Monthly Archives: January 2017

Cuộc chiến thị phần ở thị trường bán lẻ Việt

Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam đang hút các nhà đầu tư và cuộc chiến thị phần đang diễn ra gay gắt giữa hai khối nội – ngoại.

Doanh nghiệp nội thay đổi toàn diện

Ngày 7/1, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh mới: chợ ẩm thực và mua sắm hiện đại Sense Market tại khu B Công viên 23 tháng 9. Đây là mô hình vừa đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm, giải trí của khách hàng trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món ngon châu Á của khách du lịch quốc tế.

Sense Market gồm khu ẩm thực Asiana Food Town với diện tích trên 1.500m2, tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng ẩm thực đường phố của Việt Nam, Nhật, Thái, Lào, Campuchia, Ấn Độ…, và khu mua sắm Taka Plaza rộng gần 2.000m2 với hơn 400 gian hàng. Bên trong Sense Market còn có cửa hàng thực phẩm Co.op Food, quầy dịch vụ viễn thông, chuyển đổi ngoại tệ…

Trước đó, vào cuối tháng 12/2016, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.opSmile có diện tích từ 20 – 200m2. Theo đại diện của Saigon Co.op, đến cuối tháng 1/2017, Saigon Co.op sẽ có 20 cửa hàng Co.opSmile và tăng lên 200 – 300 cửa hàng vào cuối năm 2017.

DN trong nước hoàn thiện mô hình kinh doanh để cạnh tranh với DN FDI. Ảnh: X.Th.

Cùng với hệ thống phân phối hiện hữu, Sense Market và Co.opSmile là sự đa dạng mô hình bán lẻ của Saigon Co.op. Chia sẻ tại lễ ra mắt thương hiệu Co.opSmile, ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng, đa phân khúc của người tiêu dùng, bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhanh mạng lưới kinh doanh hiện hữu, Saigon Co.op nghiên cứu phát triển các mô hình phân phối mới”.

Hai doanh nghiệp (DN) trong khối nội khác là Vingroup và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đang hoàn thiện các kênh mua sắm. Trong đó, Vingroup có chuỗi trung tâm công nghệ và điện máy Vinpro và Vinpro+, siêu thị Vinmart (tính đến cuối tháng 6/2016 có 50 siêu thị Vinmart, 825 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini Vinmart+) và 26 trung tâm thương mại.

Cùng với việc mở chuỗi, Vingroup còn đầu tư vào nông nghiệp với các chương trình trồng rau an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín làm thế mạnh cạnh tranh. Satra cũng đa dạng các loại hình kinh doanh và chỉ riêng hệ thống cửa hàng tiện lợi Satrafoods từ đầu năm đến nay đã có thêm 26 cửa hàng.

Theo đại diện của Satra, trong tháng 1/2017, Satra sẽ đưa Satrafoods đến Cần Thơ và trong năm nay sẽ có thêm 55 cửa hàng ra đời, trong đó có 45 cửa hàng tại TP.HCM.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá khoảng 110 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ có 1/4 trong số này được thông qua kênh bán lẻ hiện đại.

Doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư

Trong khi các DN trong nước phát triển mạng lưới, đa dạng hóa loại hình kinh doanh thì các DN nước ngoài thay đổi thương hiệu, tăng vốn đầu tư vào thị trường bán lẻ. Tháng 12/2016, Central Group cùng với Nguyễn Kim đã cùng lúc khai trương thêm 14 trung tâm mua sắm.

Thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá khoảng 110 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ có 1/4 trong số này được thông qua kênh bán lẻ hiện đại.

Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chiến lược mà Central Group Việt Nam và Big C công bố trong tháng 11/2016: đầu tư 30 triệu USD để nâng cấp 13 trung tâm bán lẻ Big C (trong số 34 siêu thị Big C hiện hữu) thành các trung tâm thương mại lớn để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Hướng đầu tư này sẽ giúp Tập đoàn tăng diện tích mặt bằng cho thuê lên gấp đôi so với diện tích hiện có là 470.000m2. Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt mức tăng trưởng gấp đôi về doanh số và số lượng siêu thị so với hiện nay, vì vậy, sẽ tập trung vào các chính sách cốt lõi về giá, khuyến mãi, sản phẩm đa dạng, phong phú.

