2 “nữ tướng” trên thương trường xuất thân từ ngành dược

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vừa qua, xin giới thiệu tới độc giả hai “nữ tướng” ngành dược, hai doanh nhân đã đóng góp cho thành công ngành dược hiện nay. Một người hiện đang đương nhiệm quản trị và một người đang dần chuyển giao điều hành cho thế hệ kế nhiệm…

Bà Phạm Thị Việt Nga: Hoàn toàn yên tâm về thế hệ kế thừa

Nửa năm trước, tại CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) chứng kiến sự thay đổi lớn về mặt lãnh đạo doanh nghiệp khi “nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga rời ghế Tổng giám đốc. Theo công bố thông tin của Dược Hậu Giang thì HĐQT đã thông qua việc từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc DHG của bà Phạm Thị Việt Nga kể từ ngày 1/9/2017.

“Qua quá trình xây dựng, phát triển, đào tạo quy hoạch kế thừa cũng như chuẩn bị mô hình, cấu trúc mới cho Dược Hậu Giang trong giai đoạn tiếp theo; đến thời điểm này tôi hoàn toàn có thể yên tâm giao lại công tác điều hành cho thế hệ kế thừa mà tôi đã dày công đào tạo trong suốt thời gian qua. Tôi cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để chuyển giao”, bà Nga viết trong thư xin từ nhiệm của mình.

Tuy nhiên, cựu CEO của DHG cũng cho biết bản thân bà vẫn tiếp tục vai trò thành viên HĐQT để tham gia điều hành chiến lược. Ngoài ra, bà Nga sẽ cố vấn chuyên môn cho doanh nghiệp trong công tác điều hành giai đoạn hiện nay.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại Cần Thơ. Nữ doanh nhân gốc miền Tây này đã góp công lớn trong việc đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược hàng đầu Việt Nam. Bà từng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Bà Phạm Thị Việt Nga. Ảnh: DHG.

Bà Nga giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của CTCP Dược Hậu Giang trong suốt 10 năm, trước khi nhượng lại vị trí này để trở lại làm Tổng giám đốc sau 2 năm gián đoạn.

Nữ tướng của DHG từng chia sẻ, việc bén duyên với ngành dược, với Dược Hậu Giang hoàn toàn tình cờ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dược, được phân công quản lý Dược Hậu Giang, bà còn chưa biết đọc báo cáo tài chính.

Điều mà bà Nga tự hào về DHG đó là dù không phải là doanh nghiệp dược ra đời sớm nhất trên thị trường, nhưng lại Dược Hậu Giang lại được biết đến là doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên chú trọng đến công tác marketing, thương hiệu sản phẩm, và đặc biệt là hệ thống phân phối trên phạm vi toàn quốc.

Nữ doanh nhân ngành dược từng chia sẻ Dược Hậu Giang đặt ra mục tiêu nằm trong Top 10 công ty dược hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu đạt 300 triệu USD vào năm 2020.

Vũ Thị Thuận: Trách nhiệm với “nồi cơm” của nhà người khác

Nữ doanh nhân Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Traphaco từng chia sẻ bà luôn nhắc nhở mình rằng, nếu chỉ lo cho nồi cơm nhà mình thì một người phụ nữ nông dân cũng làm được. Nhưng đã là một doanh nhân thì còn phải có trách nhiệm với nồi cơm của nhà người khác. Tôi luôn quyết tâm giữ cho nồi cơm nhà mình và nồi cơm của hàng nghìn cán bộ Traphaco luôn được đủ đầy, vẹn toàn.

Bà Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống trong ngành Đông dược. Bà được biết đến là linh hồn, người tạo nên dược Traphaco vững mạnh hiện nay.

Bà Vũ Thị Thuận. Ảnh: CafeF.

Thời phổ thông, bà Thuận rất đam mê môn hóa học nên đã đăng ký thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Rời giảng đường đại học, bà được phân công về Sở Y tế Giao thông Vận tải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, với vị trí cán bộ kỹ thuật Xưởng sản xuất thuốc Đường sắt.

Trải qua nhiều nỗ lực và các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco từ tháng 5/2013 cho đến nay.

