Monthly Archives: March 2018

Khởi nghiệp không khéo là bước thẳng vào một đại dương đã nhuộm màu đỏ choé

Một trong những thứ mà startup cần làm nếu muốn mua thời gian và làm chậm quá trình sao chép của thị trường là phải biết tạo ra những “rào cản cạnh tranh” cho mô hình kinh doanh của mình mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “entry barriers”.

Khởi nghiệp không khéo là bước thẳng vào một đại dương đã nhuộm màu đỏ choé

Nhà sáng lập Phở 24 – Lý Quí Trung

Mấy năm quay lại Sài Gòn thấy nhiều thay đổi.

Đập vô mắt là các toà nhà mới, các khu căn hộ cao cấp mọc lên khắp nơi. Saigon Pearl danh giá ngày nào bây giờ chỉ là bóng mờ so với những dự án trùng trùng điệp điệp ngay kế bên.

Đặc biệt là thị trường F&B (Food & Beverage), chưa bao giờ thấy phát triển ồ ạt, dày đặc như vậy. Đi đâu cũng thấy hàng quán muôn màu muôn vẻ. Nổi bật nhất là các nhà hàng, cà phê cao cấp, đầu tư bài bản từ trong ra ngoài, có tiệm đầu tư một vài triệu USD như chơi. Nói chung trình độ nghề “làm dâu trăm họ” ở Sài Gòn bây giờ đã lên một đẳng cấp khác.

Người hưởng lợi đầu tiên phải kể đến là người tiêu dùng, chưa bao giờ mà thực khách có một sự chọn lựa phong phú và chất lượng như vậy.

Người hưởng lợi kế tiếp chắc chắn là giới chủ nhà, những người có mặt bằng cho thuê – còn gì bằng khi cung vượt cầu. Nghe nói có những mặt bằng đắc địa tiền thuê nhà có khi lên đến mấy chục ngàn USD, không thua gì các thành phố phát triển nhất nhì thế giới.

Chỉ có mấy em khởi nghiệp còn non trẻ mê ngành ẩm thực này là phải coi chừng. Vì không khéo là bước thẳng vào một đại dương đã nhuộm màu đỏ choé. Tiệm cơm, tiệm phở, tiệm mì, tiệm bún gì cũng xâu xé đúng một người khách. Cà phê cũng vậy, đủ loại, đủ hình thức nhưng cũng nhắm vô bấy nhiêu đấy khách thôi. Một vài chuỗi lên ngôi nhưng biết bao nhiêu tên tuổi nhỏ âm thầm thay bảng hiệu.

Cạnh tranh vô cùng gay gắt. Muốn tránh “đại dương đỏ” thì phải vào “đại dương xanh” nơi chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nhưng nghĩ ra một mô hình kinh doanh mới đâu phải dễ, chưa kể vừa trình làng cái mới đã bị thị trường “copy” liền tức khắc, nên xanh cũng thành đỏ trong chốc lát!

Một trong những thứ mà nhà khởi nghiệp cần làm nếu muốn mua thời gian, làm chậm trễ quá trình sao chép của thị trường là phải tạo ra những “rào cản cạnh tranh” cho mô hình kinh doanh của mình mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “entry barriers”.

Càng nhiều rào cản cạnh tranh càng tốt. Và, rào cản càng lớn, càng phức tạp thì đối thủ cạnh tranh càng khó sao chép. Mô hình “nước mía siêu sạch” trước đây là một ví dụ của mô hình kinh doanh không có rào cản cạnh tranh đáng kể, vì cơ bản ai cũng có thể đặt mua cái máy ép mía và cho nhân viên của mình đeo găng tay đàng hoàng.

Có người thắc mắc vậy chẳng hay mô hình kinh doanh của mình là độc nhất vô nhị nhưng lại quá đơn giản thì phải làm sao? Chẳng lẽ không khởi nghiệp được?

