Author Archives: Hung Dao

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu quảng cáo của VNG đã vượt xa FPT Online

Sau lần đầu vượt FPT Online trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG tiếp tục nới rộng khoảng cách lên gần gấp rưỡi trong nửa đầu năm 2018.

Công ty cổ phần VNG (tên cũ Vinagame) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2018, hé lộ những con số liên quan đến hoạt động kinh doanh của một trong những doanh nghiệp đứng đầu về lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Theo báo cáo này, doanh thu của VNG đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi biên lợi nhuận gộp giữ ổn định ở mức trên 50%, thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhanh là tác nhân chính khiến lợi nhuận của VNG chỉ còn chưa tới một nửa so với cùng kỳ năm 2017, khi đạt hơn 240 tỷ đồng.

Dù vậy, kết quả này ít nhiều cũng đã được chính ban lãnh đạo VNG dự báo trước. Năm 2018, VNG đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên lợi nhuận dự kiến chỉ đạt 549 tỷ đồng so với mức 938 tỷ đã thực hiện.

Lý do được công ty này đưa ra là tập trung nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm chiến lược và đa dạng hóa hoạt động. Việc hy sinh lợi nhuận để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới, tất nhiên cũng có lý do của nó.

VNG vốn gắn liền với tên tuổi của một công ty trong lĩnh vực công nghệ, mà sản phẩm trọng tâm là trò chơi trực tuyến. Đến thời điểm gần nhất, mảng kinh doanh này vẫn chiếm hơn 80% tổng doanh thu của VNG, với hơn 1.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.

Danh tiếng của công ty này khởi điểm với Võ Lâm Truyền Kỳ cách đây hơn một thập kỷ, tiếp nối sau đó là hàng loạt game online đình đám khác như Kiếm Thế, Võ Lâm Chi Mộng… Tuy nhiên, đa phần game online được VNG kinh doanh đều là nhập khẩu, việc siết chặt hoạt động nhập game trong hai năm gần đây, cùng thị hiếu của khách hàng trẻ thay đổi đã khiến mảng kinh doanh này của VNG có dấu hiệu chững lại và đi ngang. Trong nửa đầu năm nay, game online cũng là lĩnh vực duy nhất ghi nhận sụt giảm doanh thu.

Tuy nhiên, VNG vẫn có lý do để không quá lo lắng. Trong khi lĩnh vực trò chơi trực tuyến có dấu hiệu đi xuống thì quảng cáo trực tuyến đang nổi lên như một ngôi sao với tốc độ tăng trưởng cao.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của VNG với hơn 300 tỷ đồng, nhưng quảng cáo trực tuyến ghi nhận mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng mạnh, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG cũng nới rộng khoảng cách với một công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu khác là FPT Online.

Xuất phát điểm muộn hơn FPT Online khi năm 2012 mảng kinh doanh này mới có trên báo cáo tài chính của VNG. Khi đó, doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG chỉ bằng khoảng 30% so với FPT Online. Tuy nhiên, khoảng cách này liên tục được thu hẹp nhờ tốc độ tăng trưởng cao. Đến cuối năm 2016, doanh thu mảng hoạt động này của VNG đã bằng 70% của FPT Online.

Khoảng cách giữa doanh thu quảng cáo trực tuyến của hai doanh nghiệp hàng đầu này được san bằng trong 9 tháng đầu năm 2017 và cùng năm này là lần đầu tiên, quảng cáo trực tuyến của VNG vượt qua FPT Online.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, khoảng cách này thậm chí đã được nới rộng ra rất nhiều và nghiêng về phía VNG. Doanh thu của FPT Online trong nửa đầu năm nay chỉ đạt gần 250 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG tăng trưởng hơn 30%. Kết quả này khiến thế cục đảo ngược khi doanh thu của FPT Online giờ chỉ tương đương khoảng 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến của VNG.

Dù vậy, kết quả này không phải do hoạt động của FPT Online đi xuống mà chủ yếu do VNG có nền tảng tốt hơn để phát triển.

