Category Archives: Pages

Thống kê cơ hội việc làm thương mại điện tử

Kết thúc năm 2018, tổng giá trị ngành thương mại điện tử Việt Nam đã đạt gần 3 tỷ USD, đồng nghĩa với mức tăng trưởng ấn tượng 87% chỉ trong vòng 3 năm, theo báo cáo do Google. Những con số hết sức khả quan này đã khiến Google tự tin gọi nền thương mại điện tử Việt Nam là một con rồng đang chờ được đánh thức.

Với tiềm năng đó, thương mại điện tử trong các năm tới sẽ là một “mỏ vàng” mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động cả nước. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là bài toán về gia tăng trình độ kỹ thuật và kiến thức chuyên môn cho lực lượng lao động trẻ để theo kịp những yêu cầu đặc thù của một nền kinh tế kỹ thuật số.

Hơn 800 cơ hội việc làm mỗi quý

Bản báo cáo của iPrice thống kê số lượng nhân viên tại 5 công ty thương mại điện tử lớn trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Lazada, Shopee, Zalora cùng Tokopedia và Bukalapak của Indonesia.

Số liệu thu thập được cho thấy trong hai năm, từ quý 4 năm 2016 đến quý 3 năm 2018, quy mô nhân sự của các công ty này tăng với tỷ lệ lên đến 15% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành kinh tế trực tuyến Đông Nam Á (khoảng 10% mỗi năm, theo dự báo của Google) và vượt xa các khối ngành kinh tế truyền thống.

Điều này cũng đồng nghĩa là cứ mỗi quý, 5 công ty thương mại điện tử này đang tạo ra hơn 800 cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động, một con số ấn tượng.

Đáng chú ý nhất trong số này chính là Shopee. Số lượng nhân viên của công ty này ở các nước Đông Nam Á đã tăng đến 176% chỉ trong vòng hai năm. Có nghĩa là trung bình mỗi ngày, Shopee lại tuyển thêm 3 nhân viên mới. Đây không phải là điều quá bất ngờ nếu nhìn vào những thành công mà Shopee cùng công ty mẹ Garena đã đạt được trong hai năm qua, bao gồm việc gọi vốn thành công và dẫn đầu thị trường Việt Nam về số lượt truy cập website trung bình hàng tháng (theo Bản đồ thương mại điện tử quý III của iPrice).

Không dừng lại tại đó, Shopee cùng với đối thủ lớn nhất của họ tại Việt Nam là Lazada vẫn đang tiếp tục gia tăng về quy mô. Trong số các công ty được khảo sát, Shopee và Lazada chính là hai công ty đang tuyển dụng một cách tích cực nhất.

Hai sàn thương mại điện tử hàng top ở Indonesia là Tokopedia và Bukalapak cũng có sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng nhân viên. Zalora là ngoại lệ duy nhất trong số các công ty được thống kê: số nhân viên của Zalora giảm nhẹ từ 1.859 người xuống 1.715 người sau hai năm.

Tuy vậy, tính trong toàn Đông Nam Á, Lazada vẫn đang có tổng số lượng nhân viên cao nhất: 6.659 người.

Những thống kê này cho thấy các công ty thương mại điện tử như Shopee và Lazada đã, đang và sẽ còn tiếp tục là nguồn cung cấp rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam.

Cung chưa đủ cầu

Cũng theo nghiên cứu của iPrice, trong các công ty thương mai điện tử, bộ phận có nhu cầu nhân sự lớn nhất là Operations (Vận hành hoạt động). Theo sau đó lần lượt là các bộ phận Marketing, Kỹ thuật, và Công nghệ thông tin ở vị trí thứ 6.

Đặc biệt, nhân tài trong các chuyên ngành công nghệ cao như lập trình phần mềm, digital marketing, khoa học dữ liệu hoặc product marketing đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các công ty thương mại điện tử và hiện đang rất được săn đón.