Để hiện thực hóa kế hoạch này, Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam sẽ tập trung vào các chính sách nền tảng, làm đòn bẩy thúc đẩy quan hệ hợp tác và phát triển cùng các DN như ký hợp đồng có thời hạn tối thiểu 3 năm với các DN vừa và nhỏ, hỗ trợ để sản phẩm của DN được phân phối ở tất cả các đơn vị trực thuộc Central Group Việt Nam (gồm Big C Việt Nam, Lan Chi, Nguyễn Kim, Robins, Zalora Việt Nam), bảo lãnh giúp DN nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Ông Philippe Broianigo – TGĐ Central Group Việt Nam và Big C cho rằng: “Sự phát triển của Central Group tại Việt Nam hoàn toàn dựa trên mối quan hệ với các đối tác và nhà cung cấp. Do đó, Tập đoàn phải xây dựng nền tảng hoạt động bền vững tại Việt Nam và việc này không thể nào thành hiện thực nếu thiếu tư duy hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Một DN khối ngoại khác là Tập đoàn TCC (Thái Lan), sau 2 năm hoàn thành việc chuyển giao từ Tập đoàn Metro đã đổi tên và khai trương siêu thị MM Mega Market tại An Phú, TP.HCM vào ngày 10/1.

Ông Phidsanu Pongwatana – Giám đốc Điều hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Tiếp nối những nỗ lực của Metro trong hơn 10 năm tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang tiếp tục cải thiện kinh doanh đồng thời cam kết đồng hành cùng các nhà cung cấp, nông dân, người dân, khách hàng nhằm nâng cao tính hoạt động chuyên nghiệp của toàn chuỗi cung ứng để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn”.

Với thực tế đang diễn ra, tờ Nikkei (Nhật Bản) cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2020. Còn theo sự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại…

Những mảng màu sáng tối trên bức tranh công nghệ 2016

Đầu năm 2017, chúng ta hãy cùng nhìn lại những nét chấm phá nổi bật nhất của làng công nghệ thế giới năm 2016.

Siêu cường công nghệ “nuốt chửng” cả thế giới

Lần đầu tiên trong lịch sử, các công ty công nghệ chiếm lĩnh 5 vị trí đầu bảng trên danh sách các doanh nghiệp đại chúng giá trị nhất thế giới. Giá trị thị trường của 5 siêu cường công nghệ gộp lại – Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook – là 2,4 nghìn tỷ USD vào ngày 27/12, chiếm hơn 11% giá trị các công ty trong danh sách S&P 500. Điều đó đồng nghĩa họ đang tiến dần đến mốc kỷ lục 16% vào thời kỳ đỉnh cao của bong bóng công nghệ tháng 3/2000. Tuy nhiên, tin xấu là họ đang trở thành mục tiêu của chính trị gia trên toàn cầu.

Quảng cáo trở thành cuộc đua song mã

Google của Alphabet và Facebook đều có hàng tỷ người dùng, công nghệ của họ giúp các công ty định vị tốt hơn khách hàng của mình để quảng bá sản phẩm trúng đích. Như một hệ quả, hai thế lực này cùng nhau chiếm 58% tất cả quảng cáo trực tuyến hoặc trên di động tại Mỹ. Do Google và Facebook là hai cái tên duy nhất mang đến doanh thu quảng cáo kỹ thuật số đáng kể, mọi công ty khác phụ thuộc vào quảng cáo – từ mạng lưới truyền hình đến hãng tin – đều phải tư duy lại cách tiếp cận kinh doanh của mình.

Ảnh minh họa: Institutional Investor.

Tham vọng không giới hạn của Amazon

Năm 2016, bất kỳ đối thủ nào trong ngành công nghệ cũng biết rằng họ không thể một ngày yên ổn với Amazon. Họ đang là “gã khổng lồ” về thương mại điện tử, giải trí và rất có thể là vận tải khi muốn kiểm soát cả đất liền, hàng không, đường biển cũng như các mảnh đất mới. Để chứng minh tham vọng của Amazon, mảng đám mây Amazon Web Service (AWS) – một loại điện toán Amazon tạo ra từ số 0 10 năm trước – đã đóng góp hơn 100% lợi nhuận hoạt động cho Amazon (sau khi tính toán các khoản lỗ quốc tế). Không ngoa khi nói AWS đã thay đổi hướng đi của Amazon lẫn ngành công nghệ.

