‘Kỳ lân’ giao món ăn của Hàn Quốc mua Vietnammm

Với thương vụ thâu tóm Vietnammm, “kỳ lân” sở hữu nền tảng giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tại Việt Nam như GrabFood, Now.

“Kỳ lân” giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc mua lại Vietnammm

MK News đưa tin Woowa Brothers – “kỳ lân” sở hữu nền tảng giao món ăn Baedal Minjok của Hàn Quốc, đã mua lại nền tảng đặt thức ăn trực tuyến Vietnammm tại Việt Nam.

Trang tin không nói Vietnammm sẽ đổi thương hiệu hay không và Woowa Brothers sẽ tiếp quản công việc kinh doanh thế nào.

Vào năm 2015, Vietnammm mua lại Foodpanda Việt Nam từ Rocket Internet – cái nôi sản xuất hàng loạt startup.

Vietnammm là website đặt thức ăn trực tuyến thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Việt Nam MM, thành viên của tập đoàn Takeaway, một trong những trang web đặt thức ăn trực tuyến lớn trên thế giới.

Dịch vụ đặt món và giao đồ ăn của Vietnammm đã trở thành một bộ phận của Woowa Brothers. Ảnh: Vietnammm.

Hoạt động từ năm 2011, Vietnammm là một trong những dịch vụ tiên phong ở thị trường giao món ăn trực tuyến Việt Nam. Tuy nhiên, những thương hiệu đến sau như Now (Foody) hay GrabFood đã chi phối thị trường nội địa trong khi Vietnammm chưa thể hiện sức bật rõ rệt.

Now, GrabFood, GoFood đối đầu một đối thủ đáng gờm

Một khảo sát gần đây về giao hàng thực phẩm của công ty nghiên cứu địa phương GCOMM cho thấy, 99% số người tham gia cuộc khảo sát nói họ đã sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến ít nhất ba lần trong một tháng. Theo đó kết quả khảo sát, 6 ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam là GrabFood, Now, GoFood, LaLa, Vietnammm và Lixi.

Vào cuối năm 2018, Woowa Brothers tuyên bố kế hoạch ra mắt tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Sau đó, đầu năm nay, hãng đã bắt đầu đăng tuyển và tìm nhân sự làm việc cho công ty tại TP HCM.

Tài xế giao món ăn của ứng dụng Baedal Minjok. Ảnh: Baedal Minjok.

Yonhap nhận định Woowa Brothers là một cái tên không hề tầm thường khi hội tụ cả ba yếu tố: sức mạnh tài chính, sức mạnh công nghệ và cả vị thế dẫn đầu thị trường Hàn Quốc hiện nay.

Nền tảng giao đồ ăn Beadal Minjok của Woowa Brothers đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 50% thị phần trong nước, mặc dù phải cạnh tranh với hơn 40 đối thủ tại xứ kim chi.

Sau khi kêu gọi 320 triệu USD trong năm 2018, Woowa Brothers trở thành “kỳ lân” Hàn Quốc với mức định giá 2,6 tỉ USD. Công ty cho biết sẽ sử dụng số vốn mới để mở rộng ra thị trường nước ngoài và phát triển robot tự động.

Ra mắt từ năm 2010, Woowa Brothers đã nhận nhiều khoản đầu tư lớn, gồm 40 tỉ won (35,5 triệu USD) từ Goldman Sachs vào năm 2014; 57 tỉ won (51 triệu USD) từ Hillhouse Capital vào năm 2016 và 35 tỉ won (31 triệu USD) từ Naver. Tính cả vòng gọi vốn mới nhất, họ đã nhận khoảng 506 tỉ won (gần 450 triệu USD) từ các nhà đầu tư.

Tuệ An / Kinh tế & Tiêu dùng

Những ý tưởng kinh doanh hướng về lối sống xanh – sạch

Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng kinh doanh về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.

Họ chưa từng quen biết nhau, cũng không biết ai trong chúng ta nhưng họ có cùng chung một niềm khao khát: muốn dừng ngay những kiểu làm nông thu lợi từ cây trồng nhưng lại làm cho đất chết đi, còn nguồn nước bị ô nhiễm.

Họ là những người, theo từng cách riêng của mình, đã mang về thử nghiệm những mô hình nuôi trồng giúp tái sinh cho đất, cho nước và bầu không khí. Họ cũng là những người chấp nhận gặp tứ bề khó khăn khi làm những công việc đó. May mắn thay bên cạnh họ còn có những người bạn và cộng sự đầy nhiệt huyết giúp đỡ và cổ vũ.

Nhờ sự chung tay đó, những hoa tươi, quả ngọt đầu tiên sạch và an toàn cho sức khỏe con người đã được trao đến tay của cộng đồng người tiêu dùng, khích lệ mọi người nhích lại gần hơn với thiên nhiên, ăn sạch, uống sạch, dùng thực phẩm sạch. Và họ chính là những con người đang nỗ lực cải tạo mảnh đất trồng, làm cho chúng xanh trở lại, dù điều đó có thể mất rất nhiều thời gian.

Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.

Cùng Hội An xanh

Hội An mở chợ phiên nông sản sạch lần đầu tiên vào một ngày đầu tháng 12/2018. Nhiều người đến đây bị thu hút bởi cảnh một người đàn ông nước ngoài giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường là ống hút bằng tre nứa, những chiếc giỏ đựng đồ đạc được ép từ mo cau, hộp đựng thực phẩm làm từ bã mía. Người đàn ông đó còn quay sang những gian hàng kế bên để quảng bá các loại rau, củ, quả sạch của nông dân, nhiệt tình và tự nhiên như thể đã quen hết người ta ở phiên chợ.

