Monthly Archives: January 2017

Người Nhật chuyển từ ăn tết Âm sang tết Dương và sự tiếc nuối của vị đại sứ Nhật

“Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện “chúng ta là ai?”.

Trước hết cần hiểu đúng về Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là Tết mà mọi người chào đón bằng Lịch Âm, Lịch mặt trăng. Gần như tất cả các nước trong khu vực Châu Á đều mừng năm mới bằng Lịch Âm, theo tiếng Trung Quốc là “Tết Nguyên Đán”.

Lịch được lưu hành hiện tại thường chia làm 2 loại: Lịch Âm và Lịch Gregorian – Lịch Dương. Do Lịch Dương có 365 ngày và Lịch Âm có 364 ngày, nên vì thế càng ngày càng có sự xô lệch khi chuyển từ lịch này sang lịch khác.

Chính vì vậy, việc Nhật bản chuyển từ ăn tết Lịch Âm sang ăn tết Lịch Dương đã trở thành nước duy nhất trong khu vực ăn tết Lịch Dương.

Đương nhiên, tùy vào cách đón tết của mỗi nước, chúng ta không thể phủ nhận Tết Lịch Âm cũng biểu hiện cho một năm cũ đã qua, năm mới sắp tới. Nhìn chung, trong vai trò một quốc đảo, Nhật Bản vẫn rất độc lập và tách biệt với phần còn lại của châu Á.

Tại sao ở Nhật Bản mọi người lại không chúc mừng Tết Nguyên Đán?

Trước đây, Nhật Bản ăn Tết theo Âm lịch nhưng đã chuyển sang ăn Tết theo Dương lịch kể từ năm 1873. Từ năm 1844 đến ngày 31 tháng 12 năm 1872 (ngày 2 tháng 12 năm Minh Trị thứ 5) người Nhật đón Tết theo lịch Thiên Bảo.

Ngày 3 tháng 12 năm Minh Trị thứ 5 được sửa đổi thành ngày 1 tháng 1 năm Minh Trị thứ 6 (năm 1873). Việc sửa đổi này đã được chính phủ Nhật công bố vào ngày 9 tháng 11 năm Minh Trị thứ 5 (9/12/1872) và được áp dụng vào tháng sau đó.

Nhờ việc thay đổi lịch này mà chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm được tiền trả lương tháng 13 cho công chức (vì nếu tính theo lịch cũ thì năm Minh Trị thứ 6 có tháng 6 là tháng nhuận) và giảm bớt ngày nghỉ, tăng sản lượng quốc gia.

Trên thực tế, lý do Nhật Bản muốn dùng lịch phương Tây là vì tính chất thời điểm. Giới lãnh đạo Nhật đương thời muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, vì nhận thấy rằng văn minh phương Tây đã phát triển hơn châu Á về nhiều mặt. Nhật Hoàng ra lệnh đổi lịch nhằm khớp lại toàn bộ nền khoa học của Nhật Bản cho giống với phương Tây, thay vì để khớp với “lịch làm ăn” như nhiều người vẫn nghĩ.

Người Nhật có còn sử dụng Lịch Âm không?

Trước đây, người Nhật sử dụng lịch của người Trung Quốc (Âm Lịch). Đến năm 1873, lịch phương Tây du nhập vào Nhật Bản và hiện nay vẫn được sử dụng phổ biến, chẳng hạn trên tất cả các tờ lịch, cuốn lịch thì đều ghi số năm theo lịch phương Tây.

Tuy nhiên, người Nhật vẫn áp dụng cách đếm năm theo cách riêng của họ, đó là hệ thống đánh số các năm theo niên hiệu và số năm trị vì của Nhật Hoàng đương thời. Cách đánh số này được áp dụng rất thông dụng trong các form mẫu, giấy tờ ở khắp nơi tại Nhật.

Ví dụ, năm 2011 gọi là năm Heisei 23, có nghĩa là năm thứ 23 trị vì của Nhật Hoàng hiện tại – Nhật Hoàng Akihito. Tuy nhiên, năm đầu tiên trị vì của một Nhật Hoàng không được ký hiệu là 1, tức là sẽ không có Heisei 1, mà được gọi là Gannen (ví dụ Heisei Gannen)

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới đón Tết Âm Lịch. Thậm chí, tại Malaysia và Singapore, do có nhiều chủng dân cùng sinh sống nên người ta mừng năm mới tới 4 lần. Tại Thái Lan, Campuchia, Lào, người dân ăn tết theo Phật lịch, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 (Dương lịch) mỗi năm.