Bà Thuận từng chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu rất khó nhưng để mất đi thì rất dễ. Cách đây 20 năm Traphaco từng bị nói Traphaco ở Bộ Giao thông đi làm thuốc thì ai mua. Tuy nhiên bà cho rằng việc tốt làm từ nhỏ tích luỹ dần, một hình ảnh doanh nhân cũng thế, quan trọng chính là mục tiêu của sản phẩm là gì, lao động có chính đáng không. Làm giàu là mục đích, là khát khao của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp có trách nhiệm làm giàu để phục vụ con người, có trách nhiệm xã hội, có thể ngay trước mắt doanh nghiệp bị giảm hiệu quả nhưng xã hội sẽ ủng hộ anh và xã hội chính là thị trường.

Với những đóng góp của mình trong ngành, nữ thuyền trưởng của Traphaco đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước trong đó có danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

‘Vận đen’ của Parkson ở thị trường Việt Nam

Khó khăn chưa dứt với Parkson khi tập đoàn này tiếp tục báo lỗ cùng hiệu suất hoạt động suy giảm ở Việt Nam.

Sau 8 năm hoạt động, Parkson Flemington (TP HCM) tuyên bố đóng cửa, đánh dấu trung tâm thương mại thứ 4 của tập đoàn rút khỏi Việt Nam. Dù vậy, quyết định này cũng không quá bất ngờ khi hoạt động của Parkson tiếp tục rơi vào khó khăn.

Năm 2017, dù doanh thu của Parkson Holding Berhad đạt gần 4 tỷ Ringgit Malaysia (RM), tương đương hơn 23.000 tỷ đồng, khoản lỗ hoạt động tăng gần 40% so với năm trước, đạt 142 triệu RM. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường có tỷ lệ tăng trưởng âm cao nhất.

Tỷ lệ tăng trưởng đối với các trung tâm thương mại đã mở trên một năm (same-store sales growth – SSSG) của Parkson tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận con số âm trong năm tài chính 2017 (kết thúc ngày 30/6/2017). Tỷ lệ này là âm 13,6%, mức độ giảm chỉ dưới Myanmar, nhưng đứng trên tất cả các thị trường còn lại của Parkson.

Về kết quả kinh doanh cụ thể, tổng doanh thu của thị trường Việt Nam và Myanmar trong năm tài chính 2017 chỉ đạt 101 triệu RM (gần 600 tỷ đồng), giảm hơn 9% so với năm trước. Bộ phận kinh doanh này báo lỗ 5 triệu RM, tương đương hơn 29 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại Hà Nội đã đóng cửa vào cuối năm 2016.

“Thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn trong thời kỳ bão hòa và tình hình hoạt động đã chứng minh những khó khăn của hiện tại”, ông Tan Sri William H.J. Cheng – Chủ tịch của Parkson Holdings cho biết trong thư thường niên gửi các cổ đông năm 2017.

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) – công ty thành viên của Tập đoàn Lion (Malaysia), Parkson nhảy vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những nhà phát triển mặt bằng bán lẻ hàng hiệu đầu tiên tại đây.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014 làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn. Đây là năm duy nhất trong suốt thời gian gia nhập thị trường Việt Nam, họ không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Rồi các năm sau đó, đơn vị này đã lần lượt phải đóng cửa các trung tâm thương mại tại thành phố lớn khi triển vọng kinh doanh sụt giảm mạnh.

Cuối năm 2016, tập đoàn này đã quyết định đóng cửa trung tâm thương mại Parkson Viet Tower tại Thái Hà, Hà Nội, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn tại thủ đô. “Môi trường kinh doanh tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là các trung tâm thương mại tại Hà Nội đang suy yếu khi ngày càng nhiều mặt bằng bán lẻ bị bỏ trống. Trong khi các trung tâm thương mại tại miền Nam, TP HCM vẫn tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan, nâng hiệu suất kinh doanh tổng thể của thị trường Việt Nam”, ông Tan Sri Cheng Heng Jem – Chủ tịch Parkson Retail Asia cho biết trong thông điệp gửi các cổ đông.

