Monthly Archives: March 2018

Thành công mở lối khi dám “đi ngược chiều”

Với triết lý “không có người hoàn thiện, không có việc hoàn thiện, chỉ có ý thức hoàn thiện và định hướng hoàn thiện”, Lưu Thị Thanh Mẫu – CEO Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang – đã trở thành người tiên phong, định vị doanh nghiệp mình bằng những giá trị khác biệt.

Thành công mở lối khi dám "đi ngược chiều"

Doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu – CEO Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang. Ảnh: Baodautu

“Ngược chiều” nhưng nhạy bén

Trò chuyện với Lưu Thị Thanh Mẫu giữa bộn bề công việc những ngày cuối năm, vẫn thấy ở chị sự an nhiên, điềm tĩnh của người hiểu rõ con đường sắp tới của mình, của doanh nghiệp mình, bên cạnh tư duy nhạy bén với những quan điểm độc và lạ.

Từng tốt nghiệp hai trường đại học (ngành Luật và Đông phương học), nhưng Thanh Mẫu khẳng định: “Tôi chỉ có một nghề duy nhất là kinh doanh bất động sản”. Ngay từ năm 3 đại học, Thanh Mẫu đã dấn thân vào con đường kinh doanh bất động sản. Nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh, chị đã nhanh chóng trưởng thành với nghề đã chọn.

Năm 2009, khi nền kinh tế bắt đầu “ngấm đòn” khủng hoảng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đóng cửa, Thanh Mẫu lại cùng các đồng sự thành lập Phúc Khang. Thời điểm ấy, chỉ có các dự án căn hộ được cho là còn “cửa sáng”, nhưng Phúc Khang lại chọn phân khúc đất nền vùng ven để khởi đầu, với quan điểm rằng 80% người Việt xuất thân từ nông dân.

“Thời điểm đó, việc Phúc Khang đầu tư vào phân khúc này bị nhiều người ví như đụng vào ‘xác chết’, bởi đây là phân khúc không ai làm và rất khó thành công”, Thanh Mẫu bộc bạch. Dũng cảm “đi ngược chiều”, chị đã hoạch định cho Phúc Khang một chiến lược kinh doanh bài bản và khác biệt.

Theo đó, Phúc Khang chọn hướng phát triển với mô hình đô thị sinh thái, chọn vị trí dự án với tiêu chí “bám” vào các khu vực có bán kính cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km trở lại, nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Về vấn đề tài chính, Thanh Mẫu phân tích, khi thị trường gặp khủng hoảng, doanh nghiệp phải tính đến phương án tích lũy và số đông, thay vì thu 100% giá trị bất động sản của 100 khách hàng, hãy thu 10% của 1.000 khách hàng. Như vậy, doanh nghiệp vẫn đảm bảo doanh thu và khách hàng cũng dễ dàng tích lũy để sở hữu bất động sản.

Giải pháp của Phúc Khang lúc đó đã “đánh” đúng vào nhu cầu và tâm lý của khách hàng. Các dự án do tập đoàn tham gia đầu tư như Eco Sun (Đồng Nai), Eco Village (Long An), Eco Town (TP.HCM) và đặc biệt hơn cả là Dự án Làng Sen Việt Nam tại Long An, với quy mô hơn 65 hécta, hơn 2.450 nền, dự kiến bán trong 18 tháng, nhưng chỉ sau 6 tháng đã hết hàng.

Khát vọng “nâng tầm”

Khá thành công với dòng sản phẩm khu đô thị vùng ven, đến năm 2015, Phúc Khang bất ngờ chuyển hướng đầu tư vào thị trường căn hộ. Diamond Lotus Riverside tại quận 8, TP.HCM của Phúc Khang là dự án tiên phong tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Mỹ (LEED). Nói về sự chuyển hướng này, Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ, chị muốn thực hiện khát vọng “nâng tầm” Phúc Khang, muốn làm ra các sản phẩm khó hơn, yêu cầu trình độ kỹ thuật, thiết kế, công nghệ cao hơn.

“Người Nhật đến Việt Nam mua căn hộ tiêu chuẩn Nhật thì bình thường, nhưng mua căn hộ tiêu chuẩn Mỹ mới là điều đáng nói. Điều đó giống như một món khai vị mới, kích thích để người ta phải ‘nếm’ sản phẩm. Tôi đang nghĩ đến việc thu hút Việt kiều tại Mỹ, châu Âu về Việt Nam mua căn hộ xanh chuẩn Mỹ của Phúc Khang”, Thanh Mẫu đầy tự hào khi nói về kế hoạch kinh doanh của mình. Chị tiết lộ, trong năm 2018, Phúc Khang sẽ xây dựng những căn nhà cho người Nhật theo tiêu chuẩn Mỹ tại TP.HCM.

Sự chuyển hướng của Phúc Khang không chỉ dừng lại ở câu chuyện “nâng tầm” mà sâu xa hơn còn thể hiện chữ “tâm” của doanh nghiệp trong đầu tư bất động sản. Với các giải pháp về giảm nhiệt, thông khí, tăng cường cây xanh, giảm CO2…, giải pháp về vitamin D cho trẻ để giảm bệnh tật cho thế hệ thứ 3…, những căn nhà theo tiêu chuẩn xanh của Phúc Khang được xây dựng với mục tiêu mang đến cho cư dân cuộc sống xanh ngay trong chính căn hộ của mình.

Sự tiên phong luôn đi kèm với khó khăn. Khó khăn lớn nhất của Phúc Khang khi chọn đầu tư căn hộ tiêu chuẩn xanh là sự hoài nghi của khách hàng về kinh nghiệm trong đầu tư căn hộ tiêu chuẩn xanh của Tập đoàn, hơn nữa, dòng sản phẩm này cũng chưa từng được đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Phúc Khang đã xóa tan những hoài nghi đó bằng chính những sản phẩm của mình. Đến thời điểm hiện tại, Dự án Diamond Lotus Riverside đã được hoàn thiện, 100% sản phẩm được khách hàng đón nhận.

Nỗ lực xúc tiến đầu tư

Những nỗ lực trong hành trình đi tìm sự khác biệt của Phúc Khang Corporation đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư từ đất nước mặt trời mọc. Cuối năm 2017, Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản đã chính thức “bắt tay” cùng Phúc Khang thành lập liên doanh Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) theo tỷ lệ góp vốn Mitsubishi 49%, Phúc Khang 51%.

Khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018 có giá trị 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8, TP.HCM. Sau đó, liên doanh này sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD, với tổng quy mô 20 ha trong khu vực trung tâm TP.HCM và 1.000 ha ở các vùng lân cận, có bán kính cách TP. HCM 20 – 30 km.

Nhắc lại “mối lương duyên” với Mitsubishi, Thanh Mẫu cho biết, đến bây giờ, chị vẫn xem đó như một giấc mơ, bởi chưa bao giờ nghĩ Phúc Khang có thể bắt tay với một đối tác lớn như vậy.

Thanh Mẫu kể, cuối năm 2014 – 2015, sau khi thành công với Dự án Làng Sen Việt Nam tại Long An, được biết Học viện Matsushita (Nhật Bản) tổ chức khóa học cho các doanh nhân nước ngoài, Lưu Thị Thanh Mẫu quyết định “khăn gói” sang Nhật.

