Tag Archives: khởi nghiệp

Để xây dựng một công ty có tinh thần khởi nghiệp

Tinh thần khởi nghiệp là một động lực của sự phát triển. Ở mức độ cá nhân, nó đưa ý tưởng trở thành sáng kiến thực tế và giải phóng sức mạnh sáng tạo của nguồn vốn nhân lực. Ở góc độ tổ chức, nó là động lực chính cho tăng trưởng và sự sống còn của doanh nghiệp.

Nói cách khác, các công ty có tinh thần khởi nghiệp sẽ phát triển, những công ty khác cuối cùng sẽ chết. Còn ở góc độ xã hội, tinh thần khởi nghiệp giúp kết nối cung – cầu, tạo thêm việc làm mới và góp phần giải quyết những vấn đề nhân sinh.

Thật ra, mọi người có khả năng và định hướng khởi nghiệp khác nhau dù họ là chủ doanh nghiệp hay đang làm thuê cho ai đó. Hiện nay, ngay cả các tập đoàn lớn cũng đưa tinh thần khởi nghiệp trở thành ưu tiên chiến lược vì họ muốn duy trì tính cơ động, sự khát khao và tham vọng như những công ty startup trẻ trung. Sáng tạo đổi mới hiện được đặt ở vị trí trung tâm trong lịch trình của các công ty lớn.

Nhưng làm thế nào để xây dựng một tổ chức có tinh thần khởi nghiệp? Rõ ràng điều này là không thể thực hiện trong một sớm một chiều, cũng không thể chỉ ứng dụng một công thức chung cho mọi doanh nghiệp, mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng một công ty, một tổ chức có tinh thần khởi nghiệp, có bốn bước quan trọng và thiết yếu mà doanh nghiệp bắt buộc phải quan tâm.

1. Thuê những người có tinh thần khởi nghiệp 

Những người này có “gen khởi nghiệp” trong mình. Họ là những người có óc tò mò bẩm sinh, hay phản biện nhằm góp phần thay đổi hiện trạng. Chính vì vậy, trong quá khứ, họ có thể gặp vài rắc rối với cấp trên hoặc thậm chí bị xem là “người không phù hợp”. Họ có thể tạo ra rất nhiều ý tưởng, nhiều đến mức lắm lúc làm cho họ có vẻ lập dị hay khác thường. Những người sáng tạo gần như không thể đè nén sự ức chế tiềm ẩn trong họ. Và chính sự “bất lực” này làm tuôn trào nhiều chất sáng tạo tươi mới.

De-xay-dung-mot-cong-ty-co-tin-5246-8063

Nhưng còn một điều quan trọng nữa, có những người không sáng tạo vẫn có thể là người giỏi khởi nghiệp. Đó là những người có tinh thần chủ động cao, mạnh mẽ trong hành động và biết chớp thời cơ. Họ rất nhạy bén với các xu hướng thị trường và biết cách biến tình huống thành cơ hội. Chính vì vậy, họ cũng là nhân tố thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo như những cá nhân giỏi sáng tạo.

 2. Học cách quản lý họ 

Với hai mẫu người khởi nghiệp vừa được đề cập thì những lịch trình cố định, công việc lặp đi lặp lại, hay bất cứ nhiệm vụ nào đó quá dễ dàng đều có thể làm họ “mất lửa” và trở nên xa cách với đội ngũ. Những người này rất hăm hở bước vào dự án mới và tìm được ý nghĩa trong công việc, nhưng họ cũng dễ nản khi phải thực hiện những việc theo họ là “vô nghĩa”. Vì thế, khi họ không thực sự được khích lệ, tạo cảm hứng thì điểm mạnh của họ sẽ trở thành điểm yếu.

Các nhà quản lý cần phải học cách chịu đựng mặt tiêu cực của những người có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ: đôi khi họ đòi hỏi cao, tâm tính thất thường và dễ chán nản. Nhưng nếu người quản lý có cách khích lệ rõ ràng thì sẽ làm họ tỏa sáng.

3. Xây dựng những đội ngũ khởi nghiệp

Chúng ta thường nghĩ về khởi nghiệp sáng tạo như là một sản phẩm của những “anh hùng cá nhân”. Trong thực tế, mọi sáng tạo đổi mới đều là kết quả của sự phối hợp đồng đội và điều này có thể đạt được nhờ xây dựng thành công những đội ngũ có tinh thần khởi nghiệp.

Bí quyết để tạo được sự hiệp lực thật sự giữa các thành viên trong đội, để họ có thể hoạt động như các bộ phận khác nhau trong cùng một tổ chức, là tìm ra những giá trị và niềm tin tương đồng, còn kỹ năng và phong cách thì lại bổ sung cho nhau. Một đội ngũ có quá nhiều cá nhân sáng tạo sẽ không bao giờ hoàn tất được chuyện gì. Trong khi một đội ngũ có quá nhiều cá nhân thích hành động sẽ không thể dừng lại để suy ngẫm và không có được định hướng rõ ràng. Nếu từng cá nhân đóng góp một bộ kỹ năng khác biệt để cùng hợp lực với nhau, thì sẽ dễ “phân vai” và thúc đẩy sự hợp tác, đồng thời giảm thiểu sự cạnh tranh trong nội bộ.

