Monthly Archives: November 2017

Trong 3 phút, startup học được gì từ CEO Tesla?

Cuộc phỏng vấn ngắn với CEO Tesla Elon Musk chứa đựng đầy những bài học giá trị và có ý nghĩa.

Elon Musk là một trong những nhà khởi nghiệp nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông chính là người đứng đằng sau Tesla, SpaceX, OpenAl và một số công ty khác, đồng thời ông cũng đang phải đối mặt với nhiều thử thách ở phía trước.

Gần đây tôi đã có một bài phỏng vấn với Musk, và những lời khuyên của ông đã tác động sâu sắc đến tôi. Những bài học mà ông đưa ra chủ yếu tập trung vào các nhà khởi nghiệp, nhưng nói cho cùng thì tất cả mọi người đều có thể áp dụng.

1. Sẵn sàng chấp nhận đau thương

“Bắt đầu khởi nghiệp không phải là việc mà ai cũng có thể làm” – Musk nói, “Để có thể khởi nghiệp mà tôi đề cập ở đây, điều đầu tiên bạn phải có chính là một ngưỡng chịu đau khổ cao”.

Musk tiếp tục chia sẻ một trong những câu nói từ người bạn ông mà ông rất thích: “Khởi nghiệp giống như việc ăn thủy tinh và nhìn chằm chằm vào vực thẳm”. “Mọi thứ xảy ra đại khái là như vậy” – Musk giải thích. “Bởi vì khi lần đầu tiên mở một công ty, bạn sẽ nghĩ đến rất nhiều điều tốt đẹp và lạc quan. Đối với bạn, mọi thứ đều tuyệt vời. Bạn như ở trên đỉnh cao của hạnh phúc. Sau đó bạn sẽ gặp phải một loạt các vấn đề, sự vui vẻ, hạnh phúc của bạn sẽ bị giảm xuống. Cuối cùng, bạn sẽ thành công nếu vượt qua được những đau khổ ấy, còn nếu không thì bạn sẽ thất bại… Tesla suýt nữa cũng đã không thành công, chỉ thêm một chút nữa thôi là thất bại. Nếu bạn thành công, thì sau một thời gian dài, cuối cùng bạn cũng sẽ hạnh phúc trở lại”.

Điều này đúng. Khi tôi bắt đầu tự làm việc từ vài năm trước, tôi đã không lường trước được những đau khổ mà tôi sẽ phải chịu đựng. Và thường thì thất bại đến với tôi nhiều hơn là thành công.

Nhưng mỗi thất bại đều sẽ dạy cho chúng ta một bài học, và thành công sẽ không thể có nếu thiếu sự thất bại.

2. Đừng tốn thời gian để cải thiện những thứ không quan trọng

Musk cho biết, nếu bạn đang xây dựng một sản phẩm hoặc cung cấp một dịch vụ, thì nó không thể chỉ tốt hơn “một chút” so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh – nó phải là hoàn hảo. “Khi bạn gia nhập vào một thị trường đã tồn tại, cạnh tranh với các đối thủ lớn thì các sản phẩm hay dịch vụ của bạn cần phải tốt hơn rất rất nhiều so với họ. Nó không thể chỉ tốt hơn một chút được, bởi bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để suy nghĩ… Nếu như sản phẩm đó không có sự khác biệt cực lớn, thì bạn sẽ luôn luôn mua sản phẩm của những thương hiệu đáng tin cậy”.

Điều này khiến tôi nhớ đến bài học sống còn mà Guy Kawasaki đã học được từ Steve Jobs nhiều năm về trước: “Bạn phải có sự đột phá chứ không phải là tạo ra những sản phẩm giống nhau tốt hơn”. “Bạn không thể làm nó tốt hơn 10%, mà bạn phải làm nó tốt hơn gấp 10 lần” – Kawasaki cho biết. Hãy nghĩ xem iPod đã thay thế Walkman như thế nào? Cách mà Iphone thay thế Blackberry? Hay cách mà Ipad thay thế Palm Pilot?

Như Musk đã nói: “Nó không thể chỉ tốt hơn một chút. Nó phải tốt hơn rất nhiều”.

