Monthly Archives: March 2018

TGĐ Home Credit Vietnam: Chúng tôi quyết liệt một cách thận trọng

Để hiểu rõ hơn về cách mà các công ty tài chính đang làm để giữ vị thế dẫn đầu, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Dmitry Mosolov – Tổng giám đốc của Home Credit Vietnam.

TGĐ Home Credit Vietnam: Chúng tôi quyết liệt một cách thận trọng

Ông Dmitry Mosolov – Tổng giám đốc Home Credit Vietnam

Theo các nhà chuyên môn, chính công nghệ hiện đại đang giúp thay đổi quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngành tài chính – ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết đang xúc tiến triển khai ứng dụng công nghệ vào dịch vụ.

Các công ty tài chính (CTTC) cũng không đứng ngoài cuộc, càng làm cho “cuộc rượt đuổi công nghệ” trong ngành thêm phần khốc liệt. Cuộc rượt đuổi này đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, đầy hứng thú cho khách hàng, đặc biệt là ở các nghiệp vụ như thẩm định, quản lý khoản vay, thanh toán.

Để hiểu rõ hơn về cách mà các CTTC đang làm để giữ vị thế dẫn đầu, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Dmitry Mosolov – Tổng giám đốc của Home Credit

Vietnam.

* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam?

– Theo tôi, cuộc chơi chắc chắn sẽ trở nên khốc liệt trong một vài năm tới. Thứ nhất, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đã và đang nhảy vào khai thác thị trường Việt Nam thông qua M&A.

Thứ hai, sự phát triển nhanh chóng của Fintech đã trở thành một nhân tố mới làm xáo trộn thị trường này theo cách chưa từng có trước đây.

Nói chung, tương lai của thị trường tài chính Việt Nam chính là tương tác kỹ thuật số, và chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các công ty thương mại điện tử. Cùng với đó, một mô hình dịch vụ tín dụng mới sẽ xuất hiện là các giao dịch tài chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

* Theo ông, việc cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng sẽ diễn ra như thế nào?

– Thực chất, cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng hiện nay là cuộc đua về mức độ hài lòng của khách hàng trong quá trình trải nghiệm dịch vụ, mà cụ thể là về sự tiện lợi, minh bạch mà họ nhận được.

Chẳng hạn, ở Home Credit Việt Nam, chúng tôi hướng đến việc thực hiện các quy trình với dữ liệu được thu thập tự động và giảm thiểu sự can thiệp của con người để đảm bảo yếu tố khách quan và giảm thiểu tối đa thời gian chờ cho khách hàng.

Thời gian chúng tôi thẩm định hồ sơ được tính bằng phút, nhờ vào hệ thống Dữ liệu lớn (Big Data). Hiện nay, 95% khách hàng của Home Credit Việt Nam đã nhận được kết quả chỉ trong vòng 9 – 10 phút.

Mỗi tổ chức tài chính đều đang cố gắng mở rộng mạng lưới đối tác liên kết để xây dựng hệ thống Big Data này, hoặc đẩy mạnh phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đồng thời bắt tay với các công ty thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ thanh toán.

Trong khoảng thời gian sắp tới, chúng ta có thể thấy các CTTC “lão làng” sẽ nỗ lực để thay đổi bản thân nhằm thích nghi với tình hình mới, còn những người chơi mới sẽ mang đến vô số điều thú vị cho thị trường.  Nếu nhìn từ góc độ người tiêu dùng Việt Nam thì đây lại là một viễn cảnh tốt đẹp, vì khách hàng sẽ có vô số giải pháp tài chính đa dạng để lựa chọn nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ.

* Home Credit có tự tin về giải pháp công nghệ được áp dụng vào dịch vụ chăm sóc khách hàng của Công ty không?

– Ứng dụng điện thoại của Home Credit từ khi ra mắt vào tháng 3 năm 2017 đã trở thành ứng dụng tài chính tiêu dùng số 1 tại Việt Nam hiện nay, theo tỷ lệ đánh giá và số lượng cài đặt. Hiện có hơn 1,5 triệu người đã cài đặt giải pháp đơn giản này của Home Credit để quản lý khoản vay của họ hoặc đăng ký vay tiền mặt.