Tuy nhiên, tất cả thành viên của tập thể phải cùng đồng hành về mặt mục tiêu và sứ mệnh, và đó là lý do vì sao mà vai trò lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Nếu các thành viên lại khác nhau về niềm tin và giá trị cốt lõi thì sẽ khó khích lệ mọi người cùng hướng về một tầm nhìn chung.

 4. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp 

Đây là yếu tố sau cùng và cũng là yếu tố quan trọng nhất của công thức này. Nhưng thế nào là văn hóa khởi nghiệp? Nói một cách đơn giản, đó là văn hóa tạo điều kiện, tiếp sức cho mọi nhân viên có thể hành động với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, ngay cả khi họ không có khuynh hướng tự nhiên để hành động như thế. Nói cách khác, đó là môi trường hoặc hệ sinh thái mà các cá nhân cảm thấy được khích lệ để mạo hiểm, để tự ra quyết định và trải nghiệm. Trong một môi trường khích lệ sự tương tác của nhân viên với các “team” của công ty, vấn đề có thể sớm được giải quyết nhờ những quyết định nhanh chóng, không quan liêu, không hình thức.

Văn hóa khởi nghiệp thúc đẩy sự khám phá, học hỏi và vui chơi. Để xây dựng được văn hóa khởi nghiệp, người lãnh đạo phải tin tưởng nhân viên cũng như nhân viên phải tin họ và nhân viên cần được đối xử như “những người trưởng thành”. Họ phải được trao cho quyền tự chủ, nhận được sự hỗ trợ mà họ cần và có được tầm nhìn như thể họ là người sở hữu doanh nghiệp.

Startup

Phong ba bão táp không bằng Startup Việt Nam !

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà khi bạn vỗ ngực tự xưng mình làm startup, là entrepreneur, là khởi nghiệp, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn tài giỏi, dũng cảm, có tầm nhìn, vân vân và mi vân.
Gần đây bỗng dưng có nhiều bạn hỏi tôi về kinh nghiệm làm startup, mà cụ thể hơn là tech startup. Tôi thấy vừa vui lại vừa bối rối. Trong trường hợp bạn chưa biết, tôi chỉ là một người vẽ và vô cùng low-tech. Anh em Nhộng vẫn hay trêu tôi những câu kiểu “Ớ thằng Khương biết xài smartphone chúng mày ạ”. Hỏi tôi về tech startup thì có lẽ bạn nên hỏi con thạch sùng trên trần nhà hay đối thoại với đầu gối, lắm khi thu thập được nhiều thứ vi diệu hơn.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ hết sức cá nhân về cái mà các bạn vẫn hay gọi là startup. Vì là quan điểm cá nhân nên chắc chắn sẽ khó nghe với nhiều người. Nếu thế, tôi xin lỗi, nhưng tôi chỉ nói từ những kinh nghiệm của mình. Tôi cũng chả phải là “tấm gương” để các bạn soi lông chân của mình, tôi vẫn đang vô cùng vật vã với đứa con mình đẻ ra, cho nên nghe hay không nghe những ý kiến của tôi, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự xem xét của bạn.

starup
Một điều tưởng chừng như cơ bản nhưng có rất nhiều bạn vẫn quên: nếu muốn làm startup, trước hết hãy tìm một chỗ ngứa, và gãi, gãi thật mạnh, thật sướng, kỳ hết ngứa thì thôi. Sẽ thật tào lao nếu bạn vỗ ngực tuyên bố “Tôi muốn tạo một thứ đánh bật Facebook khỏi Việt Nam”, “Tôi muốn có một search engine thay thế Google”, “Tôi muốn có một trang thương mại điện tử cho Amazon hửi bụi”. Này bạn, bạn đang đùa với tôi đấy ư? Những câu chuyện về startup mà các bạn thấy trên các trang tin công nghệ, khởi nghiệp này nọ là một bức tranh đèm đẹp nhưng không gì xa rời thực tế hơn chúng. Hãy tỉnh dậy và tìm chỗ ngứa của chính mình đi! Sau đó, hãy nghĩ cách gãi chỗ ngứa ấy, trước hết cho mình, và sau đó là cho người khác. Nếu người ta không ngứa, thì bạn gãi làm đếch gì? Điên à?

Có ai quan tâm đến việc bạn là ai trừ khi họ đã dùng thử cái mà bạn tạo ra. Và ngay cả khi họ đã dùng rồi thì cũng đ*o có gì chắc là họ quan tâm. Nếu bạn bắt đầu với tư tưởng sẽ trở thành “cái tốt thứ nhì”, thì tôi nghĩ bạn khỏi làm cái gì hết cho mất thời gian. Hãy đặt mục tiêu trở thành cái tốt nhất, hoặc thậm chí cái tệ nhất, chứ đừng bao giờ lập lờ ở giữa. Ít ra như thế người ta sẽ nhắc đến bạn.