Tuy vậy, theo khảo sát Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhân sự đáp ứng đủ các nhu cầu trên hiện thuộc vào dạng đặc biệt “hiếm có khó tìm” tại Việt Nam. Theo khảo sát này, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân viên có kỹ năng thương mại điện tử và công nghệ thông tin có xu hướng tăng theo từng năm.

Vì lý do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo cho lực lượng nhân lực trẻ trong thời gian tới sẽ là một yêu cầu hàng đầu cho toàn ngành TMĐT. Thực hiện được điều này cần sự cố gắng từ cả các công ty tuyển dụng và các đơn vị đào tạo.

Một tín hiệu rất đáng mừng là các năm gần đây, nhiều trường đại học trong nước đã bắt đầu giới thiệu các chương trình đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử, tiêu biểu có thể kể đến như Đại học Kinh tế Tài chính, Đại học Công nghệ Thông tin hay Đại học Kinh Tế TP.HCM.

Nói về định hướng đào tạo của ngành Thương mại điện tử, thầy Lê Diên Tuấn – đại diện trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết: “Mục tiêu của chương trình đào tạo này là phát triển các năng lực cần thiết cho người học trong ứng dụng công nghệ số và Internet vào thiết kế, quản trị và cải tiến các hoạt động kinh doanh và thương mại trong các tổ chức”.

Đặc biệt, các đơn vị đào tạo cũng đang dần chú trọng hơn vào việc chuẩn bị cho sinh viên kiến thức làm việc thực tế. Thầy Tuấn cho biết thêm: “Sinh viên chuyên ngành TMĐT được tham gia học thực tế tại doanh nghiệp lên đến 35% số tín chỉ. Thông qua việc học thực tế và kết hợp với kiến thức học tại nhà trường sẽ giúp sinh viên có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp cũng như bắt kịp thực tế khi làm việc tại doanh nghiệp”.

Với các cơ hội việc làm hấp dẫn, cộng với những bước tiến rõ rệt trong công tác đào tạo, những năm tới đây hứa hẹn sẽ là thời điểm rất thích hợp để lực lượng lao động trẻ ở Việt Nam tìm kiếm một công việc trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Xem thêm: Việc làm ngành thương mại điện tử

Cre: iprice.vn

Bí quyết nào để doanh nhân trở thành người hạnh phúc?

Hạnh phúc, dù có nhiều hình dung và định nghĩa khác nhau, thường thì dễ có nơi những người thành đạt và giàu sang. Thành công trong cuộc sống hầu như là điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc cá nhân. Thiết nghĩ đó là điều khó phủ nhận.

Doanh nhân thường được xem là lớp người bận rộn, thành đạt và có tiền của, cũng thường là những người có quyền thế, ở vị trí phải điều động hàng trăm hàng ngàn nhân viên, quyết định số phận và nghề nghiệp của rất nhiều người thuộc quyền.

Doanh nhân cũng thường tiếp xúc với thượng tầng xã hội, giao thiệp với các giới chức cấp cao trong và ngoài nước. Địa vị của doanh nhân do đó là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Vì những lẽ đó, doanh nhân dễ là những người có hạnh phúc. Hạnh phúc, dù có nhiều hình dung và định nghĩa khác nhau về nó, thường thì dễ có nơi những người thành đạt và giàu sang. Thành công trong cuộc sống hầu như là điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc cá nhân. Thiết nghĩ đó là điều khó phủ nhận.

Thế nhưng, những “ưu điểm” để đạt hạnh phúc của doanh nhân cũng chính là mối nguy của họ. Họ biết rõ hơn ai hết, đời sống của doanh nhân rất dễ bị mất hạnh phúc vì hoạt động của chính bản thân mình.

Đầu tiên, sức khỏe của doanh nhân thường xuyên bị đe dọa vì làm việc quá nhiều. Tâm trạng lo âu và cả bực tức không bao giờ vắng bóng trong lòng nhà doanh nhân. Sức khỏe là điều kiện bắt buộc để có hạnh phúc nhưng chính họ lại lơ là với nó.