Trong khi FPT Online chỉ vận hành quảng cáo trực tuyến duy nhất trên báo điện tử VnExpress, thì VNG có một hệ sinh thái để bổ trợ cho lĩnh vực hoạt động này, từ tin tức của Zing News, mạng xã hội Zing Me, ứng dụng nhắn tin Zalo cho tới các mảng khác như nghe nhạc trực tuyến với Mp3 Zing hay cổng game online. Với một hệ sinh thái rộng hơn, việc VNG đa dạng hóa sản phẩm và giữ được tốc độ tăng trưởng cao cũng không phải điều khó giải thích.

H&M và Zara đang kinh doanh ra sao tại Việt Nam?

H&M vừa đánh dấu tròn 1 năm còn Zara cũng vừa kỷ niệm 2 năm hiện diện tại Việt Nam. Cả 2 ông lớn bán lẻ thời trang đều đang ghi nhận tình hình kinh doanh tích cực.

Trong hai năm trở lại đây, rất nhiều thương hiệu thời trang lớn của thế giới đã chính thức mở cửa hàng tại Việt Nam, trong đó nổi bật là H&M và Zara, hai cái tên được các tín đồ thời trang trong nước rất chờ đợi.

Trong khi Zara chuẩn bị kỷ niệm tròn 2 năm hiện diện tại Việt Nam khi mở cửa hàng đầu tiên vào 8/9/2016 thì H&M cũng đã có tròn 1 năm kinh doanh tại Việt Nam.

H&M thu về 1,8 tỷ đồng mỗi ngày

Chia sẻ trong báo cáo tài chính 2017, H&M nhận định Việt Nam cùng nhiều thị trường mới mở của hãng đang trả về những tín hiệu tích cực. Báo cáo cũng chỉ rõ thị trường Việt Nam mang về cho H&M gần 179 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng cuối năm 2017.

Trong năm 2018, H&M cũng thu về 176 tỷ đồng trong quý I/2018 và 148 tỷ đồng trong quý II/2018. Trung bình thương hiệu này thu về khoảng hơn 1,8 tỷ đồng mỗi ngày tại Việt Nam.

Mới đây, H&M cũng đã gửi đi thông báo về việc khai trương 2 cửa hàng mới vào ngày 8/9, nhân dịp kỷ niệm tròn một năm H&M có mặt tại Việt Nam. Các cửa hàng sẽ được đặt tại TTTM Vincom Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội và Crescent Mall, quận 7, TP.HCM.

Với 2 cửa hàng mới, tổng số cửa hàng của H&M tại Việt Nam đã lên đến con số 6 với 3 cửa hàng ở mỗi thành phố Hà Nội và TP.HCM. Đây là tốc độ mở cửa hàng thuộc hàng nhanh nhất trong các thị trường mà H&M đang kinh doanh, cho thấy tiềm năng của thị trường thời trang nhanh Việt Nam cũng như việc hãng đang kinh doanh rất tốt tại thị trường 90 triệu dân.

Còn nhớ khi hãng mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM và sau đó là cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, hàng nghìn bạn trẻ đã xếp hàng để được là những khách hàng Việt Nam đầu tiên của thương hiệu đến từ Thụy Điển.

“Là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của H&M tại khu vực Đông Nam Á”, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, chia sẻ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.

Đại diện hãng cũng từng chia sẻ H&M nhìn thấy tiềm năng gần đây của thị trường Việt Nam khi dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh. Thương hiệu này cũng không giấu tham vọng trở thành là điểm đến thời trang số 1 ở Việt Nam trong vài năm tới.

Zara đang thu tới 5,3 tỷ đồng mỗi ngày

Dù ít cửa hàng hơn H&M tại thị trường Việt Nam, doanh thu từ gã khổng lồ thời trang nhanh Tây Ban Nha lại thu về gấp gần 3 lần, trung bình 5,3 tỷ đồng mỗi ngày.

Cụ thể, các cửa hàng Zara tại Việt Nam nằm dưới sự vận hành của đối tác của Inditex tại Indonesia là Mitra Adiperkasa (MAP). MAP đã thành lập công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam để kinh doanh Zara đồng thời lập 3 pháp nhân khác để kinh doanh các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti tại Việt Nam.

