Monthly Archives: November 2017

Trò chơi nào giúp tỷ phú Warren Buffett rèn luyện trí não?

“Những người giàu thích giải trí nhưng họ yêu việc học, và họ dành cả cuộc đời để thu nhận thông tin và sử dụng nó để làm giàu thêm mỗi ngày”, Steve Siebold viết trong cuốn sách How Rich People Think (Cách suy nghĩ của người giàu).

Chủ tịch Công ty Berkshire Hathaway – Warren Buffett được biết đến là người đã tiêu tốn 80% thời gian trong ngày để đọc sách. Tuy nhiên, khi không đọc sách hay làm việc, vị tỷ phú này sẽ… chơi bài Bridge.

“Tôi chơi rất nhiều… Ít nhất là 4 buổi 1 tuần và khoảng 2 tiếng chơi cho 1 buổi”, Buffett nói với tác giả Thomas Heath của Washington Post trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Điều này có nghĩa là ông chơi bài ít nhất 8 tiếng 1 tuần.

Tỷ phú Buffett đã 87 tuổi nhưng trí tuệ vẫn rất còn rất minh mẫn. Ông thích những thách thức mà trò chơi này mang lại. “Đó là một trò chơi mà bạn có thể tham gia khi bạn ở độ tuổi 90, và bạn sẽ nhìn thấy sự thử thách trí tuệ khác nhau mỗi 7 phút của trò chơi”, ông nhận định.

Ông không phải là vị tỷ phú duy nhất chơi bài Brige. Đối tác kinh doanh của ông là Charlie Munger – người sở hữu tài sản ước tính khoảng 1,6 tỷ USD – cũng đã chơi trò này hàng thập kỷ. Người bạn lâu năm của Buffett là Bill Gates cũng là một “fan” của trò chơi này.

Từ trái qua: Charlie Munger, Bill Gates và Warren Buffett

“Chúng tôi đã chơi Brige trong khi mọi người ngắm nhìn khung cảnh, và chúng tôi chơi trên xe bus bằng cách để những lá bài trên đầu gối”, ông nhớ lại chuyến đi của 2 vợ chồng đến Trung Quốc năm 1995.

Không quá ngạc nhiên khi những nhà lãnh đạo thành công này lại tiêu tốn khá nhiều thời gian để chơi trò chơi kích thích trí tuệ này. Nó làm họ phải suy nghĩ. Tác giả Steve Siebold – người đã tiếp xúc với hơn 1.000 người giàu có – nhận thấy rằng họ muốn được giáo dục hơn là giải trí.

“Những người giàu thích giải trí nhưng họ yêu việc học, và họ dành cả cuộc đời họ để thu nhận thông tin và sử dụng nó để làm giàu thêm mỗi ngày”, ông viết trong cuốn sách Cách suy nghĩ của người giàu.

Trò chơi với những tấm thẻ giữ cho độ minh mẫn của Buffett, Gates và Munger được lâu hơn. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Học viện thần kinh học Hoa Kỳ cho thấy, những người tham gia vào các hoạt động kích thích thần kinh có sự suy giảm trí nhớ chậm hơn so với những người không tham gia.

Chơi bài Bridge là một trò chơi có hiệu quả nhất, theo như lời tỷ phú Buffett: “Nó là bài luyện tập tốt nhất cho trí não”.

Bí quyết triệu đô của startup thời trang trực tuyến Linjer

Linjer được thành lập bởi hai doanh nhân trẻ Roman Khan và Jennifer Chong với số vốn 20.000 USD. Hơn một nửa số tiền này được đổ vào chiến dịch quảng bá để gọi vốn cộng đồng đầu tiên (crowdfund), gồm các video chất lượng cao thể hiện hình ảnh của một thương hiệu đẳng cấp.

Đến nay, Linjer có doanh thu hơn 10 triệu USD mỗi năm, Tech in Asiacho biết.

Học hỏi từ các “ông lớn”

Roman Khan học về thời trang và thương mại điện tử trong thời gian làm việc tại Zalora và Lazada, khi đó thuộc startup Rocket Internet. Anh gia nhập Rocket Internet trước thời điểm công ty này thực hiện chào cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Khi đó, công ty này thậm chí không có website đúng nghĩa, chỉ có logo đặt trên nền đen, nhưng sau này đã trở thành một trong những startup liên doanh mở rộng nhanh nhất tại châu Á.

