Từ đầu năm đến nay, một số nhà đầu tư nước ngoài đã không bỏ lỡ cơ hội mua bán – sáp nhập, hợp tác với các công ty sản xuất dược phẩm của Việt Nam nhằm mở rộng thị phần. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm luôn ở mức 2 con số, ngành dược vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nhắm đến.
Khối ngoại chớp thời cơ
Thực phẩm và đồ uống (F&B), giáo dục và dược phẩm là 3 lĩnh vực được các nhà đầu tư cho rằng “khó đường lỗ” khi tham gia bỏ vốn. Bởi dù trong thời kỳ ổn định hay suy thoái kinh tế, nhu cầu ăn uống, học hành và thuốc men vẫn không bị ảnh hưởng, đặc biệt ở những thị trường mới nổi và có dân số hơn 90 triệu người như Việt Nam.
Tháng 8/2016, Công ty Chăm sóc sức khỏe toàn cầu Abbott (Mỹ) hoàn tất thương vụ mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed. Tuy giá trị mua bán không được tiết lộ nhưng thông qua thương vụ này, Abbott đã trở thành một trong 10 công ty dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam.
Theo đó, việc có thêm 2 nhà máy sản xuất tân dược tại Khu công nghiệp VSIP 1 (Bình Dương) từ Glomed, Abbott sở hữu một danh mục thuốc gồm kháng sinh, tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, giảm đau, sức khỏe phụ nữ và nhóm sản phẩm không kê toa (OTC).
Có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 20 năm, Abbott hiện có hơn 3.400 nhân viên (bao gồm 845 nhân viên từ Công ty Glomed). Trong khi đó, về phía Glomed, theo đánh giá của VietnamReport, công ty này là một trong 100 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012 và hiện là một trong 5 thương hiệu thuốc hàng đầu Việt Nam.
Nói về thương vụ này, trong một thông báo, ông Ngô Văn Huy – TGĐ ngành hàng dược phẩm của Abbott Việt Nam cho biết, đến nay, Abbott có kế hoạch phát triển dựa trên những thành công của Glomed nhằm đảm bảo sự phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 7/2016, Taisho Pharmaceutial Holdings Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Taisho Holdings, Nhật Bản) thông báo về việc đã hoàn tất mua 24,5% cổ phần của Công ty CP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG).
Báo cáo về ngành dược năm 2015 của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín cho thấy, Dược Hậu Giang là doanh nghiệp dược lớn nhất niêm yết trên sàn và nếu tính cả doanh nghiệp nước ngoài thì Dược Hậu Giang nằm trong top 3 công ty đứng đầu với thị phần 2,4%, xếp sau 2 tập đoàn lớn là Sanofi (3,5% thị phần) và GlaxoSmithKline (3,2% thị phần). Dược Hậu Giang có hệ thống phân phối với 12 công ty con, 24 chi nhánh, 68 nhà thuốc tại các bệnh viện.
Thương vụ này nằm trong mục tiêu tăng cường đầu tư vào các thị trường toàn cầu, đặc biệt là Đông Nam Á của Taisho.
Việt Nam cũng không phải là thị trường xa lạ của Taisho. Từ năm 1963, tập đoàn này đã bước vào thị trường thế giới thông qua việc bán nước uống Lipovitan, đến năm 1996, Lipovitan có mặt tại Việt Nam.
Bên cạnh việc kinh doanh đồ uống, thực phẩm, Taisho đang mở rộng kinh doanh dược phẩm OTC tại khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và củng cố nền tảng thông qua hoạt động M&A như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Mexico và Việt Nam. Ở Việt Nam, Taisho đã có nhà máy sản xuất đặt tại Nha Trang.
Song song với mua cổ phần, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng hợp tác với các công ty dược Việt Nam để tận dụng hệ thống phân phối.
Chẳng hạn, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Pháp hồi tháng 9 vừa rồi, Tập đoàn Sanofi (thuộc nhóm 20 công ty dược lớn nhất thế giới, xét theo doanh thu) công bố lễ ký kết thỏa thuận tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam – Vinapharm.
