Monthly Archives: August 2016

Canh bạc đầu tư ‘Uber bất động sản’ của doanh nhân Mỹ gốc Việt

Hái quả ngọt từ 3 công ty công nghệ tài chính Mỹ, ông John Le bất ngờ về Việt Nam khởi nghiệp và thử sức trên một sân chơi còn kém minh bạch là thị trường nhà phố tại TP HCM.

Nhiều thập niên sống và làm việc tại Mỹ, doanh nhân Việt kiều – John Le chia sẻ chưa từng nghĩ đến việc dừng niềm đam mê khởi nghiệp bằng công nghệ vốn đã thấm vào máu thịt. Ông tốt nghiệp ngành Toán học và Khoa học thống kê tại Đại học California (UCLA). Kể từ khi ra trường đến nay, ông có 25 năm làm việc với hầu hết các ngân hàng thuộc Top Fortune 100 tại Bắc Mỹ và đã huy động hơn 35 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ tài chính.

Trong các năm 1998-2008, John từng tham gia thành lập 3 công ty (LoanTrader, Portellus và Mozaik) hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý tài chính. Mô hình start-up quen thuộc của ông luôn đậm phong cách Mỹ. Đó là cùng với các đối tác xây dựng, phát triển ổn định một công ty non trẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công, rồi sau đó chuyển nhượng lại để đi chinh phục những thử thách mới.

Năm 2009, ngành ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên biết đến John ở mảng công nghệ tài chính TransUnion (Việt Nam), một công ty tín dụng quốc tế tư nhân được thành lập bởi TransUnion toàn cầu và Mozaik. Trong 2 thập niên khởi nghiệp, ông từng 2 lần nhận giải thưởng Ernst & Young Entrepreneur và một giải thưởng  “Orange County/San Diego Technology Fast 50” do Deloitte & Touche trao cho công ty LoanTrader với thành tích là công ty tăng trưởng nhanh nhất.

Song con đường bằng phẳng là công nghệ tài chính đầy thành công hơn 2 thập niên qua dường như chưa đủ giúp ông thỏa chí chinh phục và khám phá. John gây bất ngờ lớn khi âm thầm chọn một ngã rẽ không phải sở trường để khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam là bất động sản.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet

Doanh nhân Mỹ gốc Việt, John Le đang đặt cược hàng triệu USD vào dự án khởi nghiệp theo mô hình “Uber bất động sản” tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê

Năm 2015 ông chuyển hướng sang thị trường địa ốc thông qua phát triển Propzy – dự án khởi nghiệp mới nhất. Chứng kiến cách Uber (dịch vụ taxi hiện đại được quản lý bằng phần mềm thông minh) từng bước xâm nhập thị trường vận tải tại Việt Nam, John đã ấp ủ kế hoạch phát triển mô hình “Uber bất động sản” cho công ty non trẻ của mình.

Vị doanh nhân Việt kiều chia sẻ, với nền tảng hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, am hiểu về việc thế chấp tài sản nhà đất tại Mỹ, ông nhắm đến thị trường nhà phố tại Việt Nam ước tính 24 triệu căn để khai thác. Năm 2015 John đầu tư một triệu USD vào Propzy.

Từ tháng 6 đến tháng 12/2015, ông ra mắt công nghệ mới phục vụ cho phân khúc văn phòng, căn hộ và nhà lẻ bán hoặc cho thuê trên nền tảng đăng tin miễn phí. Tháng 3/2016 mở rộng thị trường sang phân khúc dự án mới. Tất cả các sản phẩm bất động sản được tích hợp trên cùng một cổng thông tin, có thể tìm kiếm nhanh, chính xác nhưng bảo mật và hỗ trợ quy trình giao dịch an toàn từ khâu tìm kiếm đến tư vấn, giải quyết vướng mắc pháp lý, thậm chí kết nối ngân hàng, sang tên, ra giấy chứng nhận.