Câu trả lời là, tốt quá cứ làm, nhưng không thể làm chuỗi, làm lớn được, vì rủi ro quá lớn. Nếu muốn làm lớn thì không có cách gì khác – phải tìm cách tạo ra một vài rào cản cạnh tranh. Phải tìm cách “phức tạp hoá” những thứ đơn giản!

Hamburger thì ai cũng biết làm nhưng để làm được cái mùi hamburger của McDonald’s thì không phải dễ vì các thành phần bên trong chiếc bánh được sản xuất riêng cho McDonald’s. Và, dĩ nhiên kích thước cửa hàng, vị trí cửa hàng, vốn đầu tư vào cửa hàng và biết bao nhiêu thứ khác đã làm cho thị trường sao chép phải chùn bước. Vẫn bị copy nhưng ít, khó.

Nói về rào cản cạnh tranh thì có thể nói cả ngày. Còn rất nhiều cách thức khác mà người chủ mô hình kinh doanh có thể làm để gây khó khăn cho những ai muốn sao chép nhưng phải nói có một thứ mà tôi luôn tâm đắc, đó là thương hiệu. Thương hiệu khó sao chép nhất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhưng ngặt nỗi muốn “có thương hiệu” thì phải tồn tại và vượt qua vấn nạn sao chép trước cái đã! Khó quá!

Ngay cả khi đã có thương hiệu rồi thì còn một thứ nặng ký khác nữa phải vượt qua, đó là làm sao duy trì được phong độ một cách bền vững. Nghĩa là làm sao tiếp tục có lãi, gia tăng lợi nhuận tỷ lệ thuận với số lượng cửa hàng mở ra – chứ không phải tỷ lệ nghịch.

Vì mục tiêu cuối cùng của kinh doanh là phải có lãi. Nếu không thì tất cả sẽ trở thành vô nghĩa.

Richard Branson: 5 kỹ năng tạo nên doanh nhân thành công

Đây là những kỹ năng được đúc kết trong hơn 50 năm làm doanh nhân và trở thành tỷ phú của Richard Branson.

Richard Branson: 5 kỹ năng tạo nên doanh nhân thành công

Kể từ khi bỏ học năm 16 tuổi để bắt đầu kinh doanh, tỷ phú Richard Branson đã giám sát hàng trăm công ty. Trên con đường đó, ông gặp gỡ hàng trăm doanh nhân, nhà lãnh đạo xuất sắc.

“Không có hai doanh nhân nào thành công như nhau”, nhà sáng lập Virgin Group viết trên blog, “thực tế, chính nhờ cá tính và cách suy nghĩ riêng biệt đã giúp họ đạt được thành công”.

Và đây là 5 kỹ năng tạo nên thành công của một doanh nhân, được đúc kết trong hơn 50 năm làm doanh nhân của Richard Branson.

Họ chấp nhận rủi ro có tính toán

“Những người may mắn nhất trong thương trường là những người đã chuẩn bị để đón nhận những rủi ro lớn nhất”, Branson viết, “chúng ta có thể tạo ra may mắn cho chính mình bằng cách chấp nhận những rủi ro cần thiết để mở cánh cửa đón nhận cơ hội, tiến bộ và thành công”.

Mark Zuckerberg kể lại: “Đồng sáng lập Peter Thiel là người đã nói với tôi một trích dẫn hết sức súc tích rằng trong một thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng, nguy cơ lớn nhất mà bạn phải đối mặt đó là không có bất cứ rủi ro nào nữa. Tôi nghĩ rằng đó là sự thật”.

Họ biết ơn sự thất bại

“Không ai có được mọi thứ ngay trong lần đầu tiên. Kinh doanh giống như một bàn cờ vua khổng lồ – nơi bạn học được nhanh hơn từ chính những lỗi lầm của mình. Doanh nhân thành công không sợ thất bại, họ học từ nó và tiến lên”, tỷ phú viết.

Ông cũng không phải tỷ phú duy nhất “ghi công” cho sự thất bại. Spanx – founder Sara Blakely đã “nếm trải” đủ nhiều những thăng trầm trong kinh doanh để nói rằng thất bại chính là bí quyết mang đến sự thành công cho cô.