3. Luôn luôn tìm kiếm những lời phê bình

Musk cho biết: “Một lời bình luận hay, kỹ lưỡng về những gì bạn đã làm sẽ khiến bạn cảm thấy có giá trị như vàng”. Sau đó, người sáng lập Tesla nổi tiếng này đã khuyến khích mọi người nên đi tìm những lời chỉ trích, phê bình, “đặc biệt là từ những người bạn”.

“Thông thường, bạn bè của bạn sẽ biết bạn đang sai ở đâu. Nhưng họ không muốn nói với bạn vì họ không muốn làm bạn tổn thương. Điều này không có nghĩa rằng bạn bè của bạn sẽ luôn luôn đúng. Nhưng thường thì họ đều đúng”.

Điều này đúng. Khi bạn nói đến những ý định của mình, những người thân với bạn nhất sẽ luôn muốn cổ vũ bạn. Và điều cuối cùng họ muốn chính là khiến cho bạn thất vọng.

Nhưng những người này cũng là một nguồn “tài nguyên” có giá trị: Họ có thể cho bạn biết điểm yếu của bạn là gì và bạn cần những gì để cải thiện.

Tất nhiên, có thể bạn sẽ bị tổn thương khi biết mình đã sai. Điều đó cho thấy rằng bạn hay những gì bạn tạo ra là không hoàn hảo. Nhưng nếu có một chút trí tuệ cảm xúc, thì bạn sẽ thấy rằng đó là những phản hồi để cho bạn trở nên tốt hơn.

Và Musk đã đúc kết lại: “Bạn nên tiếp xúc với những thứ bạn đã làm sai, thì các mục tiêu của bạn sẽ ít sai hơn”.

5 dấu hiệu của một nơi làm việc tồi

Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận ra một nơi làm việc tồi trước khi quyết định đến đó nhận việc. Bởi thế, bên cạnh việc doanh nghiệp “săn” nhân tài, nhân tài cũng sẽ “săn” những doanh nghiệp mà theo họ là “chơi được”. 

Qua một bài viết trên CNN, Daniel B. Kline (tác giả nhiều quyển sách thú vị về nhân sự, như Easy Answers to Every Problem – Giải pháp dễ cho mọi vấn đề, từng làm việc cho Microsoft, The Boston Globe) đã cho biết năm dấu hiệu giúp chúng ta sớm nhận ra một nơi làm việc như vậy.

Nơi đó có tỷ lệ nghỉ việc cao

Nếu một công ty mà nhân viên lũ lượt nghỉ việc một cách vội vã, thường là dấu hiệu cho thấy mọi người không thích nơi đó. Nếu trung bình nhân viên gắn bó với doanh nghiệp dưới một năm thì đó là dấu hiệu báo động. Ngoài ra, khi một doanh nghiệp có rất ít nhân viên lâu năm làm việc ở cấp độ không phải cấp cao, đó cũng là một chỉ dấu về một nơi làm việc không thú vị.

Nhân viên tỏ vẻ sợ cấp trên

Cần phân biệt rõ thái độ sợ cấp trên một cách lành mạnh do nhân viên biết được trọng trách và trách nhiệm của cấp trên phải gánh vác, do vậy là bình thường. Còn nếu nhân viên thật sự lo âu bởi bất kỳ điều nhỏ nhặt nào cũng có thể kích lên cơn giận dữ của sếp, thì đó chính hiệu là tin rất xấu. Người sắp sửa nhập cuộc cần chú ý đồng nghiệp tương lai của mình có hay tỏ ra lo lắng bị đuổi việc do những nguyên nhân hay vấp váp nhỏ nhặt không. Nếu thấy có, hãy suy nghĩ lại quyết định của mình.

>> 5 dấu hiệu bạn đã có nơi làm việc lý tưởng 

Mọi người đều ra về đúng y boong khi hết giờ làm việc

Ở một công ty tốt, nhân viên không làm như vậy. Ngay cả ở những nơi có chấm công và trả lương giờ. Vì nếu nhân viên yêu công việc, họ không nhất loạt ra về kiểu đó.

Tại nơi làm việc hạnh phúc, nhân viên thường không đồng loạt rời bàn phím giữa chừng công việc của mình, dù đã hết giờ. Họ thu xếp kết thúc công việc rồi mới rời công ty.