Năm 2012, Roman Khan làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Hong Kong và được website thời trang trực tuyến Zalora của Rocket (lúc đó mới ra mắt vài tháng) tuyển dụng. Sau đó, anh chuyển tới làm việc tại vài chi nhánh tại Đông Nam Á và cuối cùng trở thành Giám đốc tài chính của Lazada tại Thái Lan.

“Tôi thực sự thích công việc này. Tôi đã học được rất nhiều, trải nghiệm vô cùng nhiều thứ khác nhau”, Roman Khan chia sẻ về khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận một số nhược điểm của mô hình thương mại điện tử liên doanh vốn, đặc biệt là tại Zalora.

Sau 5 năm hoạt động, Zalora nhanh chóng mở rộng khắp Đông Nam Á, nhưng vẫn tiếp tục chịu lỗ và phải rút lui một phần tại vài thị trường. Trong khi đó, trang thương mại điện tử Lazada (ra mắt không lâu sau Zalora) đã bị Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc thâu tóm vào năm ngoái.

Chậm mà chắc

Giữa năm 2014, Roman Khan rời Lazada để thành lập Linjer. Ban đầu, anh làm một mình, còn Jennifer Chong chỉ làm bán thời gian bởi khi đó cô vẫn có công việc riêng. 2 người luôn kiên định với chiến lược tăng trưởng “chậm mà chắc”.

Sản phẩm của đầu tiên của Linjer là túi da thiết kế với chất liệu tốt nhưng có giá cả phải chăng hơn so với các thương hiệu xa xỉ. Chiến dịch gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) đầu tiên mang về cho Linjer 190.000 USD, đủ để đi vào sản xuất.

Sau đó, 2 nhà đồng sáng lập tiếp tục thực hiện chiến dịch mới cho sản phẩm tiếp theo – túi xách nữ làm thủ công và bán độc quyền trên website của Công ty.

Theo Roman Khan, mô hình kinh doanh mang lại thành công cho Linjer là “gọi vốn cộng đồng cho mỗi lần ra mắt bộ sưu tập mới và trở thành một thương hiệu, không phải đơn vị đi bán hàng lại”.

Cả Roman Khan Khan hay Chong, từng là cố vấn quản lý, đều không được đào tạo bài bản về thiết kế. Tuy nhiên, cả hai đều có đam mê về phong cách và có mục tiêu hết sức cụ thể, những điều còn lại đều vừa làm vừa học.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Lô hàng túi đầu tiên gặp trục trặc trong khâu sản xuất khiến Khan và Chong phải đích thân gọi điện cho từng khách hàng để xin lỗi vì giao hàng chậm trễ. Vụ việc cũng gây tổn thất tài chính không nhỏ cho doanh nghiệp non trẻ. Dù vậy, họ vẫn kiên trì giải quyết từng vấn đề và giao tới tay khách hàng sản phẩm.

Sau khi đổi nhà sản xuất, Linjer sẵn sàng để ra mắt dòng sản phẩm mới, lần này là đồng hồ. Một lần nữa, họ dùng phương thức gọi vốn cộng đồng và huy động được gần 1 triệu USD.

Linjer chưa từng huy động vốn liên doanh theo xu hướng phổ biến của các starup hiện nay và cũng chưa có dự định đó.

Startup này đã mở rộng hoạt động ra nhiều nước trên thế giới với nhà cung cấp da tại Italia, nhà kho và giao vận bởi một công ty tại Hong Kong.

“Hiện công ty chỉ có tôi, Jenn, 3 nhân viên phụ trách trải nghiệm khách hàng, còn lại là nhân viên bán thời gian và làm việc từ xa”, Khan cho biết.

Duy trì kênh phát triển qua mạng xã hội

Vài năm qua, Khan và Chong đang dần chuyển trọng tâm về Hong Kong và dự định lập một đội nhỏ để đưa Linjer vào giai đoạn phát triển mới.