Người Nhật Bản từng muốn khôi phục Tết Nguyên Đán cổ truyền

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, Công sứ Nhật Bản – Hideo Suzuki từng chia sẻ, vào thời kỳ công nghiệp hóa dưới thời Minh Trị, việc chuyển từ ăn Tết Nguyên Đán cổ truyền sang Tết Tây là rất cần thiết. Còn ngày nay, đang có một luồng dư luận tại Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền.

Bởi theo dương lịch, ngày 1/1 hằng năm sẽ bắt đầu mùa xuân, nhưng trên thực tế, thời tiết tại Nhật vô cùng lạnh giá trong tháng 1. Vì vậy, rất khó cho mọi người cảm nhận một mùa xuân mới đang về.

Còn nếu theo Âm Lịch cổ truyền, mùa xuân sẽ đúng hẹn hơn, vì ngày đầu của mùa xuân thường rơi vào tháng 2. Khi đó, hoa mận đã nở khắp nơi và khoảng 1 tháng sau (tháng 3 dương lịch), sắc xuân sẽ tràn ngập tại Nhật Bản với hoa anh đào nở.

Vị công sứ Nhật Bản từng nhấn mạnh:

“Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện “chúng ta là ai?”.

Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.

Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng”.

Nghiên cứu chứng minh: Lối suy nghĩ nội tâm sẽ giúp doanh nhân thành công hơn

Người sống hướng nội thường có những phẩm chất giúp họ đạt tới đỉnh cao của sự thành công.

Nghiên cứu chứng minh: Lối suy nghĩ nội tâm sẽ giúp doanh nhân thành công hơn

Thực tế, nhiều người cho rằng tính hướng ngoại sẽ giúp ích cho các nhà kinh doanh trong công việc bởi có rất nhiều CEO mang tính cách hướng ngoại nhiều hơn hướng nội. Nếu bạn cho rằng một nhà kinh doanh thành công phải là người có tính cách “hướng ngoại” như sự quyết đoán, nói nhiều và tính xã hội cao thì đó là điều không đúng.

Người sống hướng nội thường có những phẩm chất có thể giúp họ đạt tới đỉnh cao của sự thành công.
Người sống hướng nội thường có những phẩm chất có thể giúp họ đạt tới đỉnh cao của sự thành công.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí doanh nghiệp Entrepreneur đã chỉ ra rằng, người sống hướng nội có những phẩm chất có thể giúp họ đạt tới đỉnh cao thành công trong mọi lĩnh vực. Điển hình là Angie Hicks – nhà sáng lập Angie’s List, tỷ phú Bill Gates, nữ diễn viên xuất sắc Candice Bergen, tỷ phú Warren Buffet và tổng thổng Barack Obama là những con người nổi tiếng với tính cách hướng nội.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những doanh nghiệp được dẫn dắt bởi người sống nội tâm có năng xuất cao hơn số còn lại. Dưới đây là những phẩm chất giúp người hướng nội thành công hơn so với những người khác.

Tính chuẩn bị kĩ lưỡng

Người sống hướng nội có xu hướng chú trọng đến nghiên cứu sâu, suy tư và suy nghĩ sâu sắc hơn người hướng ngoại. Điều này giúp họ có cơ hội chuẩn bị tốt hơn cho tất cả mọi việc từ cuộc họp với nhân viên hay với khách hàng.

Có cơ hội chuẩn bị chi tiết và chu đáo cho bất cứ công việc nào sẽ đảm bảo cho công việc đó diễn ra thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nó cũng giúp họ có được uy tín trong công việc.

Cộng tác tốt với đồng nghiệp

Người hướng nội có thể hòa đồng với tất cả mọi người? Nghe có vẻ phi lý nhưng quả thực những người hướng nội thường có xu hướng cộng tác với đồng nghiệp cao tốt so với những người hướng ngoại. Họ là những người có khả năng thúc đẩy tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề cực nhanh.

Làm việc độc lập

Rất nhiều người ghi trong hồ sơ hoặc sơ yếu lí lịch là người có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm rất tốt. Bởi vì, là nhân viên hay lãnh đạo đều cần phải có kỹ năng làm việc độc lập cá nhân và làm việc theo nhóm trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

Người hướng nội thường coi trọng thời gian yên tĩnh khi ở một mình nên họ có tư duy rất độc lập. Tố chất này không chỉ quan trọng với một nhà lãnh đạo giúp họ dẫn dắt nhân viên mà nó cũng giúp mỗi cá nhân thể hiện được năng lực tối đa.

