Monthly Archives: November 2017

‘Cơn sốt’ trung lưu Việt

Mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư ngoại đang muốn mở rộng làm ăn ở Việt Nam là việc tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh.

Lê Tiến là hướng dẫn viên du lịch outbound, chuyên dẫn khách đi tour Singapore của một công ty du lịch tại TP HCM. Tận dụng các khung giờ rảnh, anh nhận mua hàng xách tay về Việt Nam. Anh cho biết lượng khách khá ổn định và tăng dần đều. Họ là những người trung lưu mà anh phân làm hai dạng.

“Khách có hai dạng, một là ‘giàu từ trong trứng giàu ra’. Họ cứ thích là đặt mua, không quan tâm đến giá cả. Hai là phất lên nhờ công việc. Những người này thì thấy hợp lý sẽ mua. Giá có đắt nhưng họ thấy xứng đáng là không hề do dự”, hướng dẫn viên này kể lại.

Tiến chủ yếu xách tay quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Dù thị trường Việt Nam giờ không thiếu hàng hiệu nhưng theo anh khách vẫn chuộng đồ ngoại. Họ thích những mẫu không bán ở thị trường nội địa để khác biệt. Đôi khi, anh nhận lời mua giúp những sản phẩm bản giới hạn của Dior hay Gucci. Quy ra tiền Việt cũng hơn 70 đến 80 triệu đồng mỗi món.

Đích thân chủ tịch hãng ngọc trai quốc tế danh tiếng giới thiệu với khách mua tại một cửa hàng ở trung tâm TP HCM. Ảnh: Viễn Thông

Tầng lớp trung lưu không chỉ giúp những tiếp viên hàng không hay hướng dẫn viên du lịch như Tiến kiếm thêm thu nhập. Lực lượng này đang trở thành “thượng đế” của rất nhiều doanh nghiệp ngoại, đủ mọi ngành nghề đang làm ăn ở Việt Nam. Ông Daryl Tay – Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam nhận định, trung lưu Việt mua hàng xuyên biên giới ngày càng nhiều. Công ty của ông đầu tư các đội xe để giao những món hàng mà họ đặt mua tận Anh, Mỹ ngay tại cửa nhà.

“Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển. Ngày càng nhiều công ty thương mại điện tử tìm nguồn cung tại Việt Nam. Ngược lại, tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng lên các trang bán hàng nước ngoài đặt hàng và chuyển về nhiều hơn”, ông Daryl Tay nói và khẳng định tầng lớp này hiện tăng mạnh về lượng.

Theo quan điểm của vị CEO, trung lưu Việt là những người có thu nhập mỗi tháng từ 15 triệu đồng trở lên. Với tiêu chí này thì đến 2020, dự báo cả nước sẽ có 44 triệu người trung lưu. Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Người Tiêu dùng và Khách hàng của Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ), “tầng lớp trung lưu và giàu có” của Việt Nam là những người có thu nhập trung bình 714 USD mỗi tháng trở lên.

Tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2015 là hơn 14% mỗi năm. Ước tính, giai đoạn 2016 – 2020, con số này tiếp tục tăng thêm khoảng 4 điểm phần trăm, tương đương hơn 18% mỗi năm.

Nghiên cứu của Brookings Institute cho biết, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2015 là hơn 14% mỗi năm. Ước tính, giai đoạn 2016 – 2020, con số này tiếp tục tăng thêm khoảng 4 điểm phần trăm, tương đương hơn 18% mỗi năm.

So với các nước Đông Nam Á thì tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt đang thuộc hàng cao nhất. Ví dụ, giai đoạn 2016 – 2020, tầng lớp trung lưu ở Malaysia và Thái Lan tăng thêm hơn 4%, Indonesia tăng thêm gần 12%, còn Singapore chỉ tăng thêm khoảng 3% mỗi năm.

Năm 2015, tổng mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu toàn cầu là 34.800 tỷ USD. Brookings Institute dự báo, đến 2030, con số này sẽ tăng gần gấp đôi. “Đến 2030, mức tiêu dùng trung lưu toàn cầu có thể tăng thêm 29.000 tỷ USD so với năm 2015. Các quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình hôm nay như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ tạo ra một thị trường với tổng tiêu thụ tăng thêm 15.000 tỷ USD so với hiện tại”, chuyên gia Homi Kharas của đơn vị nghiên cứu dự báo.

Không chỉ gia tăng về số lượng, sự thay đổi về quan điểm tiền bạc và chi tiêu của giới trung lưu cũng là điểm hấp dẫn. Điều này tạo ra sự thay đổi trong nhiều ngành, từ thực phẩm đến ngân hàng.

“Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi lối sống rất nhanh và họ ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho những khoản mục lớn nhằm mục đích nâng cấp đời sống”, bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam từng nhận xét nhân dịp người Việt Nam không còn giữ danh hiệu tiết kiệm nhất thế giới. Theo báo cáo của Nielsen, tỷ lệ người dân để dành tiền vào tiết kiệm quý II/2017 giảm hơn 13% so với quý trước và xếp sau Thái Lan, Singapore, Indonesia.

Đến 2020, dự báo cả nước sẽ có 44 triệu người trung lưu. Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Trong một cuộc gặp gỡ báo giới gần đây, ông Alexandre Bouchot – Tham tán nông nghiệp thuộc Đại sứ quán Pháp cho biết giai đoạn 2015 – 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Pháp vào Việt Nam tăng 25%.

“Việt Nam nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài ngày càng nhiều nên chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Đây là một quốc gia mới nổi với tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo và có nhu cầu thực phẩm chất lượng đang tăng cao”, vị tham tán phấn khởi nói.

Còn theo dự báo PwC Việt Nam, tầng lớp trung lưu trong nước đang tăng trưởng nhanh, điều này sẽ đẩy mạnh nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng phức tạp hơn, như bảo hiểm qua ngân hàng và quản lý tài sản. Cùng với đó, thanh toán không tiền mặt sẽ có cơ hội phát triển.

“Việc chuyển từ thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt là xu hướng tất yếu. Chúng ta thấy nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang chuyển trọng tâm kinh doanh sang ngân hàng bán lẻ nhờ khả năng chi tiêu của người trẻ tăng. Cơ sở hạ tầng công nghệ kỹ thuật phát triển tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ nền kinh tế tiền mặt sang kinh tế không tiền mặt”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định.

Nhật Bản: Nhọc nhằn giữ người tài

Trong 40 năm qua, Nhật Bản đã đánh mất hơn 1.000 nhân viên trong lĩnh vực công nghệ vào tay các đối thủ châu Á khác, theo Nikkei Asian Review

“Cuộc di cư” ra ngoài biên giới

Hơn 1.000 chuyên gia công nghệ Nhật Bản đã rời khỏi đất nước trong khoảng 4 thập kỷ qua và gia nhập các công ty khác tại châu Á, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Con số này làm dấy lên mối quan ngại về khả năng cạnh tranh của đất nước mặt trời mọc trong thời đại tiến bộ công nghệ.

“Những chuyên gia với trình độ công nghệ cao đang giảm dần tại Nhật”, Ayano Fujiwara – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc gia Nhật Bản về Chính sách Khoa học và Công nghệ (NISTEP) cho biết. Theo đó, các nhà nghiên cứu ở Viện này đã theo dõi số lượng người chuyển việc từ năm 1976 – 2015 và cho biết, có 490 người nghỉ việc tại các hãng sản xuất máy móc thiết bị điện Nhật Bản và chuyển đến các công ty Hàn Quốc, 196 người chuyển đến các công ty Trung Quốc, 350 người chuyển đến làm việc cho các đối thủ nhỏ hơn ở Đài Loan và Thái Lan.

Cụ thể, kết quả phân tích dữ liệu lớn về bằng sáng chế công nghệ trong 40 năm qua đã chỉ ra nhiều cái tên từng xuất hiện trong các công ty Nhật Bản và sau đó xuất hiện ở các công ty của các nước khác. Con số hơn 1.000 chỉ là những chuyên gia cấp cao, đủ điều kiện được cấp bằng sáng chế.

Con số thực tế về những nhân viên công nghệ nhảy việc ra khỏi các công ty Nhật có thể còn cao hơn nhiều. Ít nhất 40% số chuyên gia nói trên đến Hàn Quốc và 30% đến Trung Quốc từ “mái nhà xưa” là 8 công ty lớn tại Nhật như Hitachi và Panasonic. Phần lớn trong số đó ở độ tuổi 40 hoặc trẻ hơn, và đều là những nhân viên công nghệ cấp cao, nhà nghiên cứu Fujiwara cho biết.

“Cuộc di cư” đến Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu ồ ạt vào những năm 2000 – giai đoạn vỡ bong bóng dot-com (năm 2001), lợi nhuận của Hãng sản xuất chip nhớ Elpida Memory (trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản) sụt giảm và đệ đơn phá sản vào năm 2012.

Thời điểm đó, một nhà sản xuất chip khác của Nhật là Renesas Electronics cũng phải cắt giảm nhân viên xuống còn một nửa. Trong bối cảnh này, nhiều kỹ sư mảng chip nhớ đã phải tìm việc ở nước ngoài. “Có vài nghìn kỹ sư Nhật ở Trung Quốc vào cuối những năm 2000”, một chuyên gia khẳng định và cho rằng con số trong báo cáo trên chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.

Rò rỉ công nghệ – bài toán khó

Các hãng sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong một thập kỷ qua, doanh thu của Samsung Electronics đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 177 tỷ USD vào năm 2016, theo Hãng cung cấp thông tin và phân tích tài chính QUICK FactSet.

Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei Technologies cũng chứng kiến doanh thu tăng gấp 5 lần trong một thập kỷ qua. Cùng khoảng thời gian đó, doanh thu của các công ty Nhật ít thay đổi. Các hãng công nghệ lớn của Hàn Quốc có vẻ như đang chậm lại quá trình “săn” các kỹ sư Nhật, nhưng các đối thủ khác từ Trung Quốc và Đài Loan thì sẽ tiếp tục, nhà nghiên cứu Ayano Fujiwara nhận định.

Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ tình trạng chảy máu chất xám nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, bởi các công ty Nhật vốn không chỉ nổi tiếng ở công nghệ bán dẫn mà còn nhiều lĩnh vực khác, như sản xuất “siêu vật liệu” sợi carbon và các công cụ máy móc với độ tinh xảo cao.

Nhật Bản còn áp dụng hình thức chế tài những kỹ sư chuyển đến làm việc ở các công ty nước ngoài và làm rò rỉ thông tin về các công nghệ quan trọng. Nhưng theo một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thì “Nhật Bản không thể nắm bắt được đầy đủ về tình trạng chuyển đến các công ty nước ngoài của những kỹ sư này”.

Sự rò rỉ công nghệ bởi các cựu nhân viên có thể gây ra tác động nặng nề đối với một công ty. Hồi năm 2012, Nippon Steel (nay là Hãng thép Nippon và kim loại Sumitomo) đã kiện Posco – đối tác sản xuất thép đến từ Hàn Quốc – về việc đánh cắp bí mật công nghệ trong sản xuất thép chất lượng cao. Các cựu nhân viên của Nippon Steel được cho là đã góp phần vào vụ đánh cắp bí mật công nghệ này. Vụ kiện kết thúc vào năm 2015, theo đó, Posco phải nộp 30 tỷ yen (250 triệu USD) để Nippon Steel rút lại đơn kiện.

Trong thời đại của các thiết bị kết nối, nhu cầu về các chuyên gia công nghệ luôn tồn tại ở tất cả ngành công nghiệp tại châu Á cũng như mọi khu vực khác. “Dòng chảy nhân tài không chỉ đổ về các công ty châu Á mà còn đến các “ông lớn” phương Tây, như Google (Mỹ) và Bosch (Đức). Thực trạng này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong tương lai”, Chủ tịch Hãng dịch vụ tuyển dụng kỹ sư ngành sản xuất Meitec Next (trụ sở ở Tokyo) nói.

Shunsuke Mikami – Chủ tịch Công ty săn đầu người Genius cũng nhận xét: “Các kỹ sư chưa được hưởng đãi ngộ tốt tại Nhật, chúng ta cần tìm ra giải pháp để bù đắp cho họ tốt hơn, chẳng hạn như trả lương cao hơn”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các chuyên gia công nghệ muốn tìm kiếm một môi trường làm việc mà giá trị của họ được đánh giá cao hơn.

Đồng thời, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn toàn cầu hóa cũng không ngại ra nước ngoài làm việc như cha ông họ. Vì vậy, việc giữ chân nhân tài nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia chỉ bằng cách tăng cường giám sát đã không còn là giải pháp phù hợp đối với nước Nhật nói riêng và mọi quốc gia khác nói chung.

3 kỹ năng thiết yếu giúp thăng tiến trong công việc

Bất kể thế nào, nếu bạn không lắng nghe những nhận xét trong công việc từ những người khác, bạn sẽ không bao giờ có thể giỏi lên được (không kể đến việc bạn là một người bảo thủ).

Việc tôi luyện những kỹ năng trong công việc sẽ tạo ra sự khác biệt giữa thăng tiến lên một chức vị mới, chạm tới công việc mơ ước hay là giậm chân tại chỗ, trở thành một người có tiền đồ hay là nhìn những người khác sở hữu nó? Câu hỏi được đặt ra ở đây là, những kỹ năng nào là cần thiết nhất?

Dù bạn là một nhân viên đầy kinh nghiệm hay mới bước vào nghề, 3 kỹ năng dưới đây sẽ giúp bạn bất kể bạn muốn thăng tiến đến đâu trong công việc:

1. Sự tập trung cao độ trong công việc

Trong cuốn Chìm sâu vào công việc: Nguyên tắc để tập trung giữa một thế giới hỗn loạn, tác giả Cal Newport đã chỉ ra được những lợi ích của việc tập trung cao độ vào công việc mình đang làm (không kiểm tra tin nhắn hay lướt qua mạng xã hội dù chỉ một giây).

