Category Archives: Pages

‘Kỳ lân’ giao món ăn của Hàn Quốc mua Vietnammm

Với thương vụ thâu tóm Vietnammm, “kỳ lân” sở hữu nền tảng giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tại Việt Nam như GrabFood, Now.

“Kỳ lân” giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc mua lại Vietnammm

MK News đưa tin Woowa Brothers – “kỳ lân” sở hữu nền tảng giao món ăn Baedal Minjok của Hàn Quốc, đã mua lại nền tảng đặt thức ăn trực tuyến Vietnammm tại Việt Nam.

Trang tin không nói Vietnammm sẽ đổi thương hiệu hay không và Woowa Brothers sẽ tiếp quản công việc kinh doanh thế nào.

Vào năm 2015, Vietnammm mua lại Foodpanda Việt Nam từ Rocket Internet – cái nôi sản xuất hàng loạt startup.

Vietnammm là website đặt thức ăn trực tuyến thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Việt Nam MM, thành viên của tập đoàn Takeaway, một trong những trang web đặt thức ăn trực tuyến lớn trên thế giới.

Dịch vụ đặt món và giao đồ ăn của Vietnammm đã trở thành một bộ phận của Woowa Brothers. Ảnh: Vietnammm.

Hoạt động từ năm 2011, Vietnammm là một trong những dịch vụ tiên phong ở thị trường giao món ăn trực tuyến Việt Nam. Tuy nhiên, những thương hiệu đến sau như Now (Foody) hay GrabFood đã chi phối thị trường nội địa trong khi Vietnammm chưa thể hiện sức bật rõ rệt.

Now, GrabFood, GoFood đối đầu một đối thủ đáng gờm

Một khảo sát gần đây về giao hàng thực phẩm của công ty nghiên cứu địa phương GCOMM cho thấy, 99% số người tham gia cuộc khảo sát nói họ đã sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến ít nhất ba lần trong một tháng. Theo đó kết quả khảo sát, 6 ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam là GrabFood, Now, GoFood, LaLa, Vietnammm và Lixi.

Vào cuối năm 2018, Woowa Brothers tuyên bố kế hoạch ra mắt tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Sau đó, đầu năm nay, hãng đã bắt đầu đăng tuyển và tìm nhân sự làm việc cho công ty tại TP HCM.

Tài xế giao món ăn của ứng dụng Baedal Minjok. Ảnh: Baedal Minjok.

Yonhap nhận định Woowa Brothers là một cái tên không hề tầm thường khi hội tụ cả ba yếu tố: sức mạnh tài chính, sức mạnh công nghệ và cả vị thế dẫn đầu thị trường Hàn Quốc hiện nay.

Nền tảng giao đồ ăn Beadal Minjok của Woowa Brothers đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 50% thị phần trong nước, mặc dù phải cạnh tranh với hơn 40 đối thủ tại xứ kim chi.

Sau khi kêu gọi 320 triệu USD trong năm 2018, Woowa Brothers trở thành “kỳ lân” Hàn Quốc với mức định giá 2,6 tỉ USD. Công ty cho biết sẽ sử dụng số vốn mới để mở rộng ra thị trường nước ngoài và phát triển robot tự động.

Ra mắt từ năm 2010, Woowa Brothers đã nhận nhiều khoản đầu tư lớn, gồm 40 tỉ won (35,5 triệu USD) từ Goldman Sachs vào năm 2014; 57 tỉ won (51 triệu USD) từ Hillhouse Capital vào năm 2016 và 35 tỉ won (31 triệu USD) từ Naver. Tính cả vòng gọi vốn mới nhất, họ đã nhận khoảng 506 tỉ won (gần 450 triệu USD) từ các nhà đầu tư.

Tuệ An / Kinh tế & Tiêu dùng

Những ý tưởng kinh doanh hướng về lối sống xanh – sạch

Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng kinh doanh về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.

Họ chưa từng quen biết nhau, cũng không biết ai trong chúng ta nhưng họ có cùng chung một niềm khao khát: muốn dừng ngay những kiểu làm nông thu lợi từ cây trồng nhưng lại làm cho đất chết đi, còn nguồn nước bị ô nhiễm.

Họ là những người, theo từng cách riêng của mình, đã mang về thử nghiệm những mô hình nuôi trồng giúp tái sinh cho đất, cho nước và bầu không khí. Họ cũng là những người chấp nhận gặp tứ bề khó khăn khi làm những công việc đó. May mắn thay bên cạnh họ còn có những người bạn và cộng sự đầy nhiệt huyết giúp đỡ và cổ vũ.

Nhờ sự chung tay đó, những hoa tươi, quả ngọt đầu tiên sạch và an toàn cho sức khỏe con người đã được trao đến tay của cộng đồng người tiêu dùng, khích lệ mọi người nhích lại gần hơn với thiên nhiên, ăn sạch, uống sạch, dùng thực phẩm sạch. Và họ chính là những con người đang nỗ lực cải tạo mảnh đất trồng, làm cho chúng xanh trở lại, dù điều đó có thể mất rất nhiều thời gian.

Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.

