Category Archives: Bussiness

8 startup Việt được nhà đầu tư ngoại rót vốn triệu USD

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ nhận khoản tài trợ trị giá hàng chục tỷ đồng trong lần gọi vốn đầu tiên.

MoMo – Đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam

Đầu năm 2016, Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã rót 28 triệu USD vào Công ty cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo. MoMo là đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam với hơn một triệu người dùng, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng như sự thuận tiện, minh bạch, giảm thiểu tội phạm nhờ dễ dàng kiểm soát sự lưu thông của dòng tiền.

Ứng dụng giúp khách hàng chuyển tiền, thanh toán các loại hóa đơn và thương mại điện tử trên di động mọi lúc mọi nơi với hơn 100 dịch vụ như điện, nước, Internet, truyền hình cáp, điện thoại, vay tiêu dùng, vé máy bay, vé xem phim, thanh toán các dịch vụ thương mại điện tử…

MoMo hướng đến mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng Việt Nam, chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử.

Cốc Cốc – công cụ tìm kiếm và trình duyệt web dành riêng cho người Việt

Tháng 3/2015, Cốc Cốc – một công ty khởi nghiệp của 3 lập trình viên Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư 14 triệu USD từ tập đoàn truyền thông Hubert Burda (Đức). Tốc độ tăng trưởng người dùng, chất lượng sản phẩm của công cụ tìm kiếm và trình duyệt web này là điểm nhấn hấp dẫn đối tác ngoại.

Vài tháng sau, doanh nghiệp thành công trong việc thêm một số công cụ vốn rất cần trong văn bản tiếng Việt. “Điều này gây ấn tượng với các nhà đầu tư. Một vài nhà đầu tư còn giúp chúng tôi tìm ra những kỹ sư công nghệ giỏi cùng tham gia dự án”, đại diện công ty từng chia sẻ.

Cốc Cốc hiện có hàng trăm nhân viên và nằm trong danh sách những trình duyệt web được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam chỉ sau Google Chrome.

Vntrip.vn – ứng dụng chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến

Startup Việt hoạt động trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến đã nhận được khoản tài trợ 3 triệu USD từ cựu lãnh đạo Alibaba – John Wu ngay trong lần gọi vốn đầu tiên vào tháng 7/2016. Số tiền này góp phần mở rộng dịch vụ cung cấp ôtô đón miễn phí từ sân bay về khách sạn cho tất cả khách hàng đặt phòng qua hệ thống trực tuyến của doanh nghiệp – phân khúc được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.

Hiện hệ thống của Vntrip.vn kết nối trực tuyến tới hơn 6.000 khách sạn Việt Nam và gần 900.000 khách sạn quốc tế. Khách hàng có thể đặt phòng và thanh toán trực tuyến ngay trên website hoặc bằng ứng dụng đặt phòng trên Android, iOS.

Lozi – Ứng dụng tìm món ăn Việt

Cuối năm 2015, Công ty cổ phần Lozi Vietnam nhận được khoản đầu tư lên tới 7 chữ số từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan đến từ Nhật Bản, sau nửa năm nỗ lực chứng minh tính khả thi, tốc độ tăng trưởng của dự án.

Với số tiền tài trợ này, lãnh đạo công ty tập trung nguồn lực vào R&D, mở rộng phạm vi hoạt động đến nhiều thành phố và vươn ra toàn cầu.

Rất nhiều khó khăn khi khởi nghiệp, nhưng CEO Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, bản lĩnh của startup thể hiện ở việc chứng minh sản phẩm có thể giải quyết nhu cầu nào đó trong xã hội. Và cần cho họ thấy bức tranh trong 5-10 năm tới sẽ đi đến đâu và như thế nào.

Để tạo sự khác biệt với một số ứng dụng tìm món ăn tương tự đang có trên thị trường, Lozi phát triển thêm tính năng lưu lại các thông tin. Ngoài ra, với chức năng tự định vị, ứng dụng hỗ trợ người dùng tìm thấy những địa điểm có bán món ăn cần tìm ở vị trí gần họ nhất. Nhờ đó, bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm địa điểm nhanh chóng tiện lợi, tìm thấy bộ sưu tập ăn uống theo chủ đề hoặc theo mục đích riêng.