Mọi thao tác cài đặt và sử dụng ứng dụng di động của Home Credit vô cùng dễ dàng. Thông qua ứng dụng, người dùng có thể quản lý các khoản vay, kiểm tra lịch sử và tình trạng hợp đồng của mình.

Ứng dụng cũng giúp khách hàng nhận được thông báo nhắc thanh toán và liên hệ với bộ phận Chăm sóc khách hàng một cách thuận tiện… Nếu chưa phải là khách hàng của Home Credit, họ vẫn có thể định vị được điểm giao dịch vay tiền mặt gần nhất thông qua ứng dụng.

Ngoài ra, từ tháng 9/2017, chúng tôi cũng đã giới thiệu tích hợp ChatBot trả lời tin nhắn tự động vào Fanpage của Home Credit để có thể hỗ trợ khách hàng 24/7. Trung bình mỗi ngày, Chat Bot trao đổi với khoảng 250 – 300 khách hàng với nhiều thắc mắc và yêu cầu khác nhau. Chúng tôi vẫn có nhân viên chăm sóc khách hàng túc trực để hỗ trợ trong trường hợp khách hàng muốn tương tác trực tiếp với những yêu cầu đặc thù.

* Vậy ông sẽ nói gì về kế hoạch phát hành thẻ của Home Credit?

– Sản phẩm thẻ tín dụng của chúng tôi theo sát nhu cầu của phân khúc khách hàng mục tiêu như một công cụ thanh toán hiện đại với những lợi ích hấp dẫn cho khách hàng. Khách hàng mới chưa bao giờ sử dụng dịch vụ của chúng tôi trước đây cũng có thể thực hiện giao dịch đầu tiên bằng thẻ tín dụng để trải nghiệm vay mua sản phẩm với lãi suất 0%. Điều này cho phép họ có thể trải nghiệm những dịch vụ tối ưu của Home Credit và khuyến khích họ quay trở lại.

Điểm mấu chốt nằm ở khả năng tiếp cận, với quy trình mở thẻ “đơn giản và nhanh chóng” dành cho khách hàng. Chúng tôi đang dỡ bỏ mọi rào cản nhằm giúp khách hàng tiếp cận với thẻ tín dụng dễ dàng hơn. Người tiêu dùng với khả năng tài chính dù còn hạn chế, khi đến với Home Credit vẫn có thể tận hưởng những tính năng tiên tiến của lối sống phi tiền mặt mà trước đây chỉ dành cho những đối tượng khách hàng “cao cấp”.

Được hỗ trợ bằng những mối quan hệ đối tác bền vững, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn thông qua giao dịch thẻ tại cơ sở của trên 50 đối tác khắp Việt Nam.

* Có thể thấy Home Credit đang khá thuận lợi trên đường đua với các tổ chức tín dụng hiện hữu. Thế nhưng, thị trường lại đang chứng kiến sự thâm nhập rất sâu của các công ty Fintech. Vậy trước các công ty Fintech, Home Credit còn tự tin giữ vị thế dẫn đầu?

– Tôi phải thừa nhận Việt Nam là nguồn cảm hứng trên nhiều phương diện. Với kinh nghiệm 20 năm của Tập đoàn và 9 năm tại Việt Nam, chúng tôi đã tạo dựng được nền tảng vững chắc để cân bằng giữa tăng trưởng và quản lý rủi ro, giữa đầu tư và lợi nhuận.

Chúng tôi hào hứng với công nghệ mới, với cơ hội mới nhưng đồng thời cũng rất thận trọng trong chiến lược phát triển. Có thể nói, chúng tôi quyết liệt một cách thận trọng.

