Author Archives: Hung Dao

Ứng dụng hẹn hò online của nữ founder gốc Việt

Nữ founder Kate Truong tự tin khẳng định ứng dụng hẹn hò DatEat do cô đồng sáng lập sẽ sớm vươn lên top 1 tại thị trường hẹn hò trực tuyến châu Á.

Ứng dụng hẹn hò online của nữ founder gốc Việt

Trong thời đại cách mạng công nghiệp bùng nổ, với giá trị thị trường lên đến 5 tỷ USD và dự tính có thể tăng tới 7 tỷ USD vào năm 2020, dịch vụ hẹn hò là một trong những ngành công nghiệp trực tuyến phổ biến và ngày càng phát triển. Thị trường đã ghi nhận một số tên tuổi nổi bật, tuy nhiên trải nghiệm của người dùng vẫn còn hạn chế do 2 thiếu sót lớn trong nền tảng của các ứng dụng này.

Thiếu sót đầu tiên nằm ở cách hoạt động của các ứng dụng hẹn hò. Nhà cung cấp khó kiểm soát các tài khoản ảo mang mục đích xấu hoặc quấy rối người dùng chân chính, thu thập thông tin cá nhân của người dùng nhưng không đảm bảo an ninh, khiến những thông tin này bị rò rỉ. Những yếu điểm này đã được ngăn chặn và khắc phục nhưng vẫn để lại hậu quả.

Thiếu sót thứ hai là sự hạn chế trong các thuật toán để kết nối người dùng, khiến tỷ lệ thành công trong việc tìm kiếm và kết nối giữa các đối tượng hẹn hò chưa cao.

Hiểu được những vấn đề này, các nhà sáng lập DatEat đã nảy ra ý tưởng độc đáo khi kết hợp những thế mạnh của dịch vụ hẹn hò với các ngành công nghiệp giải trí khác để xây dựng một nền tảng hẹn hò trên nền công nghệ blockchain. Giải pháp này giúp người dùng tìm được đối tượng phù hợp qua các địa điểm hẹn hò lý tưởng cùng trải nghiệm hấp dẫn.

Một trong những điểm đặc biệt là hệ thống xác minh token của DatEat. Hệ thống này nhằm xác thực thông tin của người dùng, tránh những trường hợp khó xử trong buổi hẹn đầu tiên, đồng thời giúp các cặp đôi tìm được nơi hẹn hò phù hợp với giá cả phải chăng. DatEat sử dụng một hệ thống quản lý được xây dựng trên công nghệ sổ cái phân tán, kết hợp cùng những tính năng tiên tiến để tối đa hoá sự tin cậy của người dùng.

Bên cạnh đó, ứng dụng này áp dụng những giải pháp bằng hệ thống ưu đãi cải tiến, sử dụng trí thông minh nhân tạo và công nghệ blockchain để đem lại sự hài lòng cho khách hàng. DatEat đã có mặt trên iOS với tên gọi “Dateat Lite”.

DatEat là một startup của người Việt được khởi xướng bởi Kate Trương – nữ doanh nhân gốc Việt được đào tạo tại Anh Quốc. Đội ngũ của DatEat có sự góp mặt của nhiều chuyên gia gốc Việt đã theo học các ngành CNTT, tài chính, truyền thông đa phương tiện, nghiên cứu tâm lý học… từ các nước Anh, Pháp, Australia, Mỹ, Nhật Bản. Kate Trương muốn ứng dụng hẹn hò của mình phải thực sự đặc biệt để hấp dẫn người dùng.

Trụ sở chính của DatEat đặt tại Singapore và đây cũng sẽ là thị trường đầu tiên được nhắm tới. Đến tháng 8, DatEat dự kiến có ít nhất 500.000 người dùng tại thị trường này. Từ đó, DatEat sẽ được mở rộng sang các nước Đông Nam Á và dự kiến đạt 1,2 triệu người dùng vào cuối năm nay.