Trung Quốc vươn dài tay ra quốc tế

Trong khi các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent tiếp tục bành trướng và phát triển vượt tưởng tượng, cạnh tranh khốc liệt đã mài dũa các ngôi sao mới như Didi Chuxing, công ty đánh bại Uber và nhiều ý tưởng công nghệ chỉ có trong tiểu thuyết ra đời tại Trung Quốc đã được sao chép khắp thế giới. Sức mạnh công nghệ Trung Quốc không chỉ mở rộng lợi thế trên sân nhà mà còn vươn dài ra các thị trường khác, dù không nhiều cái tên xâm nhập thị trường Mỹ thành công.

Một Apple bế tắc

Kỷ nguyên tăng trưởng ấn tượng của Apple dường như đã kết thúc. Năm nay, lần đầu tiên doanh thu Apple sụt giảm kể từ năm 2001. Công ty không thể thoát khỏi cục diện chung của toàn ngành smartphone và tiếp tục xung đột với chính phủ khắp thế giới trên nhiều phương diện: trốn thuế, sản xuất, hành pháp.

Startup vào giai đoạn khổ hạnh

Sau 2 năm gọi vốn không giới hạn cho các công ty công nghệ mới, dường như năm nay đã sụt giảm đáng kể. Tiền đầu tư vào startup vẫn duy trì ở mức cao nhưng đang có xu hướng giảm kể từ năm 2015. Một cách thông minh, nhiều công ty tư nhân bắt đầu quản trị lợi nhuận thay vì tìm mọi giá để tăng trưởng. Dù sao đi nữa, nếu bị rơi khỏi danh sách đầu tư, mọi chuyện còn tồi tệ hơn nhiều.

Ảnh minh họa: The Next Web.

Yahoo và Twitter không thể dung thứ

Các công ty Internet chỉ có hai con đường: hoặc tiến bộ, hoặc chết. Yahoo và Twitter đã trải qua một năm 2016 tồi tệ: Yahoo tìm ra được người muốn mua mình nhưng lại vướng phải hai vụ bê bối rò rỉ dữ liệu lớn nhất lịch sử, trong khi Twitter bán chẳng ai mua và còn bị mất hàng loạt nhân sự cao cấp. Cả hai đều hứng chịu sự trừng phạt khi không tăng trưởng cả về doanh thu lẫn người dùng.

Pin có một năm tồi tệ hơn bao giờ hết

Samsung buộc phải dừng sản xuất Galaxy Note 7 sau các báo cáo cháy nổ. Mỹ cũng ra lệnh thu hồi xe trượt điện vì pin quá nóng, còn Apple phải xử lý sự cố pin trên MacBook Pro 2016. Những thất bại đáng chú ý của pin trong thiết bị điện tử năm 2016 cho thấy sự yếu đuối của một trong những linh kiện điện toán thiết yếu nhất có mặt trong mọi thứ, từ smartphone đến xe tự lái.

Công nghệ cũ thu hẹp

Giới công nghệ vô cùng tàn nhẫn với những kẻ tụt hậu (như Yahoo và Twitter). Điều đó cũng đồng nghĩa với hàng loạt vụ sa thải nhân sự năm 2016 tại các công ty công nghệ cũ. Intel, Cisco, HP và các hãng khác tiếp tục cắt giảm lao động – trong vài trường hợp còn giảm mạnh – nhằm bù đắp doanh thu sụt giảm hoặc chuyển nguồn lực ra khỏi các mảng kinh doanh kém hiệu quả.

Nhìn rộng. Nghĩ lớn.

Cách đây một tháng, tôi có tham dự buổi tốp nghiệp của lớp Strategic Planning tại trường AIM. Đề bài của các học viên là về Lazada. Chúng ta bắt đầu công việc của một planner sẽ là: “Vấn đề của Lazada là gì?” và từ đó dùng quảng cáo để giải quyết nó.

Dựa vào báo cáo về ngành mua sắm online của một trang web có uy tín, vấn đề được đặt ra là niềm tin.

“Tôi không tin là sản phẩm được quảng cáo trên trang web bán hàng online đúng với sản phẩm mà tôi nhận được”. Và các học viên của lớp học phải giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, tôi không tin đây là vấn đề của Lazada. Đó là vấn đề của toàn ngành.