Tuy nhiên, “vận hạn” của Parkson vẫn chưa dứt khi thị trường TP HCM, vốn được đánh giá khả quan hơn, đã bắt đầu theo chân miền Bắc.

Parkson Flemington (TP HCM) thông báo đóng cửa cuối tháng 1/2018.

Khi rút khỏi Hà Nội (thị trường được đánh giá là kém hiệu quả), Parkson nói đây là bước đi trong nỗ lực tối ưu hóa hiệu suất hoạt động trở lại tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Những khó khăn của Parkson tại thị trường Việt Nam, vốn không phải điều mới. Là một nhà bán lẻ hàng đầu, Parkson mang vào Việt Nam mô hình kinh doanh theo hướng siêu thị hàng hiệu cao cấp chia theo từng nhãn hàng và hầu hết chỉ cung cấp duy nhất dòng sản phẩm này trong trung tâm thương mại của Parkson.

Tuy nhiên, với cơ cấu dân số trẻ tại các thành phố lớn chủ yếu là giới văn phòng và sinh viên, mức thu nhập không quá cao, nhu cầu các sản phẩm hàng hiệu trở thành một điều xa xỉ.

Trong khi hàng loạt mô hình trung tâm thương mại “one-stop mall” hay “one-stop shopping” (cung cấp tất cả các dịch vụ tại một điểm) quy mô lớn được xây dựng trở thành đối trọng quá lớn với mô hình kinh doanh của Parkson. Không ngẫu nhiên khi sự rút lui của Parkson thường đi cùng với sự xuất hiện của những trung tâm thương mại mới gần đó.

Ikea thay đổi cách mua hàng như thế nào?

Hãng khổng lồ về đồ nội thất được đóng gói phẳng này đã có những phương pháp tinh vi, nhưng mạnh mẽ, để ảnh hưởng đến hành vi người mua hàng.

Khi người mua tự lắp ráp

Có hai khía cạnh của cuộc sống hiện đại mà chúng ta phải cám ơn Ikea: đồ nội thất được đóng gói phẳng và cách bố trí cửa hàng đã làm bạn mua nhiều sản phẩm hơn là dự kiến ban đầu. Cả hai vấn đề trên là những nguyên tắc mà một số công ty khác đã sử dụng tốt.

Ikea lần đầu tiên đưa ra phong cách nội thất được đóng gói phẳng (người tiêu dùng sẽ tự lắp ráp tại nhà) trong những năm 1950. Cho dù bạn yêu hay ghét khái niệm này, đó là việc làm thiên tài và là một cách hiệu quả để quần chúng đánh giá cao thương hiệu này. Hiệu quả chi phí và sự tiện lợi của việc vận chuyển hàng là rõ ràng. Nhưng đồ nội thất được đóng gói phẳng cũng có một ảnh hưởng tiềm ẩn quan trọng đối với người tiêu dùng.

Khi mà Ikea rời bỏ việc bán đồ nội thất đã được lắp ráp sẵn, thì họ hầu như không biết là nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ khi đó đã xác định được vì sao người tiêu dùng không bao giờ chán việc tự làm lấy đồ nội thất của mình.

Hành động đơn giản là có sự đụng tay vào sản phẩm (và còn cách nào tốt hơn để đảm bảo tương tác đụng tay hơn là thông qua việc lắp ráp một đồ nội thất) có thể làm tăng giá trị cảm nhận tổng thể của sản phẩm. Điều đó cộng với thực tế là người tiêu dùng càng góp nhiều công sức làm ra một vật thể nào đó thì họ càng yêu quý nó, đây là một công thức thành công chắc chắn.

Những thử nghiệm đã chỉ ra rằng hành động thực tế của việc lắp ráp một cái gì đó (mặc dù có thể kéo theo mồ hôi, việc văng tục và nước mắt) để nó trở thành một vật thể hoàn chỉnh sẽ tạo ra một nhận thức thích thú về vật thể đó hơn là nó được mua ở dạng đã hoàn chỉnh. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Ikea.

