Trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Facebook, Việt Nam tìm thế đối trọng, kể cả việc xây dựng một mạng xã hội thay thế.
Chính phủ Việt Nam vừa đưa ra đề nghị cho startup chưa từng có ở Đông Nam Á: tạo một mạng xã hội riêng. Nếu chính sách này thành công, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích vô hình bên cạnh việc thu lại được hàng trăm triệu USD thất thoát từ quảng cáo trực tuyến.
Facebook phủ tầm ảnh hưởng
Giống như nhiều người thuộc thế hệ 5x, bà Phan Thị Ngọc Anh, quận 3, TP.HCM, chưa từng tiếp cận với internet hay mạng xã hội. Hai tháng trước, bà Anh bắt đầu sử dụng internet và Facebook là ứng dụng được chọn để kết nối với thế giới ảo thay vì các ứng dụng khác như Zalo chẳng hạn. Lý do, theo bà Anh, vì nhiều người thân của bà đang “ở” trên đây. Thật ra không chỉ mình bà Anh, nhiều tài khoản ảo của các thành viên trong các hộ gia đình ở Việt Nam đều “tụ tập” ở trên Facebook để trò chuyện, tán ngẫu, kết nối…
Đây cũng là lý do chính giúp mạng xã hội này thống trị về mặt thị phần người sử dụng ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nếu TP.HCM có sức chứa 10 triệu người, thì phải cần 200 thành phố như vậy để đón lượt khách ghé thăm Facebook mỗi tháng tính từ đầu năm đến nay.
Chính vì thế, lời gợi ý đã đến lúc Việt Nam cần có một mạng xã hội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể nói là “táo bạo” vì cho đến thời điểm hiện tại, rất hiếm chính phủ ở các quốc gia đang phát triển khuyến khích startup cạnh tranh với các mạng xã hội nước ngoài như Facebook vì tốn kém và không hiệu quả. Thực tế, Việt Nam cũng từng có đề án phát triển mạng xã hội thanh niên Việt Nam với ngân sách lên tới 200 triệu USD.
Với kế hoạch mới cho mạng xã hội Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất một số chính sách ủng hộ và tạo điều kiện phát triển giai đoạn đầu. Mục tiêu đến năm 2022 phấn đấu bằng hoặc hơn số tài khoản của Facebook tại Việt Nam (khoảng 60 triệu tài khoản, chiếm 60-70% thị phần).
Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra sự “nguy hiểm” của ứng dụng màu xanh hình chữ F trông có vẻ vô hại này ngay từ những ngày đầu. Thông qua việc cung cấp nền tảng lưu trữ thông tin và chia sẻ miễn phí, Facebook có hàng tỉ GB dữ liệu người sử dụng để phân tích chính xác hành vi khách hàng trên mạng rồi bán lại cho doanh nghiệp với giá cao.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên nói không với Facebook và các mạng xã hội nước ngoài khác. Sau khi bị chặn tại Trung Quốc vào năm 2009 vì lý do an ninh quốc gia, ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg đã có rất nhiều nỗ lực để trở lại thị trường này từ việc mở văn phòng, công ty con, mua lại các công ty địa phương, tạo quan hệ tốt với các quan chức chính phủ cho đến việc tự bản thân học tiếng Hoa.
Một trong những nỗ lực gần đây suýt thành công của Zuckerberg là trung tâm sáng tạo “một ngày” tại Hàng Châu, đại bản doanh của Alibaba. Theo Reuters, Facebook đang mở một công ty con (Facebook Technology vốn dự tính là 30 triệu USD) để đầu tư vào các startup và kỹ sư địa phương vào cuối tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, căng thăng thương mại Mỹ – Trung nổ ra khiến giấy phép của trung tâm này bị rút trong vòng chưa đến 24 giờ. Vào năm ngoái, mạng xã hội này đành đi đường vòng và âm thầm tung ra một ứng dụng tên Colorful Balloons dưới tên Công ty Youge Internet Technology. Youge là công ty con của Oculus và Oculus thì lại gọi Facebook là “cha”.
