Gần đây, lãi suất tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), mặc dù nguồn vốn tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Vì sao?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, sau khi “hạ nhiệt” trong nửa đầu tháng 2 thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại. Cụ thể lãi suất qua đêm vào ngày 10/2 rớt xuống mức thấp 1,55% thì đã tăng nhanh trở lại 4,91% vào ngày 20/2, mức tăng 3,36%.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, cụ thể trong cùng kỳ hạn 1 tuần tăng 3,18%, từ mức 1,8% lên 4,98%, kỳ hạn 2 tuần tăng 2,95%, từ mức 1,92% lên 4,87% và kỳ hạn 1 tháng tăng 1,95%, từ mức 3,04% lên 4,99%.
Đây là những diễn biến rất đáng chú ý nếu nhìn vào sự tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng kể từ sau Tết, nhất là khi lãi suất huy động từ thị trường 1 (dân cư tổ chức) vẫn khá ổn định, ngoại trừ có sự tăng cục bộ lãi suất tiền gửi trung, dài hạn tại một số ngân hàng như Eximbank hôm 24/2 để tăng nguồn vốn trung, dài hạn nhằm cải thiện tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn.
Một số ý kiến cho rằng tỷ giá tăng nhanh gần đây đã làm suy yếu vị thế của VND, do đó nhà điều hành định hướng nâng lãi suất VND thông qua hút vốn trên thị trường mở (OMO) để gia tăng trở lại giá trị tiền đồng.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong tuần từ 13/2 – 17/2, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 36.541 tỷ đồng qua thị trường OMO. Việc Ngân hàng Nhà nước hút vốn ròng sẽ làm giảm mức độ dư thừa thanh khoản của hệ thống và có thể đẩy lãi suất VND trên thị trường 2 đi lên.
Trong môi trường thanh khoản hệ thống dồi dào, nếu lãi suất vay gửi giữa các ngân hàng quá thấp thì sẽ có xu hướng tăng nắm giữ đồng USD với kỳ vọng sẽ kiếm lợi khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh. Đây là điều đã diễn ra trong giai đoạn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp kỷ lục trong năm 2016, khiến trạng thái ngoại hối của các ngân hàng luôn ở mức dương cao và cũng nhờ đó Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức hơn 40 tỷ USD.
Việc mua ngoại tệ và bơm một lượng lớn VND ra thị trường càng làm tăng mạnh lượng thanh khoản VND, khiến các ngân hàng càng dồi dào thanh khoản và càng đẩy lãi suất VND trên thị trường 2 xuống mức thấp. Vì vậy càng kích thích các ngân hàng tăng nắm giữ USD.
Tuy nhiên trong năm 2016 nhờ vào nguồn vốn FDI tăng mạnh, nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng cao nhờ vào các thương vụ M&A, xuất siêu tăng, nguồn cung ngoại tệ đã được duy trì tốt từ dòng vốn tiền gửi USD chuyển sang VND trong khi cho vay ngoại tệ bị chững lại khiến tỷ giá luôn được giữ ổn định, ngoại trừ giai đoạn cuối năm sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.
Ngược lại, nếu lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng lên sẽ kích thích các ngân hàng đẩy mạnh bán ngoại tệ để lấy vốn cho vay, khi mà lúc này lãi suất cho vay VND giữa các ngân hàng cao hơn nhiều so với mức tăng tỷ giá kỳ vọng. Chính động thái này sẽ giúp tăng nguồn cung USD và từ đó ổn định thị trường ngoại hối, khi nguồn vốn USD từ các ngân hàng được bơm ra thị trường.
Việc tỷ giá ổn định trở lại gần đây sau khi tăng nhanh trong đầu tháng 2 tương ứng với diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại cùng thời điểm có thể giải thích cho luận điểm này.
Với nhập siêu tăng mạnh, lên mức 2,45 tỷ USD trong nửa đầu tháng 2 cũng gây áp lực lên cầu ngoại tệ trong nước trong cùng thời điểm. Trong khi đó, kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 3 sắp tới cũng khuyến khích tăng dự trữ, đầu cơ đồng bạc xanh, nhất là khi đồng USD tăng trở lại.
Một vài ý kiến gần đây cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần sớm gỡ bỏ trần lãi suất USD và điều này cũng có thể kích thích trở lại việc nắm giữ USD. Trước những áp lực trên thì tỷ giá tăng nhanh trong nửa đầu tháng 2 là tất yếu. Tính đến ngày 27/2/2017, tỷ giá trung tâm USD/VND nằm ở mức 22.228 đồng, tăng 0,31% so với đầu năm.
Những diễn biến vừa qua cho thấy tỷ giá sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất trong năm 2017. Việc vừa phải cân đối được lãi suất ổn định vừa phải kiểm soát tỷ giá sẽ là một trong những thách thức lớn trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, nhất là khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể bị chững lại, kiều hối sụt giảm, nguồn vốn vay ODA bị hạn chế và nhập siêu đang có dấu hiệu quay trở lại.