Category Archives: Job seeker

Nhân viên sẽ cống hiến hết mình cho công việc nếu nhà quản lý nắm được những nguyên tắc cơ bản này

Cách cư xử và thái độ của nhà quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và năng suất làm việc của nhân viên. Để tăng hiệu suất trong công việc cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo của nhân viên, nhà quản lý nhất định phải nắm được những nguyên tắc cơ bản dưới đây.

1. Tìm hiểu và quan tâm tới nhân viên của bạn

Nhà quản lý nên học cách quan tâm tới nhân viên trong thời gian làm việc tại văn phòng cũng như cuộc sống bên ngoài của họ. Đôi khi một lời động viên, sự quan tâm hay hỏi han cũng sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa nhà quản lý và nhân viên.

Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được trân trọng và hơn hết là sự sự cảm thông và chia sẻ cuộc sống như những người đồng nghiệp. Đừng chỉ biết xây dựng mối quan hệ: sếp, nhân viên và công việc bởi trong chúng ta ai cũng muốn được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ như những người bạn.

2. Đưa ra những sự khích lệ khi nhân viên làm tốt

Khuyến khích và thúc đẩy những thế mạnh của nhân viên cũng là một cách hiệu quả giúp nhà quản lý gia tăng năng suất làm việc mà vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên của mình. Bất cứ khi nào nhân viên của bạn đề xuất những ý tưởng sáng tạo, hãy lắng nghe và đưa ra sự khích lệ hợp lý để mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc.

Một món quà nhỏ hay lời tán dương trước tập thể cũng là yếu tố khích lệ quan trọng giúp nhân viên hiểu rằng những thành quả của họ được tôn trọng và sẽ nỗ lực cống hiến hơn nữa trong công việc.

3. Xây dựng quy trình làm việc nhóm và vui chơi tập thể

Làm việc nhóm cũng là một cách hiệu quả tăng cường tính đoàn kết và sự hỗ trợ trong công việc của mỗi cá nhân. Nhà quản lý nên đặc biệt đánh giá cao kết quả của team cũng như những cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong nhóm. Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được đánh giá cao bởi những nỗ lực và sự cống hiến của họ trong công việc.

Ngoài công việc, để giúp nhân viên luôn có tinh thần sáng tạo và năng lượng khi làm việc, nhà quản lý cũng nên đặc biệt quan tâm tới đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động tập thể thường xuyên để giúp nhân viên tăng cường tính đoàn kết và giải trí sau những giờ làm việc.

4. Cố gắng lắng nghe những lời thật lòng của nhân viên

Nhân viên sẽ thực sự thoải mái nếu họ dám thẳng thắn chia sẻ với nhà quản lý rằng họ bị quá sức khi làm việc hay áp lực công việc quá lớn. Đây cũng là cách sẽ giúp cho nhà quản lý nắm bắt được khối lượng công việc cũng như mong muốn của nhân viên để đưa ra sự điều chỉnh hợp lý trong cả cách làm việc và vấn đề sắp xếp thời gian.

Đặc biệt, nhà quản lý cũng cần xây dựng một không gian làm việc thoải mái với chế độ nghỉ ngơi hợp lý để nhân viên có đủ sự sáng tạo và đam mê để cống hiến trong công việc.

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Làm phần mềm cần 10-14h/ngày. Anh chị nào quen làm 5 – 6h ở những nơi khác thì đừng về Fsoft!

Đặt mục tiêu tỷ USD vào năm 2020, Chủ tịch Fsoft cho rằng “Chúng tôi thiếu đúng duy nhất là con người, còn mục tiêu 1 tỷ USD thì không xa xôi gì cả”.

Ngày 20/4, ‘bữa tiệc hàng năm’ của Bộ Công Thương mang tên Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2017, quy tụ các tên tuổi doanh nghiệp Việt làm xuất khẩu, đã diễn ra. FPT, với đại diện FPT Software (tên thường gọi là Fsoft) đến tham dự Diễn đàn với tư cách một đại diện trong ngành xuất khẩu và gia công phần mềm.

Trong phần tọa đàm, Chủ tịch đương nhiệm của Fsoft Hoàng Nam Tiến đã ‘hiến kế’ cho rằng làm phần mềm chính là con đường mà xuất khẩu Việt Nam có thể xem xét đến. Đồng thời, muốn làm được tốt, nhân lực Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho mình 2 chữ “trẻ” và “khỏe”.