Christopher Dunn (Chris) đúng là quen hết những người làm trang trại ở Hội An. Hơn 3 năm qua, Chris hướng dẫn nông dân ở đây trồng nông sản sạch và hỗ trợ họ thiết lập các nông trại hữu cơ, rồi cùng họ ra chợ phiên bán hàng.

Những người mua hàng đều thấy an tâm hơn khi nghe Chirs và các ông chủ trang trại giải thích cho người mua về cách thức họ đã làm đất, trồng rau và chăm sóc rau để có những bó rau, củ quả sạch. Và đến lượt mình, họ kể lại chuyện đã gặp cho người hàng xóm, người bà con và từ bao giờ họ đã trở thành sứ giả truyền đi thông điệp sống lành mạnh và góp phần hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch ở người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, chia sẻ chợ phiên ưu tiên cho các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, hàng thủ công và bất ngờ thay, cư dân địa phương của ông còn tự giác thay túi nilon khi đi chợ bằng túi giấy.

Mục đích rõ ràng của chợ phiên đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là người đang đeo bám với mảng rau củ quả sạch cho cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Nhân – một kỹ sư nông nghiệp mới ngoài 30 tuổi và hiện là chủ trang trại Rơm Vàng chuyên trồng các loại nông sản hữu cơ – cho biết anh đưa sản phẩm của Rơm Vàng vào chợ phiên này là nhằm tìm kiếm thêm đối tác để phân phối nông sản và đưa các sản phẩm hữu cơ, an toàn đến gần hơn với người dân bằng các mức giá hợp lý.

“Tôi bán nông sản tại chợ phiên với các mức giá thấp để người dân dễ mua. Trên thực tế, giá thành các loại nông sản hữu cơ bán trên thị trường hiện nay khá cao so với các sản phẩm cùng loại do các chi phí từ giống, cơ sở vật chất, vận hành cao nên khó tiếp cận người tiêu dùng”, anh Nhân chia sẻ.

Sự sát cánh bên những nhà nông ở Hội An của Chris ở các chợ phiên nông sản sạch không chỉ giúp hình thành một chuỗi cung ứng rau, thực phẩm an toàn địa phương và ít gây tác hại đến môi trường mà còn khẳng định một xu hướng sống trân trọng môi trường và bảo vệ nó. Đó cũng là điều cả thế giới này đều mong muốn.

Vườn đom đóm của Tâm

Với mong muốn góp sức tạo ra những bữa ăn sạch cho cộng đồng, Hồ Thị Minh Tâm đã chọn kết hợp việc mở phòng trọ theo kiểu homestay và tự trồng rau để chế biến các món ăn sạch cho khách trọ. Vì niềm yêu thích đó, cô gái ở tuổi 25 này đã rời bỏ công việc có mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng ở TP.HCM để lên Đà Lạt. Chỉ vài tháng ở đó, Tâm đã mến phố núi, phải lòng cuộc sống mộc mạc giản dị nơi đây.

Cô cũng mang sự mộc mạc và giản dị đó vào không gian nội thất của những căn phòng trọ và biến mảnh vườn quanh nhà trọ xanh tươi hơn với nhiều loại rau trái. Cô đã tìm được khu đất có căn nhà vách gỗ bỏ không trong 20 năm của một cặp vợ chồng nhà giáo. Khu đất rộng 600m2 và Tâm chỉ dùng 80m2 để dựng lại nhà còn lại trồng hoa hồng, anh đào và cây bơ, rau theo phương pháp thuận tự nhiên để tự cung cấp cho những bữa ăn của mình và khách trọ.

Tâm đặt tên homestay của mình là Vườn đom đóm với ước mong sẽ mang lại cho khách những sự trải nghiệm sống thú vị tại miền quê vùng núi ở Đà Lạt. Cô dùng thân cây già héo, vỏ trái cây làm phân bón hữu cơ cho đất và tạo đường thoát nước thải hợp theo quy chuẩn để không gây ô nhiễm môi trường.

Khu Vườn đom đóm của Tâm chẳng mấy chốc thu hút nhiều du khách – những người đang tìm kiếm sự trải nghiệm an yên của vùng núi đồi. Tâm còn nhận được sự đồng hành của người bạn trai và vài người bạn thân – những người tạo dựng Vườn đom đóm – nơi khách cùng ăn uống, trò chuyện với chủ nhà trong thời gian lưu trú.

Tâm cũng tìm cách gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding), bán trước sản phẩm, dịch vụ tương lai theo gói để có thêm nguồn vốn thực hiện kế hoạch của mình. Theo đó, mỗi người trong cộng đồng góp vào 200.000 đồng, đổi lại cho một đêm tại Vườn đom đóm hoặc sẽ nhận rau sạch vào mùa thu hoạch kế tiếp. Sự ủng hộ của cộng đồng và cơ hội nhiều người Việt Nam sẽ được thưởng thức những món ăn sạch đúng nghĩa và tham gia bảo vệ môi trường chính là động lực nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của Tâm.

Ngồi trên bãi đất 1.200m2 đang được cày xới của mình ở Tân Ngãi, Vĩnh Vong, Trần Minh Hiên nhìn sang các ruộng vườn bà con đang trồng rau, lúa trong vùng, thấy ai cũng xịt thuốc trừ sâu, không thì dùng phân bón vô cơ. Hiên chợt nghĩ liệu mình có vội vàng quá không khi mang mô hình cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp Community-Supported Agriculture (CSA) về miền quê của mình lúc này.

