“Bằng việc trải qua những sai lầm, bạn sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn khả năng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của người khác”, CEO Microsoft Satya Nadella nói.
Satya Nadella tại một sự kiện hồi năm 2016. Ảnh: Mike Blake/Reuters |
Khi Satya Nadella 25 tuổi, lúc trả lời một cuộc phỏng vấn xin việc, ông đã thất bại trong việc thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy đặc điểm mà hiện tại ông nói rằng đóng vai trò quan trọng trong thành công của mình. Đó là khả năng đồng cảm.
“Khả năng đồng cảm chỉ được xây dựng thông qua trải nghiệm sống. Nó không phải là một khả năng trời phú”, Nadella nói trong chương trình Freakonomics Radio của đài WNYC, “Bằng việc trải qua những sai lầm, bạn sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn khả năng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của người khác”, ông chia sẻ.
Nadella cho rằng “sự đồng cảm có thể giúp bạn trở thành bậc cha mẹ tốt, một đồng nghiệp tốt và một đối tác tốt”.
Trước khi bắt đầu khoảng thời gian làm việc kéo dài 22 năm cho đến nay tại Microsoft (từ năm 1992), Nadella đã tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc và được hỏi “Bạn sẽ làm gì khi nhìn thấy một em bé đang khóc vì vừa bị ngã?”.
Lúc đó, Nadella cố gắng tiếp cận câu hỏi dưới góc nhìn của một kỹ sư. “Tôi nghĩ rằng đây là một trong những câu hỏi mẹo, và có lẽ nó ẩn chứa một thuật toán nào đó mà tôi không nhận ra, rồi sau đó tôi trả lời ‘Tôi sẽ gọi 911’. Vị quản lý đáp lại: ‘Đây là một đáp án tệ’”.
Vị quản lý sau đó nói với Nadella: “Nếu bạn thấy một em bé bị ngã, bạn nên đỡ chúng dậy và ôm chúng vào lòng”.
“Tôi đã bị dằn vặt khi nhớ lại giây phút đó, tự hỏi rằng làm thế nào mà tôi lại không nhận ra điều đó”, Nadella kể.
Chỉ vài năm sau đó, lúc 29 tuổi, Nadella nhận được một bài học khác về sự đồng cảm: Zain – đứa con đầu tiên của ông khi vừa sinh ra đã bị tổn thương não nghiêm trọng do bị ngạt trong ống nghiệm, và bị bại não. Lúc đó, trong đầu ông hiện lên những câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra với chúng tôi?”, “Điều gì đã xảy ra với tôi thế này?”…
Tuy nhiên, cuối cùng ông nhận ra rằng chẳng có điều gì thực sự xảy ra với mình cả. “Điều này chỉ thực sự xảy ra với con trai tôi. Đây là lúc để tôi bước tiếp về phía trước, nhìn cuộc sống với đôi mắt của nó và làm những điều nên làm với tư cách là một người cha”.
Sự đồng cảm không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân mà còn đóng vai trò tương tự trong kinh doanh, CEO Microsoft nhận định.
“Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự đồng cảm là một điều gì đó mà bạn chỉ áp dụng trong cuộc sống của mình, trong mối quan hệ gia đình và bạn bè, nhưng trên thực tế, nó là một ưu tiên quan trọng trong kinh doanh. Tôi nghĩ sự đồng cảm là cốt lõi của sự đổi mới và kinh nghiệm sống”, Nadella nói với Bloomberg.