Xuất khẩu Việt hãy làm gia công phần mềm!

“Từ những sự thay đổi công nghệ trên thế giới, tôi cho rằng việc tập trung vào làm phần mềm, nghiên cứu phần mềm là một hướng đi hoàn toàn có thể lựa chọn” – ông Tiến nhấn mạnh.

Lý giải về nhận định của mình, ông Tiến cho rằng thị trường mà Fsoft đang tham gia được xem là “unlimited” trên thế giới (không có giới hạn về dung lượng thị trường)

“Thống kê 2016, thị trường phần mềm mà FPT có thể làm được lên đến 994 tỷ USD. Đây là thị trường mà chúng tôi hay gọi là “unlimited” (không có giới hạn). Vấn đề giới hạn là năng lực của chúng ta mà thôi”.

Theo lời mô tả của Chủ tịch bộ phận ‘đẻ trứng vàng’ cho FPT, thị trường gia công phần mềm này sẽ còn phình to ra trong tương lai. Ngay lúc này, không chỉ riêng tại Việt Nam mà nếu tính cả hàng triệu kỹ sư phần mềm tại Ấn Độ, Trung Quốc hay ở nhiều nước trên thế giới thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thế giới.

Ông nói: “Đây là một trong số những ngành mà từ 10 -15 năm nữa sẽ luôn luôn thiếu nhân lực”. Đồng thời, “những khách hàng trong thị trường là những nước giàu nhất thế giới, như các nước Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… đều cần”

So sánh với tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực khác, như lúa gạo, da giày… ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh rằng việc có tên trên bản đồ một ngành có sức tăng trưởng dồi dào như gia công phần mềm chính là một điều hiếm có và may mắn với xuất khẩu Việt Nam.

Nhân lực cần “khỏe”: “Anh chị nào ở một số nơi mà quen làm có 5 – 6 tiếng/ngày thì đừng làm”

Ông Hoàng Nam Tiến cũng nói về yêu cầu của nguồn nhân lực nếu muốn ‘lên đỉnh’ thế giới trong ngành gia công phần mềm này:

“Việt Nam chúng ta có làm được không? Tôi xin trả lời là đến ngày hôm nay, với một trình độ đào tạo không được cao lắm nhưng chúng ta vẫn cho ra được những kỹ sư đáp ứng đủ nhu cầu thế giới”.

Để làm được điều này, nguồn nhân lực của Việt Nam cần đến 2 chữ là “trẻ” và “khỏe”.

Ở điểm “trẻ” thì theo ông Tiến, “ở độ tuổi như tôi ở công ty (48 tuổi – PV) đã được xem là già để làm phần mềm. Nhân sự trong ngành này nói chung là phải trẻ”.

Còn chia sẻ về yếu tố “khỏe”, vị Chủ tịch cũng chia sẻ về yêu cầu khắc nghiệt của nghề làm phần mềm là một ngày cần làm việc từ 10 -14 tiếng thì mới đảm đương được khối lượng công việc.

“Tôi rất xin lỗi nhưng không có ai mà làm 5 – 6 tiếng/ngày mà làm được phần mềm được đâu ạ. Anh chị nào ở môt số nơi mà quen làm 5 – 6 tiếng/ngày thì đừng về làm phần mềm ở Fsoft” – ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ thẳng thắn.

Nói thêm về câu chuyện của Fsoft, ông Tiến thể hiện tham vọng to lớn của mình cũng như của Tập đoàn FPT trong ngành gia công phần mềm. Cụ thể, ông chia sẻ năm 2016 vừa qua, Fsoft chỉ làm được có 230 triệu USD trên tổng số gần 1000 USD dung lượng thị trường. Thế nhưng đến năm 2020, công ty này đã đạt mục tiêu đạt được tới mức rất cao là 1 tỷ USD.

Tuy nhiên theo ông, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi. “Chúng tôi thiếu đúng duy nhất là con người, còn mục tiêu 1 tỷ USD thì không xa xôi gì cả” – ông Tiến nói.

Bí quyết lập nghiệp: Hãy “tước đoạt” kiến thức của người khác!

Hãy học cách “tước đoạt” kiến thức của người khác, và “tước đoạt” của càng nhiều người càng tốt, đó là thông điệp được các doanh nhân – diễn giả đưa ra tại buổi giao lưu doanh nhân – sinh viên tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn vào sáng 11/4.

