Chuyện chiếc giỏ đựng than và quyền năng vô hình của thói quen đọc sách

Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người – Voltaire

Chuyện chiếc giỏ đựng than và quyền năng vô hình của thói quen đọc sách

Đọc sách – thói quen số một được những người giàu có khuyên áp dụng. Ảnh: Times Higher Education

Đã có bao giờ bạn cảm thấy dầu đã đọc thật nhiều sách nhưng dường như không tài nào nhớ nổi những nội dung hay kiến thức mình đã bắt gặp? Đừng lo lắng và cũng đừng dừng việc đọc sách, bởi vì hết thảy những kiến thức mà bạn tích lũy được vẫn ở nguyên trong trí não và chỉ chờ dịp thích hợp để bộc lộ mà thôi

Chuyện chiếc giỏ than tinh sạch

Chuyện kể rằng, có hai ông cháu sống cùng nhau. Mỗi sáng, người ông đều dậy sớm đọc sách, dù những cuốn sách đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình.

Một ngày, cậu hỏi: “Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu chúng. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên ngay. Vậy đọc sách có ích lợi gì đâu?”.

Người ông liền đứng dậy, lấy hết than đang đựng trong giỏ rồi đặt tất cả vào lò, sau đó nói: “Cháu hãy mang giỏ này ra bờ sông và mang nước về giúp ông nhé!”.

Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước đã chảy ra hết trước khi cậu kịp quay về. Người ông liền cười và nói: “Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa”. Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.

Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ vẫn trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói: “Chúng ta không thể đựng nước trong giỏ này được”, và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.

Người ông liền nói: “Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi”. Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra sông lấy nước lần nữa.

Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời nên cậu cố chạy nhanh hết sức, song, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu nói: “Ông nhìn này, thật là vô ích!”.

“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!”, người ông đáp.

gio-dung-than-va-sach-doanhnhansaigon_15

Giống như những giọt nước đã ăn sâu, cuốn trôi hết bụi bẩn trên chiếc giỏ kia một cách từ từ chậm rãi, sách cũng giúp cho bạn như vậy. Ảnh: Harry Jackson’s Blog

Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì hình ảnh một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và dơ bẩn, nó trông rất sạch sẽ.

“Đó là những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ từ từ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, giống như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy”.

Sức mạnh vô hình của việc đọc sách

Vậy mới thấy, đọc sách thường xuyên là thói quen hữu ích như thế nào. Đồng thời, qua đó, chúng ta cũng có thể phần nào hiểu được tại sao hơn 1.200 người giàu có nhất trên thế giới đều là những người đọc sách rất nhiều, theo thống kê của Steve Siebold trong cuốn sách How Rich People Think.

Đơn cử như tỷ phú Warren Buffett. Ông là người rất mê đọc sách và từng chia sẻ rằng “bản thân chỉ ngồi văn phòng và đọc suốt ngày”. Chỉ tay vào những trang sách và hàng đống giấy tờ, ông nói: “Đọc 500 trang như thế mỗi ngày là cách để tích lũy kiến thức và bồi dưỡng sự thông minh”.

Thế nhưng, chúng ta cũng không nên gói gọn việc đọc sách là chỉ đọc sách hay tài liệu trên giấy thuần túy. Với thời đại công nghệ hiện nay, sách hay tài liệu rất đa dạng: Chúng có thể là những trang sách, trang báo giấy, sách điện tử hay là những trang “sách hình” – các bộ phim khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, hoặc thậm chí cả những người bên cạnh ta cũng có thể là những “cuốn sách di động”. Đọc sách nào không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta đọc sách để tích lũy kiến thức.

Tỷ phú Jack Ma cho rằng “con người chính là một cuốn sách rất đáng để đọc, tôi thấy rằng công ty của chúng tôi có 24 ngàn nhân viên, họ chính là 24 ngàn cuốn sách với những nội dung hoàn toàn khác nhau. Trải nghiệm sống và cách giải quyết vấn đề của mỗi người trong số họ đều nằm ngoài sự suy đoán của tôi”.

Cũng như cậu bé dùng giỏ than xách nước, việc đọc sách không thể thấy ngay kết quả. Thậm chí, bạn còn không nhận ra những thay đổi, những kết quả đạt được, tuy nhiên, nó sẽ dần thấm sâu vào trí thức của chúng ta, giống như những giọt nước đã ăn sâu, cuốn trôi hết bụi bẩn trên chiếc giỏ kia một cách từ từ chậm rãi mà chính bản thân cậu bé cũng không thể nhận ra.

Học giả Voltaire cho rằng “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.

Và, để tối ưu hóa việc đọc sách cũng như mang đến một cái nhìn có phần cụ thể hơn về thói quen hữu ích này, tác giả của How to read a Book – Mortimer Adler đã chia quá trình đọc sách thành 4 cấp độ, bao gồm:

Sơ cấp: Đúng như tên gọi, ở cấp độ này, người đọc chỉ đọc và dõi theo dàn ý cơ bản hoặc tối thiểu của cuốn sách.

Kiểm tra: Về cơ bản, đây được xem như đọc lướt. Bạn sẽ xem xét những điểm nổi bật trong sách, đọc phần mở đầu, kết luận và cố gắng tiếp thu những nội dung cơ bản tác giả muốn truyền đạt.

Phân tích: Đây là cấp độ đòi hỏi người đọc phải đi sâu vào chủ đề và nội dung cuốn sách. Bạn đọc chậm, kỹ lưỡng, thậm chí còn đọc lại những đoạn quan trọng. Bạn ghi chú các điểm đáng chú ý, tra cứu thêm thông tin chưa rõ bằng cách tham khảo tài liệu liên quan.

Khái quát: Đây là cấp độ giống như các giáo sư, nhà văn. Đây là cấp độ bạn cùng lúc đọc và tìm hiểu nhiều quyển sách về cùng 1 chủ đề và hình thành lập luận, ý tưởng của riêng mình. Bạn cũng có thể lấy ý tưởng đó ra so sánh với chính tác giả, bởi lúc đó bạn đã là một chủ thể riêng biệt.

Những gì bạn tích cóp, bạn nghiên cứu đã là của bạn. Để đạt được cấp độ này, bạn cần là người đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, những kiến thức bạn dùng không chỉ từ một vài quyển sách bạn đang đọc, mà là những thứ được tích lũy trong đầu bạn, chỉ chờ cơ hội liên kết để bung ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.