Category Archives: Bussiness

Thị trường bia đang phân chia theo địa bàn như thế nào?

Theo báo cáo của một công ty chứng khoán được công bố gần đây, thị trường bia Việt Nam đang do 4 ông lớn làm chủ, phân chia rõ ràng theo 3 miền Bắc – Trung – Nam.

4 ông lớn thị trường bia Việt

Thị trường bia Việt hiện do 4 ông lớn thống trị, gồm Sabeco, Heineken, Habeco và Bia Huế. Trong đó, ngoài Heineken, 3 thương hiệu còn lại phân chia vị trí thống lĩnh 3 miền, thể hiện ngay ở tên gọi.

Habeco dẫn đầu thị trường miền Bắc với Bia Hà Nội; Bia Huế (Huda, Halida) do Carlsberg sở hữu mạnh ở khu vực miền Trung, Sabeco là Bia Sài Gòn, thị phần lớn nhất khu vực miền Nam. Ngoài ra, Heineken hiện diện tại cả khu vực miền Trung và miền Nam.

Theo số liệu của một công ty chứng khoán, riêng 4 cái tên nói trên đã chiếm 90% sản lượng bia bán ra trên thị trường. Phần còn lại thuộc về các công ty nước ngoài mới xuất hiện trên thị trường, như Sapporo và AB InBev, hay các công ty nhỏ hơn như Masan Brewery, Southeast Asia Brewery của Carlsberg. Sản lượng tiêu thụ tại miền Bắc chiếm 35%, miền Trung 6% và còn lại 59% là ở miền Nam.

Chênh lệch về lượng bia tiêu thụ giữa các vùng miền lý giải cho sự phân hóa giữa thị phần. Sabeco và Habeco tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, trong khi Bia Huế ban đầu là liên doanh giữa chính quyền thành phố Huế và Carlsberg với tỷ lệ góp vốn 50-50. 3 công ty này thống lĩnh 3 vùng miền tương ứng và thị phần tỷ lệ thuận với dân cư. Miền Nam tiêu thụ nhiều bia nhất, sau đó là miền bắc và cuối cùng là miền Trung.

Sabeco – 40% thị phần

Sabeco là hãng bia nổi tiếng nhất và là doanh nghiệp đang được tất cả các hãng bia khác quan tâm, khi sắp tới Nhà nước sẽ thoái vốn tại đây.

Hiện tại, Sabeco đang sở hữu 24 nhà máy bia, trong đó 20 nhà máy đang hoạt động và 4 nhà máy dự kiến hoạt động trong thời gian tới, đạt công suất hàng năm lên tới 1,8 tỷ lít bia. Lượng bia tiêu thụ năm 2015 của Sabeco là 1,5 tỷ lít, chiếm 40% thị phần.

Sabeco trở thành “gã khổng lồ” trên thị trường nhờ việc thành lập và hợp nhất nhiều nhà máy bia, đặc biệt là ở phía Nam. Mạng lưới nhà máy rộng lớn là lợi thế cạnh tranh giúp Sabeco phân phối hiệu quả hơn các đối thủ.

Sabeco có 2 thương hiệu bia mang tính biểu tượng và có truyền thống tại Việt Nam là “Bia Sài Gòn” và “333”. Ngoài ra, Sabeco đang đẩy mạnh các thương hiệu Saigon Special (hay còn được gọi là Sài Gòn lùn do mẫu thiết kế chai thấp).

Không những thế, Sabeco đang giành giật thị phần của Habeco ở miền bắc. Tính riêng tại khu vực miền Bắc, thị phần Sabeco tăng từ 10% năm 2014 lên 15,5% trong 6 tháng đầu năm 2016, trong khi đó Habeco cũng trong khoảng thời gian trên thị phần giảm từ 55% xuống còn 50%.

Heineken – 25% thị phần

Heineken hiện đang thống lĩnh phân khúc cao cấp. Trong phân khúc này, riêng Heinken đã chiếm khoảng 67% thị phần, trong đó 40% thuộc về thương hiệu Tiger và 27% thuộc về thương hiệu Heineken. Saigon Special của Sabeco có thị phần 28% ở phân khúc này.