Đồng nghiệp thiếu sự giao lưu

Người hạnh phúc thường tìm người khác để chia sẻ. Họ có thể dùng khoảng thời gian giữa buổi để gặp nhau trao đổi. Khi mọi người thu mình lại, ít giao lưu, thì đó là một dấu hiệu xấu, thể hiện họ không thấy thú vị gì trong môi trường đang làm việc.

Không phải ai cũng có nhu cầu kết bạn hoặc đàn đúm sau giờ làm, nhưng ở một nơi mà ai cũng xem người khác như những “kẻ xa lạ” thì đó là chỉ dấu về một nơi làm việc đang có vấn đề.

Nơi chỉ có nhận vào và không có cho đi gì cả

Nếu công việc luôn đòi hỏi nhân viên làm vượt quá yêu cầu nhưng sau đó không hề đếm xỉa gì đến những nỗ lực của họ thì có thể xem đó là nơi làm việc không tốt. “Biết điều” là câu chuyện của cả hai phía, nhân viên và doanh nghiệp. Nếu chỉ biết theo một chiều lấy đi mà không có chiều ngược lại, nhân viên sẽ sớm cảm thấy “oải” khi làm việc ở đó. Ví dụ khi sếp biết đòi hỏi nhân viên nán lại làm cho xong việc nhưng lại nhíu mày khi nhân viên vì một lý do gì đó phải ra về sớm, thì đó là một dấu hiệu bất an. Nó lây lan nhanh và mọi nhân viên khác sẽ sớm thấy mình đang ở một môi trường tệ hại.

Năm dấu hiệu này có vẻ như là những chia sẻ với những người đang tìm việc, nhưng bề sâu câu chuyện lại có vẻ dành cho đối tượng doanh nghiệp. Nếu thấy những dấu hiệu này vô tình xuất hiện trong đơn vị mình, doanh nghiệp có thể thay đổi để cải thiện hình ảnh của mình khi còn kịp…

8 thói quen giúp nâng cao EQ

Trí thông minh cảm xúc (EQ) có tác động đến thành công sự nghiệp? Câu trả lời là: rất nhiều!

TS. Travis Bradberry – đồng sáng lập, Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (Thông minh cảm xúc 2.0) cho biết, trong tất cả những trường hợp mà ông từng nghiên cứu, có đến 90% những người thành công trong sự nghiệp có chỉ số EQ cao. Nghĩa là, chúng ta vẫn có thể thành công mà không cần đến EQ, nhưng cơ hội là rất thấp.

Theo đó, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố vô hình trong mỗi người, ảnh hưởng đến cách họ quản lý hành vi, điều hướng các mối quan hệ, sự kiện xã hội và thực hiện các quyết định cá nhân để đạt được những kết quả khả quan.

“Không giống như chỉ số thông minh (IQ), EQ rất dễ điều chỉnh. Khi chúng ta rèn luyện trí não bằng cách lặp lại những hành vi mới để nâng cao EQ, não bộ sẽ tạo ra các con đường cần thiết để biến chúng thành những thói quen. Không lâu sau đó, bạn sẽ bắt đầu tự động phản ứng lại môi trường xung quanh với một trí thông minh cảm xúc mà không cần phải suy nghĩ gì về nó. Và khi não tăng cường sử dụng những hành vi mới, những kết nối tạo nên hành vi tiêu cực cũ sẽ dần chết đi”, theo TS. Bradberry.

Dù tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc là không thể bàn cãi, tính vô hình của nó khiến chúng ta khó xác định những hành vi cụ thể nào cần phải trau dồi. Do đó, TS. Travis Bradberry đã phân tích dữ liệu từ hàng triệu người mà TalentSmart đã nghiên cứu để xác định những thói quen khiến người có chỉ số EQ cao trở nên khác biệt với những người khác. Ông giới thiệu những thói quen này trong một bài viết trên CNBC:

1. Suy nghĩ tích cực

Theo dõi tin tức vào bất kỳ giai đoạn nào bạn sẽ thấy chúng chỉ là một chu kỳ vô tận của chiến tranh, tấn công bạo lực, các nền kinh tế mong manh, các công ty thất bại và các thảm họa môi trường. Rất dễ dàng nghĩ rằng hành tinh này đang trên đà đi xuống.