Khả năng quan sát

Những người hướng nội thường biết lắng nghe người khác và có khả năng quan sát tốt hơn. Sự thấu hiểu là yếu tố quan trọng trong kĩ năng phục vụ và chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, nó cũng giúp người hướng nội tiếp thu kiến thức nhanh. Đó là lý do tại sao người hướng nội thường đưa ra quyết định chính xác hơn những người hướng ngoại.

Suy nghĩ trước khi nói

Suy nghĩ nội tâm là bản chất của người hướng nội. Họ thường dành thời gian để quan sát và phân tích thật kĩ trước khi đóng góp ý kiến. Chính vì thế, họ không bao giờ đưa ra những quyết định bốc đồng và gần như không hối tiếc với những quyết định mà họ đã đưa ra.

Những người sống hướng nội có thể có ít mối quan hệ nhưng mọi mối quan hệ của họ đều rất sâu sắc và có ý nghĩa hơn quan hệ giao tiếp bình thường. Họ chỉ phát triển mối quan hệ có ý nghĩa với đúng người giúp họ phát triển trong sự nghiệp. Khi nói đến việc tìm một người cố vấn hoặc liên hệ đầu tư thì những người hướng nội sẽ thích hợp hơn là những người hướng ngoại.

Suy nghĩ lớn, sáng tạo nhiều

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, những người sáng tạo nhất trong những công ty nổi tiếng thế giới đều là những người hướng nội. Đặc điểm biết lắng nghe, quan sát để suy nghĩ sâu sắc chính là yếu tố kích thích khả năng tư duy sáng tạo của họ.

VietJet trước thách thức phải nhận quá nhiều máy bay

Một trong những lo ngại lớn nhất vào thời điểm này của VietJet là đơn đặt hàng máy bay số lượng lớn sắp được thực hiện trong thời gian tới, bao gồm hơn 100 máy bay Airbus A320 va 100 máy bay Boeing 737 Max 200s.

VietJet trước thách thức phải nhận quá nhiều máy bay

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo trả lời phỏng vấn tại văn phòng ở TP.HCM (Ảnh: Nguyễn Huy Khâm/Reuters)

VietJet đang phát triển hoạt động tại thị trường quốc tế và tiếp nhận thêm hơn 200 chiếc máy bay để giữ đà tăng trưởng. Nhưng đây là một nhiệm vụ không dễ dàng tại thị trường Đông Nam Á đầy khốc liệt.

Được thành lập năm 2011, VietJet sử dụng hình ảnh các tiếp viên mặc bikini để quảng bá thương hiệu. Hãng hàng không giá rẻ này nắm bắt được cơ hội của một nền kinh tế đang phát triển nhanh và dân số trẻ – những người bắt đầu thích du lịch nhiều hơn.

Tuy nhiên, thách thức đang chờ đợi VietJet ở bước đi tiếp theo, khi công ty này vươn lên tầm khu vực và quốc tế. Tại đây, hạm đội nhỏ bé của VietJet khó có cửa cạnh tranh với các công ty tới từ Nga hay Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Nam Á đang chững lại và vị trí để xây dựng các sân bay mới không có nhiều. Ngay cả một sân bay kém đông đúc như Kuala Lumpur cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng hàng không.

Điều này dấy lên những nghi ngờ về khả năng tiếp nhận một trong những đơn hàng máy bay lớn nhất khu vực của VietJet. Nhà phân tích Brendan Sobie của công ty tư vấn CAPA nhận định rằng VietJet vô cùng thành công trong 5 năm qua nhưng những gì công ty này làm được chỉ gói gọn trong thị trường nội địa.

Ông Sobie dự báo thị trường Việt Nam sẽ bắt đầu giảm tốc trong khi việc phát triển ra thị trường toàn cầu còn khó khăn hơn. Khi đó, mọi người có quyền hoài nghi về khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay của VietJet.

Theo CAPA, thị trường hàng không nội địa của Việt Nam tăng trưởng 30% trong năm 2016 lên mức 28 triệu lượt khác. Tốc độ này gấp gần 5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành VietJet – bà Nguyễn Thị Phương Thảo – đang vạch ra kế hoạch phát triển kinh doanh tại Trung Quốc, Australia và Nga, nơi bà từng học tập và làm việc. Vị nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam gạt bỏ những lo ngại cạnh tranh quá mức bất chấp thực tế rằng các hãng hàng không nội địa Trung Quốc đang bùng nổ. Kể từ khi các quy định hàng không được cởi bỏ năm 2013, có hơn 10 hãng hàng không mới xuất hiện tại quốc gia này.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, bà Thảo cho biết các quốc gia khác vẫn đang làm việc với Trung Quốc và VietJet có lợi thế riêng của mình trong thương vụ này. Hãng hàng không tư nhân số 1 Việt Nam có thể kết hợp với các đối tác nội địa Trung Quốc để mở rộng thị trường tại đó.