Heineken hiện sở hữu 5 nhà máy tại Việt Nam, trong đó 3 nhà máy tại miền Nam và 2 nhà máy tại miền Trung, đây là 2 thị trường trọng điểm của công ty này.

Habeco – 18% thị phần

Habeco nắm hơn 50% thị phần ở miền Bắc và có sản lượng 700 triệu lít năm 2015. Tương tự như Bia Sài Gòn của Sabeco, thì Bia Hà Nội của Habeco cũng có tính biểu tượng ở miền bắc.

Ngoài bia chai và bia lon, Habeco cũng sản xuất dòng bia hơi riêng, nổi bật nhất là “Bia hơi Hà Nội”. Bia hơi chiếm 15-16% tổng sản lượng của Habeco. Dòng bia bình dân và sản phẩm Bia Hà Nội chiếm phần lớn sản lượng của Habeco, trong khi thương hiệu cao cấp là Trúc Bạch không đạt được nhiều thành công.

Habeco có 15 nhà máy bia chủ yếu ở miền bắc.

Carlsberg – 7% thị phần

Hue Brewery của Carlsberg như tên gọi, được đặt tại thành phố Huế, là nhà máy bia lớn nhất miền Trung. Năm 2015, Bia Huế bán ra thị trường khoảng 250 triệu lít. 2 thương hiệu chính của Bia Huế là Huda và Huda Gold.

Southeast Asia Brewery cũng do Carlsberg sở hữu 100%, ban đầu là liên doanh giữa Carlsberg và Bia Việt hà năm 1994. Đến năm 2014, Carlsberg sở hữu 100% doanh nghiệp này. Thương hiệu chính của Southeast Asia Brewery là Halida, một thương hiệu trung cấp tại miền Bắc nhưng doanh thu không đáng kể.

Ngoài ra, Carlsberg còn nắm 17% tại Habeco. Thương hiệu chính Carlsberg không đạt kết quả cao, mà hoạt động chính dựa vào Bia Huế.

Những hãng bia còn lại

Masan Brewery

Masan Brewery là công ty con của Masan Group. Masan đã mua lại công ty này năm 2013 và tung ra thương hiệu Sư Tử Trắng, tập trung vào phân khúc trung cấp. Masan Brewery tập trung chiến lược vào khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và đến nay đã có chỗ đứng nhất định.

Năm 2015, Masan Brewery đã bán được 45 triệu lít bia và thu về 706 tỷ đồng doanh thu. Sang năm 2016, công ty dự kiến tăng gấp đối sản lượng bán ra bằng cách tăng cường hiện diện tại khu vực này cũng như mở rộng sang miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, Masan Brewery cũng đang bước đầu thâm nhập thị trường miền Bắc.

Masan Brewery hiện có 2 nhà máy sản xuất, trong đó một đặt tại Phú Yên công suất 50 triệu lít/năm và nhà máy còn lại đặt tại tỉnh Hậu Giang công suất 100 triệu lít/năm.

Sapporo

Sapporo thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách liên doanh với công ty thuốc lá Vinataba thuộc sở hữu nhà nước và khai trương nhà máy tháng 11/2011. Sapporo sau đó đã tăng cổ phần lên 100%. Nhà máy của Sapporo được đặt tại Long An và có công suất 40 triệu lít/năm.

Thời gian đầu hoạt động tại Việt Nam, Sapporo đạt tăng trưởng doanh thu cao nhờ đầu tư mạnh vào kên nhà hàng tại TPHCM và các thành phố lớn khác, đồng thời hưởng lợi nhờ tâm lý ưa chuộng hàng Nhật của người Việt.

Tuy nhiên, do cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng doanh thu của Sapporo giảm mạnh năm 2015 và công ty đã không hoạt động với công suất tối đa. Chi phí tiếp thị lớn khiến Sapporo liên tục thua lỗ tại Việt Nam và mới lỗ khoảng 10 triệu USD trong quý 2/2016, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Sapporo có 2 thương hiệu chính là Sapporo Premium (cao cấp) và Sapporo Blue Cap (cao cấp vừa túi tiền)

AB InBev

Tháng 5/2015, AB InBev bắt đầu hoạt động với nhà máy đặt tại Bình Dương với công suất 100 triệu lít/năm. Công ty cho biết nhà máy này trong tương lai dự kiến không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn các thị trường châu Á khác như Ấn Độ, Lào và Campuchia.