Tuy nhiên, người thông minh cảm xúc không lo lắng điều đó, vì họ không để bị cuốn vào những điều mình không thể kiểm soát. Họ tập trung năng lượng để điều hướng 2 thứ mà họ hoàn toàn có thể kiểm soát: sự chú ý và sự nỗ lực của chính mình.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy người lạc quan có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn người bi quan. Họ cũng có năng suất làm việc tốt hơn.

2. Sử dụng “kho” từ vựng cảm xúc phong phú

Tất cả mọi người đều trải qua nhiều cảm xúc, nhưng chỉ có một số ít người có thể định nghĩa chính xác khi chúng xảy ra. Nghiên cứu của TalentSmart cho thấy chỉ 36% người có thể làm điều này. Bởi vì nhiều cảm xúc khó gọi tên rất dễ bị định nghĩa sai, dẫn đến việc chủ thể đưa ra những lựa chọn bất hợp lý hoặc những hành động phản tác dụng.

Những người có chỉ số EQ cao làm chủ những cảm xúc của họ bởi vì họ hiểu chính mình, và họ sử dụng “kho” từ vựng cảm xúc phong phú để làm điều đó. Trong khi nhiều người mô tả cảm xúc của mình với những từ đơn giản như “tệ hại”, “kinh khủng”, người thông minh cảm xúc có thể xác định chính xác là họ đang cảm thấy “cáu kỉnh”, “thất vọng”, “lo âu”, hoặc “bị đè nén”…

Từ ngữ bạn chọn càng cụ thể, bạn càng xác định chính xác cảm xúc mình đang cảm thấy, biết được nó từ đâu đến và nên làm gì với nó.

3. Quyết đoán

Những người có chỉ số EQ cao luôn biết cách cân bằng lòng tốt, sự đồng cảm với việc khẳng định bản thân và thiết lập những ranh giới. Sự kết hợp khéo léo này là yếu tố lý tưởng để giải quyết xung đột. Vì trên thực tế, khi xung đột xảy ra, chúng ta thường dễ trở nên giận dữ hoặc thực hiện các hành vi mang tính thụ động.

Người thông minh cảm xúc duy trì trạng thái cân bằng và thể hiện tính quyết đoán bằng cách tránh xa những phản ứng cảm xúc không chọn lọc. Điều này giúp họ có khả năng “vô hiệu hóa” những người “khó nhằn” mà không tạo ra kẻ thù.

>> 5 cách chăm sóc não để tăng khả năng thành công

4. Tò mò về người khác

Không quan trọng họ là người hướng nội hay hướng ngoại, người thông minh cảm xúc tò mò về tất cả mọi người xung quanh mình. Sự tò mò này là sản phẩm của sự thấu cảm – một trong những tố chất của người có chỉ số EQ cao.

Càng quan tâm đến người khác và những gì họ đang phải trải qua, bạn càng có thêm nhiều sự tò mò về họ.

5. Tha thứ, nhưng không quên

Người thông minh cảm xúc sống theo phương châm “Lừa tôi một lần, lỗi tại bạn; lừa tôi 2 lần, lỗi tại tôi”, nghĩa là, nếu bạn cho phép người khác lừa mình đến 2 lần thì chỉ nên trách chính bản thân mình.

Người có EQ cao tha thứ để tránh hận thù, nhưng họ không bao giờ quên. Những cảm xúc tiêu cực của việc ôm một mối hận thù có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, và người thông minh cảm xúc biết cách tránh xa chúng bằng mọi giá.

Tuy nhiên, việc tha thứ không có nghĩa là họ cho phép người làm sai một cơ hội thứ hai. Người thông minh cảm xúc sẽ không để bị “chết chìm” bởi việc bị người khác đối xử tệ, vì vậy họ sẽ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết tâm bảo vệ mình khỏi những mối nguy hại trong tương lai.

6. Không để người khác giới hạn niềm vui của mình

Khi cảm xúc hài lòng của bạn xuất phát từ việc so sánh bản thân với người khác, bạn đã không còn làm chủ niềm hạnh phúc của riêng mình nữa. Khi người thông minh cảm xúc cảm thấy tốt về việc gì đó mình đã làm, họ sẽ không để những thành tựu hoặc ý kiến của bất kỳ ai cướp đi cảm xúc tích cực đó.