Có thể câu hỏi đó được hỏi từ những người buôn bán lẻ. Họ mua hàng và sau đó bán hàng trên Facebook của mình. Còn với Lazada thì không.

Lazada không phải là nhà sản xuất. Lazada bán hàng của nhà sản xuất. Và do đó, chất lượng hàng hóa là của nhà sản xuất không phải của Lazada.

Ảnh minh họa: VIR.

Số liệu không bao giờ phản ánh đúng thực tế.

Do đó, nếu bạn tiếp tục chọn vấn đề này để giải quyết, bạn không thể giúp Lazada phát triển.

Có 2 nhóm học viên đã làm tôi ngạc nhiên và thán phục vì họ mang đến những ý tưởng chiến lượt thật sự.

Nhóm thứ nhất cho rằng Lazada không phải là trang web bán hàng mà là trang web giúp bạn mua hàng dễ dàng, an toàn và tiện lợi.

Trong khi Lazada đang bị khách hàng cho rằng mình đang bị Lazada lừa bán những món hàng không đúng như cam kết thì với tầm nhìn này, Lazada đang đứng về phía khách hàng.

Lazada có quy trình kiểm soát hàng hóa, có đội giải quyết khiếu nại, có chế độ bảo vệ người mua. Và nhóm còn cho thêm nhiều ý tưởng khác để giúp Lazada hoàn thiện định vị “Giúp bạn mua sắm” của mình.

Nhóm thứ hai táo bạo hơn khi họ không giải quyết vấn đề niềm tin mà lại chọn bài toán tăng trưởng.

Định vị là định ra vai trò của thương hiệu và mô hình kinh doanh đề thể hiện vai trò đó chứ không phải là tìm ra điểm khác biệt và slogan.

Họ chọn nhóm khách hàng sống ở những thành phố nhỏ, nơi họ có đủ tiền, khá đơn giản nhưng không có nhiều cơ hội mua hàng hiệu như dân ở thành phố lớn.

Khi đó, định vị của Lazada như là một công ty vận chuyển nhằm “đem hàng hiệu về tỉnh” và giúp dân tỉnh bắt kịp dân thành phố.

Đây là một ý tưởng chiến lược kinh doanh rất táo bạo.

Thực tế công việc chúng ta cũng phải nên như vậy.

Chúng ta đang quá chú trọng vào việc giải quyết vấn đề hơn là tạo giá trị và tầm nhìn cho thương hiệu của khách hàng.

Chúng ta chỉ đang quan tâm đến truyền thông hơn là những mô hình kinh doanh và định vị thương hiệu (Định vị là định ra vai trò của thương hiệu và mô hình kinh doanh đề thể hiện vai trò đó chứ không phải là tìm ra điểm khác biệt và slogan).

Chúng ta chỉ nhìn vào bức tranh nhỏ hơn là những điều lớn lao.

CEO Snapchat – tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới

Sinh ra trong gia đình thượng lưu, Evan Spiegel là nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Snapchat từ khi học đại học và hiện sở hữu tài sản 2,1 tỷ USD, theo Business Insider.

Evan Spiegel lớn lên Pacific Palisades, ở phía đông Malibu, Los Angeles. Cha mẹ của anh là luật sư từng học trường thuộc nhóm Ivy League. Hai người ly hôn khi anh học cấp ba. Ảnh: Shutterstock.

Năm 16 tuổi, Evan đã có bằng lái xe và được mua cho một chiếc Cadillac Escalade. Ảnh: Shutterstock.

Evan theo học trường tư đắt tiền Crossroads tại Santa Monica với giá hàng chục nghìn USD mỗi năm. Một số người nổi tiếng cũng từng theo học trường này gồm nhà đồng sáng lập Tinder, Sean Rad, Kate Hudson, Jonah Hill, Jack Black và Gwyneth Paltrow. Ảnh: Iamnotastalker.com.

Khi là thực tập sinh marketing tại Red Bull, Evan muốn có một chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hơn để lái vòng quanh thành phố. Trong một lá thư gửi bố mẹ vào năm 2008, Evan hỏi thuê chiếc BMW 550i (chiếc xe có giá bán lẻ 75.000 USD). “Xe hơi mang lại cho con niềm vui tuyệt đối”, anh chia sẻ. “Con thực sự cảm kích nếu bố mẹ công nhận những nỗ lực của con bằng việc cho con thuê chiếc BMW”. Ảnh: Flickr.