Cùng Hội An xanh

Hội An mở chợ phiên nông sản sạch lần đầu tiên vào một ngày đầu tháng 12/2018. Nhiều người đến đây bị thu hút bởi cảnh một người đàn ông nước ngoài giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường là ống hút bằng tre nứa, những chiếc giỏ đựng đồ đạc được ép từ mo cau, hộp đựng thực phẩm làm từ bã mía. Người đàn ông đó còn quay sang những gian hàng kế bên để quảng bá các loại rau, củ, quả sạch của nông dân, nhiệt tình và tự nhiên như thể đã quen hết người ta ở phiên chợ.

Christopher Dunn (Chris) đúng là quen hết những người làm trang trại ở Hội An. Hơn 3 năm qua, Chris hướng dẫn nông dân ở đây trồng nông sản sạch và hỗ trợ họ thiết lập các nông trại hữu cơ, rồi cùng họ ra chợ phiên bán hàng.

Những người mua hàng đều thấy an tâm hơn khi nghe Chirs và các ông chủ trang trại giải thích cho người mua về cách thức họ đã làm đất, trồng rau và chăm sóc rau để có những bó rau, củ quả sạch. Và đến lượt mình, họ kể lại chuyện đã gặp cho người hàng xóm, người bà con và từ bao giờ họ đã trở thành sứ giả truyền đi thông điệp sống lành mạnh và góp phần hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch ở người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, chia sẻ chợ phiên ưu tiên cho các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, hàng thủ công và bất ngờ thay, cư dân địa phương của ông còn tự giác thay túi nilon khi đi chợ bằng túi giấy.

Mục đích rõ ràng của chợ phiên đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là người đang đeo bám với mảng rau củ quả sạch cho cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Nhân – một kỹ sư nông nghiệp mới ngoài 30 tuổi và hiện là chủ trang trại Rơm Vàng chuyên trồng các loại nông sản hữu cơ – cho biết anh đưa sản phẩm của Rơm Vàng vào chợ phiên này là nhằm tìm kiếm thêm đối tác để phân phối nông sản và đưa các sản phẩm hữu cơ, an toàn đến gần hơn với người dân bằng các mức giá hợp lý.

“Tôi bán nông sản tại chợ phiên với các mức giá thấp để người dân dễ mua. Trên thực tế, giá thành các loại nông sản hữu cơ bán trên thị trường hiện nay khá cao so với các sản phẩm cùng loại do các chi phí từ giống, cơ sở vật chất, vận hành cao nên khó tiếp cận người tiêu dùng”, anh Nhân chia sẻ.

Sự sát cánh bên những nhà nông ở Hội An của Chris ở các chợ phiên nông sản sạch không chỉ giúp hình thành một chuỗi cung ứng rau, thực phẩm an toàn địa phương và ít gây tác hại đến môi trường mà còn khẳng định một xu hướng sống trân trọng môi trường và bảo vệ nó. Đó cũng là điều cả thế giới này đều mong muốn.

Vườn đom đóm của Tâm

Với mong muốn góp sức tạo ra những bữa ăn sạch cho cộng đồng, Hồ Thị Minh Tâm đã chọn kết hợp việc mở phòng trọ theo kiểu homestay và tự trồng rau để chế biến các món ăn sạch cho khách trọ. Vì niềm yêu thích đó, cô gái ở tuổi 25 này đã rời bỏ công việc có mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng ở TP.HCM để lên Đà Lạt. Chỉ vài tháng ở đó, Tâm đã mến phố núi, phải lòng cuộc sống mộc mạc giản dị nơi đây.

Cô cũng mang sự mộc mạc và giản dị đó vào không gian nội thất của những căn phòng trọ và biến mảnh vườn quanh nhà trọ xanh tươi hơn với nhiều loại rau trái. Cô đã tìm được khu đất có căn nhà vách gỗ bỏ không trong 20 năm của một cặp vợ chồng nhà giáo. Khu đất rộng 600m2 và Tâm chỉ dùng 80m2 để dựng lại nhà còn lại trồng hoa hồng, anh đào và cây bơ, rau theo phương pháp thuận tự nhiên để tự cung cấp cho những bữa ăn của mình và khách trọ.

Tâm đặt tên homestay của mình là Vườn đom đóm với ước mong sẽ mang lại cho khách những sự trải nghiệm sống thú vị tại miền quê vùng núi ở Đà Lạt. Cô dùng thân cây già héo, vỏ trái cây làm phân bón hữu cơ cho đất và tạo đường thoát nước thải hợp theo quy chuẩn để không gây ô nhiễm môi trường.

Khu Vườn đom đóm của Tâm chẳng mấy chốc thu hút nhiều du khách – những người đang tìm kiếm sự trải nghiệm an yên của vùng núi đồi. Tâm còn nhận được sự đồng hành của người bạn trai và vài người bạn thân – những người tạo dựng Vườn đom đóm – nơi khách cùng ăn uống, trò chuyện với chủ nhà trong thời gian lưu trú.

