Những ai kỳ vọng vào một cú hích như đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước có lẽ sẽ phải thất vọng. Trung Quốc có dấu hiệu trượt dài xét từ diện chính sách.
Theo Bloomberg, Bộ Tài chính đang yêu cầu Ủy ban Giám sát và Quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) cho phép các ngân hàng hạ thấp hệ số rủi ro đối với trái phiếu chính quyền địa phương về mức 0%, so với mức 20% hiện nay. Theo đề xuất này, trái phiếu chính quyền địa phương sẽ được xem là an toàn như nợ trái phiếu của Bộ Tài chính. Và, khi trái phiếu của chính quyền địa phương được chào bán với lợi tức cao hơn, nó sẽ thu hút các ngân hàng mua thêm.
Kế hoạch này có thể hiểu là một biện pháp kích thích mới nếu như được thông qua. Vấn đề là nó khó có thể trở thành hiện thực, và hoàn cảnh ra đời của nó đã vô tình làm lộ ra mâu thuẫn nội bộ, cũng như sự thiếu nhất quán trong chính sách của chính phủ Trung Quốc. Goldman Sách ước tính thay đổi hệ số rủi ro của trái phiếu địa phương sẽ giải phóng tới 3 nghìn tỷ CNY (khoảng 438 tỷ USD), cho phép các ngân hàng mua thêm trái phiếu doanh nghiệp và mở rộng thêm các khoản vay.
Bộ Tài chính cần các chính quyền địa phương, hiện chịu trách nhiệm đối với 90% các dự án cơ sở hạ tầng, lấy lại khả năng chi trả. Trái phiếu địa phương trong vòng 7 tháng đầu năm phát hành tổng cộng 792 tỷ CNY, chỉ chiếm 36% hạn ngạch hàng năm của bộ. Moody’s cũng nhận định khó có khả năng xuất hiện dòng tiền mới: trong quý đầu năm, động thái của tất cả các địa phương đều là áp dụng biện pháp hoán đổi trái phiếu hoặc làm mới các khoản nợ cũ.
Ngoài ra, lỗ hổng đầu tư của các địa phương ngày càng lớn, lên đến 8 nghìn tỷ CNY vào năm ngoái. Điều này càng củng cố thêm sự ngờ vực về khả năng xuất hiện một nguồn tiền mới ở thời điểm hiện tại.
Cùng lúc này, chính phủ Trung Quốc lại bị giằng xé giữa tăng trưởng GDP và giảm gánh nặng nợ nần. Trung Quốc đang ở trong thời kỳ khó khăn, nỗ lực ngăn chặn một cơn đột quỵ của nền kinh tế. Căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng leo thang buộc Bắc Kinh phải thận trọng hơn. Rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc không vững vàng như nhiều người vẫn nghĩ.
Theo The New York Times, quốc gia Đông Á này luôn được nhắc tới với khái niệm “nâng tầm tiêu dùng” (consumption upgrades), với hơn 400 triệu người ở tầng lớp trung lưu rất chịu chi. Hiện nay, nền kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc, người dân cũng ít mua sắm hơn, thị trường chứng khoán ảm đạm và đồng CNY cũng bị ảnh hưởng.
Người tiêu dùng vốn là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế thần kỳ trong những năm gần đây, giúp Trung Quốc nắm vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn cầu. Họ giúp thu hút những công ty đa quốc gia như Apple, General Motors, Volkswagen và nhiều doanh nghiệp khác. Sự chững lại của thời kỳ huy hoàng trên trợ giúp rất tốt cho Tổng thống Trump, khi ông đặt cược vào khả năng Bắc Kinh sẽ không thể chịu đựng thêm các thiệt hại kinh tế mới.
Về lý thuyết, kinh tế Trung Quốc có vẻ đang rất khỏe mạnh. Nhưng quan sát kỹ sẽ thấy những kẽ nứt bắt đầu xuất hiện. Doanh số bán lẻ năm nay tăng trưởng chậm nhất trong hơn 10 năm. Tiền lương ở khu vực tư nhân cũng chịu chung số phận kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thị trường chứng khoán suy giảm đến 1/10.
Nếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đem lại điều gì đó mới mẻ, Trung Quốc có thể vượt qua khó khăn này và giảm gánh nợ sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn đến hơn hai năm nữa, và chính quyền nước này vẫn còn nhiều vấn đề trước mắt chưa giải quyết xong.