Họ nghĩ lớn

Branson cho biết: “Khi chúng tôi bắt đầu xây dựng Virgin, tôi không hề nhìn thấy nó sẽ kết thúc như thế nào, dù chỉ là một chút. Tôi nhìn thấy đó là sự bắt đầu của một loạt các dịch vụ”. Vì thế, “những doanh nhân thành công cần có những ý tưởng lớn và chắp cánh cho nó bay lên”.

Họ xây dựng một team mạnh và giao nhiệm vụ một cách hiệu quả

“Đó là một câu chuyện cổ tích khi nghĩ rằng một mình bạn có thể làm mọi thứ. Để mang đến thành công cho doanh nghiệp, bạn hãy trao những công việc mà bạn không thể làm tốt cho người xứng đáng và đủ khả năng”, tỷ phú chia sẻ.

Ông chủ Facebook cũng đồng ý khi chia sẻ quan điểm: “Không ai làm được việc một mình. Khi bạn nhìn những thứ lớn nhất được thực hiện trên thế giới, chúng đều không được làm ra bởi một người. Vì thế, bạn sẽ phải cần có một team”.

Họ có kỹ năng giao tiếp xuất sắc

“Sự giao tiếp làm cho thế giới vận hành. Nó tạo điều kiện để kết nối con người và cho phép chúng ta học, lớn lên và tiến bộ”, Branson viết.

Giao tiếp hiệu quả đòi hỏi nhiều hơn việc bạn trở thành người có thể nói chuyện. Để giao tiếp trong thế giới kinh doanh, bạn cần nghe nhiều hơn nói. Sau tất cả, “nếu bạn không lắng nghe, bạn đang bỏ lỡ rất nhiều thứ”.

Chuyện chiếc giỏ đựng than và quyền năng vô hình của thói quen đọc sách

Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người – Voltaire

Chuyện chiếc giỏ đựng than và quyền năng vô hình của thói quen đọc sách

Đọc sách – thói quen số một được những người giàu có khuyên áp dụng. Ảnh: Times Higher Education

Đã có bao giờ bạn cảm thấy dầu đã đọc thật nhiều sách nhưng dường như không tài nào nhớ nổi những nội dung hay kiến thức mình đã bắt gặp? Đừng lo lắng và cũng đừng dừng việc đọc sách, bởi vì hết thảy những kiến thức mà bạn tích lũy được vẫn ở nguyên trong trí não và chỉ chờ dịp thích hợp để bộc lộ mà thôi

Chuyện chiếc giỏ than tinh sạch

Chuyện kể rằng, có hai ông cháu sống cùng nhau. Mỗi sáng, người ông đều dậy sớm đọc sách, dù những cuốn sách đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình.

Một ngày, cậu hỏi: “Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu chúng. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên ngay. Vậy đọc sách có ích lợi gì đâu?”.

Người ông liền đứng dậy, lấy hết than đang đựng trong giỏ rồi đặt tất cả vào lò, sau đó nói: “Cháu hãy mang giỏ này ra bờ sông và mang nước về giúp ông nhé!”.

Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước đã chảy ra hết trước khi cậu kịp quay về. Người ông liền cười và nói: “Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa”. Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.

Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ vẫn trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói: “Chúng ta không thể đựng nước trong giỏ này được”, và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.

Người ông liền nói: “Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi”. Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra sông lấy nước lần nữa.

Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời nên cậu cố chạy nhanh hết sức, song, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu nói: “Ông nhìn này, thật là vô ích!”.

“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!”, người ông đáp.

gio-dung-than-va-sach-doanhnhansaigon_15

Giống như những giọt nước đã ăn sâu, cuốn trôi hết bụi bẩn trên chiếc giỏ kia một cách từ từ chậm rãi, sách cũng giúp cho bạn như vậy. Ảnh: Harry Jackson’s Blog

Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì hình ảnh một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và dơ bẩn, nó trông rất sạch sẽ.

“Đó là những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ từ từ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, giống như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy”.