“Khóa học đã dạy tôi rất nhiều, từ những việc tưởng chừng đơn giản như cách quét rác quanh Học viện, đến việc pha trà đạo, học kiếm đạo và những bài học về đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Những điều đó đã giúp tôi nhận thức rõ hơn về nước Nhật, về triết lý kinh doanh của người Nhật, về những giá trị đạo đức có sức mạnh trên cả những quy định của luật pháp…”, Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ.

Sau đó, Lưu Thị Thanh Mẫu đã chủ động xúc tiến đầu tư bằng nhiều chuyến đi sang Nhật. Trong lần làm việc với Tập đoàn Mitsubishi, Thanh Mẫu đã tạo ấn tượng mạnh với phía đối tác bằng bài trình bày về khát vọng và chiến lược kinh doanh của mình. Đặc biệt, những triết lý kinh doanh của Thanh Mẫu có nhiều điểm tương đồng với Mitsubishi. “Sau bài trình bày, vị lãnh đạo cao cấp của Mitsubishi đã bắt tay tôi và nói, ông ấy rất ấn tượng về Phúc Khang”, Thanh Mẫu bồi hồi kể lại.

Những nhà khởi nghiệp trẻ bước ra từ ngõ hẹp

Có vài trăm triệu đồng mang ra thử nghiệm ý tưởng có thể là quyết định nhất thời của tuổi trẻ nhưng họ không có ý phiêu lưu mà quyết tâm đi tới bằng tư duy sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm gần gũi cuộc sống.

Những nhà khởi nghiệp trẻ bước ra từ ngõ hẹp
TCS đưa các sản phẩm ngải cứu và máy hơ ngải cứu TCS đến các hội chợ để giới thiệuvới người tiêu dùng

TCS đưa các sản phẩm ngải cứu và máy hơ ngải cứu TCS đến các hội chợ để giới thiệuvới người tiêu dùng

Làm đúng những gì chưa đúng

Xuất thân là dân chế tạo máy, Hà Văn Lộc từng làm việc cho một công ty sản xuất nệm. Thích những loại thảo dược, biết trong y học cổ truyền người ta đốt ngải cứu hơ vào các huyệt đạo trị được nhiều bệnh, anh cùng bạn bè nghĩ đến việc làm sản phẩm từ cây thuốc này.

Đầu tiên nhóm tìm học công thức làm viên ngải cứu và cách hơ ngải cứu. Thời điểm đó trên thị trường đã có máy hơ ngải cứu, nhưng giá đến 3 triệu đồng. Lộc nghiên cứu làm máy giá rẻ hơn.

Chiếc máy hơ ngải cứu TCS thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng ra đời, ưu điểm là có ống đựng viên ngải cứu giúp tàn không bị rơi ra ngoài, vỏ máy bằng gỗ (thay vì bằng nhựa như máy đang có trên thị trường), giữ nhiệt giúp thời gian hơ được lâu hơn, điểm thoát khói tập trung nên hơi nóng và lượng dược chất vào một huyệt đạo tốt hơn. Máy hơ ngải cứu TCS là sản phẩm thành công đầu tiên của Lộc và nhóm cộng sự, bán giá 1,6 triệu đồng, được khách hàng đón nhận.

Có máy hơ ngải cứu rồi, công việc nghiên cứu viên, nhang ngải cứu thuận lợi hơn nhiều. Đốt thử nhang ngải cứu đang bán trên thị trường, Lộc cảm nhận khói bốc ra không rõ mùi, thậm chí có loại còn có mùi khó chịu. Tìm hiểu cách làm của người khác, Lộc nhận ra các loại nhang ngải cứu đó có keo kết dính, đó là nguyên nhân gây mùi khói khó chịu.

Nhang nguyên chất ngải cứu giữ được màu xanh diệp lục là tiêu chuẩn Lộc và nhóm cộng sự đặt mục tiêu phải làm cho được. Sau nhiều lần thất bại, nhóm đã thành công. Đưa một số người dùng thử, ai cũng cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của ngải cứu, nhang ngải cứu có độ nóng cao, dễ dàng thấm sâu vào huyệt đạo.

Năm 2016, Hà Văn Lộc và nhóm cộng sự tự tin giới thiệu cho nhiều người dùng hai loại nhang nguyên chất ngải cứu: loại viên ngắn dùng cho máy hơ ngải cứu TCS (dùng được cho cả các loại máy khác) và loại dài cầm tay hơ theo cách truyền thống.

Tự tin mình đã làm đúng những gì chưa đúng của loại sản phẩm từng có trên thị trường, Lộc đem máy hơ ngải cứu và viên ngải cứu tham gia cuộc thi Nhà sáng tạo xuất sắc nhất (Best Innovator Award) năm 2016. Đây là cuộc thi do Chương trình Praxispartnership của Đại học Leipzig (Đức) phối hợp với Đại học Việt Đức và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM tổ chức dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân và nhóm khởi nghiệp.

Vượt qua 30 đội dự thi, máy hơ ngải cứu và viên ngải cứu TCS của Hà Văn Lộc giành giải nhất. Phần thưởng 20 triệu đồng không lớn nhưng giá trị lớn nhất là Lộc đã có được “bảo chứng” khẳng định chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm của Lộc còn được các chuyên gia Đức hỗ trợ quảng bá tại thị trường Đức và được người dùng Đức đánh giá cao. Từ đó giúp nhóm tham khảo nhu cầu từ thị trường châu Âu để có kế hoạch tiếp cận, nhưng trước mắt, từ các tín hiệu tích cực đó, nhóm quyết định thương mại hóa ngay sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

Niềm vui tiếp tục đến khi sau cuộc thi, Lộc được Trung tâm Ươm  tạo nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ đất trồng ngải cứu sạch, được tạo điều kiện về máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm để nghiên cứu sản phẩm mới, được các chuyên gia giỏi hướng dẫn.

Chương trình Hỗ trợ đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã dành 700 triệu đồng cho Công ty TNHH Sài Gòn TCS của Lộc. Tất cả hỗ trợ đó đã tiếp động lực cho TCS trong năm 2017 đưa ra thị trường thêm hai sản phẩm mới là nhang hỗ trợ điều trị, phòng ngừa viêm xoang và tinh dầu giả hương sả chanh.

Bước vào một lĩnh vực không được cho là “dễ ăn”, nên dẫu “ngõ hẹp” nhưng không nhiều người đi nên vẫn rộng lối bước tới. Lộc cho biết hiện mỗi tháng TCS bán được hơn 1.000 hộp viên ngải cứu. Nhưng theo tính toán của Lộc, TCS hiện mới đạt khoảng 5% thị phần viên ngải cứu.

Một thị trường lớn mà Lộc đang hướng tới là các bệnh viện y học cổ truyền và hàng ngàn phòng khám đông y ở các tỉnh, thành, nhưng vấp phải khó khăn là đưa sản phẩm đi xin chứng nhận “sản phẩm an toàn cho sức khỏe” thì được cho biết là tiêu chuẩn Việt Nam chưa có qui định về khói nên không cơ quan nào kiểm định.