Vexere – website đặt vé trực tuyến

Tháng 6/2015, quỹ đầu tư Nhật Bản CyberAgent Ventures rót vốn lần hai vào công ty Vexere – một Startup Việt Nam vận hành website đặt vé xe khách trực tuyến, nhưng không tiết lộ chi tiết mức đầu tư.

Từ một cậu bé có hoàn cảnh khó khăn, Trần Nguyễn Lê Văn – Giám đốc Vexere đã vươn lên để chạm tay đến giấc mơ du học Mỹ và lập trang bán vé xe online với hơn 24 triệu lượt truy cập.

Dự án ra đời với mong muốn trở thành nơi hợp tác bán vé, giúp các nhà xe xây dựng quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp, quản lý dễ dàng hơn. Khách hàng cũng có kênh thông tin tham khảo uy tín, cập nhật lịch trình, giá vé, lựa chọn hãng xe uy tín dựa vào phản hồi, đánh giá của người khác.

Doanh nhân 8X suy nghĩ rất nhiều về những khó khăn và ý nghĩa của dự án. Nhưng nếu thành công sẽ góp phần cách mạng hóa giao thông và du lịch nước nhà. Cuối cùng anh quyết định đi theo tiếng gọi của đam mê và khát vọng giúp thay đổi quê hương còn nghèo khó khi cho ra đời dự án “vé xe online”.

Foody – website chuyên giới thiệu và đánh giá địa điểm ăn uống

Thành lập tháng 8/2012 bởi ông Đặng Hoàng Minh, website chuyên về thông tin quán ăn, nhà hàng và những chia sẻ từ cộng đồng về địa điểm đó.

Năm 2015, công ty nhận vốn từ quỹ đầu tư Mỹ – Tiger Global Investment. Khoản đầu tư không được công bố nhưng ước tính giá trị lên tới triệu USD.

Kỳ vọng gia tăng sự hiện diện ở nhiều nước trên thế giới, Foody đã đưa vào vận hành một website dành riêng cho thị trường Indonesia. Mục tiêu tiếp theo của công ty là Malaysia, Lào và Campuchia.

Websosanh – Website tìm kiếm, so sánh giá

Công ty cổ phần So Sánh Việt Nam, đơn vị vận hành website Websosanh.vn đã nhận đầu tư từ Yello Shopping Media Group (YSM), thuộc Tập đoàn Yello Mobile, Hàn Quốc để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm tốt hơn.

Websosanh.vn ra đời với mục tiêu trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, hữu ích, giúp cho người tiêu dùng Việt Nam chọn mua được sản phẩm ưng ý với giá cả phải chăng từ những đơn vị bán lẻ uy tín. Đây là một trong những website tra cứu giá cả lớn ở Việt Nam có nhiều người dùng cùng dữ liệu về giá cả và thông số của hàng triệu sản phẩm.

Sendo.vn – Sàn thương mại điện tử

Thành lập vào tháng 9/2012, Sendo.vn là một trong những sàn đầu tiên kết nối ngân hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận trong thương mại điện tử.

Tháng 10/2014, Sen Đỏ được rót thêm vốn đầu tư của Nhật, tách ra khỏi FPT Online và trở thành công ty liên doanh với 3 đối tác Nhật Bản là SBI Holdings, eContext ASIA và BEENOS với số vốn khoảng 6 triệu USD.

Tháng 5/2014, Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ được thành lập để quản lý sàn Sendo.vn. Công ty Sen Đỏ hiện sở hữu 2 website Sendo.vn và 123mua.vn.

Sendo.vn là trang thương mại điện tử có hệ thống thanh toán được cấp chứng chỉ quốc tế cao về vấn đề bảo mật thông tin. Ngay từ khi mới thành lập, Sendo.vn đã xác định mục tiêu tạo ra mô hình mua sắm thuận tiện, đồng thời đưa ra các chế tài chặt chẽ nhằm mang lợi ích thiết thực đến cho khách hàng.

Không Mỹ, TPP sẽ ra sao?

Dù không quá ngạc nhiên, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn không khỏi bị sốc khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump chính thức khẳng định sẽ “hủy bỏ TPP ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức”.

