Một nhóm những tỷ phú giàu có như Elon Musk, Larry Ellison hay Richard Branson đang thực hiện những ý tưởng được cho là “điên rồ” nhưng có tiềm năng thay đổi thế giới.
Yuri Milner – một tỷ phú người Nga đang muốn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi lớn: Liệu con người có phải là những kẻ đơn độc trong vũ trụ này hay không? Ông cùng với Mark Zuckerberg – ông chủ Facebook và nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đang triển khai dự án tìm kiếm tín hiệu người ngoài hành tinh, sử dụng 2 loại kính thiên văn radio lớn nhất thế giới hiện nay.
Đầu tháng 8, Milner cũng tiết lộ kế hoạch gửi một hạm đội phi thuyền không gian cỡ nhỏ chạy bằng tia laser và được trang bị tất cả các loại cảm biển đến Alpha Centauri (hệ ba ngôi sao gần với hệ Mặt Trời nhất. Khi nhìn lên bầu trời từ Trái Đất, Alpha Centauri là ngôi sao sáng thứ ba trên bầu trời), cách Trái Đất 40 nghìn tỉ km.
Richard Branson – ông chủ Virgin Group và Elon Musk, doanh nhân đang điều hành Tesla – một công ty sản xuất xe ô tô điện đều đã thành lập nên những dự án không gian đầy tham vọng gồm Virgin Galactic và SpaceX. Trong khi tỷ phú Branson muốn biến du lịch không gian thành một ngành công nghiệp thực thụ thì Elon Musk lại tham vọng đạt mục tiêu cuối cùng là “cho phép con người sống được trên những hành tinh khác”.
Elon Musk đang thực hiện tham vọng phóng tên lửa vào không gian đầy tham vọng cùng SpaceX:
Nếu xưa kia, cuộc chiến trong lĩnh vực không gian là cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa tư bản và cộng sản thì ngày nay nó là cuộc đua giữa những nhà tư bản cá nhân.
Không gian không phải là lĩnh vực mới mẻ duy nhất mà các tỷ phú muốn chinh phục. Sergey Brin – đồng sáng lập Google hy vọng rằng trong tương lai có thể cung cấp các loại thịt sản xuất từ tế bào gốc.
Elon Musk còn đang nghĩ tới một loại phương tiện tốc độ cao, tưởng chừng chỉ có thể thấy ở trong phim ảnh bởi ông “rất thất vọng” khi đọc về dự án đường sắt cao tốc ở California và Anh.
Cuối cùng, các ông trùm tư bản còn đang đặc biệt hứng thú với cuộc chiến chống lại thần chết. Peter Thiel – đồng sáng lập PayPal tuyên bố rằng: “Nhiệm vụ chưa hoàn thành vĩ đại nhất trong thế giới hiện đại ngày nay đó là biến cái chết từ một điều hiển nhiên trong cuộc sống trở thành một vấn đề cần được giải quyết”.
Larry Ellison – chủ tịch hãng phần mềm Oracle nói: “Tôi chưa bao giờ bận tâm tới cái chết. Làm sao một ai đó có thể ở đây và sau đó biến mất được?”
Cả 2 người đàn ông kể trên đều đang chi rất nhiều tiền cho các dự án khác nhau với mục tiêu tìm ra phương pháp đẩy lùi quá trình lão hoá. Dmitry Itskov – một triệu phú Internet người Nga thậm chí hùng hồn tuyên bố rằng mục tiêu của anh là sống tới năm… 10.000 tuổi.
Trên thực tế, trong lịch sử cũng chứng kiến rất nhiều tỷ phú giàu có mang trong mình những ý tưởng lớn, đầy tham vọng như vậy. Các tay buôn cự phách – những người từng thành lập nên các doanh nghiệp như London Company vào thế kỷ 17 muốn xây dựng đế chế kinh doanh đa ngành nghề trên khắp các vùng biển.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chứng kiến lượng tài sản khổng lồ tập trung trong tay một nhóm người tạo ra những công ty của riêng họ. Những nhà kinh doanh lừng lẫy trong lịch sử như Andrew Carnegie hay John Rockeller nắm trong tay lượng lớn cổ phần công ty của họ giống hệt như nhà sáng lập Facebook và Google đang kiểm soát cổ phần tại công ty họ sáng lập thời điểm hiện tại. Hệ thống chính trị hiện tại không có khả năng đối phó với tốc độ của những thay đổi và vì vậy các doanh nhân cảm thấy họ cần có trách nhiệm gánh vác trọng trách này.
