FOMO, hay hiệu ứng “Fear of Missing Out”, là một khái niệm hướng con người tin rằng người khác luôn vui vẻ, hạnh phúc hơn mình.
Trong thời đại của mạng xã hội cùng các phương tiện kết nối lên ngôi, chúng ta dễ dàng so sánh cuộc sống của mình với người khác để rồi nhận ra rằng có nhiều người sao vui vẻ và hạnh phúc đến thế. Đó cũng là lúc mà FOMO xuất hiện, chúng ta làm mọi thứ, tốn tiền bạc, thời gian để được giống như người khác.
Hiệu ứng này thực chất được sinh ra do trí tưởng tượng của con người, nó khiến chúng ta đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính chứ không phải nhu cầu thực tế hay mong muốn bản thân.
Ai cũng mắc phải FOMO, theo cách này hay cách khác. Chỉ có điều là chúng ta hướng tới những mong muốn khác nhau, với một số người là các sản phẩm đắt tiền, hàng hiệu hay những bữa ăn sang chảnh… Còn với tác giả dưới đây, anh gặp phải FOMO liên quan tới du lịch, và dưới đây là câu chuyện của anh.
“FOMO cũng giống như một cơn nghiện, chỉ có điều chúng ta không hấp thụ nó, nó giống như một cơn nghiện mua sắm trong khi chúng ta không thể, không nên làm nó”, Mark Manson.
Trong nhiều năm liền, Mark Manson nghĩ rằng mình thích đi du lịch. Chỉ cần nhìn những tấm ảnh về danh lam thắng cảnh trên thế giới, anh sẵn sàng làm mọi thứ để tới được đó, thậm chí bán dần tài sản của mình. FOMO của Mark khá nặng khi mà anh muốn thực hiện điều đó ngay lập tức, bằng mọi cách.
Đa phần trong những lần muốn đi, Mark Manson đều cố gắng thực hiện mong muốn của mình. Vị chi nó đã tiêu tốn của anh hàng chục nghìn USD để đi khắp nơi trên thế giới và rồi có rất nhiều tấm ảnh để câu like trên mạng xã hội.
Và dưới cương vị của một người đi rất nhiều, Mark cho rằng đa phần những danh lam thắng cảnh kia chẳng đẹp như trong ảnh, nhiều nơi thậm chí còn đáng thất vọng. Quan trọng hơn hết, anh không hề vui khi làm được những điều này.
Vậy chuyện gì đang xảy ra?
Mark gặp phải hiệu ứng ngược lại, khi mà những nơi anh đến chẳng làm anh vui. Và rồi, một lần nữa anh ta lại tự thuyết phục mình rằng anh chưa đến đúng nơi, tìm chưa đúng chỗ. Trong thâm tâm, Mark vẫn tin rằng sẽ có một nơi thỏa mãn được anh. Cứ thế, càng nhiều thời gian và tiền bạc bị tiêu tốn vào những thú vui… chẳng mấy vui.
Tất nhiên, cũng có những chuyến đi khiến Mark ghi nhớ, nhưng đại đa số chúng là những điểm đến mà Mark chẳng ưa thích, anh bỏ tiền ra xem những thứ mà thật sự thì anh chẳng quan tâm.
Và đây là lúc để nói về FOMO…
Mark cho rằng khi chúng ta tiếp cận một thứ mới, chúng ta thường lo rằng mình sẽ không được trải nghiệm hết những gì nó có. Ví dụ như tới một thành phố, bạn sẽ phải ghé thăm tất cả những cảnh đẹp nó có để đi cho đã. Một khi chưa đi hết, FOMO sẽ vẫn quấy rầy. Cả chuyến đi được hiệu ứng trên kích thích và nó luôn tạo ra nỗi sợ cho Mark rằng anh sẽ không thể thấy được thứ gì đẹp đẽ.
FOMO là khát vọng trải nghiệm một thứ gì đó, nó được sinh ra không phải do những gì bạn muốn có mà bởi nỗi sợ bạn sẽ mất những thứ mình chưa hề có.
Vòng xoay chẳng có hồi kết
Mark cho rằng FOMO là một hiệu ứng tra tấn tâm lý do chính chúng ta tạo nên. Nó kích thích trí tưởng tượng xấu và tiêm nhiễm suy nghĩ người khác luôn vui hơn mình mọi lúc, mọi nơi. Nó khiến chúng ta tin rằng thứ tuyệt vời hơn vẫn đang ở phía trước và bạn phải làm mọi thứ để có được nó thay vì ngồi im chờ đợi.
