Mới ra trường, các tân cử nhân rơi vào vòng xoáy nhảy việc từ công ty này đến công ty khác và điều đó ngày càng trở nên phổ biến. Người trẻ có hàng trăm lý do để giải thích cái sự “nhảy” của mình.
Môi trường không phù hợp
Chuyển tới công ty thứ 3 trong vòng chưa đầy 1 tháng, Phan Quang Tuyên – tân cử nhân Trường Đại học Thương mại – vẫn chưa thấy thỏa mãn với bất kỳ công việc nào mình đã từng trải qua.
Công việc đầu tiên là làm Công ty cổ phần HTH VN, công việc đơn giản là tìm kiếm khách hàng, làm SEO, nhưng không có lương cứng mà chỉ ăn theo doanh số. Áp lực công việc cộng với thu nhập thấp, lại còn bị trưởng phòng để ý khiến Tuyên chán nản và đành “dứt áo ra đi” chỉ sau 3 tuần.
Sau đó, Tuyên chuyển sang làm chăm sóc khách hàng cho tập đoàn chuyên về việc trực tổng đài, nhưng do công việc áp lực, mệt mỏi, có những hôm phải trực ca đêm.
Bên cạnh đó, Tuyên thường xuyên phải nhận những cuộc gọi từ nhiều khách hàng bất lịch sự và nhiều lúc còn bị trừ lương. Chàng trai trẻ làm được nửa năm lại nghỉ việc và hiện tại đang chờ đi làm tại một công ty mới.
Tuyên chia sẻ: Em cũng xác định thời gian đầu đi làm là để học hỏi kinh nghiệm là chủ yếu, nhưng làm ở đâu em cũng thấy không phù hợp cả. Nên em muốn kiếm tìm một cơ hội phù hợp với chuyên ngành của mình hơn.
Còn Hồ Thảo – cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền – vừa chia tay một công ty quảng cáo với công việc là biên tập và chăm sóc website cho công ty, Thảo chuyển sang làm ở công ty truyền thông. Làm được vài ngày cô thấy không phù hợp, Thảo đã nghỉ việc và hiện tại thì cô bạn vẫn đang thất nghiệp.
Những trường hợp như Tuyên, Hồ Thảo không phải là cá biệt.
Theo anh Đỗ Viết Tùng – Giám đốc Công ty Công nghệ Helios Việt Nam, hiện tượng các bạn trẻ “nhảy việc” là vì họ không có cơ hội để cống hiến, để tự khẳng định mình.
Những người trẻ thường có khát vọng được thăng tiến, phát triển nghề nghiệp và hưởng những quyền lợi đúng với công sức của mình nhưng những doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu đó thì họ đành “dứt áo ra đi”.
Nguyên nhân chính dẫn đến “nhảy việc” có thể từ cả hai phía . Một là môi trường làm việc không tạo cho các bạn trẻ có cơ hội phát triển, họ không nhìn ra được con đường thăng tiến của mình.
Lương không thỏa đáng, có những khoản phạt vô lý, trừ lương, công việc không đúng chuyên môn…là những lý do dẫn tới tình trạng trên.
Một phần cũng là do các bạn trẻ chưa thích nghi với công việc đã chán nản vì mới ra trường muốn thể hiện bản thân. Hơn nữa cuộc sống khi đi làm khác nhiều với cuộc sống sinh viên khiến họ khó thích nghi.Cần tôi luyện bản thân để thành công
“Nhảy việc” có thể mở ra những cơ hội mới để các bạn trẻ tìm được một môi trường làm việc tốt hơn, phù hợp với bản thân hơn, có nhiều cơ hội phát triển hơn. Quan trọng là các bạn sẽ được trải nghiệm và trưởng thành hơn.
Nhưng trên thực tế thì không có nhiều bạn trẻ mới ra trường đã có được nhạy cảm nghề nghiệp như vậy. Vì thế, việc chuyển công ty để tìm cơ hội mới đôi khi lại trở thành “thảm họa” và sau vài ba lần “nhảy”, các bạn trẻ càng cảm thấy chông chênh và mất phương hướng.
Để hiểu đúng thì “nhảy việc” không phải là “mốt” mà những sinh viên mới tốt nghiệp đang mải miết chạy theo mà sự thực là họ đang loay hoay tìm hướng đi đúng cho tương lai của mình. Nhưng điều đó đã trở thành vấn đề lớn cản trở mục tiêu nghề nghiệp của các bạn.
Quả thực, nhiều bạn trẻ mới ra trường thường thiếu kiên nhẫn, gặp thử thách trong công việc mới là dẫn đến stress, chán nản và có thể bỏ việc chỉ sau 1, 2 tháng.
Bên cạnh đó, một bản lý lịch trích ngang dày đặc danh sách các công việc chỉ làm trong vài tháng chắc chắn cũng không gây thiện cảm cho nhà tuyển dụng sau này. Bởi họ sẽ đặt dấu chấm hỏi về độ “chung thủy” hay năng lực của ứng viên. Vì thế các bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp và khó tìm được cơ hội mới.
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đã có được những thành công nhất định. Vì vậy, các bạn trẻ cũng cần bình tĩnh và sáng suốt khi lựa chọn những công việc phù hợp với điều kiện của bản thân. Làm quá nhiều việc trong một thời gian ngắn đã buông tay cũng không phải là một cách hay để tìm cơ hội mới.