Gia đình Spiegel là thành viên của nhiều câu lạc bộ độc quyền dành riêng cho giới thượng lưu như Jonathan Club tại Santa Monica và La Jolla Beach & Tennis Club. Họ thường tới châu Âu du lịch, thuê quản gia toàn thời gian, và thậm chí bay tới Canada bằng trực thăng để trượt tuyết. Ảnh: Shutterstock.

Evan theo học ngành thiết kế sản phẩm tại đại học Stanford (trường cha anh từng học). Tại đây, anh gặp Reggie Brown và Bobby Murphy, sau này cùng nhau thành lập Snapchat. Ảnh: LA County Superior Court (từ trái qua phải: Reggie Brown, Bobby Murphy, Evan Spiegel).

“Chúng tôi không hay ho”, Murphy sau này chia sẻ với Forbes, “vì vậy chúng tôi cố gắng tạo ra những thứ hay ho”. Ảnh: Snapchat.

Khi còn học tại Stanford, một người bạn của gia đình cho Evan dự lớp học về doanh nhân và vốn dành cho sinh viên đã tốt nghiệp. Tại đây, Evan được nghe các bài thuyết giảng của những người nổi tiếng trong giới công nghệ CEO Google Eric Schmidt và nhà đồng sáng lập YouTube, Chad Hurley. Ảnh: Twitter.

Evan quen biết với nhà sáng lập Intuit, Scott Cook sau một bài giảng tại lớp. Sau đó, Cook cho anh làm việc trong dự án sản phẩm Intuit dự định tung ra tại thị trường Ấn Độ. Ảnh: Intuit.

Khi chỉ còn vài môn nữa là tốt nghiệp, Evan bỏ học để dành thời gian cho Snapchat. Năm 2012, bộ ba đã phát triển ứng dụng nhắn tin Snapchat (tên gọi ban đầu Picaboo), đặt văn phòng tại nhà của cha Evan ở Palisades. Ảnh: Shutterstock.

Dù sau này Snapchat chuyển văn phòng tới Venice, Los Angeles, Evan vẫn sống tại nhà của cha trong nhiều năm, một phần bởi “giá thuê rẻ”. Ảnh: Glassdoor.

Tháng 11/2014, Evan rời khỏi nhà cha và mua căn nhà 3 phòng ngủ ở Brentwood với giá 3,3 triệu USD. Ảnh: Reuters.

Năm 2013, Evan từ chối đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD từ Mark Zuckerberg, CEO Facebook. Không lâu sau vụ từ chối này, Facebook cố gắng nhái lại Snapchat với ứng dụng Poke nhưng thất bại. Ảnh: Flickr.

Khi số lượng người dùng và giá trị của Snapchat tăng lên, Evan nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới công nghệ và truyền thông. Trong hình là Evan chụp với George Lucas và Shane Smith tháng 10/2014. Ảnh: Getty Images.

Sau khi Snapchat hoàn thành vòng huy động vốn lớn vào tháng 6/2016, Evan đã mua cho mình một chiếc Ferrari. Ảnh: Tech Insider.

Evan có mối quan hệ tình cảm với nữ hoàng nhạc đồng quê Taylor Swift trong một thời gian ngắn. Hai người gặp nhau trong bữa tiệc năm mới tháng 12/2013. Ảnh: Getty Images.

Evan có quan tâm tới ngành công nghiệp âm nhạc. CEO của Sony Entertainment, Michael Lynton, là thành viên ban quản trị của Snapchat. Anh được cho là có ý định mua lại hãng thu âm Big Machine do Taylor Swift làm đại diện. Ảnh: Getty Images.

Mùa hè năm 2015, Evan hẹn hò với siêu mẫu Miranda Kerr. Họ gặp nhau lần đầu trong một bữa tiệc của Louis Vuitton tại New York. Ảnh: Getty Images.

Tháng 5/2016, cặp đôi mua căn nhà rộng gần 700 m2 từng thuộc sở hữu của Harrison Ford với giá 12 triệu USD. Ảnh: Zillow.