Trong năm 2017, theo số liệu từ MAP, với việc mở mới các cửa hàng Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti trong tháng 9 và mở thêm cửa hàng Zara tại Hà Nội từ tháng 11, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2018, doanh thu của MAP tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 133% so với cùng kỳ lên mức gần 950 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày doanh thu từ Zara và các thương hiệu khác của Inditex tại Việt Nam đạt gần 5,3 tỷ đồng. Mặc dù MAP không công bố cụ thể doanh thu theo từng thương hiệu nhưng nhiều khả năng phần lớn doanh thu vẫn đến từ Zara.

Ít cửa hàng hơn H&M nhưng rõ ràng mỗi cửa hàng Zara đang mang về doanh thu tốt hơn so với đối thủ đến từ Thụy Điển.

Zara hiện có 2 cửa hàng tại Việt Nam. Ông lớn tới từ Tây Ban Nha này chưa công bố kế hoạch mở rộng cụ thể tại Việt Nam. Có tin đồn doanh nghiệp này sẽ mở thêm khoảng 5 cửa hàng Zara sau cửa hàng tại TTTM Vincom Bà Triệu, tuy nhiên đại diện doanh nghiệp đã không xác nhận thông tin này.

Cuối tháng 8/2018, tập đoàn bán lẻ thời trang toàn cầu của Nhật Bản Uniqlo thông báo sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2019 với việc ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.

Nối gót Apple, Amazon cán mốc 1.000 tỉ USD

Chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày Apple cán mốc lịch sử, Mỹ có doanh nghiệp nghìn tỉ USD thứ nhì.

Theo CNBC, giá trị thị trường hãng thương mại điện tử Amazon chạm 1.000 tỉ USD ngày giao dịch 4.9 (giờ Mỹ), trở thành doanh nghiệp đại chúng thứ nhì nước Mỹ đạt nghìn tỉ đô, sau Apple.

Cổ phiếu Amazon tăng gần 2% lên mốc cao nhất là 2.050,5 USD/cổ phiếu trong buổi sáng giao dịch, dù chỉ cần 2.050,27 USD/cổ phiếu là đã giúp doanh nghiệp đạt nghìn tỉ đô. Amazon có tổng cộng hơn 487,74 triệu cổ phiếu, theo báo cáo hằng quý mới nhất mà hãng công bố hồi tháng 7.

Giới phân tích cho rằng danh mục đầu tư đa dạng chính là lý do khiến giá trị Amazon bay cao. Chuyên gia Gene Munster của hãng Loup Ventures cho biết: “Amazon cho giới đầu tư niềm tin rằng họ có thể tiến lên và tạo đột phá trong nhiều thị trường, hệt như cách họ đã làm với ngành bán lẻ”.

Jeff Bezos

Nhà sáng lập kiêm CEO Amazon Jeff Bezos. Ảnh: AFP.

Hãng thương mại điện tử số một Mỹ có dịch vụ Amazon Web Services tăng trưởng đặc biệt ấn tượng. “Đúng, Amazon thực sự làm tốt trong ngành bán lẻ trực tuyến, song cổ phiếu của họ bay cao khi họ cho thấy rằng mình cũng có thể thành công ở mảng đám mây. Giống như cổ phiếu Amazon đổi mã từ AMZN sang AWS vậy”, nhà phân tích Mark Mahaney của RBC Capital Markets nói.

Apple chạm nghìn tỉ đô vào đầu tháng 8 sau khi báo cáo kết quả kinh doanh hằng quý khả quan. Amazon lên ngưỡng tỉ đô chậm hơn Apple khoảng 5 tuần. Trước đó, hai công ty danh tiếng Thung lũng Silicon so kè nhau trong cuộc đua 1.000 tỉ USD, song Apple có phần nhỉnh hơn.

Hãng táo khuyết vượt mốc 900 tỉ USD vốn hóa 8 tháng trước Amazon. Amazon đạt mốc này vào tháng 7.2018, quanh ngày ưu đãi mua sắm Prime Day lớn thường niên. Cổ phiếu Amazon tăng hơn 70% từ đầu năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng qua. Cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 chỉ tăng lần lượt 8% và 16%.

Ngành y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Ngành y tế đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trong đó 3 lĩnh vực quan trọng nhất cần được đầu tư là mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh, bệnh viện thông minh, quản trị y tế thông minh.

Bộ Y tế vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT về việc ứng dụng công nghệ thông tin y tế giai đoạn 2018 – 2028. Theo thỏa thuận này, Bộ Y tế sẽ cùng FPT xây dựng y tế điện tử, tài liệu chuyên môn hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế.

