 2.500 nhà lãnh đạo các quốc gia và các tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu.

Đây là cuộc cách mạng đang diễn ra âm thầm và ngày càng trở nên mạnh mẽ, tác động sâu sắc lên các doanh nghiệp toàn cầu. Theo đó, những doanh nghiệp không hay chậm thay đổi để theo kịp xu hướng này sẽ dần dần bị thay thế và đào thải. Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu lớn bị phá sản hoặc sáp nhập là minh chứng cho điều đó.

Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới đã diễn ra ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Lần thứ nhất vào năm 1785 – chứng kiến sự trỗi dậy của nước Anh khi phát minh ra động cơ hơi nước và cơ khí hóa toàn bộ nền sản xuất đương thời. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra bắt đầu từ năm 1870, khi năng lượng điện được đưa vào sử dụng mở đầu thời đại sản xuất hàng loạt. Lần thứ ba bắt đầu vào khoảng cuối thập kỷ 1960, thế giới bước vào cuộc cách mạng tự động hóa cùng với sự phát triển của máy tính.

Cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ra đời từ một dự án quốc gia của nước Đức nhằm xúc tiến máy tính hóa, số hóa sản xuất trong các ngành công nghiệp vào những năm đầu thập kỷ 2010, nằm trong chiến lược tổng thể phát triển công nghệ cao của quốc gia hướng tới đáp ứng nhu cầu, giải quyết thách thức và tạo thế cạnh tranh một cách bền vững cho quốc gia, doanh nghiệp, công dân Đức trong tương lai xa. Từ những tiền đề ban đầu, các nhóm làm việc được lập ra tập trung vào các chủ đề khác nhau như Nhà máy Thông minh, Môi trường, Con người – Công việc, Yếu tố công nghệ. Chương trình này làm dấy nên phong trào các nước từ cường quốc đến các nước đang phát triển khởi xướng các chương trình chiến lược quốc gia tương tự như “Industry 4.0” phù hợp với đặc thù quốc gia mình.

Điểm chung ở các quốc gia này là giới lãnh đạo nhìn thấy một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiềm ẩn đang và sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới, xã hội, con người, doanh nghiệp trong tương lai không xa, mà nếu không chuẩn bị ngay sẽ có thể lỡ mất cơ hội để tồn tại, vươn lên hay duy trì vị trí trên bản đồ kinh tế – chính trị toàn cầu, hay đáp ứng các nhu cầu hay giải quyết các vấn đề trong tương lai ngay chính tại quốc gia đó.

Có ý kiến cho là đây chỉ là sự kéo dài của Cách mạng số hay Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nhưng theo ông Klaus Schwab – Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì chính tốc độ, phạm vi và tác động mang tính hệ thống của một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang làm thay đổi cả chính cá nhân, xã hội, chính trị, kinh tế, doanh nghiệp trong hiện tai và tương lai. Những xu hướng, thành quả, ứng dụng công nghệ số cũng như công nghệ cao khác đã phá vỡ ranh giới giữa thế giới vật lý, thế giới ảo và thế giới sinh học.

Bao trùm lên tất cả là sự thay đổi của các doanh nghiệp qua một thời kỳ mới – thời kỳ của Business 4.0.

Business 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời với sự sáng tạo mang tính hủy diệt (Disruptive Innovation). Nó thay đổi hoàn toàn cách thức doanh nghiệp tương tác với khách hàng, từ phân tích nhu cầu, tiếp thị, bán hàng, đến chăm sóc khách hàng. Nó cũng thay đổi cách thức chúng ta quản trị doanh nghiệp và làm việc hằng ngày.

Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong xu hướng Business 4.0 trên toàn cầu? Các lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi tư duy để đón nhận sự thay đổi hay chưa? Làm sao để hiểu xu hướng phát triển thế giới? Những giải pháp nào giúp doanh nghiệp có thể áp dụng ngay để thay đổi doanh nghiệp, từ tiếp thị, bán hàng đến số hóa quản trị doanh nghiệp?…

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0 doanhnhansaigon
(Nguồn: Bài trình bày về Marketing 4.0 của Giáo sư Peter Fisk)

Theo ông Phan Thanh Sơn – chuyên gia tư vấn cao cấp, nguyên Tổng giám đốc CISCO Vietnam: “Industry 4.0 được nói đến như cuộc cách mạng số diễn ra rộng lớn trong các ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên những yếu tố tạo ra Industry 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra những thay đổi lớn mang tính cách mạng trong các mặt quan hệ, quy trình của nền kinh tế như tài chính, kinh doanh, thương mại, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, cung – cầu…

Ngành ngân hàng đã đề cập đến Banking 4.0, marketing đã đưa ra khái niệm Marketing 4.0, và một số nhà nghiên cứu kinh tế, doanh nghiệp tiên phong, tổ chức đã đưa ra khái niệm Business 4.0 – có mối liên hệ hai chiều chặt chẽ với Industry 4.0. Ngay chính chủ đề “Industry 4.0” được nói đến trong Diễn đàn WEF tại Davos cũng là một khái niệm mở rộng so với ý nghĩa ban đầu của “Industry 4.0”. Nhiều nước xuất phát điểm từ nước nghèo đã chớp được cơ hội để phát triển thành cường quốc kinh tế, nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia này đã trở thành các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, hai và ba.