Lộc chia sẻ: “Nếu trong nước không làm được thì ra nước ngoài kiểm nghiệm. Tốn kém nhưng phải làm để công bố chất lượng sản phẩm có cơ sở khoa học rõ ràng, như vậy mới thuyết phục được các cơ sở y tế và người tiêu dùng về lâu dài”.

Xà bông Cocosavon tham gia hội chợ

Xà bông Cocosavon tham gia hội chợ

Nuôi nghiệp nhờ lòng tốt của khách hàng

Dám nghĩ, dám làm là tố chất cần có của người khởi nghiệp. Thất bại ba lần bốn lượt vẫn còn đủ ý chí khởi nghiệp. Đó là chuyện của chàng trai 8X (sinh năm 1986) Nguyễn Trung Đức – người sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Cô Ba.

Đang làm cho một công ty xuất khẩu nông sản, năm 2010, thấy dầu dừa trắng do nhiều cơ sở sản xuất được ưa chuộng vì có thể dùng làm thực phẩm, mỹ phẩm, Đức bỏ việc, đi phân phối dầu dừa, nhưng công việc không bền.

Tình cờ nói chuyện với vài thương nhân nước ngoài làm việc lâu năm trong lĩnh vực quà tặng và hàng tiêu dùng tại Việt Nam, một người Nhật đặt vấn đề với Đức sản xuất loại xà bông mang thương hiệu và hồn quê Việt Nam.

Từ đó, Đức ấp ủ sản xuất mẫu xà bông thảo mộc sử dụng nguyên liệu tự nhiên có ở các miền quê Việt Nam, như dầu dừa, dầu tràm, dầu quế, bột chùm ngây, bột nghệ, cám gạo, rau má, nhàu, khách hàng dùng cảm thấy không chỉ sạch, an toàn mà còn tốt cho da, và quan trọng là nhận được cả giá trị vật chất xứng đáng lẫn giá trị văn hóa như một món quà trong mỗi bánh xà bông.

Năm 2013, Đức tìm hiểu cách làm xà bông trong, loại bỏ chất hại da, thêm vào thảo mộc tự nhiên. Công thức tưởng đơn giản nhưng bắt tay vào làm thì trầy trật “lên bờ xuống ruộng”.

Đức đặt máy nhỏ làm thử nghiệm cả chục lần, mỗi lần cho ra khoảng 5 kg xà bông thương hiệu Cocosavon. Nâng niu từng bánh xà bông thành phẩm trong suốt, cứng cáp, đặc biệt không bị vữa nhanh khi gặp nước, Đức liền mang đi chào hàng. Một nữ khách hàng chuyên phân phối hàng tiêu dùng nói với Đức: “Xà bông này nên bán theo dạng hàng cao cấp, quà tặng ở các shop, spa, hay các khu du lịch, trung tâm thương mại” và cô đặt 10.000 bánh chuyển ra Hà Nội.

Đức vui khôn xiết, đặt máy lớn để làm khối lượng nhiều, nhưng không ngờ kết quả sản phẩm không giống như làm thử nghiệm, dù áp dụng đúng công thức. Ra đến Hà Nội thì xà bông chảy hết. Hàng bị trả về, mất cả vốn. Phân tích lại cách sản xuất, Đức hiểu ra, sản xuất khối lượng nhỏ dễ kiểm soát nhiệt độ nên xà bông đạt độ cứng, bền. Điều động viên Đức lúc đó là cô khách hàng không bỏ, ngược lại khuyến khích Đức làm lại.

Cảm kích trước tấm lòng ấy, Đức quyết tâm làm lại nhưng lúng túng chưa biết kiểm soát thời gian đông cứng xà bông khi sản xuất số lượng lớn. Không tự giải thích được mình sai chỗ nào, Đức mang xà bông đến Trường Đại học Bách khoa gặp một giảng viên hóa nhờ giúp đỡ và sẵn sàng trả tiền.

Giảng viên này yêu cầu Đức cho xem công thức sản xuất xà bông, hẹn sẽ trả lời. Lần sau đến, vị giảng viên ấy không tư vấn mà tỏ ý thích thú công thức sản xuất xà bông của Đức và dự định tự làm. Đức mất niềm tin, không dám hỏi ai nữa, tự mày mò khắc phục!

Trong thời gian sửa sai, Đức chưa dám giới thiệu sản phẩm cho khách hàng mới, mà vẫn trông cậy vị khách hàng khó tính nhưng tử tế kia, nhờ cô tiếp tục là người thẩm định chất lượng. Thấy sự chân thành của Đức, cô khách hàng kiên nhẫn đặt hàng sau mỗi lần Đức sửa sai với điều kiện sản phẩm chưa hoàn chỉnh thì trả về.

Hơn một năm xà bông bị trả về do hai lần mềm, hai lần nhão, hai lần do đóng gói bao bì không kỹ, một lần xà bông thôi màu. Trả giá cho sự làm sai trong hơn một năm, chi phí không thể đo lường vì với người khác nó không là số tiền lớn, nhưng với Đức vốn liếng chắt chiu để khởi nghiệp là cả gia tài.

Đến nay, Đức đã hoàn thiện chất lượng xà bông thảo mộc, có 5  nhà phân phối  trong nước, bán hàng bằng thương hiệu Cocosavon, còn khách hàng gia công nhiều hơn, phần lớn làm hàng xuất khẩu và Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Cô Ba cũng có riêng vài khách hàng nước ngoài. Nhưng đối với Đức, cô khách hàng đầu tiên là một người ơn trong bước đầu lập nghiệp đầy khó khăn.

Bám đúng định hướng, xà bông Cocosavon gói cả giá trị vật chất lẫn giá trị văn hóa như một món quà, Đức đưa khung cảnh đậm chất dân gian Việt Nam lên vỏ hộp gắn với nguyên liệu đặc trưng từng vùng miền, như nông dân hái trà ở Bảo Lộc, hái nhàu ở Nam bộ, cô gái vườn dừa Bến Tre, hoa hoàng lan ở phố cổ Hà Nội…

Xà bông Cocosavon có mặt trong các gian hàng quà tặng ở các shop, spa, các khu du lịch, trung tâm thương mại, đã theo khách du lịch đi khắp nơi.

Đã có được thành công bước đầu, đặt tâm huyết cho giai đoạn phát triển tới, Đức bộc bạch, lý do đặt tên Công ty là Cô Ba vì rất yêu quý thương hiệu xà bông Cô Ba nổi tiếng trước kia ở Sài Gòn.

Không dùng hình ảnh hay thương hiệu Cô Ba trên sản phẩm, tên Cô Ba chỉ là cách Đức tự nhắn nhủ mình cố gắng xây dựng một thương hiệu xà bông Việt Nam uy tín, nổi tiếng theo xu hướng mới: xà bông thảo mộc, xà bông là sản phẩm dưỡng da, làm đẹp.

Startup trẻ Nguyễn Đức Máy và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Xuất thân là dân công nghệ, KS. Nguyễn Đức Máy – nhà đồng sáng lập startup Demeter lại được biết đến như là người gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp.