Mục tiêu của việc hợp tác này bao gồm cả việc Vinapharm sẽ sản xuất và tiếp thị tất cả dược phẩm của Sanofi tại Việt Nam cũng như các dược phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Á – Thái Bình Dương.
Dù các tập đoàn dược phẩm nước ngoài chiếm ưu thế về những loại thuốc đặc trị nhưng hệ thống phân phối – mắt xích quan trọng tác động đến lợi thế thương mại, doanh thu vẫn do doanh nghiệp nội chi phối. Năm 2015, Công ty CP Traphaco (HoSE: TRA, thuộc nhóm 20 công ty có doanh thu đứng đầu ngành dược) ghi nhận một hướng phát triển mới khi ký hợp đồng phân phối sản phẩm với Sandoz thuộc Tập đoàn Novartis (Thụy Sĩ). Theo đó, chỉ trong một quý, sản phẩm của Sandoz đã tạo độ phủ tới hơn 7.000 khách hàng sỉ trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Quang Thuần – Giám đốc Điều hành Công ty Stoxplus bày tỏ, với ngành dược phẩm, hiện nay, doanh nghiệp ngoại không được phân phối thẳng đến các bệnh viện – kênh tiêu thụ phần lớn thuốc đặc trị và chiếm tỷ trọng lớn về nguồn thu của các công ty dược.
Do vậy, không ít nhà đầu tư trông chờ vào việc nới room cho khối ngoại cũng như giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong các công ty dược nội địa đang hoạt động hiệu quả trên sàn để nắm giữ cổ phần nhất định hoặc tăng tỷ lệ sở hữu.
– Báo cáo ngành dược phẩm quý III/2016 của Viracresearch cho thấy, tại Việt Nam, hiện có khoảng178 doanh nghiệp sản xuất thuốc nhưng đa phần tập trung ở dạng bào chế đơn giản, dạng generic, giá trị thấp và thiếu các loại thuốc đặc trị.
– Ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn các loại dược liệu, trong đó có khoảng 80 – 90% dược liệu sử dụng có nguồn gốc nhập khẩu. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam lớn nhất về dược liệu.
– Tỷ lệ đầu tư nghiên cứu thuốc mới của các công ty trong nước chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu trong khi đó các công ty nước ngoài là 15%.
Kỳ vọng tăng trưởng mức 10 – 15%/năm
Tính đến tháng 4/2016, thị trường có khoảng 30 doanh nghiệp ngành dược niêm yết trên các sàn HoSE, HNX và UPCOM với tổng vốn hóa gần 14.800 tỷ đồng. Trong đó có 13 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chính là HNX và HoSE, song đến 11 doanh nghiệp có sở hữu nhà nước khá cao, dao động từ 35 – 51% vốn điều lệ, như trường hợp của Dược Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm, Domesco…
Hầu hết những doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh khả quan. Điều này cho thấy, cơ hội M&A trong ngành dược khi nhà nước thoái vốn vẫn được nhà đầu tư “đặt cược”.
Ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam nay vẫn còn dư địa để phát triển. Bởi chi tiêu thuốc bình quân đầu người ở Việt Nam hiện quanh mức 35 – 37 USD/năm, thấp hơn so với nhiều quốc gia lân cận như Thái Lan (60 USD người/năm), Trung Quốc (100 USD người/năm).
Với tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao thì trong những năm tới, quy mô thị trường được đánh giá sẽ càng mở rộng. Cụ thể, năm 2013, tổng giá trị tiêu thụ thuốc của toàn thị trường đạt 3,3 tỷ USD, đến năm 2015, theo ước tính của VIRAC, giá trị ngành dược ước đạt 4,2 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên khoảng 8 – 10 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoài ra, VIRAC cũng đưa ra dự báo, trong thời gian tới, thị trường thuốc kê toa sẽ tăng trưởng vượt qua thị trường thuốc không kê toa (OTC) do sự xuất hiện của các dòng sản phẩm cấp bằng sáng chế đắt tiền từ nước ngoài và sự gia tăng nhu cầu về thuốc chất lượng cao, thuốc đặc trị.