3 lý do được Newport đưa ra minh chứng cho việc tại sao tập trung lại là chìa khóa của sự thành công. Thứ nhất, khi tập trung cao độ bạn sẽ có một hiệu suất làm việc cao hơn bình thường. Thứ hai, hầu hết mọi người dễ dàng để ý đến việc khác như kiểm tra email nhiều hơn so với việc hoàn thành nhiệm vụ (những thứ mà bạn đã trì hoãn), sự tập trung sẽ giúp bạn chống lại sức ì dễ dàng hơn. Thứ ba, sự tập trung giúp bạn tối đa hóa việc sử dụng khả năng của mình để có thể làm việc dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.

Hãy tạo ra một khoảng thời gian, không gian riêng

Bạn sẽ cải thiện khả năng tập trung bằng cách nào nếu như bạn cứ liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gặp gỡ ? Điều duy nhất bạn có thể làm lúc này chính là từ chối mọi cuộc gặp với bất kì ai, bất kì đâu trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy dành ra khoảng 2 tiếng cho bản thân chỉ để nghĩ và làm việc – hãy nhớ đánh dấu vào lịch trình của mình là thời gian đó mình luôn bận nhé.

Tiếp theo, hãy tạo cho mình một không gian riêng để bạn có thể tập trung mà hoàn thành những công việc “khó nhằn” mà không bị cám dỗ bởi bất cứ thứ gì khác. Bạn cũng có thể cân nhắc đến việc sử dụng những ứng dụng kiểm soát bản thân miễn phí. Đặt điện thoại ở chế độ máy bay, tắt thông báo trên máy tính và đổi trạng thái online sang chế độ “đừng làm phiền”. Khi đó, bạn sẽ có cho mình nhiều thời gian luyện tập và tập trung vào công việc hơn, và tất cả công việc sẽ được giải quyết một cách triệt để dễ dàng hơn.

2. Kỹ năng đón nhận những sự phê bình

Bất kể thế nào, nếu bạn không lắng nghe những nhận xét trong công việc từ những người khác, bạn sẽ không bao giờ có thể giỏi lên được (không kể đến việc bạn là một người bảo thủ). Mọi người sẽ không những ít làm việc cùng bạn hơn mà còn không muốn khuyên bảo bạn thêm chút nào nữa.

Cũng như trong cuốn Cảm ơn vì lời phản hồi: Nghệ thuật đón nhận sự phê bình, hai tác giả Douglas Stone và Sheila Heen đã tự mình vượt qua những thách thức khi đón nhận sự phê bình. Ví dụ, khi bạn nghe được những lời phê bình, phản ứng một cách tự động sẽ là “bạn sai rồi”. Nhưng nó sẽ không giúp bạn phát triển lên được đâu.

Hãy lắng nghe một cách chân thành

Thay vì phê bình người khác một cách trực diện, Stone và Heen gợi ý cho mọi người một cách khác: “Thật thú vị ! Tôi muốn hiểu thêm về lý do tại sao chúng ta lại thấy điều này khác biệt. Bằng cách xác định rõ tư duy và quan sát của họ dẫn đến những phán đoán sai lầm của họ.

Thông thường trong các cuộc phê bình, hai hoặc nhiều chủ đề được chỉ ra cùng lúc. Tuy nhiên đừng cố gắng hòa giải tất cả cùng lúc.

Giả sử bạn đi vào văn phòng của cấp trên và nhận được một loạt những lời trách mắng từ cấp trên như trễ hạn công việc hay sếp đang lo ngại việc bạn làm đang không đi đúng hướng.

Có hai vấn đề đang xảy ra ở đây chính là tiến độ công việc và định hướng phát triển công việc. Nếu như cố gắng giải quyết cả hai vấn đề cùng lúc, điều đó đó nghĩa là mỗi thứ đều bị rút gọn đi một chút. Thay vào đó, khi bạn nhận thấy điều này đang xảy ra trong chính cuộc phê bình của mình, hãy sử dụng câu trích dẫn từ sách của Stone và Heen: “Tôi nhìn thấy có hai vấn đề cần chúng ta thảo luận ở đây. Và tất nhiên là chúng đều quan trọng cả. Chúng ta hãy thảo luận chúng một cách đầy đủ nhưng riêng biệt cho mỗi vấn đề riêng”.

Chắc chắn một điều rằng, khi bạn nói điều này và thực sự lắng nghe mọi người sau đó – bạn sẽ gây ấn tượng với đồng nghiệp của mình trong cách khéo léo của lắng nghe và đón nhận những phản hồi của họ.

3. Kỹ năng xử lý vấn đề

Đây được xem là sự hăng hái cho kế hoạch mới. Nhưng nó cũng là một khả năng khác để trông chờ vào sự hoàn thiện công việc.