Quá nhiều máy bay?

Một trong những lo ngại lớn nhất vào thời điểm này của VietJet là đơn đặt hàng máy bay số lượng lớn sắp được thực hiện trong thời gian tới, bao gồm hơn 100 máy bay Airbus A320 va 100 máy bay Boeing 737 Max 200s. Đây là là sự kết hợp hiếm thấy trong đơn hàng của các hãng hàng không giá rẻ thế hệ mới.

Đặc biệt, đơn hàng Boeing bị nhiều người đặt dấu hỏi về tính chính trị bởi nó được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Barack Obama. Bà Thảo đã bác bỏ ý kiến này.

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết đơn hàng hơn 200 máy bay này của VietJet có thể tái xác nhận hoặc có điều khoản hủy. Bà Thảo cho biết hoạt động kinh doanh của công ty đủ để thực hiện đơn hàng hơn 20 tỷ USD này mặc dù VietJet hiễn vẫn đang nợ 5.000 tỷ VND.

Người phát ngôn của Boeing cho biết thỏa thuận với VietJet không có gì thay đổi cho tới thời điểm này. Trong khi đó, Airbus từ chối bình luận về vấn đề này.

Kết thúc năm 2016, VietJet hiện có khoảng 40 máy bay và đặt mục tiêu tăng lên 200 chiếc vào năm 2023.

Rõ ràng, VietJet thực hiện điều này khi nhìn thấy triển vọng tăng trưởng. Số lượng hành khách tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Lợi nhuận trước thuế của VietJet tăng gần gấp đôi trong năm 2016 để vượt mốc 100 triệu USD và dự kiến tăng 33% vào năm nay.

Bên cạnh đó, VietJet dự kiến huy động 170 triệu USD thông qua việc bán cổ phiếu vào tháng 2.

Cho tới thời điểm này, nhà phân tích Shukor Yusof của Endau Analytics cho rằng VietJet vẫn đang làm tốt. Tuy nhiên, ông có chút hoài nghi về việc VietJet có thể duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh hiện nay mà không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh sau thuế.

Bùng nổ chuỗi cà phê

Cạnh tranh khốc liệt, giá mặt bằng đắt đỏ nhưng các chuỗi cà phê ngoại và nội vẫn không ngừng ra đời, gia tăng số lượng cửa hàng để đánh chiếm thị phần.

Tại các quán cà phê Coffee Bean & Tea Leaf hay Starbucks, McCafe… ở quận 1, TP HCM, người có thói quen uống cà phê khu vực này luôn trong tình trạng không đủ chỗ ngồi.

Nhân viên phục vụ một cửa hàng Coffee Bean & Tea Leaf cho biết, lượng khách tại đây luôn ổn định từ khi khai trương đến nay. Đặc biệt, vì nằm ngay vị trí ra vào của trung tâm thương mại nên vào ngày cuối tuần, khách quen thường phải gọi điện đặt chỗ trước.

Cũng đón khách miệt mài, nhân viên Starbucks tại đường Lê Lợi cho hay, cửa hàng không chỉ tiếp đón khách ngoại quốc mà khách Việt cũng đến rất đông. Nhiều lúc cửa hàng phải tăng công suất phục vụ mới đáp ứng nhu cầu.

Cũng chính vì lượng khách đến cửa hàng ngày càng đông, việc bành trướng của các hãng cà phê ngoại này ngày càng “thần tốc”.

Khi mới bắt đầu vào thị trường Việt Nam, The Coffee Bean & Tea Leaf khá vất vả, tuy nhiên, tới nay đơn vị này đã có 13 cửa hàng tại TP HCM và 2 cửa hàng tại Hà Nội. Theo đại diện của hãng, chiến lược trong thời gian tới là mỗi năm mở 3 cửa hàng.

Nhiều quán cà phê ngoại ở Sài Gòn dù giá khá cao nhưng vẫn hút khách. Ảnh: SB.