Với các thương hiệu Budweiser (cao cấp) và Beck’s (cao cấp vừa túi tiền), AB InBev nhắm vào thị trường TPHCM, chủ yếu thông qua kênh hiện đại.

Cũng như tại các nước khác, AB InBev cũng tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn để quảng bá thương hiệu tại Việt Nam, nhưng Budweiser chưa đạt được nhiều kết quả đáng kể. AB InBev đã mua lại SAB Miller nhưng điều này sẽ không thay đổi vị thế của công ty tại Việt Nam quá nhiều, vì hiện diện của SAB Miller trên thị trường không đáng kể.

“Ông lớn” bán lẻ điện tử và dấu hỏi cho tương lai

Khi thị trường di động đã bão hòa, Thế giới Di động sẽ chọn đâu là “nồi cơm” chính?

CTCP Đầu tư Thế giới Di động tiền thân là Công ty TNHH Thế giới Di động, thành lập vào tháng 3/2004, khai trương siêu thị đầu tiên tại TP.HCM. Sau khi nhận vốn đầu tư của Mekong Capital, năm 2007, doanh nghiệp chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

Mặc dù tính đến nay đã 11 năm phát triển, song Thế giới Di động niêm yết trên sàn chứng khoán khá muộn so với nhiều doanh nghiệp khác. Ngày 14/7/2014, công ty niêm yết 62,7 triệu cổ phần trên HoSE, mã chứng khoán MWG.

Trải qua chừng ấy năm, tính đến tháng 10/2016, Thế giới Di động đang có tới 1.102 siêu thị trên toàn quốc, trong đó chuỗi Thegioididong.com có 929 siêu thị và chuỗi Điện máy Xanh có 173 siêu thị. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của MWG cũng đã lên tới 146,5 triệu cổ phiếu với thị giá nằm trong top những cổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán.

Thế giới Di động nổi lên trên thị trường đầu tiên phải kể đến mảng bán lẻ điện tử điện máy. Mặc dù doanh nghiệp không phải là kẻ tiên phong trong lĩnh vực này, song nhờ thái độ phục vụ và dịch vụ hậu mãi chu đáo nên mặc dù giá sản phẩm của Thegioididong.com thường cao hơn mặt bằng chung nhưng vẫn được nhiều người tin dùng.

Chưa an phận, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phủ sóng hệ thống siêu thị. Tốc độ mở siêu thị của MWG khá chóng mặt khi chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2016, MWG đã mở 469 siêu thị trên toàn quốc, ứng với tốc độ 3 ngày mở 2 siêu thị. Cùng với đó, công ty lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ tạp hoá với chuỗi thử nghiệm mang tên Bách hoá Xanh.

Phát triển nhanh, mạnh mẽ song cùng đi cùng với đó là không ít thách thức.

Tốc độ tăng chi phí nhanh hơn doanh thu, hàng tồn kho cỡ “khủng”

Báo cáo tài chính quý III/2016 cho thấy, doanh thu thuần quý III đạt 11.126 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên cùng với đó, tổng chi phí bán hàng và chi phí chiếm 1.313 tỷ đồng, chiếm 71% lợi nhuận gộp và tăng 93% so với cùng kỳ 2015.

Đây là vấn đề tất yếu khi tốc độ mở cửa hàng nhanh, dẫn đến chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao trong khi các cửa hàng mới cần có thời gian để có được mức doanh thu ổn định.

Trong 9 tháng 2016, doanh thu mảng điện thoại tăng 50% trong khi số lượng cửa hàng tăng 85% và doanh số cửa hàng cũ tăng 10 – 11% cho thấy doanh thu của các cửa hàng mới thấp hơn khá nhiều so với cửa hàng cũ. Với số lượng siêu thị hiện tại và thị trường di động cũng đang tiến tới điểm bão hoà nên tốc độ mở cửa hàng của MWG có thể sẽ chậm lại vào năm tới.