Tháng 7/2016, John ra mắt ứng dụng dành riêng cho các nhà môi giới dùng trên smartphone, cho phép môi giới quản lý và thực hiện các giao dịch bất động sản theo phương thức mới tương tự Uber. Chỉ cần chọn đặt lệnh mua/bán, khách hàng được hỗ trợ quy trình giao dịch khép kín, có thể theo dõi từng khâu như người dùng taxi quan sát xe di chuyển và minh bạch thông tin tuyệt đối. Cộng đồng môi giới có thể chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau tìm kiếm và phục vụ khách hàng thông qua cổng thông tin mới này.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet-1

Vấn đề đặt ra cho start-up là làm cách nào có thể thay đổi thói quen giao dịch nhà đất truyền thống của người dân đồng thời tạo nên nguồn hàng hóa, thông tin bất động sản khổng lồ trong thời gian ngắn để lôi kéo khách hàng tìm đến địa chỉ này giao dịch. Ảnh: Vũ Lê

Mục tiêu đầu tiên của John là đánh chiếm thị trường nhà phố trên cả nước thông qua cộng đồng kết nối lớn, tích hợp và ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình giao dịch an toàn. Tròn một năm đầu tư vào dự án khởi nghiệp, vị doanh nhân này hội tụ được 500 nhà môi giới chuyên nghiệp về đầu quân cho công ty, chuyển giao và kết nối 800 giao dịch thành công cho khách hàng. Sau thị phần nhà phố tại TP HCM, ông tính đến việc sẽ mở đường ra Hà Nội và lan sang những tỉnh thành khác.

John tiết lộ giai đoạn tiếp theo phát triển mô hình “Uber bất động sản” từ cuối năm 2016 đến 2018, ông cùng các đối tác sẽ rót thêm vốn, nâng tổng số tiền đầu tư cho mô hình khởi nghiệp lên mức 3- 5 triệu USD. Thời gian thu hồi vốn ước tính khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, chặng đường phía trước đang chờ đón vị doanh nhân này không trải đầy hoa hồng. Bởi lẽ những thách thức dành cho ông rất lớn.

Khảo sát của VnExpress, số lượng cổng thông tin bất động sản tại thị trường Việt Nam khá dày đặc và có cấu trúc cũng như cách hoạt động na ná nhau, không có sự cam kết minh bạch thông tin hay bảo đảm một quy trình giao dịch an toàn. Các làn sóng đầu tư vào công nghệ bất động sản tại Việt Nam đa phần ghi nhận bề nổi thời gian đầu, càng về sau càng mờ nhạt. Khá nhiều cổng thông tin sau một vài năm ra mắt chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả và không đủ sức đi đường dài.

Trong khi đó, môi giới bất động sản, đặc biệt là cò nhà đất địa phương ở lĩnh vực nhà phố, có đặc tính chỉ sống chết vì hoa hồng (phí môi giới). Có giao dịch, có hoa hồng thì mới duy trì lượng môi giới gắn kết lâu dài. Chỉ cần ế khách, rỗng túi từ 3-4 tuần đến vài tháng, môi giới đã bắt đầu xê dịch, tìm hướng đầu quân công ty mới.

Một chuyên gia có thâm niên gần 20 năm quan sát và tư vấn đầu tư bất động sản tại TP HCM đánh giá, canh bạc mà John đang chơi đặt ra 4 câu hỏi. Thứ nhất, làm cách nào lôi kéo được môi giới có thâm niên dạn dày kinh nghiệm gắn kết lâu dài cùng chia sẻ lợi nhuận.

Thứ hai, làm cách nào trong một thời gian ngắn có thể phát triển một cổng thông tin dữ liệu cực lớn với đầy đủ nguồn hàng hóa bất động sản đa dạng ở nhiều phân khúc, đủ sức lôi kéo người tiêu dùng tìm đến địa chỉ này để giao dịch.

Thứ ba, làm cách nào để sống còn (chứ chưa tính đến lời lãi) trong khi doanh nghiệp sẽ chỉ sống bằng mức phía hoa hồng chi sẻ theo tỷ lệ tương tự như Uber (công ty 20%, môi giới 80%) và không có thêm nguồn thu nào khác từ các hoạt đông quảng cáo. Thứ tư, làm cách nào thay đổi được thói quen của người Việt Nam vốn ưa thích giao dịch nhà đất theo cách truyền thống, âm thầm trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, đáp lại những hoài nghi, John chia sẻ ông có cơ sở khoa học để đặt cược vào dự án khởi nghiệp này. Đó là cộng đồng người dùng internet tại Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết và cơn khát minh bạch thông tin tại thị trường bất động sản Việt Nam đang bức thiết. “Điều tích cực nhất tôi có thể tự hào là thông qua dự án này, khách hàng giao dịch bất động sản có thể chạm đến được những chuẩn mực an toàn, được bảo vệ và được tiếp cận thông tin xác thực nhất”, ông nói.