Hiệu ứng này được tăng cường hơn nữa bởi thực tế là bản thân việc đụng tay vào lại đi kèm với cảm xúc. Điều này có nghĩa là khi ta đụng tay vào cái gì đó, phần cảm xúc của não ta sẽ được kích hoạt để ta cảm thấy sự kết nối khăng khít với sản phẩm đó. Sự đụng tay sẽ tạo cảm giác sở hữu và làm tăng giá trị cảm nhận của chúng ta đối với vật thể. Vì vậy, người lắp ráp hài lòng của kiện hàng đóng gói phẳng sẽ, một khi lắp ráp xong, cảm thấy tự hào về thành tích của mình và có cảm giác liên quan chặt chẽ với sản phẩm này.

Đường một chiều và thiết kế vòng tròn

Cách bố trí mặt bằng các cửa hàng Ikea cũng tạo ra cách sáng tạo hơn để suy nghĩ về cách dẫn dắt người mua hàng. Nếu bạn đã từng ghé thăm một trong những gian hàng lớn của hãng, bạn có thể đã nghĩ rằng bạn sẽ chỉ mua một vài mặt hàng, để rồi thấy mình khi ra khỏi gian hàng với một xe đẩy chở đầy hàng. Đó là vì thiết kế vòng tròn và hệ thống đi một chiều của cửa hàng.

Thiết kế này làm bạn thường không thể nhìn thấy những gì sẽ đến tiếp theo và bạn sẽ sợ bỏ lỡ một cái gì đó mà mình cần nếu không tiếp tục đi theo hết con đường. Có nhiều điểm có thể thoát ra trong toàn bộ cửa hàng, nhưng như vậy có nghĩa là bạn sẽ bỏ lỡ nhiều khoang hàng và hiếm khi người tiêu dùng sẵn sàng cho rủi ro này.

Vì bạn biết có thể sẽ có khó khăn để sau này xem lại một mặt hàng đặc biệt nào đó nên bạn có xu hướng lượm nó khi thấy nó và đặt vào xe đẩy lớn của mình. Điều này đảm bảo rằng khách hàng chạm tay vào sản phẩm, và điều này lại tạo ra một cảm giác tâm lý về quyền được sở hữu nó và giảm khả năng nó bỏ lại trên con đường tới quầy trả tiền.

Sự thể là bạn không thể nhìn thấy sau góc ngoặt tới cũng tạo ra cảm giác tiềm thức về sự bí ẩn, mà nó lôi cuốn khách hàng tiến dần thêm vào gian hàng. Những môi trường được nhận thức là bí ẩn thường sinh ra ưa thích tổng thể mạnh hơn và vì vậy khuyến khích người mua tiếp tục đi qua hết gian hàng. Và bạn càng làm như vậy thì bạn càng dễ mua một cái gì đó, đặc biệt là các hàng nho nhỏ được trưng bày như đèn nến, khăn ăn và khung ảnh vì chúng có vẻ rẻ so với các mặt hàng lớn đắt tiền hơn.

Khả năng sáng tạo của hãng Ikea để tận dụng sự vô thức của khách hàng chắc chắn là một phần đáng kể của sự thành công của hãng, và cũng là lý do tại sao nó được sao chép bởi nhiều công ty khác. Mặc dù Ingvar Kamprad đã khuất, hãng Ikea đã thừa hưởng từ ông một điểm đặc biệt về tư duy ra ngoài khuôn khổ giao tiếp với người tiêu dùng. Sẽ là điều thú vị để xem những gì sẽ kế tiếp.

BBC Capital

Kỳ lạ công ty tuyển dụng kiểm tra mùi cơ thể ứng viên lái xe ôm

Công ty xe ôm mới nhất ở Indonesia đã nghĩ ra phương thức cạnh tranh độc đáo trên thị trường bằng việc kiểm tra mùi cơ thể các ứng viên, đặc biệt đối với những tài xế bị hôi nách

Theo Reuters, người sáng lập công ty dịch vụ xe ôm UberJek, Aris Wahyudi cho biết anh đã nghĩ ra cách thức độc nhất vô nhị để dành chiến thắng trên thương trường. Đó là cấm mọi xe ôm có mùi cơ thể nặng lái xe.