Nhiều chuyên gia nhận định thất bại của Facebook Technology cũng sẽ chỉ làm cho Facebook nóng lòng hơn tìm phương thức mới tiến công thị trường 1,4 tỉ dân này. Bước đi tiếp theo của Zuckerberg sẽ có thể giống Yahoo, là mua lại cổ phần của một công ty công nghệ địa phương, như Yahoo đã đầu tư vào Alibaba. Về phía Chính phủ Trung Quốc, cánh cửa đóng lại với Facebook từ năm 2009 lại mở ra một cơ hội cho mạng xã hội trong nước. Đó là WeChat (thuộc sở hữu của Tencent), với 900 triệu người dùng hằng ngày.
Ngược lại với Facebook, WeChat lại bắt đầu là một ứng dụng nhắn tin (Facebook Messenger xuất hiện sau Facebook). Hệ sinh thái của WeChat được phát triển nhanh chóng và đa dạng, thậm chí còn vượt xa hơn Facebook khi cung ứng cả các dịch vụ tài chính.
Tuy WeChat Pay xuất hiện cách đây chưa lâu nhưng đã được đánh giá là đối thủ tiềm năng của các tên tuổi trong ngành tài chính như Visa, MasterCard và American Express. Ngoài hưởng lợi từ chính sách bài ngoại và sự am hiểu thị trường của một sản phẩm địa phương, sinh sau đẻ muộn cũng mang lại cho WeChat lợi thế thời điểm, khi Tencent không phải đi khai phá thị trường khi thiết lập mạng xã hội trong vài năm sau.
Cú hụt chân ở Trung Quốc chưa phải là vận đen duy nhất của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này trong năm nay. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là thời điểm nổ ra vụ bê bối dữ liệu Facebook-Cambridge Analytica cũng là lúc mà Quy định Bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR) bắt đầu có hiệu lực.Zuckerberg đã có nhiều phiên điều trần với chính phủ của nhiều nước về vụ rò rỉ thông tin nhận dạng cá nhân của 87 triệu người sử dụng bởi một công ty chuyên khai thác thông tin cá nhân là Cambridge Analytica. Trên thực tế, thu thập dữ liệu cá nhân và hành vi của người sử dụng để giúp tối ưu hóa quảng cáo là việc đã được làm từ lâu bởi các bigtech (công ty công nghệ lớn), chứ không chỉ là Facebook.
Trong phiên điều trần về vụ bê bối này với Hạ viện Mỹ, Zuckerberg luôn khẳng định chỉ thu thập và phân tích thông tin cá nhân của người dùng nhằm mục đích tối ưu hóa trải nghiệm phù hợp với từng cá nhân người sử dụng, chứ không phải là tạo lợi nhuận cho bên thứ ba là các công ty mua bán dữ liệu người dùng Facebook. Tuy nhiên, thiết kế của Facebook vào năm 2014, tại thời điểm vụ bê bối Cambridge Analytica bắt đầu hình thành, lại cho phép công ty này thu thập dữ liệu không chỉ của người trực tiếp sử dụng mà còn của cả bạn bè của họ.
Việc này khá nguy hiểm khi các dữ liệu này được sử dụng vào các mục tiêu chính trị, như dẫn dắt dư luận trong các cuộc bầu cử, điển hình như trường hợp tranh cử của Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz. Cụ thể, Cambridge Analytica đã phân tích các dữ liệu cá nhân và định hướng các nội dung hiện ra trên mạng xã hội của người sử dụng. Việc định hướng nội dung này bóp lệch góc nhìn và nhận định của người sử dụng khi tiếp cận quá nhiều với một khía cạnh của thông tin thay vì thông tin đa chiều.
Trong khi các phiên điều trần của Zuckerberg chưa kết thúc thì GDPR đã có hiệu lực vào thời điểm không thể tốt hơn. Trên thực tế, GDPR đã có lộ trình chuẩn bị cho thời điểm có hiệu lực từ 2 năm trước. GDPR có thể hiểu đơn giản là dữ liệu buộc phải phân loại theo ba nhóm là thông tin từ các nguồn công khai (như các báo cáo thông kê), các thông tin ẩn danh và thông tin từ người sử dụng.