Thi thoảng bạn sẽ phải làm việc quá sức, nhưng bạn không muốn nó trở thành một thói quen hàng ngày. Theo một nghiên cứu về sự tận tâm quá nhiều đã chỉ ra rằng, rất khó để biết được kế hoạch tương lai sẽ chiếm mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành. Vì thế, chúng ta thường đánh giá nhầm nhiệm vụ và hy vọng có nhiều thời gian hơn trong tương lai so với khoảng thời gian thực sự mà chúng ta cần. Hơn nữa, mọi người thường đánh giá thấp về thời gian mà kế hoạch đó sẽ kéo dài trong bao lâu.

Hãy đánh giá đúng mức nhiệm vụ của bạn và lên kế hoạch cho những rủi ro

Sử dụng nguyên tắc Scotty: xác định khoảng thời gian bạn nghĩ rằng công việc đó sẽ được hoàn thành. Sau đó, thêm khoảng 25 đến 50% và đảm bảo rằng nó sẽ được hoàn thành sớm hơn hoặc ít nhất là đúng dự định. Cách tốt nhất là hãy hoàn thành nó trong khoảng thời gian ít nhất có thể.

Nếu bạn đang phải loay hoay với những deadline của mình, hãy ngừng lên kế hoạch cho bản thân mình dựa trên bản giấy ban đầu. Giả sử rằng có một vấn đề đang không đi theo định hướng của bạn, hãy dành ra một khoảng thời gian để xác định và xử lý những điều phát sinh.

Ví dụ, khoảng 3-4 ngày một tuần, tôi để dành 45 phút để giải quyết hết những công việc ngẫu nhiên phát sinh. Bằng cách này, bạn đang tạo ra kế hoạch cho những dự phòng để bạn có thể đáp ứng được thời hạn công việc và được mọi người hoàn toàn tin tưởng.

6 thói quen tốt của doanh nhân thành công

Thói quen có thể giúp con người phát triển mà cũng có thể khiến chúng ta bị tổn thương. Bởi chất lượng sức khỏe, của cải, các mối quan hệ và hạnh phúc là những sản phẩm của những thói quen của bạn, thành công cũng không phải là ngoại lệ.  

Hãy cùng tham khảo những thói quen dưới đây của các doanh nhân và những thành viên của The Oracles – một tổ chức gồm các nhà tư vấn doanh nghiệp hàng đầu nhằm tư vấn cho những người muốn thành công trong kinh doanh và có một cuộc sống tốt hơn.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, mỗi thói quen hình thành từ những hành động nhỏ mỗi ngày có sức ảnh hưởng lớn tới thành công sau này của mỗi người.

1. Nếu bạn không thể nhìn thấy nó, nghĩa là nó không tồn tại

Leyla Milani-Khoshbin – người mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình truyền hình và nhà sáng lập Leyla Milani Hair®

Trước khi dùng điện thoại thông minh, cả cuộc đời tôi đều nằm trong cuốn sổ kế hoạch. Tôi mang đi khắp mọi nơi. Thật may mắn là ngày nay, công nghệ hiện đại giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tiện nghi và dễ dàng hơn rất nhiều: nếu bạn mất chiếc điện thoại với tất cả những ghi chép của mình, bạn luôn có thể lấy lại dữ liệu vì chúng đã được lưu trữ trên cloud (công nghệ đám mây).

Vậy, bí quyết của tôi là, dù viết vào sổ tay hay trên điện thoại thì cũng hãy viết tất cả ra!

Tôi dùng điện thoại thông minh để sắp xếp các nhiệm vụ cần làm, các cuộc họp, buổi hẹn và những mục tiêu cần đạt được. Là một người khá trực quan, tôi viết ra những mục tiêu lớn trong năm, những mục tiêu ngắn hạn và thường xuyên đánh giá nỗ lực của bản thân.

Việc viết ra ý tưởng hay những điều bạn cần làm không chỉ giúp bạn tăng hiệu quả mỗi ngày mà nó còn như một động lực thúc đẩy bạn tạo ra và hoàn thành những mục tiêu trong cuộc sống.

2. Tạo thói quen dậy sớm và luôn nhìn vào những mặt tích cực

Được mệnh danh là “người đàn ông 500 triệu đô”, Com Mirza – CEO của Mirza Holdings từng thất bại với 8 công ty khác trước khi đạt được thành công như ngày hôm nay. Ông hiện điều hành đế chế với doanh thu 9 con số và hơn 600 nhân viên.

Dưới đây là những chia sẻ của ông về thói quen dẫn đường cho những thành công của mình:

Một vài thói quen, nếu kiên trì theo đuổi, sẽ mang lại cho bạn những thành công to lớn. 2 thói quen có ảnh hưởng nhất đến sự thành công của tôi là dậy sớm, làm việc sớm và luôn cố gắng nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc sống.

Là một thành viên của “câu lạc bộ 5 giờ sáng”, mỗi ngày, trước khi phần còn lại của thế giới tỉnh giấc, tôi làm việc để hiện thực hóa giấc mơ của mình và bắt tay vào những công việc cần làm trong ngày. Thế nên, đến trưa tôi đã hoàn thành được khoảng 80% những nhiệm vụ trong danh sách các việc cần làm rồi.