“Thị trường cà phê ở Việt Nam khá đặc biệt, chỉ cần mở ra là có khách. Chưa có xứ sở nào uống nhiều cà phê như Việt Nam, do đó, đây chính là thời điểm chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh mở thêm cửa hàng sau 5 năm có mặt tại Việt Nam”, người đại diện của hãng cho hay.

Thuộc dòng cao cấp hơn, và cũng chỉ có mặt từ 2013 nhưng tới nay Starbucks đã có 24 cửa hàng (18 tại TP HCM và 6 tại Hà Nội). Định vị thương hiệu cao cấp tiếp cận nhóm khách hàng ngoại quốc và giới văn phòng có thu nhập cao nên đồ uống của Starbucks luôn có mức giá trong nhóm cao nhất tại Việt Nam, phổ biến từ 85.000 đến trên 100.000 đồng mỗi ly.

So với giá thuê mặt bằng đang ngày một tăng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các trung tâm như Hà Nội, TP HCM, sự bành trướng của những thương hiệu lớn này rất đáng nể.

PJ’s Coffee – thương hiệu cà phê Mỹ vừa đặt chân vào Việt Nam được 4 tháng cho biết, chi phí để đầu tư một cửa hàng tại Việt Nam của họ khoảng 250.000 USD, trong đó giá thuê mặt bằng tại TP HCM gấp 2-3 lần ở New Orleans (Mỹ). Vì vậy, giá thức uống tại cửa hàng cũng đang phổ biến quanh mức 50.000-100.000 đồng một ly.

Chia sẻ với phóng viên, ông Rick Yvanovich, nhà sáng lập và CEO Công ty TRG International – đơn vị nhượng quyền quản lý hoạt động PJ’s Coffee tại Việt Nam cho biết, ông phải mất gần 3 năm để thuyết phục hãng này chuyển nhượng mô hình chuỗi cà phê. Sở dĩ Việt Nam là điểm đến đầu tiên của thương hiệu là do thị trường nơi đây rất tiềm năng dù cạnh tranh khốc liệt. Sau 4 tháng thăm dò thị trường thì tới nay đơn vị đã mở được cửa hàng thứ 2.

“Việc New York Dessert Café vừa phải dừng chân ở thị trường Việt Nam có thể do họ ít thay đổi, còn chúng tôi mỗi cửa hàng là một sáng tạo mới và cửa hàng sau sẽ rút kinh nghiệm từ cửa hàng trước. Điển hình là cửa hàng thứ 2 lớn hơn cửa hàng thứ nhất và cửa hàng này sẽ có học viện cà phê để khách hàng có thể trải nghiệm ngay tại đây. Cửa hàng thứ 3 dự tính sẽ có không gian riêng trồng cà phê”, Rick Yvanovich nói và cho biết, trong 5 năm công ty sẽ có 10 cửa hàng ở thị trường Việt Nam và sẽ mở rộng hơn nếu làm ăn thuận lợi.

Chuỗi cà phê thương hiệu Việt cũng đang nỗ lực gia tăng số lượng cửa hàng để cạnh tranh sòng phẳng với các “ông lớn” quốc tế. Ảnh: Phương Đông.

Không chỉ các chuỗi cà phê truyền thống, các ông lớn ngành F&B thế giới cũng không bỏ lỡ thời cơ chen chân vào thị trường đồ uống. Cụ thể, McDonald’s sau khi đã có 9 nhà hàng fastfood, đã cho ra đời tiếp hệ thống cà phê McCafé nằm ngay bên trong nhà hàng, hiện cũng khá hút khách vì giá khá mềm. Một ly cà phê truyền thống nơi đây khoảng 30.000 đồng, trong khi các loại như Espresso, Mocha, Cappuchino, Latte, Frappe có giá rẻ nhất là 25.000 đồng, đắt nhất là 80.000 đồng, tùy theo kích cỡ.

Cũng giống McDonald’s, một loạt nhà hàng bán kèm đồ uống như Tous les Jours, Paris Baguettes, Donkin’ Donut… cũng đang không ngừng mở rộng mảng đồ uống.

Không chịu cảnh thị phần dần vào tay các “ông lớn” nước ngoài, một loạt thương hiệu chuỗi đồ uống trong nước đang tăng cường sự hiện diện trên thị trường. Nhưng cạnh tranh sòng phẳng phải kể đến những cái tên nổi bật như: Phúc Long, Trung Nguyên, Saigon Café…

Giới sành và chuộng uống cà phê, trà tại TP HCM sẽ dễ dàng nhận thấy một điều, ở đâu có Starbucks, ở đó không thiếu sự hiện diện của Phúc Long, Trung Nguyên.