Tương lai của ngành cho vay tiêu dùng đang dịch chuyển khi mà sở thích của khách hàng cũng đang dịch chuyển nhanh chóng sang tương tác kỹ thuật số. Đa số khách hàng ngày nay ưa chuộng hình thức đăng ký vay vốn trực tuyến, đặc biệt là giới trẻ, trong khi một vài phân khúc khác vẫn còn thiên về sự tương tác giữa người với người ở một vài công đoạn cụ thể trong quá trình. Nói cách khác, rất nhiều khách hàng muốn được tìm kiếm và đăng ký khoản vay trực tuyến, nhưng khi đến những giai đoạn cuối, họ muốn được trao đổi với người có đủ kiến thức để giúp họ giải tỏa băn khoăn, nếu cần thiết.

Do đó, tiếp nối việc triển khai thành công ứng dụng di động Home Credit, chiến lược của chúng tôi giờ đây hướng đến khởi đầu của quá trình chuyển hóa kỹ thuật số bằng sự thấu hiểu hành vi, sở thích và lựa chọn của người tiêu dùng. Việc này mang tính chiến lược hơn là chỉ đưa các dịch vụ lên định dạng app hoặc nền tảng web. Nó đi vào giá trị trọng tâm kinh doanh và đòi hỏi sự tiếp nhận công nghệ số.

“Phó tướng” Facebook: CEO HP đã dạy tôi bài học tuyển dụng không thể nào quên

Trước khi gia nhập Google năm 2001, Sheryl Sandberg – người phụ nữ quan trọng thứ 2 tại Facebook sau CEO Mark Zuckerberg – không có chút kinh nghiệm nào về công nghệ.

Theo Business Insider, trong một buổi nói chuyện trước các cử nhân trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford, CEO HP Meg Whitman chia sẻ triết lý tuyển dụng chung của bà khi còn ở eBay là “đi trước đường cong”, nghĩa là các vị trí sẽ được lấp đầy bởi những người có kỹ năng cao hơn yêu cầu hiện tại.

Cách thức mà các ông trùm công nghệ nuôi dưỡng nên những nhà lãnh đạo tuyệt vời này đã được Meg dạy cho giám đốc hoạt động Facebook hiện nay Sheryl Sandberg khi bà thi tuyển vào eBay.

Trước khi giúp Google xây dựng Adwords và AdSense trở thành những cột trụ chủ chốt trong đế chế cỗ máy tìm kiếm số một thế giới, Sandberg từng là người phụ trách nhân sự cho Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Đó là một vị trí ấn tượng nhưng chẳng liên quan gì đến công nghệ.

Năm 2000, khi rời khỏi địa hạt chính trị, Sandberg quyết định tìm việc mới ở Silicon Valley. Trong cuộc gặp gỡ CEO eBay lúc đó Meg Whitman (sau này là CEO HP), Meg đã dạy Sandberg một bài học tuyển dụng quan trọng mà về sau bà cũng áp dụng ở Google và Facebook.

Meg Whitman đã áp dụng triết lý tuyển dụng nhấn mạnh kỹ năng hơn kinh nghiệm để mở rộng eBay.

Trong kỳ tuyển dụng vào eBay, sau một loạt cuộc phỏng vấn kết thúc bằng việc người đối diện cho rằng Sandberg không có đủ kinh nghiệm cần thiết. Sandberg quyết định thay đổi một cách tiếp cận khác. Cô nói với Whitman, “Tôi không có bất kỳ kinh nghiệm liên quan nào. Tôi thừa nhận điều đó. Và tôi vẫn yêu thích được đến làm việc với chị, Whitman”, cô nhớ lại.

Theo Sandberg, Whiman đã trả lời cô là “Không ai có bất kỳ kinh nghiệm nào vì không ai đã từng làm việc này bao giờ. Tôi muốn chọn người có kỹ năng tốt. Hy vọng là cô có kỹ năng tuyệt vời”.

“Tôi sẽ ghi nhớ bài học này trong tim”, Sandberg đáp lại.

Năm 2001, khi đến với Google và được giao xây dựng nhóm phát triển một nền tảng quảng cáo quy mô lớn, Sandberg quyết định sẽ không giới hạn nguồn ứng viên trong những người có kinh nghiệm quảng cáo hay kinh doanh kỹ thuật số. Thay vào đó, bà chọn tập trung vào kỹ năng.