>> Những thói quen ngăn cản bạn dậy sớm

Thứ hai, tôi là một người mắc bệnh “lạc quan nan y”. Bất kể có bao nhiêu điều tiêu cực xảy ra trong cuộc sống của mình, tôi luôn luôn tìm cách chuyển hóa chúng thành những điều tích cực. Suy nghĩ tích cực có thể đến từ tính cách của mỗi người, song đó cũng có thể là điều mà nhiều người khác phải dày công học tập, thậm chí học cả đời. Cam kết với bản thân sống tích cực giúp tôi giải quyết vấn đề nhanh hơn. Tôi thường nói đùa răng, tôi chưa bao giờ gặp vấn đề nào trong cuộc sống, tất cả những gì tôi nhận được từ trước đến nay chỉ là các cơ hội.

Hãy khởi động một ngày mới sớm hơn và nói với tâm trí của bạn rằng phải đi tìm cơ hội thay vì những vấn đề.

3. Cho tôi thấy những thói quen của bạn, tôi sẽ dự đoán tương lai của bạn

Tom Ferry là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành tập đoàn Bất động sản nổi tiếng Tom Ferry International, được góp mặt trong danh sách các Huấn luyện viên Môi giới địa ốc quyền lực nhất thế giới và tác giả của cuốn sách Life! By Design.

Ferry chia sẻ về thói quen giúp ông thành công:

Tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải dậy sớm mỗi ngày. Mỗi sáng thức dậy, tôi thường tự hỏi bản thân 10 câu hỏi: “10 thứ mà tôi biết ơn nhất là gì?”. Đó có thể là sức khỏe, tình yêu của gia đình, nơi tôi sống, cách tư duy, những đối tác, khách hàng, đồng đội và nhiều hơn thế nữa.

Thứ hai, tôi nghĩ đến 10 mục tiêu ngắn, dài hạn và hình dung tới cảm giác sung sướng một khi đạt được những mục tiêu đó. Chỉ cần chưa đầy 5 phút, nhưng bạn sẽ thấy rằng điều này sẽ giúp bạn trở nên hừng hực khí thế để bắt đầu một ngày làm việc mới.

Tôi tăng cường sức dẻo dai của cơ thể bằng việc tập thể hình, yoga hoặc đi bộ. Kết thúc một ngày hoạt động, tôi xem lại những gì đã thực hiện trong ngày, những cuộc họp đã lên kế hoạch, cách thức thực hiện, cần gọi điện cho ai và kết quả tôi muốn đạt được.

4. Cân bằng giữa tập trung và phát triển toàn diện

Chris Plough – tác giả, diễn giả, nhà tư vấn và thành viên sáng lập của ExponentialU

Chúng ta luôn cố gắng đạt được nhiều thứ vì chúng ta vốn không hoàn hảo. Nhờ nỗ lực, chúng ta có thể hiện thực hóa những điều mà hầu hết từng được cho là không thể.

Tuy nhiên, hoàn thiện bản thân đòi hỏi một sự cân bằng nhất định mà để đạt được điều đó, bạn cần phân chia những thành tích muốn đạt được dựa trên những thước đo khác nhau. Thước đo của một người không dựa trên những gì họ vừa đạt được, mà phải trả lời được câu hỏi: Bạn là ai khi ngày qua ngày cứ trôi đi không trở lại?

Hãy biết tập trung vào đúng mục tiêu cần đạt được và đánh giá bản thân trên nhiều phương diện để nhìn ra bức tranh toàn diện hơn.

Dưới đây là 8 chỉ số đánh giá để bạn tham khảo:

• Lòng tin: Tôi đã kết nối được với người tôi cần chưa? Tôi có đang nuôi dưỡng các mối quan hệ của mình đúng cách không?

• Sự khéo léo: Tôi đã vận động cơ thể mình ra sao?

• Sức khỏe: Tôi đã ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe khỏe chưa, uống đủ nước và chăm sóc tốt bản thân hay chưa?

• Sự thông tuệ: Tôi đã học được gì, dạy gì và sáng tạo được gì?

• Sự may mắn: Tôi đã giúp đỡ được những ai?

• Sức mạnh: Tôi đã nâng vật nặng nào?

• Sức mạnh tinh thần: Tôi có đang cảm thấy không thoải mái không?

• Sự khôn ngoan: Tôi đã ý thức được về bản thân chưa?

Rât dễ dàng nhận thấy rằng, đạt được mỗi điều trên là bước đệm để bạn hoàn thiện những điều tiếp theo. Mỗi ngày với tôi không còn tồi tệ như trước nữa bởi tôi thấy sự tiến bộ của mình hằng ngày bằng cách cố gắng thực hiện những điều trên.