Một lý do khác là doanh nhân dễ đồng hóa sự nghiệp với chính mình. Như cô ca sĩ cần tiếng vỗ tay, như nhà chính trị cần lá phiếu bầu, nhà doanh nhân cần doanh thu và lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, khi doanh nhân không đạt doanh số, lập tức anh ta bị mất việc.

Đã có nhà doanh nhân khi công ty mình bị phá sản đã chọn con đường tự tử vì tuyệt vọng. Nhiều khi nhà doanh nhân bên ngoài xem ra như một nhân vật sang trọng nhưng thực chất chỉ là một con người bị phụ thuộc vào con số, thị trường, vào những biến động bất thường của xã hội tiêu thụ. Làm sao doanh nhân có hạnh phúc khi bị lệ thuộc quá nhiều?

Hơn thế nữa, vì nội dung cuộc sống chỉ toàn là công việc, vì áp lực của sự thành công, vì đồng hóa mình với sự nghiệp, nhà doanh nhân dễ sinh ra ghiền nghiện công việc – một thứ tâm bệnh mà phương tây gọi là workaholic. Đó là những người không thể không làm việc, luôn luôn nhớ nghĩ đến công việc ngay cả những lúc được nghỉ ngơi. Đó là một dạng mất quân bình nội tâm của lớp doanh nhân mà ngày nay ta thường gặp tại phương Tây cũng như phương Đông. Những người đó tìm “hạnh phúc” trong công việc nhưng thực chất họ bị lệ thuộc về mặt tâm lý. Về sau, khi họ mất việc hay mất sức làm việc, ta dễ dàng đoán được cuộc đời họ sẽ như thế nào.

Như ta thấy, nhà doanh nhân là một lớp người đặc biệt: hội đủ điều kiện để được hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có thể là những người bị lệ thuộc, thậm chí mất thăng bằng tâm lý hay nô lệ công việc. Chìa khóa của vấn đề quy lại vào nghệ thuật sống của họ. Liệu họ có một số bí quyết để lèo lái cuộc đời sao cho khả năng và cơ hội làm đời mình được thăng hoa chứ không ngược lại? Bí quyết nào làm cho doanh nhân có cơ may được hạnh phúc?

Điều đầu tiên có tính chất nền tảng là nhà doanh nhân cần có một quan niệm khôn ngoan về tài sản và địa vị của mình. Họ cần xem tất cả thứ đó không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là phương tiện đắc lực cho một cuộc đời phong phú và rộng mở. Trên thế giới, có nhiều nhà doanh nhân là những người sành nghệ thuật và thể thao, triết học và lịch sử. Họ say mê đi du lịch và làm công tác xã hội. Hầu như tất cả đều có một niềm đam mê riêng để cân bằng áp lực công việc.

Điều khác nữa là nhà doanh nhân cần xem sự nghiệp của mình chỉ là một khía cạnh của con người toàn thể. Nó chỉ là một phần, thậm chí là phần nhỏ của một sự sống thâm sâu mà họ còn phải dò tới đáy. Một số doanh nhân Nhật có truyền thống tu dưỡng thiền định định kỳ trong năm (Retreat) để có một khoảng cách nội tâm với những hoạt động hằng ngày.

Kinh nghiệm cho thấy, sau kỳ thiền định, nhà doanh nhân không hề lơ là trong công việc của mình nhưng lại tích cực và sáng tạo hơn, đồng thời quân bình hơn trong công việc và đời sống riêng tư.

Ngày nay tại phương Tây, thiền định không thể thiếu trong sự tập luyện kỹ năng sống cho nhiều người, từ doanh nhân đến nhà nghiên cứu khoa học, thậm chí cho cả phạm nhân trong tù. Khoa học cũng đã chứng minh mối liên hệ tích cực giữa thiền định và não bộ.