Tâm cũng tìm cách gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding), bán trước sản phẩm, dịch vụ tương lai theo gói để có thêm nguồn vốn thực hiện kế hoạch của mình. Theo đó, mỗi người trong cộng đồng góp vào 200.000 đồng, đổi lại cho một đêm tại Vườn đom đóm hoặc sẽ nhận rau sạch vào mùa thu hoạch kế tiếp. Sự ủng hộ của cộng đồng và cơ hội nhiều người Việt Nam sẽ được thưởng thức những món ăn sạch đúng nghĩa và tham gia bảo vệ môi trường chính là động lực nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của Tâm.

Ngồi trên bãi đất 1.200m2 đang được cày xới của mình ở Tân Ngãi, Vĩnh Vong, Trần Minh Hiên nhìn sang các ruộng vườn bà con đang trồng rau, lúa trong vùng, thấy ai cũng xịt thuốc trừ sâu, không thì dùng phân bón vô cơ. Hiên chợt nghĩ liệu mình có vội vàng quá không khi mang mô hình cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp Community-Supported Agriculture (CSA) về miền quê của mình lúc này.

Hiên, năm nay 30 tuổi, đã rời Malaysia khi đang làm việc ở một trường đại học với mức lương 1.500 đô la Mỹ để về Việt Nam làm nông nghiệp cộng đồng. Anh mong ước cùng với cộng đồng gầy dựng ngành nông nghiệp sạch theo mô hình CSA.

Hiên kể lại, sau 3 tháng làm việc ở nước ngoài, anh đã dần quen với nhịp sống ở đó rồi tập tành đi chợ nấu ăn và bỗng nhận ra việc ăn chay không chỉ giúp mình bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nhưng để làm được điều đó cần phải có nguồn thực phẩm sạch, đủ dinh dưỡng. Và anh tình cờ biết đến CSA khi cùng dùng bữa trưa với một đồng nghiệp.

Hiên thấy hay nên tìm hiểu thêm về mô hình CSA. Anh đã tìm đến các nhà nông đang áp dụng CSA ở Malaysia và dành thời gian hỏi chuyện về cách họ trồng trọt và bán hàng. CSA đã khiến chàng kỹ sư trẻ tuổi sững sờ bởi cách thức tổ chức và bán hàng theo mô hình này không quá khó và bắt đầu thấy mình đứng ngồi không yên với ý nghĩ về một CSA ở Việt Nam.

Tâm sự với vị sếp người Pháp – cũng là một người ăn chay – về ý tưởng của mình, Hiên ngạc nhiên khi cô ủng hộ mình, dù cô biết rằng điều này sẽ khiến nhân viên của cô sớm rời công việc để đi theo tiếng gọi của CSA. Người sếp còn giúp Hiên gặp gỡ các nhà nông đang làm CSA mà cô quen biết để Hiên học hỏi thêm kinh nghiệm.

Hiên cũng nhận được sự khuyến khích của ba mẹ khi anh kể cho họ nghe về ý tưởng của mình, về chuyện thực hiện giấc mơ trên mảnh đất quê hương. Rồi Hiên trở về Việt Nam thật, chỉ với hành trang là kiến thức về CSA và số tiền không nhiều dành dụm được sau thời gian làm việc ở xứ người.

Hiên nói đã vấp phải muôn vàn khó khăn ban đầu, vì thực tế ở Việt Nam khác xa với những gì anh mường tượng trước đó. Hiên nhìn thấy nhiều nông dân xung quanh anh dùng hóa chất quá liều lượng để diệt trừ sâu bọ, bón phân không khoa học trên những cánh đồng trồng lúa, vườn rau của họ. Anh không dùng bất cứ loại hóa chất nào nhưng mảnh đất của anh lại đang bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, từ nguồn nước tưới tiêu nên phải bỏ nhiều thời gian để cải tạo lại đất.

Hiên đang tìm sự trợ giúp của các nhà khoa học về việc cải tạo đất hữu hiệu hơn để thuyết phục những nhà nông chân đất láng giềng cùng làm. “Việc nào khởi đầu cũng gian nan, nhưng không sao, miễn mình có đủ tâm huyết và động lực để theo đuổi”, Hiên quả quyết.

Gieo mầm sạch – “tui trước, anh sau”

Và đây, những nông dân thứ thiệt ở miền Tây Nam bộ đang chọn cách làm nông nghiệp sạch theo kiểu “tui đã làm rồi đây, được vầy nè, anh làm thử coi”. Con đường dọn dẹp những thứ thực phẩm bẩn, phân bón, thuốc hóa học theo cách đặc sệt miền Nam này còn lắm gập ghềnh nhưng “mầm sạch” được gieo trên ruộng nhà mình, nhà nhiều người… đã đâm chồi nảy lá.

Sau 2 năm sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) rồi chuyển hướng lên phương pháp trồng hữu cơ, anh Trần Thanh Tiền (ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) giờ đã gầy dựng cho mình thương hiệu dưa lưới Việt Nông Xanh. Loại dưa lưới này đang được bán khắp các cửa hàng kinh doanh nông sản, trái cây sạch ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và siêu thị Tứ Sơn ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Anh Tiền kể lại khởi sự làm nông nghiệp sạch ban đầu năng suất rất kém, mẫu mã sản phẩm cũng xấu nên thương lái chê không mua. Nhìn qua những nhà xung quanh, thấy bà con vẫn giữ lối sản xuất có sử dụng phân bón, thuốc hóa học và thương lái hè nhau mua. Anh không khỏi chạnh lòng, nhưng rồi phải tìm cách để cải thiện tình hình.

