Sapporo mua lại vốn góp, AB InBev xây nhà máy mới, Thai Beverage săn cổ phần Sabeco…các hãng bia ngoại đang tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam.
Sự kiện đối tác Nhật Sapporo trong liên doanh Công ty TNHH Sapporo Việt Nam (SVL) mới đây mua hết 29% vốn góp của phía đối tác Việt Nam với trị giá 8,28 triệu USD cho thấy thị trường bia trong nước đang dần được thay đổi cục diện với sự tấn công quyết liệt của các “đại gia” nước ngoài.
Trao đổi với VnExpress, ông Mikio Masawaki, tân Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam cho biết, trước đây khi còn liên doanh, mọi quyết định đưa ra phải thông qua nhiều đối tác nên mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau khi nắm 100% vốn, trở ngại này đã được giải quyết.
“Chúng tôi sẽ thâm nhập mạnh mẽ hơn ở thị trường Việt Nam. Trước đây, mỗi năm công ty chỉ cung ứng ra thị trường 20 triệu lít bia thì thời gian tới con số này sẽ nâng lên gấp đôi. Đến 2019, hãng sẽ tiến tới mốc 120 -150 triệu lít một năm, đặc biệt từ tháng 11 này chúng tôi sẽ thay đổi bao bì với 2 dòng sản phẩm bia lon và chai loại 330ml từ tông màu vàng sang bạc”, ông Mikio Masawaki nói.
Đại gia ngoại không ngại chi tiền đầu tư tại thị trường bia Việt. Ảnh: Thi Hà. |
Tân Tổng giám đốc này cũng tiết lộ, sản phẩm bia của đơn vị đang được bán tại khoảng 4.000 nhà hàng, câu lạc bộ bia, cửa hiệu tại Việt Nam, chiếm 10% thị phần. Hãng cũng kỳ vọng tăng con số này lên khoảng 7.000 nhà hàng vào tháng 2 năm sau.
Ngoài ra, bên cạnh việc đổ một lượng tiền lớn để chiếm lĩnh phân khúc cao cấp, mới đây lãnh đạo hãng này cũng cho biết đang nghiên cứu và tìm cơ hội để tiếp cận các phân khúc khác, đặc biệt là dòng bình dân – thị phần mà Sabeco và Habeco đang nắm giữ. Hiện, Sapporo Việt Nam là nhà máy duy nhất của hãng ở khu vực đã xuất khẩu bia sang các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Australia…
Việc mở nhà máy tại Việt Nam là chiến lược không thể thiếu của các hãng bia lớn. Vào giữa năm nay, Tập đoàn Anheuser – Busch InBev (AB InBev) đã đưa vào vận hành Nhà máy bia AB InBev với vốn đầu tư trên 30 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II ở tỉnh Bình Dương. Nhà máy có quy mô diện tích 100.000 m2 với công suất 50 triệu lít bia một năm trong giai đoạn một và dự kiến sẽ đạt mức 100 triệu lít trong giai đoạn tiếp theo. Hãng này đặt mục tiêu sẽ chiếm ít nhất 10 – 15% thị phần trong 3 năm đầu tại Việt Nam, và tiết lộ không loại trừ đẩy mạnh hoạt động M&A.
Tại Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), khi Bộ Công Thương lên tiếng quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, ngay lập tức hàng loạt các hãng bia như Sab Miller, Kirin Brewery, Asahi Breweries, Asia Pacific Breweries… bày tỏ muốn trở thành đối tác chiến lược, trong đó Công ty Thai Beverage – đơn vị đã lên tiếng muốn mua 53% vốn trong Sabeco với số tiền lên đến hàng tỷ đôla Mỹ được chú ý nhất. Tương tự, một doanh nghiệp khác của Thái Lan là tập đoàn Singha, cho biết cũng rất mong mỏi làm đối tác của Sabeco.
Trước sự sốt sắng nắm giữ cổ phần hãng bia đang chiếm 46% thị phần tại Việt Nam, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần có một cơ chế chặt chẽ để đẩy nhanh việc cổ phần hóa tại các doanh nghiệp này sao cho minh bạch và đúng tiến độ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông cũng cho rằng, Sabeco là một doanh nghiệp có tầm cỡ nên khi xét đối tác chiến lược cần phân tích kỹ quyền lợi và chiến lược phát triển. Bởi lẽ, để đánh chiếm nhanh và hiệu quả, đa phần các hãng trên thế giới luôn dùng chiêu lấy dần thị phần doanh nghiệp nội thông qua việc “kết duyên”.
Chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam nhìn nhận, 10 tháng đầu năm tăng trưởng của thị trường bia dù thấp hơn 5 năm trước nhưng vẫn vào khoảng 6 – 7%.
“Chính mảnh đất được đánh giá là màu mỡ này đã khiến cho thị trường Việt Nam được các hãng bia trên thế giới nhòm ngó và nhảy vào đánh chiếm. Đây là thông tin tích cực đối với giới tiêu dùng, nhưng sẽ là áp lực với doanh nghiệp trong nước”, ông Việt nói và cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hãy tận dụng sự “chiều chuộng” của người tiêu dùng trong nước với thương hiệu địa phương để tăng tốc phát triển. Ngoài ra, hãng bia nội cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để không chỉ mạnh ở phân khúc bình dân mà còn có chỗ đứng ở dòng cao cấp, hướng tới các thị trường trên thế giới.
Hiện, Sabeco chiếm lĩnh thị phần 46%, Habeco là 17,3%, còn Công ty liên doanh Bia Việt Nam – VBL (với các nhãn hiệu Heineken, Tiger…) là 18,2%. Sắp tới, cục diện thị trường này có thể thay đổi khi các doanh nghiệp ngoại ồ ạt tăng tốc ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia vào TPP, thuế nhập khẩu bia từ 35% sẽ giảm dần xuống 0%, lúc ấy, bia ngoại tham gia thị trường sẽ tăng mạnh mẽ.
Theo Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương, kế hoạch phát triển ngành bia rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2020, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia sẽ đạt 4,5 tỷ lít, tăng khoảng 1,3 tỷ lít so với hiện tại. Đây là thị trường đầy tiềm năng mà bất cứ hãng nào cũng muốn nhăm nhe chiếm giữ.