Tại khu vực khách sạn New World, quận 1, nơi Starbucks mở cửa hàng lớn và đầu tiên, Phúc Long có tới 2 cửa hàng bao quanh. Và cũng giống như cửa hàng cà phê đến từ Mỹ, hai quán cà phê này hầu như lúc nào cũng kín chỗ, đông nhất là vào buổi trưa và cuối tuần.

“Chúng tôi không e dè các thương hiệu cà phê nước ngoài, bởi phân khúc khách hàng của chúng tôi ổn định khi nhắm đến đối tượng chính là người trẻ với chất lượng phục vụ và giá cả hợp lý”, đại diện của Phúc Long tự tin.

Mới góp mặt vào thị trường chuỗi ẩm thực từ tháng 7/2016, nhưng Saigon Café cũng chứng tỏ là một thương hiệu thuần Việt xứng tầm đối thủ với những chuỗi nhượng quyền đồ uống nổi tiếng. Trong vòng chưa đầy nửa năm, thương hiệu này đã khai trương gần 10 cửa hàng với chi phí đầu tư được tiết lộ không dưới 5 tỷ đồng cho mỗi cửa hàng, chưa bao gồm mặt bằng.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, mô hình chuỗi cửa hàng cà phê tại Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% một năm.

“Tuy vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu đồ uống nổi tiếng của nước ngoài nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động thì chúng tôi đã bắt đầu có lãi. Hiện doanh thu mỗi cửa hàng trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng một tháng, sau khi trừ tất cả chi phí thì lợi nhuận ước tính dao động khoảng từ 20% đến 25%”, đại diện Saigon Café cho biết.

Cũng theo vị này, thị trường chuỗi cà phê còn nhiều tiềm năng nhưng để phát triển bền vững thì bắt buộc mỗi thương hiệu phải chọn ra một thế mạnh của riêng mình, đồng thời đảm bảo sự đồng nhất về sản phẩm và dịch vụ giữa các cửa hàng. Phần lớn thành công của thương hiệu này là nhờ lợi thế sở hữu mặt bằng thoáng đãng tại những vị trí đắc địa trong trung tâm thành phố như phố đi bộ, đối diện nhà thờ Đức Bà, góc đường 2 mặt tiền Đồng Khởi – Tôn Đức Thắng…

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, mô hình chuỗi cửa hàng cà phê tại Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% một năm. Trong năm 2015, ước tính cả nước có hơn 26.000 cửa hàng, trong đó số lượng hoạt động theo mô hình chuỗi chỉ chiếm 2% (tương đương khoảng 500 cửa hàng) nhưng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới về cả số lượng và nâng dần tỉ lệ so với mô hình cửa hàng cà phê độc lập, chuỗi nhượng quyền thương hiệu.

Báo cáo này cũng đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển của mô hình chuỗi nhà hàng, cà phê. Theo đó, trong thời gian tới thì những thiết kế sáng tạo, đề cao tính hòa hợp với thiên nhiên cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành công của các chuỗi nhà hàng, cà phê. Ngoài ra, sau khi chiếm lại thị phần từ tay các thương hiệu ngoại thì mô hình này lại tiếp tục cuộc chiến khốc liệt với mô hình ẩm thực mang đi (take away), ki-ốt đường phố áp dụng hình thức phục vụ mới dựa trên thực đơn cũ.

Tên miền và thương hiệu – vấn đề luôn mang tính thời sự

Chỉ cần gõ từ khóa “tranh chấp tên miền tại Việt Nam”, là sau vài giây ngắn ngủi, cỗ máy tìm kiếm Google Search sẽ cho bạn gần 1,5 triệu kết quả có liên quan.

Có vẻ như con số này đã phản ánh sức nóng của một chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự trong sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay.

Tên miền Internet, theo Thông tư số TT09/2008/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Còn thương hiệu, theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một mặt hàng hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.

Như vậy, tên miền và thương hiệu là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau. Tên miền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu Trí tuệ ở Việt Nam. Nhưng, trên thực tế, thương hiệu bảo vệ công việc kinh doanh trong xã hội thực còn tên miền bảo vệ thương hiệu trong xã hội ảo trên mạng Internet. Như vậy, việc đăng ký tên miền có thương hiệu thực chất cũng là bảo vệ công việc kinh doanh của mỗi chủ thể.

Ảnh minh họa: Internet.

