Một nền kinh tế không có cạnh tranh thì không thể phát triển, một tổ chức không có thi đua thì không tiến bộ. Chuyện cạnh tranh với doanh nhân là rất bình thường.
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank đã nói như vậy khi chia sẻ về những thăng trầm trong đời doanh nhân của mình tại sự kiện “Chiến lược đến thực thi và trải nghiệm thương trường” (ngày 1/10, do BizLIVE và Group Quản trị & Khởi nghiệp tổ chức tại TP.HCM).
“Điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”
Theo ông Thành, muốn giải mã được 5 chức trách đó phải thông qua công tác quản trị. Doanh nghiệp không có tuổi thọ, doanh nhân mới có tuổi thọ. Để tự tin, quyết đoán và nhất quán trong mọi quyết định, doanh nhân phải biết thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến từ mọi phía, mọi cấp. Xây dựng theo hình thức kim tự tháp sẽ tạo ra khái niệm không có quyền mà lại có quyền. Hiền tài phải có ở mọi cấp, hiền tài là những người gắn bó với mình, còn nhân tài có thể thuê mướn bên ngoài. Phải tin vào những hiền tài để tạo sự thăng tiến cho họ ở tổ chức, nếu không họ sẽ ra đi. Phải gieo cho đội ngũ của mình ý nghĩa của kinh doanh, để họ cùng mình xây dựng nên một tổ chức đẹp.
Ông nói: “Chân dung của một doanh nhân theo tôi phải tạo giá trị gia tăng cho xã hội, cho khách hàng, cho nhân viên, cho nhà đầu tư và cho ngân sách Nhà nước. Nếu doanh nhân không giải mã được 5 chức trách đó sẽ khó tồn tại. Doanh nhân – chiến sĩ thời bình không được phép thất bại, vì thân bại thì danh liệt. Phải điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”.
>> Những kinh nghiệm xương máu của ông Đặng Văn Thành
Nhấn mạnh đến quản trị con người, ông Thành nói: “Rủi ro của mọi rủi ro là con người. Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng không phải sở hữu của chúng ta. Ông chủ doanh nghiệp có thể mua chiếc xe hơi đắt giá, nhưng không thể mua con người bằng tiền được. Vậy làm sao giữ họ? Phải có chính sách, cơ chế. Tập đoàn của tôi bây giờ có 400 chiếc xe con. Sáng đi làm thấy nhân viên của mình đi xe hơi, đọc báo, tôi thấy vui lắm. Thực hiện chính sách lưu động đối với tổng giám đốc/giám đốc tại các công ty thành viên, cho họ nghỉ phép liên tục 15 ngày. Giám đốc hết hạn bổ nhiệm 1 nhiệm kỳ, hãy điều động về tập đoàn để được bồi dưỡng, nâng cao. Làm như vậy sẽ trị được bệnh ngôi sao, để họ thấy “không có mợ thì chợ vẫn đông”.
“Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là vĩnh cửu”
Để phát huy khả năng làm việc theo nhóm, theo ông Thành, lãnh đạo không nên làm việc một mình, phải tin vào bộ máy. Phải có nghệ thuật tạo sinh khí làm việc thân thiện, hiệu quả, đoàn kết nội bộ. Mình là chủ doanh nghiệp, phải truyền đạt đến toàn thể cán bộ công nhân viên biết chiến lược của công ty, cho họ thấy “Ngày sao nhanh quá, năm sao chậm quá” để họ yên tâm, gắn bó với công ty, không bị sao lãng bởi đối thủ, tự hào đứng trong tổ chức lớn, gìn giữ vun đắp nó. Chiến lược phát triển đâu cần bảo mật, hãy để cho nhân viên hiểu và tự hào với chiến lược đó.
Để cùng lớn mạnh và trưởng thành với công ty, hơn ai hết người lãnh đạo phải tự hoàn thiện bản thân. Ông Thành chia sẻ: “làm lãnh đạo thì lời nói và hành động phải chuẩn mực, gương mẫu trong công việc lẫn trong cuộc sống. Vị tha nhưng không dễ dãi đối với cán bộ công nhân viên, gần gũi nhưng không xuề xòa. Có tinh thần cầu tiến, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo. Suy nghĩ và hành động hệ thống, phát huy thời gian biểu cá nhân. Người lãnh đạo phải thấy mình yếu chỗ nào để bổ khuyết. Con người không bao giờ là hoàn thiện cả, phải lấy kinh nghiệm của mình cộng với sức bật của người trẻ, sẽ tạo cho mình hoàn thiện. Cán bộ Sacombank 80% do tôi đào tạo hết. Họ góp ý mình nghe, còn quyết là mình. Nếu mình tự tin, chuyên nghiệp, ai giật dây được mình”.
>> Ông Đặng Văn Thành: Tôi vẫn chọn làm doanh nhân
Theo ông Thành, người lãnh đạo giỏi phải là hạt nhân của những người tài, biết khơi gợi tinh thần trách nhiệm của cán bộ công nhân viên. Trau dồi khả năng hùng biện qua việc đọc sách. Một ngày đọc tối đa 2 tờ báo và tham khảo sách: “Nguyễn Hiến Lê là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, để tập thói quen lắng nghe và thói quen khái quát, có kỹ thuật truyền lửa, hùng biện. Cái này có thể học được”, ông Thành nói.
“Những doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia không được ăn xổi ở thì. Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là vĩnh cửu. Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, mất uy tín là mất hết. Nhận diện thương hiệu đòi hỏi giá trị thương hiệu. Tôi khái niệm về quảng cáo khác người ta, phải nhồi đi nhồi lại, nhắc tới nhắc lui để người ta nhớ về mình. Còn PR là người ta nói về mình. Dục tốc bất đạt, phải tự tin nuôi dưỡng, vun đắp cho thương hiệu. Nhớ là đừng vội. Thương hiệu không phải của mình đâu, mà của đất nước Việt Nam”, ông Thành kết luận.