2 bên sẽ phối hợp để đào tạo, phát triển về y tế điện tử, xây dựng các chuẩn công nghệ thông tin y tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh, bệnh viện thông minh, quản trị y tế thông minh (hiện đại hóa nền hành chính và dịch vụ công trực tuyến, dược, trang thiết bị y tế).

Chia sẻ tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ cần hướng đến việc đem lại sự hài lòng cho người dân và các y bác sĩ trong quá trình sử dụng.

Phần mềm bệnh viện thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu là thủ tục đơn giản, giảm thời gian chờ đợi, công khai minh bạch, đáp ứng được tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 29/12/2017. Đối với phần mềm chăm sóc sức khỏe thông minh (ứng dụng tại các trạm y tế xã, phường gắn với mô hình bác sĩ gia đình), cần làm theo nguyên tắc đơn giản, dễ dùng, dễ tiếp cận, phổ cập, từ đó mang lại sự hài lòng cho người dân.

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018 của Bộ Y tế đã đặt ra nhiều mục tiêu, như có 50% đơn vị xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ quản lý, điều hành và chuyên môn, 80% đơn vị triển khai hồ sơ công chức, viên chức trên môi trường mạng, 100% bệnh viện phải có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS), trong đó có 95% bệnh viện tích hợp hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS) với hệ thống HIS, 50% bệnh viện tích hợp hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh y học, 20% bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, hoàn thành triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã. Năm 2018, ngành y tế hướng đến mục tiêu có 85% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống xếp hàng điện tử.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến mới đây cho biết, nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM cần được đầu tư về trang thiết bị hiện đại và số hóa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Do ngân sách không thể đáp ứng, 14 cơ sở y tế với kinh phí 15.000 tỷ đồng được Thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Mặc dù còn nhiều việc phải giải quyết nhưng những ứng dụng công nghệ trong ngành y tế đã có thành công bước đầu. Chẳng hạn như Tập đoàn Hoàn Mỹ đã xây dựng ứng dụng tư vấn trực tuyến, hướng tới hoàn thiện chuỗi khám chữa bệnh từ offline đến online. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhờ áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện FPT.eHospital mà thời gian khám chữa bệnh nhanh hơn, có thể khám chữa bệnh cho 9.000 bệnh nhân mỗi ngày. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nhờ ứng dụng các công nghệ số mà tăng lượt khám chữa bệnh lên 3.600.

Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong khám chữa bệnh thời gian tới cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, hơn 20 năm qua, FPT đã triển khai công nghệ số tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế. Là công ty tiên phong trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ mới nhất, FPT cam kết sẽ đồng hành cùng Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ mới.

Doanh nhân Philip Beriman: Từ người rửa chén đến quản lý khách sạn hàng đầu Việt Nam

“Tôi chọn bắt đầu công việc của mình ở những vị trí thấp nhất, chính vì vậy tôi có thể hiểu mọi chức năng trong hoạt động của khách sạn; nếu bạn không tự tin về vốn hiểu biết của mình trong từng vị trí đó, bạn không thể làm quản lý”, doanh nhân Philip Beriman – Tổng giám đốc khách sạn Intercontinental Nha Trang – chia sẻ.

Điều quan trọng nhất chính là thái độ

* Thưa ông, xin ông chia sẻ lý do lựa chọn làm việc trong ngành khách sạn và hành trình từ một người rửa bát đĩa lên quản lý của khách sạn Intercontinental như thế nào?

Gia đình tôi có truyền thống làm việc trong ngành khách sạn đã lâu, mẹ tôi đến từ Pháp còn cha tôi đến từ Bồ Đào Nha, chúng tôi có kinh doanh dịch vụ khách sạn của gia đình. Tôi đến Nhật học ngành du lịch khách sạn, thực tập chuyên môn tại một nhà khách nhỏ thuộc sở hữu gia đình. Công việc ban đầu của tôi ở đây là rửa bát đĩa trong vòng 6 tháng, sau đó 6 tháng tiếp theo tôi làm nhiệm vụ điều phối tại sảnh, rồi đứng quầy tiếp đón khoảng 6 tháng nữa, khi đó những công việc hàng ngày của tôi chính là chào khách, dẫn khách lên phòng… Sau đó tôi còn phải học các bài hát tiếng Nhật và tiếng Anh. Tôi đã bắt đầu công việc của tôi như vậy đó.