Quyền lợi và trách nhiệm

Khi nói đến vấn đề tranh chấp tên miền và thương hiệu, theo quy định của pháp luật Việt Nam nói riêng và thông lệ quốc tế nói chung thì đây dường như là hai đối tượng không có sự liên quan đến nhau cho lắm. Bởi theo quy định, nếu nhãn hiệu được hiểu là các dấu hiệu có chức năng chính là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân và tổ chức khác nhau, thì tên miền lại được sử dụng với chức năng định danh địa chỉ Internet.

Theo những định nghĩa nêu trên thì quả là giữa nhãn hiệu và tên miền có sự khác biệt hoàn toàn về cả chức năng và môi trường sử dụng. Sự nhận định này về mặt pháp luật không ai chối cãi, tuy nhiên trên thực tế giữa chúng lại có mối quan hệ đặc biệt mật thiết. Có thể hiểu một cách nôm na như sau: nhãn hiệu, thương hiệu luôn gắn với một hay nhiều loại hàng hóa hay dịch vụ nhất định. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh thuận lợi, ngoài yêu cầu về kiểu dáng thiết kế, tính năng và chất lượng sản phẩm thì hoạt động quảng bá thương hiệu cũng là một vấn đề không thể bỏ qua. Trong thời đại công nghệ số ngày nay, quảng bá hàng hóa và dịch vụ qua Internet là một giải pháp hữu hiệu và nhanh chóng, mà muốn thực hiện điều này thì không thể nào thiếu tên miền, bởi nó giống như việc bạn muốn mua hàng thì bạn cần có địa chỉ điểm đến vậy. Và theo thói quen, cần thứ gì thì bạn sẽ phải tìm kiếm thông tin về thứ đó trên mạng. Ví dụ, bạn muốn mua một chiếc áo sơ mi hiệu Zara, bạn sẽ tìm kiếm với từ khóa “Zara”. Cũng chính vì thói quen này của người tiêu dùng mà các doanh nghiệp thường chọn tên miền quảng bá sản phẩm cũng chính là tên nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm đó. Sự nhất quán giữa tên miền và nhãn hiệu đã tạo nên tính nhất quán của bộ nhận diện thương hiệu. Và xuất phát từ điểm nhất quán này không ít cá nhân, tổ chức đã sử dụng tên miền chính là tên nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu bằng tên miền.

Như vậy, từ thực tế này, những quy định về tên miền và nhãn hiệu cũng cần phải có những điểm nhất quán nhất định. Theo quy định về việc đăng ký tên miền, nguyên tắc để các cơ quan quản lý xem xét và cho phép đăng ký tên miền là “Đăng ký trước thì được sử dụng trước”, nên đôi khi tên miền được chủ sở hữu này đăng ký trước lại gây ra sự nhầm lẫn với nhãn hiệu hay tên thương mại của một chủ sở hữu khác đăng ký sau. Tiếp đến là quy định về quyền sở hữu Trí tuệ, mặc dù Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ đã chạm đến vấn đề khá nhạy cảm giữa nhãn hiệu và tên miền khi quy định việc “sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng cũng chỉ mới “chạm” tới vấn đề mà chưa thực sự giải quyết vấn đề. Các định nghĩa có liên quan cũng như chế tài cụ thể vẫn chưa được làm rõ trong trường hợp này.

Và từ chính những điểm hạn chế này của hệ thống quy phạm mà trong những năm gần đây ở Việt Nam diễn ra không ít những vụ tranh chấp thương hiệu và tên miền đình đám, và nạn nhân không chỉ có các doanh nghiệp trong nước như Trung Nguyên, Vietcombank mà còn có cả các tên tuổi lớn của nước ngoài như Samsung, Nokia, Heineken, Tiger Beer, Ford, Visa…

Ảnh minh họa: Internet.

Linh hoạt trong việc bảo vệ tên miền

Trong sự phát triển mạnh mẽ của Internet và truyền thông xã hội, các “nạn nhân” trong các cuộc tranh chấp tên miền phải chịu trách nhiệm khi đã lơ là, chủ quan trong việc bảo vệ quyền lợi sát sườn của chính mình. Theo giới chuyên gia thương mại điện tử, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phải tự tìm hiểu tình hình thực tế, nắm chắc quy định luật pháp hiện hành và linh hoạt trong cách ứng xử để tự bảo vệ quyền lợi liên quan đến thương hiệu và tên miền của mình. Việc đăng ký nhãn hiệu và tên miền là rất cần thiết nhưng chưa đủ mà cả hai cần phải được bảo vệ một cách đồng bộ và nhất quán như mối quan hệ giữa chúng vậy.