“Chúng tôi đã có lãi và đủ tiền để duy trì đội ngũ có quy mô lớn gấp 10 lần hiện tại và đủ tài chính để tăng trưởng gấp 3 lần vào năm tới mà không cần huy động vốn đầu tư từ bên ngoài. Tuy vậy, chúng tôi muốn duy trì một đội nhỏ gọn, lý tưởng là dưới 20 người, và đẩy mạnh quy mô công nghệ cũng như marketing”, Khan cho biết.

Hiện tại các kênh marketing chính của Linjer là Facebook và Instagram, rót hàng triệu USD mỗi năm vào các công cụ quảng cáo của mạng xã hội này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang lớn tận dụng các nền tảng này để chạy quảng cáo, chi phí quảng cáo thì có xu hướng tăng, khiến những thương hiệu nhỏ ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Một số sản phẩm của Linjer

“Chúng tôi dự báo chi phí cho mỗi 1.000 lượt xem của một quảng cáo (CPM) sẽ tăng gấp đôi trong 2 năm tới. Điều này có thể sẽ khiến chúng tôi gặp khó trong việc duy trì tăng trưởng”, Khan nhận định.

Trước khi điều đó trở thành vấn đề lớn, Linjer sẽ phải tìm các cách mới để thu hút khách hàng. Phương thức marketing qua những nhân vật có tầm ảnh hưởng sẽ đóng vai trò quan trọng trong gia đoạn phát triển mới của startup này, Khan cho biết.

Anh cũng nhận định rằng cơ hội với mô hình thương mại điện tử bán hàng trực tiếp tới khách hàng là rất lớn nếu làm đúng hướng.

Samsung công bố ba CEO mới và lợi nhuận kỉ lục

Kwon cho biết: “Thế hệ kế tiếp của các nhà lãnh đạo rất phù hợp để thúc đẩy tốc độ đổi mới và giải quyết nhu cầu của thế giới kết nối. Họ đã chứng minh được thành tích của họ với kinh nghiệm sâu rộng và chuyên môn xuất sắc trong lĩnh vực của họ.”

Giám đốc điều hành Samsung Electronics Kwon Oh-hyun đã bất ngờ tuyên bố kế hoạch từ chức vào đầu tháng này, với lý do nhu cầu lãnh đạo mới tropng bối cảnh “cuộc khủng hoảng chưa từng thấy”, và công ty đã tuyên bố người thay thế ông. Sẽ có ba nhà lãnh đạo từng khu vực cụ thể của tập trung:

  • Kim Ki-nam thuộc nhóm kinh doanh linh kiện.
  • Kim Hyun-suk (HS Kim) sẽ điều hành điện tử tiêu dùng.
  • Koh Dong-jin (DJ Koh) phụ trách về điện thoại di động và CNTT.

Yoon Boo-keun (Shin Yoon) và Shin Jong-kyun (JK Shin) đều từ chức hoàn toàn từ vai trò đồng giám đốc trước đây của họ sau khi trở lại từ sự kiểm soát trực tiếp vào năm 2015. Chưa rõ liệu một trong những nhà lãnh đạo mới sẽ có vị thế cao hơn như của Kwon – thông báo của Samsung mô tả cách sắp xếp mới là “duy trì cấu trúc quản lý – đồng quản lý hiện tại của ba công ty”.

Samsung công bố ba CEO mới và đăng hồ sơ lợi nhuận. Ảnh: CNBC.

3 CEO mới của Samsung

– Kim Ki-nam đã chịu trách nhiệm về việc kinh doanh bán dẫn tổng thể của Samsung Electronics, và trong quá khứ đã điều hành bộ phận bộ nhớ và là Giám đốc điều hành của Samsung Display.

– Samsung mô tả Kim Hyun-suk là một chuyên gia về công nghệ màn hình hiển thị, đã giúp dẫn dắt công ty thống trị thị trường truyền hình toàn cầu.

– Koh Dong-jin trước đây là người đứng đầu R&D về điện thoại di động và đã tiếp quản từ Shin như nhà lãnh đạo di động vào năm 2015.