Dù không thể “tắt” các phản ứng đối với những điều người khác nghĩ về mình, nhưng bạn không phải so sánh mình với người khác và đừng xem những ý kiến của người khác là chân lý. Nghĩa là, bất kể người khác nghĩ gì hoặc làm gì, giá trị của bạn đến từ bên trong. Bất kể mọi người nghĩ gì về bạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có một điều chắc chắn là, bạn không bao giờ tốt hoặc xấu như họ nói về bạn.

7. Không để bị xúc phạm

Nếu bạn thật sự thấu hiểu một cách vững chắc về bản thân mình, người khác sẽ khó thể “chọc tức” được bạn.

Người thông minh cảm xúc luôn tự tin và có tư duy mở, điều này giúp họ tạo ra cho mình một “lớp da” khá dày.

8. Bỏ qua những màn tự vấn tiêu cực

Một bước lớn trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc là ngừng tự vấn bản thân một cách tiêu cực. Càng “nhai đi nhai lại” những suy nghĩ tiêu cực, bạn càng trao cho chúng nhiều quyền lực hơn. Hầu hết những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta chỉ là những… suy nghĩ, không phải là sự thật.

Bạn có thể “tắt” những “tiếng nói” tiêu cực, bi quan bên trong mình bằng cách viết chúng ra. Vì khi dành thời gian để làm chậm đà tiêu cực của các suy nghĩ này, bạn sẽ đánh giá tính xác thực của chúng rõ ràng hơn. Và bạn hoàn toàn có thể khẳng định rằng những tuyên bố của mình là không đúng sự thật bất kỳ khi nào bạn dùng những từ như “không bao giờ”, “tồi tệ nhất”…

Nếu những tuyên bố này vẫn trông có vẻ giống sự thật ngay cả khi bạn đã viết chúng ra, hãy trao đổi với một người bạn để xem anh/cô ấy có đồng ý với bạn không. Rồi sau đó bạn sẽ dần tìm ra sự thật.

5 cách tránh bị công nghệ “thâu tóm”

Chắc hẳn bạn chưa bao giờ tưởng tượng rằng các thiết bị màn hình – như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay… – đang cơ cấu lại bộ não đến mức điều chỉnh cả thói quen hằng ngày của bạn.

Thay vì sử dụng bản đồ lát cắt thế giới hay bản đồ cầm tay thông thường, bạn lại đang ngày càng thụ động tuân theo các chỉ dẫn từ một phần mềm định vị GPS bằng giọng nói.

Thay vì nhấc điện thoại lên để hỏi thăm bạn bè hay tản bộ quanh văn phòng để gặp gỡ đồng nghiệp, bạn lại chỉ tương tác qua các dòng tin nhắn hay những hộp thư điện tử .

Thay vì để bản thân được thả hồn suy tư khi đang thảnh thơi ngồi trên xe buýt hay khi xếp hàng chờ  mua đồ ở tiệm tạp hóa, bạn lại chăm chú nhìn vào những dòng thông báo bất tận trên thanh cuộn điện thoại…

Việc xâm nhập của các thiết bị màn hình (lớn và nhỏ) vào cuộc sống thường nhật của chúng ta đã gây ra những hậu quả không ngờ. Do quá phụ thuộc vào các công cụ công nghệ mà trí thông minh logic – toán học và thị giác, không gian sống của chúng ta đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng công nghệ cũng làm thay đổi và thậm chí khiến não bộ bị co lại 10% đến 20%.

Nghiên cứu cũng cho thấy một thực trạng là hầu hết người dùng điện thoại thông minh nhìn màn hình quá nhiều. Thói quen này dẫn đến những biến chứng lâu dài như ADHD – bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý và chứng mất trí nhớ, bởi phần vỏ não trước bị tê liệt do thời lượng tập trung vào màn hình quá lâu.

Những phát hiện trên không phải là tin tốt cho các doanh nhân, những người cần phải trau dồi kỹ năng để trở thành các nhà lãnh đạo sáng tạo, có tư duy sắc bén. Sẽ không ai có thể chịu đựng được hậu quả nếu rơi vào tình trạng nghiện màn hình. Nhưng các doanh nhân nói riêng phải đặc biệt thận trọng khi họ đang bị cuốn đến điểm nguy hiểm của tình trạng đó, bởi vai trò của họ đòi hỏi một trí tuệ hơn người.

Dưới đây là 5 biện pháp phòng tránh hiện tượng trí tuệ bị công nghệ “thâu tóm”.