Nếu nhìn lại lịch sử thì cứ khoảng 100 năm lại có một loạt sự soái ngôi của doanh nghiệp và quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Trong bức tranh kinh tế toàn cầu phát triển theo các quy luật mới, cơ hội và thách thức cho danh nghiệp ở Việt Nam là bình đẳng với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác, kể cả ở các cường quốc. Nếu hình dung được thế giới, xu hướng của tương lai, của Industry 4.0, Business 4.0 và xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn ngay từ bây giờ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thành công trong cuộc chơi của một nền kinh tế mới, nền kinh tế của Business 4.0 với các quy luật, thách thức và cơ hội hoàn toàn khác với những gì chúng ta có thể tưởng tượng được”.

Vietnam Business 4.0 Roadshow là một dự án cộng đồng ra đời với sứ mệnh nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, bắt đầu bằng chuỗi sự kiện chia sẻ với các lãnh đạo (chủ tịch, tổng giám đốc) về xu hướng Business 4.0 và những mô hình điều hành doanh nghiệp mới dựa trên nền tảng công nghệ có thể áp dụng ngay vào doanh nghiệp Việt Nam

Ông Trần Ngọc Anh – Chủ tịch ANHGROUP, Trưởng BTC chia sẻ: “Vietnam Business 4.0 Roadshow sẽ đi đến các tỉnh thành trong cả nước và bắt đầu từ các thành phố lớn, chúng tôi mong muốn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cùng các đối tác đồng hành cùng nhau hỗ trợ các chủ doanh nghiệp thay đổi tư duy, hiểu sự thay đổi trong kinh doanh trên toàn cầu; cung cấp cho doanh nghiệp những giải pháp quản lý và giải pháp sales/marketing mới dựa trên nền tảng công nghệ để doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp sau khi tham dự chuỗi chương trình có thể mang các giải pháp về áp dụng ngay mà không phải tốn tiền đầu tư”.

10 công ty thống trị thị trường thực phẩm, đồ uống toàn cầu

Theo tờ Business Insider, chỉ có 10 công ty kiểm soát hầu như mọi thương hiệu thực phẩm và đồ uống lớn trên thế giới.

Mỗi công ty trong số này, bao gồm Nestlé, PepsiCo, Coca-Cola, Unilever, Danone, General Mills, Kellogg’s, Mars, Associated British Foods và Mondelez, sử dụng hàng ngàn lao động và thu về hàng tỷ đô la doanh thu mỗi năm.

Trong một nỗ lực thúc đẩy các công ty để thực hiện thay đổi tích cực – và để khách hàng để nhận ra ai là người kiểm soát những thương hiệu mà họ đang mua – Oxfam đã tạo ra một bản infographic cho thấy các nhãn hiệu tiêu dùng có liên quan chặt chẽ với nhau ra sao.

Dưới đây là một số thông tin về các công ty sở hữu những thương hiệu và sản phẩm mà chúng ta sử dụng mỗi ngày:

Kellogg’s

Doanh thu năm 2015: 13,5 tỷ USD.

Hãy quên đi Froot Loops và Frosted Flakes – Kellogg’s còn sở hữu các thương hiệu không phải là ngũ cốc như Eggo, Pringles và Cheez-It.

Associated British Foods

Doanh thu năm 2015: 16,6 tỷ USD.

Công ty Anh này sở hữu các thương hiệu như Dorset Cereals và trà Twinings, cũng như nhà bán lẻ Primark.

General Mills

Doanh thu năm 2015: 17,6 tỷ USD.

General Mills được biết đến với các sản phẩm ngũ cốc như Cheerios và Chex, đồng thời cũng sở hữu các thương hiệu như Yoplait, Hamburger Helper, Haagen-Dazs và Betty Crocker.

Danone

Doanh thu năm 2015: 24,9 tỷ USD.

Nổi tiếng với các loại sữa chua như Activa, Yocrunch và Oikos, Danone còn kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng y tế và nước đóng chai.

Mondelez

Doanh thu năm 2015: 29,6 tỷ USD.

Những thương hiệu của nhãn hàng chủ yếu sản xuất đồ ăn vặt này bao gồm Oreo, kẹo cao su Trident và Sour Patch Kids.

Mars

Doanh thu năm 2015: 33 tỷ USD.

Mars nổi tiếng nhất với các thương hiệu chocolate của mình, chẳng hạn như M&M, nhưng hãng cũng sở hữu Uncle Ben’s, Starburst, và kẹo cao su Orbit.

Coca-Cola

Doanh thu năm 2015: 44,3 tỷ USD.

Coca-Cola đang di chuyển ra ngoài thị trường nước giải khát có ga với các nhãn hiệu nước giải khát như Dasani, Fuze và trà Honest Tea.

Unilever

Doanh thu năm 2015: 59,1 tỷ USD.

Danh sách phong phú các thương hiệu của Unilever bao gồm thuốc xịt ngăn mùi Axe, trà Lipton, kem Magnum và mayonnaise Magnum.

PepsiCo

Doanh thu năm 2015: 63 tỷ USD.

Ngoài Pepsi và các loại nước giải khát có ga khác, PepsiCo còn sở hữu các thương hiệu như Quaker Oatmeal, Cheetos và Tropicana.

Nestlé

Doanh thu năm 2015: 87 tỷ USD.

Những thương hiệu có thể bạn không biết là do Nestlé sở hữu bao gồm thức ăn cho bé Gerber, Perrier, DiGiorno và Hot Pockets – ngoài ra là các nhãn hiệu kẹo như Butterfinger hay KitKat.