Ngoài ra, hãy bồi bổ tinh thần bằng thiền hay thậm chí viết nhật ký hằng ngày. Hãy tìm những phương thức hợp với bạn và kiên trì thực hiện. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy những kết quả tích cực mà nó mang lại.

5. Rèn luyện tính kỷ luật

Roy McDonald – nhà sáng lập và Giám đốc điều hành and CEO of OneLife

Bản thân mỗi người được phản ánh bởi những thói quen, nghi thức hay hình mẫu của người đó mà “sản phẩm đầu ra” chính là sức khỏe, sự giàu có, các mối quan hệ và hạnh phúc của mỗi người.

Với tôi, thói quen quan trọng nhất mà tôi duy trì là tính kỷ luật, bao gồm việc nhận thức được kết quả và chấp hành kỷ luật cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tâm trí của chúng ta thường bị xao lãng bởi nhiều yếu tố, vì thế hãy dành thời gian tĩnh tâm để tập trung tốt hơn và hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Bạn có thể ngồi yên, thiền định hoặc đọc nhẩm những câu niệm chú, thậm chí đọc sách phi hư cấu 10 phút mỗi ngày cũng sẽ tác động tích cực lên tâm trí bạn.

6. Mục tiêu ngắn hạn phải thực tế và phù hợp với bản thân

Triệu phú tự thân AJ Rivera – chuyên gia marketing, tư vấn kinh doanh và CEO của PT Freedom

Mỗi doanh nhân thành công cần kết hợp thiền định vào cuộc sống để kiểm soát được những hỗn loạn trong cuộc sống hằng ngày và giải phóng tâm trí, lấy chỗ cho sự sáng tạo. Thiền định có thể dưới hình thức cầu nguyện, im lặng, viết những điều bạn biết ơn vào nhật ký, nhảy hoặc bất cứ điều gì giúp tâm trí bạn được thoải mái.

Mục tiêu phải thực tế. Với hầu hết chúng ta, việc ép bản thân thay thế các tiện ích công nghệ để ngồi lặng yên 3 tiếng đồng hồ có thể không khả thi lắm. Mục tiêu thiền định ban đầu của tôi chỉ là 60 giây mỗi ngày. Mục tiêu đó tuy nhỏ nhưng cũng đủ để giúp tôi bớt đi áp lực hoàn thành nhiệm vụ này, và như vậy, bạn cũng khó mà có thể thoái thác với bản thân rằng “Tôi không đủ thời gian thiền mỗi ngày”.

Bằng việc thiết lập một mục tiêu thực tế, tôi đã đều đặn thực hiện được thói quen thiền của mình trong rất nhiều năm qua. Điều đầu tiên tôi làm mỗi buổi sáng là ngồi thiền trên giường ít nhất 15 phút. Chừng ấy thời gian có thể không nhiều trong quỹ thời gian 24 tiếng mỗi ngày, và nhiều hôm bạn cảm thấy như mình không có lấy một lúc rảnh rỗi nào để thực hiện, tuy nhiên, nếu bạn kiên trì thực hiện thì kết quả mang lại sẽ là vô giá.

Triết lý sống Wabi-Sabi của người Nhật: “Đừng cố tìm sự hoàn mỹ”

Theo như triết lý Wabi-Sabi thì trên đời chẳng có thứ gì là hoàn hảo hay tồn tại vĩnh viễn, một chiếc bình vỡ cũng có vẻ đẹp riêng, một nếp nhăn cũng là cả câu chuyện nên đừng cố tìm tới sự hoàn mỹ vì nó không tồn tại. 

Nếu như vào năm 2016, cả thế giới quay cuồng với phong cách sống Hygge của người Bắc Âu thì tới năm 2017, mọi chuyện lại bắt đầu quay về với người Nhật cùng lối sống của Nhật Bản. Khái niệm Wabi-Sabi không còn xa lạ với nhiều người khi nó là phong cách sống có từ khá lâu đời vừa dựa trên học thuyết Zen của Phật giáo Nhật Bản. Thế nhưng, Wabi-Sabi là gì và nó sẽ giúp chúng ta ra sao?

Wabi-Sabi là một phong cách sống giúp chúng ta tìm ra những thứ không hoàn hảo, khiếm khuyết trong cuộc sống, chấp nhận chúng để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Để giải nghĩa Wabi-Sabi là điều rất phức tạp bởi nó không để dịch được trực tiếp ra một ngôn ngữ khác. Thế nhưng, tác giả Leonard Koren, tác giả của cuốn sách về Wabi-Sabi cho rằng Wabi-Sabi là vẻ đẹp của 3 yếu tố không hoàn thiện, không vĩnh viễn và không hoàn tất. Nó hướng chúng ta tới suy nghĩ rằng chẳng có gì hoàn thiện 100%, chẳng có gì tồn tại mãi mãi và quan trọng nhất là chẳng có gì thứ hoàn hảo.