Với chủ đề “Tự tin lập nghiệp”, buổi giao lưu là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Hàng trăm sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn đã được lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh thú vị và những kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nhân – diễn giả: ông Tạ Minh Tuấn – Chủ tịch TMT Group, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, ông Võ Thái Hòa – Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam và ông Huỳnh Công Thắng – người điều phối chương trình, Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần Mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM và GS-TS-Nhà nông học Võ Tòng Xuân – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo GTTNLVC.

Hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, các doanh nhân – diễn giả đã mang đến cho buổi giao lưu nhiều phần chia sẻ phong phú và bổ ích, giúp sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn có cái nhìn tổng quan và đa chiều hơn về con đường khởi nghiệp, lập nghiệp và hoàn thành mục tiêu cuộc đời. Theo đó, một trong những thông điệp được nhấn mạnh nhất là: kiến thức là nền tảng quan trọng cần phải được trau dồi thật kỹ lưỡng, và dù làm thuê hay làm chủ, để không bị “lỗ” và thành công trên con đường sự nghiệp, người trẻ cần phải học tập thật tốt, phải biết cách “tước đoạt” những kiến thức của người khác và biến nó thành của mình.

Có hơn 30 năm gắn bó với nghề thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết, bí quyết để giữ lửa nghề chính là phải có mục tiêu cuộc đời. Đây chính là yếu tố giúp bà luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để có thể làm việc không mệt mỏi. “Bi kịch cuộc đời của một người không phải là không thực hiện được mục tiêu mà là không có mục tiêu để hướng đến”, bà chia sẻ về một câu nói tâm đắc. Còn với ông Hòa, bí quyết thành công của ông gói gọn trong từ “niềm tin”. “Bạn phải có niềm tin vào đồng nghiệp, vào công ty, vào các kế hoạch mình đã đề ra”, ông nhấn mạnh với sinh viên.

Khởi nghiệp từ năm 2 đại học, sớm nếm mùi thất bại khi công ty bị đối tác “quỵt tiền” dẫn đến phá sản, rồi sau đó đứng dậy và lại tiếp tục khởi nghiệp với lĩnh vực y tế và nhiều lĩnh vực khác, ông Tuấn nhận định: “Khởi nghiệp là một con đường, bạn nên khởi nghiệp sớm, nhưng đừng vội… Điều quan trọng bạn nhận được là “thành nhân”. Nó giúp bạn hoàn thiện bản thân mình hơn. Do đó, hãy để khởi nghiệp thay đổi mình”.

Đông đảo sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn tham gia buổi giao lưu và hào hứng đặt câu hỏi với các diễn giả.
Từ trái sang: ông Tạ Minh Tuấn, bà Lê Thị Thanh Lâm, ông Võ Thái Hòa và ông Huỳnh Công Thắng.
GS-TS-Nhà nông học Võ Tòng Xuân khuyên người trẻ cần phải có đam mê, ước mơ và biết tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường để khi ra trường sẽ dễ dàng hiện thực hóa ước mơ.
Sinh viên liên tục đặt câu hỏi cho các diễn giả.
Đến tham dự buổi giao lưu và chia sẻ về bí quyết giúp người trẻ tự tin hơn khi xin việc, ông Phan Công Chính – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp doanh nghiệp Toàn Cầu (GESO) cho biết, ứng viên cần tìm hiểu kỹ xem vị trí mình ứng tuyển đang đòi hỏi những kỹ năng gì, đồng thời cần phát huy thế mạnh riêng và điều chỉnh những điểm còn chưa phù hợp với doanh nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung – Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (thứ 2, từ phải sang) và PGS-TS. Cao Hào Thi – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả, doanh nhân tham dự buổi giao lưu.

Để tự tin, sinh viên cần nắm vững kiến thức

Sáng 1/4, hàng trăm sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tham gia buổi giao lưu cùng các doanh nhân – diễn giả xoay quanh chủ đề “Tự tin lập nghiệp”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Các doanh nhân – diễn giả giao lưu cùng sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM gồm: ông Trần Hải Linh – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, ông Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bến Thành, ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, ông Nguyễn Anh Toàn – Cố vấn tài chính Hội đồng Quản trị chuỗi cà phê Javi, và ông Huỳnh Công Thắng – Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần Mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trả lời thắc mắc của nhiều sinh viên xoay quanh chủ đề làm thế nào để có đủ tự tin khi bắt đầu lập nghiệp, các doanh nhân khuyên trước hết sinh viên – bao gồm sinh viên thuộc khối ngành Tài chính – Ngân hàng – nên dành thời gian bổ sung kiến thức chuyên ngành thật tốt. Song song đó, các sinh viên cần chú tâm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xây dựng thái độ học tập tích cực và học cách lập kế hoạch cho cuộc đời.

Đông đảo sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và ĐH Kinh tế – Luật đến tham dự buổi giao lưu sáng 1/4.
Từ trái sang: ông Huỳnh Công Thắng, ông Đinh Khắc Hoàng, ông Ngô Vi Đồng, ông Nguyễn Anh Toàn, ông Trần Hải Linh.
Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thắc mắc làm thế nào để thăng tiến trong công việc, đồng thời cách duy trì tính kỷ luật trong cuộc sống.
Là một cựu sinh viên trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Nguyễn Anh Toàn chia sẻ câu chuyện 4 năm đi làm thêm tại các công ty tài chính và ngân hàng nhằm tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc vừa học vừa làm cũng ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học. Và một trong những phương pháp giúp ông vượt qua giai đoạn khó khăn đó là tận dụng kỹ năng giao tiếp có được nhờ đi làm để làm quen với các anh chị khóa trên, qua đó giúp đỡ ông học tập tốt trở lại.
Từ kinh nghiệm sống của bản thân, ông Ngô Vi Đồng khuyến khích người trẻ nên phát huy khả năng nắm bắt thông tin nhanh – nhạy vào trong lĩnh vực học tập và rèn luyện thái độ sống tích cực. Ông còn khuyên sinh viên nên học cách thiết lập mục tiêu cuộc đời, tự chọn lý tưởng sống cho bản thân và điều quan trọng nhất là đừng bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn.
Sinh viên lắng nghe lời khuyên chân thành của các doanh nhân liên quan đến phương pháp nâng cao kiến thức chuyên môn, chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập và bí quyết duy trì động lực trong cuộc sống.
Có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nhưng ông Đinh Khắc Hoàng lại xuất thân từ môi trường điện ảnh chuyên nghiệp và từng là nhà sản xuất phim. Để có thể tự tin “lấn sân” sang lĩnh vực bảo hiểm và gắn bó lâu năm với nghề, ông tiết lộ, chính là nhờ tinh thần không ngừng học hỏi, và luôn cố gắng bổ sung kiến thức chuyên ngành. Giải đáp thắc mắc của sinh viên liên quan đến phát triển nghề nghiệp, ông Hoàng khuyên, nghề bảo hiểm cần nhiều đến kỹ năng thuyết phục và đọc vị người khác. Để đạt được điều này, người trẻ cần thời gian trải nghiệm, rèn luyện bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật và ĐH Ngân hàng TP.HCM nhờ các vị doanh nhân – cũng là các giám khảo của GTTNLVC 2017 tư vấn cách xây dựng đề án kinh doanh, và bí quyết đạt điểm cao khi tham dự cuộc thi.
Các diễn giả nhiệt tình giải đáp từng thắc mắc của thí sinh, khuyến khích tinh thần sáng tạo, ham học hỏi của thí sinh thể hiện trong đề án.
Sinh viên thắc mắc làm thế nào để tự tin trong giao tiếp và hòa nhập không khí đám đông.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Hải Linh khuyên sinh viên hãy thử “tạm quên mình là ai” để phá vỡ rào cản tâm lý sợ khác biệt với số đông. Ông cho biết, bất cứ một cộng đồng hay một nhóm người nào cũng có cách giao tiếp, ứng xử riêng với nhau. Do đó, việc học cách “giả vờ” sẽ giúp bạn quan sát tốt hơn và hòa nhập nhanh hơn vào cộng đồng đó.
Ông Ngô Vi Đồng – Phó trưởng BTC GTTNLVC 2017 (bìa trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Người trẻ hãy biết tận dụng mặt tích cực của tình yêu

Sinh viên hãy tận dụng mặt tích cực của tình yêu để học tốt hơn và cùng hỗ trợ nhau hiệu quả hơn trên con đường lập nghiệp!

Đó là thông điệp từ các diễn giả tại buổi giao lưu Doanh nhân – Sinh viên với chủ đề “Tự tin lập nghiệp” tại ĐH Kinh tế – Luật sáng 30/3. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Tại sự kiện này, các sinh viên ĐH Kinh tế – Luật đã được gặp gỡ và giao lưu cùng các doanh nhân – diễn giả, được nghe tư vấn về những kiến thức cần tích lũy, những kỹ năng cần chuẩn bị để bắt đầu chặng đường lập nghiệp sau này. Song song đó là những kinh nghiệm, câu chuyện thực tế về một vấn đề rất được sinh viên quan tâm, đó là tình yêu thời sinh viên.

Nên hay không nên có người yêu khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường? Trong mối quan hệ đó, làm sao hai người có thể hỗ trợ nhau học tập tốt hơn? Quản lý, phân chia thời gian để học tập, yêu đương và tham gia các hoạt động khác sao cho hiệu quả?

Các doanh nhân – diễn giả giao lưu cùng sinh viên ĐH Kinh tế – Luật gồm: Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – CEO Saigon Books, bà Đặng Thị Phương Ninh – Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) và ông Huỳnh Công Thắng – điều phối viên chương trình, Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ trái sang: ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, bà Đặng Thị Phương Ninh và ông Huỳnh Công Thắng.
Sinh viên ĐH Kinh tế – Luật thích thú trước những nội dung chia sẻ gần gũi và thiết thực của các doanh nhân về mối tương quan giữa tình yêu thời sinh viên và việc lập nghiệp sau này.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh kể về câu chuyện tình yêu thời đại học của mình. CEO Saigon Books cho biết, người bạn gái đó đồng thời cũng chính là cộng sự đắc lực, hỗ trợ ông rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu học tập, làm nghiên cứu khoa học. Việc bạn gái học giỏi cũng là động lực giúp ông phấn đấu hơn. Ông Quỳnh kết luận: “Hãy tận dụng mặt tích cực của tình yêu để làm mọi thứ tốt hơn chứ đừng chỉ để mình rơi vào trạng thái đau khổ, giận hờn…”.
Nói về vấn đề này, nữ diễn giả duy nhất của buổi giao lưu chia sẻ, tình yêu thời sinh viên có sự lãng mạn, trong sáng rất khó kiếm ở những giai đoạn sau này của cuộc đời nên người trẻ cần trân trọng và cởi mở hơn. Bà nhấn mạnh, nếu biết điều tiết tốt cảm xúc, tình cảm đó sẽ là một dấu ấn sâu đậm trong suốt cuộc đời.
Ông Huỳnh Công Thắng kể câu chuyện tình yêu thú vị của mình: quyết tâm giành học bổng để có cớ nói chuyện với cô bạn mà mình muốn làm quen.
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi giao lưu với các diễn giả cũng như chia sẻ những câu chuyện thực tế, những băn khoăn của mình.
Các diễn giả vui vẻ giải đáp những thắc mắc của sinh viên. Một điểm chung thú vị của cả 3 người là: người yêu thời sinh viên cũng chính là bạn đời hiện tại của họ.
Một trong những thông điệp quan trọng ông Quỳnh nhấn mạnh là: Cuộc sống mỗi người bao gồm 5 yếu tố chính là tình yêu, gia đình, bạn bè, công việc và thú vui riêng. Đừng đặt 100% thời gian, công sức cho bất kỳ yếu tố nào, và cũng đừng bỏ qua bất kỳ yếu tố nào. Đó cũng chính là bí quyết để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống nói chung và công việc, sự nghiệp nói riêng.
Cô Nguyễn Thị Mai Trang – giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh thay mặt sinh viên đặt câu hỏi với các diễn giả về bí quyết để nhận được cái gật đầu của nhà tuyển dụng và phương pháp giúp người trẻ quản lý tốt thời gian để cân bằng công việc và cuộc sống.
Sinh viên hưởng ứng phần giải đáp của diễn giả bằng một tràng vỗ tay lớn. Theo đó, tùy theo vị trí ứng tuyển, ứng viên cần chú trọng các yếu tố tương ứng mà nhà tuyển dụng có thể đòi hỏi như kiến thức, ngoại hình, thái độ, kỹ năng… Còn về vấn đề quản lý thời gian, theo bà Ninh, người trẻ cần tập trung toàn tâm toàn ý vào phần việc đang làm để có thể hoàn thành dứt điểm nó một cách hiệu quả trước khi bắt đầu một việc khác.
Ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng Báo Doanh Nhân Sài Gòn (bìa trái), nhà báo Nguyễn Văn Ngữ – Thư ký tòa soạn Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Ủy viên Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (bìa phải) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện trường ĐH Kinh tế – Luật.