Monthly Archives: January 2018

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội

Thương hiệu cá nhân trong bài viết này không phải về những người nổi tiếng như Ronaldo. Chúng ta nói về xây dựng thương hiệu cá nhân cho bất kỳ người bình thường nào.

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội

“Chơi bài”, đó là một dòng trạng thái có đến gần 800.000 “like” và 8.000 bình luận. Vậy status này có gì đặc biệt? Điều đặc biệt duy nhất ở đây là nó được viết ra bởi… Ronaldo.

Những người nổi tiếng khi viết ra bất cứ gì đều có tác động đến công chúng, thu hút hàng nghìn, thậm chí, hàng trăm nghìn like ngay lập tức. Vậy nếu bạn hay tôi không phải là những người nổi tiếng như Ronaldo thì phải xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào?

Corporate brand (thương hiệu công ty), Product brand (thương hiệu sản phẩm) và Personal brand (thương hiệu cá nhân) đều chịu sự tác động giống nhau về quy luật xây dựng thương hiệu. Vì con người là thực thể phức tạp nhất về tâm lý hành vi, xây dựng thương hiệu cá nhân có tính chất chất và quy luật riêng hiện hữu ngay trong chính những quy luật chung về xây dựng thương hiệu.

Cần có ý thức chuyên nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân. Nhưng không nên gượng ép và tự lừa dối bản thân khi cố chạy theo hay bắt chước một hình mẫu không đúng với con người thật của bạn. Trong xây dựng thương hiệu cá nhân, phong cách riêng rất quan trọng. Và phong cách riêng chỉ hình thành hay hấp dẫn trong mắt người khác khi nó thể hiện con người thật của bạn. Một người có thể viết các status có phần khoa trương trên Facebook nhưng vẫn được chấp nhận, được yêu thích. Bởi vì anh ta làm điều này một cách tự nhiên, không bắt chước ai cả. Quan trọng hơn nội dung anh ta viết chia sẻ, về cơ bản, thật và thú vị. Một số người cũng đang cố gắng thể hiện cá tính trên mạng xã hội, tuy nhiên, vẫn bị bắt chước, theo đuổi một hình mẫu nào đó nên không gây được ấn tượng. Đồng thời, người đọc cũng dễ dàng nhận ra cá nhân đó là một bản sao của ai đó. Hình ảnh cá nhân của người đó trên mạng xã hội cũng bị hủy hoại vì điều đó.

Nguyên tắc quan trọng nhất của xây dựng thương hiệu cá nhân là giá trị thật. Chỉ khi nào chúng ta sống đúng với con người của mình lúc đó mới đi đường dài được. Khó làm một điều gì lâu khi luôn phài gồng mình. Về mặt vật lý, gồng mình lâu cơ bắp sẽ mỏi, trí não cũng mệt. Về mặt tâm lý học, một lúc nào đó chúng ta sẽ thấy chán nản với chính hình ảnh mình tạo ra.

Trong cuốn phim The Duff (tạm dịch: Người yếm thế) nói về hành trình cô gái Biana Piper tìm kiếm bản thân với tư cách là một The Duff. Bianca có hai người bạn xinh đẹp là Casey Cordero và Jessica Harris. Cô thầm yêu trộm nhớ cậu bạn hàng xóm đẹp trai là Wesley Rush. Có lần Wesley đã nói với Bianca biết rằng cô chỉ là một đứa bạn vừa béo vừa xấu – nói về những người mờ nhạt trong một nhóm bạn, làm nền để cho những người khác nổi bật.

Mọi người tiếp cận Bianca chỉ vì mục đích làm quen với Jess và Casey mà thôi. Bianca khổ sở và ám ảnh về thân phận này. Cô đã làm đủ mọi cách để thoát ra nó. Từ phong cách ăn mặc đến lối hành xử cô muốn chứng minh rằng cô không phải là một kẻ yếm thế. Nhưng càng cố chứng tỏ cô càng cho thấy mình là một kẻ yếm thế. Cho đến một ngày sau buổi nói chuyện với mẹ mình cô bỗng nhận ra thật vô ích khi chạy theo những cái không phải của cô. Rằng mỗi người xung quanh cô đều có những điểm yếm thế. Rằng cô có những điểm hấp dẫn mà chính cô cũng lãng quên nó. Sau khi phát hiện ra điều này cô đã mỉm cưởi bình thản trước lời dèm pha của “kình địch” Madison Morgan. Cô đã chính thức được giải thoát khỏi sự ám ảnh trở thành hoàn hảo và thật kỳ diệu chính anh chàng Wesley đã ngỏ lời yêu cô sau đó vì chính điều này.