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng là hiệp ước thương mại có quy mô lớn nhất, với sự tham gia của 12 quốc gia bao gồm: Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Brunei, Úc và Canada. Với tổng dân số khoảng 800 triệu người, các thành viên TPP dự kiến tạo ra quy mô thương mại chiếm 40% tỷ trọng toàn cầu, và khoảng 18.000 rào cản thuế quan sẽ được dỡ bỏ như một phần trong thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là một hiệp định gây tranh cãi đặc biệt trong chính trường Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama là người tích cực thúc đẩy TPP, nhưng ông Donald Trump thì không. Trong phát biểu vừa qua, ông Trump nói rằng sẽ lựa chọn đường đàm phán thương mại song phương với từng nước, để đảm bảo “mang việc làm và công nghiệp trở lại với người Mỹ”, theo The Guardian.

Không chỉ về thương mại, TPP còn được xem là công cụ địa chính trị quan trọng của chính quyền ông Obama đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà ai cũng ngầm hiểu đối trọng lớn nhất chính là Trung Quốc. Chính vì vậy, truyền thông phương Tây nhanh chóng hướng sự chú ý sang Bắc Kinh, khẳng định rằng “cái chết” của TPP sẽ là thời cơ để Trung Quốc sử dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo sức ảnh hưởng lên các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản…

Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 23/11, tức chỉ vài ngày sau tuyên bố hủy TPP của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ “thể hiện vai trò” trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Khi Mỹ xem như bỏ qua thời cơ TPP, các nước đang đàm phán TPP cũng bắt đầu lo ngại, và một số tìm kiếm giải pháp thay thế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã làm việc rất tốt đẹp với chính quyền Obama, khẳng định “không có Mỹ, TPP sẽ vô nghĩa”. Trong khi đó trả lời đài Russia Today (Nga) ngày 10/11, Tổng thống Peru Pablo Pedro Kuczynski nói: “Một thỏa thuận khác sẽ thay thế, nhưng không có sự tham gia của Mỹ. Nó có thể bao gồm Trung Quốc cũng như Nga”. Về phần Canada, trước nguy cơ mất cả TPP lẫn một thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ, nước này đang tính đường sẽ thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản như biện pháp ưu tiên.

Mặc dù vậy ở một khía cạnh khác, vẫn có những đánh giá theo chủ nghĩa lạc quan về mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Á xung quanh số phận của TPP.

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho rằng 11 nước còn lại vẫn có thể đàm phán TPP mà không cần Mỹ, hoặc ít nhất sẽ cần thêm thời gian 1 năm để thuyết phục Mỹ. Trong khi đó The Guardian dẫn lời Christopher Hill, cựu trợ lý bộ trưởng phụ trách đối ngoại Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng các đồng minh của Mỹ chưa chắc sẽ quay lưng với Mỹ và lựa chọn Trung Quốc.

Công thức kinh doanh đơn giản từ Hãng thời trang Shimamura

Không quá kiểu cách, thân thiện và giá rẻ, đó chính là công thức thu lợi nhuận bền vững của Hãng thời trang Shimamura trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang đi xuống, giúp chuỗi kinh doanh quần áo lớn thứ hai của nước này vượt lên cả đối thủ Fast Retailing – chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo đình đám – trong 5 quý gần đây.

Trong khi tiêu dùng của các hộ gia đình tại Nhật Bản giảm liên tục suốt 11 tháng của năm tài khóa kết thúc hồi tháng 9 vừa qua, và giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm liên tiếp 7 tháng, doanh thu của Shimamura vẫn tăng mạnh.

Trong 3 quý đầu năm nay, doanh thu của Hãng tăng trung bình 6,2% mỗi quý, trong khi con số này của Fast Retailing (sở hữu doanh thu thường niên gấp 3 lần Shimamura) chỉ là 5,4%.

Trong 6 tháng tính đến 20/8 vừa qua, thu nhập ròng của Shimamura tăng 46% lên 16,7 tỷ yen, vượt mục tiêu đề ra là 14,8 tỷ yen. Hãng này dự kiến lợi nhuận trong cả năm nay sẽ là 46,2 tỷ Yên, tăng 15,8% so với năm trước.

Shimamura đạt mức lợi nhuận trên một phần là nhờ đồng yen tăng giá, khiến nguyên liệu nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, về Nhật Bản trở nên rẻ hơn. Trong năm nay, đồng yen tăng so với tất cả các đồng tiền khác ở châu Á và tăng 15% so với đồng CNY của Trung Quốc.