“Tôi sẽ chọn những người giỏi nhất và thông minh nhất”, cô nói với nhà đồng sáng lập LinkedIn và cũng là nhà đầu tư Greylock Partners Reid Hoffman trong một podcast gần đây. “Đó là những người sẽ đem lại lòng đam mê và sự tận tụy để làm việc chăm chỉ”.

Giải thích về triết lý “đi trước đường cong” đã phát biểu tại Stanford, CEO HP Whitman nói khi bà phỏng vấn ai đó, bà bảo họ miêu tả lại những lúc họ học tập trong sự nghiệp của mình và tiếp tục đi sâu vào cho đến khi bà có thể phân biệt được mình nhận ra điều gì về điểm mạnh và điểm yếu của người đó. Sau đó bà sẽ kiểm tra lại nhận thức của mình với những người tham khảo.

Whitman cho rằng “sự công nhận khuôn mẫu sẽ đạt được thông qua kinh nghiệm”, và điều này không hề mâu thuẫn với bài học bà đã dạy cho Sandberg vài năm trước buổi thuyết trình ở Standford. Khi Whitman phỏng vấn Sandberg, bà cần biết cách thức làm việc của Sandberd trong công việc cũ về chính trị. Những kinh nghiệm đó quan trọng trong ý nghĩa là chúng có thể hiện được kỹ năng quản lý cần thiết để trở thành người điều hành tại eBay hay không. Chúng không cần phải thể hiện rằng cô đã từng đảm nhận một công việc giống y như công việc cô đang dự tuyển.

Câu chuyện này đã được Sandberg kể lại trong một cuộc phỏng vấn với Hoffman để ghi âm podcast mang tên “Masters of Scale” của anh (tạm dịch: Các bậc thầy mở rộng). Trong đoạn băng, Sandberg chia sẻ cách mà bà dẫn dắt một tổ chức mở rộng quy mô gấp hai đến ba lần mỗi năm như Facebook, một chủ đề khá gai góc. Ngoài ra, Sandberg cũng tiết lộ những quan điểm chưa từng công bố trong cuốn sách mới, Option B (Lựa chọn B) và cách mà cuốn sách đầu tiên của bà – Lean In đã tạo nên một trào lưu dám ước mơ ở những người bình thường.

Lean In: Women, Work, and the Will đã được nhà xuất bản Trẻ dịch và xuất bản tại Việt Nam lần đầu vào tháng 3/2014 với tựa Dấn thân: Phụ nữ, công việc và quyết tâm Lãnh đạo. Bằng giọng văn nhẹ nhàng kiểu tự truyện, Sandberg chia sẻ về cuộc đời mình, những nỗ lực và thành công đạt được để kêu gọi và truyền cảm hứng cho phụ nữ dám dấn thân, dám ngồi vào bàn để cùng tranh luận, trao đổi và theo đuổi ước mơ cuộc đời mình.

Steve Trần

Apple, Tencent, Amazon nằm trong top các công ty sáng tạo nhất toàn cầu

Apple dẫn đầu trong danh sách các công ty sáng tạo nhất toàn cầu, trong khi nhiều công ty công nghệ nằm trong top 10.

Trang Fast Company vừa công bố danh sách 50 công ty sáng tạo nhất toàn cầu năm 2018. Chiếm nhiều trong danh sách này là các công ty công nghệ, phần nhiều trong số đó hoạt động lĩnh vực khác nhưng có ứng dụng công nghệ.

Apple dẫn đầu danh sách, được Fast Company đánh giá là công ty mang tương lai vào hiện tại. Từ các sản phẩm cũ như iPad và mới nhất là AirPod, iPhone X, các công cụ VR, AR của Apple đều được nhắc đến như các sản phẩm nổi trội tiêu biểu cho sự sáng tạo của Apple.