Báo cáo tài chính quý III/2016 cho thấy, doanh thu thuần quý III đạt 11.126 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với bài toán chi phí, MWG cũng đang có khoản hàng tồn kho trên 6.611 tỷ, chiếm 65% tổng tài sản doanh nghiệp, tính đến cuối quý III/2016.

Điện thoại di động vẫn là mặt hàng có lượng tồn kho lớn nhất với tổng giá trị lên tới hơn 3.406 tỷ đồng, tăng 16,7% so với đầu năm và chiếm 51,5% tổng tồn kho.

Đứng thứ hai là thiết bị điện tử, chiếm 25,6% tổng tồn kho, đạt hơn 1.695 tỷ đồng. Đứng thứ ba và thứ 4 là phụ kiện và máy tính bảng, với giá trị tồn kho lần lượt đạt hơn 440 tỷ đồng và gần 377 tỷ đồng.

Thiết bị gia dụng là mặt hàng có giá trị tồn kho tăng mạnh nhất, với mức tăng lên tới 66,8% so với đầu năm, đạt hơn 332 tỷ đồng. Máy tính xách tay tăng 58,8%, lên gần 156 tỷ đồng.

Thị trường di động bão hoà, “nồi cơm” của MWG sẽ đi đến đâu?

Thị phần mảng di động của MWG hiện nay đã khoảng 38%, mặc dù vẫn đang dần chiếm khách hàng của các cửa hàng nhỏ lẻ song do thị trường mảng di động đã có dấu hiệu bão hoà nên tốc độ tăng trưởng mảng này sẽ dần chậm lại.

Mặc dù có thể kỳ vọng vào Điện máy Xanh song trên thực tế, thị trường điện máy khá khó cạnh tranh khi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh đã tồn tại lâu đời và chiếm những vị trí đắc địa tại các thành phố lớn.

Người đứng đầu doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy những thách thức trước mắt và đã nhanh chóng lập kế hoạch tiến vào lĩnh vực bán lẻ tạp hoá và thương mại điện tử.

Bách hóa Xanh của MWG khi ra đời đã có nhiều ý kiến trái chiều khi “ông lớn” này bỗng dưng muốn đi bán rau, bán thịt. Hệ thống này vẫn đang là một dấu chấm hỏi về mức độ lợi nhuận có thể đưa về cho doanh nghiệp.

Chính ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cũng thừa nhận việc tuổi thọ sản phẩm tại Bách hoá Xanh rất thấp, do đó, vấn đề kiểm soát chi phí sẽ là một thách thức không nhỏ đối với MWG.

Nguyễn Đức Tài

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG.

Cùng với đó, thay vì mở thêm nhiều siêu thị Thegioididong.com và Điện máy Xanh như thời gian trước, mục tiêu của MWG tới đây sẽ là mở 80 cửa hàng Bách hóa Xanh trong năm 2017 với diện tích từ 100-200m2, cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng bách hóa nhỏ và những chuỗi siêu thị mini khác.

Đây vẫn là một thử thách lớn của MWG, công ty cũng nhận rõ được điều này khi kéo dài thời gian thử nghiệm, và cũng xác định: sẽ phải có “học phí” đối với việc vận hành Bách hóa Xanh, tức là khả năng cao sẽ lỗ trong năm tới.

Về thương mại điện tử, ông chủ MWG cho biết doanh nghiệp đang vận hành 1 trang với ước vọng trở thành một “đại siêu thị online”, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều người biết đến.

Trên nhiều “mặt trận”, MWG đều phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm. Nếu MWG sau khi nhận được vốn của Mekong Capital để phát triển thì hiện tại, đối thủ là FPT Shop cũng đang có khả năng sẽ về tay đối tác ngoại và được sự hậu thuẫn vững chắc. Việc Lazada vừa được bán cho Alibaba cũng là một mối đe doạ đối với mảng thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt.