Hiên, năm nay 30 tuổi, đã rời Malaysia khi đang làm việc ở một trường đại học với mức lương 1.500 đô la Mỹ để về Việt Nam làm nông nghiệp cộng đồng. Anh mong ước cùng với cộng đồng gầy dựng ngành nông nghiệp sạch theo mô hình CSA.

Hiên kể lại, sau 3 tháng làm việc ở nước ngoài, anh đã dần quen với nhịp sống ở đó rồi tập tành đi chợ nấu ăn và bỗng nhận ra việc ăn chay không chỉ giúp mình bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nhưng để làm được điều đó cần phải có nguồn thực phẩm sạch, đủ dinh dưỡng. Và anh tình cờ biết đến CSA khi cùng dùng bữa trưa với một đồng nghiệp.

Hiên thấy hay nên tìm hiểu thêm về mô hình CSA. Anh đã tìm đến các nhà nông đang áp dụng CSA ở Malaysia và dành thời gian hỏi chuyện về cách họ trồng trọt và bán hàng. CSA đã khiến chàng kỹ sư trẻ tuổi sững sờ bởi cách thức tổ chức và bán hàng theo mô hình này không quá khó và bắt đầu thấy mình đứng ngồi không yên với ý nghĩ về một CSA ở Việt Nam.

Tâm sự với vị sếp người Pháp – cũng là một người ăn chay – về ý tưởng của mình, Hiên ngạc nhiên khi cô ủng hộ mình, dù cô biết rằng điều này sẽ khiến nhân viên của cô sớm rời công việc để đi theo tiếng gọi của CSA. Người sếp còn giúp Hiên gặp gỡ các nhà nông đang làm CSA mà cô quen biết để Hiên học hỏi thêm kinh nghiệm.

Hiên cũng nhận được sự khuyến khích của ba mẹ khi anh kể cho họ nghe về ý tưởng của mình, về chuyện thực hiện giấc mơ trên mảnh đất quê hương. Rồi Hiên trở về Việt Nam thật, chỉ với hành trang là kiến thức về CSA và số tiền không nhiều dành dụm được sau thời gian làm việc ở xứ người.

Hiên nói đã vấp phải muôn vàn khó khăn ban đầu, vì thực tế ở Việt Nam khác xa với những gì anh mường tượng trước đó. Hiên nhìn thấy nhiều nông dân xung quanh anh dùng hóa chất quá liều lượng để diệt trừ sâu bọ, bón phân không khoa học trên những cánh đồng trồng lúa, vườn rau của họ. Anh không dùng bất cứ loại hóa chất nào nhưng mảnh đất của anh lại đang bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, từ nguồn nước tưới tiêu nên phải bỏ nhiều thời gian để cải tạo lại đất.

Hiên đang tìm sự trợ giúp của các nhà khoa học về việc cải tạo đất hữu hiệu hơn để thuyết phục những nhà nông chân đất láng giềng cùng làm. “Việc nào khởi đầu cũng gian nan, nhưng không sao, miễn mình có đủ tâm huyết và động lực để theo đuổi”, Hiên quả quyết.

Gieo mầm sạch – “tui trước, anh sau”

Và đây, những nông dân thứ thiệt ở miền Tây Nam bộ đang chọn cách làm nông nghiệp sạch theo kiểu “tui đã làm rồi đây, được vầy nè, anh làm thử coi”. Con đường dọn dẹp những thứ thực phẩm bẩn, phân bón, thuốc hóa học theo cách đặc sệt miền Nam này còn lắm gập ghềnh nhưng “mầm sạch” được gieo trên ruộng nhà mình, nhà nhiều người… đã đâm chồi nảy lá.

Sau 2 năm sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) rồi chuyển hướng lên phương pháp trồng hữu cơ, anh Trần Thanh Tiền (ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) giờ đã gầy dựng cho mình thương hiệu dưa lưới Việt Nông Xanh. Loại dưa lưới này đang được bán khắp các cửa hàng kinh doanh nông sản, trái cây sạch ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và siêu thị Tứ Sơn ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Anh Tiền kể lại khởi sự làm nông nghiệp sạch ban đầu năng suất rất kém, mẫu mã sản phẩm cũng xấu nên thương lái chê không mua. Nhìn qua những nhà xung quanh, thấy bà con vẫn giữ lối sản xuất có sử dụng phân bón, thuốc hóa học và thương lái hè nhau mua. Anh không khỏi chạnh lòng, nhưng rồi phải tìm cách để cải thiện tình hình.

Tự làm nông nghiệp sạch đã khó, thuyết phục bà con làm theo thì “khó còn khó hơn”. Anh Tiền tâm sự để thuyết phục nông dân, thì phải chứng minh bằng những trường hợp cụ thể. Ví dụ, một ruộng sản xuất trong nhà lưới thì dịch bệnh và côn trùng sẽ không có, tức không phải sử dụng phân thuốc hóa học. Nếu làm ngược lại thì sẽ phải sử dụng phân bón và thuốc rất nhiều.

Là một giáo viên đã về hưu, bà Hồ Thị Kim Gương (ngụ xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) không chọn cho mình cuộc sống an nhàn bên con cháu mà quyết định nối nghiệp ông bà bằng việc dấn thân vào con đường sản xuất nông nghiệp. Và bà Gương chọn con đường sản xuất lúa gạo sạch với thương hiệu gạo Đồng An được thị trường đón nhận ngày càng nhiều hơn.

Bà Gương nói rằng: “Thấy tôi làm lúa theo phương pháp mới, không phun thuốc hóa học, mọi người xung quanh nói tôi sao dại quá, không thể sản xuất được với điều kiện như vậy. Chỉ có bón phân, phun thuốc hóa học thì may ra cây lúa mới phát triển được, chứ việc canh tác theo hướng quay về tự nhiên thì chẳng có một hạt gạo để mà ăn”.