Chỉ sau đó 2 tháng, cặp đôi quyền lực tuyên bố đính hôn. Ảnh: AP Images.

Evan là CEO quan tâm tới thời trang hơn nhiều so với những người đồng cấp trong giới công nghệ. Anh xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue Italy số tháng 10/2015. Ảnh: Vogue Italy.

Evan có rất nhiều thú vui. Anh yêu thích lái trực thăng và đã có bằng, hứng thú với việc cắm hoa. Chiếc áo yêu thích của anh là chiếc cổ chữ V James Perse có giá 60 USD. Ảnh: Reuters.

Tháng 09/2016, Evan đổi tên Snapchat thành Snap Inc. và gọi đây là “công ty máy ảnh”. Snap Inc. cũng cho ra mắt loại kính râm hỗ trợ chụp ảnh Spectacles. Ảnh: Snapchat/YouTube.

Evan Spiegel đề cao tính bảo mật của công việc cũng như trong cuộc sống cá nhân. Thậm chí nhân viên của Snap cũng không được biết về các sản phẩm mà công ty đang phát triển cho tới khi chúng được công bố. Ảnh: Reuters.

Anh thường xuyên di chuyển trong xe hơi màu đen và có vệ sĩ đi cùng. Ảnh: Getty Images.

Khi Snapchat mua lại công ty khởi nghiệp Vergence Labs để phát triển Spectacles, nhân viên của Vergence Labs thậm chí không biết mình đang làm việc cho Evan, cho tới khi thương vụ này bị rò rỉ trên mạng. Ảnh: Hollis Johnson.

Evan Spiegel được coi là một thiên tài về sản phẩm. Anh luôn biết giới trẻ muốn gì. Ảnh: Getty Images.

Evan là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes trong 2 năm qua, với tài sản 2,1 tỷ USD. Ảnh: Getty Images.

Snapchat đang chuẩn bị IPO năm 2017 với giá trị ước tính 20 tỷ USD. Đồng nghiệp và giới đầu tư ví anh như Mark Zuckerberg và Steve Jobs. Ảnh: AP Photo.

Thiết kế Việt Nam: Dong buồm ra biển lớn

Liệu thế hệ thiết kế đồ họa mới có tạo nên cuộc cách mạng cho nền công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam?

“Đó chỉ đơn giản là công việc sử dụng các phần mềm máy tính.”

“Cậu cần phải thành thạo các phần mềm đắt tiền – Photoshop, Corel Draw hay QuarkXPress. ”

“Nó có phải một nghề không?”

Tôi nhận được những tràng cười khi chia sẻ ước mơ theo đuổi ngành thiết kế đồ họa cách nay hơn một thập kỷ.

Thật vậy, mất một khoảng thời gian dài để ngành thiết kế đồ họa được công nhận tại Việt Nam. Hơn 20 năm trước, với sự xuất hiện của các tạp chí máy tính và công nghệ, người ta mới bắt đầu hiểu thiết kế đồ họa là gì và tính ứng dụng của chúng.

Ảnh minh họa: 99u.com.

Sau đó thì nhu cầu nhân lực cho ngành này gia tăng nhanh chóng, các trung tâm tin học đã đưa vào một vài khoá học ngắn hạn về thiết kế đồ họa và thu hút đông đảo học viên tham gia. Các lớp học này dạy một số kiến thức căn bản về thiết kế. Tuy nhiên, hầu hết học viên chỉ được học cách sử dụng các phần mềm thiết yếu.

Và đó là lúc Việt Nam chứng kiến sự khai sinh của thế hệ thiết kế đồ họa đầu tiên mà đa phần là thiếu kiến thức và không có khả năng nhận biết thiết kế đồ họa thực sự là như thế nào. Hệ quả là đến tận bây giờ, nhiều sản phẩm tạo ra đều rất rập khuôn, thiếu tính sáng tạo và thậm chí một số còn sao chép ý tưởng từ phương Tây (chứng kiến sức ảnh hưởng mạnh mẽ về mọi mặt từ phương Tây đối với văn hóa Việt Nam trong suốt nhiều năm thì điều này không có gì đáng ngạc nhiên).