Khi việc kinh doanh đã phát triển, nhà doanh nhân khôn ngoan đã chuẩn bị để có người thay thế mình. Biến mình trở thành người “không ai thay được” chỉ tăng lên sự lệ thuộc lẫn nhau giữa công ty và bản thân – một điều không lợi cho ai cả.

Ngược lại, nhà doanh nhân khôn khéo đã tạo cho mình sự chủ động thời gian khi công việc đã phát triển, có cơ may đem những thành tựu của bản thân phục vụ lại cho chính mình và cho xã hội. Đó là chân hạnh phúc.

Cuối cùng, nhà kinh doanh phải biết rút lui kịp thời trước khi sức khỏe suy sụp.

Với sự thành đạt, lòng tự tin, kinh nghiệm và của cải trong tay, nhà doanh nhân vươn tầm nhìn đến cái toàn thể. Họ sẽ tận dụng tất cả khả năng, về mặt vật chất cũng như tâm linh, để hiểu ngộ về đời sống vốn vô cùng lớn rộng. Họ sẽ hiểu quả thực con người ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng mỗi người quan niệm hạnh phúc một cách khác nhau.

Lúc đó có lẽ họ sẽ mừng vui tự thấy rằng, hạnh phúc của họ đang nằm trong tầm tay vì nó quá dễ có. Họ nhận ra hạnh phúc chỉ là sự tri túc. Biết “như thế là đủ” chính là chân hạnh phúc. Xưa kia họ không biết thế, lớp trẻ sau họ không mấy ai nghĩ thế.

Người thành đạt có một ưu điểm to lớn là dễ đến với sự “tri túc”, lý do là họ đã hưởng hết mọi thứ. Nhưng họ phải biết rút lui, phải biết tiết giảm lòng ham muốn. Họ sẽ nhớ đến nhà hiền triết Hy Lạp Epicurus (341 – 270 trước Công nguyên) – bậc thầy lỗi lạc của thời cổ đại – đã nói rất sớm về hạnh phúc và dục lạc. Epicurus nói rằng, đối với người đã thành đạt thì muốn cho họ hạnh phúc, ta không nên mong cho họ được thêm, mà mong cho họ được bớt, bớt đi lòng mong cầu. Người xưa đã biết thế nào là chân hạnh phúc.

Nhà kinh doanh sẽ chợt hiểu một điều rất giản đơn: hạnh phúc là một cảm giác nội tâm, nó không đến từ bên ngoài mà từ bên trong. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ tạo điều kiện cho bên trong phản ứng để sinh ra hạnh phúc hay đau khổ. Sự phản ứng của bên trong lại thay đổi tùy theo tuổi tác, kinh nghiệm và sự già dặn. Doanh nhân đã đến một thời điểm trong đời để thấy rằng, mình càng ít mong cầu mình càng hạnh phúc. Và có lẽ doanh nhân sẽ đến một thời điểm để nhận ra rằng, mình có thể chỉ quan sát và ghi nhận hoàn cảnh thôi mà không phản ứng gì cả. Lúc đó, họ sẽ hạnh phúc nhất. Dạng đó của tâm được gọi là Định.

Thanh toán di động bứt tốc

Nhờ hạ tầng công nghệ đã sẵn sàng, thanh toán di động đang bùng nổ với sự tham gia của 4 nhóm người chơi: Fintech, ngân hàng, nhà mạng và các công ty công nghệ.

Mới đây, MoMo tiếp tục công bố nhận được khoản đầu tư Warburg Pincus, công ty quản lý quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân có nhiều năm kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam. Không nói rõ giá trị đầu tư, phía MoMo chỉ cho biết: “Đây là khoản đầu tư cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực fintech và e-commerce tại Việt Nam”. Khoản đầu tư bổ sung vào MoMo của quỹ đầu tư đang quản lý tài sản trị giá hàng chục tỉ USD như Warburg Pincus cho thấy sự hấp dẫn của thị trường thanh toán di động tại Việt Nam.