Tự làm nông nghiệp sạch đã khó, thuyết phục bà con làm theo thì “khó còn khó hơn”. Anh Tiền tâm sự để thuyết phục nông dân, thì phải chứng minh bằng những trường hợp cụ thể. Ví dụ, một ruộng sản xuất trong nhà lưới thì dịch bệnh và côn trùng sẽ không có, tức không phải sử dụng phân thuốc hóa học. Nếu làm ngược lại thì sẽ phải sử dụng phân bón và thuốc rất nhiều.

Là một giáo viên đã về hưu, bà Hồ Thị Kim Gương (ngụ xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) không chọn cho mình cuộc sống an nhàn bên con cháu mà quyết định nối nghiệp ông bà bằng việc dấn thân vào con đường sản xuất nông nghiệp. Và bà Gương chọn con đường sản xuất lúa gạo sạch với thương hiệu gạo Đồng An được thị trường đón nhận ngày càng nhiều hơn.

Bà Gương nói rằng: “Thấy tôi làm lúa theo phương pháp mới, không phun thuốc hóa học, mọi người xung quanh nói tôi sao dại quá, không thể sản xuất được với điều kiện như vậy. Chỉ có bón phân, phun thuốc hóa học thì may ra cây lúa mới phát triển được, chứ việc canh tác theo hướng quay về tự nhiên thì chẳng có một hạt gạo để mà ăn”.

Mặc cho nhiều lời chê bai, bà Gương vẫn quyết tâm làm gạo sạch. Bởi bà giáo nghĩ rằng con người sống nhờ đất, đã lấy của đất rất nhiều, khiến đất suy kiệt dinh dưỡng, năng suất lúa những năm gần đây không còn cao nữa.

“Vì vậy, tôi nghĩ cần phải làm một điều gì đó để cho đời tốt lành hơn. Và tôi quyết định làm lúa gạo sạch”, bà Gương quả quyết. Và ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 3/2017, mẫu gạo được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM kiểm tra cho kết quả 100% không có hàm lượng chất gây hại trong gạo.

Tờ giấy chứng thực chất lượng đó đã giúp bà giáo về hưu thêm sự tự tin và bà quyết định mở rộng diện tích sản xuất từ 0,4ha lên trên 50ha.

4 kiểu người “đẩy” doanh nhân đến thành công

Muốn thành công, các doanh nhân hãy để 4 kiểu người này “bao vây” mình, theo Entrepreneur.

Nhà đầu tư thiên thần Gerard Adams – triệu phú tự thân ở tuổi 24 – cho biết, làm việc chăm chỉ và có mục tiêu rõ ràng là những yếu tố cần thiết để thành công, tuy nhiên, những người chúng ta tiếp xúc thường xuyên cũng có tác động không nhỏ đến sự thành công đó.

Gerard Adams cho biết: “Bạn là sự tổng hợp của tất cả những người bạn đã và đang tiếp xúc. Họ có ảnh hưởng lớn đến cách bạn suy nghĩ và hành động mỗi ngày. Vì vậy, hãy dành thật nhiều thời gian cho những người có khả năng truyền cảm hứng, giúp đỡ và thúc đẩy bạn thành công. Thành công trong kinh doanh cũng giống như trong mọi lĩnh vực khác, chẳng hạn, một cầu thủ chỉ có thể thành công nếu xung quanh anh ta là những người có tinh thần đồng đội cao”.

Gerard Adams cho rằng, doanh nhân nên để mình bị “bao vây” bởi 4 kiểu người sau đây:

1. Chăm chỉ

Kiểu người này có khả năng thúc đẩy tinh thần làm việc của những người xung quanh họ.

Việc so sánh thành công của người này với thành công của người khác chẳng khác nào so sánh quả táo với quả cam. Điều chúng ta có thể làm là so sánh nỗ lực của bản thân với nỗ lực của những người làm việc chăm chỉ.

2. Có thái độ tích cực

Khi làm bất kỳ việc gì, chúng ta cũng dễ dàng đạt được hiệu quả cao nếu ở trong trạng thái hạnh phúc.

Thái độ tiêu cực dẫn đến một tinh thần làm việc trì trệ và không thể đem lại cảm hứng giúp chúng ta đổi mới và thành công. Những người có suy nghĩ và thái độ tiêu cực có thể triệt tiêu sự sáng tạo và mọi nỗ lực của bạn, trường hợp xấu nhất có thể gây nguy hại cho “sức khỏe” của cả doanh nghiệp.

Ngược lại, những người có thái độ tích cực sẽ giúp bạn dễ dàng thành công. Do đó, nếu muốn công ty hoạt động hiệu quả, hãy mang sự hạnh phúc đến nơi làm việc để duy trì nhuệ khí và tạo điều kiện cho tất cả mọi người đồng lòng hướng về phía trước.