Hàng loạt những nhà công nghiệp bao gồm cả William Lever ở Anh, J.N Tata tại Ấn Độ và Milton Hershey tại Mỹ đã thành lập nên những “company town” với ý định có thể đấu tranh với những vấn nạn của ngành công nghiệp.
Carnegie – một ông trùm thép và Alfred Nobel – một nhà tư bản khét tiếng đều tâm đắc với ý tưởng loại bỏ chiến tranh mãi mãi. Henry Ford từng công bố một loạt các chương trình đầy tham vọng nhằm cải thiện thế giới bao gồm việc tạo ra xe hơi. Trong năm 1915, ông cũng hỗ trợ tiền cho một chuyến đi đến châu Âu, nơi Chiến tranh thế giới thứ nhất đang sắp nổ ra, cho ông và 170 lãnh đạo hòa bình nổi tiếng khác với ý định đàm phán để “chấm dứt chiến tranh”.
Xét về thế hệ các tỷ phú thì dường như đã có sự thay đổi về phong cách. Không ai trong số những tỷ phú ngày nay chi tiền một cách nghiêm túc cho vấn đề hoà bình. Tuy nhiên, tâm lý của những người giàu có nhất dường như đều giống nhau. Thế hệ tỷ phú mới và cũ đều đang cho thấy sự pha trộn thần kỳ giữa những phẩm chất tốt và xấu, tài năng xuất chúng trong việc giải quyết vấn đề, tư duy mới mẻ, lòng tự trọng và vị tha.
Dẫu vậy, đâu đó chúng ta vẫn tìm thấy những cái tôi riêng. Những tỷ phú này cố gắng cạnh tranh với nhau để tạo ra những thay đổi đáng kể nhất và nhiều khi, nó là cuộc đua xem ai điều hành và tạo nên những doanh nghiệp thành công nhất. Điều này lý giải tại sao cùng là thách thức chinh phục vũ trụ bao la, có tỷ phủ ôm tham vọng phóng tên lửa vào quỹ đạo còn có người lại muốn đưa tàu vũ trụ tới Alpha Centauri.
Cũng phải thừa nhận rằng bên cạnh đó vẫn còn những nỗ lực đi không đúng hướng. Món quà 100 triệu USD mà Mark Zuckerberg – nhà sáng lập Facebook dành để làm từ thiện không mang tới nhiều cải thiện đáng kể cho những trường học ở Newark. “Chuyến tàu chấm dứt chiến tranh” kể trên của Henry Ford không nhận được sự ủng hộ của chính phủ và cuối cùng nó trở thành mục tiêu của nhiều sự nhạo báng. Báo chí khi ấy dành những tựa như: “Con tàu của những kẻ ngu xuẩn” hay “Sự điên rồ của con người vĩ đại” cho sự kiện này.
“Những gã điên thiên tài”
Tuy nhiên, sự điên rồ đó có nhiều điểm tốt hơn là gây hại. Những doanh nhân giàu có kể trên không chỉ tạo ra những dự án không tưởng mà họ còn mang lại những suy nghĩ mới mẻ. Ý tưởng của tỷ phú Milner về việc liên lạc với người ngoài hành tinh thách thức một số giả định với những kết luận chưa được kiểm chứng của đội ngũ cán bộ quan liêu ở Hoa Kỳ về việc sử dụng những tàu không gian cỡ nhỏ và laser thay vì tàu cỡ lớn và tên lửa chạy bằng nhiên liệu.
Những tỷ phú tài năng nhất tỏ rõ họ là bậc thiên tài trong việc kết hợp những ý tưởng tuyệt vời với chủ nghĩa thực dụng sâu sắc. Ví dụ điển hình là việc quỹ Gates Foundation đang nhắm tới mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn bệnh bại liệt và sốt rét.
Thậm chí đôi khi, những ý tưởng điên rồ có thể mang lại nhiều ý nghĩa mà không cần đạt được mục tiêu cuối cùng: Quỹ hoà bình quốc tế Carnegie và giải Nobel hoà bình đã phần nào cải thiện thế giới dù chúng không thể loại bỏ chiến tranh. Nhìn chung, bạn sẽ chẳng thể nào thay đổi thế giới mà không hoá giải được hết “những vấn đề cần được giải quyết” trong cuộc sống của con người.
Theo Trí Thức Trẻ/The Economist