Wabi-Sabi tập trung vào vẻ đẹp từ những thứ khiếm khuyết, một thứ tưởng chừng vô dụng, xấu xí lại có vẻ đẹp tiềm ẩn đến bất ngờ

Wabi-Sabi lần đầu xuất hiện vào thế kỉ 15, khi đó con người chẳng có siêu thị, những mặt hàng sản xuất đại trà hay những chiếc bát cả nghìn cái giống nhau như đúc, mọi thứ thời đó đều được làm bằng tay, đều có khuyết điểm. Wabi-Sabi hướng con người tới cái đẹp của những khuyết điểm đó, nhìn ra mặt còn lại của một vấn đề, ví dụ như một ngày trời mưa buồn tầm tã, Wabi-Sabi cũng có thể tìm ra được nét đẹp bên trong nó.

Dù cho mọi thứ có tệ hại tới mức nào, ta vẫn luôn nhìn được nét đẹp bên trong nó và dù cho mọi thứ có hoàn hảo ra sao, bên trong nó vẫn tồn tại những khuyết điểm chết người. Lấy ví dụ minh họa thì có nhiều người có nếp nhăn ở khóe mắt, trông thì xấu thậm tệ nhưng nó lại là kết quả của khoảng thời gian người ấy cười rất nhiều, hạnh phúc rất nhiều và đó chính là tác giả của những nếp nhăn kia.

Trong cuộc sống bộn bề hiện tại, ai cũng đi tìm thứ hoàn hảo, thứ tuyệt vời, một thứ gì đó ta có thể tự hào mỗi khi nghĩ tới. Thế nhưng, theo triết lý Wabi-Sabi, thứ này không hề tồn tại vì đằng sau vẻ hào nhoáng bao giờ cũng là một sự thật đau lòng. Ví dụ như bạn cố gắng làm tốt công việc trên văn phòng, mọi thứ tuyệt vời khiến đồng nghiệp ngưỡng mộ, bạn sẽ chẳng có thời gian dành cho gia đình và sẽ không hiểu được sự hạnh phúc gia đình ra sao.

Nếu biết áp dụng Wabi-Sabi, nhìn mọi thứ không hoàn thiện, biết chấp nhận sự thật này ta sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và có cái nhìn rất khác về cuộc sống.

Tác giả của cuốn Wabi-Sabi, Leonard Koren nói: “Hãy quên đi những thứ hoàn mỹ mà bạn vẫn thường mơ tưởng, một chiếc bình đẹp nhất cũng có vết nứt, vết nứt có thể đưa ánh sáng lọt vào. Quan điểm của Wabi-Sabi không ép bạn phải chấp nhận hay sống chung với những thứ không hoàn thiện, Wabi-Sabi nói về những thứ không hoàn thiện vì nó là sự thật, nó luôn ở đó và bạn hãy tập làm quen dần với nó đi”.

Wabi-Sabi có thể giúp ích gì cho mỗi người?

1. Hiểu rằng trên đời mọi thứ đều không hoàn hảo

Bước đầu tiên để áp dụng Wabi-Sabi chính là bạn phải làm cho bản thân hiểu trên đời không có thứ gì hoàn hảo, hãy dành thời gian mỗi ngày tìm ra khiếm khuyết, khuyết điểm trong những thứ bạn tưởng chừng tuyệt vời nhất và tìm ra thứ hạnh phúc, tươi đẹp trong những thứ đen đủi, không tốt của bản thân.

Một khi bạn nhìn ra mấu chốt của vấn đề, Wabi-Sabi sẽ bắt đầu giúp ích được cho bạn. Mọi thứ đều không hoàn hảo, chỉ thế thôi.

2. Tối giản hóa cuộc sống, giảm stress và hạnh phúc hơn

Gặp phải chuyện không vui? Kém may mắn trong cuộc sống? Hãy áp dụng Wabi-Sabi và tìm ra vẻ đẹp sau những sự bất hạnh đó, dành cho mình thời gian để biết trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp sinh ra từ bất hạnh này.

Chân lý của Wabi-Sabi chính là đề cao vẻ đẹp của những thứ độc đáo, từ một vết nứt trên chiếc bình đắt tiền hay một đầu việc bạn làm chẳng ra đâu vào đâu.

3. Tôn trọng bản thân và tôn trọng những gì mình có

Nhớ về ví dụ nếp nhăn bên trên chứ? Đừng lo nếu nó làm khuôn mặt bạn kém hấp dẫn, hãy nhớ rằng nó là kết quả của khoảng thời gian dài hạnh phúc mà bạn có được, nó chính là vẻ đẹp của sự hạnh phúc chứ không phải khiếm khuyết trên cơ thể.