Nhà nhà làm ví

MoMo có vẻ như là “điểm đến” yêu thích của các nhà đầu tư ngoại, trước đó là Standard Chartered Private Equity và xa hơn nữa là Goldman Sachs. Trong công bố chính thức, ví điện tử này cho biết hiện có 10 triệu người dùng và khối lượng giao dịch tăng gấp 3 lần trong năm qua.

Những con số này cho thấy tốc độ thanh toán qua di động và tại điểm bán ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam. Ông Phạm Thành Đức, CEO ví điện tử MoMo, cho biết kế hoạch năm 2019 sẽ tăng gấp đôi lượng khách hàng này. Để làm được điều đó, chiến lược 2018-2019, MoMo sẽ tập trung phát triển nền tảng thanh toán trên di động mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi; đồng thời phát triển mạng lưới đối tác online, offline, O2O (online to offline) trên quy mô toàn quốc.

Tuy nhiên, MoMo không phải là ví điện tử duy nhất có tham vọng bành trướng tại thị trường Việt. Trong năm qua, bắt đầu rải tiền để quảng bá và hút người dùng còn có ví điện tử ZaloPay (của VNG) hay AirPay (của SEA), đều là các công ty internet có tên tuổi và thực lực.

Thị trường còn sôi động không kém với nhiều thương vụ mua lại và thâu tóm ví điện tử, như trường hợp Grab với Moca. Ứng dụng gọi xe này mới đây còn xuất hiện ở các điểm bán như nhà hàng, quán cà phê, thanh toán điện thoại để trả tiền chứ không còn đơn thuần là gọi xe nữa. Thậm chí, nhiều thông tin cho thấy Grab đang rốt ráo cho kế hoạch tham gia vào thị trường tài chính tín dụng tại Việt Nam.

Sự sôi động trên thị trường thanh toán di động cũng không thiếu phần các ngân hàng. Các ngân hàng tham gia rất năng động, thậm chí còn ra mắt những ứng dụng, nền tảng riêng dành cho việc thanh toán, bên cạnh ứng dụng mobile banking đặc trưng và phổ biến. Chẳng hạn, Vietcombank ra mắt VCB Pay, YOLO của VPBank, Sacombank Pay, QuickPay (TPBank) hay Ví Việt (LienVietPostBank).

Tính đến nay, đã có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, còn có khoảng 26 ví điện tử đã được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các thương vụ M&A sẽ diễn ra nhiều hơn và giấy phép hoạt động là “đích nhắm” quan trọng, theo một chuyên gia trong lĩnh vực fintech. Tuy nhiên, một xu hướng thấy rõ là các trung gian thanh toán đều mong muốn trở thành “siêu ứng dụng” hay hình thành hệ sinh thái với các dịch vụ cộng gộp càng nhiều càng tốt.

Điển hình như MoMo, ví điện tử này công bố mối quan hệ với 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và ẩm thực và lên đến 100.000 điểm chấp nhận thanh toán tại nhà hàng, quán cà phê, siêu thị, cửa hàng thời trang cho đến thức ăn đường phố. Con số này sẽ còn được mở rộng trong năm nay, đặc biệt là khi có thêm vốn ngoại rót vào.

Các ngân hàng cũng tích cực chạy đua. Mới đây, công bố của Sacombank cho biết hiện có khoảng hơn 7.000 đơn vị chấp nhận thẻ (POS), trong đó có khoảng 2.500 đại lý cho phép thanh toán bằng hình thức QR Code. Dự kiến con số này sẽ tăng khoảng 30-40% trong năm nay.

Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, ứng dụng thanh toán của Ngân hàng không chỉ hướng đến đối tượng người dùng có tài khoản ngân hàng, mà bao gồm cả những người có tài khoản ở ngân hàng khác, hoặc những đối tượng chưa có bất kỳ tài khoản ngân hàng nào.

