Tại Zara, việc các nhân viên bán hàng nhìn chăm chú khách hàng lại là một phần nhiệm vụ của họ và đây lại là một phần yếu tố làm nên thành công của hãng.
Với những chị em thích đi mua sắm, việc lượn quanh các gian hàng không chỉ đơn giản là một niềm vui. Tất nhiên, không phải ai cũng thích nhân viên bán hàng nhìn chăm chú vào mình khi đi mua, hay tồi tệ hơn là có thái độ không phù hợp.
Tuy nhiên tại Zara, việc các nhân viên bán hàng nhìn chăm chú khách hàng lại là một phần nhiệm vụ của họ và đây lại là một phần yếu tố làm nên thành công của hãng.
Theo tờ Mirror, những nhân viên Zara không nhìn bạn chăm chú vì sợ bạn ăn cắp hay để đồ lung tung mà để đánh giá phản ứng của khách hàng với quần áo của hãng.
Zara là một thương hiệu đồ “ăn liền” với tốc độ thay đổi chóng mặt. Không như những hãng thời trang truyền thống khác, Zara thay đổi sản phẩm bày bán của mình 2 lần mỗi tuần bát cứ khi nào quản lý chi nhánh gửi đề nghị đến cho tổng bộ.
Những đề nghị này dựa trên doanh số bán hàng từ mỗi cửa hàng cùng phân tích phản ứng của khách hàng đến các sản phẩm. Bởi vậy khi những nhân viên Zara soi bạn kỹ thì đừng phiền lòng, họ đơn giản chỉ muốn xem bạn phản ứng thế nào về sản phẩm mà thôi.
Rõ ràng, những nhân viên cửa hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và việc chiều theo thị hiếu này có thể làm tăng doanh số, qua đó gián tiếp tăng thu nhập cho các nhân viên.
Bí mật thành công của Zara
Nếu bạn là người sành về thời trang, chắc chắn cái tên Amancio Ortega không xa lạ khi ông là người sáng lập nên hãng Zara. Theo công ty chủ quản Inditex ngày nay, doanh số của Zara đạt mức kỷ lục trong 6 tháng đầu năm nay và lợi nhuận tăng 3% lên 1,2 tỷ Bảng Anh.
Năm 1975, Ortega và vợ mở cửa hàng thời trang Zorba tại Tây Ban Nha, nhưng một quán bar gần đó đã lấy cái tên này và họ buộc phải thay đổi thành Zara. Đến năm 1983, công việc làm ăn thành công khiến họ mở được 9 cửa hàng trên khắp Tây Ban Nha. Thế rồi công ty mở rộng sang Bồ Đào Nha và Mỹ. Sau khoảng 40 năm, Zara đã có 7.000 cửa hiệu trên toàn thế giới.
Vậy đâu là bí quyết làm nên sự thành công của thương hiệu “ăn liền” này?
Nếu không có Ortega, có lẽ bây giờ chúng ta chưa biết đến thế nào là ngành thời trang “ăn liền”. Thời điểm năm 1998, một bộ trang phục từ lên ý tưởng, thiết kế, đi qua sàn diễn và bày bán ở ngoài cửa hàng mất 6 tháng trời. Tuy vậy với Zara, thời gian để đánh giá thị hiếu khách hàng, thiết kế sản phẩm và sản xuất để đến tay khách hàng nhanh hơn nhiều.
Thông thường người tiêu dùng phải đợi chờ hàng tháng cho những bộ quần áo thiết kế theo đúng nhu cầu thì giờ đây Zara có thể chỉ làm trong vòng 1 tuần. Sự kết nối chặt chẽ giữa các cửa hàng, tổng bộ thiết kế và nhà máy sản xuất giúp Zara đạt được hiệu suất tuyệt vời so với những công ty thời trang truyền thống.
Lẽ đương nhiên, khi khách hàng được thăm dò đúng nhu cầu nhờ nhân viên cửa hàng và số liệu doanh số, lại được đáp ứng nhanh chóng thì thành công là điều không thể tránh khỏi.
Một yếu tố nữa làm nên thành công của Zara là khả năng thiết kế. Không như những hãng thời trang truyền thống khác chỉ tập trung 1 bộ thiết kế cho mỗi mùa, Zara luôn chuẩn bị nhiều phương án và nhanh chóng sản xuất đưa vào kinh doanh cho mỗi bộ thiết kế. Họ chấp nhận những lỗi sai nhỏ và liên tục cải tiến cho những lần thiết kế sau.
Phương pháp này khiến khách hàng tại Zara ngày càng hài lòng khi mua sắm tại đây khi dường như các sản phẩm của hãng luôn được cải thiện hàng tuần để đáp ứng nhu cầu.
Những yếu tố này đã khiến Zara thành công, nhưng trớ trêu thay chúng lại được học tập nhanh chóng bởi hàng loạt đối thủ. Thậm chí, sự bành trướng của thương mại điện tử cũng khiến Zara phải xem xét lại hệ thống phân phối của mình.
Bất chấp điều đó, Zara vẫn tự tin với 7.475 cửa hàng tại 96 thị trường của mình. Công ty hiện là hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới với doanh số thuần 10,7 tỷ Bảng Anh (13,96 tỷ USD). Hệ thống đặt hàng online của hãng cũng xử lý khoảng 249.000 đơn hàng mỗi giờ.
Thời Đại