3. Thích đặt câu hỏi

Là doanh nhân, chúng ta nên liên tục đặt câu hỏi về công việc kinh doanh và về chính bản thân mình. Như Albert Einstein đã từng nói: “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi”.

Những người có “sở thích” đặt nhiều câu hỏi sẽ tiếp cận vấn đề hoặc ý tưởng dưới một góc nhìn mới mẻ, và những câu hỏi của họ có thể dẫn đến những thay đổi mang tính đột phá.

4. Thích mơ mộng

Người không có tinh thần doanh nhân sẽ gọi giới doanh nhân là “những kẻ mơ mộng”. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng thiết lập mục tiêu và nỗ lực làm việc có thể giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể.

Để duy trì và phát triển tinh thần này, chúng ta phải để mình bị “bao vây” bởi những người có cùng chí hướng như vậy – những người có thể thậm chí không hoạt động cùng lĩnh vực nhưng biết sống có mục tiêu. Nhìn thấy sự nỗ lực để đạt được mục tiêu của họ sẽ giúp bạn có thêm động lực đạt được mục tiêu của riêng mình.

Bí quyết đàm phán: Hiểu 5 lý do khiến đàm phán thất bại

Nếu đã cố gắng hết sức mà buổi đàm phán vẫn thất bại, bạn cần phương pháp tiếp cận mới.

Theo Deepak Malhotra – Giáo sư khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Trường Đại học Harvard, tác giả cuốn Negotiating the Impossible, nhiều người gặp thất bại trên bàn đàm phán là do họ quá cứng rắn.

Dù vậy, điều đó vẫn dễ chịu hơn việc bạn bị đối phương từ chối ngay cả khi đã đưa ra những yêu cầu thỏa đáng, thậm chí có lợi cho họ.

Dưới đây là 5 lý do khiến buổi đàm phán trở nên thất bại và cách xử lý chúng, theo GS. Deepak Malhotra. Bài viết được đăng trên tạp chí Harvard Business Review.

1. Biện minh thay vì giải thích

Việc nói với đối tác những thứ bạn muốn là chưa đủ, bạn phải giải thích cho họ lý do tại sao đó là một yêu cầu chính đáng. Bất kể lời đề nghị đó có hợp lý (đối với bạn) như thế nào thì nó vẫn bị lờ đi hoặc bị người khác từ chối nếu bạn ra sức biện minh thay vì cung cấp lý do rõ ràng. 

“Tôi luôn nhắc nhở sinh viên và khách hàng rằng: Đừng nói thẳng tuột yêu cầu của mình mà hãy kể câu chuyện dẫn dắt người nghe tới điều mà mình muốn. Nếu bạn muốn độc quyền trong cuộc mua bán sắp tới thì hãy để đối tác biết tại sao bạn lại làm vậy trong thời điểm này. Nếu bạn cần thêm thời gian để cân nhắc lời đề nghị thì hãy cho đối tác biết lý do tại sao họ nên dời thời gian chốt giao dịch với bạn”, Malhotra cho biết.

2. Không thuyết phục những người liên quan

Bí quyết ở đây là đừng bao giờ ép buộc người khác phải lựa chọn giữa việc ra quyết định thông minh và giữ thể diện bản thân. Ví dụ: Bạn có thể đưa ra một vài dấu hiệu nhượng bộ để đối tác có thể tuyên bố với mọi người rằng họ là người chiến thắng, nếu điều đó không ảnh hưởng nhiều tới mục đích thương lượng của bạn.

5. Ra quyết định nửa vời

Tại sao đối tác nên đồng ý giao dịch với bạn nếu điều đó dễ khiến bạn “được nước lấn tới”? Tại sao họ cần xem xét lại điều kiện thỏa thuận nếu bạn chỉ đang trong giai đoạn khảo sát thị trường và chưa đưa ra lựa chọn cuối cùng?

Điều mà hầu hết mọi người quan tâm đó là ngay cả khi đồng ý với mọi yêu cầu của bạn thì cũng chưa chắc cuộc mua bán được thực hiện. Và đó là nguyên nhân khiến họ thường không sẵn lòng đổ thêm thời gian và vốn liếng để làm theo sự điều chỉnh hoặc ý tưởng cải tiến mà bên bạn cung cấp.  

Điều bạn cần làm lúc đó là khiến họ tin tưởng vào tương lai cuộc giao dịch, bằng những câu nói như: “Thỏa thuận này sẽ giúp giao dịch của chúng ta sớm hoàn tất”. Hoặc nếu cần thêm thời gian, bạn có thể làm dịu bớt cảm giác lo lắng của đối phương bằng cách: “Chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó như là lời đề nghị cuối cùng của bạn”.

Nếu cảm thấy đối phương lo lắng về việc bạn sẽ tham khảo mức giá của những đối thủ khác hoặc bạn sẽ tiếp tục thương lượng về hợp đồng thì bạn cũng nên thể hiện quan điểm chắc chắn theo đuổi thương vụ này để họ yên tâm.

