Cầu may khi tìm việc

Nộp đơn cầu may khi tìm việc

Nhiều bạn trẻ cầu may khi tìm việc vì không tìm được công việc phù hợp, không biết mình thích làm gì, có khả năng làm gì. “Đây là lần thứ tư em đến tìm việc ở sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, lần nào em cũng không tìm được việc làm thích hợp. Nói thật lòng, em thấy báo đăng có tổ chức sàn giao dịch việc làm thì đến tìm thử coi có việc gì không, chứ cũng chẳng biết mình có thể làm việc gì”. Cô gái trẻ L.T.L.A ngập ngừng trả lời khi gặp chúng tôi tại sàn giao dịch việc làm, do Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên TP HCM tổ chức.

Cầu may khi tìm việc

Hy vọng “đổi đời”

Tương tự L.A là Trần Thị Thắm, đến từ quận 12, TP HCM. Thắm kể mỗi lần thấy báo đăng ở đâu sắp tổ chức hội chợ hoặc sàn giao dịch việc làm là cô lại lặn lội tìm đến, với hy vọng tìm được một công việc ổn định. Học xong lớp 11, Thắm phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Công việc vất vả nhưng thu nhập không bao nhiêu, nên nhiều lần cô muốn “đi làm trong cơ quan, xí nghiệp để đổi đời”.

Cách đây 7 tháng, Thắm xin được công việc trong một công ty chế biến thực phẩm ở quận Tân Bình, TP HCM, nhưng làm được 2 tháng thì phải nghỉ. “Công việc của em đòi hỏi phải đứng suốt ngày, tối nào về chân cũng sưng vù. Em không quen nên làm chậm, bị la hoài cũng nản. Làm được 2 tháng, em quyết định xin nghỉ vì không theo nổi”, cô hồn nhiên nói.

Lần gần đây nhất, Thắm xin làm nhân viên giao hàng của một công ty bán hàng qua mạng. “Mẹ em phải chạy vạy vay 5 triệu đồng để đóng thế chân cho công ty. Làm được 1 tháng, tiền lương lãnh ra trừ chi phí xăng xe, ăn uống, em chỉ còn dư 300.000 đồng. Thấy công việc cực quá, em không làm nữa. Đến giờ, em vẫn chưa lấy lại được tiền thế chân, vì người ta nói em phá vỡ hợp đồng. Trước đó, họ bắt em phải viết cam kết làm ít nhất 3 tháng mới được nghỉ”, cô kể.

Trả lời cho câu hỏi đây là lần thứ bao nhiêu đi tìm việc tại sàn giao dịch việc làm, cô gái trẻ lắc đầu: “Em không nhớ hết, chắc cũng khoảng 9-10 lần”!

“Thấy tuyển thì nộp đơn”

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Quốc Anh (quận 12), cho biết, nhiều lần phỏng vấn để tuyển lao động, ông nhận được những câu trả lời rất ngây thơ của ứng viên, như: “Em thấy công ty rao tuyển thì xin vô, chứ cũng chưa biết sẽ làm việc gì”, “Em nghĩ sau khi nhận vào thì công ty phải chỉ dạy rồi mới chính thức làm việc”.

Có thanh niên đã 22 tuổi mà khi đến xin việc phải có mẹ đi kèm. Mỗi khi nhân viên tuyển dụng của công ty hỏi, anh ta cứ quay sang hỏi lại mẹ. Thậm chí, có câu hỏi, bà mẹ trả lời thay cho con luôn! “Nói không phải quơ đũa cả nắm, rất nhiều thanh niên hoàn toàn không nghiêm túc khi đi tìm việc. Họ nghĩ được nhận thì tốt, không được nhận thì đi chỗ khác tìm. Thật tình mà nói, nếu nhận những người con cưng như vậy vô làm việc thì mình chiều không nổi đâu”, ông Sơn than phiền.

Để minh chứng cho chuyện kể của mình, ông Sơn mời chúng tôi tham dự một buổi phỏng vấn tuyển dụng của công ty. Hôm đó có 12 ứng viên dự tuyển vào 6 vị trí vận hành máy dập hộp carton đựng hàng xuất khẩu. Sau buổi phỏng vấn, có 4 người được chọn. Với 8 người bị đánh rớt, ngoài việc không trả lời được một số câu hỏi về chuyên môn, thì hỏi cái gì họ cũng “không biết”, “không quan tâm”.

Đơn cử là trường hợp ứng viên Ph.T.H (quê ở Vĩnh Long). Chị nhân viên nhân sự hỏi: “Tôi thấy trong hồ sơ bạn ghi là thích thể thao, vậy xin hỏi đội tuyển bơi lội Việt Nam tham dự SEA Games 28 có một nữ vận động viên rất xuất sắc, cô ấy tên gì?”. H. lắc đầu: “Em không quan tâm môn bơi lội”!

Sau khi bị đánh rớt, bước ra sân, khi chúng tôi hỏi có buồn không thì H. lắc đầu: “Có gì đâu mà buồn! Không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Mà họ hỏi cũng vô duyên, chuyện đứng máy thì liên quan gì đến SEA Games mà hỏi?”. “Chắc tại vì thấy bạn ghi trong hồ sơ tìm việc là thích thể thao…”, chúng tôi thăm dò. Anh ta nhún vai: “Bạn tôi bảo ghi cho đẹp hồ sơ thôi”.

Bà Nguyễn Ngọc Minh Châu, Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Sao Việt: Phải xác định thích việc gì, có thể làm gì…

Tôi đã tham dự nhiều sàn giao dịch việc làm để khảo sát xu hướng tìm việc của lao động trẻ hiện nay. Điều rất bất ngờ với tôi, là rất nhiều bạn trẻ đến sàn giao dịch hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm với tư tưởng “cầu may”. Đây là điều hoàn toàn không nên. Ít ra, các bạn phải xác định mình thích công việc gì và có khả năng làm gì. Có như vậy thì mới mong tìm được việc làm và bám trụ được với công việc.

Tổng hợp internet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.