Xếp thứ hai trong danh sách là Netfilx, dịch vụ cung cấp phim, video của Mỹ có mặt trên toàn thế giới bao gồm Việt Nam. Với việc cung cấp video theo yêu cầu trên hầu hết mọi thiết bị từ TV đến laptop và máy tính bảng, smartphone, Netflix được đánh giá là chuyên gia cung cấp nội dung đối với sản phẩm có màn hình nhỏ.

Ảnh: The Verge.

Tencent, tập đoàn Trung Quốc sở hữu WeChat – với 980 triệu người dùng thường xuyên – xếp vị trí thứ tư trong danh sách. Công ty này được đánh giá là đã ứng tốt nhất khái niệm nội dung là vua (content is king) – khái niệm thường được nhắc đến nhiều trong giới truyền thông hiện đại. WeChat ban đầu là nền tảng chat online, sau đó phát triển thành ứng dụng thanh toán, mạng xã hội,… được dùng bởi mọi giới tại Trung Quốc.

Xếp thứ năm trong bảng xếp hạng là Amazon, trang thương mại điện tử của tỷ phú Jeff Bezos. Nền tảng này cũng cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây và tiên phong mở cửa hàng không nhân viên đầu tiên trên thế giới.

Trong danh sách 10 còn có sự xuất hiện của Spotify, ứng dụng nghe nhạc, video, podcast của Thụy Sĩ. Nền tảng này có mặt tại Mỹ, Tây Âu, một phần châu Á, châu Úc. Spotify được xem là cầu nối giữa người nghe với hàng loạt nghệ sĩ mới nổi.

Đáng chú ý trong top 10 là Washing Post, tờ báo lâu đời của Mỹ, xếp vị trí thứ 8. Tờ báo được cho là mang tinh thần của Amazon vào lĩnh vực truyền thông với nhiều ứng dụng mang tính đột phá trong lĩnh vực tin tức. Tờ báo vẫn có lượng người đọc cao trong bối cảnh các mạng xã hội đang thu hút phần lớn thời gian của người dùng. Đến tháng 9/2017, tờ báo có hơn một triệu người dùng đăng ký trên mạng, tăng 300% so với năm trước.

Trong top 50 có mặt các công ty, sản phẩm công nghệ như Instagram, Pinterest, SpaceX,… nhưng không có Facebook.

2 “nữ tướng” trên thương trường xuất thân từ ngành dược

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vừa qua, xin giới thiệu tới độc giả hai “nữ tướng” ngành dược, hai doanh nhân đã đóng góp cho thành công ngành dược hiện nay. Một người hiện đang đương nhiệm quản trị và một người đang dần chuyển giao điều hành cho thế hệ kế nhiệm…

Bà Phạm Thị Việt Nga: Hoàn toàn yên tâm về thế hệ kế thừa

Nửa năm trước, tại CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) chứng kiến sự thay đổi lớn về mặt lãnh đạo doanh nghiệp khi “nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga rời ghế Tổng giám đốc. Theo công bố thông tin của Dược Hậu Giang thì HĐQT đã thông qua việc từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc DHG của bà Phạm Thị Việt Nga kể từ ngày 1/9/2017.

“Qua quá trình xây dựng, phát triển, đào tạo quy hoạch kế thừa cũng như chuẩn bị mô hình, cấu trúc mới cho Dược Hậu Giang trong giai đoạn tiếp theo; đến thời điểm này tôi hoàn toàn có thể yên tâm giao lại công tác điều hành cho thế hệ kế thừa mà tôi đã dày công đào tạo trong suốt thời gian qua. Tôi cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để chuyển giao”, bà Nga viết trong thư xin từ nhiệm của mình.

Tuy nhiên, cựu CEO của DHG cũng cho biết bản thân bà vẫn tiếp tục vai trò thành viên HĐQT để tham gia điều hành chiến lược. Ngoài ra, bà Nga sẽ cố vấn chuyên môn cho doanh nghiệp trong công tác điều hành giai đoạn hiện nay.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại Cần Thơ. Nữ doanh nhân gốc miền Tây này đã góp công lớn trong việc đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược hàng đầu Việt Nam. Bà từng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Bà Phạm Thị Việt Nga. Ảnh: DHG.

