Sau lần đầu vượt FPT Online trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG tiếp tục nới rộng khoảng cách lên gần gấp rưỡi trong nửa đầu năm 2018.
Công ty cổ phần VNG (tên cũ Vinagame) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2018, hé lộ những con số liên quan đến hoạt động kinh doanh của một trong những doanh nghiệp đứng đầu về lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Theo báo cáo này, doanh thu của VNG đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi biên lợi nhuận gộp giữ ổn định ở mức trên 50%, thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhanh là tác nhân chính khiến lợi nhuận của VNG chỉ còn chưa tới một nửa so với cùng kỳ năm 2017, khi đạt hơn 240 tỷ đồng.
Dù vậy, kết quả này ít nhiều cũng đã được chính ban lãnh đạo VNG dự báo trước. Năm 2018, VNG đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên lợi nhuận dự kiến chỉ đạt 549 tỷ đồng so với mức 938 tỷ đã thực hiện.
Lý do được công ty này đưa ra là tập trung nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm chiến lược và đa dạng hóa hoạt động. Việc hy sinh lợi nhuận để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới, tất nhiên cũng có lý do của nó.
VNG vốn gắn liền với tên tuổi của một công ty trong lĩnh vực công nghệ, mà sản phẩm trọng tâm là trò chơi trực tuyến. Đến thời điểm gần nhất, mảng kinh doanh này vẫn chiếm hơn 80% tổng doanh thu của VNG, với hơn 1.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.
Danh tiếng của công ty này khởi điểm với Võ Lâm Truyền Kỳ cách đây hơn một thập kỷ, tiếp nối sau đó là hàng loạt game online đình đám khác như Kiếm Thế, Võ Lâm Chi Mộng… Tuy nhiên, đa phần game online được VNG kinh doanh đều là nhập khẩu, việc siết chặt hoạt động nhập game trong hai năm gần đây, cùng thị hiếu của khách hàng trẻ thay đổi đã khiến mảng kinh doanh này của VNG có dấu hiệu chững lại và đi ngang. Trong nửa đầu năm nay, game online cũng là lĩnh vực duy nhất ghi nhận sụt giảm doanh thu.
Tuy nhiên, VNG vẫn có lý do để không quá lo lắng. Trong khi lĩnh vực trò chơi trực tuyến có dấu hiệu đi xuống thì quảng cáo trực tuyến đang nổi lên như một ngôi sao với tốc độ tăng trưởng cao.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của VNG với hơn 300 tỷ đồng, nhưng quảng cáo trực tuyến ghi nhận mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng mạnh, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG cũng nới rộng khoảng cách với một công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu khác là FPT Online.
Xuất phát điểm muộn hơn FPT Online khi năm 2012 mảng kinh doanh này mới có trên báo cáo tài chính của VNG. Khi đó, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG chỉ bằng khoảng 30% so với FPT Online. Tuy nhiên, khoảng cách này liên tục được thu hẹp nhờ tốc độ tăng trưởng cao. Đến cuối năm 2016, doanh thu mảng hoạt động này của VNG đã bằng 70% của FPT Online.
Khoảng cách giữa doanh thu quảng cáo trực tuyến của hai doanh nghiệp hàng đầu này được san bằng trong 9 tháng đầu năm 2017 và cùng năm này là lần đầu tiên, quảng cáo trực tuyến của VNG vượt qua FPT Online.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, khoảng cách này thậm chí đã được nới rộng ra rất nhiều và nghiêng về phía VNG. Doanh thu của FPT Online trong nửa đầu năm nay chỉ đạt gần 250 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG tăng trưởng hơn 30%. Kết quả này khiến thế cục đảo ngược khi doanh thu của FPT Online giờ chỉ tương đương khoảng 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG.
Dù vậy, kết quả này không phải do hoạt động của FPT Online đi xuống mà chủ yếu do VNG có nền tảng tốt hơn để phát triển.
Trong khi FPT Online chỉ vận hành quảng cáo trực tuyến duy nhất trên báo điện tử VnExpress, thì VNG có một hệ sinh thái để bổ trợ cho lĩnh vực hoạt động này, từ tin tức của Zing News, mạng xã hội Zing Me, ứng dụng nhắn tin Zalo cho tới các mảng khác như nghe nhạc trực tuyến với Mp3 Zing hay cổng game online. Với một hệ sinh thái rộng hơn, việc VNG đa dạng hóa sản phẩm và giữ được tốc độ tăng trưởng cao cũng không phải điều khó giải thích.