Startup trẻ Nguyễn Đức Máy và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Nguyễn Đức Máy phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới ở Bangkok, Thái Lan Ảnh: Digital Age Mag

Thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào nông nghiệp, Nguyễn Đức Máy cùng các cộng sự đang góp phần thay đổi cách canh tác ở Việt Nam.

Lên đồi, xuống phố

Tháng 10/2015, sau khi trở thành quán quân Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2015 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức với đề án Giải pháp nông nghiệp thông minh, Nguyễn Đức Máy và Phạm Ngọc Anh Tùng (một trong những thí sinh đoạt giải Lương Văn Can mùa đầu tiên) cùng các cộng sự thành lập Demeter (Công ty TNHH Công nghệ UFO), hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Ngay sau đó, Demeter hợp tác với Công ty CP Cầu Đất (Cầu Đất Farm), đem đề án này đến Đà Lạt (Lâm Đồng) để ứng dụng vào nông trại Cầu Đất. Demeter đã giúp chuyển đổi Cầu Đất Farm từ một nông trại truyền thống chỉ trồng trà thành một nông trại công nghệ cao với đa dạng nông sản: trà, cà phê và rau củ quả.

Nhóm tiến hành thử nghiệm trên hệ thống nhà kính 1ha, và biến Cầu Đất Farm thành nông trại đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng IoT (internet vạn vật) trong nông nghiệp. Tháng 9/2016, Nguyễn Đức Máy được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Cầu Đất Farm, rồi đầu năm 2017, được Bộ Thương mại Thái Lan mời tham gia Diễn đàn Kinh tế mới tổ chức tại Bangkok với vai trò là diễn giả của Việt Nam.

Đến tháng 5/2017, kết thúc hợp tác với Cầu Đất Farm, Máy cùng đội ngũ Demeter chuyển hướng hoạt động vào TP.HCM. Nhằm mở rộng quy mô, gọi vốn để có thêm nhiều nhà đầu tư cùng chung sức thực hiện các giải pháp công nghệ cho nông nghiệp, Demeter quyết định chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần, đồng thời mở thêm mảng thủy sản.

Nói về bước đi này, Máy chia sẻ: “Việc áp dụng công nghệ vào trồng trọt đòi hỏi giá trị đầu tư ban đầu cao nhưng cần có thời gian dài để thu kết quả. Còn với thủy sản, chúng tôi nhận thấy ngành này đang rất cần các giải pháp công nghệ cao để sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các điều kiện thị trường những nước tiên tiến”.

Tháng 6/2017, Demeter trở thành đối tác của Tập đoàn Intel trong mảng IoT cho nông nghiệp. Hiện tại, Demeter cùng với Intel và một đối tác Malaysia thực hiện giai đoạn đầu một chương trình về tôm ở Cà Mau trên diện tích 170ha. Máy cho biết, thông thường, để hợp tác với Intel, doanh nghiệp phải có doanh số trên 50 triệu USD/năm, nhưng Demeter được “đặc cách” vì mảng IoT trong nông nghiệp vẫn còn là “một vùng đất mới đang được khai phá”.

“Không chỉ ở Việt Nam, lĩnh vực IoT trong nông nghiệp còn mới mẻ cả trên thị trường thế giới. Người ta đang nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng ngành nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở 3.0. Lúc trước, canh tác nông nghiệp được thực hiện bằng máy móc với số lượng lớn, còn xu hướng bây giờ là “canh tác chính xác”, tức tưới tiêu chính xác, dự báo chính xác, sản lượng chính xác.

Thế mạnh của Demeter là phần mềm, chúng tôi tận dụng thế mạnh về phần cứng của Intel cũng như các đối tác khác của Intel để tạo ra giải pháp bền vững, tối ưu cho thị trường. Từ đó, sản phẩm có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, chẳng hạn như nền tảng bảo mật tốt.

Chúng tôi không cần xây dựng nhóm nghiên cứu nữa, mà chỉ tập trung làm việc dựa trên thế mạnh phần mềm của mình” – Máy giải thích về cơ hội hợp tác với “ông lớn công nghệ” Intel. Ba tháng qua, Demeter đang thử nghiệm các giải pháp công nghệ cho mảng trồng trọt tại Đà Lạt, Đắk Lắk, và mảng nuôi thủy sản ở An Giang, Cần Thơ.

Chủ yếu nhắm đến phân khúc B2B, nhưng nhận thấy mô hình nông nghiệp nhỏ lẻ hiện đang chiếm phần lớn trong nền nông nghiệp nước nhà, Demeter muốn góp phần bằng cách “lấn sân” sang B2C. Từ đó, giải pháp trồng trọt cho hộ gia đình D-Family ra đời. D-Family đã giành được giải “Ứng dụng xuất sắc nhất” của cuộc thi Vietnam IoT Hackathon 2017 hồi tháng 10/2017 và đã chính thức ra mắt tại sự kiện TECHFEST 2017 (ngày 14 – 15/11/2017) diễn ra tại Hà Nội.

“Từ khi mới thành lập, chúng tôi đã mong muốn những sản phẩm của Demeter đem đến giải pháp tốt cho nông dân, cho thị trường và cho các nhà đầu tư nông nghiệp. Vấn đề còn lại là thời điểm. Chúng tôi tin rằng, sau một vài năm tiếp cận thị trường, 2018 sẽ là năm nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu tạo ra những sản phẩm có giá trị vượt bậc, trong đó có các sản phẩm của Demeter” – Máy chia sẻ.

Gập ghềnh mà thú vị

“Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi bị nhiều người hỏi tại sao từ bỏ cơ hội ra nước ngoài làm việc để đi con đường bấp bênh như vậy, nhưng sau khi tôi được nhận Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, họ đã thay đổi suy nghĩ.

Sau đó, nhiều người lại hỏi tôi tại sao học kỹ sư mà lại đi làm nông nghiệp, đi “ở ẩn” trên Đà Lạt, nhưng khi tôi tạo ra được những thay đổi, có được một số thành công nhất định, họ lại nghĩ khác đi.

Sau đó, cũng có nhiều người hỏi tại sao đang làm Phó giám đốc Cầu Đất Farm lại nghỉ, chuyển hướng phát triển sang TP.HCM, nhưng tại đây, tôi gặt hái được một số thành công, họ lại thay đổi cách nhìn.

Bây giờ, con đường khởi nghiệp của tôi đã khơi dậy được tinh thần dấn thân nơi nhiều bạn bè, họ cũng bắt đầu “bắt chước” theo. Chính tôi cũng từng được truyền cảm hứng bởi những người dám dấn thân như vậy, chẳng hạn như trưởng nhóm Demeter” – Máy kể.

Tạm gác lại “bầu trời sự nghiệp rộng lớn trước mắt” để làm một điều gì đó khác biệt so với “khuôn mẫu bình thường”, Máy tự nhận thấy con đường khởi nghiệp quả là gập ghềnh, thậm chí bấp bênh, nhưng rất thú vị, giúp chàng kỹ sư cơ điện tử 25 tuổi trưởng thành nhanh. Hơn hai năm khởi nghiệp, nếu xét ở lĩnh vực tài chính, Máy cho biết điều mình thu được là… nợ nần.