Bà Nga giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của CTCP Dược Hậu Giang trong suốt 10 năm, trước khi nhượng lại vị trí này để trở lại làm Tổng giám đốc sau 2 năm gián đoạn.

Nữ tướng của DHG từng chia sẻ, việc bén duyên với ngành dược, với Dược Hậu Giang hoàn toàn tình cờ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dược, được phân công quản lý Dược Hậu Giang, bà còn chưa biết đọc báo cáo tài chính.

Điều mà bà Nga tự hào về DHG đó là dù không phải là doanh nghiệp dược ra đời sớm nhất trên thị trường, nhưng lại Dược Hậu Giang lại được biết đến là doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên chú trọng đến công tác marketing, thương hiệu sản phẩm, và đặc biệt là hệ thống phân phối trên phạm vi toàn quốc.

Nữ doanh nhân ngành dược từng chia sẻ Dược Hậu Giang đặt ra mục tiêu nằm trong Top 10 công ty dược hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu đạt 300 triệu USD vào năm 2020.

Vũ Thị Thuận: Trách nhiệm với “nồi cơm” của nhà người khác

Nữ doanh nhân Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Traphaco từng chia sẻ bà luôn nhắc nhở mình rằng, nếu chỉ lo cho nồi cơm nhà mình thì một người phụ nữ nông dân cũng làm được. Nhưng đã là một doanh nhân thì còn phải có trách nhiệm với nồi cơm của nhà người khác. Tôi luôn quyết tâm giữ cho nồi cơm nhà mình và nồi cơm của hàng nghìn cán bộ Traphaco luôn được đủ đầy, vẹn toàn.

Bà Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống trong ngành Đông dược. Bà được biết đến là linh hồn, người tạo nên dược Traphaco vững mạnh hiện nay.

Bà Vũ Thị Thuận. Ảnh: CafeF.

Thời phổ thông, bà Thuận rất đam mê môn hóa học nên đã đăng ký thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Rời giảng đường đại học, bà được phân công về Sở Y tế Giao thông Vận tải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, với vị trí cán bộ kỹ thuật Xưởng sản xuất thuốc Đường sắt.

Trải qua nhiều nỗ lực và các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco từ tháng 5/2013 cho đến nay.

Bà Thuận từng chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu rất khó nhưng để mất đi thì rất dễ. Cách đây 20 năm Traphaco từng bị nói Traphaco ở Bộ Giao thông đi làm thuốc thì ai mua. Tuy nhiên bà cho rằng việc tốt làm từ nhỏ tích luỹ dần, một hình ảnh doanh nhân cũng thế, quan trọng chính là mục tiêu của sản phẩm là gì, lao động có chính đáng không. Làm giàu là mục đích, là khát khao của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp có trách nhiệm làm giàu để phục vụ con người, có trách nhiệm xã hội, có thể ngay trước mắt doanh nghiệp bị giảm hiệu quả nhưng xã hội sẽ ủng hộ anh và xã hội chính là thị trường.

Với những đóng góp của mình trong ngành, nữ thuyền trưởng của Traphaco đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước trong đó có danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

‘Vận đen’ của Parkson ở thị trường Việt Nam

Khó khăn chưa dứt với Parkson khi tập đoàn này tiếp tục báo lỗ cùng hiệu suất hoạt động suy giảm ở Việt Nam.

Sau 8 năm hoạt động, Parkson Flemington (TP HCM) tuyên bố đóng cửa, đánh dấu trung tâm thương mại thứ 4 của tập đoàn rút khỏi Việt Nam. Dù vậy, quyết định này cũng không quá bất ngờ khi hoạt động của Parkson tiếp tục rơi vào khó khăn.

Năm 2017, dù doanh thu của Parkson Holding Berhad đạt gần 4 tỷ Ringgit Malaysia (RM), tương đương hơn 23.000 tỷ đồng, khoản lỗ hoạt động tăng gần 40% so với năm trước, đạt 142 triệu RM. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường có tỷ lệ tăng trưởng âm cao nhất.

