Category Archives: Advice for employers

Doanh nhân và bí quyết vượt qua “cơn bĩ cực”

Tony Robbins – tác giả, diễn giả kiêm, nhà huấn luyện doanh nghiệp nổi tiếng thế giới – luôn nhấn mạnh một điều: Bước nhảy vọt phi thường lúc nào cũng chỉ đến sau cơn tụt dốc không phanh.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nhân trên thế giới đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng ngay sau khi chạm đến đáy thấp nhất của cuộc đời mình.

Những bí quyết vượt qua “cơn bĩ cực” dưới đây được Entrepreneur tổng hợp từ diễn đàn The Oracles – nơi các nhà kinh doanh hàng đầu thế giới chia sẻ những lời khuyên và chiến lược thành công tốt nhất để giúp những người khác phát triển kinh doanh, sống tốt hơn và đạt được thành công nhanh hơn.

1. Dành thời gian nghỉ ngơi – Roberto Orci, biên kịch và nhà sản xuất tại kinh đô điện ảnh Hollywood với doanh thu toàn cầu gần 5 tỷ USD

Tôi với người bạn tâm giao cũng là đồng sự biên kịch đã cùng làm việc trong 24 năm. Chúng tôi đã viết kịch bản và sản xuất nhiều phim bom tấn, thu về gần 5 tỷ USD phòng vé cũng như trở thành một trong những cặp đôi biên kịch được săn đón nhiều nhất trên Tinseltown.

Một số tác phẩm mà cả hai cùng hợp tác như Mission Impossible III, Transformers, và Star Trek. Thế nhưng, chỉ trong tích tắc, mọi thứ đều chấm dứt. Mỗi người một ngả, tôi trở thành chú ngựa cô độc chỉ sau một đêm.

Khoảnh khắc mối hữu hảo gần nửa đời người kết thúc, sợ hãi và nghi hoặc bao trùm lấy tôi: Tôi sẽ ổn chứ? Người khác sẽ nghĩ gì về việc này? Các studio có còn đặt tôi viết kịch bản không?…

Ngậm ngùi, tôi dành thời gian nghỉ ngơi và thậm chí đã cân nhắc “nhảy việc”. Nếu kéo dài con đường biên kịch chỉ đơn thuần để giữ lại danh tiếng và chứng minh bản thân mình với người khác thì quả thật, tôi chẳng mong muốn tiếp tục chút nào.

Thời gian thảnh thơi giúp tôi nhận ra một khía cạnh khác của cuộc sống này: Khoảnh khắc ta chìm trong cơn giông tố cuộc đời lại là lúc bản thân học tập và trưởng thành hơn cả. Chính trong hoàn cảnh ấy, ta mới biết mình thực sự là ai. Một số người sẽ không bao giờ được trải qua khoảnh khắc ấy. Một thân một mình bước tiếp vai trò biên kịch đã đem lại cho tôi trải nghiệm đó.

Tôi đã dũng cảm ôm lấy nỗi sợ của mình, dạn dĩ bước tiếp với tất cả sức lực và nhiệt thành của bản thân. Chính điều ấy đã thổi làn gió mới, sáng tạo và tự do đến lạ thường, mà trước đây tôi chưa từng bắt gặp. Hiện, tôi đang thực hiện 2 bộ phim nhựa và một show truyền hình cùng với nhiều dự án khác trong tương lai.

2. Tầm sư học đạo – Tai Lopez, nhà đầu tư, cố vấn, người thành lập đế chế marketing online trị giá hàng chục triệu USD

Thuở nhỏ, tôi rời khỏi căn nhà lục đục và xào xáo của gia đình để làm công tại một trang trại thuộc Amish, bang Pennsylvania. Ngày nào cũng vậy, khi trời còn tang tảng sáng, tôi đã phải thức dậy làm việc. Nai lưng gồng gánh trong nhiều năm nhưng tôi vẫn mãi co ro trên chiếc ghế bành trong xe, cũng là căn nhà di động của tôi và mẹ.

Tôi đã chẳng có hình mẫu thành công hay thần tượng nào để làm gương cả. Lúc đó, bố tôi đang trong tù. Bế tắc, tôi hỏi người chú phương xa chuyên mua bán xe hơi và nhận được câu trả lời: “Đi bán hàng đi nếu con muốn làm giàu”.

Tôi không thích buôn bán xe nên quyết định dấn thân vào tài chính. Tuy nhiên, tôi lại chẳng có tấm bằng đại học nào lận lưng cả. Túm lấy quyển niên giám điện thoại, tôi gọi và xin được gặp mặt Mike Stainback, ông chủ một doanh nghiệp bảo hiểm trong vùng.

Tôi nói rằng hẳn ông phải là người thành công lắm khi có thể “bao” nguyên một trang quảng cáo trên cuốn niên giám này và tôi sẽ sẵn sàng làm việc không lương cho ông nếu ông chịu dạy tôi tất thảy những điều mà ông biết. Mike Stainback đáp: “Nhóc, tôi đã tìm người như cậu suốt 20 năm rồi”.