Thêm nữa, ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số nhưng xu hướng tăng chậm lại. Bên cạnh đó, với tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại, các công ty dược phẩm trong nước sẽ đối diện với sức ép cạnh tranh lớn hơn từ các công ty nước ngoài do việc cắt giảm các hàng rào bảo hộ.
Hơn nữa, các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất thực phẩm chức năng, còn tân dược thì nghiêng về thuốc generic – dược phẩm hết thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (chiếm trên 50%), trong khi biệt dược lại là “sân chơi” của doanh nghiệp dược FDI. Do vậy, để tăng lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp nội phải tăng chi phí cho R&D (nghiên cứu – phát triển), hoặc hợp tác với những công ty dược nước ngoài nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Đánh giá về tiềm năng của ngành dược, Chris Freund – TGĐ Mekong Capital (đang đầu tư vào Traphaco) kỳ vọng thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 10 – 15% mỗi năm.
Theo Chris, thị trường này hiện đang tương đối phân mảnh nên những công ty được quản lý tốt sẽ tiếp tục giành được thị phần từ các công ty kém hiệu quả hơn, do đó sẽ có khả năng tăng trưởng nhanh hơn so với thị trường. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quản lý trong lĩnh vực dược phẩm nói chung hiện nay còn tương đối thấp nên không thiếu cơ hội để các công ty nhanh chóng giành được thị phần.
Theo ước tính của VIRAC, giá trị ngành dược ước đạt 4,2 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên khoảng 8 – 10 tỷ USD vào năm 2020.
Đại diện Mekong Capital cũng nhìn nhận, bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết, sắp tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước trong ngành dược thực hiện niêm yết. Cơ hội cho các nhà đầu tư là có nhưng cản ngại lớn nhất của những doanh nghiệp này nói chung thường là về mặt quản lý, muốn tạo sức hút lớn với nhà đầu tư, họ phải thực hiện những thay đổi lớn trong đội ngũ quản lý của mình. Trong khi đó, những công ty tư nhân được quản lý tốt có thể sẽ nổi lên như là những nhân tố định hướng thị trường.
Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư ngoại (doanh nghiệp sản xuất lẫn nhà đầu tư tài chính) từ trước đến nay luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các doanh nghiệp trong ngành dược. Chẳng hạn, Andy Ho – Giám đốc điều hành quỹ VOF (thuộc VinaCapital) luôn đánh giá cao khoản đầu tư của quỹ vào Dược Hậu Giang và thể hiện kỳ vọng sẽ tìm thấy khoản đầu tư tốt như thế trong tương lai. Trong khi ở mảng phân phối dược phẩm (chủ yếu là các chuỗi nhà thuốc, kênh OTC) cũng là lựa chọn nằm trong rổ hàng của nhà đầu tư.
Còn nhớ hồi đầu năm, Saigon Asset Management (SAM) đã công bố khoản đầu tư tương đương 15% cổ phần vào Công ty CP Đầu tư Mỹ Châu (sở hữu chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu). Sự tham gia của SAM sẽ giúp cho Mỹ Châu mở rộng hệ thống nhà thuốc (kể cả online và dịch vụ giao dịch giao thuốc tận nhà). Theo kế hoạch, trong vòng 3 năm, từ 2016 – 2019, cả 2 bên sẽ hướng tới mục tiêu mở rộng lên đến 80 nhà thuốc quy chuẩn tại 63 tỉnh thành cả nước.
“Chúng tôi vẫn trong tư thế tìm kiếm các khoản đầu tư mới, y tế, dược phẩm là những lĩnh vực khá hấp dẫn, bởi đây là những ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, vấn đề còn lại là việc xác định đâu là khoản đầu tư đáng giá”, Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SAM nhìn nhận.