Tiền là tất cả? Xin lỗi bạn, càng nhiều tiền bạn sẽ càng loay hoay mà thôi. Não bạn sẽ ỷ lại vào tiền để giải quyết những vấn đề mà tiền không bao giờ giải quyết được. Và nếu bạn đang dùng tiền của quỹ đầu tư, của mạnh thường quân, hay của gia đình, thì lại càng nguy hiểm hơn nữa. Không gì giết chết một tổ chức mới thành lập nhanh hơn một nhà sáng lập tham lam.

Tiền chả là gì cả? Xin lỗi bạn. Hoặc là bạn hâm hoặc là bạn rất hâm. Làm founder của startup tức là bạn sẽ làm việc không lương trong một thời gian rất dài, và nguy cơ trắng tay là 99%. Nếu không có tiền thì bạn cạp đất để sống chăng? Hay hít không khí cho no?

Phần lớn những bạn làm startup tôi có dịp nói chuyện đều rất mông lung. Muốn bán cơm sườn thì phải có cơm và có sườn. Lúc bạn mới bắt đầu, ai thèm quan tâm đến cái logo của tiệm cơm sườn nhà bạn đẹp hay xấu? Họ chỉ quan tâm đến cơm và sườn có ngon hay không thôi. Chẳng hạn như Cơm tấm Bụi, logo dùng font VNI-Thuphap, nhưng món cơm sườn nướng muối ớt ở đây là vô đối. Dùng VNI-Thuphap chứ có dùng Comic Sans tôi vẫn sẽ ăn cơm tấm Bụi hàng ngày.

starup-bg
Đã làm startup thì phải làm tech startup? Sách nào bảo bạn thế? Nếu thích cắm hoa, hãy mở cửa hàng hoa. Nếu thích chế tạo đồ chơi, hãy chế tạo đồ chơi. Nếu thích làm phim, hãy làm một bộ phim độc lập tuyệt vời. Vì sao bạn làm startup? Để bán công ty và trở nên giàu có ư? Nếu bạn nghĩ thế, xin bạn đừng đọc tiếp. Chúng ta không cùng hệ tư tưởng. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ làm cái tôi đang làm với Nhộng đến hết đời và sẽ không đổi thương hiệu của mình dù để đút túi tất cả tiền bạc trên thế gian này. Tôi bắt đầu Nhộng vì tôi yêu nó, vì dù có được trả tiền để làm nó hay không, tôi vẫn sẽ làm, làm đến chết thì thôi. Nếu bạn cũng có thái độ như thế với ý tưởng khởi nghiệp của mình, thì một ngày nào đó tôi xin mời bạn cà phê.

Tôi từng nhúng bàn chân run rẩy của mình vào làn nước lạnh giá có tên gọi là “tech startup”. Và sau đó đã phải rút vội ngay lại. Tất cả những thứ gọi là tech startup ở nước ta, ngay cả những cái nổi đình nổi đám, được đầu tư hàng triệu triệu đô v.v… đa số là những thứ có thì hay mà chả có thì cũng chả chết thằng Tây nào, thậm chí chỉ tổ tốn tài nguyên mạng. Hoặc là chúng nhạt thật, hoặc là chúng cũng đậm đà ngon lành phết nhưng không biết cách truyền đạt tới người dùng của mình. Dù lý do có là gì đi chăng nữa, thì với tôi chúng là những thứ vô thưởng vô phạt.

Startup không dành cho mọi người. Nghe thì có hơi hướm phân biệt chủng tộc, nhưng tôi tin có một số kiểu người nhất định để làm startup. Và tuýp người này không chiếm đa số. Họ làm startup vì đơn giản là không thể làm được cái gì khác. Tôi từng làm trong những tập đoàn đa quốc gia lớn, và giờ đây, sau hơn một năm ra làm riêng, chỉ nghĩ đến việc phải quay lại chốn ấy thôi cũng đủ làm tôi lộn mửa. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không có ý đả kích những người làm cho các công ty, tập đoàn lớn. Nhưng não bộ của tôi không được kết nối để làm việc này. Chỉ cần ngửi cái mùi thang máy của toà nhà nơi tôi từng làm việc thôi cũng đủ khiến tôi phát ốm rồi. Do đó cho nên, nếu sau một thời gian làm startup mà bạn cảm thấy không ổn, đừng lấy đó làm mặc cảm và cứ quay lại với công việc được trả lương tháng của mình. Bạn sẽ hạnh phúc hơn, sống vui vẻ hơn, ít lo lắng hơn, cả những người thân của bạn cũng vậy.

Một lời khuyên cuối cùng dành cho các bạn sinh viên muốn làm startup: Không phải là bất khả, nhưng 99,99% là bạn sẽ chết. Hệ thống giáo dục của ta ở tất cả các bậc là vô cùng lạc hậu, và thương trường, cuộc đời thật, chính là những người thầy tốt nhất. Những kinh nghiệm tích luỹ được trong khoảng thời gian đi làm công cho người khác sẽ giúp bạn rất nhiều, và trong một số trường hợp sẽ cứu sống cơ đồ của bạn. Do đó, đừng sốt ruột. Startup là một cuộc chơi đường dài đầy khó khăn và chỉ những con ngựa khoẻ nhất, hay nhất mới về đến đích.