Nhà văn Mark Twain có nói rằng lòng tốt là thứ người khiếm thị cũng có thể nhìn thấy và người điếc cũng có thể nghe thấy. Xây dựng thương hiệu cá nhân cần có đam mê đủ mạnh để lay động như lòng tốt. Đó là nền tảng đầu tiên nhưng chững đó là khộng đủ. Lòng tốt cần thể hiện bằng hành động cụ thể để người khác biết. Đam mê cũng cần biến thành hành động cụ thể mới có sức lan toả.

Thế giới chưa phẳng và sẽ còn lâu mới phẳng. Nhưng trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội thế giới đúng là phẳng. Rất phẳng về cơ hội để khẳng định thương hiệu cá nhân.

5 nguyên tắc xây dựng thương hiệu cá nhân

Một thế giới ảo về vật lý nhưng rất thật về những giá trị. Khi giao tiếp trên mạng xã hội dường như mỗi người đang đối thoại với chính mình và họ thể hiện quan điểm cá nhân dễ dàng hơn khi không có tác động trực tiếp của ngữ cảnh như ngoài đời thật. Khả năng tự kiểm soát hành vi thể hiện rõ khi họ rơi vào trạng thái khác nhau về cảm xúc vui lẫn buồn. Một thế giới ảo nhưng nó có thể là cạm bẫy huỷ hoại tên tuổi thành danh hay là một bệ phóng cho một tên tuổi mới.

Đừng đòi hỏi một sản phẩm hoàn hảo hay môi trường giao tiếp hoàn hảo. Một chiếc xe Porche sang trọng sẽ biến thành cục sắt gỉ nếu chúng ta không biết lái nó. Facebook, Instagram hay Twitter sẽ là một chiếc Porche hay chỉ là chiếc xe công nông gỉ sắt là do người sử dụng là ai. Mạng xã hội hay hay dở tuỳ thuộc vào cách chúng ta đối xử với nó: Chuyên nghiệp hay hời hợt, lan man hay tập trung, tự mãn hay cầu thị.

Thương hiệu cá nhân thể hiện bằng mức độ quan tâm hay sự ghi nhận của thế giới bên ngoài nhưng thương hiệu cá nhân thực chất bắt đầu từ thế giới quan của mỗi chúng ta, về bản thân mình và những gì xung quanh mình.

Sáp nhập Disney và Fox: Các siêu anh hùng chung mái nhà?

Walt Disney mua 21st Century Fox, và nếu thương vụ này thành công thì không ai có thể ngăn cản các siêu anh hùng Marvel được ở bên nhau suốt đời.

Sáp nhập Disney và Fox: Các siêu anh hùng chung mái nhà?

Các siêu anh hùng của Disney và Fox

Thông tin Disney mua lại mảng kinh doanh giải trí của Fox với giá 52,4 tỷ USD đã trở thành sự kiện gây rúng động làng giải trí thế giới trước thềm năm mới 2018.

Trong khi các chuyên gia, các nhà kinh tế… lo lắng thương vụ này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự tái cơ cấu và cân bằng quyền lực trong ngành công nghiệp điện ảnh thế giới thì đông đảo người hâm mộ của cả Disney lẫn Fox đang khấp khởi mừng thầm. Bởi thỏa thuận giữa Disney và Fox sẽ mang đến khả năng hiện thực hóa “giấc mơ” được trông thấy X-Men, Fantastic Four và cả Deadpool kề vai chiến đấu cùng Iron man, Captain America, Hulk, Thor… trong tương lai gần.

Năm 2009, Disney mua lại Marvel Studios với giá 4 tỷ USD và sở hữu phần lớn nhân vật siêu anh hùng, đưa chúng vào các bộ phim về Avengers trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Nhưng quyền sở hữu một vài thương hiệu Marvel Comics chủ chốt vẫn bị các công ty khác nắm giữ. Sony có Spider-Man, và mặc dù một thỏa thuận năm 2015 giữa Disney và Sony đã đưa Spider vào MCU, nhưng nhân vật này vẫn còn thuộc quyền sở hữu của Sony.