1. Không xem phim từ một đến hai tiếng trước khi đi ngủ

Hầu hết mọi người đều biết rằng tuyệt đối không nên nhìn những tia sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính, điện thoại hàng giờ trước khi đi ngủ. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự lắng nghe những lời khuyên đó? Lý do là quá ít người có thể hiểu đầy đủ cơ sở sinh lý học của những khuyến cáo ấy.

Trên thực tế, ánh sáng phát ra từ thiết bị công nghệ sẽ di chuyển trực tiếp đến dây thần kinh thị giác, ngay lập tức các tín hiệu được truyền đến tuyến tùng yêu cầu cơ thể chúng ta không cần phải sản sinh melatonin- loại hoocmon giúp con người ngủ ngon.

Khi sử dụng công nghệ ngay trước giờ đi ngủ là chúng ta đã ngầm thông báo với não bộ rằng chúng chưa cần phải ngủ, bởi vậy thời gian tái tạo phục hồi năng lượng sẽ bị rút ngắn lại. Mà, chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống là điều không cần phải nói thêm.

2. Tạo cơ hội tương tác trực tiếp

Trong hầu hết các ngành nghề và mọi mối quan hệ xã hội – gia đình hiện nay, chúng ta hoàn toàn không thể (dù là dùng cách lịch sự nhất) tránh khỏi những trao đổi qua thư điện tử hay các phương tiện truyền thông xã hội. Điều cần làm là, hãy sáng tạo những cách thức nhỏ giúp bạn có thể tương tác trực tiếp với mọi người, đồng thời hạn chế giao tiếp qua màn hình.

Mỗi khi ở nơi công cộng hoặc sân bay, hãy cất điện thoại đi và để bản thân

thoải mái giao tiếp với những người lạ xung quanh. Hãy tận dụng mọi cơ hội để  tham gia vào các sự kiện xã hội hay hoạt động cùng các đồng nghiệp, bạn bè. Giao tiếp trực tiếp cũng là nhu cầu cần được thực hiện thường xuyên giống như mọi nhu cầu khác.

3. Sử dụng liệu pháp phản hồi sinh học thần kinh

Neurofeedback là kỹ thuật luyện tập não bộ nhằm tăng cường các sóng não lành mạnh nhất định, đồng thời điều chỉnh các sóng não đang hoạt động quá mức, quá yếu hoặc không ổn định.

Neurofeedback là liệu pháp không xâm lấn sử dụng điện não đồ (EGG) – một chương trình phần mềm trên máy tính kèm theo các cảm biến được gắn liền với da đầu, để xác định số lượng và luyện tập cho não thông qua phản hồi sinh học các sóng điện não.

Nguyên tắc cơ bản của việc học là để rèn luyện não bộ. Bộ não luôn muốn trải nghiệm thách thức, bởi vậy nó cần được khỏe mạnh và ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Bằng việc tăng cường hiệu suất và luyện tập tránh xa tình trạng nghiện màn hình, chắc chắn não bộ chúng ta sẽ cải thiện tối ưu sức khỏe và hạn chế bị phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ khác nhau.

4. Tìm các lựa chọn thay thế cho màn hình

Thông thường, việc tìm kiếm những phương pháp thay thế này cũng đơn giản như chính việc kích thích niềm đam mê khám phá chúng. Cầm một tờ báo trên tay thay vì lướt qua các tiêu đề danh sách ứng dụng. Hãy đánh giá hương thơm và khổ rộng của tờ báo.

Mang theo một cây bút và một quyển sổ nhỏ để cảm nhận cảm giác căng tràn trí tuệ với những chữ viết tay – nó thực khác so với việc ngồi gõ gõ trên ứng dụng ghi chép của điện thoại.

Hãy đặt một cuốn lịch trên bàn và khoan khoái tận hưởng khi có sự hiện diện của một vật thể nắm giữ tất cả thông tin lịch trình làm việc của bạn. Dĩ nhiên, bạn vẫn sẽ sử dụng điện thoại và máy tính để thực hiện rất nhiều công việc khác trong cuộc sống của mình, nhưng khi bổ sung các việc làm giản đơn này, thị giác được kích thích sẽ khiến não bộ dễ chịu hơn.