Dù người trực tiếp đàm phán đồng ý với quan điểm của bạn nhưng nhiều khả năng họ vẫn đưa ra lời từ chối nếu bản thân họ không thuyết phục được những người có liên quan khác. Có thể bạn xứng đáng hưởng mức lương cao hơn hiện tại nhưng bộ phận nhân sự sẽ giải thích trường hợp ngoại lệ này với những người còn lại như thế nào?

Công việc của bạn không chỉ đơn giản là thuyết phục người đang trực tiếp đàm phán với mình mà còn gián tiếp thuyết phục những nhân vật đứng “phía sau hậu trường” như sếp, hội đồng quản trị, đối tác, và những người có liên quan khác. 

“Hãy để mắt đến tất cả những người có thể ảnh hưởng đến cuộc đàm phán (bao gồm cả phía bên kia) và nghĩ ra một câu chuyện giúp đối phương thuyết phục họ nếu cần”, ông nói.

3. Bỏ qua khó khăn của đối phương

Họ đồng ý rằng mọi yêu cầu của bạn là hợp lý, họ có thể thuyết phục những người còn lại rằng bạn xứng đáng với nó. Nhưng câu trả lời vẫn là không. Tại sao vậy?

Theo Malhotra, đôi khi vấn đề không phụ thuộc vào quyết định cá nhân của người đàm phán. Họ có thể cho bạn thêm thời gian suy nghĩ nhưng bản thân họ cũng đang chịu áp lực hoàn thành công việc đúng tiến độ. Họ có thể giảm giá bán cho bạn nhưng điều đó sẽ làm giảm ngân sách chung của công ty.

Bí quyết ở đây là sự linh hoạt. Nếu bạn đưa thêm một phương án khác trong đó cân nhắc những khó khăn của đối phương thì chắc chắn họ sẽ xem xét lại tình hình thay vì từ chối thẳng thừng.

4. Làm xấu hình ảnh đối phương

Dù thỏa thuận bạn đưa ra công bằng, thậm chí là “hời” với đối phương thì họ cũng sẽ nói từ chối nếu việc đồng ý thương vụ đó khiến hình ảnh của họ trông xấu đi. Nếu trước đó họ đã lỡ hứa với báo chí, sếp, thành viên hội đồng quản trị… rằng vụ mua bán này sẽ đem về doanh thu “khủng”, và hiện tại con số đó ít hơn mức kỳ vọng ban đầu, thì họ sẽ dễ dàng từ bỏ nó dù đó là hành động không khôn ngoan. 

theo dnsg.vn

Người thông minh xử lý rắc rối như thế nào

Người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác vì không muốn sa lầy vào rắc rối của họ

Theo TS. Travis Bradberry – Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (tạm dịch Trí tuệ xúc cảm 2.0), điểm chung của những người xấu tính là luôn hành động một cách vô lý. Một số người xấu tính cảm thấy hạnh phúc từ những tác động tiêu cực mà họ gây ra cho người xung quanh, số khác tìm kiếm cảm giác hài lòng từ việc gây rối để có thể dễ dàng điều khiển người khác. Dù bằng cách nào, họ cũng tạo ra sự phức tạp, xung đột, căng thẳng tồi tệ không cần thiết. 

Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự căng thẳng (stress) có tác động tiêu cực lâu dài đến não bộ. Ngay cả việc chịu stress trong vài ngày cũng đủ làm giảm hiệu quả hoạt động của các tế bào thần kinh quanh vùng hippocampus – một vùng não quan trọng đảm nhiệm vai trò suy luận và ghi nhớ. Nhiều tuần sống trong căng thẳng sẽ làm đảo lộn, gây hại các nhánh dây thần kinh – vốn là những “cánh tay” nhỏ giúp các tế bào não giao tiếp với nhau. Và việc bị stress trong nhiều tháng liền sẽ phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh.

Stress là một mối đe dọa với thành công của bạn, vì khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát, não bộ và hiệu suất làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu. 

Một nghiên cứu mới đây từ Khoa Sinh học và Tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Friedrich Schiller (Đức) phát hiện ra, việc tiếp xúc với những tác nhân kích thích sẽ gây ra những cảm giác tiêu cực mạnh mẽ – cùng loại tiếp xúc mà bạn có khi đối phó với người xấu tính – khiến bộ não đưa ra những phản ứng căng thẳng nghiêm trọng. Cho dù đó có là những câu nói tiêu cực, độc địa, điên khùng,… thì mục đích của những kẻ xấu tính vẫn là khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức – thứ mà bạn phải tránh bằng mọi giá. 

TS. Travis Bradberry chỉ ra, khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực có mối liên kết trực tiếp đến hiệu suất làm việc của một người. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi TalenSmart, 90% những người có hiệu suất làm việc hàng đầu tham gia khảo sát có kỹ năng quản lý cảm xúc trong những thời điểm căng thẳng, có thể giữ được bình tĩnh và sự kiểm soát. Một trong những món quà tuyệt nhất của họ là khả năng “miễn dịch” với người xấu tính. Họ được rèn luyện để đối phó và vạch ra chiến lược giao tiếp phù hợp để tránh chịu những tác động xấu từ những người này.