Do vậy, mặc dù xác định Bách hóa Xanh và thương mại điện tử sẽ là “nồi cơm chính” của MWG trong tương lai song hiệu quả và lợi nhuận đến đâu vẫn còn cần khá nhiều thời gian để xác định.

Giá nào cho Sabeco?

Nếu không có gì thay đổi, ngày 12.12 tới đây, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM (HSX).

Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters mới đây của ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Bộ Công Thương. Như vậy, sau 8 năm trì hoãn, những mong chờ của giới đầu tư cuối cùng cũng đã được đáp ứng. Cơ hội để thị trường tiếp cận cổ phiếu số 1 ngành bia đã rộng mở.

Theo thông tin công bố, Sabeco có quy mô vốn điều lệ 6.413 tỉ đồng, tương ứng với 641,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, Bộ Công Thương nắm 89,59% vốn, còn Heineken sở hữu 5%. Sau khi lên sàn, Bộ Công Thương sẽ thoái vốn khỏi Sabeco theo 2 đợt: đợt 1 thoái 53,59% vốn ngay năm 2016; đợt 2 sẽ bán tiếp 36% còn lại trong năm 2017.

Lộ trình thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi Sabeco đã làm giới đầu tư hoan hỉ. Hàng loạt các tên tuổi trong ngành bia thế giới như Kirin Holdings, Asahi (Nhật), Heineken (Hà Lan), Singha, ThaiBev (Thái Lan), AB InBev, SABMiller (Mỹ)… đang xếp hàng chờ mua cổ phiếu Sabeco. Mục tiêu của những nhà đầu tư chiến lược này là muốn nắm quyền chi phối ở Sabeco, để làm bàn đạp tấn công mạnh mẽ vào thị trường bia Việt Nam.

Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của Sabeco đạt 4.510 tỉ đồng, trong đó mảng bia góp 86%.

Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và trong top 11 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, theo báo cáo của Kirin Beer University. Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra, tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam luôn duy trì ở mức 2 con số suốt nhiều quý và vẫn tăng 9,2% tính đến cuối quý III/2016. Dự báo đến năm 2025, tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam sẽ đạt tới 7 lít/người/năm. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, gần 62% dân số trong độ tuổi 15-54 và tầng lớp trung lưu giàu có ước tăng gấp đôi vào năm 2020, đạt 33 triệu người (theo Trung tâm Nghiên cứu Người Tiêu dùng và Khách hàng của hãng tư vấn Mỹ BCG) cũng là những yếu tố thúc đẩy ngành bia phát triển.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho bất cứ công ty bia thế giới nào muốn đặt chân đến. Và Sabeco, với vị thế dẫn đầu, chiếm khoảng 40% thị phần ngành bia, giữ cách biệt so với các đối thủ như Habeco, Carlsberg đã trở nên cực kỳ hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.

Bằng chứng là sau khi có thông tin Sabeco sắp lên sàn, cổ phiếu của Công ty giao dịch trên sàn OTC đã đạt 150.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với khi chưa có thông tin niêm yết. Đáng chú ý, dù giá cổ phiếu của Sabeco đã tăng cao chót vót, người mua vẫn không sao tìm được lệnh bán để giao dịch. Điều này cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư rằng giá cổ phiếu sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Trong khi đó, giá tham chiếu của Sabeco khi niêm yết, theo thông tin chưa chính thức, có thể sẽ ở mức 110.000 đồng/cổ phiếu. Nếu theo mức giá này, quy mô vốn hóa của Sabeco ước đạt 3,15 tỉ USD.Tính toán sơ bộ cho thấy, mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu tương ứng với P/E khoảng 18,7 lần, không cao so với các doanh nghiệp trong top đầu về vốn hóa thị trường như Vinamilk, Vingroup… Báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng chỉ ra, so với P/E của Heineken, ThaiBev, Carlsberg, Asahi, San Miguel, Sapporo…thì P/E của Sabeco vẫn thấp hơn và đang ở mức hấp dẫn.

So sánh các chỉ số tài chính khác như ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận/tài sản), Sabeco cũng nổi bật. Chẳng hạn, ROA 2015 của Sabeco là 16,7%, ROE là 25,6%, cao hơn Habeco cũng như ThaiBev, Asahi..