Sức mạnh vô hình của việc đọc sách

Vậy mới thấy, đọc sách thường xuyên là thói quen hữu ích như thế nào. Đồng thời, qua đó, chúng ta cũng có thể phần nào hiểu được tại sao hơn 1.200 người giàu có nhất trên thế giới đều là những người đọc sách rất nhiều, theo thống kê của Steve Siebold trong cuốn sách How Rich People Think.

Đơn cử như tỷ phú Warren Buffett. Ông là người rất mê đọc sách và từng chia sẻ rằng “bản thân chỉ ngồi văn phòng và đọc suốt ngày”. Chỉ tay vào những trang sách và hàng đống giấy tờ, ông nói: “Đọc 500 trang như thế mỗi ngày là cách để tích lũy kiến thức và bồi dưỡng sự thông minh”.

Thế nhưng, chúng ta cũng không nên gói gọn việc đọc sách là chỉ đọc sách hay tài liệu trên giấy thuần túy. Với thời đại công nghệ hiện nay, sách hay tài liệu rất đa dạng: Chúng có thể là những trang sách, trang báo giấy, sách điện tử hay là những trang “sách hình” – các bộ phim khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, hoặc thậm chí cả những người bên cạnh ta cũng có thể là những “cuốn sách di động”. Đọc sách nào không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta đọc sách để tích lũy kiến thức.

Tỷ phú Jack Ma cho rằng “con người chính là một cuốn sách rất đáng để đọc, tôi thấy rằng công ty của chúng tôi có 24 ngàn nhân viên, họ chính là 24 ngàn cuốn sách với những nội dung hoàn toàn khác nhau. Trải nghiệm sống và cách giải quyết vấn đề của mỗi người trong số họ đều nằm ngoài sự suy đoán của tôi”.

Cũng như cậu bé dùng giỏ than xách nước, việc đọc sách không thể thấy ngay kết quả. Thậm chí, bạn còn không nhận ra những thay đổi, những kết quả đạt được, tuy nhiên, nó sẽ dần thấm sâu vào trí thức của chúng ta, giống như những giọt nước đã ăn sâu, cuốn trôi hết bụi bẩn trên chiếc giỏ kia một cách từ từ chậm rãi mà chính bản thân cậu bé cũng không thể nhận ra.

Học giả Voltaire cho rằng “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.

Và, để tối ưu hóa việc đọc sách cũng như mang đến một cái nhìn có phần cụ thể hơn về thói quen hữu ích này, tác giả của How to read a Book – Mortimer Adler đã chia quá trình đọc sách thành 4 cấp độ, bao gồm:

Sơ cấp: Đúng như tên gọi, ở cấp độ này, người đọc chỉ đọc và dõi theo dàn ý cơ bản hoặc tối thiểu của cuốn sách.

Kiểm tra: Về cơ bản, đây được xem như đọc lướt. Bạn sẽ xem xét những điểm nổi bật trong sách, đọc phần mở đầu, kết luận và cố gắng tiếp thu những nội dung cơ bản tác giả muốn truyền đạt.

Phân tích: Đây là cấp độ đòi hỏi người đọc phải đi sâu vào chủ đề và nội dung cuốn sách. Bạn đọc chậm, kỹ lưỡng, thậm chí còn đọc lại những đoạn quan trọng. Bạn ghi chú các điểm đáng chú ý, tra cứu thêm thông tin chưa rõ bằng cách tham khảo tài liệu liên quan.

Khái quát: Đây là cấp độ giống như các giáo sư, nhà văn. Đây là cấp độ bạn cùng lúc đọc và tìm hiểu nhiều quyển sách về cùng 1 chủ đề và hình thành lập luận, ý tưởng của riêng mình. Bạn cũng có thể lấy ý tưởng đó ra so sánh với chính tác giả, bởi lúc đó bạn đã là một chủ thể riêng biệt.