Còn Fox đã quyết liệt giữ chắc 2 phim nhượng quyền thương mại của Marvel: X-Men (gồm cả Deadpool) và Fantastic Four. Đó là lý do tại sao khán giả chưa bao giờ thấy Wolverine cùng đội với Iron Man trên màn ảnh lớn, mặc dù họ ở cùng đội trong truyện tranh.

Ngoài ra, Fantastic Four từng khiến Fox dẹp bỏ kế hoạch làm tiếp sau phiên bản bị chê là thảm họa ra mắt vào năm 2015. Nhưng quyền phát hành Fantastic Four thực tế không thuộc về Fox, mà là Constantin Films.

Như vậy, với việc sở hữu Fox, Disney sẽ sở hữu thêm hàng loạt thương hiệu đáng giá như X-Men, Avatar, Fantastic Four, Planet of the Apes, Alien, Predator, Kingsman, Ice Age... Vũ trụ MCU của Disney sẽ càng được mở rộng với những siêu anh hùng mới.

Trong một tuyên bố, Disney nhấn mạnh, thương vụ hợp nhất các gia đình X-Men, Fantastic Four và Deadpool với gia đình Marvel dưới một mái nhà sẽ tạo ra những thế giới đa dạng, phức tạp hơn về các nhân vật và những câu chuyện liên quan đến nhau mà khán giả yêu thích.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại cách làm phim có phần đen tối của Fox phù hợp hơn với các dị nhân, trong khi Disney từ lâu mắc kẹt trong cách làm phim nhẹ nhàng, an toàn với trẻ em và gia đình. Liệu Disney có cho phép X-Men đi theo lối cũ, hay sẽ thay đổi phong cách? Dù sao, 3 phim ra mắt trong năm 2018 là X-Men: Dark Phoenix, Deadpool 2New Mutants chưa phải chịu ảnh hưởng từ Disney.

Riêng Avatar (2009) của Fox đến nay vẫn là bộ phim điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu 2,8 tỷ USD. Đạo diễn James Cameron hiện đang thực hiện 4 phần tiếp theo, với tổng kinh phí dự kiến lên đến 1 tỷ USD. Disney vốn rất quan tâm đến Avatar, nên rất có thể họ sẽ biến Avatar thành thương hiệu biểu tượng giống như Star Wars.

Nhiều năm nay, Disney đã sở hữu Lucasfilm và sản xuất các phim Star Wars: The Force Awakens, Star Wars: Rogue One, và mới nhất là Star Wars: Jedi Last. Song, bản quyền phát hành 3 tập Star Wars đầu tiên vẫn thuộc về Fox. Sau khi sáp nhập với Fox, Disney sẽ có trọn bộ Star Wars đã có trong tay.

Tương tự với seri Percy Jackson của Fox, khi về tay Disney chắc chắn họ không thể bỏ qua thương hiệu vốn vẫn rất ăn khách tại các hiệu sách này.

Ngoài ra, vụ sáp nhập này còn giúp Disney sở hữu thêm những thương hiệu nổi tiếng khác như The X – Files, Home Alone, Alvin and Chipmunks, Independence Day, Night at the Museum…

Vậy thì các hãng phim đang sở hữu thương hiệu siêu anh hùng khác thì sao? Thỏa thuận Disney – Fox sẽ dấy lên một làn sóng trên toàn Hollywood, bởi Disney hiện nay thậm chí còn hơn một mối đe dọa đối với mọi hãng phim khác. Sony có nhiều lựa chọn nhất khi họ đã và đang làm việc với một Vũ trụ Điện ảnh có dân cư là các nhân vật phụ trong Spider-Man, bắt đầu năm sau với Tom Hardy – diễn viên chính trong Venom và sẽ tiếp tục với Silver & Black. Nhưng có một công ty truyện tranh là Valiant đã xây dựng được vũ trụ siêu nhân của riêng mình và Sony đã và đang làm việc để biến nó thành phim ảnh, với những nhân vật như Bloodshot và Eternal Warrior.