Kwon cho biết: “Thế hệ kế tiếp của các nhà lãnh đạo rất phù hợp để thúc đẩy tốc độ đổi mới và giải quyết nhu cầu của thế giới kết nối. Họ đã chứng minh được thành tích của họ với kinh nghiệm sâu rộng và chuyên môn xuất sắc trong lĩnh vực của họ.”

Các tin tức được đưa ra khi Samsung công bố lợi nhuận quý từng cao nhất của họ. Trong tháng 7 và tháng 9, doanh thu đã đạt 14,53 nghìn tỉ won (khoảng 13 tỷ USD), đạt mức kỷ lục 14,1 nghìn tỷ won trong quý vừa qua. Samsung cho biết Galaxy Note 8 đã giúp doanh nghiệp điện thoại di động có doanh thu mạnh, nhưng lợi nhuận thực sự đã giảm từ quý trước do doanh thu của các mẫu đầu cuối thấp hơn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Ngoại tấn công, nội chuyển hướng

Song hành với tiềm năng là sự cạnh tranh bán lẻ ngày càng khốc liệt khi có thêm nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoại tấn công

Khi thị trường càng trở nên hấp dẫn thì ngành bán lẻ phải đối mặt với sức ép của tiến trình hội nhập, xu hướng tiêu dùng thay đổi và sự tham gia của nhiều thương hiệu nước ngoài.

Thương hiệu 7-Eleven đã có mặt tại Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua. Tính đến ngày 12/11, sau 5 tháng ra mắt, 7-Eleven đã mở 7 cửa hàng tại TP.HCM. Sức hấp dẫn của 7-Eleven là bên cạnh những sản phẩm thiết yếu, đơn vị này đã giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu riêng và suất ăn trưa. Chiến lược của thương hiệu này là mở thêm 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Ở kênh cửa hàng tiện lợi, thị trường sắp có thêm thương hiệu GS25 Hàn Quốc, đầu tiên sẽ xuất hiện tại TP.HCM. Đây là thương hiệu được đánh giá là ngoài năng lực đầu tư còn có chất lượng dịch vụ tốt, phù hợp với khách hàng trẻ.

Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC (PricewaterhouseCoopers – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay), 49% người tiêu dùng có thói quen mua sản phẩm qua smartphone.

Hiện có nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT… có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí.

Cùng với các “tân binh”, những thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã có mặt cũng làm mới mình và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Cụ thể, hồi tháng 9 vừa qua, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm Văn phòng phẩm B2S (business to school), tập trung vào nhóm mặt hàng phục vụ học sinh, sinh viên. Với thương hiệu bán lẻ mới này, Central Group Việt Nam lên kế hoạch mở khoảng 30 trung tâm tại Việt Nam trong 5 năm tới, và những điểm kinh doanh của B2S sẽ được đặt tại trung tâm các thành phố.

Trong khi đó, Big C đã thay đổi diện mạo, trở thành các trung tâm bán lẻ cao cấp sau khi về tay người Thái. Trong kế hoạch chuyển đổi, doanh nghiệp Thái sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng diện tích mặt bằng cho thuê của tập đoàn này lên gấp đôi so với diện tích cho thuê hiện có là 470.000m2.

Metro Cash & Carry Việt Nam đã thay đổi hình ảnh, thương hiệu thành MM Mega Market và phát triển thương hiệu này thành chuỗi bán buôn tại thị trường Thái Lan. TCC Group mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ tận dụng 2 hệ thống phân phối ở Việt Nam và Thái Lan để đưa sản phẩm Việt vào thị trường Thái Lan và ngược lại.

Các nhà bán lẻ nước ngoài còn đẩy mạnh kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Central Goup sau khi sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim, mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng đã mua lại mảng kinh doanh trực tuyến Zalora Việt Nam của nhà đầu tư Rocket Internet (Đức) để đẩy mạnh kinh doanh online trong lĩnh vực thời trang. Chiến lược này còn nhằm kết hợp sức mạnh của bán hàng qua mạng (online) và bán hàng trực tiếp (offline) trong lĩnh vực bán lẻ mà tập đoàn này đang đầu tư mấy năm gần đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành bán lẻ, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng.

Nội chuyển hướng

Trước sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chuyển đổi cách kinh doanh để tồn tại và phát triển.