Một năm qua, cổ phiếu Shimamura chỉ giảm 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức giảm 15% của Fast Retailing. 5 trong số 13 nhà phân tích cổ phiếu của Bloomberg nhận định nên mua vào cổ phiếu của Shimamura, các ý kiến còn lại cho rằng nên tiếp tục nắm giữ.

Chiến lược kinh doanh nào đã giúp hãng thời trang này chiếm được thị phần từ tay một đối thủ lớn?

Shimamura mở cửa hàng quần áo đầu tiên tại Tokyo năm 1978, tức 15 năm sau khi có cửa hàng tại quận Saitama. Từ thập niên 90, hãng bán lẻ này bắt đầu mở ra nhiều cửa hàng trên toàn nước Nhật và cho đến cuối năm 2015, đã có 2.000 cửa hàng Shimamura và một vài hãng thời trang khác.

Theo Euromonitor International, năm 2011, với 4%, lần đầu tiên Shimamura dẫn trước World Co. trong cuộc đua thị phần ngành quần áo, nhưng vẫn bị Fast Retailing bỏ xa với 12%.

“Fast Retailing đang đi trên một con đường khác, giống như bay trên mây vậy, còn chúng tôi chỉ là một công ty bình thường”, chủ tịch Masato Nonaka nói và cho biết: “Chúng tôi không thể bắt chước họ. Chúng tôi phải tự đi trên con đường của riêng mình”.

Chiến lược của Shimamura là rất rõ ràng: giá rẻ và nhắm đúng đối tượng mục tiêu. Họ không có nhà thiết kế thời trang tên tuổi, không có người mẫu nổi tiếng để quảng cáo. Hầu hết cửa hàng trong hệ thống 2.000 chi nhánh của Hãng được đặt tại các khu dân cư, thay vì ở các trung tâm mua sắm cao cấp. Hàng hóa của họ, từ những chiếc áo cardigan giá 1.140 yen cho đến những chiếc quần skinny giá 900 yen, chủ yếu đến từ các nhà sản xuất giá rẻ nước ngoài.

Trong bối cảnh đối tượng khách hàng mà các chuỗi thời trang nhanh thường hướng đến là nhóm người trẻ tuổi, thì xu hướng “già hóa” dân số tại Nhật đã trở thành thách thức lớn. Bên cạnh đó, chi phí truy cập intenet trên điện thoại di động tăng cao cũng khiến cho giới trẻ Nhật Bản ít tiêu tốn vào quần áo hơn. Tuy vậy, Chủ tịch Nonaka – người đã gắn bó với Shimamura hơn 30 năm – nhận định rằng, tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của một công ty bán đồ giá rẻ như Shimamura.

“Chúng tôi không đánh bạc, chúng tôi chỉ đi thẳng vào mảng mà mình có thể giành phần thắng và làm những gì mình am hiểu”, Chủ tịch Nonaka chia sẻ trên Bloomberg: “Đó là chính sách nền tảng của chúng tôi”.

Các nhà đầu tư và giới phân tích cũng cho biết, Shimamura và đối thủ Uniqlo rất khác nhau về định hướng phát triển. “Họ hoàn toàn khác nhau, cả ở những việc đã làm trong quá khứ lẫn những dự định cho tương lai. Trong khi Uniqlo có doanh số quốc tế chiếm tỷ lệ lớn thì Shimamura lại chủ yếu hoạt động ở nội địa”, Dairo Murata – nhà phân tích tại JP Morgan Securities nhận xét.

2 năm trước, Shimamura đã số hóa hệ thống quản lý hàng tồn kho. Hiện nay, họ sử dụng thuật toán để đưa ra quyết định triển khai các chiến dịch giảm giá, khuyến mãi. Dù vậy, Công ty vẫn chưa bán hàng online, nhiều cửa hàng của họ tại Trung Quốc vẫn đang chật vật do thiếu nhận diện thương hiệu suốt 4 năm qua kể từ khi thành lập. Do đó, Chủ tịch Nonaka cho biết, Công ty dự định sẽ đóng cửa các cơ sở hoạt động không tốt, thay vào đó là việc bổ sung các danh mục sản phẩm còn thiếu. Và hiện tại, Shimamura vẫn có thể hài lòng với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng sau mùa hè.