Tuy nhiên, họ đã không hoạt động được lâu, liệu tin tức sáp nhập Disney – Fox có đẩy Valiant lên đường đua của Sony nhanh hơn? Có một vũ trụ nữa là Catalyst Prime của Công ty Truyện tranh Lion Forge, mới đưa ra hồi đầu năm 2017. Liệu nó có bị sụp đổ sớm trong nỗ lực của một số hãng phim để giữ được sức cạnh tranh trong một thị trường mới đầy thách thức?

Thương vụ Disney – Fox có hoàn thành cũng phải chờ ít nhất một năm nữa. Nếu thành công thì việc X-Men và Avengers có thể gặp nhau như những mẩu truyện tranh đã từng vạch sẵn chỉ phụ thuộc vào việc MCU có sẵn sàng để kết hợp với thế giới truyện tranh và bằng cách nào đó làm cho Scarlet Witch trở thành một đứa con dị nhân của Magneto. Liệu cuối cùng khán giả có thấy Storm và Black Panther cưới hoặc ly dị giống như trong truyện tranh?

Liệu sẽ có sự tái hiện trong Ultimate Spider-Man, khi Jean Grey và Peter Parker gặp nhau và anh không thể không nghĩ về cô trong khi cô đọc được tâm trí của anh? Black Widow (góa phụ đen) và Wolverine (người sói) có thể động lòng về quá khứ của họ như những kẻ bắn tỉa giết người?

Liệu có thể có được một tam giác tình cảm giữa Vision, Scarlet Witch và Beast (nhân vật trong Avengers)? Khán giả có dám đặt hy vọng vào mối tình tay bốn giữa Captain America, Bucky, Magneto và Professor X (trong X-Men)? Nếu sự sáp nhập Disney – Fox có thể xảy ra, thì bất cứ điều gì trong thế giới siêu anh hùng cũng đều có thể xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Điền – Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước: Kiến tha lâu sẽ đầy tổ

Từ cơ sở may chỉ vài chục người, sau 25 năm gầy dựng với không ít truân chuyên, An Phước đã được Bộ Công Thương bình chọn “Thương hiệu Quốc gia” 5 lần (từ năm 2008 đến 2016) và được các tổ chức quốc tế ghi nhận là một trong những thương hiệu xuất sắc thế giới. Người tạo dựng và giữ thương hiệu ấy là bà Nguyễn Thị Điền – một phụ nữ đam mê đường kim mũi chỉ…

Bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước: Kiến tha lâu sẽ đầy tổ

Ảnh: Quý Hòa

Trong đêm trao giải thưởng Thương hiệu xuất sắc thế giới (Brand Laureat Special Edition World Awards 2017) do Tổ chức Thương hiệu Châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Brands Foundation) tổ chức mới đây tại TP.HCM, An Phước là cái tên duy nhất trong ngành may mặc Việt Nam được vinh danh.

Đây là sự ghi nhận về giá trị và uy tín thương hiệu An Phước, sự tín nhiệm và tin chọn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Công ty. Hơn thế, đây còn là sự công nhận của tổ chức uy tín thế giới đối với những nỗ lực của An Phước trong việc mở rộng quy mô chuỗi sản phẩm – dịch vụ chất lượng cao, phát triển thương hiệu theo các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới.

Bà Điền bảo rất hạnh phúc và bất ngờ về giải thưởng này vì những nỗ lực của vợ chồng bà trong việc xây dựng, phát triển và giữ gìn thương hiệu Việt đã được nhìn nhận. Đã là Thương hiệu Quốc gia, giờ thêm Thương hiệu xuất sắc thế giới càng giúp tăng sự nhận biết về An Phước từ giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước. Và qua đó, con đường đưa các sản phẩm thương hiệu An Phước ra nước ngoài càng rộng mở.

* Chúc mừng bà và Công ty An Phước! Để có được sự ghi nhận ấy hẳn An Phước đã trải qua một chặng dài?

– An Phước thành lập năm 1992 với một cơ sở nhỏ chuyên may gia công xuất khẩu cho các công ty thời trang Nhật Bản là Nissho Iwai, Itochu, Minoya. Người Nhật vốn cẩn trọng, tỉ mỉ, do vậy yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao. Năm  năm làm việc cùng các đối tác này đã giúp những người tay ngang như chúng tôi học được nhiều bài học quý giá về ngành may. Và cũng nhờ họ, chúng tôi tự tin để xây dựng thương hiệu riêng.

Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, An Phước đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nhà máy vì đối tác ngưng đặt hàng. Không thể ngồi yên để chờ đối tác vì toàn bộ tài sản của gia đình đã bỏ vào đây cùng với đời sống của hơn 1.200 con người đang làm việc tại Công ty. Vậy là chiến lược khai phá thị trường nội địa nhanh chóng được hình thành và triển khai.

Thế mạnh của chúng tôi là áo sơ mi, quần tây, vest nhưng phân khúc thị trường này đã có nhiều “ông lớn” như Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè. Muốn tồn tại trong điều kiện như vậy, An Phước phải tạo sự khác biệt bằng sản phẩm thời trang cao cấp. Thị trường mới là một lợi thế nhưng nếu bắt đầu bằng một cái tên mới thì cũng sẽ khó để thành công.

Vậy là chúng tôi tìm đến thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới Pierre Cardin để mua bản quyền thương hiệu, dựa vào vai người khổng lồ để tồn tại và phát triển. Nhờ Pierre Cardin, chúng tôi đã giới thiệu được đến người tiêu dùng những sản phẩm An Phước có chất lượng tương đương nhưng phù hợp với vóc dáng của người Việt. Và từ đây, thương hiệu An Phước đã được biết đến như hôm nay.

Ông Đặng Bá Long - CEO Công ty CP Ong mật TP.HCM: Tôi chọn chiến lược đột phá về chất lượng

Ông Đặng Bá Long – CEO Công ty CP Ong mật TP.HCM: Tôi chọn chiến lược đột phá về chất lượng”

* Nhưng hành trình này hình như không hề dễ với một công ty gia đình như An Phước?

– Phải nói là rất khó khăn. Trong thời điểm làm gia công, có những giai đoạn hàng làm ra bị sửa nhiều nên tiền thu về không đủ trả lương công nhân. Lúc ấy nhà cửa đã thế chấp nên không thể vay thêm tiền ở ngân hàng, đành phải tìm đến bên ngoài. Mà vay ngoài thì lãi suất cao nên nhiều khi tiền về tới thì coi như hết lãi. Đã vậy, thuế thì đến kỳ phải đóng mà không có tiền đành phải lên năn nỉ xin hoãn. Những khó khăn đó chỉ dần được gỡ khi thị trường nội địa phát triển.

Tôi tâm niệm kiến tha lâu sẽ đầy tổ. Làm doanh nghiệp phải kiên nhẫn và không nản lòng trước gian khó. Con thuyền doanh nghiệp chở biết bao cộng sự, nếu người chèo lái nản lòng buông xuôi thì sẽ chìm ngay. Vì vậy, tôi không cho phép mình ngưng. Vượt qua giai đoạn khó khăn đó, mỗi khi ăn món ngon, vợ chồng tôi lại nhớ đến thời gian khổ.

* Giới doanh nhân đến thời điểm này vẫn nhắc đến thương vụ An Phước – Pierre Cardin và cho rằng An Phước liều?

– Đúng là mạo hiểm. Để có tiền mua licence kỳ hạn ba năm cho các quần tây, áo sơ mi và vest Pierre Cardin, chúng tôi phải vay ngân hàng. Nhưng đứng trước “lựa chọn sinh tử”, nếu không mua bản quyền từ thương hiệu này để làm thì Công ty sẽ đóng cửa, công nhân sẽ thất nghiệp.

Sau khi mua bản quyền và sản xuất các sản phẩm với thương hiệu Pierre Cardin ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chúng tôi lại gặp khó trong việc bán hàng. Vào thời điểm đó, mỗi chiếc sơ mi mang thương hiệu Pierre Cardin có giá cao so với mức sống của đại bộ phận người dân cả ba nước, vì thế doanh số bán không cao. Vậy là chúng tôi phải sản xuất sản phẩm An Phước bán song song với Pierre Cardin. May mắn là lựa chọn của chúng tôi đã đúng.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự cẩn trọng trong từng đường kim mũi chỉ, chi tiết trong từng sản phẩm, Công ty đã khẳng định mình với dòng sản phẩm thời trang sang trọng, lịch lãm, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng. Và kết quả vượt ngoài dự kiến khi khách hàng tìm đến cửa hàng ngày càng đông. Bắt đầu từ một cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào cuối năm 1997, đến nay, chúng tôi đã có 128 cửa hàng ở nhiều tỉnh – thành, cũng là dấu mốc kỷ niệm thương hiệu An Phước tròn 20 năm.