Niềm tin này khiến chúng ta kết bạn với nhiều người, mong rằng người tiếp theo sẽ là tri kỉ. Ta chơi với 9 người cùng lúc nhưng chẳng thân với ai trong số họ, ta luôn tin rằng sẽ có một thứ tuyệt vời xuất hiện nhưng đôi khi vì quá mơ mộng mà đã bỏ lỡ mất cơ hội nghìn năm. Ta tới những hàng quán mới và rồi có niềm tin rằng hàng tiếp theo sẽ là thứ tuyệt nhất trần đời, để rồi bữa ăn chẳng còn hấp dẫn nữa vì chúng ta luôn tìm kiếm thứ tuyệt vời hơn.
FOMO dần trở thành một vấn đề lớn với những người thuộc thế hệ mới. Lý do vì họ có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều cơ hội để trải nghiệm những thứ mới. Chúng ta thường gặp trường hợp có những trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng chẳng mấy vui hơn, tất cả đều được sinh ra từ FOMO.
Giả sử bạn có 2 chiếc bánh kẹp trưng ra trước mặt, chọn 1 chiếc để ăn sáng. Chắc chắn bạn sẽ chọn chiếc trông hấp dẫn và có vẻ ngon hơn.
Thế nhưng, nếu như bày ra trước mặt bạn là 50 địa điểm khác nhau với rất nhiều bữa ăn sáng khác nhau, ngon miệng, chắc chắn bạn sẽ tự tra tấn chính mình để chọn ra một điểm đến trong tương lai. Và rồi khi đến một điểm, bạn sẽ lại dằn vặt mình và cho rằng 49 điểm còn lại sẽ có thứ tuyệt vời hơn… cứ thế, cứ thế.
Vấn đề lớn của FOMO là nó cản trở quá trình trải nghiệm của chính bạn, nó khiến bạn rơi vào một vòng xoay không điểm dừng, nơi mà chúng ta luôn tìm thứ tuyệt vời hơn chứ không trân trọng những gì đang có. Những người gặp phải FOMO muốn mình có càng nhiều trải nghiệm càng tốt nhưng tất cả những trải nghiệm đó chẳng có gì đáng nhớ.
“Người gặp phải FOMO sẽ đưa số lượng lên trên chất lượng”.
Ví dụ thực tế hơn
Những thứ bên trên có vẻ xa vời, hãy nhìn những thứ thực tế hơn. Giả sử bạn là nam, và rồi một ngày đẹp trời bạn gặp một cô hot girl độc thân với thân hình bốc lửa cùng khuôn mặt không thể khôn nhìn. Thứ hiện ra trong đầu sẽ là gì, tất nhiên là một viễn cảnh tương lai bạn ở bên cô nàng cùng những trải nghiệm tuyệt vời mà bạn có thể có.
Đó chình là FOMO, chúng ta muốn có được trải nghiệm ngay nhưng không đánh giá được hết những thứ đằng sau. Giả sử bạn có hẹn hò được với cô gái kia, liệu tính cách của cô ấy có hợp với bạn không, cô ấy có quan tâm tới bạn hay không? Quan trọng hơn cả là bạn có thật sự hạnh phúc hay không?
FOMO lừa chúng ta, một thứ gì đó trông có vẻ tuyệt vời thì chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm hoàn hảo. Mặc dù vậy, điều này không đúng.
Thoát khỏi FOMO
Cách thức đơn giản nhất để loại bỏ FOMO đó chính là dừng ngay mơ mộng về những thứ viển vông mà bạn không cần trong cuộc sống. Trước mỗi khi đưa ra quyết định về một thứ gì đó, hãy hỏi mình thật kĩ: “Liệu bạn có cần nó hay không?”.
Trên đời chẳng có gì là hoàn hảo, chẳng có một điểm đến nào mà mọi thứ đều 10/10, chẳng có người bạn đời nào không có gì chê trách, và cũng chẳng có những thứ tuyệt vời khi mua xong sẽ chẳng muốn mua gì khác.
Thứ phù hợp với người khác chưa chắc đã phù hợp với bạn, tốt hay xấu chỉ mang tính tương đối mà thôi. Một chuyến đi tuyệt vời của anh bạn trên Facebook tới những nơi đắt tiền chưa chắc đã phù hợp với bản thân bạn, nó có thể rất kinh khủng. Thêm vào đó có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể biến trải nghiệm của bạn thành ác mộng. (Giả sử như bị đuổi việc trước khi đi du lịch chẳng hạn).