“Chúng tôi đã quyết định thực hiện một cuộc thử nghiệm về mùi cơ thể để đánh giá sự hài lòng của khách hàng”, Wahyudi chia sẻ.

Kỳ lạ công ty tuyển dụng kiểm tra mùi cơ thể ứng viên lái xe ôm - Ảnh 1

Các ứng viên xếp hàng chờ đến lượt kiểm tra mùi cơ thể. Ảnh: Reuters.

Công ty đã triển khai khoảng 3.000 tài xế trong khoảng thời gian 1-2 tháng ra mắt thị trường xe ôm. Hành khách sẽ sử dụng ứng dụng độc quyền để đánh giá tài xế dựa vào mùi cơ thể. Tài xế bị nhiều người nhận xét không tích cực sẽ nhận được cảnh báo và có thể bị nghỉ việc nếu không giữ thân thể sạch sẽ.

Hiện nay ở Indonesia có hơn 40 công ty cung cấp dịch vụ đậm chất châu Á này, bao gồm cả GrabBike của Malaysia và doanh nghiệp địa phương như Ojek Syari chỉ có nữ giới lái xe hay Limobike chuyên cung cấp xe ôm trên những chiếc Vespa đắt giá.

Tại một căn hầm chật chội, có nhiều ứng viên tài xế đang đứng xếp hàng để được kiểm tra “mùi hương” tỏa ra từ nách như một phần quá trình tuyển dụng.

Kỳ lạ công ty tuyển dụng kiểm tra mùi cơ thể ứng viên lái xe ôm - Ảnh 2

Endang Ahmad, 37 tuổi, coi công việc “ngửi nách” của mình là một nghề kiếm sống chân chính. “Tôi đã phát hiện ra nhiều loại mùi cơ thể khác nhau”. Anh chỉ tay về một tấm bảng dùng để chấm điểm các ứng viên tham gia bài kiểm tra. Yêu cầu đưa ra là họ phải đứng thẳng, tay duỗi hai bên trước một chiếc quạt gió để mô phỏng gió thổi khi ngồi sau xe ôm.

“Những người nào có mùi cơ thể và mùi hôi nách quá nặng sẽ không được chấp nhận”, Endang Ahmad nói.

Muhammad Ali, 44 tuổi muốn kiếm thêm thu thập ngoài vai trò chính là nhân viên ngân hàng, đã đồng ý trở thành tài xế lái xe ôm vào các buổi tối.

Anh chuẩn bị rất kỹ cho bài kiểm tra mùi cơ thể lần này. “Tôi đã mua một lọ bôi khử mùi vì vợ tôi nói người tôi không được thơm tho cho lắm. Nhưng tôi tin chắc mình sẽ vượt qua bài kiểm tra”.

Những nhà sáng lập Gcalls: Đồng hành từ một khát vọng chung

Cùng học Đại học Bách khoa, cùng đam mê công nghệ, hai chàng trai 9X Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng đã thành lập Gcalls sau nhiều lần thất bại. Năm 2016, ứng dụng công nghệ thông minh đã đưa hai bạn trẻ đến với Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) tại Mỹ. Và mới đây, cả hai lại “gây sốt” khi được nhà đầu tư của chương trình Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam cam kết rót 1 triệu USD vốn đầu tư.

Những nhà sáng lập Gcalls: Đồng hành từ một khát vọng chung

Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng

Phúc đến với kinh doanh như một định mệnh, và định mệnh ấy bắt nguồn từ một nỗi ám ảnh trong một chuyến thực tập khi còn là sinh viên. “Trong mười nhà máy sản xuất giày mà tôi thực tập có đến 90% lao động là nữ, có những em còn rất nhỏ. Tôi đã bị ám ảnh bởi những em nhỏ đó. Mỗi ngày tỉnh dậy và nghĩ cảnh trẻ em Mỹ đang đi học, tung tăng nhảy nhót trên những đôi giày được tạo ra từ sức lao động của trẻ em Việt Nam mà thấy xót xa. Tôi muốn làm gì đó để thay đổi điều này, muốn tạo một doanh nghiệp có trách nhiệm hơn và người Việt của mình bảo vệ lẫn nhau được, đi ra toàn cầu được” – Phạm Tấn Phúc, đồng sáng lập Gcalls tâm sự.