Stainback đã chỉ cho tôi “cold call” (gọi điện tiếp cận khách hàng qua điện thoại) và bán hàng là như thế nào. Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng tích lũy kiến thức và kỹ năng thông qua sách vở, các khóa huấn luyện và hội thảo. Trong quá trình “dùi mài kinh sử”, tôi tình cờ phát hiện ra một phương án tiếp thị khá mới mẻ vào thời đó nhưng lại rất phổ biến bây giờ: Google Adwords.

Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu mở các chiến dịch quảng cáo và tìm được kha khá leads (đầu mối kinh doanh). Bình quân, cứ mỗi 200 USD bỏ ra tôi mang về cho khách hàng khoảng 1.500 USD, và tôi “bỏ túi” 20% mỗi phi vụ.

Điều này đã làm Stainback chú ý. Ông đã giới thiệu tôi làm việc cho trưởng chi nhánh của Công ty GE Capital trong khu vực. Tại GE Capital, tôi đã sử dụng những kỹ năng mình có để đạt doanh số bán hàng gấp 15 lần nhân viên tốt nhất tại đó.

Trải nghiệm cùng Mike Stainback đã cho tôi biết tầm quan trọng của một người thầy, một người cố vấn và việc tận dụng xu hướng công nghệ là như thế nào. Những kinh nghiệm ấy, đến giờ vẫn là nguyên tắc vàng trong chiến lược kinh doanh của tôi.

3. Có kế hoạch đúng đắn
– Kevin Harrington, nhà phát minh của infomercial (quảng cáo tự giới thiệu qua TV), người đi tiên phong trào lưu “As Seen on TV” và là nhà đầu tư của Shark Tank với giá trị tài sản lên đến 450 triệu USD

Những năm đầu của thập niên 90, doanh số bán ra của công ty tôi rất cao nhưng chi phí kho bãi hàng hóa tại khoảng 20 nước khiến lãi ròng thu về không nhiều. Rồi, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra.

Ảnh hưởng bởi cuộc chiến, khách hàng toàn cầu dừng hẳn việc mua hàng thông qua quảng cáo TV và dĩ nhiên, doanh số bán ra của chúng tôi tụt 30-40% chỉ trong vài tuần ngắn ngủi. Lúc ấy, chúng tôi cứ đinh ninh rằng hiện tượng này sẽ mau chóng trôi qua. Nhưng không, nó kéo dài đến hàng tháng trời.

Cả công ty, trên dưới đều chao đảo khi phải hứng chịu cú đánh như trời giáng này. Lợi nhuận bằng không, tăng trưởng đình trệ và cứ mỗi tuần trôi qua, chúng tôi lại càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng vì nguồn quỹ dự trữ không đủ để khỏa lấp tổn thất.

Chưa bao giờ một kế hoạch ứng phó lại bức thiết như lúc đó. Thế nên, chúng tôi đã lập ra một đội gồm các chuyên gia tư vấn luật cũng như tài chính đến từ châu Âu, Mỹ Latin và Hoa Kỳ. Biết trước được cuộc chiến sẽ đến hồi kết, chúng tôi đã cùng nhau thảo luận và soạn một bản kế hoạch kéo dài 60 ngày để bù lỗ, mở rộng điều khoản với nhà cung cấp cũng như thu hút đầu tư.

Phương châm của công ty khi đó là giải quyết vấn đề một cách mau chóng với tinh thần mạnh mẽ và cấp thiết, hệt như khi bắt tay xây dựng doanh nghiệp. Thay vì ngồi yên đợi “trời quang mây tạnh”, chúng tôi đã quyết định cùng nhau vượt qua “tâm bão” một cách quyết liệt.

Cuối cùng, nhờ bàn bạc và có phương án đúng đắn, công ty chúng tôi cũng đã thành công trong việc vượt qua cơn sóng gió.

4. Không lùi bước
– Com Mirza, CEO của Mirza Holdings, phá sản 8 công ty liên tiếp và hiện làm chủ doanh nghiệp hơn 600 nhân viên với doanh thu 9 con số

Nhớ lại khi ấy, tôi đang mấp mé trên bờ vực của thất bại ê chề và có nguy cơ mất trắng tất thảy. Tôi cần phải kêu gọi được hơn 1 triệu USD tiền vốn trong 60 ngày.

Suốt 58 ngày, tôi đã gặp mặt mọi nhà đầu tư có thể và thảy đều nhận lấy cái lắc đầu cùng lời từ chối thẳng thừng từ họ. Sau khi “đá đít” tôi ra khỏi cuộc hẹn, người ta đã bĩu môi và gọi tôi là “thằng thất bại”. Tôi đã hoàn toàn suy sụp.