“Đến tháng 6/2019, DatEat sẽ có khoảng 5 triệu người dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trong 6 tháng tiếp theo, chúng tôi sẽ vươn ra toàn thế giới với khoảng 30 triệu người dùng”, Kate Trương chia sẻ về kế hoạch phát triển dự án của mình.

Người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos thần tượng 3 CEO này

Với tài sản hơn 135 tỷ USD, người giàu nhất hành tinh – Jeff Bezos – là hình mẫu lý tưởng của rất nhiều người. Tuy nhiên, khi bàn về chuyện kinh doanh, vị tỷ phú này chia sẻ rằng bản thân ông rất ngưỡng mộ 3 vị CEO dưới đây.

Người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos thần tượng 3 CEO này

3 hình mẫu CEO lý tưởng của Jeff Bezos là Warren Buffett, Jamie Dimon và Bob Iger. Ảnh: CNBC

Trong một buổi giao lưu tại Forum on Leadership (Diễn đàn Lãnh đạo), ông chủ Amazon đã tiết lộ bản thân mình rất kính trọng và ngưỡng mộ một số người. Đó là các giáo viên tiểu học, bố mẹ và ông bà – những người có “tác động cực lớn” đến cuộc đời của ông.

Còn khi bàn về chuyện kinh doanh, thì hình mẫu lý tưởng của Bezos là 3 vị CEO dưới đây:

1. Warren Buffett

Giống như nhiều người, hình mẫu lý tưởng được Bezos nhắc tới đầu tiên chính là “hiền triết xứ Omaha” – CEO Berkshire Hathaway Warren Buffett.

Bezos chia sẻ: “Trong chuyện kinh doanh, tôi đã là một người hâm mộ của Warren Buffett từ thời mới đôi mươi. Tôi thường đọc những gì mà ông ấy viết”.

Sự ngưỡng mộ của Bezos dành cho Buffett cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì từ lâu, nhà đầu tư đã được biết đến như một huyền thoại sống trong giới đầu tư. Doanh nhân thuộc mọi lứa tuổi đều mong muốn gặp gỡ để nhận sự tư vấn và những lời khuyên quý giá từ Buffett, và ông luôn sẵn sàng chia sẻ chúng.

Trong một lần đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway, một cổ đông khi đó mới 14 tuổi đã hỏi xin Buffett lời khuyên về tài chính và cuộc sống. Buffett và người bạn làm ăn lâu năm Charlie Munger lúc ấy đã chia sẻ 3 điều sau: Rèn luyện thói quen tốt từ khi còn trẻ, đừng mắc nợ và làm bạn với những người giỏi.

2. Jamie Dimon

Hình mẫu CEO lý tưởng số 2 của Bezos là Jamie Dimon – Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia JPMorgan Chase.

Khi nói về Dimon, Bezos đã ước rằng: “Nếu được làm một cổ đông lớn tại JPMorgan Chase, chắc mỗi sáng thứ Hai tôi đều sẽ đến công ty để mang cà phê tới cho Jamie. Tôi nghĩ rằng ông ấy là một CEO tuyệt vời tại một nơi vốn vô cùng phức tạp như JPMorgan Chase”.

Tiếng tăm của Dimon trở nên vững chắc hơn bao giờ hết qua việc vị CEO này đoán trước được sự “xì hơi” của bong bóng nhà đất, và ông đã viết trong một lá thư gửi tới các cổ đông hồi tháng 3/2007. Lời tiên đoán của Dimon ứng nghiệm vào tháng 9 năm sau – thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008

Dù các cuộc gặp với cổ đông của Dimon không được chú ý nhiều như của Warren Buffett, song hằng năm, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đều đến để lắng nghe những dự báo về tình hình kinh tế của Dimon. Thậm chí, cả Warren Buffett cũng tìm đến Dimon để lắng nghe kiến thức kinh doanh và chỉ dẫn từ vị CEO này.

3. Bob Iger

Hình mẫu lý tưởng thứ 3 của ông chủ Amazon là Bob Iger – CEO của Disney. Những ai còn xa lạ với Bob Iger hay vẫn đang thắc mắc tại sao Bezos lại ngưỡng mộ ông, có thể tìm thấy ngay câu trả lời thông qua một số thông tin sau:

Bob Iger chính là người đã đề xuất thỏa thuận mua lại Pixar với giá 7,6 tỷ USD hồi năm 2006 – ý tưởng được ông trình bày với hội đồng quản trị của Disney chỉ 2 ngày sau khi trở thành CEO. Iger cũng là người đi đầu trong các thương vụ đình đám của Disney như việc thâu tóm Lucasfilm và Marvel. Và, với việc thâu tóm Marvel, không cần phải nói cũng biết đây là quyết định chính xác cỡ nào, khi hãng này liên tiếp cho ra lò các sản phẩm bom tấn rất thành công trong thời gian gần đây.

Giống như Jeff Bezos, Iger cũng thường sử dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và luôn khuyến khích nhân viên biết chấp nhận rủi ro để sáng tạo. Và, các chiến lược kinh doanh cốt lõi của Iger rõ ràng đã khiến cho Jeff Bezos thích thú. Người giàu nhất hành tinh cho ở thời điểm hiện tại nhận định về tỷ phú Iger: “Tôi nghĩ anh ấy là một CEO tuyệt vời”.

Làm sao để rèn luyện sự tập trung?

Phương pháp để bạn tập trung hơn trước sự quyến rũ của mạng xã hội và rất nhiều những thứ có thể khiến bạn xao động trong cuộc sống hằng ngày.

Làm sao để rèn luyện sự tập trung?

Bạn có biết trong 1 phút có:

– 4.166.667 bài viết được like trên Facebook.

– 1.736.111 bức ảnh trên Instagram được thả tim.

– 347.222 dòng Tweet được cập nhật.

– 284.722 tin nhắn được gửi đi từ Snapchat.

Nhưng đó là số liệu của 3 năm về trước,  khi mà trên toàn thế giới mới chỉ có 3,2 tỷ người dùng Internet.

Mạng xã hội là hình mẫu kinh doanh trên nền kinh tế của “sự chú ý”. Lợi nhuận dựa trên số lần nội dung nào được người dùng nhìn thấy, và được click chuột. Để làm được việc này, họ thiết kế những thuật toán cho bạn nhìn thấy những thông tin nóng hổi nhất và gây chú ý nhất trong mạng xã hội của bạn. Nếu bản tin của bạn ngày nào cũng đầy những tin tức nhàm chán, bạn sẽ chẳng buồn xem nữa. Thay vào đó, mạng xã hội cho bạn xem những sự kiện mang đến cảm xúc mạnh, ví dụ thông tin tiêu cực, những thông tin gây tức giận, gây cảm động… Bởi đó là những thông tin thu hút nhiều sự chú ý nhất.

Thế giới ngày nay không còn thiếu kiến thức. Lượng thông tin tràn vào xã hội cũng vượt xa mức mong muốn của cả những người ham học hỏi và ưa khám phá nhất. Điều đang thiếu trong kỷ nguyên internet chính là sự chú ý. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong nền kinh tế dựa trên sự chú ý.

Theo nhà khoa học thần kinh Amishi Jha chuyên về cơ chế sự chú ý của não khẳng định việc Morgan Freeman – nam diễn viên hàng đầu Hollywood – phát biểu rằng “Con người chỉ sử dụng 10% khả năng của não” là hoàn toàn sai. Sự thật là, con người sử dụng 100% khả năng của não. Bộ não là một cơ quan hiệu suất cao, cơ quan đòi hỏi năng lượng được sử dụng tối đa, và mặc dù ở trạng thái công suất đầy đủ nó vẫn phải chịu một vấn đề: quá tải thông tin. Có quá nhiều vấn đề trong môi trường để bộ não phải xử lý. Vì vậy, để giải quyết vấn đề quá tải, sự tiến hóa đã đưa ra một giải pháp, đó là hệ thống chú ý của não.

rèn luyện sự tập trung doanhnhansaigon

Để có thể không bị chi phối bởi hàng trăm, hàng ngàn thông tin trên mạng xã hội mỗi ngày – những thông tin được tạo ra nhằm lôi kéo sự chú ý của bạn – bạn cần rèn luyện một kỹ năng quan trọng: Sự tập trung.

Tập trung là yếu tố sinh ra thành công dài hạn. Tập trung dẫn đến những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Tập trung quyết định bạn cải thiện điều gì đó như thế nào. Tuy nhiên kỷ nguyên công nghiệp hiện đại đang liên tục đẩy ta rời khỏi sự tập trung.

Đây là những thử thách mới mà thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt. Ông bà chúng ta đã phải học cách làm chủ thời cuộc và năng lượng để khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế lao động. Cha mẹ chúng ta đã phải làm chủ trí óc và khả năng giải quyết vấn đề để khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế tri thức. Chúng ta cũng phải học cách làm chủ khả năng tập trung và tự nhận thức để có thể khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế của sự chú ý.

Vậy làm sao để tập trung?

Theo nhà khoa học thần kinh Amishi Jha, chúng ta nên tập luyện Mindfulness (chánh niệm).

Mindfulness là gì? Tại sao cũng chúng ta lại cần nó?

Chánh niệm cũng có thể hiểu là chấp nhận. Nghĩa là chúng ta chú tâm đến sự suy nghĩ, để có thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan, không để xen vào ý niệm phê phán hoặc niềm tin mù quáng.

Chánh niệm là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết sự vật, tức chúng ta như những khoa học gia, nhìn sự vật như nó là, mà không phê phán khen chê, mê đắm hoặc giận hờn thù hận (see things as they are).

Ngược lại, nếu không chánh niệm, có nghĩa là tâm ta suy nghĩ lung tung, chạy lăng xăng, ưa cái này, ghét cái nọ, ham muốn cái kia. Tâm lúc đó có thể ví như những làn sóng biển trong cơn bão tố, liên tục lên cao rồi hụp xuống, không có giây phút ngừng nghỉ.

Triệu chứng của việc thiếu “Mindfulness”:

– Bạn có xu hướng suy nghĩ, hành động theo phản xạ và thói quen

– Bạn để quá khứ quyết định con người, hành vi của bạn hiện tại

– Bạn để mình lỗi thời và mãi khư khư sống với quá khứ

– Bạn cảm thấy mù mờ với hiện tại, dễ mất tập trung.

Và bạn có “Mindfulness” là khi:

– Bạn sống với hiện tại.

– Hành vi, suy nghĩ, phản ứng của bạn liên quan và phù hợp với bối cảnh hiện tại.

– Bạn vẫn có thể để những nguyên tắc trong quá khứ dẫn dắt, tuy nhiên vẫn nhanh chóng nắm bắt những thông tin đang diễn ra xung quanh trong thời điểm hiện tại.

– Bạn không để mình bị lạc lõng với mọi thứ xung quanh.

Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng “Mindfulness” có một tác động tích cực đến cuộc sống cá nhân cũng như công việc của con người.

Mindfulness tốt cho tinh thần: làm tăng cảm xúc, suy nghĩ tích cực và giảm những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Nó giúp con người bớt căng thẳng và chống trầm cảm.

Mindfulness tốt cho não bộ: Nghiên cứu cho thấy nó làm tăng mật độ chất xám trong những vùng não liên quan đến học tập, trí nhớ, điều chỉnh cảm xúc và sự đồng cảm.

Mindfulness giúp bạn tăng khả năng tập trung, giúp chúng ta sống trong từng giây phút trong hiện tại.

Làm sao để vun trồng chánh niệm?

Tập trung chú ý, bám sát vào hơi thở, đặc biệt là lúc mình có những cảm xúc căng thẳng.

Cần chú ý những gì mà bạn đang ý thức trong khoảnh khắc hiện tại như thấy, nghe, ngửi…, chúng thường lẻn vào tâm trí mà không qua sự nhận biết có ý thức của bạn.

Khi những ý nghĩ và cảm xúc của bạn lướt qua mà không “mang theo” bình luận xấu, tốt, đúng, sai là có thể nói bạn đã thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực và tâm đã an trú trong chánh niệm.

Nhà khoa học Jon Kabat-Zinn định nghĩa: “Chánh niệm thực ra không phải là chỉ ngồi thế hoa sen giống như một bức tượng treo trong một viện bảo tàng. Chánh niệm là một cuộc sống tiếp diễn từng giây phút, từng giây phút”.

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Các startup thường bị đứng giữa 2 luồng quan điểm: Một là, mới khởi nghiệp, nghiên cứu thị trường chỉ lãng phí; Hai là, nghiên cứu thị trường càng kỹ càng tránh được nhiều sai lầm.

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Câu hỏi có nên nghiên cứu thị trường hay không thường làm các startup đau đầu. Ảnh: Coach Eduardo Corrêa

Nhà khởi nghiệp nên chọn theo hướng nào? Hãy phân tích:

Nghiên cứu thị trường chỉ là một sự lãng phí thời gian, công sức và chi phí ?

Những người theo quan điểm này cho rằng:

a/ Khách hàng không thật sự biết điều họ thật sự cần

Nếu ngày xưa Henry Ford hỏi khách hàng của ông họ cần gì, họ sẽ không nói rằng họ cần một chiếc xe ô tô mà sẽ nói rằng họ cần… một con ngựa có 5 chân và chạy nhanh hơn.

Steve Jobs không tin vào nghiên cứu thị trường nhưng ông và Apple đã tạo ra các sản phẩm làm thay đổi thế giới như iPod, iPhone, iPad… Những sản phẩm này dường như đến từ “trực giác thiên tài” của những “gã điên muốn thay đổi thế giới” hơn là từ kết quả của bất cứ bản khảo sát thị trường nào.

b/ Thị trường biến động quá nhanh và trong khi bạn đang nghiên cứu thì thị trường đã dịch chuyển sang một trạng thái khác rồi

Các công ty công nghệ thường chỉ lập kế hoạch cho vài tháng, không đến 1 năm; những kế hoạch kinh doanh 3 năm được lập ra có lẽ chỉ là một phần của “trò chơi” gọi vốn; còn những “ảo vọng” như kế hoạch đổi mới 5 năm lần thứ nhất, lần thứ hai… thì đã chứng minh mức độ hiệu quả của nó bằng thực tế.

c/ Nghiên cứu thị trường cần phải làm đúng cách, nếu không, chỉ mang lại hậu quả, mà khởi nghiệp thì chưa biết cách, hoặc không đủ tiền thuê đơn vị biết cách

Thực tế, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng và làm chệch độ chính xác của một bản market research: lấy mẫu quá ít, chọn đối tượng khảo sát không đúng, phương pháp phỏng vấn không phù hợp, thiết kế câu hỏi / loại câu trả lời không chính xác…

Thậm chí có những lý do mà thoạt nghe có vẻ hài hước, như người phỏng vấn có tác phong… thấy ghét nên gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả trả lời của khách hàng, khảo sát về một loại bia nhưng cô gái tiếp thị bia quá đẹp làm cho các quý ông trả lời… thiếu trung thực…

Nếu thuê ngoài, chi phí của các Market Research Agency hàng đầu hiện nay có thể lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ, hoàn toàn không phù hợp với một startup.

Kết quả là các doanh nghiệp này “lờ đi” việc nghiên cứu và khảo sát thị trường, nhắm mắt nhắm mũi làm, “sai đâu sửa đấy”, trông chờ vào cái gọi là “may mắn”. Họ thuộc tuýp người thiên về trực giác (hoặc họ tin là như vậy) nhưng lại quên mất rằng họ chưa có đủ trải nghiệm để tôi luyện trực giác của mình. Họ có sự dũng cảm và nghị lực, nhưng còn thiếu sự khôn ngoan cần thiết để gia tăng tỷ lệ thành công cho startup.

Cần đầu tư rất nhiều để nghiên cứu thị trường?

Không ít startup quan niệm rằng phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc cho công đoạn nghiên cứu thị trường. Những người này thuộc tuýp người có năng lực trí tuệ cao, khi đi học hay đạt điểm số cao và thường tin vào sức mạnh của tính logic.

Họ có khả năng “lượng hóa” tất cả mọi thứ. Họ quan niệm rằng mọi thứ cần phải hoàn hảo, khởi nghiệp cũng vậy. Họ muốn có những số liệu, từ nhỏ nhất trong tay. Triết lý mà họ theo là “Do the right thing at the first time” (Hãy làm đúng ngay từ lần đầu tiên).

Kết quả là sau một thời gian, những vị “giáo sư” này làm cho cỗ máy startup của mình không thể tiến về phía trước vì mãi cân nhắc các rủi ro.

Sự khác nhau giữa người thành công và người chưa thành công là ở khả năng tiên liệu trước các rủi ro và chuẩn bị các bộ giải pháp cho những rủi ro đó. Những người có thực tài không ngồi một chỗ chỉ để cân nhắc rủi ro, hoặc để cho tốc độ thử nghiệm của mình quá chậm và bỏ lỡ mọi cơ hội.

Vậy startup có nên làm market research khi khởi nghiệp không?

Thực tế, đã có nhiều startup thất bại vì không am hiểu về thị trường, hoặc coi thường việc nghiên cứu thị trường. Đây cũng là nhận định của nhiều nhà đầu tư trên thế giới lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, cần đánh giá đúng sức mạnh của việc thử nghiệm.

Cho dù bạn có nghiên cứu thị trường kỹ bao nhiêu, thì có một thực tế là công ty nào đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu sẽ là công ty hiểu về thị trường nhất.

Việc thử nghiệm bằng cách tung sản phẩm ra thị trường cũng là một cách làm nghiên cứu thị trường. Bạn cần phải nhanh chóng đưa ra những mẫu thử sản phẩm, có những tính năng tối thiểu mình muốn thử nghiệm (MVP – Minimum viable product) và thử nghiệm nó trên một nhóm nhỏ khách hàng mục tiêu.

Thay vì hỏi khách hàng nghĩ thế nào về sản phẩm thì hãy trao sản phẩm vào tay họ và quan sát họ sử dụng. Bằng cách đó, bạn sẽ thu nhận được nhiều thứ mà bạn đã chẳng nghĩ tới trong giai đoạn lập kế hoạch.

Điều quan trọng là hãy thử trên một mẫu nhỏ mà thôi. Vì sao? Vì bạn cần kiểm soát thương hiệu của mình ngay từ đầu.

Bài học quan trọng: Phân phối nguồn lực hợp lý

Startup khởi nghiệp theo phong cách “ném các đĩa spaghetti lên tường, đĩa nào còn dính lại thì đó là một cơ hội thật sự” sẽ đối diện với một nguy cơ là khi tìm ra một cơ hội thật sự thì đã hết thời gian hoặc hết nguồn lực để theo đuổi mục tiêu.

Còn startup đi theo phong cách “nghiên cứu bài bản, cẩn thận” thì nhìn thấy rất nhiều cơ hội nhưng lại không thực sự chớp được cơ hội nào cả.

Trong nhiều trường hợp, câu trả lời phù hợp là startup cần có cả hai: Nghiên cứu thị trường – lập kế hoạch – thử nghiệm để điều chỉnh kế hoạch liên tục. Điều quan trọng là startup cần chọn đúng tỷ lệ đầu tư nguồn lực (thời gian, chi phí, công sức) cho hai việc này.

Để chuẩn bị cho một trận đấu bóng đá kéo dài 90 phút, huấn luyện viên và các cầu thủ đã phải nghiên cứu về đối thủ và chuẩn bị kế hoạch từ trước rất lâu. Thật dại dột nếu bước vào trận đấu khi không có một phương án tác chiến nào.

Sự khác biệt giữa người khởi nghiệp thông minh và nhà khởi nghiệp thiếu khôn ngoan nằm ở chỗ: nếu xem “trận đấu startup” cũng chỉ có 90 phút, người khởi nghiệp thông minh chỉ dùng 10 phút cho việc nghiên cứu – lập kế hoạch, 80 phút còn lại là trải nghiệm thực tế để điều chỉnh kế hoạch đó; còn người khởi nghiệp thiếu khôn ngoan hoặc chẳng cần biết đối thủ là ai, hoặc mất đến 60 phút để chuẩn bị cho công đoạn nghiên cứu – lập kế hoạch và chỉ còn lại 30 phút để tác chiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi nghiên cứu và kế hoạch là sai? Startup chỉ còn 30 phút để sửa sai. Tỷ lệ này là quá ít ỏi để tìm ra lời giải cho bài toán khởi nghiệp.

Bí quyết đánh thắng trận của các vị tướng thành công là họ biết cách điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với thực tế, chứ không cố ép thực tế để phù hợp với kế hoạch.

Cuối cùng, khởi nghiệp là một hành trình bao gồm cả khoa học lẫn nghệ thuật, có những lúc bạn cần tin vào trực giác của mình, nhưng bạn cũng cần học cách kiểm soát những gì có thể.

Khởi nghiệp thông minh

Về mặt nhận thức, cần hiểu rằng nghiên cứu thị trường trong khởi nghiệp giống với ngọn hải đăng, chứ không phải bản đồ chi tiết.

Một bản đồ chi tiết sẽ cho bạn biết đi thêm 100m đến ngã tư cần rẽ phải, đi tiếp 300 mét cần né 1 ổ gà bên phải, đi theo làn đường giữa – quẹo trái, đi thêm 5 cây số, bỏ 3 ngã tư 1 ngã ba… và rồi đến đích.

Nghiên cứu thị trường ở trong khởi nghiệp không phải là “cây đũa thần” như vậy. Nó giống một ngọn hải đăng sẽ soi cho bạn thấy một vài nơi có đá ngầm – những “cạm bẫy” khi khởi nghiệp (không xác định đúng độ lớn của thị trường từ đó hoạch định vốn không phù hợp dẫn đến mâu thuẫn về kỳ vọng với nhà đầu tư, hoặc không phân tích đúng khách hàng mục tiêu từ đó định vị sai thương hiệu, không hiểu về thị trường từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh sai …), nó giúp bạn an toàn hơn khi ra khơi. Ánh sáng của ngọn hãi đăng giúp cho người thủy thủ tìm được đường vào cảng, xác định được vị trí của mình trên biển, và có thể biết được hướng đi nào là phù hợp.

Nếu ngay từ đầu, bạn đã đi đúng hướng rồi, sau đó việc linh động, mò mẫm để vẽ ra bản đồ chi tiết và rồi đến đích thì sẽ hiệu quả hơn. Đó cũng là phong cách của khởi nghiệp thông minh!

 (*) Tác giả là Chủ tịch TMT Group, YUP Education

Khởi nghiệp không khéo là bước thẳng vào một đại dương đã nhuộm màu đỏ choé

Một trong những thứ mà startup cần làm nếu muốn mua thời gian và làm chậm quá trình sao chép của thị trường là phải biết tạo ra những “rào cản cạnh tranh” cho mô hình kinh doanh của mình mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “entry barriers”