Máy đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian để đi xuyên Việt, đi đến nhiều nước để học hỏi những điều mới. “Khi còn trẻ, trái tim còn giàu nhiệt huyết, trí óc còn ham học hỏi, tôi tự nhận thấy mình phải đi để thấy những mô hình mới mẻ rồi áp dụng vào thực tế ở địa phương mình. Nếu chỉ quanh quẩn trong một môi trường thì sẽ bị “phân vùng hóa”, không phù hợp với xu hướng thời đại” – Máy bộc bạch.

Nhờ được va đập, trải nghiệm khá nhiều lĩnh vực trên con đường khởi nghiệp, Máy cho biết cái “được” lớn nhất là niềm vui vì thấy được mục tiêu sống lớn nhất. “Tôi rất thích câu nói “Bạn có thể kiếm nhiều tiền hơn, nhưng không thể có nhiều thời gian hơn”. Thời gian của chúng ta vốn hữu hạn, nhưng nhiều người lại nghĩ nó là vô hạn.

Họ nghĩ những phần việc không làm hôm nay thì có thể để ngày mai, nhưng nếu ngày mai họ làm, thì họ lại bỏ mất một cơ hội nào đó, như gặp được một người giỏi, biết được một điều thú vị nào đó. Không một ai, không một công nghệ nào giúp biết được ngày mai, vì vậy, khi đang có thời gian, hãy hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Còn sự giàu có thì có thể ập đến bất cứ lúc nào” – Máy vui vẻ chia sẻ.

Hành trình khởi nghiệp của nhà đồng sáng lập Demeter chưa dừng lại ở đó, hiện Máy còn giữ vai trò tư vấn cho một số chương trình có liên quan đến lĩnh vực du lịch, giáo dục và nông nghiệp tại quê hương là tỉnh Thừa Thiên – Huế.

“Chúng tôi kỳ vọng Demeter gọi vốn thành công, thậm chí có thể tiến tới vòng Series B, Series C để khi có đủ nguồn lực, nền tảng Demeter có thể được ứng dụng không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn mở rộng ra các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia – những quốc gia có nền nông nghiệp mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam” – Nguyễn Đức Máy nói về những kỳ vọng gửi gắm vào Demeter.

CEO Bùi Hải An: 32 tuổi và 3 lần khởi nghiệp

Dù đã có 2 startup thành công là TGM Corporation và Silicon Strais Saigon (SSS), song CEO Bùi Hải An, năm nay 32 tuổi, vẫn quyết tâm tiếp tục khởi nghiệp lần thứ 3 với mục tiêu đầu tư phát triển phần mềm đúng nghĩa.

CEO Bùi Hải An: 32 tuổi và 3 lần khởi nghiệp

Bùi Hải An (bên trái) và Silicon Strais Saigon. Ảnh: Vietnam Centre Point

Bên cạnh đó, Bùi Hải An còn là người xây dựng nên CognitoCRM – giải pháp quản lý khách hàng và tự động hóa marketing cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Là một trong 6 startup được chọn để trình diễn phần mềm của mình cho cựu Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Việt Nam, CEO Bùi Hải An đã khởi nghiệp lần thứ ba với MSV, với quyết tâm đầu tư phát triển phần mềm đúng nghĩa.

* SSS đã được 7-Eleven chọn để hoàn thiện phần mềm cho chuỗi cửa hàng tiện lợi khi đổ bộ vào Việt Nam, cách làm khác biệt nào đã giúp anh tạo hiệu quả cho 7-Eleven? 

Lúc đó, 7-Eleven đang muốn trở thành công ty có phần mềm mạnh nhất trong các chuỗi bán lẻ, họ đứng giữa hai lựa chọn: Một là mua lại công nghệ của Nhật, hai là làm lại từ đầu. Tuy nhiên, hệ thống của Nhật đã lỗi thời, nếu có mua thì mọi thứ đều phải đợi và chi phí lại cao. Trong khi đó, mức độ sử dụng công nghệ của người dùng Việt Nam đã cao hơn nhiều.

Khác với các công ty chuyên bán phần mềm có sẵn, chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ gồm 40 người để viết phần mềm riêng cho 7-Eleven với mục tiêu là sẽ đi lâu dài với chuỗi cửa hàng bán lẻ này. Tôi phải đứng trên vai trò của một nhà kinh doanh để từ đó tìm ra vấn đề của công ty đối với phần mềm. Phải thực sự hiểu hệ thống phân phối đang vận hành thế nào, để chính mình tự viết yêu cầu kỹ thuật cho công ty, thì lúc đó mới phù hợp.

Làm ứng dụng khách hàng thân thiết hiện chỉ có Vinmart và 7-Eleven thôi. Làm app phải kết hợp với việc bán sản phẩm ở dưới cửa hàng. Người nhân viên phải thích nghi với app, không phải cứ có app là biết xài ngay, mà phải đi cùng mục tiêu kinh doanh của 7-Eleven.

Xét về bản chất, SSS là bộ phận về công nghệ của 7-Eleven, nên mới kết hợp được giữa công nghệ và digital marketing, giúp mình nhìn tổng thể và có đất diễn đầy đủ. Mọi người cực kỳ ngạc nhiên khi lễ khai trương cửa hàng 7-Eleven có tiếng vang lớn như vậy. Chúng tôi phải xây dựng từ mấy tháng trước, làm khác người ta, mới tạo ra hiệu ứng tốt.

May mắn là chúng tôi được đặt đúng vai trò, được tin tưởng. Chúng tôi không chỉ đơn thuần là nhà cung cấp dịch vụ mà là hợp tác lâu dài, mạnh mẽ với 7-Eleven. Trong khi đó, hầu hết đối thủ cạnh tranh chỉ mua công nghệ về xài, khó đi sâu vào kinh doanh. Quan trọng là có dự án tốt, có mục tiêu thú vị.

Tôi đưa cho các bạn trẻ mục tiêu xây dựng hệ thống bán lẻ thông minh nhất Việt Nam. Mục tiêu đó giúp thu hút được những bạn trẻ đầy tâm huyết và giỏi nghề. Nhiệm vụ đặt ra đối với các bạn là phải tự viết yêu cầu kỹ thuật cho công ty, tự xây dựng yêu cầu, phát triển nó lên. Đây là môi trường tốt cho các kỹ sư công nghệ.

ceo-bui-hai-an-doanhnhansaigon.jpg

* Được biết trước đây, SSS cũng đã tư vấn cho hãng taxi Indonesia Bluebird, để giải bài toán cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ?

Câu chuyện này xảy ra trước khi Grab và Uber đến Việt Nam. Cuộc chiến bên Indonesia khốc liệt hơn nhiều. Thế mạnh của Bluebird là sở hữu 35.000 xe và có bến bãi y như Vinasun, Mai Linh bây giờ. Khi Grab và Uber đổ bộ vào Indonesia, cổ phiếu của Bluebird rớt thê thảm.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra với chúng tôi là lý do gì khách hàng không xài Bluebird mà lại dùng Uber, Grab? Bóc tách những tính năng về sự thuận tiện, về giá cả, về độ tin tưởng… để giải quyết chuyện mà taxi truyền thống không có bằng công nghệ.