Theo Bradberry, để làm việc hiệu quả với kiểu người xấu tính, bạn cần có cách tiếp cận riêng để kiểm soát những điều có thể làm và không thể làm. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn những gì bạn nghĩ. 

Dưới đây là 10 bí quyết tốt nhất mà người thông minh dùng để giải quyết rắc rối khi làm việc với những người xấu tính, được Bradberry rút ra trong quá trình làm việc, huấn luyện.

1. Tự đặt ra giới hạn

Những người tiêu cực, hay phàn nàn thường mang đến tin xấu vì họ luôn đắm chìm trong rắc rối của chính mình và thất bại trong việc tập trung vào giải pháp. Họ muốn mọi người cùng tham gia “bữa tiệc” tiếc nuối để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn. 

Và vì không muốn tỏ ra thô lỗ hay tàn nhẫn với những người thích phàn nàn, chúng ta ngồi im lắng nghe họ dù biết làm vậy sẽ khiến bản thân căng thẳng. Nhưng theo Bradberry, có một ranh giới giữa việc cho mượn một đôi tai đồng cảm với việc bị cuốn vào dòng xoáy cảm xúc tiêu cực của người khác. 

Bạn có thể tránh được tình trạng này bằng cách tự đặt ra giới hạn và tạo khoảng cách với họ khi cần thiết. Hãy nghĩ theo hướng thế này: Nếu một người phàn nàn muốn bạn cùng ngồi đó cả buổi chiều trong khi họ đang hút thuốc thì chẳng phải bạn vừa phải chịu căng thẳng, vừa phải hít làn khói độc hại đó sao? Hãy tự tạo khoảng cách với những điều xấu và cả với người thích phàn nàn kia. 

Một cách tuyệt vời để thiết lập giới hạn là trực tiếp hỏi thẳng người kia về cách mà họ định giải quyết vấn đề. Thông thường, những người này sẽ yên lặng nhìn xuống hoặc tảng lờ, chuyển cuộc trò chuyện theo hướng tích cực hơn. 

2. Không để cảm xúc chen vào

Những người xấu tính khiến bạn phát điên lên vì lối cư xử vô lý. Bạn nhận ra điều đó nhưng tại sao lại cho phép bản thân đáp lại họ một cách tình cảm (cả tích cực lẫn tiêu cực) và sau đó bị mắc kẹt trong mớ bòng bong không phải của mình?

Hãy từ bỏ mong muốn đánh bại họ trong trò chơi mà họ đang làm chủ. Tránh xa những người đó về mặt tình cảm, chỉ nên tiếp xúc với họ một cách thận trọng như thể họ là một dự án khoa học (hoặc bạn là bác sĩ tâm thần của họ nếu bạn thích có sự tương đồng giữa đôi bên). Nhớ rằng bạn không nên giải quyết rắc rối bằng cảm xúc mà phải tập trung vào sự việc.

3. Tăng cường khả năng nhận thức 

Việc duy trì khoảng cách cảm xúc đòi hỏi bạn phải tự trang bị khả năng nhận thức. Bạn không thể ngăn ai đó ngừng thao túng bạn nếu chính bạn không nhận ra mình đang bị thao túng.

Đôi lúc bạn thấy bản thân rơi vào trường hợp cần xem xét lại mọi thứ và tìm ra lối đi tốt nhất để tiến lên trước. Đó là trạng thái điển hình cho việc bạn tỉnh táo, nhận thức sự việc và do đó, không nên e ngại hay hoang mang trước khả năng trên. 

Hãy nghĩ về điều này bằng tình huống giả dụ sau: Nếu một người thần kinh không ổn định chặn đường bạn trên phố và nói rằng anh ta là cựu tổng thống Mỹ John F. Kenedy, chắc chắn bạn không thể “chỉnh” lời anh ta ngay lúc đó được. Hoặc khi bạn và đồng nghiệp có quan điểm trái ngược nhau trong công việc, đôi khi cách tốt nhất chỉ là mỉm cười và gật đầu chào nhau thay vì lao vào đấu khẩu.

Còn nếu bạn quyết phân định đúng – sai với những người như trên, hãy dành thời gian lên một kế hoạch khả thi trước khi thực hiện.

4. Đặt ra ranh giới

Ranh giới là thứ mà hầu hết mọi người thường đánh giá thấp. Họ cảm thấy giống như vì phải làm việc hay sống cùng với ai đó nên không tài nào kiểm soát được rắc rối xảy đến. Điều này không đúng. Một khi bạn biết cách không để cảm xúc chen vào mối quan hệ, bạn sẽ nhận ra cách cư xử của một người trở nên dễ đoán và dễ hiểu hơn. 

Việc tự đặt ranh giới trang bị cho bạn cách nghĩ hợp lý về những thứ nên và không nên khi ở cùng những người khác, đặc biệt với những người bạn cần dè chừng. Ví dụ, ngay cả khi bạn buộc phải hợp tác chặt chẽ với một thành viên trong dự án thì điều đó không có nghĩa cả hai phải trở nên thân thiết với nhau về mọi mặt.