Nhãn hiệu mặc dù đã là của doanh nghiệp, song, doanh nghiệp cần sớm đăng ký quyền chủ sở hữu của tên miền có chứa từ khóa giống nhãn hiệu, ngược lại, đối với trường hợp đã đăng ký tên miền cũng phải tiến hành đồng thời với việc bảo hộ nhãn hiệu cùng tên. Trên thực tế, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện việc đăng ký, bảo hộ các đối tượng nói trên không đáng kể, còn chi phí để giải quyết các cuộc tranh chấp (khi xảy ra) có thể cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần mà kết quả vẫn không như ý muốn.

Từ những bài học về tranh chấp tên miền ở Việt Nam, giới chuyên gia tư vấn rằng các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ tên miền. Trước hết, hãy bắt đầu bằng việc chọn những thương hiệu và tên miền của riêng mình. Kế tiếp, hãy luôn tra cứu trước khi đăng ký tên miền hoặc nhãn hiệu. Sau đó là tiến hành việc đăng ký tên miền kiểu “bao vây”, để không ai có thể đăng ký tên miền giống của tổ chức, doanh nghiệp của bạn về cả cách viết lẫn cách đọc; theo dõi và thực thi quyền sở hữu tên miền một cách triệt để, và cuối cùng, nhờ đến các cơ quan tư vấn về luật pháp khi thấy có yếu tố xâm phạm.

Hiểu đúng về việc đăng ký tên miền quốc tế

Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế mang đến nhiều điều tiện ích hơn so với tên miền quốc gia, trước hết là không bị cơ quan chuyên ngành quản lý hồ sơ, thông tin đăng ký. Trên thực tế, việc này dẫn đến nhiều sự vi phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tên miền quốc tế.

Đỗ Quang Trung

Theo thông tin từ cơ quan thanh tra chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên Internet cho thấy phần lớn các tổ chức, cá nhân đang sử dụng tên miền quốc tế đều không nắm vững các quy định về việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế ở Việt Nam.

Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thực hiện việc quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền quốc tế mà tổ chức quốc tế phân bổ cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013). Chương III về việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế ở Việt Nam tại Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của bộ này có quy định về việc quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Theo đó, tổ chức quản lý hồ sơ, thông tin về tên miền quốc tế, thông báo hoạt động, báo cáo đăng ký, duy trì phải báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghĩa là, các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế phải tuân thủ các quy định pháp luật tương tự như các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền “.vn”.

Trên thực tế, Việt Nam hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử chiếm 45% (khoảng 220.000 doanh nghiệp), theo cuộc thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, số lượng chủ thể báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế trên trang web Thongbaotenmien.vn chỉ vào khoảng 153.000. Như vậy, còn khá nhiều tổ chức, cá nhân đang đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế mà không tuân thủ các quy định. Theo quy định tại Điều 23 Luật Công nghệ thông tin, mức xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi này theo điểm a, Khoản 1, Điều 41 Nghị định 174/2013/NĐ-CP là từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Đối với hành vi cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế mà không đăng ký hoạt động, không đáp ứng một trong các điều kiện để trở thành nhà đăng ký tên miền quốc tế ở Việt Nam thì “án phạt” nặng hơn, 50 triệu – 70 triệu đồng, theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 41 của nghị định nói trên.

Quá trình điều tra để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng cho thấy ai phạm đều tập trung vào nhóm chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế. Trong năm 2016, chỉ riêng số liệu do cơ quan cảnh sát điều tra gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho thấy có hơn 30 trường hợp chủ thể sử dụng tên miền quốc tế có hành vi vi phạm, trong khi số lượng tên miền “.vn” có hành vi vi phạm tương tự bị phát hiện chỉ vài trường hợp. Một số chủ thể sử dụng tên miền quốc tế có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số khác có hành vi vi phạm về việc cung cấp thông tin trên mạng, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hành vi vi phạm bản quyền…

Trên thực tế, khá nhiều đại lý đăng ký tên miền quốc tế không thực hiện quy định về xác thực hồ sơ tên miền quốc tế như đối với tên miền “.vn”, dẫn đến tình trạng các chủ thể khi đăng ký sử dụng tên miền quốc tế không thực hiện nghĩa vụ thông báo thông tin hoặc thông báo không chính xác, không đầy đủ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian tới, việc truyền thông về pháp luật và kiểm tra việc chấp hành các quy định liên quan đến tên miền quốc tế sẽ được đẩy mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.