* Theo anh, vì sao bây giờ Mai Linh, Vinasun cũng có app, cũng có công nghệ, nhưng khách hàng vẫn không dùng nhiều?

Cách đây 2 năm, khi làm việc với Bluebird, chúng tôi đặt công nghệ thành một phần trong chiến lược và có ảnh hưởng tới mọi chiến lược chung. Mới đầu, họ chưa nghĩ chúng tôi có thể giúp được nhiều.

Bluebird cũng là công ty gia đình và có người cháu đi học nước ngoài về, tư tưởng rất mở. Trong quá trình làm việc, chúng tôi bắt đầu đặt câu hỏi, nhưng bạn ấy không trả lời được, chỉ đáp: “Những điều này phải để Hội đồng quản trị trả lời”. Nhưng trước giờ chưa có ai trong Hội đồng quản trị là dân công nghệ hết, cũng chưa có ai đứng ra dám thách thức họ phải làm cái này cái kia.

Họp với Hội đồng quản trị của Bluebird hàng tháng trời để bàn xem kinh doanh đi về đâu. Ban đầu họ rất bảo thủ, mình phải kiên trì giải thích, vì Hội đồng quản trị toàn những ông bà tỷ phú, triệu phú. Dù rất “khớp”, nhưng tinh thần của cả đội rất mạnh mẽ, vì đều thích thử thách.

Cũng giống Vinasun, taxi truyền thống Bluebird phải đóng thuế, trả lương tài xế, thậm chí tài xế không rành công nghệ. Tôi liệt kê hết các vấn đề, trên xe có đồng hồ rồi, mình phải kết nối với đồng hồ để tính tiền đúng chứ không ước chừng như Grab và Uber.

Trước giờ mọi người chưa hình dung nếu lên taxi rồi mới mở app ra để thấy mọi chuyện thì sao? Chúng tôi giải quyết được vấn đề này, để khách hàng biết ông tài xế là ai, đánh giá sao được liền. Còn Vinasun và Mai Linh chưa làm được điều đó.

* Nếu bây giờ, anh được ngồi cùng Hội đồng quản trị Vinasun, Mai Linh, anh sẽ làm gì? 

Với sự may mắn là thấy được cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ ở các thị trường khác, đầu tiên, tôi muốn giúp Hội đồng quản trị của Vinasun hoặc Mai Linh có được cách hiểu đúng về công nghệ. Từ đó sẽ cùng nhau xây dựng một chiến lược công nghệ đặc trưng cho mình, chứ không phải chạy theo các công ty taxi công nghệ khác về mặt tính năng (mà chắc chắn là sẽ không chạy kịp).

Chiến lược và chiến thuật cụ thể sẽ tùy tình hình, năng lực sẵn có và quan trọng hơn là tầm nhìn tương lai của các công ty. Tuy nhiên, vai trò chính của chúng tôi sẽ cố gắng để đưa thêm các góc nhìn, cũng như tạo ra những cuộc thảo luận chiến lược về công nghệ như là một vũ khí để cạnh tranh, nhưng cần dùng một cách phù hợp.

* Nghe đâu anh đã bán team này cho một công ty taxi công nghệ khác?

Đầu năm ngoái chúng tôi bị ngưng dự án đó dù đã giúp được Bluebird nhiều, nhưng cuối năm họ chần chừ chưa biết ký tiếp với chúng tôi như thế nào. Chúng tôi lập tức phải tính đường khác ngay.

Thời điểm đó chúng tôi cũng tranh luận rất nhiều có nên bán không? Cũng khó quyết định vì ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Team 25 người, toàn kỹ sư xịn, lương mỗi tháng hơn 1 tỷ. Nếu dự án dừng lại không có tiền trả lương, ảnh hưởng thu nhập các bạn.

4 bạn sáng lập quyết định cuối cùng sẽ bán. Bán không vui lắm, vì nếu tiếp tục với BlueBird sẽ vui hơn, nhưng họ chần chừ, chậm chạp… Một cách nào đó, đứng ở góc độ một cổ đông, mình không thể ngăn chặn quyết định này.

* Công việc ở SSS đang tiến triển tốt, vì sao anh lại muốn khởi nghiệp lần thứ ba với MSV, số hóa mọi hoạt động của nhân sự và phúc lợi? Phải chăng anh là người thích của lạ?

SSS hoàn thành sứ mệnh của nó rồi. Lập ra năm 2013, tạo ra sân chơi cho các lập trình viên có thể tham gia các dự án quốc tế, thời điểm cao nhất lên đến 200 người, các bạn phát triển kỹ năng lên rất nhanh, từ 3 đến 4 năm là khác hẳn. Hiện SSS có các bạn đứng quản lý, điều hành thay tôi rồi. Tôi chỉ tạo không gian cho các bạn làm tiếp.

Tôi cảm thấy chuyện làm dịch vụ cũng đủ rồi, muốn cho mình thử thách mới. Làm công ty công nghệ, tự xây dựng sản phẩm, tự đi bán…Quay lại định hướng nghề nghiệp, ở góc độ khởi nghiệp, có thất bại, có thành công, bán được công ty tầm hơn 1 triệu USD, chia lại cho anh em hết, tôi bắt đầu tự hỏi với bản thân là mình muốn thử thách điều gì tiếp?

Trước đây tôi chỉ là dân kỹ sư thuần túy, sau 5 năm tôi học được đủ thứ, xây dựng một công ty ban đầu 6 người, hai năm sau phát triển lên 100 người. Tôi học được cách quản trị thế nào, xây dựng văn hóa và thay đổi hướng đi khi xu hướng thay đổi, học cách giải quyết để đi tiếp, học kỹ năng bán hàng. Đặc biệt tôi biết cách marketing cho doanh nghiệp tốt hơn.

Chặng đường mới, tôi muốn thử thách bản thân. Tôi vừa là CEO, vừa vận hành, vừa làm nhân sự, cũng như những sản phẩm khởi nghiệp trước giờ được ấp ủ và xây dựng từ những quan sát thực tế, đặc biệt đến từ những “vấn đề” mà chính bản thân mình đang gặp.

Là chủ doanh nghiệp, việc có thể cung cấp những phúc lợi và quyền lợi hấp dẫn cho nhân viên luôn là một nỗi lo thường xuyên, nhất là trong môi trường kinh doanh cực kỳ cạnh tranh như hiện tại. Hơn nữa, thường bộ phận nhân sự và hành chính của các công ty lại ít có cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ để giúp cho công việc của mình dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ngoài ra còn một yếu tố phát triển của các hình thức thanh toán mới như thanh toán qua QR Code, giúp cho việc triển khai một giải pháp kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ đó tôi mới xây dựng nên giải pháp về phúc lợi cho nhân viên, để giúp các bộ  phận nhân sự và hành chính cung cấp nhiều dạng phúc lợi phong phú, hấp dẫn. Và quan trọng hơn hết, cực kỳ dễ sử dụng và giảm thiểu rất nhiều công việc giấy tờ liên quan.