* Ngoài “bước ngoặt” Pierre Cardin, An Phước còn dùng chiến lược M&A để lớn mạnh?

– Đi tắt đón đầu, sáp nhập để mở rộng thị trường là phương thức giúp chúng tôi không mất nhiều công sức để gầy dựng từ đầu. Năm 2008, chúng tôi mua Công ty May Tân Việt tại Khu công nghiệp Tân Bình với 500 công nhân, nhà máy Tosgamex của Tập đoàn Tomiya và Sumitomo ở Khu chế xuất Long Bình với 900 công nhân.

Thực hiện chiến lược vươn ra thế giới, năm 2010, chúng tôi hợp tác sản xuất với Công ty Thời trang Gebr.Weiss tại Aschsffenbenburg (Đức) với vest và jacket cao cấp, được ưa chuộng tại châu Âu.

Tiếp đà tăng trưởng, năm 2013, chúng tôi tiếp tục mua nhà máy FLD Việt Nam của Công ty SPATZ (Pháp) tại Nha Trang chuyên sản xuất đồ lót nữ thương hiệu Anamai (Pháp) và Bonjour (Việt Nam).

Nhờ phương thức này mà An Phước đã có 9 nhà máy sản xuất, hơn 5.000 công nhân như hiện nay. Chúng tôi đang lên kế hoạch xây thêm các xưởng sản xuất mới, mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam đồng thời với việc đàm phán với đối tác để mua một doanh nghiệp tại châu Á.

* M&A cũng đang là phương thức được nhiều doanh nghiệp nước ngoài sử dụng để thâm nhập thị trường. Bà có lo ngại về tình trạng này?

– Đã có một số doanh nghiệp và quỹ đầu tư nước ngoài đặt vấn đề góp vốn vào An Phước. Nhưng, đến giờ phút này, chúng tôi vẫn tự vận hành Công ty. Tiền thì rất cần để có thể thay đổi trang thiết bị, công nghệ sản xuất nhưng có thể xoay xở được. Cái chúng tôi cần là đầu ra, là hệ thống phân phối ở nước ngoài trong khi đối tác lại cần An Phước vì đã có hệ thống bán hàng trên toàn quốc.

An Phước là đứa con tinh thần được chúng tôi xây dựng từ những ngày gian khó. Vì thế, chúng tôi không bán đứa con tinh thần này mà nuôi dưỡng để nó càng khỏe mạnh, trưởng thành và đưa con ra thế giới. Hiện tại, vợ chồng tôi vẫn còn đam mê và trong khả năng, chúng tôi sẽ bảo vệ thương hiệu An Phước khi nào còn có thể.

* Với các doanh nghiệp khác, theo bà, để tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay thì phải làm gì?

– Không thể có mô hình mẫu cho mọi doanh nghiệp. Tùy theo điều kiện kinh tế, quản trị, văn hóa của từng công ty mà xây dựng chiến lược kinh doaanh phù hợp.

Để phát triển bền vững, chúng tôi luôn giữ chữ tín với khách hàng, với công nhân. Đã là doanh nghiệp thì phải tuân thủ pháp luật, thực hiện các quy định của Nhà nước, những điều luật của quốc tế. Xây dựng được hệ thống khách hàng trung thành với công ty là vô cùng quan trọng. Tôi thường nói với công nhân, khách hàng là người trả lương cho mình, là người nuôi sống mình. Văn hóa thương hiệu rất quan trọng nhưng quan trọng không kém là nhân hiệu của người chủ doanh nghiệp.

Thương hiệu Việt muốn tồn tại, phải xây dựng chiến lược bài bản, nhanh chóng thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài tại các thành phố lớn thì đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

* Thương hiệu An Phước tại Việt Nam đã được công nhận, gia công cũng đã nhiều, bà có nghĩ đến một lúc nào đó sẽ đường hoàng ra thế giới bằng cái tên An Phước?

– Hiện nay, sản phẩm của An Phước có chất lượng, mẫu mã không thua kém sản phẩm các nước, nhưng muốn ra nước ngoài, trước hết phải vững ở trong nước. Mặc dù sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các thành phố lớn nhưng chúng tôi muốn ở Việt Nam khi nói đến thời trang sẽ nghĩ đến An Phước.