Theo một kỹ sư lập trình từ Google Translate chia sẻ cùng NCĐT, việc áp dụng GDPR đã được các bigtech thực hiện từ lâu và luật này chỉ thực sự ảnh hưởng đến các công ty công nghệ nhỏ khi các công ty này không có đủ kinh phí và nguồn lực để phân loại dữ liệu. Mặt khác, GDPR làm tăng lợi thế cạnh tranh của bigtech như Facebook. Với mức phạt từ 2-5% doanh thu và có thể đạt đến 20 triệu euro, các bigtech đã có lộ trình chuẩn bị từ khá lâu trước khi GDPR có hiệu lực vào cuối tháng 5 vừa qua. Có thể thấy, nhiều nước trên thế giới đã mở các cuộc “phản công” Facebook theo nhiều cách khác nhau.
Về vấn đề này tại Việt Nam, ông Trần Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty MOG Việt Nam, cho rằng, nếu cấm Facebook tại Việt Nam thì người dùng sẽ dùng các mạng xã hội trong nước vì họ không có lựa chọn. Tuy nhiên, vấn đề là Facebook kết nối toàn cầu nên việc kết nối, kinh doanh từ Việt Nam ra thế giới sẽ khó khăn. Mặc dù là thị trường trong top 10 của Facebook nhưng nếu không có hệ sinh thái số Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam thì Việt Nam không có sức mạnh đàm phán với Facebook hay Google.
Startup đối đầu với người khổng lồ
Có thể thấy, mặc dù bị “tấn công” trên toàn cầu nhưng sức mạnh của công ty 500 tỉ USD như Facebook vẫn chưa thể suy chuyển. Theo quan điểm của ông Julien Trần, luật sư từ FIDAL Asiattorneys, GDPR sẽ củng cố việc bảo vệ dữ liệu của người dùng đối với mạng xã hội vì dữ liệu chỉ được “mượn” bởi các công ty. Người sử dụng sẽ có toàn quyền với thông tin cá nhân của mình và các sản phẩm sẽ phải bắt buộc thiết kế theo chuẩn hóa thông tin GDPR. Các công ty công nghệ cũng sẽ có sự sắp xếp tốt hơn về mặt thị trường, khi chỉ có những công ty thực sự lớn mới có thể tồn tại ở châu Âu.
Vì vậy, việc chuẩn hóa phân loại và lưu trữ dữ liệu phải được thực hiện đồng bộ trên tất cả các thị trường chứ không phải chỉ ở nơi mà GDPR có hiệu lực là tại châu Âu. “Điều GDPR có thể ảnh hưởng đến Facebook hiện nay là tạo ra một khoản chi phí khá lớn dùng để phân loại dữ liệu mà thôi”, ông Julien Trần nói. Bên cạnh đó, mạng xã hội này còn có các mạng xã hội vệ tinh xoay quanh như WhatsApp hay Instagram. Theo ông Kurokawa Kengo, Giám đốc Điều hành Asia Plus, nếu tính luôn Facebook, cả ba hiện đang nằm trong top 4 mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam.
Đó là chưa kể các mạng xã hội đang tiến đến một hình thái mới, nhiều tiện ích hơn được gọi là “siêu ứng dụng”. Theo đó, thông qua các ứng dụng mạng xã hội người sử dụng có thể nhắn tin, đặt xe, gọi món, chuyển khoản… Và sân chơi này không chỉ có Facebook mà còn có các doanh nghiệp được định giá hàng tỉ USD của Đông Nam Á tham gia như Grab (Malaysia), Go-jek (Indonesia), LINE (Hàn Quốc)…
Grab sau khi tung ra dịch vụ GrabFresh, ông Anthony Tan, Giám đốc Điều hành kiêm nhà sáng lập, cũng không giấu tham vọng đưa Grab thành siêu ứng dụng ở Đông Nam Á. Nhất là vào thời điểm công ty này công bố vừa nhận thêm 2 tỉ USD trong vòng gọi vốn hiện tại.