5. Cân bằng thời gian sử dụng màn hình

Nếu tính chất công việc khiến thời gian sử dụng màn hình thống trị cả khoảng thời gian thức dậy, hãy nhớ rằng không chỉ riêng bạn như vậy, vì thế bạn không nhất thiết phải lo lắng. Lời khuyên cho bạn là, hãy chủ động cân bằng thời gian mà bạn bị màn hình kiểm soát, bằng cách thư giãn giữa những giờ làm việc dài ở công ty. Hãy dạo bộ quanh tòa nhà, nói chuyện với người bạn cùng ăn trưa, ngồi trên ghế đá công viên. Những hoạt động nho nhỏ sẽ giúp bạn tách khỏi công nghệ, nhờ đó tâm trí và đôi mắt cũng sẽ được nghỉ ngơi.

Dù rằng chúng ta không thể hiểu hết tác động của những công nghệ mới đối với não bộ và cuộc sống, nhưng chúng ta cần phải đảm bảo cho bản thân không quá đắm chìm vào màn hình công nghệ.

Đối với một số người, họ đang cần sự tư vấn để tránh khỏi những tác hại từ màn hình đem lại. Nhưng với những người khác,  vẫn chưa là quá muộn để vực lại sự chủ động và tìm cho mình khoảng thời gian vui chơi lành mạnh mà không có sự hiện diện của màn hình công nghệ phía sau.

Bán “nhà ăn liền”, startup Philippines được định giá 1 tỷ USD

Startup bán nhà dựng sẵn Revolution Precrafted của Philippines mới đây được định giá hơn 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn Series B, trang Tech in Asia dẫn 2 nguồn tin thân cận cho biết.

Theo đó, Revolution Precrafted trở thành startup tỷ USD đầu tiên của Philippines, cũng là công ty đạt được mức này nhanh nhất tại Đông Nam Á khi mới chỉ ra đời chưa đầy 2 năm. Đây được xem là kỳ tích đối với một startup Philippines – nơi sân chơi công nghệ còn khá nhỏ và chưa đọ được với các nước láng giềng về vốn.

Revolution Precrafted bán nhà dựng sẵn hợp tác với hơn 60 nhà thiết kế, kiến trúc sư danh tiếng thế giới như Zaha Hadid, David Salle, Tom Dixon và Marcel Wanders. Công ty nhận đặt hàng trực tuyến qua website với giá trung bình 120.000 USD/căn và giao tới bất kỳ nơi nào trong thế giới trong ít nhất 90 ngày.

Khung nhà được chuyển tới tận nơi của khách hàng và hoàn thiện thành nhà ở kiên cố. Revolution Precrafted cũng triển khai mô hình này với nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ…

Robbie Antonio – nhà sáng lập Revolution Precrafted

Revolution Precrafted được thành lập bởi Robbie Antonio – người xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh bất động sản. Anh là người đứng sau các dự án hàng tỷ USD của gia đình hợp tác với những cái tên lớn như Forbes Media, Armani/Casa, Versace Home, Paris Hilton và Tập đoàn Trump. Robbie chuyển sang thiết kế nhà chuyên nghiệp với giá phải chăng để tiếp cận được với nhiều người hơn.

Tính tới tháng 3/2017, Revolution Precrafted đã nhận được các đơn hàng trị giá 110 triệu USD và huy động được 15,4 triệu USD từ một số nhà đầu tư như 500 Startups. Tuy nhiên, đại diện 500 Startup cho biết đã phải vất vả thuyết phục để được góp một phần vốn với lý do giúp Revolution Precrafted nâng cao danh tiếng.

Một số mẫu thiết kế “nhà ăn liền” của Revolution Precrafted

Vòng gọi vốn này của Revolution Precrafted dẫn đầu là Quỹ đầu tư mạo hiểm K2 của Singapore, được thành lập bởi nhà đầu tư Ozi Amanat – người nổi tiếng với việc rót vốn vào Alibaba và Twitter trước khi các công ty này chào bán cổ phiếu lần đầu. K2 cũng đã đầu tư vào nhiều startup lớn như Spotify, Magic Leap, Paytm và Palantir.

Hiện tại, khu vực Đông Nam Á đã có một số startup trị giá tỷ USD như Sea, Grab và Lazada của Singapore; Traveloka và Tokopedia tại Indonesia; và VNG Corp của Việt Nam.