“Việc bán hàng của chúng tôi đang rất thuận lợi. Tôi có thể chỉ nói là ‘tốt’, nhưng sự thật là chúng tôi đang bán rất chạy. Điều đó khiến tôi không thể ngừng mỉm cười được”, ông Nonaka nói.

Kinh doanh trực tuyến tạo hiệu quả lớn cho SME

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới đã xác định được một loạt các vấn đề cần giải quyết, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ít có khả năng nhận thức được những cơ hội kinh doanh ở phạm vi quốc tế. Họ đối mặt với nhiều thách thức khi cố gắng thiết lập phạm vi sản xuất kinh doanh trên thị trường thế giới, đặc biệt là việc tham gia vào mạng lưới phân phối sản phẩm.

Hiện tại, internet đang cung cấp một giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề này vì tạo điều kiện cho SME có thể tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. Một nghiên cứu của eBay tại 22 quốc gia trên toàn cầu cho thấy, các SME tiến hành kinh doanh trực tuyến đã xuất khẩu tới 97% khối lượng hàng hóa của mình. Trong khi đó số doanh nghiệp không tham gia kinh doanh trực tuyến chỉ xuất khẩu được 2 – 28% số hàng hóa.

Vì vậy kinh doanh trực tuyến rõ ràng mang đến nhiều thuận lợi cho SME khi muốn xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp ở các nước đang phát triển có số nhân viên dưới 10 người, chỉ có 25% các công ty này có trang web riêng. Đây là con số rất khác biệt đối với các doanh nghiệp có trên 250 nhân viên, với tỷ lệ 85% có trang web của công ty.

Nhiệm vụ của tổ chức WTO là thiết lập quy tắc thương mại toàn cầu và tạo ra một hệ thống trong đó mang lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy toàn bộ 164 thành viên của WTO trên thế giới đang ngày càng quan tâm để làm cách nào thúc đẩy SME nước mình hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trong việc khai thác tiềm năng của kinh doanh trực tuyến và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Ông Roberto Azevedo – Giám đốc Ngân hàng Thế giới chi nhánh Indonesia trong một bài viết trên báo Jakarta Post cho rằng, tại các nước phát triển trên thế giới, các SME tạo ra khối lượng hàng hóa lên tới 78% và 34% trong số đó được xuất khẩu, còn đối với các quốc gia đang phát triển thì con số này thấp hơn.

Một cuộc khảo sát đối với 25.000 doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 7,6% tổng số hàng hóa của họ, tại châu Phi con số nói trên chỉ chiếm có 3%.

Vấn đề ở đây là một số rào cản thương mại tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến hoạt động của SME. Việc đáp ứng một số tiêu chuẩn pháp lý cần thiết đối với các loại hàng hóa tại những thị trường khác nhau là một trong những khó khăn của SME, đồng thời ngay cả chi phí tìm kiếm thông tin về các tiêu chuẩn này cũng bị hạn chế. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các SME tại các quốc gia đang và chậm phát triển.

Các công ty lớn hơn có thể tiếp cận nguồn kinh phí từ chính phủ, nhưng đối với SME điều này không hề dễ dàng và do đó họ khó có điều kiện để tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh ở nước ngoài. Việc giảm thuế sẽ là một sự hỗ trợ lớn đối với SME, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và nâng cao khả năng đào tạo của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý ở trong nước cũng như trên phạm vi quốc tế.

SME hiện đang gặp phải một bất lợi khác nữa là việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Trên phạm vi thế giới, các ngân hàng từ chối hơn 50% các yêu cầu về tài chính từ SME, so với chỉ 7% đối với các công ty đa quốc gia. SME cho rằng đây là một rào cản lớn về khả năng sản xuất kinh doanh của họ, vì vậy các chính phủ cần vào cuộc, có sự quan tâm và tạo điều kiện để họ phát huy khả năng của mình.

Ngành in bế tắc nguồn nhân lực

Những năm gần đây, số doanh nghiệp (DN) thuộc ngành in tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng mỗi năm, các cơ sở đào tạo nhân lực ngành in chỉ mới đáp ứng được 1/10 nhu cầu nhân lực của ngành.

