Để thu hút nhân tài trí thức…

Sau hơn 40 năm đất nước hòa bình thống nhất, Việt Nam lại khó thu hút du học sinh về nước phục vụ tới thế? Thật ra, thu hút du học sinh chỉ là một mặt của vấn đề thu hút nhân tài. Cần làm gì để thu hút nhân tài, nhất là nhân tài trí thức, để xây dựng đất nước, bài viết này xin góp thêm một góc nhìn.

Điều trước nhất: xin đừng nghĩ rằng du học sinh là người Việt, có bổn phận trở về. Ở mức độ xã hội, cộng đồng, trong thời đại hiện nay, mang tư tưởng đó mà ngồi yên chờ du học sinh trở về chính là ôm cây đợi thỏ!

Điều thứ hai: Việt Nam cần tiến hành các việc sau: tìm hiểu giá trị chính và nhu cầu chính của nhân tài, du học sinh; xây dựng chính sách thu hút dựa trên hai yếu tố trên sao cho sự thuyết phục thật sự lôi cuốn các du học sinh; xây dựng đội ngũ thuyết phục; xây dựng hệ thống hậu mãi hữu hiệu, nghĩa là làm sao cho nhân tài không chán nản khi đã về làm việc tại Việt Nam (xin mở ngoặc: vẫn biết chán hay không chán là do chính cá nhân. Tuy nhiên chính quyền cần xây dựng trước những điều kiện chung nhất như pháp luật, dịch vụ công ở mức chấp nhận được).

Về các giá trị chính, với nhân tài nói chung, du học sinh thành tài nói riêng, cái căn bản nhất của một xã hội chính là các giá trị đạo đức chứ không phải là địa vị hay tiền của. Do đó, họ rất gắn bó với các giá trị cốt lõi truyền thống của dân tộc và của xã hội văn minh đương đại. Đó là, trung thực, liêm khiết, bình đẳng, công bình, tôn trọng con người, tuân thủ luật pháp.

Và nhu cầu của họ là muốn được đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển của xã hội bằng thực tài của mình và được xã hội công nhận. Họ cần sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ và muốn con cháu họ được hưởng một nền giáo dục tiến bộ, nhân bản và khai phóng.

Đối chiếu các yếu tố trên sẽ thấy các chính sách trải thảm đỏ đón nhân tài hiện nay chưa đủ sức thuyết phục họ, bởi vì chưa đáp ứng được cái họ cần, họ tôn trọng.

Vì vậy, hãy cùng nhau xây dựng một môi trường trong đó sự tự do học thuật được thúc đẩy và khuyến khích mạnh mẽ, tài năng và đạo đức được tôn trọng và đãi ngộ, chứ không phải lý lịch. Mọi người có cơ hội nghề nghiệp ngang nhau, mọi người có thể tiếp cận bất kỳ vị trí nào trong xã hội để mưu cầu sự phát triển cho riêng mình và thi thố tài năng để phục vụ đất nước.

Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường trong đó tính trung thực được tôn vinh, sự gian dối bị vạch mặt; tính liêm khiết trong giới công quyền được đề cao, sự tham nhũng, lạm quyền bị trừng trị, mọi người và mọi tổ chức bình đẳng trước pháp luật.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.