* Để hiện thực hóa nó, anh cùng bạn sáng lập viên phải trải qua những thử thách lớn nào ở phía trước? 

Bất kỳ ý tưởng nào cũng sẽ đi kèm hàng loạt những thử thách liên quan đến lĩnh vực mình đang xông pha vào. Với sản phẩm hiện tại tôi đang xây dựng và sẽ tung ra khoảng tháng 3 năm nay thì một trong những thử thách đến từ việc phải đi thuyết phục các đơn vị cung cấp dịch vụ (merchant) để cho mình kết nối vào hệ thống bán hàng của họ.

Ngoài ra, thử thách từ việc xây dựng một giải pháp công nghệ cực kỳ dễ sử dụng và có tính tự động hóa cao, trong một thời gian ngắn cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và cần có một đội ngũ nhạy bén. Thử thách lớn nhất là luôn đảm bảo mình cung cấp không chỉ đúng mà phải làm tốt hơn mong đợi từ các anh chị quản lý nhân sự, tức là phải trao đổi liên tục và thường xuyên, đồng thời đọc được cả những mong muốn chưa được diễn đạt bằng lời để có thể đưa lại những “bất ngờ” trong quá trình họ sử dụng sản phẩm của mình.

* Trong thời đại công nghệ, nhân sự có là một ngành của tương lai, là thách thức lớn gây ra khủng hoảng doanh nghiệp? 

Nhân sự luôn là một thách thức lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Thời đại công nghệ, hay chính xác hơn là thời đại của kết nối và thông tin đang làm cho thị trường “nhân tài” trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Cho nên nếu công ty không làm đúng thì khó mà thu hút được nhân tài, cũng như giữ chân những nhân tài hiện có.

Ngoài ra, việc tạo cơ hội và điều kiện phát triển, học tập cho nhân sự để theo kịp sự thay đổi chóng mặt của tất cả các ngành đang diễn ra cũng là một thách thức rất khó cho chủ doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi chính bản thân các doanh nhân phải đi nhanh, đi trước đón đầu, hoặc phải tận dụng những sự hỗ trợ khác nhau để chính bản thân mình không lạc hậu, từ đó mới vạch ra được chiến lược cho đội ngũ của mình luôn đổi mới và sáng tạo nhằm giữ được sức cạnh tranh cần thiết.

* Nhìn vào đội ngũ 30 nhân vật khởi nghiệp được Forbes bình chọn, anh đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ trong làn sóng mới này? 

Trong đội ngũ 30 nhân vật của Forbes Under 30, tôi nhận thấy có đến 1/3 các bạn đang làm việc liên quan trực tiếp đến công nghệ, bên cạnh đó những bạn làm các công tác xã hội cũng theo cách thức công nghệ hóa rất nhiều. Tôi thấy điều này là hiển nhiên vì công nghệ gần như là một phần không thể tách rời trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội đang diễn ra.

Một trong những lý do đơn giản nhất là công nghệ đang giúp cho các bạn có cách tiếp cận nhanh nhất đến các đối tượng mình muốn phục vụ, cho dù đó là khách hàng, người hâm mộ hay những nhóm xã hội, hay các đối tượng cần tiếp cận giáo dục…

Nói một cách khác, nếu không có công nghệ, sức ảnh hưởng của các bạn sẽ khó có thể đạt được như hiện tại.

* Để tạo nên thành công đột phá trong khởi nghiệp, ngoài vai trò của công nghệ, cần một tố chất khác biệt như thế nào về tư duy, về hiểu biết trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật? 

Công nghệ về bản chất cũng chỉ là một ngành trong nhiều ngành khác, và bản thân công nghệ luôn là yếu tố hỗ trợ khai phá (enabler) cho những phát minh, sáng kiến trong các lĩnh vực còn lại. Có thể dễ nhận ra các bạn làm về công nghệ vô tình có luôn được tư duy suy nghĩ hệ thống, và nó giúp cho các bạn có thể nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn, sắp xếp được các yếu tố liên quan phù hợp, thậm chí học nhanh hơn các lĩnh vực khác nếu muốn. Rồi từ đó kết hợp các yếu tố từ nhiều lĩnh vực để làm nên sự đột phá cho mình.

Ví dụ gần gũi nhất đến từ ý tưởng khởi nghiệp hiện tại của tôi, nó đến từ kinh nghiệm về quản lý nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và kinh nghiệm vận hành. Khi đó tôi dùng công nghệ để hiện thực hóa, tự động hóa và cá nhân hóa những công việc đúng ra phải làm thủ công trước giờ.

* Liệu họ có trở thành “thế hệ millennial” như mọi người kỳ vọng? 

Thay vì chỉ kỳ vọng vào một nhóm người nhỏ, tôi nghĩ câu hỏi mọi người nên đặt ra là làm sao để xây dựng cả một thế hệ đột phá. Những bạn trong Forbes Under 30 là những tấm gương sáng để truyền cảm hứng, nhưng sự đột phá cho Việt Nam phải đến từ hàng triệu bạn trẻ khác cũng dấn thân và làm nên sự khác biệt.

* Khởi nghiệp ở tuổi đời ngoài 30, liệu anh còn giữ được sự sẵn sàng mạo hiểm, đặt tiêu chuẩn cao cho chính mình?

Với độ tuổi hiện tại, tôi nghĩ mình vẫn chỉ mới bắt đầu. Hầu hết các nhà sáng lập và CEO của các công ty công nghệ thành công thật ra đều trong khung tuổi 45-50 tuổi, chứ không phải là các bạn trẻ 20-30 như mọi người thường thấy và hiểu sai qua truyền thông. Hơn nữa với tôi, khởi nghiệp cũng là một nghề nghiệp như bao nghề khác. Nó không thiêng liêng hơn, cao quý hơn, và tất nhiên cũng cần sự trưởng thành theo thời gian như tất các cá nghề khác.

Sự mạo hiểm, đặt tiêu chuẩn cao, có tham vọng, luôn sáng tạo,… là những tính chất đi kèm của nghề này. Do đó tôi vẫn phải giữ ở mức hợp lý.

Cái thay đổi là góc nhìn của mình về cuộc sống, sự trải nghiệm và cả những trách nhiệm khác (ví dụ như gia đình) cần được cân bằng. Một sự quyết định hay lựa chọn ở độ tuổi này chắc chắn sẽ khác hơn cách đây 10 năm khi tôi mới bắt đầu, bởi vì bây giờ mình đã có thể nhìn xa cũng như cảm nhận sâu hơn với các vấn đề. Đó là cái tôi tích lũy được sau gần 10 năm theo nghiệp kinh doanh.

* Vậy cuối cùng, mục đích sống của anh là gì? 

Luôn hướng tới những thay đổi tích cực mỗi ngày. Đầu tiên là cho bản thân mình, những người xung quanh, các bạn cộng sự và xa hơn là xã hội. Đó là lý do tôi lựa chọn xây dựng các công ty với mục tiêu đầu tiên là tạo ra môi trường làm việc và phát triển cho các bạn, đồng thời xây dựng nên những sản phẩm và dịch vụ có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho khách hàng và đối tác của mình.