Mặc cho nhiều lời chê bai, bà Gương vẫn quyết tâm làm gạo sạch. Bởi bà giáo nghĩ rằng con người sống nhờ đất, đã lấy của đất rất nhiều, khiến đất suy kiệt dinh dưỡng, năng suất lúa những năm gần đây không còn cao nữa.

“Vì vậy, tôi nghĩ cần phải làm một điều gì đó để cho đời tốt lành hơn. Và tôi quyết định làm lúa gạo sạch”, bà Gương quả quyết. Và ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 3/2017, mẫu gạo được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM kiểm tra cho kết quả 100% không có hàm lượng chất gây hại trong gạo.

Tờ giấy chứng thực chất lượng đó đã giúp bà giáo về hưu thêm sự tự tin và bà quyết định mở rộng diện tích sản xuất từ 0,4ha lên trên 50ha.

4 kiểu người “đẩy” doanh nhân đến thành công

Muốn thành công, các doanh nhân hãy để 4 kiểu người này “bao vây” mình, theo Entrepreneur.

Nhà đầu tư thiên thần Gerard Adams – triệu phú tự thân ở tuổi 24 – cho biết, làm việc chăm chỉ và có mục tiêu rõ ràng là những yếu tố cần thiết để thành công, tuy nhiên, những người chúng ta tiếp xúc thường xuyên cũng có tác động không nhỏ đến sự thành công đó.

Gerard Adams cho biết: “Bạn là sự tổng hợp của tất cả những người bạn đã và đang tiếp xúc. Họ có ảnh hưởng lớn đến cách bạn suy nghĩ và hành động mỗi ngày. Vì vậy, hãy dành thật nhiều thời gian cho những người có khả năng truyền cảm hứng, giúp đỡ và thúc đẩy bạn thành công. Thành công trong kinh doanh cũng giống như trong mọi lĩnh vực khác, chẳng hạn, một cầu thủ chỉ có thể thành công nếu xung quanh anh ta là những người có tinh thần đồng đội cao”.

Gerard Adams cho rằng, doanh nhân nên để mình bị “bao vây” bởi 4 kiểu người sau đây:

1. Chăm chỉ

Kiểu người này có khả năng thúc đẩy tinh thần làm việc của những người xung quanh họ.

Việc so sánh thành công của người này với thành công của người khác chẳng khác nào so sánh quả táo với quả cam. Điều chúng ta có thể làm là so sánh nỗ lực của bản thân với nỗ lực của những người làm việc chăm chỉ.

2. Có thái độ tích cực

Khi làm bất kỳ việc gì, chúng ta cũng dễ dàng đạt được hiệu quả cao nếu ở trong trạng thái hạnh phúc.

Thái độ tiêu cực dẫn đến một tinh thần làm việc trì trệ và không thể đem lại cảm hứng giúp chúng ta đổi mới và thành công. Những người có suy nghĩ và thái độ tiêu cực có thể triệt tiêu sự sáng tạo và mọi nỗ lực của bạn, trường hợp xấu nhất có thể gây nguy hại cho “sức khỏe” của cả doanh nghiệp.

Ngược lại, những người có thái độ tích cực sẽ giúp bạn dễ dàng thành công. Do đó, nếu muốn công ty hoạt động hiệu quả, hãy mang sự hạnh phúc đến nơi làm việc để duy trì nhuệ khí và tạo điều kiện cho tất cả mọi người đồng lòng hướng về phía trước.

3. Thích đặt câu hỏi

Là doanh nhân, chúng ta nên liên tục đặt câu hỏi về công việc kinh doanh và về chính bản thân mình. Như Albert Einstein đã từng nói: “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi”.

Những người có “sở thích” đặt nhiều câu hỏi sẽ tiếp cận vấn đề hoặc ý tưởng dưới một góc nhìn mới mẻ, và những câu hỏi của họ có thể dẫn đến những thay đổi mang tính đột phá.

4. Thích mơ mộng

Người không có tinh thần doanh nhân sẽ gọi giới doanh nhân là “những kẻ mơ mộng”. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng thiết lập mục tiêu và nỗ lực làm việc có thể giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể.

Để duy trì và phát triển tinh thần này, chúng ta phải để mình bị “bao vây” bởi những người có cùng chí hướng như vậy – những người có thể thậm chí không hoạt động cùng lĩnh vực nhưng biết sống có mục tiêu. Nhìn thấy sự nỗ lực để đạt được mục tiêu của họ sẽ giúp bạn có thêm động lực đạt được mục tiêu của riêng mình.

Bí quyết đàm phán: Hiểu 5 lý do khiến đàm phán thất bại

Nếu đã cố gắng hết sức mà buổi đàm phán vẫn thất bại, bạn cần phương pháp tiếp cận mới.

Theo Deepak Malhotra – Giáo sư khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Trường Đại học Harvard, tác giả cuốn Negotiating the Impossible, nhiều người gặp thất bại trên bàn đàm phán là do họ quá cứng rắn.

Dù vậy, điều đó vẫn dễ chịu hơn việc bạn bị đối phương từ chối ngay cả khi đã đưa ra những yêu cầu thỏa đáng, thậm chí có lợi cho họ.

Dưới đây là 5 lý do khiến buổi đàm phán trở nên thất bại và cách xử lý chúng, theo GS. Deepak Malhotra. Bài viết được đăng trên tạp chí Harvard Business Review.