Thế nhưng, điều kỳ diệu của cuộc sống này nằm ở chỗ có một con đường sẽ mở ra cho bạn ngay trong thời khắc bạn thấy bế tắc nhất. Ngày tiếp theo, tôi tiếp tục nài xin nhà đầu tư vừa gặp hôm trước và dĩ nhiên, vẫn bị ném ra khỏi văn phòng.

Tưởng chừng mọi thứ đã kết thúc, tôi lấy hết can đảm và nhủ thầm sẽ chiến đấu với tất cả những gì mình có, phải tìm cho ra giải pháp. Tôi đánh liều gõ cửa văn phòng công ty sát bên, và vận may đã mỉm cười. Tôi có được 1,5 triệu USD để thành lập công ty của mình và hiện nó được định giá hàng triệu USD.

5. Đừng hốt hoảng. Hãy ứng biến, linh hoạt và khôn ngoan – Craig Handley, đồng sáng lập và CEO của ListenTrust

Vào tháng 2/2016, một khách hàng quan trọng của công ty đã khước từ chi trả một khoản tiền lớn và đẩy chúng tôi vào tình huống vô cùng khó khăn. Lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua, toàn bộ ban quản lý công ty không nhận được bất cứ đồng lương nào.

Trong bối cảnh sự sống còn của công ty như “chỉ mành treo chuông”, CFO và COO của tôi đã dự trù cho cả kế hoạch phá sản: “đóng băng” mọi thứ, cắt giảm mọi phần và làm “bốc hơi” 500.000 USD hạn mức tín dụng. Sau khi vay 350.000 USD với lãi suất 14%, chúng tôi sống sót được vài tuần nhưng đã mắc nợ đến 850.000 USD.

Nghiên cứu kỹ, chúng tôi phát hiện một phòng ban đã tính toán sai lệch, dẫn đến mất 7.000 USD/ tuần. Dù hợp đồng cho phép, chúng tôi đã không nâng giá thành sản phẩm mà thay vào đó, chú trọng nâng cao hiệu quả bán hàng.

Đồng thời, công ty cũng vạch ra một lộ trình sản phẩm tích cực cho các khách hàng mà vẫn giữ nguyên mức giá để kích thích lượng bán ra. Nhờ đó, chúng tôi từ mất tiền chuyển sang thu về 20.000 USD/tuần.

Sau đó, chúng tôi đẩy mạnh việc chi trả cho nhóm bán hàng, thưởng nhiều hơn cho các nhân viên giỏi một chút. Bên cạnh đó, người khách hàng không trả tiền cũng để lại hơn 100 đại lý sau khi “lặn mất tăm”.

Chúng tôi đã ứng biến, tiến hành đào tạo những đại lý này để bán hàng cho người nói tiếng Anh, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ nhắm đến đối tượng khách Tây Ban Nha. Những đại lý này chẳng mấy chốc đã đem về cho công ty 150.000 USD doanh thu hàng tuần.

Đến cuối năm, công ty từ thiếu 850.000 USD tiền vay đã trả hết nợ, thu về hơn 400.000 USD tiền lời một tuần và duy trì mức lợi nhuận khá ổn định.

Khủng hoảng tưởng chừng cướp đi từ chúng tôi nhiều thứ lại mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho công ty nhờ sự bình tĩnh và linh hoạt cũng như ứng biến khôn ngoan của mọi người.

10 cách để trở thành người có sức hút

Sự thu hút của một người không nhất thiết bắt nguồn từ yếu tố bẩm sinh. Giống như nhiều loại kỹ năng khác, đây là điều có thể trau dồi hằng ngày.

“Điểm chung của những người có sức hút là họ dường như dễ dàng trở thành “chỉ huy” của một tập thể bất kỳ mà không cần phải cố gắng. Mọi người cảm thấy bị lôi cuốn bởi nguồn năng lượng từ họ và được thúc đẩy bởi cá tính mạnh mẽ của họ. Sự thu hút khiến bạn được yêu thích”, theo bài viết về sự phát triển cá nhân từ Tổ chức Hội đồng doanh nhân trẻ (YEC: Young Entrepreneur Council, nơi quy tụ những doanh nhân trẻ triển vọng nhất thế giới) trên Success.com.

Chia sẻ về bí quyết để phát triển thương hiệu cá nhân nói chung và nâng cao sức hút nói riêng, các thành viên của YEC đưa ra một số lời khuyên như sau:

1. “Quản lý” dây thần kinh của bạn

Khi những người có sức lôi cuốn nói chuyện, bạn có thể thấy họ dường như không hề căng thẳng. “Quản lý” các dây thần kinh không phải việc dễ dàng, nhưng có một số “chiêu thức” cơ bản để đảm bảo bạn luôn diễn đạt một cách trôi chảy với sự tự tin và thu hút. Chẳng hạn như sử dụng các loại “đạo cụ” trong quá trình nói để đưa bớt áp lực bên trong ra khỏi cơ thể. Đồng thời, thầm lặp đi lặp lại “câu thần chú”: “Cơ hội này quan trọng hơn bản thân mình”.

Kristopher Jones – nhà sáng lập, CEO LSEO.com

2. Biết cách lắng nghe

Khi nghĩ về một người lôi cuốn, chúng ta thường nghĩ về khả năng của họ trong việc trò chuyện và tương tác với người khác. Nhưng điều tạo ấn tượng sâu đậm với tôi là, họ là một người biết lắng nghe. Rất khó để giỏi kỹ năng này. Và trong một thế giới có guồng quay quá nhanh như nơi chúng ta đang sống, những người biết cách lắng nghe trở nên rất thu hút. Do đó, với tôi, người có sức hút là người biết lắng nghe chân thành và giúp bạn cảm thấy như thể những suy nghĩ của bạn có giá trị.

Kelsey Meyer – nhà đồng sáng lập Influence & Co.

3. Gắn kết càng nhiều càng tốt

Nội dung những chia sẻ của bạn nên có liên quan đến những người mà bạn đang trò chuyện cùng. Trong những câu chuyện bạn đề cập, hãy đặt bản thân mình ở vị trí mà hầu hết mọi người đều có thể thấy chính họ trong đó. Hãy sử dụng “kỹ thuật phản chiếu”, ví dụ như dùng đúng những từ, thuật ngữ mà mọi người dùng, và cố gắng tìm ra mặt bằng chung của mọi người để hỏi đúng câu hỏi.

Nicole Munoz – nhà sáng lập, CEO Start Ranking Now

>> Hãy là nhà lãnh đạo có sức hút

4. Nói về đam mê của bản thân

Đây là một chủ đề hợp lý có thể góp thêm năng lượng cho phần trò chuyện của bạn. Khi nghĩ về một điều gì đó gây chán nản, năng lượng của bạn sẽ ở mức thấp. Khi nói về một đam mê (như những điều khiến bạn trăn trở hằng đêm, những điều bạn muốn đóng góp để giúp thế giới tốt đẹp hơn…), nguồn năng lượng bên trong bạn sẽ được đánh thức. Niềm đam mê đó sẽ loại bỏ các cảm giác sợ hãi, tạo ra sự thuyết phục để người khác tham gia hỗ trợ bạn.

Alan Carniol – nhà sáng lập Interview Success Formula

5. Cho nhiều hơn nhận

Người có sức hút góp phần thúc đẩy và làm cho cuộc sống của những người xung quanh trở nên phong phú hơn. Khi bạn thực tâm giúp đỡ người khác, họ sẽ đặc biệt thích bạn. Chúng ta dễ bị lôi kéo về phía những người lo cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân họ. Hãy cho nhiều hơn nhận và bạn sẽ trở nên lôi cuốn hơn.

Eric Mathews – nhà sáng lập, CEO Start Co.

6. Thêm “gia vị” hài hước

Nếu bạn có đủ tự tin để cố gắng và thành công trong việc làm cho người khác cười, bạn đã chiếm được cảm tình của họ. Sự hài hước và lôi cuốn thường đi song hành với nhau.

Yoav Vilner – nhà đồng sáng lập, CEO Ranky

7. Thích nghi với hoàn cảnh

Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự tự tin tạo ra sự thu hút, nhưng tôi lại nghĩ sự thích nghi với hoàn cảnh mới là điều tạo ra sự thu hút. Hãy theo dõi để bắt kịp tin tức và các xu hướng của lĩnh vực mình đang hoạt động, và sẵn sàng đặt câu hỏi khi không hiểu một điều gì đó. Ở mọi trường hợp, mọi người sẽ cảm thấy vui khi giải thích chuyên môn của họ cho bạn.

Bryanne Lawless – nhà quản lý tại BLND Public Relations

8. Ghi nhớ những cái tên

Việc nhớ tên của một người có thể thu hút sự chú ý của họ ngay lập tức, khiến họ cảm thấy tầm quan trọng của bản thân và cảm thấy bạn “dễ thương” hơn. Dale Carnegie từng nói: “Đối với một người, tên của họ chính là âm thanh ngọt ngào nhất”. Dù là trong công việc hay cuộc sống cá nhân, hãy nỗ lực nhớ tên của những người bạn từng gặp gỡ.

Diego Orjuela – nhà sáng lập, CEO Cables & Sensors

9. Quan tâm chân thành

Những người có sức hút thường thực lòng quan tâm đến người khác. Hãy chủ động thể hiện sự nhiệt tình quan tâm đến người khác khi tham gia một cuộc trò chuyện. Hãy lắng nghe cẩn thận những điều họ nói trước khi đặt câu hỏi để có thêm thông tin hoặc đào sâu vấn đề. Hãy làm điều này và sức hút cá nhân của bạn sẽ được gia tăng.

Ajit Nawalkha – nhà đồng sáng lập, CEO Evercoach

10. Đặt nhiều câu hỏi

Mọi người thường thích nói về chính mình. Do đó, nếu bạn hỏi họ nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ trở nên thu hút hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên mở rộng vốn từ để phần trò chuyện của mình trở nên sôi động hơn.

Tommy Mello – đồng sở hữu Hãng A1 Garage Door Repair.

CEO 28 tuổi – Đồng sáng lập 3 chuỗi cà phê Việt

CEO tuổi 28 Nguyễn Hàm Tiến Thành có 8 năm khởi nghiệp, là đồng sáng lập 3 chuỗi F&B đình đám là Coffee Gemini, Coffee Bike và ETO Coffee.

Dám từ bỏ 2 ngôi trường Đại học danh tiếng để theo đuổi đam mê kinh doanh; trải qua vô số khó khăn, áp lực cấm cản từ gia đình, chặng đường khởi nghiệp của CEO sinh năm 1989 Nguyễn Hàm Tiến Thành đã khẳng định một triết lý: Cuộc sống là một chuyến hành trình, thường khó khăn và đôi khi tàn nhẫn không ngờ. Nhưng chúng ta đều được chuẩn bị tốt cho nó nếu chúng ta biết nắm lấy tài năng của bản thân và cho phép chúng nảy nở.

28 tuổi, 8 năm khởi nghiệp với 5 công ty/dự án được sáng lập và hoạt động trên 12 tháng: Happy Media, Vlog Plus, Thik, Suki, Sướng. Tham gia đồng sáng lập 3 chuỗi F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) là Coffee Gemini, Coffee Bike, ETO Coffee. Nguyễn Hàm Tiến Thành hay ông “Sướng”, Thành Happy, Thik.. là cái tên không còn xa lạ trong cộng đồng Startup Việt.

8 năm khởi nghiệp với vô số vấp ngã. Nhưng đôi khi, thành công không chỉ là cố gắng trở nên hoàn hảo mà là hành động để khiến ngay cả những sai lầm lớn nhất của bạn cũng trở nên đúng đắn, thành công không phải bữa tiệc một đêm mà là sự từng trải để chiêm nghiệm cả cuộc đời. Chính nhờ việc tổ chức nhiều sự kiện với nhiều đối tượng khác nhau mà sau này, CEO Nguyễn Hàm Tiến Thành lại có những kinh nghiệm và kỹ năng thực tế khó có thể học được từ một trường lớp nào trong việc tổ chức các không gian với quy mô nhỏ tại các quán cà phê hiện tại – Đem lại cho anh thu nhập 12 tỷ đồng mỗi năm.

* Được biết, anh Thành khởi nghiệp kinh doanh mà không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình?

– Gia đình tôi cực kỳ phản đối. Số tiền khởi nghiệp là từ việc làm các công việc part-time như phát tờ rơi, gia sư, bán hàng online trên các trang rao vặt.. có khi làm 8 công việc trong một ngày. Từ đó mà mỗi tháng tích lũy được 5 – 10 triệu mới có thể tự đứng ra kinh doanh.

* “Ổn định” là một tiêu chí luôn được đề cao trong sự nghiệp. Tại sao anh không chọn chuyên tâm ở thương hiệu được đánh giá là khá thành công như Gemini Coffee?

– Với vai trò là người kiến tạo ra những cái mới. Khi sản phẩm đã ổn định, tôi có hai lựa chọn: Một là “chôn chân” ở đó và không bao giờ tạo ra những cái mới. Hai là tìm con đường, hướng đi mới để không ngừng sáng tạo và kiến tạo.

Trong thời gian đầu làm việc, tôi luôn thống nhất với các bạn đồng sáng lập khác về khoảng thời gian làm việc. Như ở Gemini Coffee, tôi thống nhất làm ở đó 9 tháng và thực tế thì chỉ cần 6 tháng là tôi đã sẵn sàng rời Gemini rồi. Sau đó lại tìm kiếm một thử thách mới. Thật ra điều này cũng thuộc về một phần cá tính.

* Việc mở hàng loạt Gemini, Coffee Bike hay sắp tới là ETO trong một thời gian ngắn như vậy dường như là một xu hướng?

– Xu hướng chuỗi là tất yếu. Khi bạn ra đường sẽ nhìn thấy vô vàn các nhãn hiệu, và đôi khi bạn chẳng nhớ cái tên đó là gì cả. Nhưng nếu đầu đường có quán X, giữa đường có quán X và cuối đường cũng có quán X, cả thành phố đó có khoảng 30 quán X thì người ta sẽ nhớ đến cái tên X nhiều hơn. Tác dụng của chuỗi đó là: Độ phủ thương hiệu và độ lọc thương hiệu.

Một buổi sáng đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh bắt gặp 4 quán Coffee Gemini. Ngày hôm đó bạn nhìn thấy thương hiệu Gemini 8 lần. Càng nhìn thấy nhiều độ “ám ảnh” càng tăng. Không phải ngẫu nhiên mà một con phố có thể có đến tới 3 – 4 cửa hàng cùng một thương hiệu. Câu chuyện là gì: Bạn nhìn vào thương hiệu đó 1 lần bạn không nhớ. Nhìn 5 lần có ấn tượng. Nhìn hàng trăm lần, ở mọi nơi từ quảng cáo truyền hình, trên tờ rơi, khi online Facebook… càng đi vào tâm trí khách hàng lâu hơn. Thương hiệu càng có độ phủ lớn và lặp lại càng nhiều dần dần sẽ trở thành tiềm thức.

Những tập đoàn họ đã làm thương hiệu từ cách đây 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm, từ khi kênh phủ chủ yếu bằng truyền miệng như: “Nét như Sony”… Bởi vậy mới nói xu hướng chuỗi là tất yếu.

* Tham gia đồng sáng lập 3 chuỗi cà phê đình đám, điều khiến anh cảm thấy khăn nhất trong quản lý chuỗi? Có phải là vốn?

– Vốn thời gian đầu cũng là một khó khăn. Lúc đó cái gì cũng phải tiết kiệm nhưng đến nay vốn không còn là vấn đề nữa. Khó khăn nhất vẫn là quản trị tính đồng nhất và vận hành chuỗi. Việc quản trị từ 20 nhân viên tới 200 nhân viện trong hệ thống là hoàn toàn khác nhau. Đặc thù của nhân viên part-time là tính gắn bó và trung thành với một tổ chức không cao.

Bài toán đặt ra: Làm sao để ổn định và giữ được chất lượng dịch vụ. Như 14 Gemini Coffee phải là 14 điểm bán chất lượng tốt nhất và đồng nhất từ phong cách, đồ uống tới phục vụ. Bởi chúng tôi làm dịch vụ chứ không bán hàng. Khi làm F&B, dịch vụ tốt là cái lõi để khách hàng trân trọng bạn.

* Khi câu chuyện Coffee Bike được lan tỏa, nhiều người từng hỏi: “Tại sao anh lại chuyển từ Gemini sang Coffee Bike?”

– Thực ra, Coffee Bike phát triển, Gemini cũng hỗ trợ rất nhiều. Mối quan hệ giữa chúng tôi không còn là đối thủ cạnh tranh nữa, mà đã thành đối tác, thành những người bạn trên con đường phát triển Coffee Bike. Tất cả đều nhìn thấy: Kể cả 2 chuỗi có gộp lại với nhau thì vẫn là những thành phần quá nhỏ trên thị trường quá lớn như thế này. Cho nên chúng tôi không việc gì phải cạnh tranh với nhau cả.

Cũng hiếm có một mối quan hệ nào như 3 chuỗi cà phê: Gemini, Coffee Bike, ETO. Khi tôi phát triển bất cứ một chuỗi thương hiệu nào, tôi đều muốn nó trở thành đối tác, trở thành bạn để có thể giao lưu với nhau chứ không còn là đối thủ của nhau nữa.

* Có khi nào anh nghĩ mình sẽ chuyên tâm vào một thương hiệu và ngừng tìm kiếm, phát triển các thương hiệu mới không?

– Tôi nghĩ là mình vẫn còn trẻ, nên là cứ khám phá hết khả năng của bản thân thôi.

Dù đã 8 năm nhưng đối với tôi mọi thứ vẫn là bắt đầu khởi nghiệp. Và dù có là tỷ phú đi chăng nữa thì vẫn phải khởi nghiệp, vẫn phải liên tục cải tiến, đổi mới mình. Mục tiêu của 5 năm tới là giúp Gemini, Coffee Bike và ETO phát triển lên 500 điểm bán tại nhiều thị trường khác nhau. Sắp tới Gemini Coffee sẽ mở 3 điểm bán tại Mỹ. Lớn hơn, tôi muốn cả 3 chuỗi đều phải khẳng định tên tuổi, phải vận hành ít nhất trong vòng 15-20 năm. Rau nào sâu đấy, mỗi thị trường sẽ có những cái riêng mà doanh nghiệp phải linh hoạt. Như KFC ở Việt Nam, ở Châu Á thì có cơm đấy, thị trường khác không có cơm đâu. (Cười)

* Mảnh đất F&B quả thực rất “màu mỡ” và đã được hầu hết các “ông lớn” thâu tóm?

– Mỗi năm có đến 8.000 – 20.000 điểm bán F&B được mở ra tại Việt Nam. Trong đó hầu hết là điểm bán nhỏ lẻ do một vài cá nhân lập ra. Đó là lý do vì sao đối thủ chính của chúng tôi không phải là các chuỗi mà chính là các điểm bán nhỏ lẻ.

F&B là một thị trường đầy tiềm năng. Kể cả 10 năm nữa bạn mới bắt đầu gia nhập thị trường này thì nó cũng vẫn còn rất “màu mỡ”. Chỉ có điều câu chuyện, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí là bạn có đủ may mắn để cạnh tranh hay không. Theo tôi, đây mới chính là thời điểm tốt nhất để khai thác mảnh đất F&B chứ không phải là 5 năm trước.

* Một lời khuyên của anh dành cho những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp?

1. Đừng nghĩ theo cách mình nghĩ, đừng làm theo cách mình muốn mà hãy làm theo điều khách hàng muốn, đó là điều tôi nhận ra sau 20 quán cà phê.

2. Khởi nghiệp thường có 2 chiều hướng: Một là, đánh giá quá cao năng lực bản thân sinh ra ảo tưởng, bất chấp. Hai là, đánh giá quá thấp năng lực bản thân dẫn đến nảy sinh tâm lý không dám làm, sợ thất bại.

Dù bạn là start-up hay là nhân viên làm thuê, bạn cũng cần định vị đúng năng lực và mong muốn của bản thân. Tự mình đánh giá sai sẽ khiến bản thân bị “lắp” vào những cái không phù hợp.

3. Có động lực để làm những việc nhỏ nhất. Không cần phải khởi nghiệp hay vận hành doanh nghiệp vài chục, vài trăm người, chỉ cần bạn chiến thắng bản thân mình mỗi ngày: Dậy sớm mỗi ngày, thể dục mỗi ngày, học Tiếng Anh mỗi ngày, tạo dựng mối quan hệ mới mỗi ngày, đọc một cuốn sách mỗi ngày.. Thói quen nhỏ sẽ rèn luyện những kỹ năng lớn để khi gặp một sự việc cần quyết định thì bạn đã có sẵn bản lĩnh để đối mặt.

Giả dụ, nếu bạn không học Tiếng Anh, công ty bạn hoạt động 5 năm, năm thứ 6 bạn tìm được một đối tác người Anh rất lớn có thể khiến công ty bạn đổi đời. Nhưng vì ngoại ngữ kém mà bạn mất hợp đồng đó… bạn nghĩ sao? Đó chính là nhân quả, là gieo gặt. Những việc làm nhỏ nhất ngày hôm nay có thể giúp bạn đổi đời bất kỳ lúc nào đó trong tương lai! Biết đâu được!

“Mười năm trồng cây trăm năm trồng người” – Giáo dục không phải chỉ là việc học ở trường mà việc giáo dục tự thân – tự mình giáo dục mình là điều tôi đã theo đuổi 10 năm nay, trước cả khi tôi bắt đầu khởi nghiệp.

Bởi vậy, “cháy hết mình với hiện tại” là câu nói nhiều người cho rằng sáo rỗng nhưng chính là chân lý đối với tôi hiện tại.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị! 

Nhân viên sẽ cống hiến hết mình cho công việc nếu nhà quản lý nắm được những nguyên tắc cơ bản này

Cách cư xử và thái độ của nhà quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và năng suất làm việc của nhân viên. Để tăng hiệu suất trong công việc cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo của nhân viên, nhà quản lý nhất định phải nắm được những nguyên tắc cơ bản dưới đây.

1. Tìm hiểu và quan tâm tới nhân viên của bạn

Nhà quản lý nên học cách quan tâm tới nhân viên trong thời gian làm việc tại văn phòng cũng như cuộc sống bên ngoài của họ. Đôi khi một lời động viên, sự quan tâm hay hỏi han cũng sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa nhà quản lý và nhân viên.

Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được trân trọng và hơn hết là sự sự cảm thông và chia sẻ cuộc sống như những người đồng nghiệp. Đừng chỉ biết xây dựng mối quan hệ: sếp, nhân viên và công việc bởi trong chúng ta ai cũng muốn được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ như những người bạn.

2. Đưa ra những sự khích lệ khi nhân viên làm tốt

Khuyến khích và thúc đẩy những thế mạnh của nhân viên cũng là một cách hiệu quả giúp nhà quản lý gia tăng năng suất làm việc mà vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên của mình. Bất cứ khi nào nhân viên của bạn đề xuất những ý tưởng sáng tạo, hãy lắng nghe và đưa ra sự khích lệ hợp lý để mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc.

Một món quà nhỏ hay lời tán dương trước tập thể cũng là yếu tố khích lệ quan trọng giúp nhân viên hiểu rằng những thành quả của họ được tôn trọng và sẽ nỗ lực cống hiến hơn nữa trong công việc.

3. Xây dựng quy trình làm việc nhóm và vui chơi tập thể

Làm việc nhóm cũng là một cách hiệu quả tăng cường tính đoàn kết và sự hỗ trợ trong công việc của mỗi cá nhân. Nhà quản lý nên đặc biệt đánh giá cao kết quả của team cũng như những cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong nhóm. Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được đánh giá cao bởi những nỗ lực và sự cống hiến của họ trong công việc.

Ngoài công việc, để giúp nhân viên luôn có tinh thần sáng tạo và năng lượng khi làm việc, nhà quản lý cũng nên đặc biệt quan tâm tới đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động tập thể thường xuyên để giúp nhân viên tăng cường tính đoàn kết và giải trí sau những giờ làm việc.

4. Cố gắng lắng nghe những lời thật lòng của nhân viên

Nhân viên sẽ thực sự thoải mái nếu họ dám thẳng thắn chia sẻ với nhà quản lý rằng họ bị quá sức khi làm việc hay áp lực công việc quá lớn. Đây cũng là cách sẽ giúp cho nhà quản lý nắm bắt được khối lượng công việc cũng như mong muốn của nhân viên để đưa ra sự điều chỉnh hợp lý trong cả cách làm việc và vấn đề sắp xếp thời gian.

Đặc biệt, nhà quản lý cũng cần xây dựng một không gian làm việc thoải mái với chế độ nghỉ ngơi hợp lý để nhân viên có đủ sự sáng tạo và đam mê để cống hiến trong công việc.

Bức tranh kinh tế 2017 – Những điều cần biết

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong một môi trường khắc nghiệt với thị trường toàn cầu biến động từng giờ, nhiều bất ổn kinh tế liên quan đến chính trị làm phát sinh những rủi ro kinh doanh mới. Bên cạnh đó, tiến bộ công nghệ và làn sóng cải cách kinh tế mới từ các nước cũng mở ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh.

Có lẽ chưa bao giờ, thành công trong tương lai của một doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào sự tương tác giữa các yếu tố bên ngoài và sự nhạy bén của doanh nghiệp trong việc đưa ra những thay đổi chiến lược kịp thời như hiện nay.

PGS.TS. Vũ Minh Khương (trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐHQG Singapore) nhận định, khi doanh nghiệp đứng trước những đổi thay nhanh chóng được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ và xu thế thời đại, song song đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, “căn bệnh tự mãn” chính là một trong những yếu tố gây ra tổn thất lớn. Và để phòng tránh hiệu quả “căn bệnh” này, các doanh nghiệp hàng đầu cần một loại vaccin đặc biệt, đó là sự lo lắng về tương lai và tầm nhìn thôi thúc phải làm nên những thành công lớn hơn nhiều trong tương lai.

Trên thực tế, khi chèo lái con tàu doanh nghiệp trước những con sóng đầy thách thức, các nhà điều hành doanh nghiệp năng động luôn đau đáu những câu hỏi: Triển vọng về những cơ hội do hội nhập kinh tế khu vực mang đến là gì? Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nào trong năm 2017? Các nhà điều hành doanh nghiệp có thể bảo vệ hoạt động của họ trên lộ trình theo đuổi lợi nhuận và tăng trưởng như thế nào?

Hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp năm 2017” (The Economic Landscape of Business in 2017) với sự quy tụ của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn và CEO hàng đầu Việt Nam, sẽ đưa ra những góc nhìn và lời giải đáp cho những câu hỏi trên theo 3 khía cạnh:

– Những xu thế chiến lược trong bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam

– Chiến lược tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam

– Nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức: Bài học từ những doanh nghiệp điển hình

Họp báo công bố Hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp năm 2017” hôm 27/2/2017

Hội thảo diễn ra lúc 14 – 19h, thứ Bảy ngày 15/4/2017 tại Hội trường Thống Nhất – TP.HCM. Trong số 500 khách tham dự là CEO doanh nghiệp, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, nhiều nhân vật đã được biết đến với uy tín cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, như: PGS. TS. Vũ Minh Khương; GS. John Behzad (thuộc Đại học Công lập California, Hoa Kỳ); TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tiến sĩ kinh tế của Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU); TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk); ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco); bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco; ông Mai Hữu Tín – nguyên Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV (nhiệm kỳ 2011-2014), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư U&I…

Hội thảo là sự quy tụ và tương tác giữa các chuyên gia kinh tế, học giả và doanh nhân để có một cái nhìn tổng thể về Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017, từ đó đúc kết những kinh nghiệm, những nghiên cứu để trình các nhà hoạch định chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thông qua Hội thảo, các bên sẽ cùng xem xét tình hình hiện tại của nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam để tìm ra những phương thức giúp doanh nghiệp Việt bảo vệ hoạt động và duy trì sự tăng trưởng bền vững trước bối cảnh đầy thách thức hiện nay.

Tìm hiểu thêm thông tin Hội thảo và đăng ký tham dự tại địa chỉ: http://buctranhkinhte.uel.edu.vn/

Kinh phí tham dự:

– Trước ngày 25/3/2017: 500.000 đ/khách tham dự (Đăng ký và chuyển khoản)

– Từ ngày 26/3/2017 – 5/4/2017: 700.000 đ/khách tham dự (Đăng ký và chuyển khoản)

– Từ ngày 6/4/2017 – 14/4/2017: 1.000.000 đ/khách tham dự (Có thể đóng tiền trực tiếp tại Hội thảo)