Xét về kinh doanh, Sabeco tiếp tục ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng đạt hơn 21.800 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng tới 21%, đạt 4.510 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2016. Trong đó, đóng góp từ mảng bia chiếm tới 86%. Đáng chú ý, Sabeco đã tạo bức tranh kinh doanh tăng trưởng khả quan như thế suốt nhiều năm qua và chính thức trở thành doanh nghiệp tỉ đô từ năm 2012. Với tiềm năng của ngành bia, thị phần hiện đứng đầu, hoạt động kinh doanh của Sabeco dự báo sẽ còn tăng trưởng.

Rõ ràng, so với Habeco đang sa sút cả về kinh doanh lẫn thị phần, Sabeco đã vượt trội hơn hẳn. Vì thế, nếu như cổ phiếu của Habeco có thể tăng kỷ lục 100-200% chỉ trong một số phiên giao dịch sau khi lên sàn thì diễn biến ở Sabeco được giới phân tích dự đoán sẽ không hề thua kém. Đó là lý do vì sao thị trường kỳ vọng kịch bản tăng trần liên tục ở Habeco sẽ được lập lại tại Sabeco. Nói cách khác, mức giá của Sabeco sau khi lên sàn có thể sẽ còn vượt xa hơn con số 110.000 đồng/cổ phiếu.

Về mặt tâm lý, giới đầu tư yêu thích cổ phiếu Sabeco hơn vì mức cổ tức hằng năm mà công ty này chi trả đều ở mức khá cao. Điển hình, Sabeco đã chia cổ tức năm 2014 bằng tiền tỉ lệ 30% vốn điều lệ cho cổ đông và dự kiến sẽ duy trì mức này cho các năm tiếp theo.

Sabeco tiếp tục ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng đạt hơn 21.800 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng tới 21%, đạt 4.510 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2016.

Về lâu dài, mạng lưới phân phối rộng khắp của Sabeco, với 23 công ty con, 17 công ty liên kết và 5 liên doanh là đích nhắm tới của các nhà sản xuất bia lớn trên thế giới. Đó là chưa kể, thương hiệu bia Sài Gòn, bia 333 của Sabeco rất có giá trị. Thương hiệu ưa chuộng, lịch sử kinh doanh lâu đời, cùng những lợi thế của một công ty nhà nước chuyển sang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho Sabeco.

Sabeco cũng là doanh nghiệp có tài chính vững mạnh. Theo báo cáo hợp nhất mới đây, Sabeco có tiền và tương đương tiền hơn 6.800 tỉ đồng. Đó là chưa kể còn gần 3.300 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Số tiền này sẽ giúp Sabeco dễ dàng triển khai các chiến lược đầu tư của mình. Một điểm tích cực là Công ty đang tìm cách giảm các khoản đầu tư tài chính, đã khấu hao hơn 50% giá trị tài sản cố định hữu hình.

Tuy nhiên, cũng như Habeco, Sabeco đối mặt với những khó khăn từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, buộc Sabeco phải trích dự phòng gần 2.500 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt các năm trước cũng như bị áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại. So với con số thị phần 43% mà Sabeco công bố tại thời điểm Đại hội cổ đông thường niên đầu năm 2016, thị phần hiện nay của Sabeco đã giảm, theo nghiên cứu của Nielsen.

Mặt khác, so với các đối thủ ngoại, các dòng bia mà Sabeco đang tập trung lại ở phân khúc cấp thấp và trung bình, cho tỉ suất lợi nhuận/doanh thu không cao, khoảng 17%, trong khi của Heineken Malaysia là 19,1%, Carlsberg 17,5%, theo Bloomberg.

Người Thái tìm đối tác nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam

Ngày 25/11, tại TPHCM, hơn 140 doanh nghiệp đã tham gia chương trình giao lưu thương mại Việt Nam – Thái Lan trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại.

Chương trình do Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại TPHCm phối hợp với Vụ phát triển thương mại (Bộ Thương mại Thái Lan) tổ chức.