1. Biện minh thay vì giải thích

Việc nói với đối tác những thứ bạn muốn là chưa đủ, bạn phải giải thích cho họ lý do tại sao đó là một yêu cầu chính đáng. Bất kể lời đề nghị đó có hợp lý (đối với bạn) như thế nào thì nó vẫn bị lờ đi hoặc bị người khác từ chối nếu bạn ra sức biện minh thay vì cung cấp lý do rõ ràng. 

“Tôi luôn nhắc nhở sinh viên và khách hàng rằng: Đừng nói thẳng tuột yêu cầu của mình mà hãy kể câu chuyện dẫn dắt người nghe tới điều mà mình muốn. Nếu bạn muốn độc quyền trong cuộc mua bán sắp tới thì hãy để đối tác biết tại sao bạn lại làm vậy trong thời điểm này. Nếu bạn cần thêm thời gian để cân nhắc lời đề nghị thì hãy cho đối tác biết lý do tại sao họ nên dời thời gian chốt giao dịch với bạn”, Malhotra cho biết.

2. Không thuyết phục những người liên quan

Bí quyết ở đây là đừng bao giờ ép buộc người khác phải lựa chọn giữa việc ra quyết định thông minh và giữ thể diện bản thân. Ví dụ: Bạn có thể đưa ra một vài dấu hiệu nhượng bộ để đối tác có thể tuyên bố với mọi người rằng họ là người chiến thắng, nếu điều đó không ảnh hưởng nhiều tới mục đích thương lượng của bạn.

5. Ra quyết định nửa vời

Tại sao đối tác nên đồng ý giao dịch với bạn nếu điều đó dễ khiến bạn “được nước lấn tới”? Tại sao họ cần xem xét lại điều kiện thỏa thuận nếu bạn chỉ đang trong giai đoạn khảo sát thị trường và chưa đưa ra lựa chọn cuối cùng?

Điều mà hầu hết mọi người quan tâm đó là ngay cả khi đồng ý với mọi yêu cầu của bạn thì cũng chưa chắc cuộc mua bán được thực hiện. Và đó là nguyên nhân khiến họ thường không sẵn lòng đổ thêm thời gian và vốn liếng để làm theo sự điều chỉnh hoặc ý tưởng cải tiến mà bên bạn cung cấp.  

Điều bạn cần làm lúc đó là khiến họ tin tưởng vào tương lai cuộc giao dịch, bằng những câu nói như: “Thỏa thuận này sẽ giúp giao dịch của chúng ta sớm hoàn tất”. Hoặc nếu cần thêm thời gian, bạn có thể làm dịu bớt cảm giác lo lắng của đối phương bằng cách: “Chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó như là lời đề nghị cuối cùng của bạn”.

Nếu cảm thấy đối phương lo lắng về việc bạn sẽ tham khảo mức giá của những đối thủ khác hoặc bạn sẽ tiếp tục thương lượng về hợp đồng thì bạn cũng nên thể hiện quan điểm chắc chắn theo đuổi thương vụ này để họ yên tâm.

Dù người trực tiếp đàm phán đồng ý với quan điểm của bạn nhưng nhiều khả năng họ vẫn đưa ra lời từ chối nếu bản thân họ không thuyết phục được những người có liên quan khác. Có thể bạn xứng đáng hưởng mức lương cao hơn hiện tại nhưng bộ phận nhân sự sẽ giải thích trường hợp ngoại lệ này với những người còn lại như thế nào?

Công việc của bạn không chỉ đơn giản là thuyết phục người đang trực tiếp đàm phán với mình mà còn gián tiếp thuyết phục những nhân vật đứng “phía sau hậu trường” như sếp, hội đồng quản trị, đối tác, và những người có liên quan khác. 

“Hãy để mắt đến tất cả những người có thể ảnh hưởng đến cuộc đàm phán (bao gồm cả phía bên kia) và nghĩ ra một câu chuyện giúp đối phương thuyết phục họ nếu cần”, ông nói.

3. Bỏ qua khó khăn của đối phương

Họ đồng ý rằng mọi yêu cầu của bạn là hợp lý, họ có thể thuyết phục những người còn lại rằng bạn xứng đáng với nó. Nhưng câu trả lời vẫn là không. Tại sao vậy?

Theo Malhotra, đôi khi vấn đề không phụ thuộc vào quyết định cá nhân của người đàm phán. Họ có thể cho bạn thêm thời gian suy nghĩ nhưng bản thân họ cũng đang chịu áp lực hoàn thành công việc đúng tiến độ. Họ có thể giảm giá bán cho bạn nhưng điều đó sẽ làm giảm ngân sách chung của công ty.

Bí quyết ở đây là sự linh hoạt. Nếu bạn đưa thêm một phương án khác trong đó cân nhắc những khó khăn của đối phương thì chắc chắn họ sẽ xem xét lại tình hình thay vì từ chối thẳng thừng.

4. Làm xấu hình ảnh đối phương

Dù thỏa thuận bạn đưa ra công bằng, thậm chí là “hời” với đối phương thì họ cũng sẽ nói từ chối nếu việc đồng ý thương vụ đó khiến hình ảnh của họ trông xấu đi. Nếu trước đó họ đã lỡ hứa với báo chí, sếp, thành viên hội đồng quản trị… rằng vụ mua bán này sẽ đem về doanh thu “khủng”, và hiện tại con số đó ít hơn mức kỳ vọng ban đầu, thì họ sẽ dễ dàng từ bỏ nó dù đó là hành động không khôn ngoan. 

theo dnsg.vn

AirAsia vs Vietjet – cuộc đối đầu kỳ phùng địch thủ tại Việt Nam

Ba lần thất bại khi muốn gia nhập thị trường Việt Nam, AirAsia đang chuẩn bị cho lần thứ tư với những khó khăn mới, trong đó có việc đối đầu trực tiếp với Vietjet Air.