Bạn cần chủ động và có ý thức trong việc tự đặt ranh giới. Nếu bạn để mặc mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, bạn sẽ buộc phải cuốn vào rắc rối từ trên trời rơi xuống. Nhưng nếu bạn tự đặt ra giới hạn, quyết định thời gian, địa điểm diễn ra sự việc, bạn có thể kiểm soát sự lộn xộn mà đối phương gây ra. 

Bí quyết duy nhất là tuân thủ những điều đã đặt ra và bảo vệ ranh giới ở đúng nơi chúng đang đứng khi có ai đó cố gắng xâm phạm.

5. Không chết trong cuộc chiến

Người thông minh hiểu tầm quan trọng của việc sống sót trong một cuộc chiến với người xấu tính. Xung đột là thứ diễn ra không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai. Việc không kiểm soát được cảm xúc đẩy bạn lún sâu vào một cuộc chiến mà ở đó bạn là người bị thương nặng nhất. 

Khi hiểu và biết cách chế ngự cảm xúc bản thân, bạn sẽ khôn ngoan hơn trong việc chọn trận chiến để tham gia và đứng vững trên chiến tuyến. 

6. Tập trung vào giải pháp thay vì vấn đề

Nơi bạn tập trung sự chú ý sẽ xác định trạng thái cảm xúc của bạn. Cứ quẩn quanh với rắc rối chỉ tổ khiến bạn càng thêm căng thẳng và nảy sinh tâm lý tiêu cực. Ngược lại, khi tập trung vào những hành động giúp bản thân và hoàn cảnh trở nên tốt hơn, bạn sẽ có tâm lý tích cực và bớt căng thẳng. 

Việc những người xấu tính gây khó dễ hoặc cư xử vô lý với bạn là cách giúp họ cảm nhận quyền lực và sử dụng chúng lên bạn. Đừng nghĩ cách trả đũa những người như vậy. Thay vào đó, tập trung vào việc bạn sẽ đối phó với họ/rắc rối đó như thế nào. Điều này giúp bạn kiểm soát lại mọi việc đồng thời giảm sự căng thẳng mà bạn từng gặp phải trong những lần giáp mặt với họ trước kia. 

7. Không quên

Những người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác nhưng điều đó không có nghĩa là họ mau quên. Tha thứ đòi hỏi bạn buông bỏ những việc đã qua để bản thân tiếp tục tiến về trước. Nó khác với việc cho người mắc lỗi có một cơ hội khác. 

Người thông minh không muốn sa lầy một cách không cần thiết vào sai lầm của người khác. Vì vậy, họ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy tiềm ẩn.

8. Tránh độc thoại tiêu cực

Thỉnh thoảng, bạn bị cuốn vào cảm giác tiêu cực của người khác. Việc nghĩ xấu về người đối xử tệ bạc với bạn chẳng có gì sai nhưng việc độc thoại (tự nói với chính mình) về cảm xúc bản thân có thể hoặc làm tăng tâm lý tiêu cực. 

Theo TS. Travis Bradberry, độc thoại tiêu cực là thứ không cần thiết, phi thực tế và là một cách tự đánh bại mình. Nó đẩy bạn vào vòng xoáy cảm xúc theo chiều hướng đi xuống – thứ vốn không dễ thoát ra. Bạn nên tránh những cuộc độc thoại tiêu cực bằng mọi giá. 

9. Ngủ đủ giấc

Nhiều người không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc tăng trí thông minh về mặt cảm xúc cùng khả năng quản lý stress. Thời gian ngủ là lúc não được “sạc pin” để khi thức dậy, bạn có đủ tỉnh táo và sáng suốt duy trì các hoạt động trong ngày. Khả năng tự kiểm soát, chú ý và ghi nhớ – tất cả đều sụt giảm nếu bạn không ngủ đủ hoặc ngủ không đúng cách. Thiếu ngủ làm tăng hormone gây stress, đường huyết, huyết áp,…

Một giấc ngủ ngon giúp bạn trở nên tích cực hơn, sáng tạo hơn và chủ động hơn khi tiếp xúc với những người xấu tính, từ đó có chiến lược giao tiếp phù hợp. 

10. Nhờ người khác giúp đỡ

Cố gắng tự mình giải quyết mọi thứ là cách làm nghe có hấp dẫn nhưng lại hoàn toàn không hiệu quả. Để đối phó với những người xấu tính,, bạn cần nhận ra những điểm yếu trong cách tiếp cận của bạn với họ. Để làm được điều này, bạn cần sự hỗ trợ của những người xung quanh có năng lực quan sát và phân tích tình huống.

Xung quanh bạn đều có người luôn cổ vũ, sẵn sàng giúp đỡ bạn lúc khó khăn. Đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, người thân,… Hãy tìm đến những người này và lắng nghe những nhận định, nhận sự giúp đỡ khi bạn cần chúng. 

Đó đơn giản chỉ là giải thích tình huống để tìm ra một giải pháp mới. Thông thường người ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn người trong cuộc và nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.