Những gì bạn tích cóp, bạn nghiên cứu đã là của bạn. Để đạt được cấp độ này, bạn cần là người đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, những kiến thức bạn dùng không chỉ từ một vài quyển sách bạn đang đọc, mà là những thứ được tích lũy trong đầu bạn, chỉ chờ cơ hội liên kết để bung ra.

5 “siêu năng lực” của những doanh nhân thành công

Với khả năng giải quyết nhiều vấn đề của thế giới, truyền cảm hứng để thay đổi xã hội và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, những doanh nhân xuất sắc nhất chính là những “siêu anh hùng” sở hữu những “siêu năng lực” đặc biệt.

5 “siêu năng lực” của những doanh nhân thành công

Kể từ năm 2007, Joe Floyd – nhà đầu tư mạo hiểm, tác giả cuốn Silicon Heroes – có cơ hội làm việc thường xuyên với nhiều doanh nhân và nhà đầu tư xuất sắc. Trong quá trình đó, ông đã phỏng vấn những CEO, nhà đầu tư của các startup thành công nhất để tìm ra những nét chung giúp họ thành công trong kinh doanh, nhằm truyền cảm hứng cho những thế hệ doanh nhân trẻ.

Và sau đây là 5 loại “siêu năng lực” của các doanh nhân thành công – những người được Joe Floyd ví là những “siêu anh hùng”:

1. Đam mê

Quá trình khởi nghiệp luôn mang đến nhiều thách thức mới mẻ và bất ngờ nhưng những doanh nhân giỏi luôn sở hữu một ngọn lửa đam mê giúp họ vượt qua tất cả những trở ngại này.

Niềm đam mê không chỉ là tình yêu dành cho sản phẩm, đội ngũ hoặc thị trường mà còn là sự tuân thủ các nguyên tắc làm việc và sự quyết tâm để duy trì nỗ lực trong một quãng thời gian dài. Đồng thời, niềm đam mê cũng có khả năng lây lan, là chất keo gắn kết những người xa lạ với nhau và giúp họ thành công trên con đường khởi nghiệp.

2. Uy tín

Doanh nhân luôn có trách nhiệm phải chiêu mộ nhân tài cho đội ngũ, tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án và “săn lùng” khách hàng cho sản phẩm. Và để làm được điều đó, họ phải là người có uy tín, có khả năng khiến người khác thấu hiểu và cùng đồng hành với tầm nhìn, sứ mệnh của mình.

Ở những giai đoạn đầu của doanh nghiệp, uy tín của doanh nhân rất quan trọng đối với việc tìm kiếm những nhà đồng sáng lập, tài trợ hạt giống và những khách hàng thử nghiệm ban đầu. Ở những giai đoạn sau, doanh nhân càng cần có uy tín lớn để thực hiện các hợp đồng quan trọng, duy trì các mối quan hệ đối tác hay trình bày tầm nhìn tại nhiều hội nghị.

3. Tốc độ

Tốc độ là một trong những thế mạnh của công ty startup so với những doanh nghiệp đã được thành lập nhiều năm. Những doanh nhân giỏi luôn tận dụng thế mạnh này bằng cách tối đa hóa tốc độ thực hiện quá trình từ xây dựng mô hình kinh doanh, đo lường sự gắn kết khách hàng đến vận hành công ty, học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm từ những sai lầm.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ nữa là sự phối hợp. Doanh nhân thành công luôn đảm bảo rằng một khi quyết định đã được đưa ra, tất cả mọi người đều sẽ đồng lòng lèo lái con thuyền về cùng một hướng.

4. Tập trung

Một “siêu năng lực” nữa của các doanh nhân thành công là khả năng tập trung cao độ để sử dụng quỹ thời gian và các nguồn lực có giới hạn của mình sao cho hiệu quả nhất. Vì thế, họ không được phép mất tập trung và đầu tư lãng phí vào những thứ không cần thiết.

5. Khả năng “bay”

Những nhà sáng lập thành công nhất sở hữu một tinh thần nhạy bén giúp họ “bay” qua những khó khăn, thử thách một cách dễ dàng. Họ chủ động tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia, sự giúp đỡ từ những người trong mạng lưới quan hệ xã hội và những ý tưởng mới từ việc đọc sách.