Đã ba lần Tony Fernandes muốn đưa AirAsia vào Việt Nam, một trong những thị trường hàng không phát triển nóng nhất Đông Nam Á. Cả ba lần ông đều thất bại. Quá tam ba bận, nhà lãnh đạo kiên trì của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực vẫn quyết tâm chuẩn bị cho lần thứ tư.

Tuy nhiên lần này, ông có thể sẽ gặp một đối thủ xứng tầm là Vietjet Air, hãng hàng không chỉ trong 7 năm đã thâu tóm 45% thị phần nội địa, chủ yếu nhờ sao chép và biến tấu chính mô hình kinh doanh táo bạo của AirAsia.

Kỳ phùng địch thủ

Fernandes, từng là một nhân viên kế toán và cựu quản lý của Warner Music, đã khởi nghiệp hàng không chỉ với 1 ringgit (0,24 USD), một khoản nợ 40 triệu ringgit và sự tự tin. Ông sẽ đối đầu với tỷ phú đang lên của Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ buôn hàng hóa khi còn du học ở Moscow (Nga). Bà Thảo đã tiến xa và trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á, một phần nhờ tới sự thành công của Vietjet Air.

Cả hai đều hiểu về tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi với tăng trưởng hàng năm ở mức 6-7% trong ba năm gần nhất. Trong dân số 95 triệu người, trên 40% thuộc nhóm tuổi 25-59. Tuy nhiên, tỷ lệ dân từng sử dụng hàng không giá rẻ lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á, tỷ lệ máy bay của các hãng giá rẻ trên dân số chỉ là 1,7 chiếc trên 1 triệu dân, so với mức 2,1 của Philippines và 2,6 của Indonesia theo số liệu từ Vietjet Air.

Đó chính là tiềm năng khiến Fernandes kiên định với mục tiêu thâm nhập thị trường Việt Nam, mảnh ghép còn thiếu của hãng hàng không đến từ Malaysia vốn đang khai thác thị trường Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan.

“AirAsia là một hãng hàng không Đông Nam Á. Và trong Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất với dân số đáng kể mà chúng tôi chưa thể thâm nhập”, Fernandes chia sẻ đầu tháng 12/2018.

Động thái gần nhất của ông với thị trường Việt Nam cũng là vào tháng 12/2018 khi AirAsia đàm phán thành công thương vụ thiết lập liên doanh với Thiên Minh Group vào nửa cuối năm 2019. AirAsia sẽ nắm 30% cổ phần của liên doanh này.

Tuy nhiên bầu trời Việt Nam đã chật chội với một vài cái tên lớn đang vùng vẫy. Ngoài Vietjet Air, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và nhánh bay giá rẻ Jetstar Pacific, liên doanh cùng với Qantas của Australia, đang hiện diện trên bầu trời. Cái tên thứ tư, Bamboo Airways, cũng đang mong muốn có chuyến bay thương mại đầu tiên trong vài tuần tới.

Vietjet, vốn tập trung vào cùng phân khúc giá và có chiến lược marketing tương tự AirAsia, sẽ được coi là trở ngại lớn nhất cho tham vọng của AirAsia tại thị trường Việt Nam.

Thành lập năm 2007, Vietjet Air có chuyến bay đầu tiên vào năm 2011 và ghi nhận tăng trưởng doanh thu trung bình năm khoảng 46% trong 3 năm gần nhất. Đội bay của hãng có 60 máy bay vào nhóm mới nhất trong ngành hàng không với tuổi đời trung bình chỉ khoảng 3 năm tuổi. Hãng cũng đã đặt thêm 371 máy bay các loại và sẽ nhận hàng dần tới năm 2025, theo thông tin từ Vietjet Air.

Hãng bay giá rẻ lên sàn từ tháng 2/2017 này gần đây đã vượt mặt AirAsia về vốn hóa thị trường với mức vốn hóa 3,6 tỷ USD vào tháng 11/2018, trở thành hãng bay có vốn hóa thị trường cao thứ hai Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore Airlines. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của AirAsia đang ở mức 2,5 tỷ USD, dù hãng đang thống trị thị trường khu vực với mạng lưới liên doanh vận hành 208 máy bay và đang đặt hàng thêm 375 máy bay các loại.

Kẻ liên tiếp gặp sự cố, người lỗ khắp nơi

Tuy nhiên, cả hai hãng đều đang đối mặt với những thách thức. Gần hai tuần trước, cơ quan chức năng hàng không Việt Nam đã phải hãm phanh với Vietjet Air và đưa hãng bay này vào diện kiểm soát đặc biệt sau hàng loạt những sự cố được cho là “đe dọa nghiêm trọng” tới an toàn bay.

Trong vài tuần gần đây, một máy bay của Vietjet Air đã hạ cánh nhầm được băng sau khi buộc phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp vì lỗi kỹ thuật và nhiều chiếc khác đã xuất hiện báo động giả liên quan đến phần mềm cài đặt trên lô máy bay mà Vietjet Air nhận hàng từ năm ngoái.

Vietjet dự kiến sẽ vẫn nằm trong diện kiểm soát tới ngày 15/1, thời điểm mà cơ quan chức năng quyết định liệu hãng có nên tiếp tục tăng chuyến hay không. Người phát ngôn của Vietjet Air cho hay hãng đang phối hợp với đơn vị chức trách để đảm bảo “mức độ an toàn cao nhất” trong quá trình vận hành.