Từ đây, tôi quay trở lại Australia và đảm nhiệm vị trí lễ tân, chịu trách nhiệm về khách Nhật. Sau đó tôi trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau, lên đến vị trí cao nhất là quản lý hoạt động và vị trí quản lý chung. Tôi chọn học ngành du lịch khách sạn tại Nhật bởi theo tôi văn hóa Nhật giúp mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất trên thế giới. Tôi đã có hai cơ hội để sống tại Nhật, lần đầu tiên cách đây 20 năm và cho đến hiện tại, chất lượng dịch vụ không thay đổi gì. Niềm tự hào của người Nhật được xây dựng trên dịch vụ, họ quan tâm đến từng tiểu tiết nhỏ nhất để đảm bảo cho sự nghỉ ngơi của khách được tiện lợi nhất.

* Từ kinh nghiệm của bản thân, theo ông kỹ năng nào là quan trọng nhất với những người có tham vọng trở thành quản lý trong ngành khách sạn?

Điều quan trọng nhất, theo tôi chính là thái độ. Bạn muốn thăng tiến lên vị trí cao nhất nhưng nếu không có thái độ tốt mỗi ngày, bạn sẽ không thể thành công được. Điều thứ hai không hề kém phần quan trọng, hãy làm dịch vụ bằng tất cả trái tim. Khách hàng hoàn toàn cảm nhận được điều đó. Trong một thế giới quá bận rộn và mệt mỏi như hiện nay, dịch vụ hoàn hảo luôn nổi bật và khách hàng nhớ đến điều đó và rồi họ sẽ quay lại.

Doanh nhân Philip Beriman - Tổng giám đốc khách sạn Intercontinental Nha Trang có sự nghiệp đi lên từ vị trí rửa bát

Doanh nhân Philip Beriman – Tổng giám đốc khách sạn Intercontinental Nha Trang có sự nghiệp đi lên từ vị trí rửa bát

Hãy làm tất cả mọi thứ bằng 100% đam mê của mình. Bạn phải thực sự đam mê và tập trung vào công việc của mình. Hãy kiên nhẫn. Tôi chọn bắt đầu công việc của mình từ những vị trí thấp nhất trong khách sạn, chính vì vậy tôi có thể hiểu mọi chức năng trong hoạt động của khách sạn, nếu bạn không tự tin về vốn hiểu biết của mình trong từng vị trí đó, bạn không thể làm quản lý.

* Intercontinental là một tên tuổi lớn trong ngành khách sạn thế giới, vậy trong cương vị của một nhà quản lý, áp lực lớn nhất mà ông phải đối diện là gì?

Tôi nghĩ rằng trong cương vị của một nhà quản lý khách sạn, có quá nhiều áp lực, và áp lực mỗi ngày lại khác nhau. Tôi nghĩ áp lực lớn nhất chính là việc mỗi ngày qua đi, bạn luôn phải nghĩ làm thế nào để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách. Chúng tôi thường nói với nhau và luôn có gắng rằng hôm nay chúng ta sẽ mang đến cho khách trải nghiệm tốt hơn 1% so với ngày hôm qua.

Công việc trong ngành quản lý khách sạn chính là phải đoán biết được nhu cầu của khách hàng, luôn cố gắng làm cho khách hàng ngạc nhiên. Chúng tôi xem xét các thông số liên quan đến khách hàng mỗi ngày, họ đã đến đây bao nhiêu lần, họ đi cùng gia đình hay đi một mình, họ thích tầng thấp hay tầng cao, họ thích kiểu gối nào, chúng tôi cố gắng để biết mọi thứ mỗi lần họ đến.

Nha Trang có một vị thế tuyệt vời

* Theo quan điểm của ông, Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung nên làm gì để có thể thu hút thêm du khách?