Từ sự đồng điệu… 

Nỗi ám ảnh đó của Phúc được chia sẻ bởi một người bạn học là Nguyễn Xuân Bằng. Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử cộng với dịch vụ chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp với hệ thống giao tiếp chuyên biệt còn hạn chế, năm 2015, cả hai đã nghiên cứu để cho ra đời ứng dụng Gcalls. Đây là sản phẩm công nghệ giúp tạo lập một tổng đài nghe gọi nhanh chóng và đơn giản chỉ với một đầu số hotline, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kinh doanh.

Gcalls của Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng được xem là hiện tượng trong giới khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Và cũng nhờ đó mà Phạm Tấn Phúc có mặt trong Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) do Tổng thống Obama tổ chức tại Thung lũng Silicon.

Và cũng với Gcalls, Nguyễn Xuân Bằng cùng 20 doanh nhân, nhà quản lý được chọn để tham gia chương trình Entrepreneurship & Innovation tại Israel. Không chỉ vậy, Gcalls đã đoạt giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất tại Startup Wheel và giải nhất AngelHack tại Việt Nam, giành vé đi Thung lũng Silicon trình bày với các nhà đầu tư Mỹ.

Mới đây nhất, Gcalls của Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng đã nhận được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Vinacapital thông qua đại diện Thái Vân Linh trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Đây là khoản cam kết đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Shark Tank Việt Nam, đặc biệt dành cho một startup trong lĩnh vực công nghệ.

… đến “nghiệp khởi nghiệp”

Phạm Tấn Phúc cho rằng, khởi nghiệp như là cái nghiệp vậy. Trước khi thành công với Gcalls, Phúc và Bằng đã từng tạo lập Click Now (kết hợp game và quảng cáo online), HR Key (một ứng dụng cho lĩnh vực nhân sự). Và khi Bằng từ bỏ con đường khởi nghiệp sang Đức du học và làm việc cho hai tập đoàn của Đức và Hoa Kỳ thì Phúc tiếp tục với đề án “Bản đồ chống hàng giả”.

Đề án này đã được World Bank đầu tư 3.000USD nhưng phải dang dở sau 6 tháng triển khai vì kinh phí không đủ cho một ứng dụng tầm cỡ quốc gia. Thất bại, cạn vốn sau ba lần khởi nghiệp không làm chàng trai này nản chí. Phạm Tấn Phúc lại lập nhóm gia công phần mềm quản lý nội bộ doanh nghiệp và phần mềm cho các công ty thương mại điện tử Việt Nam ngay tại phòng trọ.

Gcalls là sản phẩm công nghệ giúp tạo lập một tổng đài nghe gọi nhanh chóng và đơn giản chỉ với một đầu số hotline. Với Gcalls, doanh nghiệp không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy chủ hay các thiết bị  nội bộ khác nhưng có thể thiết lập ngay một tổng đài chuyên nghiệp với đầy đủ tính năng hỗ trợ việc chăm sóc khách hàng. Ứng dụng này giúp nhân viên doanh nghiệp tương tác với khách hàng tốt hơn, bất chấp sự khác biệt về múi giờ và không gian địa lý.
Hiện sản phẩm được phát triển với hai phiên bản là Gcalls softphone và Gcalls webphone, phù hợp với các doanh nghiệp cần phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng, cần nhu cầu nghe gọi và giải đáp thông tin nhanh, hiệu quả.

Không lùi bước trước khó khăn, năm 2014, Phạm Tấn Phúc tìm kiếm ý tưởng khác để tiếp tục giấc mơ “tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm”. Và khi nhận được “tâm thư” của Phúc, Nguyễn Xuân Bằng trở về Việt Nam và quyết tâm khởi nghiệp một lần nữa. Từ đây, hành trình khởi nghiệp, tìm nhà đầu tư của hai chàng trai đam mê công nghệ lại một lần nữa bắt đầu.