Cùng lúc, AirAsia cũng đang gặp sóng gió vì giá nhiên liệu tăng cao và tình trạng cầu vượt cung trên khắp mạng bay của hãng. Tất cả liên doanh ngoài Malaysia của AirAsia đều báo lỗ trong quý III/2018, khi mà lợi nhuận ròng giảm 2/3 vì chi phí tài chính tăng cao, báo hiệu cho “sự khởi đầu của giai đoạn khó khăn phía trước”, theo chuyên gia Raymond Yap từ CIMB Research nhận định.

AirAsia cũng sẽ phải chấp nhận những bước lùi trung kế hoạch mở rộng sang thị trường Trung Quốc. Vào tháng 8/2018, hãng đã phải hủy bỏ dự án gia nhập thị trường bằng phương án lập liên doanh với một đối tác có quan hệ với chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ hai nước đi xuống sau khi chính phủ mới của Malaysia lên cầm quyền.

Fernandes trong tuần qua cũng thừa nhận công ty cần tập trung khai thác các thị trường hiện tại để có lãi trước khi tìm kiếm những liên doanh mới. “AirAsia sẽ không mở thêm một hãng hàng không nào trong 3 năm tới”, Fernandes chia sẻ trên mạng xã hội ngày 2/1, cho rằng liên doanh tại Việt Nam sẽ là dự án cuối cùng trước khi các thị trường như Indonesia hay Philippines sinh lời.

Việt Nam giờ có thể chính là chìa khóa giữ đà tăng trưởng của hãng tại khu vực, tuy nhiên thành công hay không thì chưa thể chắc chắn.

Đặt cược vào Việt Nam

Thị trường láng giềng này đã nằm trong tầm ngắm của AirAsia từ năm 2005, chỉ 4 năm sau khi hãng được thành lập. Ban đầu hãng đưa ra đề nghị hỗ trợ Pacific Airlines của Việt Nam, tuy nhiên đã thất bại trước Qantas và Pacific Airlines từ đó trở thành Jetstar Pacific.

Nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của AirAsia để gia nhập thị trường Việt Nam là vào năm 2007 khi hãng muốn thành lập liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), trong đó AirAsia nắm 30% cổ phần. Truyền thông Việt Nam khi đó cho hay quan hệ đối tác này đã không thành bởi cơ quan chức năng khi đó không mặn mà với việc cấp phép cho hãng bay mới, đặc biệt là các hãng có đầu tư nước ngoài.

Ba năm sau, vào năm 2010, AirAsia thử liên doanh với chính Vietjet Air. Tuy nhiên giống như nỗ lực không thành trước đó, hai bên không thể bắt tay hợp tác.

Chưa đầy một năm sau đó, Vietjet Air đã tự cất cánh. Dưới sự điều hành của bà Thảo, người đang sinh lời ở cả các lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng và công nghiệp, hãng hàng không giá rẻ này đã đi lên từ 1 máy bay với 2 chặng bay nội địa năm 2011 thành hơn 100 chặng bay, trong đó khoảng 2/3 là bay quốc tế. Theo báo cáo tài chính năm gần nhất, gia đình bà Thảo vẫn đang nắm 45% cổ phần của hãng bay.

Cú cất cánh của Vietjet đã bắt được thời điểm vàng. Hãng đã hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế. Nhu cầu di chuyển hàng không bắt đầu tăng cao khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Giao thông đường bộ kém phát triển của Việt Nam cũng là một yếu tố thuận lợi cho Vietjet Air. Một hành trình dài 38 giờ đồng hồ bằng tàu hỏa để đi từ thủ đô Hà Nội tới TP.HCM đã được cắt ngắn thành một chuyến bay thuận tiện kéo dài 1 giờ 45 phút.

Theo số liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lĩnh vực vận tải hàng không của VIệt Nam đã tăng trưởng trung bình 17,4%/năm trong 10 năm qua. Bà Thảo, người mà những phi công của Vietjet Air biết tới với biệt danh “công chúa” vì gu thời trang tỷ mỉ, cũng được ghi nhận vì những đóng góp trong bước phát triển mạnh mẽ trên nhờ việc đưa vận tải hàng không trở vừa túi tiền hơn với hành khách Việt Nam và cùng lúc phá bỏ thế thống trị của hãng hàng không quốc gia.

Bà Thảo không ngại sao chép công thức đã thành công ở nơi khác, trong trường hợp này là công thức của AirAsia. Từ mẫu ghế máy bay bọc nhựa PVC đen tới những chiếc máy bay thân hẹp tiết kiệm nhiên liệu hay việc bán đồ ăn đặt trước trên chuyến bay, Vietjet đã học hỏi những sáng kiến thành công nhất, và đôi khi cũng là gây tranh cãi nhất, của AirAsia.

Lấy ví dụ, AirAsia nổi tiếng với dàn tiếp viên nổi bật trong những bộ đồng phục bó, sáng màu, những người thường vây quanh Fernandes trong các sự kiện quảng bá cấp cao của hãng. Vietjet thậm chí còn đi xa hơn khi sử dụng nữ tiếp viên mặc nội y để quảng bá và từ đó được truyền thông quốc tế gọi bằng cái tên không chính thức là “hãng hàng không Bikini”.

Nhưng quan trọng nhất, tâm điểm vẫn nằm ở việc giảm chi phí vận hành để mở rộng mạng lưới bay giá rẻ. Là một trong những hãng có chi phí vận hành thấp nhất ngành hàng không, theo số liệu từ CAPA, Vietjet Air có được thị phần đáng kể là nhờ kết nối Hà Nội với TP.HCM bằng mức giá rẻ. Tuy nhiên hãng vẫn đang thua kém đối thủ khi chi phí mỗi dặm bay đã trừ phí nhiên liệu của Vietjet Air là 0,24 USD trong quý 3/2018, cao hơn mức 0,19 USD của AirAsia.

