Công nghệ đã khiến nhiều ngành thay đổi chóng vánh. Và đương nhiên, bản thân ngành công nghệ cũng đổi thay nhanh hơn bao giờ hết. Ngành di động cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Chỉ trong vòng 3 năm, thứ hạng các thương hiệu trên thị trường di động Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng.
Theo thống kê từ GfK, ngôi vương thị phần di động tại Việt Nam vẫn thuộc về Samsung. Thương hiệu đến từ Hàn Quốc ngày càng tỏ ra vượt trội các đối thủ khi tiếp tục mở rộng thị phần, tăng từ hơn 30% năm 2014 lên xấp xỉ 35% trong 5 tháng đầu năm 2016.
Tuy nhiên, vị trí số 2 là mới là tâm điểm của cuộc cạnh tranh, khi chứng kiến “tân binh” OPPO vượt mặt Microsoft (thương hiệu smartphone Lumia, trước đây là Nokia). Mấu chốt nằm ở chỗ, kết quả đã sớm ngã ngũ chỉ sau 3 năm Oppo vào Việt Nam và Nokia về tay Microsoft.
Khoảng dăm bảy năm trước, Nokia luôn là cái tên làm mưa làm gió trên thị trường di động tại Việt Nam. Dẫn đầu thị phần trong nhiều năm, người Việt luôn biết đến Nokia với cảm quan thương hiệu có độ bền cao & giá tốt.
Tuy nhiên, sau khi bị Samsung vượt qua vào đầu năm 2012, đặc biệt là sau khi bán mảng di động cho Microsoft năm 2013, thương hiệu điện thoại Nokia dần lu mờ và biến mất.
Thị phần di động của Microsoft nhanh chóng lao dốc sau khi thâu tóm Nokia, từ hơn 26% năm 2014, xuống 15,5% năm 2015.
Năm 2013, khi Nokia bán mảng di động cho Microsoft thì Oppo cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Bằng chiến lược gia nhập thị trường tốt, thương hiệu Trung Quốc này đã có bước tăng trưởng rất nhanh chóng.
Trong vòng 3 năm, từ 2014 đến 2016, thị phần của Oppo từ vỏn vẹn 7% đã tăng lên 15,1% (2015) và đạt 21,8% thị phần sau 5 tháng 2016.
Một điểm đáng quan tâm, đó là thị trường di động Việt Nam trong 3 năm qua vẫn tăng trưởng đều đặn. Năm 2015, thị trường tăng trưởng hơn 30%, từ 9,8 triệu máy lên gần 13 triệu máy. Từ đó, có thể thấy Oppo đã phát triển mạnh như thế nào. Con số 15,1% thị phần năm 2015, tương đương với gần 2 triệu điện thoại Oppo đã được bán ra tại Việt Nam.
Có lẽ Microsoft/Nokia là nạn nhân lớn nhất của Oppo tại Việt Nam. Đây là hệ quả của vụ thâu tóm không đi đến đâu giữa Microsoft và Nokia. Kết quả là cả mảng smartphone và feature phone của doanh nghiệp này đều thất bại và dần biến mất khỏi thị trường. 5 tháng đầu năm 2016, thị phần di động tại Việt Nam của Microsoft chỉ còn chưa đầy 5%.
Oppo đã làm gì trong 3 năm tại Việt Nam?
Là thương hiệu điện thoại Trung Quốc, nhưng Oppo rất biết cách tấn công thị trường smartphone Việt thông qua việc liên kết với những ngôi sao trẻ “hot” nhất trên thị trường.
Từ năm 2014, người xem truyền hình Việt bắt đầu nhìn thấy Oppo ở khắp mọi nơi, đặc biệt là kênh truyền hình giải trí quốc gia – VTV3.
Oppo trở nên quen thuộc với khán giả với tư cách nhà tài trợ cho các chương trình thực tế/gameshow truyền hình giải trí trên VTV3, như Bố ơi mình đi đâu thế, The remix – Hòa âm ánh sáng (mùa đầu tiên có mặt Sơn Tùng MTP và Tóc Tiên – 2 gương mặt đại diện của Oppo), Táo quân 2015… Tất cả các chương trình này đều rating cao vút.
Năm 2014, bộ phim “Chàng trai năm ấy” (vai chính là ca sĩ Sơn Tùng MTP) do Oppo tài trợ đã “cháy vé” nhiều ngày sau khi ra rạp.
Ngoài Sơn Tùng, Oppo cũng kí hợp đồng được với một loạt sao “hot” được giới trẻ thần tượng như Tóc Tiên, Chipu, Hồ Ngọc Hà, Lý Quý Khánh…
Bên cạnh quảng bá là hoạt động phân phối, mạng lưới phân phối của Oppo được đầu tư phát triển khá mạnh với việc hiện diện ở hầu hết các điểm bán lẻ di động, siêu thị.
Xuất hiện với tần suất dày đặc, hãng điện thoại này đã tạo một làn sóng mới mà bất kì marketer nào cũng mong muốn tạo được cho thương hiệu của mình.
Quảng cáo hay việc tài trợ nhiều cho các chương trình trên truyền hình không giúp tăng doanh số trực tiếp. Nhưng sự xuất hiện thường xuyên của một thương hiệu mới như Oppo giúp thương hiệu được nhắc đi nhắc lại trong tâm trí người tiêu dùng.
Và khi đối thủ thất thế (ở đây, rất tiếc cho Microsoft), Oppo đã chiếm lĩnh thị trường, một cách chóng vánh. Thậm chí, ngay cả ông lớn như Samsung có lẽ cũng nên dè chừng “tân binh” vừa lắm tiền vừa khôn ngoan này đi là vừa.