“Thật không dễ để có sự chia sẻ từ những người không quen biết và vì không có sản phẩm cụ thể nên rất khó để thuyết phục được nhà đầu tư. Phải mất đến 6 tháng rao trên mạng, tụi tôi mới được Telstra chú ý và đồng ý rót 40.000 đô la Singapore thông qua Quỹ Muru-D. Cùng với việc rót vốn đầu tư, Telstra yêu cầu phải đưa công ty sang Singapore lập nghiệp với lý do nơi đây là khu vực tập trung các bằng sáng chế về công nghệ” – Bằng cho biết.

Nhưng để có được sự đầu tư của Telstra là cả một quá trình khó khăn mà chỉ những người đam mê mới kiên trì bám trụ đến cùng. Và trong khi chờ đợi đối tác rót vốn, Bằng phải đi làm tại các công ty đa quốc gia của Đức và Hoa Kỳ để có tiền cho nhóm và để Phúc toàn tâm vào việc điều hành. Thời gian này, Gcalls lại tiếp tục gặp vấn đề về tài chính và hơn một nửa nhân viên nghỉ việc.

Các thành viên còn lại chấp nhận giảm 50% lương trong 4 tháng. “Phúc có tầm nhìn, có khát khao và sự kiên định, thôi thúc biến ước mơ thành hiện thực. Phúc giúp tôi hiểu khởi nghiệp không chỉ 6 tháng hay một năm mà là một quá trình, một chặng đường dài chinh phục ước mơ” – Bằng chia sẻ lý do trở về cùng Phúc khởi nghiệp với Gcalls.

Khó khăn này qua, khó khăn khác lại đến nhưng “Tôi muốn tạo một thứ gì đó mới, giúp đỡ được người lao động và doanh nghiệp địa phương phát triển. Những thứ mà tôi thiết kế sẽ thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu Gcalls thất bại thì tụi tôi lại khởi nghiệp với một sản phẩm khác cũng hướng về người lao động và doanh nghiệp địa phương” – Phạm Tấn Phúc chia sẻ về “nghiệp khởi nghiệp” của mình.

… Và tham vọng khai phá thị trường thế giới

Phúc và Bằng định danh công ty là một Telco (nhà cung cấp dịch vụ viễn thông) thế hệ mới với nhiều khác biệt so với các Telco truyền thống lẫn các dịch vụ tổng đài khác. Hai bạn trẻ không giấu tham vọng gầy dựng startup này thành một “đại gia” công nghệ tại Đông Nam Á và là doanh nghiệp công nghệ có nhiều bằng sáng chế trong khu vực. Và sự “giúp sức” của Telstra chính là giấy thông hành để Gcalls có những bước phát triển xa hơn. Sau đầu tư của Telstra, nhiều công ty khác đã tin tưởng rót vốn và Gcalls đã nhận được đánh giá cao từ các doanh nghiệp Úc, Mỹ.

Hai chàng trai trẻ đang có kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán trong 7 năm tới. Và hiện tại Công ty đang chuẩn bị để đưa Gcalls sang Philippines, Malaysia, Indonesia. Bởi theo Phạm Tấn Phúc, thị trường Philippines có rất nhiều công ty kinh doanh dịch vụ tổng đài chăm sóc khách hàng toàn cầu nên sẽ là nơi phù hợp để Gcalls tung sản phẩm.

Hiện khách hàng của Gcalls là các công ty đa quốc gia có nhiều chi nhánh ở Đông Nam Á như Kova, Ezcloud… Với tầm nhìn “làm cho một doanh nghiệp địa phương có thể phục vụ khách hàng toàn cầu” và với số vốn đầu tư từ VinaCapital, Gcalls sẽ mạnh dạn hơn trong việc tung sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á, và tiến tới toàn cầu.

Hiện tại, mọi thứ vẫn đang chạy, hai bạn trẻ vẫn tin tham vọng của mình sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa. Bởi khách hàng hiện nay của Gcalls là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chỉ tính riêng ở Việt Nam là hơn trăm ngàn đơn vị. Còn tính chung cả khu vực thì con số này sẽ rất lớn.