Những nhà sáng lập xuất sắc nhất có một khát khao vô tận đối với việc học hỏi và có khả năng tổng hợp thông tin mới một cách nhanh chóng và sáng tạo để áp dụng vào công việc kinh doanh. Họ biết cách “đứng trên vai” mạng lưới của mình cho đến khi thật sự có thể “bay cao”.

CEO Microsoft tiết lộ điểm quan trọng cần có để thành công

“Bằng việc trải qua những sai lầm, bạn sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn khả năng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của người khác”, CEO Microsoft Satya Nadella nói.

CEO Microsoft tiết lộ điểm quan trọng cần có để thành công

Satya Nadella tại một sự kiện hồi năm 2016. Ảnh: Mike Blake/Reuters

Khi Satya Nadella 25 tuổi, lúc trả lời một cuộc phỏng vấn xin việc, ông đã thất bại trong việc thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy đặc điểm mà hiện tại ông nói rằng đóng vai trò quan trọng trong thành công của mình. Đó là khả năng đồng cảm.

“Khả năng đồng cảm chỉ được xây dựng thông qua trải nghiệm sống. Nó không phải là một khả năng trời phú”, Nadella nói trong chương trình Freakonomics Radio của đài WNYC, “Bằng việc trải qua những sai lầm, bạn sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn khả năng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của người khác”, ông chia sẻ.

Nadella cho rằng “sự đồng cảm có thể giúp bạn trở thành bậc cha mẹ tốt, một đồng nghiệp tốt và một đối tác tốt”.

Trước khi bắt đầu khoảng thời gian làm việc kéo dài 22 năm cho đến nay tại Microsoft (từ năm 1992), Nadella đã tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc và được hỏi “Bạn sẽ làm gì khi nhìn thấy một em bé đang khóc vì vừa bị ngã?”.

Lúc đó, Nadella cố gắng tiếp cận câu hỏi dưới góc nhìn của một kỹ sư. “Tôi nghĩ rằng đây là một trong những câu hỏi mẹo, và có lẽ nó ẩn chứa một thuật toán nào đó mà tôi không nhận ra, rồi sau đó tôi trả lời ‘Tôi sẽ gọi 911’. Vị quản lý đáp lại: ‘Đây là một đáp án tệ’”.

Vị quản lý sau đó nói với Nadella: “Nếu bạn thấy một em bé bị ngã, bạn nên đỡ chúng dậy và ôm chúng vào lòng”.

“Tôi đã bị dằn vặt khi nhớ lại giây phút đó, tự hỏi rằng làm thế nào mà tôi lại không nhận ra điều đó”, Nadella kể.

Chỉ vài năm sau đó, lúc 29 tuổi, Nadella nhận được một bài học khác về sự đồng cảm: Zain – đứa con đầu tiên của ông khi vừa sinh ra đã bị tổn thương não nghiêm trọng do bị ngạt trong ống nghiệm, và bị bại não. Lúc đó, trong đầu ông hiện lên những câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra với chúng tôi?”, “Điều gì đã xảy ra với tôi thế này?”…

Tuy nhiên, cuối cùng ông nhận ra rằng chẳng có điều gì thực sự xảy ra với mình cả. “Điều này chỉ thực sự xảy ra với con trai tôi. Đây là lúc để tôi bước tiếp về phía trước, nhìn cuộc sống với đôi mắt của nó và làm những điều nên làm với tư cách là một người cha”.

Sự đồng cảm không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân mà còn đóng vai trò tương tự trong kinh doanh, CEO Microsoft nhận định.

“Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự đồng cảm là một điều gì đó mà bạn chỉ áp dụng trong cuộc sống của mình, trong mối quan hệ gia đình và bạn bè, nhưng trên thực tế, nó là một ưu tiên quan trọng trong kinh doanh. Tôi nghĩ sự đồng cảm là cốt lõi của sự đổi mới và kinh nghiệm sống”, Nadella nói với Bloomberg.