Việt Nam nhiều khả năng sẽ không thể tạo ra một hàng rào bảo vệ các công ty trong nước như Trung Quốc. Do đó, dù được Chính phủ gợi ý nhưng hành trình của các startup sẽ không hề dễ dàng. Trên thực tế, những năm 2010-2012, khi Facebook vẫn chưa trở thành một thế lực như hiện nay, thị trường Việt Nam từng khá sôi nổi với các mạng xã hội “Made in Vietnam” như go.vn, tamtay.vn, Yobanbe… nhưng đến nay phần lớn đều đóng cửa.
Theo ông Hán Hữu Hải, Chủ tịch YourTV Group, một mạng xã hội theo mô hình video, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc rời cuộc chơi của các công ty Việt Nam. Đầu tiên, xin giấp phép mạng xã hội thời điểm đó rất khó, cơ quan quản lý chỉ cho đăng ký vài chủ đề mà mạng xã hội đó sinh hoạt, không đa dạng như các mạng của quốc tế.
Thứ hai là mô hình kinh doanh chưa rõ ràng, việc kỳ vọng vào mô hình miễn phí để có lượng người sử dụng lớn hơn 100.000 người nhằm bán quảng cáo không dễ thực hiện. Cho dù có, cũng không đủ chi phí hệ thống. “Gánh nặng tài chính khiến nhiều đại diện Việt Nam bỏ cuộc chơi hoặc bán lúa non”, ông Hải nói.
Tính đến thời điểm tại, Việt Nam có đại diện tiềm lực nhất tham gia là Zalo của VNG. Công ty này tuyên bố có 100 triệu người sử dụng và mới đây cũng phát đi dấu hiệu tham gia vào sân chơi siêu ứng dụng như các đối thủ quốc tế. Điểm mạnh của Zalo là khả năng kết nối với chính quyền các tỉnh để cung cấp dịch vụ chính quyền điện tử cho người dân. Người dân tra cứu và nhận kết quả của hơn 2.000 thủ tục hành chính trên Zalo, bao gồm: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, nhập quốc tịch Việt Nam, cấp đổi sổ hộ khẩu, thành lập hộ kinh doanh…
Mặc dù vậy Zalo vẫn tồn tại những điểm hạn chế. Theo ông Kurokawa Kengo của Asia Plus, người sử dụng ứng dụng này hiện chỉ dừng ở việc nhắn tin. “Facebook được sử dụng với nhiều mục đích đa dạng hơn”, ông Kurokawa Kengo nói. Điều này không tốt cho Zalo khi kêu gọi các nhà cung cấp tham gia nền tảng của họ trong tương lai, nhất là trong sân chơi với các đại gia công nghệ quốc tế.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp mới tham gia mạng xã hội, cơ hội không hẳn đã chấm dứt. Có thể lấy thị trường Trung Quốc làm ví dụ, mặc dù chính phủ cấm cửa Facebook để bảo vệ nhóm công ty trong nước nhưng bản chất các doanh nghiệp này phải cạnh tranh lẫn nhau để có chỗ đứng.
Có thể thấy top 10 bảng xếp hạng mạng xã hội phổ biến Trung Quốc trong thời gian qua không thay đổi nhưng nhóm mới nổi luôn sôi động. Có thể kể đến các cái tên như Douyin (mạng xã hội video ngắn) hiện được định giá 8 tỉ USD, Pinduoduo mạng thương mại điện tử xã hội kết hợp mua theo nhóm vừa được định giá 30 tỉ USD. Song song đó là các mạng xã hội chuyên biệt như Xuequi (tài chính), Keep (chăm sóc sức khỏe), Xiao Hong Shu (mạng bán hàng dành cho nữ xuyên biên giới).
Việt Nam có khả năng tạo ra các thị trường mới nhờ vào lực lượng lập trình viên, các nhóm sáng tạo nội dung tốt. Bên cạnh đó, việc xin giấy phép hiện đã dễ dàng hơn từ khi người đứng đầu Chính phủ ngỏ lời về một mạng xã hội trong nước. Đó là tín hiệu tốt trong một sân chơi quá nhiều bigtech như hiện nay.