Với mục đích dần nâng cao trình độ, các nhà thiết kế trẻ cần trau dồi nhiều kỹ năng cần thiết như nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, phê bình đánh giá…

Trong bối cảnh đó, đất nước cần một đội ngũ thiết kế không chỉ sử dụng thành thạo phần mềm mà còn phải có kiến thức chuyên môn tốt và giàu lòng nhiệt huyết trong việc tạo nên sự đổi mới, ghi dấu ấn độc đáo trong lĩnh vực thiết kế. Dần dần, chúng ta chứng kiến sự đơm hoa kết trái cho những nỗ lực đó. Hãy bắt đầu với trang sáng tạo nổi tiếng Behance, bạn sẽ bắt gặp nhiều tài năng dẫn đầu trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh và tranh minh họa, đã tạo được những dấu ấn cá nhân trên đấu trường thiết kế. Có thể kể đến là Lê Thanh Tùng và Jimmy Tuan (thiết kế đồ họa); Linh Phan và Tamypu (tranh minh họa); Tang Tang và Wing Chan (nhiếp ảnh). Với sự sáng tạo và đam mê của mình, họ đã tạo nên tầm ảnh hưởng cũng như truyền cảm hứng cho những thế hệ thiết kế tiếp nối.

Việt Nam là một quốc gia có lực lượng lao động trẻ với 50% dân số dưới độ tuổi 30. Họ – nguồn lực sống còn của đất nước với nguồn năng lượng dồi dào, lòng nhiệt huyết và sự thông minh sắc sảo sẽ quyết định tương lai nền công nghiệp sáng tạo của quốc gia.

Nhìn chung, người Việt Nam rất mưu trí và chịu khó. Điều này đặc biệt cần thiết đối với thiết kế đồ họa vì ngành này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và có tầm nhìn. Tuy nhiên điều trở ngại đối với các thế hệ trước đây là việc thể hiện cá tính của bản thân lại không được khuyến khích. Đáng lạc quan là thế hệ trẻ ngày nay rất tích cực thể hiện mình. Điều này có thể nhận thấy qua những thiết kế được bắt gặp tại các cửa hàng café, các buổi triển lãm nghệ thuật hoặc các phong cách thời trang táo bạo trên đường phố.

.”>

Một tác phẩm của Tamypu.

Ảnh: idesign.vn.

Với mục đích dần nâng cao trình độ, các nhà thiết kế trẻ cần trau dồi nhiều kỹ năng cần thiết như nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, phê bình đánh giá… Về mặt chuyên môn, cần củng cố phương pháp thiết kế, quản lý hiệu quả công việc và bồi dưỡng các kỹ năng sáng tạo. Việt Nam có một nền nghệ thuật hơn 4000 năm lịch sử với các ngành thủ công đáng tự hào từ truyền thống cho đến hiện đại. Dễ dàng nhận thấy mỹ nghệ vẫn là ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước đặc biệt là nội thất gỗ, mây tre và tơ lụa. Đây là vùng đất đang chờ đợi được khám phá, một sân chơi tiềm năng để các nghệ sĩ và các nhà thiết kế phát triển các trường phái, phong cách sáng tạo cho riêng mình.

Đa dạng là yếu tố đặc thù của văn hóa Việt Nam cùng với sự kết tinh của nhiều nền văn hóa địa phương kết hợp với sự ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa trên thế giới đã tạo nền tảng cho sự phát triển và biến hóa của ngành thiết kế. Sự đa dạng thể hiện trong đặc điểm địa lý và khác biệt văn hóa giữa các vùng miền đã tạo nên một hệ thống ngôn ngữ thiết kế độc đáo. Hiểu rõ và biết ứng dụng sự khác biệt này trong cách tiếp cận, tư duy và với một mục tiêu phát triển nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp các nhà thiết kế trở nên xuất sắc.

Thế giới mà trước đây khi nhắc đến khiến mọi người cười và nghi ngờ giờ không chỉ trong ảo tưởng mà nay lại trở thành niềm đam mê mỗi ngày cho lớp thiết kế trẻ nhiều tham vọng ở Việt Nam. Thế giới thiết kế, hãy chứng kiến sự hòa nhịp của chúng tôi!

Vùng đất mỹ thuật đang chờ đợi được khám phá, đây là một sân chơi tiềm năng để các nghệ sĩ và các nhà thiết kế phát triển các trường phái, phong cách sáng tạo cho riêng mình.