Mở rộng mạng bay có thể giúp cân bằng khoảng cách về chi phí trên, miễn là chi phí bay được kiểm soát tốt. Do đó, không giống AirAsia đi tìm thị trường mới thông qua các liên doanh chiến lược, Vietjet đang thêm các đường bay mới qua hình thức code sharing với các hãng hàng không lớn như Japan Airlines hay Qatar Airways. Hãng gần đây đã khai thác dịch vụ bay giữa hà Nội và Osaka cũng như lên kế hoạch bay đường dài tới Ấn Độ, Nga và Australia theo chia sẻ của bà Thảo với Nikkei vào tháng trước.

Chiến lược này nhiều khả năng sẽ đưa bà Thảo vào thế cạnh tranh trực tiếp với ông Fernandes và đội bay đường dài AirAsia X của ông, vốn đã vận hành trên chính những đường bay này. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng của Vietjet Air dường như chưa phải là điều đáng lo với lãnh đạo của AirAsia X. “Chúng tôi không coi Vietjet Air là đối thủ cạnh tranh, ít nhất là tới lúc này”, ông Benyamin Ismail, CEO của AirAsia X chia sẻ. Theo ông, Malaysia Airlines mới là đối thủ quan trọng, khi mà hai hãng tập trung vào cùng thị trường là Đông Nam Á, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản.

Với bà Thảo, giai đoạn phát triển tiếp theo của Vietjet Air sẽ xoay quanh việc trở thành cái mà bà họi là “hãng hàng không tiêu dùng”, bán các mặt hàng và dịch vụ phụ trợ như hàng miễn thuế, đồ du lịch trên các chuyến bay. Hàng phụ trợ đóng góp 24% tổng doanh thu của các hãng hàng không trong quý 2/2018, theo số liệu từ CAPA.

Vietjet cũng đang nghiên cứu việc bắt tay với Walmart, gã khổng lồ bán lẻ Mỹ, để đưa chiến lược này đi xa hơn.

Trong khi đó, AirAsia cũng đang tìm cơ hội từ những dịch vụ giá trị gia tăng mà những công nghệ mới mang lại, khi mà doanh thu hàng phụ trợ chỉ chiếm 19% doanh thu của hãng. “Tôi muốn nền tảng của tôi làm được nhiều hơn là chỉ bán vé máy bay”, Fernandes chia sẻ với Nikkei.

Tháng 10/2018, hãng này cho hay đã bắt tay với Google Cloud để tích hợp trí thông minh nhân tạo vào hệ thống kinh doanh với mục tiêu trở thành công ty “công nghệ lũ hành” thay vì chỉ là một hãng hàng không giá rẻ. “Chúng tôi cần phải trở nên nhanh nhẹn và linh hoạt khi là một công ty kỹ thuật số”, ông Fernandes cho hay.

Sử dụng kho dữ liệu khách hàng khổng lồ của AirAsia, Fernandes dự tính sẽ đưa ra nhiều dịch vụ mới bao gồm vận chuyển bưu phẩm hay thậm chí là giải pháp thanh toán trực tuyến, đối đầu trực tiếp với các công ty công nghệ khác. “Cạnh tranh là tốt. Nó giúp tôi tốt hơn”, Fernandes nói.

Không dễ cho kẻ đến sau

Dù vậy một vài nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng cạnh tranh ở thị trường Việt Nam đang rất gay gắt và có thể khiến AirAsia thất bại lần thứ tư. “Thị trường giờ còn khó khăn hơn khi Vietjet giờ đã lớn hơn nhiều trong khi một hãng hàng không khởi nghiệp khác là Bamboo Airways đang rất gần với việc cất cánh”, Brendan Sobia, chuyên gia từ CAPA, cho hay.

Hơn nữa, sẽ có những rào cản đáng kể về cấu trúc thị trường. Sẽ “không thực tế” nếu nhận định rằng thị trường vận tải quốc tế tại Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng ở mức 20% một năm khi mà các sân bay tại đây đều đang quá tải, chuyên gia này nói thêm.

Tuy nhiên vẫn có những nhà phân tích khác tin vào cửa sáng cho AirAsia, với mô hình đã định hình và mạng bay rộng lớn, có thể có thị phần đáng kể tại Việt Nam nhanh hơn so với các thị trường khác. “Chúng ta nhìn thấy thị trường Việt Nam có khả năng thành công nhanh hơn rất nhiều nếu so với Philippines hay Indonesia, lại được hỗ trợ lượng khách từ những liên doanh khác của AirAsia trong khu vực”, theo ông Ahmad Maghfur Usman, nhà phân tích từ Nomura Research.

Vietjet Air của bà Thảo có thể chưa phải quá lo lắng về áp lực cạnh tranh đến từ AirAsia trên thị trường sân nhà. Bà đã nghiên cứu thị trường trong 6 năm trước khi có được giấy phép bay năm 2007. Mất thêm 4 năm để bà chuẩn bị cho chuyến bay thương mại đầu tiên. “Không dễ dàng để vận hành một doanh nghiệp hàng không ở Việt Nam”, bà Thảo khẳng định trong cuộc họp thường niên hồi tháng 4/2018 khi cổ đông của hãng lo lắng về áp lực cạnh tranh trong tương lai gần.

“Cứ thử và bạn sẽ thấy nó khó ra sao”.

Ngô Minh / Nikkei Asia Review