Theo các số liệu thống kê về ngành in thương mại thế giới của IBIS World, nhu cầu của ngành in bao bì vẫn phát triển ổn định đã bù vào những mất mát đến từ truyền thông điện tử. Tổng doanh thu của toàn ngành trong năm 2016 dự kiến đạt khoảng 961 tỷ USD. Công nghệ in offset vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 48%, các phương pháp in khác là 36%.

Theo ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu đối với các sản phẩm in bao bì và in thương mại cũng tăng, tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm in ấn Việt Nam cũng rất lớn. Hiện Việt Nam có trên 2.000 đơn vị có máy in công nghiệp với doanh thu mỗi năm đạt trên 40.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Từ đầu năm 2014, ngành in Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. Nếu phát triển tốt ngành công nghiệp in gia công xuất khẩu, dự kiến ngành in Việt Nam có thể tăng doanh thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, để đạt được con số tăng trưởng này, DN ngành in cần có kế hoạch giải quyết dứt điểm khó khăn về nhân lực – thách thức lớn nhất của ngành.

Trong khi đó, PGS-TS. Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội In TP.HCM, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in ngày càng tệ. Số lượng đào tạo các cấp trình độ của ngành là 300 – 400 người/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực gần 4.000 người mỗi năm. Vòng lẩn quẩn về nguồn lực và sự phát triển liên tục lặp lại. DN trả lương không cao do sản xuất khó khăn. DN muốn có nguồn nhân lực nhưng không sẵn lòng bỏ tiền đào tạo. Nhà trường tuyển sinh khó khăn. Kinh phí thu từ hoạt động đào tạo không đủ bù chi. Đời sống giáo viên còn khó khăn. Cơ sở vật chất cho đào tạo không đạt dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa cao”.

Lao động của ngành in được cung cấp từ bốn nguồn: các cơ sở đào tạo, các DN lấy lao động của nhau (dịch chuyển lao động), DN tự đào tạo, DN cử người đi học khi nhà cung cấp chuyển giao thiết bị.

Về cơ sở đào tạo – nguồn cung cấp nhân lực chính của ngành, hiện cả nước có 2 đơn vị đào tạo bậc đại học, 1 đơn vị đào tạo bậc cao đẳng và 4 trường trung – sơ cấp nghề in.

Mỗi năm Đại học Bách Khoa Hà Nội đào tạo được khoảng 25 kỹ sư ngành in, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đào tạo khoảng 50 kỹ sư, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được các công ty nước ngoài tuyển dụng. Trường Cao đẳng In Hà Nội thì từng bị xem xét có nên duy trì hay không.

Trường Trung cấp bao bì An Đức của Liksin đã ngưng tuyển sinh từ năm 2015, Trường Trung cấp Sài Gòn 3 và Trung tâm đào tạo ITAXA (sơ cấp nghề 9 tháng) cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Về tự đào tạo, hiện nay, hầu như những DN ngành in phát triển tốt trên thị trường đều đã tự bỏ chi phí ra đào tạo. Công ty In Huynh đệ Anh Khoa (Anh Khoas Brother), chuyên in xuất khẩu tại TP.HCM, mỗi năm bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Năm 2016, Công ty đã thuê chuyên gia Mỹ, Nhật, Hà Lan và Việt Nam đến đào tạo để đạt được chứng chỉ PSO của Fogra (chứng chỉ cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng in và ISO 12647-2 chuyên ngành in).

Tuy nhiên, do đa số DN ngành in là DN nhỏ và vừa, không thể ngay lập tức đầu tư thay đổi công nghệ, cải tiến kỹ thuật, đào tạo lao động tay nghề cao, nên cần tìm kiếm sự hợp tác từ phía các công ty và tổ chức nước ngoài để có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ, cùng với đó là đặt hàng các trường đại học và cơ sở dạy nghề để có nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dòng nhấn mạnh: “Doanh thu ngành in năm 2016 dự kiến đạt hơn 60.000 tỷ đồng. Để có thể nắm bắt cơ hội trong môi trường kinh tế hội nhập, DN ngành in không còn cách nào khác là phải chủ động tìm kiếm các giải pháp để giải bài toán nguồn nhân lực, rào cản lớn nhất nhiều năm qua, thì mới mong giành được thị phần trong thị trường đầy tiềm lực này”.