Hạnh phúc đối với tôi là khi thấy được những nỗ lực của mình giúp cho mọi thứ xung quanh được tốt hơn mỗi ngày. Từ đó, lựa chọn sẽ làm gì khi đứng trước các quyết định quan trọng luôn trở nên dễ dàng hơn nhiều.

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này.

 

7 điều tỷ phú Richard Branson khuyên doanh nhân đừng mắc phải

Một đế chế thành công được tạo nên từ những nhà lãnh đạo vĩ đại. Và những phẩm chất này sẽ tạo nên một nhà lãnh đạo kiệt xuất đó.

7 điều tỷ phú Richard Branson khuyên doanh nhân đừng mắc phải

Có nhiều con đường dẫn đến thành công, và với Richard Branson – người sáng lập tập đoàn Virgin – con đường đến với danh vọng của ông cũng khá độc đáo mà chắc chắn rằng bạn sẽ không thể tìm thấy chúng ở trường kinh doanh.

Richard Branson đã thành lập hơn 100 công ty kể từ khi khởi nghiệp với công ty băng đĩa Virgin năm 1970. Ông là tỷ phú sở hữu 8 công ty trị giá hàng tỷ đô la ở 8 lĩnh vực khác nhau. Thành công và sự nhiệt huyết của ông, các doanh nhân có thể học hỏi rất nhiều thứ từ Richard Branson.

Một trong những bài học quan trọng nhất là cách ông đối xử với những người trong “gia đình Virgin”. Theo Branson, “rất nhiều người nghĩ rằng doanh nhân là người làm mọi thứ một mình, vượt qua mọi thử thách và biến những ý tưởng thành thành tựu một cách cá nhân”, đó là điều không chính xác. Hầu như không doanh nhân nào có thể đạt được thành tựu mà không có sự giúp đỡ của người khác. Để thành công trên thương trường, bạn cần kết nối, cộng tác với người khác. Trong quá trình đó, đừng bao giờ mắc phải những sai lầm mà Richard Branson liệt kê dưới đây.

1. Khẳng định: Tôi là ông chủ

Trong cuốn sách Là một thành viên của Virgin: Những bí mật trường kinh doanh không dạy bạn, Branson đã nhấn mạnh rằng, “thể hiện mình là ông chủ” không phải là tính cách một người lãnh đạo nên có. Branson tin rằng, một ông chủ đơn thuần chỉ là người đưa ra mệnh lệnh, còn lãnh đạo thực sự là người tổ chức, tạo động lực và truyền cảm hứng cho người khác.

2. Quá nghiêm khắc với sự sáng tạo tự do

“Nếu bạn để cho nhân viên tự do sáng tạo, hãy đồng hành với ý tưởng của họ. Nếu ai đó chia sẻ với bạn ý tưởng kinh doanh, tại sao không yêu cầu họ cùng khởi nghiệp? Trong những năm qua, nhiều ý tưởng của nhân viên đã là nền tảng cho việc thành lập công ty mới. Điều này giúp Virgin bước vào thị trường mới và thường là thành công. Công ty của bạn hoạt động như một bàn đạp cho các nhân viên có hoài bão chứ không phải một chiếc lồng kìm hãm họ”, ông chủ hãng Virgin chia sẻ.

Sự tự do sáng tạo sẽ đem lại những kết quả không ngờ. Những đo là sau khi bạn hiểu được mục tiêu chung và văn hóa của tổ chức. Những ý tưởng và quyết định cần dựa trên cơ sở đó. Khi bạn được tự do thực hiện những thứ bạn tin tưởng, bạn sẽ dành mọi tâm huyết để đạt được kết quả tốt nhất.

3. Để các vấn đề diễn biến phức tạp

Đừng bao giờ để các vấn đề với đối tác hay các thành viên trong nhóm đi quá xa. Luôn giải quyết các vấn đề triệt để trước khi nó trở thành mâu thuẫn. Gửi tin nhắn hay email không phải là cách tốt để xử lý các tình huống. Branson tin rằng, bạn nên dành thời gian để gọi điện thoại hoặc thảo luận trực tiếp để giải quyết các vấn đề.

4. Khiến các thành viên trong team không thoải mái

Branson thường xuyên nhắc lại rằng, đừng quá nghiêm túc, hãy tạo ra một nền văn hóa vui vẻ. Khi bạn bắt đầu làm việc với đam mê, thực hiện mọi việc một cách vui vẻ, khuyến khích mọi người tạo ra không khí vui vẻ ở nơi làm việc, mọi công việc sẽ được thực hiện suôn sẻ và hiệu quả nhiều.

5. Trốn trách nhiệm

Khi Virgin Atlantic thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1984, máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp vì động cơ nổ. Vài ngày sau, ngân hàng đã đến nhà của Branson và thông báo ông phải thanh toán khoản nợ ngân hàng. Ban đầu, Branson đã cố tìm kiếm 1 ai đó để đổ lỗi cho sự thất bại. Nhưng sau đó, ông đã nhận ra rằng, với tư cách là người lãnh đạo, ông phải là người giải quyết vấn đề. Thay vì trốn tránh, cũng như Branson đã làm, người đứng đầu một nhóm phải chấp nhận trách nhiệm, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của tổ chức.

6. Bỏ lỡ những cuộc tranh luận

Trong gần 50 năm kinh doanh, Richard Branson hiểu rằng, những cuộc tranh luận về chiến lược, định hướng rất quan trọng đối với một doanh nghiệp. Vì vậy, ông luôn khuyến khích các đồng sự, nhân viên đặt ra vấn đề và tranh luận với ông cho tới khi tìm ra giải pháp phù hợp.

“Bạn buộc phải có những bất đồng với đối tác và các thành viên trong nhóm. Đừng tránh những cuộc thảo luận, dù nó có gay gắt hay mâu thuẫn quyết liệt. Những cuộc tranh luận là cơ hội để mỗi bên nói lên ý kiến của mình và thách thức lẫn nhau, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu.

7. Lãnh đạo là người vô hình trong tổ chức

Bạn có thể thường xuyên gặp Richard Branson ở bên ngoài. Ông đã thiết kế công việc kinh doanh của mình linh hoạt để có thể đi ra ngoài với một chiếc máy tính xách tay mà vẫn đáp ứng được công việc. Ông luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên và các khách hàng. Ông luôn biết cách làm cho họ hài lòng.

Thay vì ngồi cả ngày ở văn phòng, một lãnh đạo cần đi ra ngoài, xem xét thị trường và mọi thứ đang chuyển động. Đó là cách để một lãnh đạo có thể thu thập ý tưởng kinh doanh từ những người có giá trị thực sự.

Những đối tác có thể biến mất. Nhân viên có thể bỏ việc. Đó là một phần của thế giới kinh doanh. Điều đó không có nghĩa là mọi thứ phải kết thúc bằng những điều xấu. Hãy nhớ rằng, Branson đã từng trang điểm, mặc đồng phục của nữ tiếp viên vì thua cược với một đối thủ từng là nhân viên của Virgin.