Đã nhiều năm làm gia công cho các đối tác Nhật, Mỹ và châu Âu, chúng tôi hiểu thị hiếu tiêu dùng của khách hàng những nước này. Chẳng hạn, người Đức rất bảo thủ, không dễ để thay đổi hành vi tiêu dùng của họ, vì thế rất khó để một thương hiệu hoàn toàn Việt Nam thâm nhập. Đó là lý do những năm qua, sản phẩm An Phước phải mang thương hiệu Gebr.Weiss.

Để sản phẩm thương hiệu An Phước đường hoàng đứng kế Gebr.Weiss tại Đức, chúng tôi đang xây dựng một chiến lược mới. Đó là đưa sản phẩm An Phước bán kèm với Gebr.Weiss theo kiểu “bán bia kèm mồi” để khách hàng Đức làm quen dần. Dự kiến, trong năm 2019, chúng tôi sẽ triển khai chiến lược này. Cùng với thị trường Đức, chúng tôi đang nghiên cứu về thị trường Mỹ. Và nơi đầu tiên mà chúng tôi tiếp cận sẽ là Califonia.

* An Phước là một trong số ít doanh nghiệp gia đình giữ vững được thương hiệu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Đâu là điều mà bà cảm thấy hài lòng nhất cho đến lúc này?

– Điều tôi tâm đắc nhất là đến giờ phút này, các thành viên trong gia đình vẫn luôn thống nhất về kế hoạch, chiến lược kinh doanh. Nguyên tắc điều hành tại An Phước là tuân thủ trật tự gia đình, trong đó, chồng tôi là người vạch ra chiến lược, tôi là người triển khai và nay có thêm con trai phụ trách thị trường nước ngoài.

Để có được điều này, tôi chọn cách đứng sau một bước. Trong công việc, tôi thường để chồng quyết định và “bỏ phiếu tán thành”. Con tôi cũng làm như vậy. Quan điểm của tôi là cứ để con thực hiện, nếu có sai thì chỉnh sửa. Trong điều hành công ty, phải linh hoạt, phải mềm một chút mới thành công. Đường đi ngắn nhất chưa hẳn là đường thẳng mà đôi khi là đường vòng.

* Bà từng nói vui: Ghét ai sẽ xúi họ làm nghề may…

– Nói vậy để cho thấy làm nghề này cực lắm. Không phải cứ có tiền mua máy, có nhà xưởng mở công ty là được. Nghề này nó tiểu tiết, kim chỉ, nên ai không kiên nhẫn không làm được.

Quản lý đến hơn 5.000 công nhân mà đa phần là nữ không phải là đơn giản. Tôi phải thường xuyên làm “dân vận”, phải đặt mình vào vị trí của người lao động mới có thể hiểu và “thu phục” họ. Tôi vẫn thường nói với các bạn quản lý, muốn cấp dưới theo mình thì phải làm gương cho họ. Đã làm sếp thì hình ảnh phải như thế nào cho phù hợp.

Với tôi, chữ tín rất quan trọng. Dù khách hàng có trả tiền chậm nhưng đơn gia công mà chúng tôi thực hiện bao giờ cũng đúng như cam kết. Trong thời điểm khó khăn, dù phải chạy vạy vay bên ngoài nhưng chúng tôi nhất quyết không để thiếu lương công nhân.

* Vợ chồng bà vẫn còn đam mê với nghề thì chắc việc chuyển giao cho thế hệ sau tại An Phước còn lâu mới diễn ra?

– Chúng tôi có quá trình xây dựng công ty 25 năm trong khi con mới đi được một phần ba quảng đường, còn quá ngắn để có thể lĩnh hội hết mọi thứ. Con có học vị, có kiến thức về quản trị, công nghệ thông tin nhưng để kết nối trong một bộ máy hoàn hảo cần có những “phần mềm” linh hoạt từ bên ngoài.

Trí là số một nhưng tâm quan trọng không kém. Lãnh đạo công ty thì phải hiểu có được ngày hôm nay là nhờ bao nhiêu người đồng cam cộng khổ với mình. Người ta nói “biết người biết ta” mới thắng được. Vì thế, vợ chồng tôi vẫn luôn nhắc nhở con tiến về phía trước nhưng phải “nhìn kính chiếu hậu”.