Trong khi đó, đại diện YOLO, nền tảng của VPBank, cho biết một ưu điểm của hệ sinh thái là cho phép ứng dụng giữ chân khách hàng tương tác trong nền tảng, ngay cả khi khách hàng không sử dụng sản phẩm của ngân hàng. Bên cạnh ví điện tử và ngân hàng, còn 2 nhóm có tiềm lực không kém, đó là các “ông lớn công nghệ” như Samsung, Google hay Apple và các nhà mạng như Viettel hay VNPT. Bản thân các tập đoàn này đều sở hữu “hệ sinh thái” là bộ dữ liệu khách hàng và rất nhiều dịch vụ kèm theo, theo cách thức riêng của mình.

Như vậy, có thể nhìn thấy ở trong ứng dụng sẽ là một cuộc chạy đua về số lượng dịch vụ kết nối. Thêm nữa, có thể thấy đa phần hiện nay các trung gian thanh toán đều tập trung vào đối tượng khách hàng là nhóm trẻ, có thu nhập từ mức trung bình đến khá, sống ở các địa phương có dịch vụ cộng thêm nhiều, quen thuộc với smartphone và cuộc sống kỹ thuật số. Tuy nhiên, chính công nghệ và các quy định của cơ quan quản lý cởi mở hơn mới là nhân tố quan trọng, dự kiến sẽ góp phần đẩy nhanh các ứng dụng thanh toán di động ra thị trường trong thời gian tới.

Sẵn sàng cho thay đổi lớn

Với các ngân hàng, năm nay tiếp tục là năm đầu tư cho công cụ thanh toán. Ông Thomas William Tobin, Giám đốc Khối bán lẻ Vietcombank, cho rằng: “2019 sẽ là năm thay đổi rất lớn trong công nghệ thanh toán, nhất là loại thẻ không tiếp xúc, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code. Tới đây, Vietcombank sẽ nâng cấp các điểm chấp nhận thẻ để chấp nhận được thẻ không tiếp xúc”.

Đến nay, rất nhiều ngân hàng công bố định hướng triển khai các giải pháp công nghệ mới trên thế giới vào thanh toán di động, chẳng hạn như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS. Năm 2019 có thể nói là năm thay đổi mạnh mẽ của công nghệ trong lĩnh vực thanh toán. Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), “hạ tầng cho thanh toán di động đã sẵn sàng”.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước ban hành 2 tiêu chuẩn nội địa quan trọng: thẻ chip nội địa và mã giao dịch QR. Với những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên dự kiến sẽ ra mắt trong quý I năm nay, đây là lần đầu tiên ngành ngân hàng sẽ có một chuẩn chung về thẻ, giúp đồng bộ thẻ và các thiết bị chấp nhận thẻ với nhau.

Còn với QR Code, việc có chuẩn chung cũng sẽ giúp xóa bỏ tình trạng “mạnh ai nấy làm” đang diễn ra hiện nay. Chuẩn chung này sẽ giúp cho các ứng dụng của tổ chức tín dụng hay fintech này có thể được dùng để thanh toán dịch vụ đã kết nối với trung gian thanh toán khác. Tiêu chuẩn đồng nhất được xem là yếu tố cơ bản, giúp cho các giao dịch số AliPay hay WechatPay chiếm thị phần ở Trung Quốc. Vì vậy, điều tương tự cũng được kỳ vọng ở thị trường Việt Nam.

Một điểm nhấn khác là hệ thống thanh toán bù trừ tự động ACH, là cấu phần quan trọng giúp triển khai các dịch vụ thanh toán có giá trị nhỏ, hỗ trợ khách hàng của ngân hàng thực hiện giao dịch thông qua nhiều lựa chọn thông tin định danh khác ngoài số tài khoản hay số thẻ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gợi mở hướng đi mới, với phương án định danh tài khoản bằng số điện thoại. Nhờ đó nhà mạng cũng sẽ là một fintech tiềm năng với hệ thống và dữ liệu sẵn có.