Tỷ lệ tăng trưởng đối với các trung tâm thương mại đã mở trên một năm (same-store sales growth – SSSG) của Parkson tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận con số âm trong năm tài chính 2017 (kết thúc ngày 30/6/2017). Tỷ lệ này là âm 13,6%, mức độ giảm chỉ dưới Myanmar, nhưng đứng trên tất cả các thị trường còn lại của Parkson.

Về kết quả kinh doanh cụ thể, tổng doanh thu của thị trường Việt Nam và Myanmar trong năm tài chính 2017 chỉ đạt 101 triệu RM (gần 600 tỷ đồng), giảm hơn 9% so với năm trước. Bộ phận kinh doanh này báo lỗ 5 triệu RM, tương đương hơn 29 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại Hà Nội đã đóng cửa vào cuối năm 2016.

“Thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn trong thời kỳ bão hòa và tình hình hoạt động đã chứng minh những khó khăn của hiện tại”, ông Tan Sri William H.J. Cheng – Chủ tịch của Parkson Holdings cho biết trong thư thường niên gửi các cổ đông năm 2017.

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) – công ty thành viên của Tập đoàn Lion (Malaysia), Parkson nhảy vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những nhà phát triển mặt bằng bán lẻ hàng hiệu đầu tiên tại đây.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014 làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn. Đây là năm duy nhất trong suốt thời gian gia nhập thị trường Việt Nam, họ không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Rồi các năm sau đó, đơn vị này đã lần lượt phải đóng cửa các trung tâm thương mại tại thành phố lớn khi triển vọng kinh doanh sụt giảm mạnh.

Cuối năm 2016, tập đoàn này đã quyết định đóng cửa trung tâm thương mại Parkson Viet Tower tại Thái Hà, Hà Nội, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn tại thủ đô. “Môi trường kinh doanh tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là các trung tâm thương mại tại Hà Nội đang suy yếu khi ngày càng nhiều mặt bằng bán lẻ bị bỏ trống. Trong khi các trung tâm thương mại tại miền Nam, TP HCM vẫn tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan, nâng hiệu suất kinh doanh tổng thể của thị trường Việt Nam”, ông Tan Sri Cheng Heng Jem – Chủ tịch Parkson Retail Asia cho biết trong thông điệp gửi các cổ đông.

Tuy nhiên, “vận hạn” của Parkson vẫn chưa dứt khi thị trường TP HCM, vốn được đánh giá khả quan hơn, đã bắt đầu theo chân miền Bắc.

Parkson Flemington (TP HCM) thông báo đóng cửa cuối tháng 1/2018.

Khi rút khỏi Hà Nội (thị trường được đánh giá là kém hiệu quả), Parkson nói đây là bước đi trong nỗ lực tối ưu hóa hiệu suất hoạt động trở lại tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Những khó khăn của Parkson tại thị trường Việt Nam, vốn không phải điều mới. Là một nhà bán lẻ hàng đầu, Parkson mang vào Việt Nam mô hình kinh doanh theo hướng siêu thị hàng hiệu cao cấp chia theo từng nhãn hàng và hầu hết chỉ cung cấp duy nhất dòng sản phẩm này trong trung tâm thương mại của Parkson.

Tuy nhiên, với cơ cấu dân số trẻ tại các thành phố lớn chủ yếu là giới văn phòng và sinh viên, mức thu nhập không quá cao, nhu cầu các sản phẩm hàng hiệu trở thành một điều xa xỉ.

Trong khi hàng loạt mô hình trung tâm thương mại “one-stop mall” hay “one-stop shopping” (cung cấp tất cả các dịch vụ tại một điểm) quy mô lớn được xây dựng trở thành đối trọng quá lớn với mô hình kinh doanh của Parkson. Không ngẫu nhiên khi sự rút lui của Parkson thường đi cùng với sự xuất hiện của những trung tâm thương mại mới gần đó.