Không chỉ bán hàng, chuỗi siêu thị Vinmart+ của Vingroup đón đầu nhu cầu cung cấp thực phẩm và đồ ăn nhanh. Với mô hình “2 trong 1”, kết hợp giữa minimart và cửa hàng tiện lợi, cung cấp thực phẩm sạch và hàng hóa thiết yếu, người tiêu dùng có thể chọn mua thực đơn đã được chuẩn bị sẵn.

Một thương hiệu bán lẻ khác của Vingroup là Vincom Retail dùng chính sách đồng hành cùng khách thuê và nhà sản xuất.

Tính đến ngày 15/10/2017, Vincom đang sở hữu 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh – thành với 4 loại hình: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom+. Mỗi loại hình có vị trí, diện tích, cách bố trí mặt bằng khác nhau, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu khách hàng của từng vùng miền.

Hiện Vincom Retail có 1,1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ và 74 dự án đang và sắp triển khai. Dự kiến đến năm 2021, Vincom Retail sẽ vận hành khoảng 200 trung tâm thương mại.

Bà Trần Mai Hoa – Tổng giám đốc Công ty CP Vincom Retail cho biết, với chính sách này, khách thuê của Vincom có nhiều ưu đãi đặc biệt, trong đó có cơ hội bán hàng online trên trang thương mại điện tử Adayroi.

Trong khi đó, Saigon Co.op cùng với việc phát triển chuỗi siêu thị Co.opmart đã tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để chuyển đổi thành đại lý bán lẻ hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile.

Saigon Co.op hiện nay sở hữu hầu hết các mô hình bán lẻ hiện đại gồm 90 siêu thị Co.opmart, 170 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 65 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile, 3 trung tâm thương mại Sense City, khu phức hợp SC Vivo City, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op.

Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 9/2017, trong nhóm siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, Big C, Vinmart, Co.opmart là 3 nhà bán lẻ được nghĩ đến nhiều nhất trong tâm trí người tiêu dùng. Trong khi Co.opmart được biết đến là hệ thống bán lẻ có số lượng siêu thị nhiều nhất Việt Nam, tập trung ở phía Nam, Big C phủ rộng thương hiệu ở một số tỉnh – thành cả 3 miền. Chuỗi Vinmart đang mở hàng loạt siêu thị và cửa hàng tiện ích sau hơn 2 năm gia nhập thị trường.

Top 5 nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh được khách hàng nhắc đến nhiều nhất lần lượt là Big C, VinMart, Co.opmart, Lotte Mart, Aeon Mall.

Cũng theo khảo sát này, hàng hóa đa dạng, chất lượng đảm bảo là nguyên nhân chính đưa người tiêu dùng đến với các nhà bán lẻ.

Ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong năm 2017, Co.op Smile sẽ có từ 200 – 300 cửa hàng. Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online, dự tính đến năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động.

Một thương hiệu bán lẻ khác của Việt Nam là Satra cũng đang xoay chuyển theo hướng mở rộng mô hình cửa hàng tiện lợi. Từ đầu năm đến nay, Satra đã đưa vào hoạt động thêm 50 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM và Cần Thơ.

Ông Nguyễn Phúc Khoa – Phó tổng giám đốc Satra cho biết: “Chúng tôi rất tự tin trong việc phát triển mạng lưới bán lẻ khi chọn lối đi riêng thiên về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Lối đi này phù hợp với thế mạnh của Satra khi Satra đang sở hữu các doanh nghiệp thành viên, các công ty con có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực thực phẩm như Vissan, CJ Cầu Tre, Cofidec, Heineken Việt Nam… và chợ đầu mối nông thủy hải sản Bình Điền có khả năng cung ứng hàng ngàn tấn hàng hóa mỗi ngày”.

Cũng theo ông Khoa, Satra đang triển khai các chương trình liên kết mới, chú trọng hỗ trợ nông dân hoàn thiện chất lượng sản phẩm mới để có thêm nhiều sản phẩm ngon phục vụ người tiêu dùng.