Nhìn chung, đồng bộ về nền tảng giao dịch sẽ giúp các bên có thể tham gia vào cuộc chơi chung mà tất cả đều có lợi. Điều này cho phép các tổ chức trung gian thanh toán có thể mở rộng mạng lưới kết nối, không tốn nhiều chi phí như trước, mà còn đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, một chuyên gia tài chính nhìn nhận.

Chẳng hạn, ví điện tử này kết nối được với 10.000 điểm bán, ngân hàng có 5.000 điểm bán. Khi có chuẩn chung về thanh toán, các khách hàng của ngân hàng cũng có thể tiếp cận đến 10.000 điểm bán của ví điện tử mà không cần phải cài thêm ứng dụng khác. Nghe có vẻ rất hấp dẫn nhưng vẫn còn những trở ngại trên chặng đường phát triển thanh toán di động số, dù nhận được sự cổ vũ đáng kể từ phía cơ quan quản lý.

Từ góc nhìn của phía ngân hàng, các chuyên gia cho rằng yếu tố phí giao dịch vẫn còn quan trọng, ảnh hưởng đến câu chuyện cạnh tranh từ máy POS, phát hành thẻ cho đến các giao dịch trực tuyến. Trong khi đó, theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường Fulbright và cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, muốn thanh toán di động trở nên phổ biến, thì yếu tố đầu tiên là các ứng dụng đó làm sao phải thuận tiện nhất đối với người dân, bởi một khi trở thành thói quen sử dụng rồi thì sẽ khó bỏ được. Bên cạnh đó, vấn đề quan ngại tiếp theo chính là vấn đề chi phí và an toàn trong các giao dịch điện tử.

Lo ngại về an toàn cũng chính là nỗi lo chung của nhiều người dân, từ chuyện mất tiền trong thẻ cho đến lộ thông tin người dùng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh lưu ý rằng một xã hội không dùng tiền mặt không phải lúc nào cũng đem lại yếu tố tích cực.

“Thực tiễn diễn ra tại một số nước có mức độ phi tiền mặt cao với thanh toán điện tử phổ biến sâu rộng như Thụy Điển, Hàn Quốc ghi nhận mối lo của công chúng về việc đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu khách hàng, rủi ro an ninh mạng, rủi ro vận hành như mất điện, thiên tai, tình trạng phân cách số (digital divide) giữa nhóm người am hiểu công nghệ với nhóm yếu thế như người già, trẻ em… Đây là điều cần lưu tâm trong quá trình phát triển thanh toán điện tử”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Chuỗi bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản sắp vào Việt Nam

MUJI dự kiến lập công ty con tại Việt Nam năm nay và khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP HCM đầu năm sau.

Ryohin Keikaku – công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ MUJI vừa thông báo, đã quyết định thành lập công ty TNHH MUJI Việt Nam để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Theo kế hoạch, công ty này sẽ được thành lập vào tháng 8, có trụ sở chính tại TP HCM và do Ryohin Keikaku sở hữu 100% vốn. Cửa hàng đầu tiên của MUJI sẽ được khai trường vào đầu năm 2020 tại TP HCM.

MUJI là một chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng khắp thế giới với đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm với giá phải chăng… Hiện tại, thương hiệu này có 928 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó 454 cửa hàng tại Nhật Bản. Dù chưa có cửa hàng tại Việt Nam, các mặt hàng mỹ phẩm của MUJI qua đường xách tay rất được khách hàng ưa chuộng.