Đế chế Apple sau 5 năm thuyền trưởng Tim Cook nắm quyền

Vào ngày 24/8/2011, ông Tim Cook chính thức thay thế ông Steve Jobs để trở thành CEO của Apple. Vậy sau 5 năm điều hành, nhà lãnh đạo này đã làm được những gì cho công ty?

Kết quả kinh doanh quý II/2016 vượt dự đoán của các chuyên gia Phố Wall đã khiến cổ phiếu Apple tăng 7% trong chưa đến 1 giờ. Hiện Apple là công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới và có lợi nhuận theo quý nhiều nhất so với các hãng công nghệ khác.

Tuy nhiên, doanh thu của Apple đang giảm tốc và đặc biệt là doanh số sản phẩm chủ chốt của hãng , iPhone đang tăng trưởng chậm lại. Những màng kinh doanh khác của Apple cũng không có nhiều đột phá và hãng công nghệ này chưa có một sản phẩm đỉnh cao nào kể từ khi ông Cook làm CEO.

Đầu tiên, hãy nhìn vào giá cổ phiếu của Apple kể từ khi CEO Cook lên nắm quyền. Giá cổ phiếu đã tăng hơn 90% trong 5 năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân 84% của chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, trước khi Tim Cook làm CEO, giá cổ phiếu của Apple đã tăng 460%, cao hơn nhiều so với hiện nay.

Hiện Apple đã trả cổ tức, điều chưa từng xảy ra trước khi Tim Cook nắm quyền. Tuy nhiên, lượng tiền mặt mà Apple nắm giữ cũng nhiều gấp 3 lần so với trước đây và hiện đang ở mức 230 tỷ USD.

CEO Tim Cook cũng đã có cố gắng trong việc cải thiện hình ảnh thương hiệu Apple thành một công ty thân thiện với môi trường qua những dự án năng lượng mặt trời hay những chính sách ủng hộ người đồng tính. Trước đây, CEO Steve Jobs chưa bao giờ làm những điều này.

Dẫu vậy, dù tình hình kinh doanh của Apple vẫn tăng trưởng nhưng doanh thu của hãng lại giảm đều trong 5 năm CEO Tim Cook nắm quyền và thậm chí xuống mức tăng trưởng âm từ đầu năm 2016.

Doanh thu theo quý (xanh-tỷ USD) và tăng trưởng doanh thu theo quý của Apple.

Nguyên nhân chính là doanh số iPhone đang giảm. Doanh số của sản phẩm này bắt đầu giảm từ quý IV/2015 so với cùng kỳ năm trước đó và liên tục đi xuống.

Doanh số iPhone (triệu chiếc-xanh) và tăng trưởng hàng năm (%).

Nhiều chuyên gia của Apple đã từng cho rằng iPad sẽ thay thế máy tính cá nhân để trở thành thiết bị công nghệ phổ biến. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra và doanh số của iPad đã giảm tốc đều kể từ năm 2014. Doanh số quý II vừa qua của iPad cũng giảm nhưng lợi nhuận lại tăng nhờ mức giá cao hơn của iPad Pro.

Doanh số iPad (triệu chiếc-xanh) và tăng trưởng hàng năm (%).

Về mảng Mac, Apple không gặt hái được nhiều thành công với dòng sản phẩm này khi doanh số của Mac liên tục giảm trong 3 quý gần đây nhất. Nói chung, mảng máy tính cá nhân đang suy giảm trên toàn thị trường chứ không riêng gì Apple.

Doanh số Mac (triệu chiếc-đỏ) và tăng trưởng hàng năm (%).

Trong 5 năm cầm quyền của mình, Tim Cook đã thất bại khi thiết lập một sản phẩm đỉnh cao khác ngoài iPhone. Doanh thu của sản phẩm này vẫn chiếm phần lớn trong tổng doanh thu toàn công ty.

Doanh thu theo sản phẩm từng quý trên toàn cầu của Apple (tỷ USD).