“Tân binh” của ngành bán lẻ là Bách Hóa Xanh đến ngày 12/11 đã có 226 cửa hàng. Nghĩa là chỉ trong gần 11 tháng qua, Bách Hóa Xanh đã mở 176 cửa hàng tại TP.HCM với mục tiêu đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng. Điều hấp dẫn trong phương thức kinh doanh của đơn vị này là ngoài việc trực tiếp đến cửa hàng, khách hàng có thể mua sắm thông qua website hoặc gọi điện đến tổng đài đặt mua, được giao hàng tận nhà miễn phí dưới 4 tiếng đồng hồ đến các địa chỉ trong bán kính 20km tính từ siêu thị gần nhất.

Uber muốn hợp tác với các công ty taxi Việt Nam

Công ty Uber sẽ tìm cách để hợp tác kinh doanh với các công ty taxi Việt Nam chứ không muốn triệt hạ hay chống lại phương thức kinh doanh của các công ty này.

Trao đổi tại buổi nói chuyện với các nhà báo khu vực Đông Nam Á diễn ra ở Singapore ngày 1-11, ông Brooks Entwistle – Tổng giám đốc kinh doanh Uber khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết Uber rất muốn hợp tác với các công ty taxi ở Việt Nam và xem đây là phần quan trọng trong chiến lược phát triển của công ty này.

Đây là một phần trong buổi công bố đánh giá của công ty tư vấn The Boston Consulting Group (BCG) với Uber về chia sẻ đi lại (ridesharing) ở các thành phố châu Á tổ chức ngày 1-11 tại Singapore.

Ông Brooks Entwistle cho biết VN là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng của Uber trong khu vực. Trong tuần sau ông sẽ đến Hà Nội, và đã có lịch làm việc với nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh của Uber ở VN.

Giám đốc Uber khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuyết trình. Ảnh: Lê Nam.

“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các công ty taxi tại VN để cùng phát triển. Việc hợp tác này nhăm giảm tỉ lệ xe trống lưu thông trên đường phố, hạn chế tắc nghẽn giao thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đang sẵn có trong tình hình ngày càng nhiều xe trống lăn bánh trên đường phố. Chúng tôi muốn cùng với họ hợp tác để phát triển kinh doanh chứ không phải chống lại họ”, ông Entwistle nhấn mạnh.

Theo ông Brooks Entwistle, vào cuối tháng 10-12017, Uber đã hợp tác với ba công ty taxi lớn ở Đài Bắc (Đài Loan) để các lái xe taxi sử dụng và chia sẻ nền tảng dịch vụ của Uber và đây sẽ là một trong hướng phát triển chính ở các thành phố Đông Nam Á trong thời gian tới.

Theo báo cáo của BCG, lượng ôtô lưu thông trên đường tại các quốc gia Đông Nam Á sẽ ngày càng nhiều trong vài năm tới dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong giờ cao điểm.

Khảo sát cho thấy có 81% người dân ở TP.HCM và 79% người dân ở Hà Nội cho biết có nhu cầu mua ôtô trong 5 năm tới.

“Tôi muốn làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục hợp tác tìm kiếm cơ hội làm việc dựa trên những lợi thế của các bên.”

Ông Brooks Entwistle

Báo cáo của BCG cũng cho thấy Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có tốc độ gia tăng kẹt xe lớn nhất trong 10 thành phố lớn ở khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn thời gian đi lại cho một chuyến đi lúc bình thường ở Hà Nội là 30 phút và lúc cao điểm là 70 phút, tăng đến 134% và thời gian chờ đợi ở Hà Nội là 40 phút. Tương tự thời gian di chuyển trên cùng một quãng đường trong giờ cao điểm ở TP.HCM cao hơn 112% so với một chuyến đi bình thường.

Cũng theo báo cáo của BCG, tình trạng kẹt xe trên đường khi áp dụng chia sẻ, dùng chung xe đã giúp giảm lượng xe lưu thông ở các thành phố lớn của Đông Nam Á. Ở Singapore đã giảm đến 77%, Kuala Lumpur (Malaysia) giảm 91%, Jakarta (Indonesia) giảm 51%, Bangkok (Thái Lan) giảm 92%, Manila (Philippines) giảm 88%, Surabaya (Indonesia) giảm 72%…