Hơn 40 doanh nghiệp Thái Lan đã trực tiếp giới thiệu các sản phẩm tới hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm các đối tác đầu tư, tiếp nhận nhượng quyền thương hiệu kinh doanh sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

Các thương hiệu Thái Lan tham gia nhượng quyền thuộc nhiều ngành nghề khác nhau; trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm hàng đồ uống, thức ăn nhanh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp, giáo dục, bảo dưỡng ô tô, in ấn…

Nói về lý do chọn Việt Nam làm thị trường nhượng quyền, ông Tanisak Ingkakittisak, đại diện thương hiệu Rama Meatball cho biết, doanh nghiệp Thái Lan kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và dịch vụ của người dân Việt Nam trong thời gian tới.

Đánh giá cao việc tổ chức sự kiện giao lưu, bà Pitinun Samanvorawong, Lãnh sự Thương mại Thái Lan tại Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng Thương vụ Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TPHCM cho rằng, chương trình kết nối mạng lưới kinh doanh Việt Nam – Thái Lan là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại của Thái Lan gặp gỡ, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam.

Thông qua hoạt động nhượng quyền thương mại, Thái Lan hy vọng sẽ đưa những sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng Việt Nam; đồng thời thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan.

Nói về lý do chọn Việt Nam làm thị trường nhượng quyền, ông Tanisak Ingkakittisak, đại diện thương hiệu Rama Meatball cho biết, doanh nghiệp Thái Lan kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và dịch vụ của người dân Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của người Thái Lan và người Việt Nam có nhiều điểm tương đồng sẽ giúp các thương hiệu Thái Lan dễ được đón nhận. Đặc biệt, tại TPHCM, dân số trẻ rất đông, năng động và bận rộn sẽ là khách hàng thường xuyên của nhóm hàng thực phẩm, thức ăn nhanh.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 150 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam đang là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền bởi chính sách pháp luật cởi mở, doanh nghiệp năng động và lực lượng người tiêu dùng đông đảo.

Trong thời gian tới, thị trường nhượng quyền tại Việt Nam sẽ sôi động hơn với sự góp mặt của hàng loạt thương hiệu quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 150 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công. Sự có mặt của các thương hiệu nước ngoài vừa mở ra cơ hội tiếp cận hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao cho người tiêu dùng vừa tạo ra kênh đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển cũng là động lực để các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Samsung Electronics có thể sẽ tách thành 2 công ty

Theo Seoul Economic Daily, hãng điện tử Hàn Quốc Samsung đang cân nhắc phương án tách đôi theo đề xuất của quỹ Elliott Management.

Elliott đề xuất tách đôi Samsung Electronics vào tháng 10 để tăng giá trị cổ đông. Việc chia tách cho phép người thừa kế của gia đình sáng lập Lee củng cố sức mạnh trong hãng smartphone hàng đầu thế giới, viên ngọc quý của đế chế Samsung.

Theo tờ báo Hàn Quốc, ban giám đốc Samsung tổ chức cuộc họp vào thứ Ba (29/11) và sẽ chính thức trả lời đề xuất của Elliott. Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng đã yêu cầu Samsung bình luận về kế hoạch chia tách. Hiện, Samsung chưa đưa ra thông tin gì về bài báo.

Quỹ đầu tư muốn Samsung Electronics chia thành công ty cổ phần (holding company) và công ty kinh doanh (operating company), trả 26 tỷ USD cổ tức đặc biệt, cam kết trả lại ít nhất 75% luồng tiền tự do cho nhà đầu tư và đồng ý bổ nhiệm một số giám đốc độc lập.

Gia đình nhà sáng lập Lee và Samsung Group không bình luận về kế hoạch song những nỗ lực tái cấu trúc của tập đoàn đã được tăng tốc kể từ lúc “thái tử” Jay Y. Lee tiếp quản sau khi bố của ông, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee nhập viện vì đau tim tháng 4/2014.

Samsung đã bán các tài sản không quan trọng, đồng thời thông qua sáp nhập hai công ty con năm 2015 thành một dưới sự điều hành của Jay Y. Lee và hai chị em gái.