Không nhất thiết phải có quốc tịch Singapore, gia đình nước ngoài nào được hưởng quy chế thường trú nhân (PR) trên đảo Sư tử có con trai đến 18 tuổi thì phải đi nghĩa vụ quân sự (NVQS) còn bằng không thì không bao giờ có cơ hội quay lại đây, thậm chí dưới dạng giấy phép làm việc (employment pass).
Điều này đã được chính ông Lý Quang Diệu xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên nhật báo The Straits Times được ghi nhận trong quyển sách “Lý Quang Diệu – Những sự thật nghiệt ngã để giữ Singapore tiến lên”. Ông nói: “Bạn là PR, đã dành thời gian thơ ấu dưới mái trường của chúng tôi, hưởng phúc lợi từ hệ thống của chúng tôi, bạn phải thi hành NVQS. Một số người Ấn giàu có lấy được PR Singapore cứ tưởng rằng họ cứ việc về nhà rồi có thể 20 năm sau đó chúng tôi sẽ quên quá khứ của họ mà cho họ vào. Họ đã lầm”.
Nhưng ông cũng nói thêm: “Phần lớn người nhập cư vào Singapore đều cảm thấy vui lòng cho con trai của mình thực hiện NVQS. Họ hiểu các điều kiện NVQS tại Singapore. Họ thấy hoàn cảnh của trẻ em các nước láng giềng. Đối với những người này, đó là mức sống và chất lượng cuộc sống mà họ không hưởng được từ đất nước của họ trong hai ba thế hệ sắp tới. Họ khá hạnh phúc khi ở Singapore”.
Nhưng có lẽ ông Lý đã lầm khi có rất nhiều công dân Singapore cũng chẳng mấy mặn mà với quê hương của mình là một đảo quốc bé nhỏ nóng nực quanh năm.
Theo thống kê chính thức của Vụ Dân số và Nhân tài Quốc gia thuộc Văn phòng Thủ tướng, tính cho đến tháng 6-2012 đã có hơn 200.000 công dân Singapore đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, tăng 27% so với con số 157.100 cách đó 10 năm và “điểm đến” chủ yếu của họ là các nước Úc, Anh, Mỹ và Trung Quốc.
Mới đây cơ quan chức năng của nhà nước Singapore cho biết đang xử lý trường hợp một công dân New Zealand tên là Brandon Smith, 19 tuổi sinh ra và lớn lên ở Singapore nhưng đã theo bố mẹ về lại quê cha từ lúc 8 tuổi. Theo The Straits Times, anh chàng Brandon này có mẹ là người Singapore đã nộp đơn xin hoãn NVQS nhiều lần trước khi anh 21 tuổi – độ tuổi mà anh có quyền từ bỏ quốc tịch Singapore. Trong một cuộc phỏng vấn với trang web stuff.co.nz, anh nói rằng mất hai năm NVQS ở Singapore là vô nghĩa vì anh không nói tiếng Hoa và có thể cảm thấy mình là kẻ ngoài cuộc (outsider). Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) khẳng định lại nguyên tắc phổ quát (universality) và công bằng (equality) mà công dân Singapore cho dù sống ở trong hay ngoài nước đều phải chấp hành. MFA cũng nói rõ rằng ông Smith con này sẽ vi phạm Luật NVQS, thậm chí đã xin từ bỏ quốc tịch sau khi đến tuổi trưởng thành. MFA cũng đề nghị anh này trở về Singapore càng sớm càng tốt để giải quyết vấn đề và nếu không chấp hành thì hình phạt có thể lên đến 10.000 đô la Singapore và/hoặc ba năm tù…
Không rõ đã có bao nhiêu người Singapore từ bỏ quốc tịch như trường hợp của anh chàng Brandon nói trên nhưng việc không cho phép song tịch có thể gây nguy cơ chảy máu chất xám khi viễn cảnh cuộc sống và sự nghiệp ở nước khác tốt hơn trong một thế giới toàn cầu hóa.
Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Lý cho biết Singapore phải chấp nhận một thực tế là người dân đảo Sư tử cũng phải tha phương cầu thực. Ông đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ khiến sinh viên ra nước ngoài học rồi ở luôn bên đó, giá nhà hay giá xe hơi? Ở Mỹ, nhà cửa xe cộ đều rẻ nhưng vẫn còn đó rào cản tiến thân (glass ceiling) và nếu không nằm trong giới thượng lưu bạn sẽ không bao giờ được chấp nhận. Đó là đất nước của người da trắng. Có lẽ Tổng thống Obama đã biết cách xoay xở. Ông ta là một người ngoại lệ trong hoàn cảnh ngoại lệ, nhưng nói chung về mặt xã hội người da đen không hòa đồng với người da trắng. Bạn phải cân nhắc”. Theo ông Lý, sinh viên Singapore thường ở lại Mỹ làm việc để lấy kinh nghiệm và họ sẽ không trở về nếu tình hình kinh tế Singapore ảm đạm. Như vậy, việc mời gọi chất xám trở về tùy thuộc vào tính năng động của nền kinh tế và cơ hội việc làm.
Ông Lý chia sẻ với The Straits Times về một buổi giao lưu với công dân Singapore đang sống và làm việc ở thành phố Perth, Tây Úc. Những người này vẫn còn nhớ Singapore và người tổ chức buổi giao lưu này cho biết vẫn còn giữ hộ chiếu Singapore cho con trai như một thứ bảo hiểm. Người con trai đã tốt nghiệp một trường đại học ở Perth và làm kế toán cho một trong những công ty kiểm toán lớn nhất Úc. Ông Lý hỏi: “Vậy tại sao ông còn giữ quốc tịch Singapore?”. Ông này nói: “Ồ, con trai tôi trở về Singapore thi hành NVQS, nó muốn có một lựa chọn khác trong trường hợp kinh tế Úc suy thoái”. Cậu con trai này hoàn thành NVQS xong và quay lại Úc vì gia đình của mình ở bên đây. Rồi ông Lý đưa ra các giả thuyết: nếu cậu ta cưới một cô gái Úc, vợ chồng thất nghiệp thì cả hai sẽ về lại Singapore; hay nếu biến đổi khí hậu khiến Perth khô hạn thì những người Singapore này sẽ “hồi hương”.
Nhưng quốc tịch Singapore, công dân Singapore, người Singapore thật ra cũng là một khái niệm khá mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Trước năm 1959 là thời điểm Singapore được trao quyền tự chủ chính quyền từ người Anh thì người Singapore trong đó có ông Lý vẫn tự gọi mình là người Mã Lai (Malayan). Sự ra đời của một đất nước Singapore độc lập có lẽ là một tình cờ của lịch sử khi con người quyết định ở lại một nơi chốn có nhiều cơ hội cho gia đình và bản thân. Không như phần lớn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, Singapore không có ngôn ngữ riêng và phải dùng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp. Cái gọi là tiếng mẹ đẻ (mother tongue) cũng chỉ là một khái niệm làm lạc hướng vì đa số người Singapore là gốc Hoa. Và cũng đâu có người Singapore đặc thù vì phải hỏi người này thuộc thành phần sắc tộc nào – Mã Lai, Ấn Độ, Hoa và biết đâu có cả Việt Nam nữa. Một anh bạn của tôi lấy quốc tịch Singapore cho biết mỗi lần về Việt Nam thì bao giờ cũng được công an cửa khẩu hỏi là anh sinh ra ở đâu.
Theo Lý Quang Diệu, để là một quốc gia, người dân ở đó phải có cảm nhận sâu đậm về bản sắc của mình, sẵn sàng hy sinh cho đất nước, cho đồng bào của mình. Nhưng câu hỏi liệu người Singapore có dám hy sinh cho đất nước của mình khi đất nước lâm nguy hay không lại không được ông Lý trả lời thỏa đáng. Theo định nghĩa của ông Lý, người Singapore là người chấp nhận người khác trở thành một bộ phận của đất nước mình, bất kể sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Người Singapore phải lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính nhưng không thể quên tiếng mẹ đẻ để trong trường hợp cần thiết, có thể giao tiếp và làm ăn với Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia hay những quốc gia cội nguồn của mình