Một trong 454 cửa hàng của MUJI tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

“Việt Nam là quốc gia có dân số đông thứ ba tại Đông Nam Á và kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Chúng tôi thấy đây là một thị trường trọng điểm tại ASEAN, với mức tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,1%”, Ryohin Keikaku lý giải về quyết định thành lập công ty tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật hy vọng, với kinh nghiệm và bí quyết trên thị trường toàn cầu sẽ giúp MUJI vận hành các hàng mỗi ngày và tăng lượng khách hàng trong khu vực.


Grab cán mốc doanh thu 1 tỷ USD

CEO Anthony Tan cho biết, kế hoạch của Grab năm nay là bắt tay các đối tác lớn và mở rộng thêm dịch vụ.

Trả lời Nikkei mới đây, Anthony Tan – CEO, kiêm đồng sáng lập Grab cho biết, doanh thu năm ngoái của hãng công nghệ này đã tăng gấp đôi lên 1 tỷ USD và một số mảng kinh doanh tại các thị trường trưởng thành đã có lãi.

Tan chia sẻ, kế hoạch năm nay của Grab là “bắt tay cùng các đối tác lớn”. Năm ngoái, Grab đã tập trung vào xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp trong khu vực và cả toàn cầu, bao gồm Toyota Motor, Microsoft, hãng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến Trung Quốc – Ping An Good Doctor và huy động được khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD.

Ông cho biết, Grab sẽ cùng Ping An ra mắt một dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến khắp Đông Nam Á năm nay và bán bảo hiểm trực tuyến cho người dùng ứng dụng, tài xế cùng với đối tác ZhongAn. Cùng với Toyota, Grab sẽ cung cấp một dịch vụ hỗ trợ phương tiện. Hãng công nghệ này đã bắt đầu dịch vụ phát video trực tuyến trên ứng dụng Grab nhờ mối quan hệ với đối tác Hooq – startup có trụ sở tại Singapore.

“Nhiều dịch vụ mới chưa được cung cấp ở quy mô này tại Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ tận dụng vốn và tất cả nguồn lực của nhà đầu tư để mở rộng”, Tan cho hay.

CEO Grab – Anthony Tan trả lời phỏng vấn Nikkei hôm 20/2. Ảnh: Nikkei.

Sau khi tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber năm ngoái, Grab bắt đầu ra mắt nhiều dịch vụ mới, với hy vọng trở thành siêu ứng dụng. “Việc mở rộng Grab sẽ củng cố vị thế siêu ứng dụng tại Đông Nam Á của chúng tôi”, Tan nói. Hiện đối thủ lớn nhất của hãng là Go Jek – một startup có trụ sở tại Indonesia và cũng bắt đầu phát triển ra nước ngoài và tuyên bố muốn trở thành siêu ứng dụng từ năm ngoái.

Tan cho rằng, mọi người đang xóa các ứng dụng khỏi smartphone vì chúng có quá nhiều. “Để ứng dụng có thể tồn tại, đặc biệt ở trang đầu tiên của smartphone là rất, rất quan trọng. Để làm được điều này, bạn phải cực phù hợp và bạn phải cung cấp các dịch vụ phù hợp với thành phố đó”, CEO Grab nói.

Bên cạnh đó, CEO này nói rằng, Grab sẽ chưa IPO năm nay. Công ty muốn tập trung vào việc triển khai các dịch vụ. “Đây là trọng tâm cho năm 2019”, CEO Grab nói.

Đồng thời, Đông Nam Á cũng vẫn là thị trường Grab tập trung và không tìm kiếm nơi nào khác. Tan cho rằng, khu vực này vẫn còn những cơ hội kinh doanh lớn như những người chưa được tiếp cận với ngân hàng sẽ là khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ thanh toán di động của Grab.

Thành lập tại Malaysia năm 2012, hãng cung cấp dịch vụ đi chung xe này đã chuyển đến Singapore hai năm sau đó. Hiện Grab hoạt động tại 336 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ từ vận tải, giao nhận cho đến thanh toán. Công ty này cho biết, ứng dụng Grab đã có 138 triệu lượt tải.

Tú Anh / Nikkei