Tôi đến Việt Nam vào tháng 1/2017, như vậy đến nay 18 tháng đã trôi qua. Tôi luôn thích Việt Nam. Việt Nam đang được biết đến nhiều hơn trên khắp thế giới. Và nơi đây cũng có nhiều điểm tương đồng với quê hương tôi. Để phát triển du lịch, bạn không thể chỉ quan tâm đến khách sạn của mình, bạn thực sự phải quan tâm đến quảng bá cả vùng đất. Hãy luôn cực kỳ yêu quý và tự hào về văn hóa địa phương, luôn cố gắng quảng bá cho văn hóa địa phương. Chúng ta cần phải tạo cho khách những trải nghiệm thực sự riêng biệt cho mỗi cá nhân.

Những khách du lịch toàn cầu thực sự họ luôn tìm kiếm cơ hội để sống trong văn hóa địa phương, hiểu biết về văn hóa địa phương. Nếu bạn thực sự thiết kế được chương trình cho khách, khách sẽ không chỉ đến thăm các điểm du lịch chính mà còn đến tìm hiểu cuộc sống của người địa phương, đi chợ tại những khu vực mà chỉ toàn người địa phương đi. Nếu không có những điều trên, du khách sẽ có thể tận hưởng dịch vụ khách sạn tốt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này.

* Ông có thể đưa ra dự báo của ông về ngành bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam và tiềm năng của thị trường căn hộ nghỉ dưỡng?

Căn hộ nghỉ dưỡng với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho cuộc sống, phù hợp với cả gia đình hoặc một nhóm đi du lịch, nó thực sự mang đến một lựa chọn chi phí thấp cho các kỳ nghỉ. Vấn đề đối với các căn hộ nghỉ dưỡng hiện nay ở Việt Nam là quá giống nhau. Nếu chỉ nhìn vào các căn hộ đó, bạn sẽ chẳng thể biết được đang ở Singapore, Bắc Kinh hay đang ở Nha Trang. Nếu không thay đổi theo hướng mang nhiều nét đặc trưng hơn, mô hình căn hộ nghỉ dưỡng sẽ trở nên mất đi sức hấp dẫn và khó để có thể mang đến cho khách hàng lý do thực sự cho việc tại sao họ lại phải đặt phòng chỗ bạn chứ không phải chỗ khác.

Doanh-nhan-Philip-Beriman-Tu-n-3248-8555

Tại Nha Trang, hiện The Costa Nha Trang là một trong những số ít dự án mang đến cho khách hàng một lựa chọn sang trọng hơn với một không gian đẹp và dịch vụ hoàn hảo. Vị trí của dự án cũng tuyệt vời khi nằm ngay ven bờ biển, cạnh khách sạn Intercontinental Nha Trang – đây cũng là vị trí đẹp nhất tại Nha Trang. Thiết kế của dự án The Costa Nha Trang chủ đạo với màu xanh lá và màu xanh da trời, những màu sắc này thân thiện với môi trường xung quanh, bạn mở cửa sổ ra tại cả khách sạn Intercontinental Nha Trang hay The Costa Nha Trang, thì bạn đều được thấy tất cả những nét đẹp này bao quanh. Màu trong phòng cũng theo phong cách đó.

Khoảng vài năm trước, phân khúc khách hàng có mức chi tiêu trung bình và thấp tăng trưởng nhanh thế nhưng cho đến năm 2017, phân khúc khách hàng hạng sang lại là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất. Điều đó lý giải cho lợi thế cạnh tranh của The Costa Nha Trang bởi nó mang đến sự sang trọng cần thiết đúng thời điểm.

* Gần đây, Nha Trang mới có sân bay quốc tế, vậy theo ông sân bay mới sẽ có thể mang đến những gì cho ngành du lịch Nha Trang?

Sân bay quốc tế mới đã thực sự đưa Nha Trang trở thành một thành phố quốc tế, hoạt động đúng thời điểm Việt Nam cần phải cho thế giới biết rằng Việt Nam có những điểm đến tuyệt vời như thế nào. Nếu bạn so với việc trước đây Nha Trang chỉ có một sân bay bé xíu, đảm nhiệm cả hoạt động của các chuyến bay quốc tế và nội địa rồi quá trình nhập cảnh lâu dài lê thê có khi đến 2,3 tiếng thì nay mọi chuyện đã tốt hơn rất nhiều. Tôi tin rằng số lượng khách đến Nha Trang sẽ tăng thêm 20 đến khoảng 22% và dẫn đầu bởi tăng trưởng khách quốc tế.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện