Category Archives: Advice for employers

Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Đây là chia sẻ của nữ doanh nhân Thảo Vũ – nhà sáng lập (founder) của Trung tâm tiếng Nhật Mina.

Muốn thành doanh nhân, cần làm việc 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 10 năm

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, Thảo đã có cơ hội biết thành thị thế nào sau khi vào đại học. Khi học đại học, Thảo thấy có rất nhiều người ban đêm đi bới rác để lượm lặt các thứ có thể bán đồng nát. Hình ảnh đó đã thôi thúc bạn làm điều gì đó để cho cuộc sống này tốt hơn. Câu trả lời là Giáo dục. Sau khi ra trường, bằng những trải nghiệm của bản thân Thảo quyết định mở một công ty về giáo dục với xuất phát ban đầu là Nhật ngữ. Thảo mong muốn mở một hệ thống trường học, sau Nhật ngữ này thành trường mầm non và tiếp tục phát triển lên.

nữ founder startup doanhnhansaigon

Thảo Vũ (ở giữa) cùng với các đối tác người Nhật.

Và dưới đây là những chia sẻ của Thảo dành cho những bạn trẻ mong muốn trở thành doanh nhân, nuôi giấc mơ khởi nghiệp.

Bài này tôi viết và gửi tặng tới các em mong muốn làm Giám đốc ở tuổi 22. Đặc biệt là gửi tới những đứa em – người vẫn luôn dõi theo hoặc đồng hành bên tôi.

Tôi chọn tuổi 22 vì đó là lúc các bạn đã tốt nghiệp Đại học. Khi tốt nghiệp Đại học, có hai hướng chính mà các bạn sinh viên chọn: 1 là đi làm ở các công ty và 2 là tự mở công ty. Ở đây tôi xin nói đến tự mở công ty.

Tự mở công ty là bạn tự tạo công ăn việc làm cho mình. Sau khi bỏ ra gần 2 triệu làm việc với 1 công ty luật, bạn sẽ nhận được giấy phép kinh doanh với chức danh Giám đốc. Đó là công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu kiêm giám đốc kiêm tất cả các vị trí. Đã xong về tên Giám đốc.

Thông thường khi sản phẩm có thị trường, mọi thứ ổn định hơn thì mới đăng ký công ty và mới trở thành Giám đốc theo đúng nghĩa chứ không phải trên giấy tờ.

Hành trình làm Giám đốc bắt đầu…

doanh-nhan-lam-viec-3-doanhnha-7822-7286

Kiến thức nền tảng và ham muốn trở thành doanh nhân

Tôi vẫn nhớ, một ngày của năm 2010, tôi đã hỏi anh doanh nhân đi trước rằng “Làm thế nào để trở thành doanh nhân?”. Anh đã trả lời thế này:

“Chào em, sách có rất nhiều, có mấy vần đề trọng tâm cần biết:

1. Macro, Micro Economy

2. Project Management

3. Business Plan

4. Marketing

5. ….

Để trở thành một doanh nhân, cần làm việc 12-14h/ngày, 7 ngày/tuần trong 10 năm liên tục.

Đó là điều quan trọng nhất.

Anh gửi em cuốn sách này của Napoleon Hills, nói về sự quyết tâm. Ebook tiếng Anh em có thể tìm thấy khá nhiều trên Internet”

Trải nghiệm và thực thi hết các ý tưởng bạn nghĩ ra, càng nhiều càng tốt

– Đó là các hội thảo chuyên đề: Marketing, nhân sự, tài chính, bán hàng…

– Đó là các hoạt động tình nguyện

– Đó là các công việc làm thêm

– Đó là các cuộc thi khởi nghiệp

– Đó là các cuộc gặp gỡ những người thành công

– Đó là tự mình kiếm tiền với những ý tưởng đơn giản: bán đĩa, bán sách…

doanh-nhan-lam-viec-5-doanhnha-4734-2160

1. Bán cái gì nhỉ?

Công ty chắc chắn cần có một sản phẩm, sản phẩm bắt nguồn từ ý tưởng của bạn trong quá trình sống và chọn lọc. Phần lớn, các bạn sẽ có ý tưởng na ná nhau: Mở quán cafe, mở trung tâm ngoại ngữ, mở quán ăn, mở cửa hàng bán quần áo, mở quán photocopy, mở cửa hàng bán sách, mở siêu thị, mở cửa hàng rau sạch, mở cửa hàng bán bánh, mở công ty về công nghệ (code, thiết kế, game, outsource…). Bất kỳ cái gì hứng thú bạn, hấp dẫn bạn, hãy bắt đầu làm.

Kinh nghiệm của tôi = Trải nghiệm + nhận định thị trường

Năm 2009, Thảo bắt đầu đi học tiếng Nhật, lúc đó đi học vì thích thú tiếng Nhật, thích nước Nhật và muốn tìm hiểu tại sao nước Nhật lại phát triển nhanh như vậy sau năm 1945.

Đi học được 1, 2 tuần thì đi tập quân sự nên đành bỏ dở tiếng Nhật. Sau đó, tập quân sự xong về thì lớp tiếng Nhật đó đã tan rã, cô giáo bảo hễ em tập hợp được khoảng 10 người thì cô sẽ dạy. Thế là bắt đầu dán tờ rơi, đăng tin rao vặt, rủ rê bạn bè, chia sẻ trên các diễn đàn …

Cuối cùng cũng tập hợp được 10 bạn để học. Học liên tục trong 7 tháng thì lớp tan rã, cô giáo bảo mình chuyển sang tuyển các lớp khác cho cô dạy và cứ như vậy trong 2 năm, tôi có trải nghiệm và hiểu biết trong mảng đào tạo tiếng Nhật.

Nhận định thị trường: Các nước châu Âu đang sử dụng đồng tiền chung và tạo thành một khối thống nhất, người dân các nước Châu Âu có thể nói được hầu hết tiếng của nhau. Vậy châu Á thì sao? Chắc chắn cũng có điểm tương đồng, tiếng Anh thì quá phổ biến rồi nên chắc chắn người ta sẽ chọn học thêm 1 tiếng khác, và tiếng Nhật là sự lựa chọn sau tiếng Anh (Nhật đầu tư vào Việt Nam nhiều, người Nhật có nhiều cái tương đống với người Việt Nam, Nhật là 1 đất nước phát triển..).

Nhưng có một thực tế là rất nhiều sinh viên học ngoại ngữ không nói được thứ tiếng này? Lý do là không có môi trường thực hành và chủ động thực hành

Vì thế, thị trường có nhu cầu và tôi cần tạo ra một nơi để mọi người không ngại nói, nói tự nhiên. Tôi nghĩ đến quán cafe ngôn ngữ. Nên thành lập CLB tiếng Nhật vì thị trường vẫn còn hiếm. Tuy nhiên, vốn ở đâu? Tôi nên đi làm thuê để có tiền hay nên đi vay mượn?

Đó là những câu hỏi trong tôi, để cuối cùng tôi  chọn đi làm thuê trước nhưng không hào hứng lắm nên cuối cùng quay về vay tiền và bắt đầu dốc toàn tâm, toàn ý cho nó: Dự án Tiếng nhật của tôi bắt đầu.

Kết luận: Sản phẩm bạn chọn nên là cái bạn hiểu rõ nhất và đã từng trải nghiệm về nó.

2. Bán như thế nào?

Tùy vào từng sản phẩm sẽ có cách bán khác nhau. Nhưng quan trọng, bạn cần là người hào hứng với sản phẩm của mình, bạn tự hào về giá trị của sản phẩm và không ngại chia sẻ điều tuyệt vời của sản phẩm cho những người khác. Khi chưa biết chắc chắn sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay không, bạn nên mời bạn bè, những người quen biết dùng thử và xin cảm nhận, đánh giá của họ.

Kinh nghiệm của tôi:

Bước 1: Xác định nhóm khách hàng mục tiêu

Bước 2: Tìm hiểu về nhu cầu của họ

Bước 3: Các cách để tiếp cận tới họ

Bước 4: Tiếp cận

Tôi từng bước thực hiện dự án bằng cách mở các lớp tiếng Nhật với học phí vừa phải để thu hút sự quan tâm, lấy công làm lãi, làm blog chia sẻ tại sao mình làm dự án này, chia sẻ những trải nghiệm học tiếng Nhật, nhấn mạnh vào quyết tâm học để nói và dùng tiếng Nhật.

3. Hình thành nhóm quản lý

– Nhóm quản lý đầu tiên:

Phần lớn các ý tưởng sau khi có sản phẩm sẽ vẫn gọi là một dự án. Người trưởng dự án sẽ bắt đầu đi tìm những người đồng hành để phát triển dự án, bán nhiều sản phẩm hơn ra thị trường. Lúc này, người trưởng dự án sẽ được gọi là nhà sáng lập, những người vào đồng hành tùy từng dự án sẽ gọi là nhà đồng sáng lập.

Kinh nghiệm của tôi: Tìm những người tâm huyết với ý tưởng của mình, có cùng quan điểm sống và hết mình vì nó, cùng nhau làm việc, nhất mực tin tưởng nhau.

Một mình làm thì lâu, nên đầu tiên cần tìm một nhóm nòng cốt, dự án tiếng Nhật của tôi bắt đầu tuyển các bạn tình nguyện vào làm. Sau 3 tháng, thì lứa nhân sự đầu tiên cũng hình thành, tuy nhiên vì là 1 dự án đang phát triển nên tiền công không nhiều, trách nhiệm không nhiều, dẫn đến việc tất yếu là tan rã.

Lúc này, nếu người sáng lập không theo đến cùng thì dự án sẽ chết yểu ở đây.

Bài học: Bạn – Người chủ của ý tưởng sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng cho dù những người khác có ra đi.

doanh-nhan-lam-viec-4-doanhnha-5543-9022

– Nhóm quản lý thứ hai:

Tiếp tục theo đuổi ý tưởng, bạn tuyển thêm nhóm đồng hành thứ hai, lúc này vì bài học rút ra từ nhóm thứ nhất, bạn sẽ nâng tiền công lên và trách nhiệm lên, ý tưởng phát triển thành một hệ thống hoàn thiện và bắt đầu có lãi, rồi phình to ra.

Trong khi đó, bạn lại chưa chuẩn bị tinh thần để phân chia công việc cho mọi người khi mở rộng, bạn ôm đồm nhiều thứ và bắt đầu mất kiểm soát.

Ngoài ra, khi có lãi sẽ gặp phải một bài toán về chia lợi, những người làm cùng sẽ bắt đầu phân chia: Ở lại làm cùng hay ra mở riêng một cái khác? Nếu không thỏa thuận được về chia lãi, rất có thể nhóm sẽ tách ra mở một cái khác.

Bài học: Vẫn phải tìm được người phù hợp bằng cách sàng lọc theo thời gian, chuẩn bị tinh thần cho việc lớn mạnh của hệ thống.

– Nhóm quản lý thứ ba:

Lúc này, mọi khó khăn về thị trường đã tạm ổn, bạn có một lượng khách hàng ổn định, và bắt đầu tiến hành thành lập công ty với chức danh Chủ sở hữu kiêm giám đốc.

Công ty của bạn hình thành các phòng ban, các mối quan hệ với đối tác. Bạn bắt đầu hoàn thiện hệ thống nội bộ, chăm lo cho nhân viên, cho khách hàng tốt hơn để tăng sự trung thành.

Và lúc này bạn nhận ra, bạn không thể làm tất cả mọi việc từ A – Z như khi công ty còn là một ý tưởng. Bạn đã trở thành Giám đốc, dưới bạn có các trưởng nhóm mà bạn tuyển vào. Bạn trao quyền cho họ ra sao, rồi họ lại trao quyền cho nhân viên họ ra sao để cả hệ thống có thể phát triển theo hướng mà bạn vạch ra.

Bạn suy nghĩ nhiều về hệ thống quản lý nội bộ: Tiền bạc, thuế, lương, thưởng để làm sao công ty có thể tồn tại và phát triển một cách tốt nhất…Lúc này, tuổi đời của bạn vào khoảng 25 tuổi, cái tuổi chưa đủ uy để hút những người có kinh nghiệm về làm cùng bạn, trong khi bạn cũng như một con gà con mới chập chững biết đi.

Bạn lao vào học về quản lý, điều hành công ty, bạn đi hỏi han các anh, chị khác, bạn thử hết các ý tưởng mà bạn nghĩ ra…Rồi luật lao động, thuế, quản lý tài chính, đầu tư tiền vào đâu, mục tiêu công ty năm nay là gì? Làm gì và không làm gì?… Bạn như nổ tung đầu.

Bạn tự hỏi có phải mình được sinh ra để làm cái này? Bạn hoài nghi về năng lực của mình? Hay là bán công ty đi để khỏi phải lo nghĩ nhiều? Bạn dằn vặt.

Rồi bạn ngồi một mình, nghĩ lại tại sao mình làm dự án này. Bạn bắt đầu nói chuyện với từng trưởng nhóm, chia sẻ với họ khởi nguồn của công ty, giá trị hướng tới: Vì khách hàng và vì con người thông qua giá trị tạo ra. Mọi người hiểu được mình đang làm gì và theo đuổi mục tiêu gì.

Toàn thể công ty đang chao đảo như sống lại với khởi nguồn phát triển của công ty. Và lúc này bạn nhận ra, việc quan trọng nhất của bạn bây giờ là phát triển thế hệ lãnh đạo kế cận bạn, văn hóa công ty, môi trường làm việc bền vững hơn để chuẩn bị cho những bước đi dài hơn.

* Tác giả là Nhà sáng lập chuỗi trung tâm tiếng Nhật Mina. 

Quản trị kiểu Google: Người giỏi chưa hẳn được thăng chức

Trong bài chia sẻ mới đây trên trang Re:work của Google, Sarah Calderon – Quản lý bộ phận Phát triển Nhân sự Quản lý của Google, đã tiết lộ những bí mật giúp Google phát hiện và phát triển nhân viên có tố chất quản lý giỏi.

Đó là:

1. Người làm việc tốt không hẳn sẽ quản lý tốt

Lối suy nghĩ thăng chức quản lý cho những nhân sự làm việc hiệu quả cao đối với Google là một sai lầm. Lãnh đạo một tập thể đòi hỏi những kỹ năng rất khác so với chuyên môn. Calderon chia sẻ rằng, để tìm được quản lý xuất sắc, bạn cần phải quan sát cách ứng viên làm việc cùng đồng nghiệp cũng như cách họ hoàn tất nhiệm vụ được giao.

Ứng viên đó có điều chỉnh tác phong làm việc của bản thân theo phong cách của đồng nghiệp không? Ứng viên có xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong khi làm việc nhóm không? Và ứng viên đó có thể góp ý tích cực với các đồng nghiệp khác không?

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý một yếu tố quan trọng là sự hứng thú với công việc quản lý của ứng viên đó. Cụ thể, bạn cần tìm hiểu xem ứng viên có thực sự thích công việc liên quan để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa con người với con người trong công sở không? Nếu người quản lý hiện tại cảm thấy vô cùng khổ sở với công việc đang làm và bày tỏ mong muốn quay lại vị trí chuyên môn cũ thì đó là lúc bạn nên đưa nhân sự này về lại “không gian” của họ.

2. Những tháng đầu tiên là lúc huấn luyện tốt nhất

Những công ty mắc lỗi khi chọn ứng viên quản lý tiềm năng cũng sẽ thường xác định sai thời gian thăng chức hợp lý. Các ứng viên thường trải qua một khóa huấn luyện về kỹ năng quản lý trước khi đưa họ vào môi trường thực tế khắc nghiệt.

Ngược lại, Calderon cho biết điều tốt nhất các công ty nên làm là cung cấp những nguồn lực cơ bản để quản lý mới có thể sử dụng trong suốt những tháng đầu tiên ở vị trí này. Khóa huấn luyện phát triển năng lực quản lý chỉ nên tổ chức sau khi họ đã trải qua vài tháng làm việc thực tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý cân đối thời gian để nhân sự không bị chờ đợi quá lâu. Thời gian kéo dài có thể tạo ra những thói quen xấu khó thay đổi nơi nhân sự mới. Theo Calderson, tốt nhất khóa tập huấn nên diễn ra vào thời điểm nhân sự này bắt đầu hiểu về vị trí mới và trải qua một vài thử thách thực tế đầu tiên. Nếu không có giai đoạn thực hành trước, mọi khóa tập huấn đều sẽ chỉ là lý thuyết suông. Ở Google, khoảng thời gian trước tập huấn thường kéo dài 3 tháng, theo Calderson.

3. Đừng làm quản lý mới quá tải

Điều duy nhất Google không muốn đó là nhìn thấy quản lý mới bị cạn kiệt sức lực. Cách tiếp cận tốt nhất, theo Calderon, là bạn nên nghĩ về những điều nhân sự quản lý mới có thể cần trong 6 tháng đầu tiên đảm nhận công việc. Đồng thời, hãy giao cho họ khối lượng công việc vừa đủ để họ có thể ghi nhớ, áp dụng những điều đã được học. Theo thời gian, nhân sự sẽ phát triển tiếp các kỹ năng quản lý hoàn thiện hơn.

Tại Google, khóa tập huấn tập trung vào những mảng sau:
– Kỹ năng đưa phản hồi.
– Trở thành một coach tốt.
– Gia tăng tư duy phát triển (văn hóa học hỏi đối với cá nhân quản lý và đội ngũ nhân viên cấp dưới).
– Gia tăng trí thông minh cảm xúc (khả năng nhận thức bản thân và tình trạng của đội ngũ đang quản lý).

Trí thông minh cảm xúc có vai trò giúp các nhà quản lý có thể giải quyết các tình huống khó khăn thông qua việc hiểu rõ về bản thân. Một ví dụ về khía cạnh này, Calderson đưa ra, là về cảm giác khó khăn khi góp ý cho người khác. Để nhà quản lý có thể làm tốt điều này, họ cần hiểu rõ cảm xúc hiện tại của bản thân và người nhận phản hồi trước khi đưa ra phản hồi.

4. Tập huấn không phải là cách duy nhất

Đừng khăng khăng cho rằng các quản lý của bạn phải học hỏi từ chuyên gia. Vì theo Calderson, các quản lý cũng nên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Tại Google, các buổi chia sẻ kinh nghiệm đồng đẳng, tinh thần sẵn sàng góp ý, giúp đỡ nhau cải thiện hiệu quả công việc hằng ngày của các quản lý luôn được khuyến khích thực hiện.

Doanh nghiệp cần tạo ra “văn hóa học hỏi, thực hành, phản hồi và rút kinh nghiệm”. Vì văn hóa này sẽ thúc đẩy các quản lý tiếp tục tìm hiểu những điều họ đang làm tốt và những điều cần cải thiện thêm.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, quản lý cấp cao nên đầu tư các hệ thống, quy trình nhằm tạo điều kiện cho quản lý cấp trung trao đổi và tìm ra giải pháp cho những vấn đề của nhau.

5. Đưa ra những phản hồi mà quản lý mới cần

Mỗi năm một lần, nhân viên Google sẽ thực hiện một khảo sát về cách quản lý đưa ra những phản hồi trong công việc với họ. Kết quả bảng hỏi thu thập sẽ được Google phân tích bằng lý thuyết 8 hành vi quản lý do chính công ty tìm ra. Những hành vi này sẽ giúp tạo ra đội ngũ nhân sự hạnh phúc, cải thiện kết quả công việc cũng như gia tăng gắn kết nội bộ.

Song, những điều Google đang áp dụng không hẳn sẽ phát huy tốt trong doanh nghiệp của bạn. Để quyết định những yếu tố tạo nên đội ngũ quản lý giỏi, bạn cần cân nhắc các câu hỏi sau:

  • Liệu tổ chức của bạn có cần người quản lý không?
  • Nếu cần, thì bạn sẽ thuyết phục nhân sự nào cho vị trí này và bạn sẽ thuyết phục ra sao?
  • Điều gì tạo nên một quản lý giỏi trong tổ chức của bạn?

Kết

Trong quá trình chuẩn bị cho nhân sự quản lý, Calderon đã từng nhận được câu hỏi: “Sẽ thế nào nếu một ứng viên không vượt qua được quá trình huấn luyện quản lý? Họ có thể làm rất tốt ở những kỹ năng khác nhưng lại khá yếu về trí tuệ cảm xúc. Cô sẽ xử lý trường hợp này thế nào?”.

Câu trả lời của Calderon dưới đây sẽ làm rõ hơn về giá trị của sự đồng cảm, không chỉ trong nội bộ Google mà còn là một tiêu chí quan trọng, cần có ở mọi nhà quản lý.

Calderson đã trả lời rằng: “Điều quan trọng chúng ta cần hiểu rằng không ai có thể ngay lập tức trở thành nhà quản lý xuất sắc sau khi bước ra khỏi khóa tập huấn. Khi bạn học một kỹ năng mới, sẽ có lúc mọi chuyện trở nên rất khó khăn. Vượt qua được thì bạn mới thành thục kỹ năng mới.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn cần cởi mở, sẵn lòng hỗ trợ và tạo dựng môi trường học tập cho nhân viên của mình. Hãy chỉ cho họ thấy cụ thể họ cần cải thiện điều gì và trao cho họ đủ nguồn lực cần thiết để cải thiện tình hình, cũng như liên tục đo lường kết quả của những nỗ lực đó.

Nếu quá trình này không mang đến đến kết quả, hãy có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhân viên của mình để cùng tìm ra liệu có phải người đó đang ở sai vị trí hoặc không hợp với đội ngũ nhân viên hiện tại.

Tóm lại, hãy đồng cảm với những quản lý mới của bạn vì có thể chính họ cũng đang phải chịu đau đớn để phát triển bản thân”.

3 bài toán “phụ thuộc” mọi startup cần tránh

Bài toán mà các startup ngày nay luôn phải chú ý mang tên “ngừng phụ thuộc”: ngừng phụ thuộc vào khách hàng, ngừng phụ thuộc vào giám đốc điều hành và ngừng phụ thuộc vào nhân viên.

Sau khi “thay tướng” (Uber bổ nhiệm giám đốc điều hành mới, Dara Khosrowshahi, thay cho nhà sáng lập Travis Kalanick vào tháng 8/2017), có vẻ khó khăn vẫn chưa thôi đeo bám Uber. Cụ thể, cuối tháng 9 vừa qua, giới chức quản lý giao thông ở thành phố London (Anh) đã quyết định không gia hạn giấy phép kinh doanh cho Uber, đồng nghĩa với việc Uber sẽ bị cấm hoạt động tại một trong những thành phố giàu có nhất thế giới này. Lý do chính được đưa ra là để bảo vệ an toàn cho người dân.

Tất nhiên, trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng Uber có thể có nhiều cách khác nhau để giải quyết tình hình, như chấp nhận chia sẻ dữ liệu khách hàng, cải thiện khả năng hợp tác với chính quyền, trả tiền phạt theo các điều khoản của London… để xóa bỏ lệnh cấm trên, hay tiếp tục kháng cáo tới cùng để hãng được hoạt động.

Tuy nhiên, vụ việc của Uber phần nào gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những nhà khởi nghiệp, đó là không nên bỏ hết trứng vào cùng một giỏ, dù doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn có ý tưởng hoàn hảo đến đâu đi nữa.

“Khởi nghiệp là bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, tuy nhiên, sự mới mẻ luôn gặp phải những rào cản, và Uber cũng không phải là ngoại lệ. Dù ở London, Uber tạo ra 40.000 việc làm, với 3,5 triệu người đã sử dụng, nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng hãng có thể tiếp tục xuất hiện ở thành phố này” – Andrew Beattie, nhà phân tích của trang Investopedia.comBusiness Insider, bình luận – “May mắn là Uber đã và đang hoạt động ở 700 thành phố khác nhau, nên họ sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề vì việc này. Và đây cũng chính là điểm sáng, là bài toán mà các startup ngày nay phải luôn chú ý, bài toán mang tên ngừng phụ thuộc”.

Phụ thuộc vào khách hàng

Theo Andrew Beattie, khó khăn đầu tiên với nhiều startup đó là thường bị phụ thuộc quá nhiều vào một số khách hàng nhất định.

Cụ thể, nếu một khách hàng hoặc một phân khúc khách hàng chiếm hơn một nửa thu nhập của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp khi ấy thực sự giống như một nhà thầu độc lập hơn là một thể chế tài chính độc lập. Và doanh nghiệp khi ấy không chỉ nhận tất cả rủi ro kinh doanh trong lĩnh vực của mình, mà còn phải nhận thêm rủi ro kinh doanh của đối tác.

Vì vậy, đa dạng hóa khách hàng là điều quan trọng đầu tiên để chúng ta có thể phát triển kinh doanh, dù cho đây có thể là điều rất khó khăn ban đầu, khi nguồn vốn, tiềm lực kinh doanh và thậm chí là kinh nghiệm, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp còn đang rất mỏng.

“Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, có được một khách hàng sẵn sàng trả tiền đúng và đủ theo thời hạn là một sự may mắn hiếm có. Bởi không phải khách hàng nào cũng có sự nhất quán lâu dài và tình trạng kinh doanh luôn ổn định. Tuy nhiên, thế giới kinh doanh đang ngày một thay đổi và tốt hơn hết doanh nghiệp nên có một cơ sở khách hàng đa dạng. Hãy tin vào chính mình, chứ đừng phụ thuộc vào một hoặc hai khách hàng, dù họ có thân thiết và có uy tín đến thế nào” – Andrew Beattie nhìn nhận.

Phụ thuộc vào giám đốc điều hành

Andrew Beattie nhận định, ở nhiều startup ngày nay, giám đốc điều hành chẳng khác nào hình ảnh bà mẹ trông con mọn. Anh ta phải lên công ty, giải quyết mọi việc gần như từ đầu tới cuối. Nếu một ngày anh ta không ở đấy, có lẽ công ty sẽ chẳng thể nào vận hành.

Đây cũng là vấn đề thứ hai của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ yếu ở phía nhà quản trị, khi ôm đồm quá nhiều việc. Mấu chốt thường là do nhà quản trị khi giao việc đã không giao quyền hạn phù hợp cho nhân sự của mình, khiến nhân sự không thể tự quyết bất cứ việc gì, nếu không hỏi qua ý kiến của sếp.

“Khi giao quyền, bạn đang phải thỏa hiệp. Bạn phải thỏa hiệp với nhân viên của mình, để anh ta nhận lãnh một số công việc và đổi lại một số vai trò trong doanh nghiệp. Đây là một hành động khiến giảm sự ảnh hưởng của mình, nên nhiều nhà quản trị hoàn toàn không thích. Thế nhưng hãy nghĩ đến thời điểm bạn buộc phải rời khỏi doanh nghiệp vài ngày và nó sẽ hoạt động ra sao? Chỉ đạo từ xa thường không phải là một biện pháp tốt. Theo tôi, để đi nhanh, bạn nên đi một mình, nhưng để đi xa, bạn nên đi cùng nhau” – Andrew Beattie nhìn nhận.

Phụ thuộc vào nhân viên

Robert Glazer – Giám đốc điều hành của Công ty Tiếp thị Acceleration Partners cho rằng, một trong những đặc điểm nổi bật của startup là sự linh hoạt trong môi trường, cơ cấu, yêu cầu đối với các phòng ban, nhân viên. Sự linh hoạt này là một trong những chiếc sàng thanh lọc nhân sự khắc nghiệt nhất, nếu không muốn nói là chỉ rất ít nhân viên có thể trụ vững ở một doanh nghiệp từ khi nó hình thành cho tới khi thực sự đạt được thành tựu nhất định.

“Sự phù hợp không chỉ là đặt đúng người vào đúng ghế, mà còn đặt họ vào đó đúng thời điểm. Và để tránh phụ thuộc vào bất cứ nhân sự nào, hãy luôn nhớ rằng, không ai là không thể thay thế” – Robert Glazer chia sẻ trên trang Harvard Business Review.

Theo đó, Robert Glazer đã thực hiện một trong những quyết định nhân sự để đời, đó là sa thải nhân viên chuyên về quan hệ khách hàng, người đã theo công ty của anh từ khi nó vừa chập chững những bước đi đầu tiên.

“Anh ta (nhân viên của Robert Glazer) có thái độ tốt, gắn bó lâu năm với công ty, nhưng hoàn toàn không phù hợp với vai trò và vị thế mới của công ty. Anh ta hoàn toàn không thể theo kịp sự phát triển của các mô hình mới và đã làm chúng tôi lỗ không ít tiền vì việc đó. Khi quyết định ngừng phụ thuộc vào anh ấy, chúng tôi thực ra đã giúp anh ấy chuyển sang một công ty khác mà ở đó họ có thể sử dụng kỹ năng của anh ấy tốt hơn. Nếu chúng tôi cố gắng buộc anh ta tiếp tục với chúng tôi, không chỉ bản thân anh ấy sẽ chán và không có động lực làm việc, mà chúng tôi cũng gặp không ít rắc rối. Tất nhiên, cuộc chia tay này không mấy êm đẹp, nhưng nếu bạn không chịu đối mặt với thách thức, bạn sẽ không thể dừng phụ thuộc” – Robert Glazer kết luận.

[Infographic] 10 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới

Trong đủ mọi lĩnh vực từ kinh doanh, chính trị cho đến từ thiện và nghệ thuật, những người đàn ông và phụ nữ này đang thay đổi thế giới và gây cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới.

Trong bảng xếp hạng 50 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới lần thứ 4 của Fortune, rất nhiều cái tên nổi tiếng như CEO Amazon Jeff Bezos hay chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đứng cạnh những cái tên nhiều người chưa từng nghe qua như tổng thống Litva, Dalia Grybauskaitė. Thậm chí, những vị nguyên thủ quyền lực như tổng thống Nga Vladimir Putin còn không được nhắc đến.

Jeff Bezos

Lý do là vì Fortune đánh giá vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực của mỗi người. Giám đốc một tổ chức nhỏ có thể đứng trên những “ông trùm” kinh doanh danh tiếng nổi khắp 5 châu nếu xét theo tỷ lệ, người đó lãnh đạo một cách hiệu quả hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn.

Bảng xếp hạng này cho thấy một lãnh đạo vĩ đại có thể ở bất cứ nơi nào – đứng đầu một tập đoàn khổng lồ, điều hành một trường cao đẳng ở nông thôn, hoặc làm việc trong một văn phòng chật hẹp.

Mỹ chiếm gần một nửa trong danh sách (24 người). Trong khi đó châu Á có 9, châu Âu 6, châu Phi 7, châu Mỹ 3 và Trung Đông chỉ có duy nhất 1 người. Dưới đây là top 10 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới..

Doanh nghiệp nội cần xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm nhân tài, cạnh tranh về mức lương, chính sách ưu đãi… Để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nội cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu tuyển dụng để có thể tìm được người như mong muốn. Đó là nhận định của các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm.
Tìm cách thu hút ứng viên
Theo mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017 đang tăng so với năm ngoái và điều này sẽ tạo thêm việc làm. Nguồn tuyển dụng lao động này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng lao động, kỹ năng làm việc…
Ba ngành nhận được nhiều vốn đầu tư gồm công nghiệp chế biến và sản xuất, khai khoáng, bán sỉ và bán lẻ. JobStreet.com Việt Nam cho rằng sẽ có 3 nhóm công việc được tuyển dụng nhiều nhất trong các ngành nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài là chuyên viên/trưởng phòng thu mua, kiểm định chất lượng và nhân viên sản xuất.
Để cạnh tranh được với các công ty nước ngoài tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong nước cần phải tích cực trong khâu tạo nguồn nhân lực, đồng thời phải tìm được biện pháp phù hợp để thu hút ứng viên tham gia các đợt tuyển dụng, theo nhận định của các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm. Để làm được điều này, doanh nghiệp trong nước cần phải đẩy mạnh thương hiệu tuyển dụng và đây là một trong những thách thức đặt ra cho nhà tuyển dụng bên cạnh việc tạo nguồn, sàng lọc và ra quyết định tuyển dụng ứng viên.
Ông Eric Sito, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn SeekAsia (quản lý JobStreet.com) đã chỉ ra một số thách thức trong quá trình tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam. Ông cho rằng các doanh nghiệp nên tìm hiểu các nhận xét về môi trường làm việc của mình thông qua việc thu thập các lời bình luận/đánh giá về công ty trên mạng xã hội, các diễn đàn  trực tuyến. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xác định một thông điệp nhằm tạo nên “tiếng vang” về thương hiệu dựa trên những yếu tố nổi trội, điểm mạnh hoặc những điều được yêu thích về công ty, những điểm nhấn thu hút ứng viên mong muốn làm việc cho công ty…
Một số chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã từng chia sẽ rằng các doanh nghiệp trong ngành CNTT thuộc nhóm thương hiệu nổi tiếng sẽ có nhiều điều kiện tuyển dụng nhân sự hơn so với các doanh nghiệp mới. Điều này cho thấy một thực tế rằng các nhà tuyển dụng nếu có hoạt động gầy dựng thương hiệu tốt sẽ dễ dàng hơn trong khâu tìm kiếm nhân sự.
Theo bộ phận tuyển dụng FPT Software TPHCM, doanh nghiệp sẽ phải tạo ra nguồn nhân lực bằng cách mở các khoá đào tạo “tân binh”; tích cực tuyển chọn các sinh viên năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp ở các trường đại học/cao đẳng có đào tạo về CNTT.
Tạo nguồn tuyển dụng đa kênh
JobStreet.com Việt Nam nhấn mạnh việc áp dụng giải pháp tạo nguồn tuyển dụng đa phương tiện, gồm mở rộng đăng tải thông tin tuyển dụng, hoạt động tìm kiếm hồ sơ ứng viên tài năng, đưa ra thông điệp riêng cho ứng viên mục tiêu, hoặc tổ chức ngày hội phỏng vấn trực tiếp đúng thời điểm, sẽ giúp các chuyên viên nhân sự giải quyết được khó khăn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên kết hợp nhiều kênh truyền thông, lan toả thông tin tuyển dụng nhân sự ở các môi trường khác nhau (các website tìm kiếm việc làm, mạng xã hội…). Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp chỉ đăng tải một mẫu tin tuyển dụng trên báo/website tuyển dụng có thể sẽ không đủ hiệu quả và tốn nhiều thời gian chờ đợi.
Không chỉ đơn thuần là đăng tải thông tin tuyển dụng, một số doanh nghiệp đã tìm cách kết hợp việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cùng với tiếp thị sản phẩm trong từng đợt tuyển dụng nhân sự. Họ đứng ra tổ chức các chiến dịch tuyển dụng nhân sự, đồng thời quảng bá hình ảnh/thương hiệu công ty. Cách thức tuyển dụng này nếu kết hợp với việc áp dụng giải pháp truyền thông, marketing trên môi trường kỹ thuật số sẽ hiệu quả hơn trước.
Theo báo cáo triển vọng thị trường 2017 của JobStreet.com Việt Nam, các công ty Việt Nam vẫn đang tiếp tục tuyển dụng nhân sự và mở rộng quy mô hoạt động. Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay cũng đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trong nước.
Việt Nam cũng được các kênh tìm kiếm việc làm đánh giá là có số lượng ứng viên thường xuyên “nhảy việc” để có thể nâng mức thu nhập lên cao tới mức mong muốn…
Theo đánh giá từ một số doanh nghiệp, LinkedIn và Facebook là hai kênh tuyển dụng hiệu quả hiện nay. LinkedIn cung cấp nhiều công cụ cho phép các nhà tuyển dụng tối ưu hóa các chu trình trong việc tìm kiếm ứng viên, rút ngắn rất nhiều thời gian tuyển dụng. Facebook là kênh cho phép các nhà tuyển dụng tiếp cận đến rất nhiều người và công cụ live stream trên kênh này cho phép các nhà tuyển dụng giải đáp khúc mắc của các ứng viên một cách hiệu quả.