CEO Tim Cook đã nói rất nhiều về mảng dịch vụ, ứng dụng như App Store, iCloud hay Apple Music. Trong quý này, mảng dịch vụ của Apple cũng là mảng duy nhất có doanh thu tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn thì mảng dịch vụ này của Apple không có tăng trưởng đột phá nào. Chủ yếu mảng dịch vụ của hãng tăng trưởng là nhờ hàng chục triệu người dùng iPhone mới hàng quý cập nhật và tải về ứng dụng.

Tăng trưởng doanh thu theo sản phẩm so với cùng kỳ năm trước (%).

Đặc biệt, mảng “các sản phẩm khác” trong tăng trưởng doanh thu của Apple suy giảm cho thấy sự thất bại của Apple Watch, sản phẩm mới chủ chốt duy nhất được ra mắt dưới thời Tim Cook. Rõ ràng, sản phẩm này chả có đóng góp gì mấy cho Apple và doanh số thì tụt dốc thảm hại.

Một trong những thành công lớn nhất của CEO Cook là tiếp cận và bành trướng tại thị trường Trung Quốc. Doanh số của Apple tại đây đã tăng nhanh tính đến cuối năm 2014. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đã chững lại trong năm qua và thậm chí doanh thu của thị trường Trung Quốc đã mất vị trí thứ 2 vào tay Châu Âu trong bảng xếp hạng của Apple.

Doanh thu theo quý của từng khu vực thị trường (tỷ USD).

Từ khi Tim Cook nắm quyền, chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Apple đã tăng mạnh.

Chi phí R&D theo quý (tỷ USD).

Thậm chí, tỷ lệ chi phí R&D trên tổng doanh thu của hãng đã tăng đột biến trong vài quý gần đây.

Tuy nhiên, tăng trưởng chi phí R&D vẫn ổn định nhưng doanh thu lại tăng trưởng âm.

Trong buổi công bố kết quả kinh doanh theo quý, CEO Cook cho biết chi phí R&D được dùng cho nhiều dự án và sản phẩm bên ngoài những mặt hàng chính đang được bày bán.

Tuy nhiên, cụ thể những sản phẩm đang được nghiên cứu và phát triển là gì thì không được Apple tiết lộ.

Dẫu vậy, rõ ràng là Tim Cook cần một sản phẩm đỉnh cao để chứng minh tài năng lãnh đạo của mình hơn là duy trì mức tăng trưởng chậm như hiện nay. Cổ đông vẫn còn niềm tin vào Apple khi kỳ vọng hãng sẽ cho ra các sản phẩm mới làm thay đổi thị trường. Tuy nhiên, họ cũng đang mất dần kiên nhẫn.

Hacker gây hại cho hàng không như thế nào

Sân bay và các hãng hàng không trên thế giới đang ngày càng trở thành mục tiêu lý tưởng cho tội phạm mạng, do có tính kết nối cao..

Vụ tấn công hệ thống thông tin của 2 sân bay lớn nhất Việt Nam và Vietnam Airlines ngày 29/7 của nhóm tin tặc tự xưng đến từ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành hàng không trong nước. Trước đó, tin tặc Trung Quốc vốn được biết đến với nhiều vụ tấn công, lấy cắp thông tin của doanh nghiệp nước ngoài song ít khi “động đến” mảng hàng không. Tuy vậy, trong những năm gần đây, việc tin tặc nói chung tấn công ngành hàng không và các sân bay đã gây ra hậu quả và được cảnh báo khắp nơi trên thế giới.

“Khủng bố qua mạng Internet có thể thay thế không tặc và những kẻ đánh bom, trở thành vũ khí được ưa chuộng để tấn công ngành hàng không”, hãng bảo hiểm Allianz (Đức) cho biết trong một bản nhận định về an ninh hàng không năm 2014.

Cũng như các nhà máy và hệ thống truyền tải điện, sân bay và hàng không được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng của mỗi quốc gia. Nó có vai trò thiết yếu với cả hoạt động kinh tế và xã hội.

Nếu được thực hiện thành công, những vụ tấn công này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, hoạt động kinh doanh và kế hoạch đi lại của các cá nhân. Bên cạnh đó, thông tin đánh cắp từ các vụ tấn công này có thể được sử dụng cho mục đích thương mại bởi các sân bay hoặc hãng hàng không đối thủ. Nó cũng có thể hủy hoại danh tiếng của nạn nhân. Ví dụ, nếu thông tin bí mật của hành khách bị rò rỉ và tung lên Internet, hành khách sẽ có xu hướng né tránh hãng hàng không đó.

hacker-gay-hai-cho-hang-khong-nhu-the-nao

Tội phạm Internet đang là mối lo hàng đầu với ngành hàng không thế giới. Ảnh: Cyber Defense Mag

Tháng 6 năm nay, Paul Dixon (22 tuổi), sống tại Durham (Anh) đã bị cáo buộc tấn công website Sở cảnh sát Durham, cơ quan cảnh sát Scotland, hãng bán lẻ game CeX và cả website hãng hàng không British Airways, khiến hãng bay phải ngừng hoạt động trong một giờ. Vụ việc xảy ra vào nửa cuối tháng 10/2014. Dixon cũng bị bắt giữ không lâu sau đó, Mirror cho biết.

Theo công tố viên Jim Hope, việc bị tấn công từ chối dịch vụ suốt một giờ đã khiến website British Airways mất khoảng 100.000 bảng doanh thu. Chưa kể, việc này còn gây ảnh hưởng lên niềm tin của khách hàng vào các doanh nghiệp này.

Cuối tháng 5, giới chức Ai Cập cũng cảnh báo các phi công về việc hacker cài đặt thiết bị phá sóng GPS tại sân bay Cairo. Họ cho rằng các hacker muốn can thiệp vào hệ thống máy móc của máy bay trong lúc hạ cánh.

Công cụ này có thể mua được trên Internet với giá chưa đầy 150 USD. Chúng dùng để vô hiệu hóa hệ thống điều hướng của các hãng bay, ảnh hưởng đến hoạt động của hải quân, hoặc thậm chí là các phần mềm bản đồ trên smartphone. Năm 2004, thiết bị này cũng được cho là gây ra vấn đề cho hàng loạt sân bay tại Anh, như Heathrow, Stansted và Gatwick.

Đầu năm nay, giới chức quân đội Ukraine cho biết đã ngăn chặn được một vụ tấn công mạng vào sân bay lớn nhất nước này – Boryspil. Theo đó, một phần mềm độc hại (malware) đã được tìm thấy trong một máy tính của sân bay. Nó đã được phát hiện sớm và vô hiệu hóa trước khi gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Sân bay này đón 7 triệu lượt khách mỗi năm. Vì thế, một vụ tấn công mạng sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn.

Malware này tương tự phần mềm đã tấn công 3 hãng năng lượng lớn của Ukraine cuối năm ngoái. Sự việc đã gây mất điện trên cả nước suốt nhiều giờ.

hacker-gay-hai-cho-hang-khong-nhu-the-nao-1

Hãng bay LOT năm ngoái cũng bị hacker tấn công. Ảnh: REX

Tháng 6 năm ngoái, khoảng 1.400 hành khách của hãng hàng không Ba Lan – LOT đã mắc kẹt tại sân bay Chopin (Warsaw). Nguyên nhân là hệ thống máy tính trên mặt đất của hãng bay bị hacker tấn công, khiến họ không thể sắp xếp lịch trình bay. Sự việc được khắc phục sau 5 giờ.

Trong thời gian đó, 10 chuyến bay nội địa và quốc tế của hãng hàng không này đã bị hủy. Hơn 10 chuyến khác bị hoãn, theo người phát ngôn của LOT. Nhiều hành khách chịu ảnh hưởng đã được hỗ trợ lên chuyến khác, hoặc tìm khách sạn để ở qua đêm.

Hồi tháng 10 năm ngoái, website của Sân bay Quốc tế Norwich (Mỹ) cũng bị tấn công. Dù vậy, hacker có mật danh His Royal Gingerness (HRG) cho biết mục đích của anh ta chỉ là chứng minh website này “rất dễ đột nhập”.

Ngoài việc tấn công website, HRG còn lấy đi tên và địa chỉ email của các hành khách trong cơ sở dữ liệu của hãng bay. Quá trình tấn công chỉ mất khoảng 2-3 phút. Sau sự việc trên, đại diện sân bay cho biết đã thực hiện các thay đổi cần thiết để đảm bảo an ninh. Hacker này đã bị bắt hồi đầu năm nay.